[ 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 ]

 

 

 

PHẦN II: DU LỊCH BÌNH THUẬN SÔI ĐỘNG VÀ CƠ HỘI PHÁT TRIỂN

Ngày 24.10.1995, một sự kiện được cả nước và thế giới chú ý, đó là hiện tượng nhật thực toàn phần mà điểm quan sát rõ nhất chính là Mũi Né - Phan Thiết. Du lịch Bình Thuận vốn tiềm ẩn những kì diệu được bứt phá lên. Do vậy, ngày 24.10 đã trở thành ngày truyền thống của du lịch Bình Thuận. Từ đó, hoạt động du lịch tại Bình Thuận diễn ra hết sức sôi động với lượng du khách tăng đột biến. Và đến bây giờ, địa danh Phan Thiết- Mũi Né đã trở thành thương hiệu du lịch mang tầm quốc tế. Mũi Né-Phan Thiết được xem là thủ đô resort của Việt Nam, nơi dừng chân lý tưởng không thể bỏ qua của du khách…. Điều này cho thấy, dù còn non trẻ hơn nhiều so các khu du lịch trọng điểm trên cả nước, nhưng ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh Bình Thuận đã có tiếng vang không chỉ trong nước mà còn trên thế giới (địa danh Mũi Né- Hòn rơm có hơn sáu triệu địa chỉ tìm được qua công cụ Google, Yahoo,Bing... ).

Ngày 25/03/2004, Tỉnh ủy Bình Thuận đã ra Nghị quyết 19-NQ/TU về phát triển du lịch đến năm 2010 đây là một trong những Nghị quyết khá quan trọng đã hai lần thuờng vụ Tỉnh ủy sơ kết (2005-2006,2009), điều đó đã khẳng định vai trò du lịch đối với Tỉnh. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lần thứ X và XI và mới đây nhất là Lần thứ XII (năm 2010) xác định “Đầu tư phát triển du lịch chất lượng cao: Tập trung củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng du lịch Hàm Tiến – Mũi Né; tạo điều kiện phát triển nhanh du lịch về phía nam Phan Thiết đến Lagi và từng bước nối tuyến với Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc... Phát triển du lịch sinh thái, thể thao, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh kết hợp với hội nghị, hội thảo... Đa dạng hóa và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và các loại dịch vụ phục vụ du lịch”. Từ đó Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh được hình thành và đã hoạt động thường xuyên tích cực, tìm mọi biện pháp, xây dựng kế hoạch, từng bước tháo gỡ những khó khăn với quyết tâm cao, thực hiện đưa ngành du lịch của tỉnh nhà chuyển biến đáng kể. Không ngừng nâng cao về nhận thức du lịch, quán triệt chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển du lịch, nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí và tác dụng nhiều mặt của du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển. Bên cạnh đó Hiệp hội du lịch tỉnh đã hoạt động tích cực làm cầu nối giữa các đơn vị du lịch và các cơ quan chính quyền hỗ trợ xúc tiến du lịch, quảng bá ra nước ngoài các sản phẩm du lịch của Bình Thuận.

Ngày 23/12/2010 UBND tỉnh Bình Thuận ra công văn về việc “chỉ đạo triển khai thực hiện công tác quản lý đối với các khu du lịch ven biển”. Nội dung nhấn mạnh Du lịch Bình Thuận trong những năm qua phát triển nhanh và đang trở thành một ngành kinh tế trọng điểm và yêu cầu Giám đốc các sở ngành, chủ tịch UBND các địa phương xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan nhà nước và triển khai thực hiện phát triển du lịch Bình Thuận đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Phương hướng chủ đạo là xây dựng Bình Thuận trở thành vùng du lịch lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt là vùng ven biển Phan Thiết - Mũi Né trở thành trung tâm du lịch quốc gia, thành phố Phan Thiết là đô thị du lịch.

Ngày 03/10/2011, Tỉnh ủy Bình Thuận đã ra Nghị quyết 06-NQ/TU về phát triển du lịch đến năm 2015. Nội dung nhấn mạnh tập trung cũng cố, nâng cao chất lượng khu du lịch Hàm Tiến-Mũi Né, từng bước mở rộng phát triển ra các địa bàn còn lại theo quy hoạch, lôi kéo phát triển các sản phẩm, các loại dịch vụ phục vụ du lịch. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh liên kết với các tỉnh lân cận, hình thành các tour du lịch hợp lý, hấp dẫn để thu hút khách du lịch. UBND tỉnh cũng chủ động ra văn bản số 5138/UBND-KT về việc chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh (Khóa XII) về phát triển du lịch đến năm 2015.

Trong năm 2011, tiếp tục khẳng định thế mạnh của du lịch Bình Thuận, chào mừng kỷ niệm Ngày du lịch Bình Thuận 24/10/2011 tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch sẽ diễn ra liên tục từ ngày 18-28/10/2011 tại thành phố Phan Thiết và huyện Hàm Thuận Nam. Ngày du lịch Bình Thuận còn tôn vinh và khen thưởng các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh, các cơ sở dịch vụ, đào tạo và cơ quan truyền thông có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành du lịch Bình Thuận trong năm 2011.

Hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung bộ 2011, là sự kiện lớn đối với du lịch Việt Nam trong bối cảnh ngành có sự cạnh tranh khá gay gắt. Du lịch Bình Thuận đã tích cực tham gia hưởng ứng bằng sự chuẩn bị chu đáo nhất để tranh thủ quảng bá những “đặc sản” của địa phương đến du khách khắp nơi. Qua đó tăng cường liên kết các tỉnh thành bạn, tiến tới xây dựng thành công thương hiệu du lịch riêng cho vùng Duyên hải Nam Trung bộ. Bình Thuận cũng lựa chọn cho mình những hoạt động bề nổi đặc sắc nhất như là tổ chức sự kiện thể thao mang tầm quốc tế: Giải Lướt ván buồm Cúp Thế giới PWA Mũi Né- Việt Nam năm 2011. Kế đến có sự kiện Festival Thuyền buồm quốc tế Mũi Né- Bình Thuận- Việt Nam, các hoạt động “Hè về biển gọi”, Lễ hội Trung thu, Lễ hội Ka Tê… tổ chức kỷ niệm Ngày du lịch Bình Thuận 24/10/2011 đa dạng phong phú về hình thức lẫn nội dung. Các chương trình dịch vụ du lịch đạt tiêu chuẩn và chương trình biểu diễn nghệ thuật thể hiện những nét văn hóa đặc sắc phục vụ khách du lịch, các lễ hội, các sự kiện du lịch hàng năm trên địa bàn tỉnh có những nét mới, mở rộng với qui mô lớn hơn, có chiều sâu hơn lnhằm hấp dẫn du khách.

Để tăng cường chiến lược phát triển du lịch bền vững, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 995/QĐ-UBND ngày 27/4/2011 phê duyệt Đề án “Bảo tồn phát triển cảnh quan du lịch tỉnh Bình Thuận”; hoàn chỉnh và thông qua Đề án “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” và hiện đang chuẩn bị phê duyệt Đề án “Phát triển du lịch sinh thái tỉnh Bình Thuận”.

Đầu trang | Trang trước | Tiếp theo