[1][2][3][4][5][6][7][8][9]

I. MỘT SỐ KHÁI NIỆM VỀ MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ:

1. Khái niệm về môi trường đầu tư.

Môi trường đầu tư là tập hợp các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Môi trường đầu tư bao gồm các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, tự nhiên, công nghệ. Trong đó, chính sách của Chính phủ, các yếu tố về địa lý, về quy mô thị trường là quan trọng.

2. Sự cần thiết phải quan tâm đến môi trường đầu tư.

Môi trường đầu tư tốt khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, giảm thấp chi phí và rủi ro. Một môi trường đầu tư tốt không chỉ mang lại lợi nhuận cao cho doanh nghiệp mà còn nâng cao hiệu quả hoạt động trên phạm vi toàn xã hội.

Chính phủ có ảnh hưởng quyết định đến hàng loạt các yếu tố khác thông qua các chính sách có quan hệ mật thiết đối với hành vi đầu tư. Các nhà đầu tư đánh giá cao tầm quan trọng của sự ổn định và bảo đảm về quyền đầu tư, kinh doanh của Chính phủ đối với họ, nhất là bảo đảm quyền về tài sản. Các quy định về thuế, tài chính, kết cấu hạ tầng, lao động các yếu tố đầu vào cũng ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp.

Qua kết quả điều tra về môi trường đầu tư tại Bình Thuận cho thấy: thực tiễn điều hành kinh tế tốt ở cấp tỉnh có vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng và những thực tiễn này còn góp phần lý giải sự khác biệt về phát triển kinh tế giữa các tỉnh, hoặc tại sao các tỉnh đạt kết quả phát triển kinh tế tương đồng mặc dù điều kiện truyền thống ban đầu của mỗi tỉnh này rất khác nhau. Tập trung vận dụng các thực tiễn điều hành tốt sẽ góp phần cải thiện sự phát triển kinh tế mà không nhất thiết phải đòi hỏi ngay một sự thay đổi to lớn nào về mặt hạ tầng cơ sở vật chất hay con người ở vùng đó. Các chính sách điều hành kinh tế tốt không chỉ làm lợi cho các doanh nghiệp mà còn làm lợi cho xã hội. Khu vực kinh tế tư nhân năng động sẽ tạo thêm việc làm, góp phần nâng cao mức sống cho nhân dân.

3. Cải thiện môi trường đầu tư.

Để có một môi trường đầu tư thực sự hấp dẫn, có sức cạnh tranh so với các quốc gia khác, không những chỉ đòi hỏi phải giữ vững ổn định chính trị, kinh tế, an toàn xã hội mà còn phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khắc phục những yếu kém về kết cấu hạ tầng, xóa bỏ các rào cản về đầu tư, đặc biệt là phải hoàn thiện hệ thống chính sách về đầu tư minh bạch, nhất quán.

[1][2][3][4][5][6][7][8][9]