[ 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 ]

 

 

 

PHẦN III: NHỮNG ĐẠT ĐƯỢC, KHÓ KHĂN, TỒN TẠI VÀ GIẢI PHÁP

1. Những đạt được:

- Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng hoạt động du lịch của tỉnh vẫn diễn ra khá tốt và tiếp tục có sự phát triển một số mặt. Các chỉ tiêu về lượng khách du lịch, số lần khách quay lại, thời gian lưu trú và chi tiêu của khách có tăng trưởng hơn. Hoạt động du lịch ở một số địa bàn như Tiến Thành, Hàm Thuận Nam, Lagi, Tuy Phong có sự chuyển biến khá.

- Những thành quả đáng ghi nhận của du lịch Bình Thuận đã thể hiện nỗ lực phấn đấu của tỉnh qua kết quả triển khai thực hiện đúng đắn, sáng tạo kết hợp văn hóa với kinh tế trong du lịch, do vậy mức tăng trưởng doanh thu du lịch không ngừng phát triển, nhất là qua 5 năm vừa qua (tăng trưởng bình quân hàng năm tăng 29,3%, trong đó đối với khách quốc tế tăng 36,9%). Đồng thời góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu (xuất khấu dịch vụ du lịch tại chỗ) rất hiệu quả và đầy triển vọng.

- Cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, chất lượng dịch vụ du lịch ngày càng mang tính chuyên nghiệp hơn. Hầu hết các cơ sở lưu trú du lịch nhất là các cơ sở 3 sao trở lên đều quan tâm tích cực tái đầu tư, đổi mới trang thiết bị, tăng thêm dịch vụ và nâng cao chất lượng phục vụ du khách, giữ được uy tín, thương hiệu, duy trì được tỷ lệ khách quay lại, tăng mức chi tiêu của khách. Ngoài ra các hoạt động thông tin tuyên truyền quảng bá du lịch tiếp tục tăng nhiều mặt và từng bước nâng cao chất lượng, đi dần vào chiều sâu. Du lịch Bình Thuận tiếp tục khẳng định mình và lan tỏa ngày càng xa hơn.

- Số lượng sản phẩm du lịch từng bước nâng lên về số lượng và chất lượng mang tính chuyên nghiệp hơn. Cùng với dịch vụ lưu trú, giải trí, nghỉ ngơi là các sản phẩm hàng hóa, quà lưu niệm đặc thù của địa phương như hàng dệt thổ cẩm, nước mắm, thanh long...Và các khu ẩm thực với những món ăn đặc sản biển được đầu tư, nghiên cứu chế biến phù hợp với khẩu vị của du khách trong mọi miền đất nước và cả khách quốc tế thuộc các khu vực trên thế giới từ châu Á, châu Âu đến châu Mỹ. Đồng thời, tỉnh thường xuyên bàn nhiều biện pháp nhằm đa dạng hoá sản phẩm du lịch với các sản phẩm đặc thù phù hợp với từng vùng, từng địa phương để thoả mãn nhu cầu đa dạng, ngày càng tăng của các đối tượng du khách nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch.

2. Khó khăn, tồn tại:

- Một số nhiệm vụ Nghị quyết của tỉnh ủy đề ra triển khai còn chậm như: phát triển sản xuất thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm, rau, hoa, cây cảnh... nhằm phục vụ du lịch. Việc triển khai xây dựng các dự án du lịch còn khá chậm, hoạt động phát triển du lịch chưa đồng đều, khu vực phía Nam Phan Thiết và Long Sơn – Suối Nước tuy có khởi sắc nhưng vẫn còn nhiều khó khăn nhất định, lượng khách đến không thường xuyên, thời gian lưu trú ngắn. Các dự án du lịch hiện nay rất nhiều, tuy nhiên nhiều dự án du lịch còn bỏ ngỏ, hàng trăm dự án resort, với con số đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng, đã đăng ký kín gần như không còn một chỗ nào trống. Nhưng thực tế cho thấy, rất nhiều dự án chỉ “nằm treo” trên giấy, hoặc mới đang trong quá trình thi công các hạng mục ban đầu thì dừng lại... bỏ hoang hoặc có hoàn thành nhưng lại kinh doanh “èo uột”, không hiệu quả… Một số dự án du lịch chậm đi vào kinh doanh, công tác giải tỏa đền bù còn nhiều vướng mắc, khó khăn, một số chủ dự án không có năng lực tài chính nên không triển khai dự án được... Mặt khác bố trí các cơ sở lưu trú một số vùng còn có nhiều bất cập như khu dân cư, các cơ sở hoạt động công nghiệp, chế biến thủy sản đan xen với khu du lịch, các khách sạn 3 sao trở lên còn thiếu. Cần đẩy nhanh tiến độ các dự án đang được thực hiện và loại dần những dự án không khả thi, nằm chờ dài hạn. Tăng cường kêu gọi vốn đầu tư nhưng cũng sẽ hết sức quan tâm tới tư vấn đầu tư để chú ý đáp ứng các loại nhu cầu của du khách.

- Ý thức chấp hành các quy định về kinh doanh lưu trú du lịch của một số doanh nghiệp chưa cao, gây khó khăn nhất định cho công tác quản lý nhà nước về du lịch. Hoạt động kinh doanh lữ hành không đúng quy định, không đủ điều kiện và không khai báo cho cơ quan quản lý nhà nước. Cơ sở hạ tầng còn chưa đồng bộ như hệ thống giao thông một số nơi xuống cấp chưa được nâng cấp kịp thời. Nhiều resort chưa thực sự chuyên nghiệp, mới dừng lại ở việc trang trí phòng ốc, phục vụ việc nghỉ ngơi của du khách. Chưa có khu vui chơi giải trí qui mô lớn xứng tầm du lịch Bình Thuận. Không có sân bay là một hạn chế rất lớn, du khách phải trải qua gần 200 km từ TP. Hồ Chí Minh đến Bình Thuận mất nhiều thời gian, đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết chậm được triển khai.

- Chất lượng dịch vụ và chất lượng sản phẩm du lịch đã có bước nâng lên, vừa qua trên địa bàn tỉnh triển khai thêm một số loại hình dịch vụ phục vụ nhu cầu khách như: Sân gofl Sealink 18 lỗ, vũ trường Holly Wood Night, siêu thị Co.op Mart, khu vui chơi giải trí Suối Cát… Nhưng nhìn chung sản phẩm du lịch của tỉnh còn đơn điệu, chưa khai thác được các giá trị văn hóa, lễ hội, làng nghề truyền thống tạo thành những sản phẩm du lịch đặc sắc. Dịch vụ phục vụ phát triển du lịch chưa mạnh, chất lượng chưa bảo đảm, tính chuyên nghiệp chưa cao, các hoạt động giải trí và mua sắm vẫn kém hấp dẫn. Do đó, du khách dù muốn vẫn không thể chi tiêu nhiều hơn do không biết tiêu tiền vào đâu. Nhiều du khách đánh giá các địa điểm mua sắm và vui chơi về đêm còn ít và chưa đủ sức thu hút du khách.

- Việc quảng bá thương hiệu trong ngành “công nghiệp không khói” là một chiến lược rất quan trọng. Bình Thuận cần mạnh dạn đầu tư tham gia các hội chợ du lịch quốc tế lớn. Du khách khu vực châu Mỹ chưa được nhiều, nhất là du khách Mỹ, do vậy cần có kế hoạch quảng bá đặc biệt đối với dạng này nhằm gây sự chú ý để họ chủ động đặt tour đến Bình Thuận.

- Nguồn nhân lực của ngành du lịch đang là một vấn đề khó khăn rất lớn của tỉnh mà cấp bách cần cải thiện và khắc phục. Một trong những vấn đề đáng quan tâm nguồn nhân lực của tỉnh hiện nay là trình độ ngoại ngữ hạn chế, kỹ năng thiếu đã khiến ngành du lịch không khai thác hết nguồn lợi từ khách du lịch quốc tế, yếu kém về trình độ chuyên môn, văn hoá giao tiếp, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch yếu về số lượng và cả chất lượng. Công tác đào tạo đội ngũ làm du lịch chưa mạnh, chưa sâu, chưa theo kịp yêu cầu đa dạng, phong phú của phát triển du lịch. Do vậy phải xem việc đào tạo cho ngành du lịch là nhiệm vụ trọng tâm của Nhà nước, của các doanh nghiệp và phối hợp liên tục không ngừng mở nhiều lớp đào tạo ngắn hạn, dài hạn nhằm nâng cao kiến thức về du lịch và tay nghề.

- Vệ sinh môi trường ở một số khu du lịch, các cơ sở kinh doanh lưu trú chưa tốt như khu vực Hòn Rơm tình trạng nước thải, rác thải chưa được xử lý triệt để; hiện tượng thủy triều đỏ xuất hiện dọc theo tuyến biển từ Tiến Thành đến Mũi Né-Hòn rơm kéo dài và sinh vật biển chết trôi dạt vào bờ gây ô nhiễm tại các bãi tắm ảnh hưởng không ít đến hoạt động du lịch. Do vậy cần có một định hướng đầu tư để vừa đem lại hiệu quả kinh tế, vừa không phá vỡ môi trường và cảnh quan tự nhiên cũng như môi trường sinh thái của vùng.

- Công tác phát động dân cư trong địa bàn có ý thức bảo vệ môi trường, vệ sinh công cộng, thực hiện nếp sống văn minh giữ gìn trật tự an ninh thái độ ứng xử với du khách chưa cao và đồng bộ, trước mắt cần có một giải pháp tích cực chấm dứt tình trạng ăn xin, bán hàng rong chèo kéo, cướp giật, trộm cấp tài sản du khách... môi trường vệ sinh tại các khu du lịch chưa được cải thiện. Cần tăng cường bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, và an toàn trên biển tốt hơn.

3. Giải pháp:

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, nên hiệu quả hoạt động của ngành Du lịch liên quan đến nhiều ngành khác trong mối quan hệ tương hỗ, mà yếu tố chủ yếu là tổ chức quản lý cơ chế chính sách. Do vậy, từ thực tiễn phát triển du lịch hiện nay, cần đi sâu nghiên cứu và đưa ra các giải pháp chủ yếu của ngành du lịch cho những năm tới.

- Đa dạng hóa sản phẩm du lịch là một trong những giải pháp quan trọng nhất để thu hút khách du lịch, quan tâm là phát triển thêm nhiều loại hình du lịch đặc trưng của địa phương, tạo thành những tour liên kết nhiều vùng, nhiều sắc thái khác nhau tạo ra sự mới lạ và thích thú cho du khách có như vậy mới giữ khách lâu ngày và đón khách quay lại. Nghiên cứu kỹ sở thích, khả năng chi tiêu của khách du lịch từng vùng, từng quốc gia để xây dựng và bố trí các tour thích hợp và sáng tạo những sản phẩm đặc trưng đáp ứng sở thích của du khách và tăng nguồn thu cho hoạt động dịch vụ du lịch.

- Đổi mới phương pháp quản lý, chú trọng hiệu quả nhiều mặt; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh du lịch và du khách theo pháp luật; xây dựng và áp dụng một số chính sách nhằm nâng cao năng lực cho của các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là năng lực tạo ra các sản phẩm du lịch có chất lượng, khả năng cạnh tranh cao. Trong điều kiện tiềm năng du lịch của tỉnh chưa khai thác đúng mức, cần tạo môi trường du lịch thân thiện rộng mở, nâng cao chất lượng, luôn luôn tạo ra nét mới, tạo sức hấp dẫn và đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch.

- Từng bước có chính sách thuận lợi cho việc đầu tư vốn của các doanh nghiệp du lịch Bình Thuận và cho cả các dự án du lịch có vốn đầu tư nước ngoài để khai thác các sản phẩm du lịch mới, chú ý các loại hình vui chơi giải trí, thể thao phù hợp với đặc thù của vùng biển, vùng rừng núi mà thiên nhiên đã ưu đã và có các khu ẩm thực mang tính đặc trưng, sắc thái riêng có của Bình Thuận để phục vụ tốt nhu cầu phong phú, đa dạng của du khách. Kêu gọi các nhà đầu tư vào các dự án xây dựng các khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế từ 3-5 sao. Tránh tình trạng đầu tư tràn lan dễ rơi vào khủng hoảng thừa khách sạn. Nhiều dự án đầu tư mới về du lịch ra đời, càng không tránh khỏi rơi vào cuộc cạnh tranh khốc liệt để tồn tại, do vậy ngoài việc họp bàn cách tổ chức kinh doanh sao cho có luật lệ, mà còn phải bàn cách tăng lượng khách đến với Bình Thuận.

- Hoàn chỉnh các quy hoạch tổng thể và cụ thể trên từng địa bàn với các loại sản phẩm phù hợp, xác định rõ các khu, điểm, tuyến du lịch… làm cơ sở cho việc kêu gọi đầu tư. Tập trung xử lý dứt điểm tình trạng chồng lấn giữa các quy hoạch. Bên cạnh kêu gọi các dự án thì cũng phải tạo môi trường thật sự thông thoáng, thuận lợi để thu hút đầu tư và thúc đẩy du lịch không ngừng phát triển. Tích cực hoàn chỉnh quy hoạch các khu du lịch hợp lý và có sức sống, nâng cao hệ thống cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng cho phát triển du lịch và những ngành kinh tế mũi nhọn khác.

- Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, quan tâm xây dựng kế hoạch thường xuyên đào tạo cán bộ quản lý, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên cho du lịch có trình độ giao tiếp du khách trong nước cũng như du khách quốc tế ngày càng được nâng cao. Các nhà quản lý du lịch của tỉnh cũng phải có kế hoạch đào tạo một cách căn cơ để đáp ứng đủ về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời phải xác định trách nhiệm quản lý nhà nước của mình, không nên làm thay phần việc của tư nhân mà phải khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp vào công tác đào tạo nhân lực.

- Tăng cường xúc tiến tuyên truyền quảng bá du lịch là biện pháp quan trọng để tạo lập và nâng cao hình ảnh du lịch Bình Thuận ngay cả trong và ngoài nước nhằm thu hút khách. Cần tập trung vào nghiên cứu tâm lý, thị hiếu, tập quán, thói quen tiêu dùng của các đối tượng khách để có những sản phẩm phù hợp với thị trường. Mở rộng các hình thức tuyên truyền quảng cáo như tổ chức, tham gia thường xuyên các hội chợ, triển lãm, hội nghị, hội thảo du lịch trong nước và quốc tế. Đồng thời tăng cường tuyên truyền quảng bá trên các phương tiện truyền thông, thông tin đại chúng với các loại hình khác nhau, chú ý đến xây dựng các Website về du lịch Bình Thuận, phát hành các ấn phẩm quảng bá du lịch Bình Thuận, xây dựng công nghệ GIS phục vụ công tác quản lý, quảng bá; Xây dựng một số kiốt thông tin điện tử phục vụ du khách ở trung tâm Phan Thiết, khu du lịch Hàm Tiến...

- Phát triển các khu du lịch phải đi đôi với việc bảo vệ, tôn tạo tài nguyên du lịch và môi trường tự nhiên, xã hội, tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, sử dụng hợp lý và hiệu quả các nguồn tài nguyên, môi trường du lịch, đảm bảo phát triển du lịch bền vững. Tăng cường công tác quản lý môi trường ở các trọng điểm du lịch; tiếp tục phối hợp với các ngành, các cấp phòng chống tệ nạn xã hội thâm nhập vào hoạt động du lịch; chú trọng xử lý nước thải, chất thải ở các khách sạn, các điểm du lịch, khu du lịch.

- Chú ý phát triển du lịch MICE (Meeting, Incentive, Convention và Exhibition). Đó là loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện du lịch. Vì các đoàn khách MICE thường rất đông, sử dụng dịch vụ cao cấp và thời gian lưu trú cũng lâu hơn và đặc biệt mức chi tiêu cao hơn khách đi tour bình thường. Chương trình du lịch MICE thường có sự tham gia của các chính khách, doanh nhân, các tập đoàn nước ngoài, các công ty liên doanh… đến từ nhiều nơi trên thế giới, nên đây là cơ hội rất tốt để quảng bá, tiếp thị cho ngành du lịch. Muốn vậy cần thấy rõ những thứ mà dòng khách MICE đang hướng đến như đi tìm sự mới lạ, thưởng thức những dịch vụ cao, tiện ích tốt và sản phẩm đắt tiền, mang chủ đề riêng, những chương trình ẩm thực mang dấu ấn của từng vùng, từng miền để lôi kéo dòng khách “quý tộc” này. Bình Thuận không thiếu các sự kiện thể thao hoặc lễ hội, khu ẩm thực có thể thu hút nhiều khách trong nước và quốc tế đến tham gia và cổ vũ… Đối với khách du lịch quốc tế tham dự sự kiện MICE, họ có nhu cầu đi tham quan một số nơi ở Việt Nam và đi với số lượng lớn. Vì vậy, chỉ có liên kết giữa khách sạn và các công ty du lịch mới đáp ứng nhu cầu này của khách MICE này. Tuy nhiên phát triển MICE không cứ phải trông chờ vào khách du lịch quốc tế, mà cũng cần chú ý đến khách MICE trong nước, một số công ty cũng có nhu cầu tổ chức những hội nghị cho nhân viên kết hợp với du lịch, những cuộc hội họp tổ chức khen thưởng khách hàng hay đại lý. Ngoài ra, tổ chức các hội chợ hay triển lãm quốc tế với những nhóm doanh nghiệp hoặc từng doanh nghiệp riêng lẻ cũng là đối tượng của ngành du lịch. Phải nâng cấp khách sạn có hạ tầng cơ sở phục vụ thị trường MICE, như phòng ốc với những yêu cầu về kỹ thuật âm thanh, ánh sáng, đèn chiếu... để tổ chức hội nghị. Nhìn chung khai thác thị trường MICE là một trong những mục tiêu của chiến lược phát triển ngành du lịch Việt Nam và tỉnh ta nói riêng, MICE không chỉ giới hạn ở việc cho thuê phòng ốc để tổ chức các hội nghị mà còn phải biết đáp ứng nhu cầu thưởng thức, mua sắm, tham quan các điểm du lịch, MICE kích thích sự phát triển của hệ thống khách sạn, trung tâm hội nghị, nhà hàng...và thương mại.

- Hiện nay nước ta đang chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế, do vậy tỉnh ta cũng phải có kế hoạch, xây dựng, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế để phát triển nhanh du lịch Bình Thuận nhằm góp phần cùng cả nước đưa du lịch lên một bước phát triển mới nhằm nhanh chóng đuổi kịp trình độ và hội nhập với sự phát triển chung của du lịch khu vực và thế giới. Trước mắt đẩy mạnh liên kết hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước trong việc nghiên cứu thị trường, quảng bá du lịch nhằm thu hút du khách và thu hút nguồn vốn đầu tư, và tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế để mở rộng quy mô và hình thức kinh doanh.

- Với tinh thần không phát triển chiều rộng, dàn trải, cần xem xét, ra sóat lại các dự án du lịch hiện nay chưa họat động để tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục. Tăng cường kiểm tra, kiên quyết thu hồi các dự án du lịch triển khai mang tính đối phó, đế quá thời gian qui định và không có lý do chính đáng để bố trí cho các nhà đầu tư khác. Cần ưu tiên đối với các dự án lớn có điều kiện kinh tế, có qui mô lớn, cần có chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư trong các lĩnh vực vui chơi giải trí, khai thác thế mạnh đặc trưng của du lịch biển Bình Thuận.

- Cần có đánh giá lại các làng nghề, gắn làng nghề với du lịch, trùng tu các di tích văn hóa lịch sử, đánh giá lại hiệu quả các lễ hội, cái nào nhà nước cần can thiệp, cái nào xã hội hóa nâng cao hơn nữa chất lượng các lễ hội.

- Tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng, các khu du lịch, đặc biệt tập trung phát triển sân bay, cảng du lịch, đường cao tốc, chống xâm thực... cầm tháo gỡ chồng lấn giữa quy hoạch khai thác khoáng sản titan với du lịch, thủy sản với du lịch, bảo đảm phát triển hài hòa các lợi thế của Tỉnh.

- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực du lịch, tăng cường công tác hậu kiểm về kinh doanh lưu trú du lịch, điều kiện kinh doanh lữ hành, hướng dẫn viên du lịch, chất lượng phục vụ của các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch đúng với loại hạng đã công nhận.

- Thực hiện tốt chương trình giáo dục cộng đồng, nâng cao ý thức của dân cư trong việc bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội phục vụ du lịch. Có giải pháp quản lý hoạt động mua bán hàng rong, hoạt động xe ôm... khắc phục tình trạng chèo kéo, quấy nhiễu, trộm cắp tài sản du khách, xây dựng hình ảnh điểm đến an toàn, thân thiện, phong cách phục vụ văn minh.

Nhìn chung trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai thêm một số loại hình dịch vụ phục vụ nhu cầu khách như: Sân gofl Sealink 18 lỗ, vũ trường Holly Wood Night, siêu thị Co.op Mart, khu vui chơi giải trí Suối Cát… Nhưng nhìn chung sản phẩm du lịch của tỉnh còn đơn điệu, chưa khai thác hết các giá trị văn hóa, lễ hội, làng nghề truyền thống tạo thành những sản phẩm du lịch đặc sắc… Với những thế mạnh sẵn có của mình, ngành du lịch Bình Thuận đang tập trung xây dựng, mở rộng các khu du lịch, giải trí, dịch vụ cao cấp, đa năng, quy mô lớn. Quan tâm phát triển thêm nhiều loại hình du lịch đặc trưng của địa phương, tạo thành những tour liên kết nhiều vùng, nhiều sắc thái khác nhau tạo ra sự mới lạ và thích thú cho du khách. Nghiên cứu kỹ sở thích, khả năng chi tiêu của khách du lịch từng vùng, từng quốc gia để xây dựng và để có kế hoạch quảng bá, tiếp cận phục vụ và sáng tạo những sản phẩm đặc trưng đáp ứng sở thích của du khách và tăng nguồn thu cho hoạt động dịch vụ du lịch. Đồng thời giải quyết tốt vấn đề nguồn nhân lực, phát huy được những tiềm năng lợi thế của mình trong tương lai ngành du lịch tỉnh nhà sẽ có những bước tiến nhanh, nắm bắt cơ hội để vươn xa hơn nữa.

 

Đầu trang | Trang trước