[ 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 ]

 

 

 

2. Một số thông tin cơ bản về tình hình của doanh nghiệp Bình Thuận trong năm 2013.

Trong năm điều kiện nền kinh tế của nước ta đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức: sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp; lạm phát cao; sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do năng lực tài chính hạn chế, công nghệ lạc hậu, hàng hóa tồn kho lớn; mặt bằng lãi suất cao… Song số lượng doanh nghiệp vẫn tăng nhanh và có một số hoạt động SXKD chuyển biến tích cực. Các doanh nghiệp hoạt động thương mại và du lịch tiếp tục phát triển, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng hơn năm trước. Ngoài ra, trong năm với một số khó khăn nhất định: Tiến độ xây dựng các khu công nghiệp chậm, thu hút đầu tư ít; tỷ giá USD Mỹ và giá vàng diễn biến phức tạp, giá nhiên liệu tăng cao, giá điện, nước máy tăng… đã tác động không nhỏ đến đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

a) Số lượng doanh nghiệp Bình Thuận

Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động SXKD là 2.450 doanh nghiệp tăng 7,6% so với năm trước. Chia ra theo thành phần kinh tế: Doanh nghiệp Nhà nước co 20 DN chiếm 0,82% so với tổng số, doanh nghiệp ngoài Nhà nước có 2.392 chiếm 97,6% tổng số DN, tăng 7,7% so với năm trước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có 38 DN chiếm 1,55% tổng số DN, tăng 2,7% so với năm trước. Chia ra theo ngành kinh tế: Ngành Nông lâm nghiệp và thuỷ sản có 124 DN tăng 11,7% so với năm trước, ngành Công nghiệp-Xây dựng có 774 DN tăng 8,4% so với năm trước, ngành Thương nghiệp - Giao thông Vận tải có 941 DN tăng 4,9% so với năm trước; ngành Khách sạn, nhà hàng, du lịch có 277 DN tăng 6,1% so với năm trước và ngành Dịch vụ khác có 334 DN tăng 13,2% so với năm trước.

Trong năm có 151 DN đã giải thể, ngừng sản xuất. Nguyên nhân các DN bị giải thể, ngừng sản xuất do hoạt động không hiệu quả, không vay được vốn, do vốn nhỏ chuyển sang cá thể, bán cơ sở chuyển chủ sở hữu…. Bên cạnh đó, một số DN có sự chuyển đổi từ loại hình này sang loại hình khác nên cũng có sự biến động nhất định (Ví dụ: DNTN chuyển thành Công ty TNHH, Cổ phần).

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 41 tổ chức tín dụng đang hoạt động. Hoạt động tín dụng ngân hàng tiếp tục phát triển theo hướng tập trung phục vụ phát triển sản xuất – kinh doanh, khu vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cho vay tiêu dùng và bất động sản, chứng khoán được kiểm soát chặt chẽ. Huy động vốn tiếp tục tăng trưởng do các ngân hàng trên địa bàn đẩy mạnh huy động vốn với nhiều hình thức linh hoạt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tiếp thị, thực hiện tốt chính sách khách hàng, đổi mới phong cách phục vụ tạo niềm tin và tín nhiệm của khách hàng. Công tác tín dụng luôn được chú trọng, tăng cường chất lượng thẩm định, quyết định tín dụng và xét duyệt cho vay, các tổ chức tín dụng tập trung vốn ưu tiên cho sản xuất kinh doanh, khu vực nông nghiệp nông thôn, cho vay xuất khẩu, cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, hạn chế tăng trưởng tín dụng ở các lĩnh vực phi sản xuất, và luôn đảm bảo thanh khoản mọi thời điểm.

b) Hoạt động của doanh nghiệp Bình Thuận

- Tình hình lao động trong khu vực DN

Trong tổng số DN được điều tra, có 78,4% số DN khẳng định là số lao động DN đang sử dụng là đủ (không thừa, không thiếu) cho nhu cầu sản xuất kinh doanh. 5,1%; số DN đang dư thừa lao động và 16,5% số DN thiếu lao động.

Khu vực DN nhà nước có số DN dư thừa lao động cao nhất là 26,7%, tiếp đến là khu vực DN ngoài nhà nước với 4,9%. Vế thiếu lao động, chỉ có khu vực DN ngoài nhà nước là khu vực có tỷ lệ DN thiếu lao động đến 16,2%.

DN thuộc lĩnh vực thương mại và dịch vụ (gồm 4 ngành: bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; vận tải, kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; và thông tin và truyền thông) có 3,4% số DN đang dư thừa lao động; DN thuộc lĩnh vực công nghiệp có dư thừa lao động là 9,2%.

Có tới 53,4% số DN đang dư thừa lao động phản ánh nguyên nhân dư thừa lao động là do đang gặp khó khăn nên phải thu hẹp sản xuất kinh doanh. Tỷ lệ này ở khu vực DN ngoài nhà nước là 69,3%. Theo ngành kinh tế, khu vực thương mại, dịch vụ có tỷ lệ DN dư thừa lao động do thu hẹp sản xuất kinh doanh cao nhất, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng.

Đối với số DN vẫn đang thiếu người làm, trong đó 29,1% số DN cho rằng tình trạng thiếu lao động là do không có đủ lao động đáp ứng yêu cầu kỹ thuật; 43,7% số DN cho rằng DN đang kinh doanh theo mùa vụ nên không tuyển được lao động và số DN còn lại cho rằng người lao động yêu cầu lương/thu nhập quá cao nên DN không đáp ứng được.

Đánh giá về chất lượng lao động hiện nay trong khu vực DN, có 69,7% số DN cho rằng chất lượng lao động toàn xã hội là bình thường; 12,1% cho rằng chất lượng tốt và còn lại cho rằng chất lượng thấp.

- Tình hình nộp thuế của DN

Tổng số thuế phải nộp trong năm của các DN tăng 24,9% so với năm trước, trong đó một số ngành chiếm tỷ trọng cao như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 21,7%; ngành thương nghiệp chiếm 30,2%; ngành nghệ thuật, vui chơi, giải trí chiếm 21,1% trong tổng số thuế phải nộp. Tuy vậy, cho đến nay chỉ có 92,4% số thuế đã được nộp, còn lại 7,6% số thuế vẫn đang bị các DN nợ, nguyên nhân có một số DN không còn khả năng trả nợ thuế. Trong đó DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo còn nợ là 9,8% số thuế phải nộp; ngành thương nghiệp còn nợ 8,2% số thuế phải nộp; ngành xây dựng còn nợ 11,4% số thuế phải nộp; ngành nghệ thuật, vui chơi, giải trí còn nợ 10% số thuế phải nộp. Trong tổng số thuế phải nộp thì thuế giá trị gia tăng chiếm tỷ trọng 58,5%; thuế tiêu thụ đặc biệt chiếm 8,6%; còn lại là các loại thuế khác.-  - Nguồn vốn của doanh nghiệp

Nguồn vốn trong năm của DN tăng 24,3% so với năm trước, nguồn vốn chủ sở hữu tăng 20,7% so với năm trước, chiếm tỷ trọng 40,2% tổng nguồn vốn của DN. Nguồn vốn của khu vực DN ngoài quốc doanh chiếm 83,2% tổng nguồn vốn, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các nhóm ngành sản xuất kinh doanh là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 22,1% tổng nguồn vốn, tiếp đến là ngành thương nghiệp chiếm 15,8% tổng nguồn vốn. Tỷ lệ tài sản dài hạn chiếm 45,2% tổng tài sản của DN, trong đó khu vực DN ngoài quốc doanh chiếm tỷ trọng 81,7% tổng nguồn vốn.

- Doanh thu của doanh nghiệp

Doanh thu trong năm của DN tăng 14,3% so với năm trước, trong đó khu vực DN ngoài quốc doanh chiếm tỷ trọng 79,5% tổng doanh thu của DN. Chiếm tỷ trọng cao nhất trong các nhóm ngành kinh doanh là ngành thương nghiệp chiếm 49,3% tổng doanh thu, tiếp theo là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng 26% tổng doanh thu (ngành công nghiệp chế biến thực phẩm chiếm tỷ trọng 56,4% trong nhóm ngành này). Tuy tỷ lệ doanh thu cao nhưng tỷ lệ lợi nhuận trước thuế chỉ bằng 63,8% so với năm trước.

- Hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp

Từ kết quả trên cho ta thấy, trang bị tài sản cố định của 1 lao động tăng 12,9% so với năm trước. Lợi nhuận bình quân trên 1 lao động chỉ bằng 45,6% so với năm trước, giảm ở các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, dịch vụ lưu trú và ăn uống,… Lợi nhuận bình quân trên 1 đồng vốn chỉ bằng 37,5% so với năm trước, lợi nhuận bình quân trên 1 đồng doanh thu chỉ bằng 40% so với năm trước. Tỷ lệ nộp ngân sách so với doanh thu là 3,67%; tăng 9,2% so với năm trước. Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, việc thu lợi nhuận cao là điều khó khăn với các DN, nhất là các DN chế biến khi mà giá nguồn nguyên liệu đầu vào tăng, đối với ngành xây dựng thì do đầu tư công hạn chế, ngành dịch vụ du lịch thì phải cạnh tranh về giá để thu hút khách….

Đầu trang | Trang trước | Tiếp theo