Do sản xuất và kinh doanh phát triển; giá cả hàng hóa không tăng đột biến; quan hệ cung - cầu hàng hóa, dịch vụ khá ổn định, kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá đã đảm bảo bù đắp quỹ tiêu dùng ngày càng tăng và có tích lũy để tái sản xuất mở rộng. Ngoài tích lũy từ nội bộ nền kinh tế còn được bổ sung thêm nhiều nguồn vốn (vốn đầu tư của Trung ương, vốn nước ngoài, vốn vay.... ) đã đưa nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng khá (trong 4 năm đạt 32 ngàn tỷ đồng). Các công trình xây dựng hoàn thành đã làm tăng năng lực sản xuất của các ngành sản xuất và dịch vụ. Đến nay tất cả các xã đều có đường ô tô đến trung tâm xã, có trạm y tế, có điện lưới. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi giảm dần. Tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu của dân cư đã được khắc phục, kể cả miền núi, vùng sâu, vùng xa. Điều kiện sinh hoạt, học tập, khám chữa bệnh, tiếp cận thông tin.... ngày càng được cải thiện. Để đánh giá đúng thực trạng mức sống dân cư trên địa bàn, năm 2009 Cục Thống kê Bình Thuận đã tiến hành điều tra mẫu 1.500 hộ gia đình. Kết quả chọn mẫu 1.500 hộ cơ cấu rất phù hợp với kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 về phân theo khu vực, phân theo vùng, phân theo thành phần kinh tế, phân theo ngành nghề, phân theo tôn giáo và theo độ tuổi. Thông qua kết quả điều tra, Cục Thống kê Bình Thuận biên soạn chuyên đề: “Kết quả khảo sát mức sống hộ gia đình năm 2009 tỉnh Bình Thuận” giúp lãnh đạo các ngành, các cấp tham khảo. Chuyên đề được trình bày với một số nội dung sau: - Hộ, nhân khẩu, lao động được chọn điều tra - Nhà ở, môi trường và tiện nghi sinh hoạt - Thu nhập và phân loại mức sống của hộ qua thu nhập - Chi tiêu và cơ cấu chi tiêu - Tích luỹ hộ gia đình - Tiếp cận thông tin và nhận định một số vấn đề xã hội ở địa phương - Đánh giá tổng quát - Một số giải pháp chủ yếu để tiếp tục cải thiện, nâng cao mức sống: 1. Hộ, nhân khẩu, lao động được chọn điều tra Với 1.500 hộ được chọn điều tra cho thấy có 7.287 nhân khẩu, trong đó có 4.730 lao động. Như vậy số nhân khẩu bình quân 1 hộ là 4,9 người. Phân theo ngành nghề hoạt động chủ yếu cho thấy nhân khẩu/hộ cao nhất là hộ thủy sản (5,7 người/hô); kế đến là hộ nông lâm nghiệp, thương nghiệp (4,8 người), hộ công nghiệp-TTCN, dịch vụ (4,6 người) và thấp nhất là hộ làm công ăn lương (3,9 người). Phân theo vùng cho thấy vùng Trung du có số nhân khẩu bình quân 1 hộ cao hơn các vùng khác (5,3 người/hộ).
Số người ở độ tuổi lao động trong hộ giữa các ngành nghề cũng khác nhau, cao nhất là hộ thủy sản (4 người/hộ); thương nghiệp (3,2 người) kế đến là hộ dịch vụ (3,1 người); hộ nông lâm nghiệp; hộ xây dựng (3 người); hộ công nghiệp-TTCN (2,9 người); hộ làm công ăn lương (2,5 người). Số lao động/hộ ở vùng Trung du đạt cao nhất (3,5 người); kế đến là vùng Đồng bằng (3,2 người); Miền núi (3,1 người); Vùng cao, hải đảo (2,8 người). Như vậy số người ngoài tuổi lao động ở hộ thuỷ sản là 1,7 người/hộ; nông lâm nghiệp là 1,8 người/hộ; công nghiệp-TTCN là 1,7 người/hộ; dịch vụ 1,5 người; thương nghiệp 1,6 người; hộ làm công ăn lương 1,4 người. Kết quả trên cũng cho thấy năm 2009 tỷ lệ người sống phụ thuộc (số người ngoài tuổi lao động/số người trong tuổi lao động) nhiều nhất là hộ nông lâm nghiệp (0,60); kế đến là các hộ công nghiệp-TTCN (0,58); hộ thương nghiệp (0,50); hộ dịch vụ (0,48); hộ thuỷ sản là (0,42). Phân vùng cho thấy vùng đồng bằng (0,50); trung du (0,52); miền núi (0,53), vùng cao, hải đảo (0,75). Chỉ tiêu này ở năm 2006 là: Nông lâm nghiệp (0,81); công nghiệp – TTCN (0,72); thương nghiệp (0,74); dịch vụ (0,70); thuỷ sản (0,75); vùng đồng bằng (0,75); trung du (0,72); miền núi (0,81), vùng cao, hải đảo (0,87). Như vậy “tỷ số phụ thuộc” ở hộ trong từng ngành nghề và ở các vùng đều giảm xuống. Điều này sẽ tạo điều kiện tốt cho kinh tế hộ gia đình có tiết kiệm để đầu tư phát triển. 2. Nhà ở, môi trường và tiện nghi sinh hoạt Nhà ở gia đình cũng có nhiều thay đổi. Cuộc điều tra cũng cho thấy tỷ lệ hộ có nhà ở kiên cố là 12%, nhà bán kiên cố 81,8%, nhà tạm và nhà khác là 6,2%. Phân theo ngành nghề cho thấy hộ thương nghiệp có tỷ lệ nhà kiên cố cao nhất (21,2%); kế đến là hộ dịch vụ (18,4%); Công nghiệp –TTCN (17,9%); hộ xây dựng (11,1%); hộ thuỷ sản (8,24%); hộ nông lâm nghiệp (7,54%) và thấp nhất là hộ làm công ăn lương (4,3%). Về nhà ở tạm, nhà khác: cao nhất là hộ khác (20%); kế đến là hộ xây dựng (11,1%); hộ thủy sản (9%); hộ công nghiệp-TTCN (8,2%); hộ nông lâm nghiệp (7,1%); vùng đồng bằng là 6,41%; trung du 5%; miền núi 6,44%; vùng cao, hải đảo 5%. |