2. Kết quả kinh tế - xã hội của Bình Thuận trong năm 2010. Năm 2010 tình hình kinh tế xã hội tỉnh nhà đã có những chuyển biến tích cực. Sản xuất nông nghiệp đạt khá, chăn nuôi đã hồi phục dần; sản xuất công nghiệp địa phương, khai thác và nuôi trồng thuỷ sản ổn định; hoạt động thương mại và du lịch tiếp tục phát triển, giá tiêu dùng biến động không lớn; xuất khẩu hàng thuỷ sản và hàng may mặc tăng hơn so với cùng kỳ; tai nạn giao thông giảm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn được tổ chức trang trọng, tạo khí thế tự hào, phấn khởi trong nhân dân. Tuy vậy vẫn có một số khó khăn nhất định: xuất khẩu hàng nông sản đạt thấp, tỷ giá USD Mỹ, giá vàng tăng giảm thất thường và từ đầu quý 4/2010 tăng nhanh đã tác động không nhỏ đến đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.Dự ước tổng sản phẩm trong tỉnh (kể cả thủy điện) năm 2010 đạt 24.404 tỷ đồng; nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì GDP tăng 11,5% so với năm trước, trong đó nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 6,2%; nhóm công nghiệp và xây dựng tăng 11,2%; nhóm dịch vụ tăng 15,8%. Trong 11,5% tăng trưởng chung, nhóm nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đóng góp 1,7%; nhóm công nghiệp và xây dựng đóng góp 4,2% và nhóm dịch vụ đóng góp 5,6%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch; nhóm nông lâm thuỷ sản chiếm 21,0% (năm trước chiếm 22,9%); công nghiệp xây dựng 34,2% (năm trước chiếm 33,8%), dịch vụ 44,8% (năm trước chiếm 43,3%). GDP bình quân đầu người đạt 20,7 triệu đồng (tương đương 1.072 USD). Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm ước đạt 195.853 ha, đạt 105,4% kế hoạch; trong đó lúa 107.206 ha (đạt 106,1% KH năm); sản lượng lương thực ước đạt 645.550 tấn (đạt 107,6% KH; tăng 5,3% so với năm trước), trong đó thóc 535.936 tấn (tăng 6% so năm trước); bắp 109.614 tấn (tăng 2,3% so năm trước). Diện tích cây có bột trồng đạt 27.999 ha, tăng 1,2% so năm trước, diện tích rau đậu gieo trồng đạt 22.385 ha, tăng 10,3% so với năm trước, diện tích cây công nghiệp hàng năm trồng đạt 19.239 ha, giảm 6,9% so với năm trước. Cơ cấu cây trồng tiếp tục chuyển dịch theo hướng chất lượng, hiệu quả; một số cây trồng lợi thế đã phát triển mạnh so với năm trước và đã vượt so với mục tiêu đề ra đến năm 2010. Về chăn nuôi: Đàn gia súc, gia cầm chậm khôi phục. Theo kết quả điều tra 1/10/2010, đàn bò toàn tỉnh có 223,5 ngàn con (giảm 0,3% so với năm trước); đàn lợn 269,5 ngàn con (giảm 1,7%); đàn gia cầm 2,39 triệu con (tăng 5,2%). Về lâm nghiệp: Các đơn vị chủ rừng tập trung thực hiện công tác trồng rừng, trồng cây phân tán năm 2010; do mùa mưa đến chậm nên tiến độ trồng rừng chậm hơn so với năm trước, dự ước trong năm trồng rừng tập trung đạt 7.546 ha, đạt 112,8% KH, tăng 21,3% so với năm trước. Thủy sản: Thời tiết, ngư trường trong những tháng đầu năm có nhiều bất lợi cho hoạt động khai thác hải sản; tuy nhiên, nhờ vụ cá Nam, cá xuất hiện tương đối khá, đã mang lại hiệu quả khai thác cho một số thuyền nghề. Ước sản lượng khai thác cả năm đạt 171,5 ngàn tấn (tăng 1,4% so với năm trước). Giá trị sản xuất công nghiệp (giá cố định 1994) năm 2010 ước đạt 4.938 tỷ đồng, tăng 8,3% so với năm trước; trong đó khu vực kinh tế nhà nước đạt 1.512,6 tỷ đồng, giảm 2,3% so năm trước (riêng Thuỷ điện đạt 1.369,4 tỷ đồng, giảm 3,9% so năm trước); kinh tế ngoài nhà nước đạt 3.326,7 tỷ đồng (tăng 13,9% so năm trước); kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 98,5 tỷ đồng (tăng 10,1% so năm trước). Nhìn chung hoạt động sản xuất công nghiệp trong năm khá ổn định, các doanh nghiệp đã tích cực khai thác thêm thị trường tiêu thụ; một số doanh nghiệp hoạt động đạt hiệu quả khá; công nghiệp ngoài quốc doanh tiếp tục phát triển, công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tuy còn chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng tăng trưởng đều; hoạt động tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn bước đầu đã định hướng được sự phát triển thông qua quy hoạch chi tiết xây dựng và mở rộng các cụm CN – TTCN. Tuy nhiên sản xuất CN - TTCN trong tỉnh phần lớn có quy mô nhỏ, sản phẩm đơn điệu. Sản phẩm xuất khẩu mới được tinh chế ít, phần lớn là sơ chế nên giá trị sản phẩm chưa cao, hiệu quả kinh doanh thấp. Một số dự án SXCN đã được xác định nhưng chậm triển khai. Việc nắm bắt các cơ hội, duy trì và mở rộng thị trường của một số doanh nghiệp còn nhiều lúng túng. Triển khai thu hút vốn đầu tư vào các khu công nghiệp còn yếu, chưa đủ sức hấp dẫn thu hút những nhà đầu tư lớn, đầu tư chi ngân sách hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp còn ít, công nghệ còn lạc hậu, vùng nguyên liệu và thị trường chưa ổn định, tác động của công nghiệp đến nông nghiệp và dịch vụ chưa rõ. Vốn đầu tư phát triển xã hội năm 2010 ước đạt 12.500 tỷ đồng, tăng 20,3% so với năm trước; trong đó thực hiện bằng ngưồn vốn nhà nước ước đạt 2.400 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 1.111 dự án đã được cấp phép đầu tư còn hiệu lực, tổng số vốn đăng ký 89.097 tỷ đồng, gồm: 411 dự án du lịch, 78 dự án nuôi trồng thuỷ sản, 191 dự án nông lâm nghiệp, 193 dự án công nghiệp, 101 dự án dịch vụ, 125 dự án xăng dầu, 12 dự án khu dân cư. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội năm 2010 ước đạt 16.505 tỷ đồng, tăng 17,86% so với năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,5%. Trong năm đã tham gia khảo sát thị trường biên giới phía Bắc bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu quả thanh long sang Trung Quốc, tham gia Hội chợ triển lãm xúc tiến thương mại nông nghiệp, nông thôn khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Hội chợ quốc tế Hà Nội, triển khai tổ chức tham gia chương trình khảo sát thị trường Nhật Bản, chuẩn bị nội dung tham gia hội chợ, hội thảo thương mại quốc tế Việt-Trung tổ chức tại Lạng Sơn. Hoạt động du lịch ổn định. Ước cả năm có 2,5 triệu lượt khách đến (tăng 13,6% so với năm trước), trong đó khách quốc tế : 250 ngàn khách (tăng 12,6% so năm trước); khách nội địa 2.250 ngàn khách (tăng 13,7% so năm trước). Độ dài ngày lưu trú: khách quốc tế đạt bình quân 3,10 ngày (năm trước 3,06 ngày); khách nội địa đạt 1,51 ngày (tương đương năm trước). Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 2.539 tỷ đồng, tăng 34,3% so với năm trước. Số lượt khách du lịch theo tour ước đạt 14.835 lượt khách (tăng 8,4%) với 89.785 ngày khách (tăng 24,8% so với năm trước). Lượng khách đến Bình Thuận trong những ngày cuối tuần, trong dịp lễ, tết khá đông. Công suất phòng trong những ngày lễ, ngày nghỉ cuối tuần đạt trên 95%. Giá cả các loại dịch vụ, hàng ăn uống trong những ngày lễ, tết được các ngành chức năng tăng cường quản lý khá tốt nên đã góp phần hạn chế tình trạng tăng giá dịch vụ tùy tiện ở các nhà hàng, khách sạn, các khu du lịch. Ngoài những hoạt động tổ chức các lễ hội như những năm trước, trong năm đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức lễ công bố Festival thuyền buồm quốc tế Mũi Né - Bình Thuận - Việt Nam 2010. Đây là một sự kiện lớn nhất diễn ra tại Bình Thuận kể từ trước đến nay và lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam; hướng tới xây dựng một ngành giải trí thuyền buồm đẳng cấp quốc tế, mời chào du khách trên toàn cầu đến với Mũi Né - Bình Thuận - Việt Nam với 4 nội dung chính: Trình diễn và triển lãm thuyền buồm quốc tế; Hội thảo quốc tế về sản xuất, tiếp thị thuyền buồm và xây dựng thương hiệu du lịch biển Việt Nam; Gala âm nhạc quốc tế và nghệ thuật trình diễn ngoài trời. Với sự tham dự 150 tập đoàn sản xuất thuyền buồm trên thế giới, các nhà đầu tư, các đoàn nghệ thuật nhiều quốc gia khác nhau; thu hút các đội thuyền buồm đến từ các nước: Nga, Hà Lan, Thụy Điển, Pháp, Đức, Ý… cùng với sự góp mặt của 20 người đẹp là hoa hậu Bikini đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự cuộc thi “Người đẹp của biển” trong khuôn khổ Festival sẽ đem lại nhiều hình ảnh, hấp dẫn ấn tượng cho du khách. |