Tương tự như vậy, số lao động thời vụ năm 2010 tăng 18,2% so với năm trước, trong đó lao động thời vụ ngoài tỉnh tăng từ 4% của năm 2009 lên 9,4% trong năm 2010. Nhìn vào một số ngành ta thấy, lao động thời vụ ngành công nghiệp chế biến – chế tạo tăng 26,5% so với năm 2009, trong đó lao động ngoài tỉnh là 7%. Lao động thời vụ ngành xây dựng giảm 41,8% so với năm 2009, lao động ngoài tỉnh không có, điều đó cho thấy lao động thời vụ không còn phù hợp với ngành xây dựng nữa vì yêu cầu về chất lượng, thời gian thi công đòi hỏi công việc phải được diễn ra liên tục và thường xuyên hơn. Đặc biệt lao động thời vụ ngành dịch vụ du lịch tăng gấp 5 lần so với năm 2009, trong đó lao động ngoài tỉnh chiếm 55,1%. Theo điều tra biết được thì số lao động này chủ yếu hoạt động vào thời điểm các ngày lễ, ngày hội liên quan đến du lịch vì vào những thời điểm đó lượng du khách tập trung tại Bình Thuận khá đông với mục đích nghỉ dưỡng, tham quan trong những dịp lễ hội này, trong khi đó lực lượng nhân viên của các cơ sở du lịch không đủ đáp ứng kịp thời các nhu cầu của khách hàng nên họ phải tuyển thêm lao động.
Mặc dù khủng hoảng kinh tế đã gây nhiều khó khăn cho các DN, một số DN phải hoạt động cầm chừng nhằm bảo đảm hoạt động kinh doanh của mình, nhưng không vì thế mà chế độ tiền lương của người lao động bị giảm sút mà còn được DN giữ vững ổn định và có phần tăng hơn năm trước. Trong đó, thu nhập của lao động nữ từng bước được nâng lên, tỷ lệ DN có mức lương dưới 1 triệu đồng/tháng cho lao động nữ trong năm 2010 giảm xuống còn 9% so với năm 2009 là 14,2%; tỷ lệ DN có mức lương từ 1 triệu đến dưới 1,5 triệu/tháng giảm xuống còn 45,8% so với năm 2009 là 52,4%. Trong khi đó, tỷ lệ DN có mức lương từ 2 đến dưới 2,5 triệu đồng/tháng cho lao động nữ tăng lên 9,7% so với năm 2009 là 7,2%, tỷ lệ DN có mức lương từ 2,5 đến dưới 3 triệu đồng/tháng tăng lên 6,9% so với tỷ lệ 3% của năm 2009, tương tự tỷ lệ DN có mức lương trên 3 triệu đồng/tháng cũng tăng lên 4,7%. Điều đó cho thấy, tình hình thu nhập của người lao động, nhất là lao động nữ đã được cải thiện đáng kể, chứng tỏ công tác xóa bỏ tình trạng bất bình đẳng giới đang từng bước được phát triển tốt hơn. Bên cạnh đó, trong năm 2010 không có DN nào của địa phương để xảy ra đình công, náo loạn dân sự cho thấy nền tảng hoạt động kinh doanh của các DN đã dần được củng cố vững chắc tạo cho người lao động an tâm làm việc. Ngoài những vấn đề về thu nhập thì các DN cũng đã tổ chức cho nhân viên của mình tham gia học tập, đào tạo nâng cao hơn về trình độ, chuyên môn kỹ thuật nhằm tạo ra một đội ngũ nhân viên nòng cốt hội đủ các yếu tố cần thiết cho việc phát triển kinh doanh của DN. Trong năm 2010, số DN có tỷ lệ nhân viên được đào tạo dưới 2% tổng số nhân viên chính thức chiếm đến 91,1% tổng số DN, tăng 37,8% so với năm 2009 và số DN có tỷ lệ nhân viên được đào tạo trên 20% cũng tăng lên 49,4% so với năm 2009 là 47,2%. Điều đó cho thấy, với trình độ công nghệ thiết bị ngày càng phát triển, hoạt động kinh doanh diễn biến phức tạp thì việc phải có một đội ngũ nhân viên đủ năng lực là một nhu cầu tất yếu của tất cả DN và các DN Bình Thuận cũng đã nhận ra được vấn đề đó. Có 30,7% DN tỏ ý hài lòng về trình độ hiện có của người lao động, tăng 8,1% so với năm trước. Mặc dù, tỷ lệ này không cao so với tổng số DN, nhưng cho thấy trình độ người lao động ngày càng được nâng cao, công tác đào tạo cũng có những chuyển biến nhất định. Trong năm 2010, vốn điều lệ tăng lên khá cao, bình quân vốn điều lệ 1 DN tăng 19,4% so với năm 2009. Trong đó, một số ngành có vốn điều lệ tăng cao như ngành công nghiệp chế biến – chế tạo tăng 49,8% so với năm trước, ngành xây dựng tăng 12,5% so với năm trước, ngành dịch vụ lưu trú tăng 43,3% so với năm trước. Nguồn vốn của các doanh nghiệp cũng được bổ sung từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn là vay từ các ngân hàng. Tuy vậy, tỷ lệ vay vốn đã giảm xuống 81% so với năm 2009 (hơn 95%), chứng tỏ tình hình vốn chủ sở hữu của các DN đã có nhiều tiến triển. Những khoản vay này chủ yếu dùng để bổ sung cho vốn lưu động, đầu tư tài sản cố định phục vụ cho sản xuất kinh doanh và dùng để mua nguyên vật liệu, vật tư, hàng hóa. Trong tỷ lệ vốn phân bổ trong năm 2010 của DN, ngoại trừ số vốn từ nguồn nội bộ và lợi nhuận để lại thì số vốn vay từ các ngân hàng thương mại chiếm tỷ lệ cao nhất. Nguồn vốn lưu động vay từ ngân hàng chiếm 15,6%, trong đó 24,4% số vốn dùng để đầu tư mới tài sản cố định trong năm. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của các ngân hàng thương mại trong việc cho vay vốn đối với các DN, nhất là các DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp (18,1%), xây dựng (41%), và du lịch (12%). Trong tổng số DN có vay tín dụng thì có 79,3% DN sử dụng hình thức vay thế chấp, giảm 10,3% so với năm trước, trong đó hình thức vay thế chấp đất, nhà xưởng chiếm 95,5%. Đây cũng là một trong những hình thức vay khá phổ biến hiện nay. Với nguồn hỗ trợ từ chính quyền, các ngân hàng, gia đình, bạn bè luôn chiếm trên 20% các nguồn hỗ trợ, điều đó cho thấy khi gặp khó khăn thì tầm ảnh hưởng của các nhóm hỗ trợ này là khá lớn, đây cũng là khu vực có nguồn vốn chủ động nhất, không qua một nhân tố trung gian nào và cũng tạo được sự tin tưởng cho các DN. Tỷ lệ vốn vay của các DN cũng tập trung vào các ngành như công nghiệp chế biến (64,7%), cung cấp nước (11,8%), xây dựng (7,9%), dịch vụ du lịch (6%). Tỷ lệ hài lòng về tiếp cận nguồn vốn trong năm 2010 tăng 4,3% so với năm trước, trong khi đó chi phí vay vốn cũng tăng 2,8% so với năm trước.
|