[ 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 ]

 

 

 

 

* Các dự án du lịch:

Tình hình hoạt động du lịch từ năm 2004 diễn ra khá sôi nổi, đã thu hút thêm 183 dự án đầu tư mới, thu hồi 123 dự án, sáp nhập 20 dự án. Tính đến cuối năm 2010, trên địa bàn toàn tỉnh có 404 dự án du lịch (không kể 29 dự án đầu tư dịch vụ du lịch) được chấp thuận đầu tư còn hiệu lực, tổng diện tích 8.410,2 ha với tổng số vốn đăng ký đầu tư 61.372 tỷ đồng; trong đó có 35 dự án đầu tư nước ngoài (Phan Thiết 209 dự án, Tuy Phong 20 dự án, Bắc Bình 31 dự án, Hàm Thuận Nam 79 dự án, La Gi 46 dự án, Hàm Tân 20 dự án, Phú Quý 1 dự án). Đã hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động 124 dự án với tổng diện tích 555,8 ha, tổng vốn đầu tư 4.281 tỷ đồng; 75 dự án đang xây dựng, 205 dự án chưa triển khai chiếm 50,7% tổng số dự án. Nhìn chung có sự tích cực cải cách thủ tục hành chính, điều chỉnh kịp thời các quy định về đất đai đã tạo môi trường đầu tư thông thoáng hơn, thu hút mạnh các dự án đầu tư du lịch, đặc biệt gần đây đã sáp nhập các dự án nhỏ, thu hút các dự án có quy mô lớn hàng trăm ha, vốn đăng ký thực hiện hàng tỷ USD, trong đó có cả các dự án lấn biển, tổ hợp du lịch với nhiều loại hình phong phú đa dạng, góp phần khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch, đất đai ở địa phương. Tiến độ triển khai, xây dựng các dự án trong thời gian gần đây có chuyển biến khá hơn, các dự án đi vào hoạt động đã góp phần phát triển sản phẩm du lịch của tỉnh, phục vụ nhiều đối tượng du khách; đa số dự án đã hoàn thành, đi vào hoạt kinh doanh khá ổn định có hiệu quả.

Bên cạnh việc phát triển các Khu công nghiệp, các Dự án du lịch, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển khá nhanh.

Số lượng doanh nghiệp Bình Thuận (2000 – 2010)

Đơn vị tính: Doanh nghiệp

Năm

Tổng số

Chia theo thành phần kinh tế

DN nhà nước

DN ngoài nhà nước

DN có vốn đầu tư nước ngoài

2000

390

32

351

7

2001

472

30

430

12

2002

504

32

460

12

2003

577

32

530

15

2004

690

33

643

14

2005

801

26

760

15

2006

905

25

863

17

2007

1.060

25

1.016

19

2008

1.366

21

1.320

25

2009

1.610

21

1.561

28

2010

1.941

23

1.890

28

Tính đến thời điểm 01/01/2011, số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 1.941 DN, gấp 5,0 lần năm 2000 (tăng 1.551 DN), bình quân hàng năm tăng 17,4% (tăng 155 DN). Trong đó:

Khu vực doanh nghiệp nhà nước có 23 doanh nghiệp, giảm 28,1% (giảm 9 DN) so với năm 2000, chiếm tỷ trọng thấp nhất trong tổng số 3 khu vực doanh nghiệp với 1,2%, bình quân hàng năm giảm 3,2% (giảm 1 DN). Nguyên nhân giảm do chủ trương sắp xếp chuyển đổi các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh không hiệu quả sang công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, bán, khoán, sáp nhập, giải thể… của Đảng và Nhà nước ta.

Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có 1.890 DN, gấp 5,4 lần năm 2000 (tăng 1.539 DN), bình quân hàng năm là 18,3% (tăng 154 DN), chiếm tỷ trọng cao nhất trong 3 khu vực doanh nghiệp 97,4%. Trong những năm gần đây nhiều cải cách về môi trường kinh doanh đã được thực hiện, nhất là qua các Luật Doanh nghiệp 1999 và 2005 của Đảng và Nhà nước ta, cùng với Quyết định về chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ về tiêu chuẩn đo lường chất lượng giai đoạn 2003 - 2005 của UBND tỉnh Bình Thuận, tinh thần kinh doanh của người dân (nhà đầu tư) đã có sự tác động lớn, số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh khu vực này ngày càng nhiều, đặc biệt là ở loại hình doanh nghiệp tư nhân và công ty trách nhiệm hữu hạn.

Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có 28 DN, gấp 4,0 lần năm 2000 (tăng 21 DN), bình quân hàng tăng 14,9% (tăng 2 DN), chiếm tỷ trọng nhỏ nhất trong 3 khu vực doanh nghiệp với 1,4%. Mặc dù là tỉnh có nhiều thế mạnh như: Vị trí địa lý thuận lợi, bờ biển đẹp, tài nguyên khoáng sản phong phú, nguồn lao động dồi dào, lực lượng lao động lớn,… nhưng khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài còn nhiều hạn chế, số lượng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong 10 năm qua phát triển chưa nhiều.

So sánh giữa các ngành thì ngành khách sạn và nhà hàng có số lượng doanh nghiệp phát triển nhanh nhất. Tại thời điểm 01/01/2011, có 221 DN, gấp 11 lần năm 2000, chiếm 11,4% trong tổng số doanh nghiệp, bình quân hàng năm tăng 27,2% (tăng 20 DN). Kế đến là ngành xây dựng 229 DN, gấp 10,9 lần năm 2000, chiếm 11,8% trong tổng số doanh nghiệp, bình quân hàng năm tăng 27,0% (tăng 21 DN); ngành thương nghiệp 722 DN, gấp 6,3 lần năm 2000, chiếm 37,2% trong tổng số doanh nghiệp, bình quân hàng năm tăng 20,3% (tăng 61 DN); ngành vận tải kho bãi và thông tin truyền thông 80 DN, gấp 5,0 lần năm 2000, chiếm 4,4% trong tổng số doanh nghiệp, bình quân hàng năm tăng 17,5% (tăng 6 DN); ngành công nghiệp 415 DN, gấp 2,7 lần năm 2000, chiếm 21,4% trong tổng số doanh nghiệp, bình quân hàng năm tăng 9,6% (tăng 21 DN); ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản 87 DN, bình quân hàng năm tăng 9,2% (tăng 5 DN);…

Doanh nghiệp phát triển nhanh ở hầu hết các địa phương và cơ cấu đến thời điểm 01/01/2011 như sau: Thành phố Phan Thiết 1.012 DN, chiếm 52,1%; Thị xã La Gi 132 DN, chiếm 6,8%; Huyện Tuy Phong 138 DN, chiếm 7,1%; Huyện Bắc Bình 88 DN, chiếm 4,5%; Huyện Hàm Thuận Bắc 137 DN, chiếm 7,1%; Huyện Hàm Thuận Nam 106 DN, chiếm 5,5%; Huyện Tánh Linh 83 DN, chiếm 4,3%; Huyện Đức Linh 87 DN, chiếm 4,5%; Huyện Hàm Tân 63 DN, chiếm 3,2%; Huyện Phú Quý 95 DN, chiếm 4,9%.

Với độ tăng trưởng bình quân hàng năm 17,4%, mặc dù chưa cao so với một số tỉnh và cả nước nhưng kết quả này thể hiện được sự cố gắng lớn của các ngành, các cấp trong tỉnh. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp thực tế đang hoạt động so với số đăng ký kinh doanh còn thấp, chỉ chiếm 48,2%. Do xuất phát từ nhiều nguyên nhân: số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh nhưng chưa đi vào hoạt động còn nhiều (ngành du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, có khá nhiều dự án treo); số doanh nghiệp giải thể, phá sản do sản xuất kinh doanh không hiệu quả còn phổ biến (quy mô nhỏ lẻ chưa nắm bắt được thị trường); Trình trạng hoạt động kinh doanh sai mục đích xã hội (gian lận thuế, mua bán hóa đơn…) vẫn còn.

Mật độ doanh nghiệp bình quân trên đầu người tăng dần qua các năm. Nếu năm 2000 bình quân 1.000 dân có 0,36 DN thì đến năm 2010 bình quân 1.000 dân nâng lên 1,65 DN. Đây là một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Bình Thuận đang chuyển sang nền kinh tế thị trường theo hướng hiện đại.

Cùng với việc tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp, các yếu tố sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như: Lao động, nguồn vốn, năng suất lao động, doanh thu, nộp ngân sách, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin,…cũng tăng theo qua các năm.

1.2 Về lao động

 Giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống là vấn đề lớn rất được xã hội quan tâm.Với việc phát triển về số lượng doanh nghiệp đã giải quyết kịp thời nhu cầu lao động ở các địa phương trong và ngoài tỉnh. Tính đến thời điểm 01/01/2011, số lượng lao động làm việc ở các khu vực doanh nghiệp là 53.353 người, gấp 2,8 lần năm 2000 (tăng 34.447 người), bình quân hàng năm tăng 10,9% (tăng 3.445 người). Trong đó:

 Khu vực doanh nghiệp nhà nước là 5.621 người giảm 37,1% so với năm 2000 (giảm 3.309 người), chiếm 10,5% trong tổng số 3 khu vực doanh nghiệp, bình quân hàng năm giảm 4,5% (giảm 331 người). Nguyên nhân giảm là do trong quá trình tổ chức sắp xếp lại doanh nghiệp theo chủ trương của Nhà nước một số công ty có lượng lao động lớn bị giải thể như: Nhà máy đường Bình Thuận, Công ty Đầu tư xuất nhập khẩu, Xí nghiệp khai thác thủy sản,…Các doanh nghiệp này phần lớn là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có số lượng lao động khá lớn làm ảnh hưởng đến mức độ tăng trưởng lao động ngành công nghiệp không cao.

Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước là 45.407 người, gấp 4,9 lần năm 2000 (tăng 36.144 người), chiếm 85,1% trong tổng số 3 khu vực doanh nghiệp, bình quân hàng năm tăng 17,2% (tăng 3.614 người). Đây là khu vực thu hút lao động lớn nhất trên địa bàn tỉnh, do số lượng doanh nghiệp khu vực này phát triển nhanh, mặt khác từ năm 2001 trở lại đây một số doanh nghiệp khu vực Nhà nước “cổ phần hóa” chuyển sang khu vực này nên tỷ lệ lao động chiếm trong tổng số lao động của các khu vực doanh nghiệp cũng như tốc độ tăng trưởng bình quân so với 2 khu vực còn lại cao hơn.

Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 2.325 người, tăng gấp 3,3 lần năm 2000 (tăng 1.612 người), chiếm 4,4% trong tổng số 3 khu vực doanh nghiệp, bình quân hàng năm tăng 12,5% (tăng 161 người). Do các khu công nghiệp, khu du lịch mới phát triển trong những năm gần đây góp phần không nhỏ trong việc mở rộng lượng lao động của doanh nghiệp về quy mô và cả chất lượng.

 Sử dụng nhiều lao động nhất là ngành công nghiệp chế biến. Tại thời điểm 01/01/2011, số lao động trong ngành này là 17.077 người, gấp 1,6 lần năm 2000 (tăng 6.568 người), chiếm 32,0% tổng số lao động 3 khu vực doanh nghiệp, bình quân hàng năm tăng 5% lao động (tăng 657 người). Kế đến là ngành xây dựng 7.434 người, chiếm 13,9%, bình quân hàng năm tăng 14,7% (tăng 555 người); ngành khách sạn và nhà hàng 7.377 người, chiếm 13,8%, bình quân hàng năm tăng 20,5% (tăng 624 người); ngành thương nghiệp 7.856 người, chiếm 14,7%, bình quân hàng năm tăng 24,4% (tăng 697 người); ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản 5.493 người, chiếm 10,3%, bình quân hàng năm tăng 16,2% (tăng 427 người);…Nhu cầu lao động ở hầu hết các ngành trong các khu vực doanh nghiệp ngày càng cao nhất là trong các ngành công nghiệp, bình quân mỗi năm tăng 5,6% (tăng 838 người).

 Số lượng và cơ cấu lao động ở các địa phương đến thời điểm 01/01/2011như sau: Thành phố Phan Thiết 30.705 người, chiếm 57,6%; Thị xã La Gi 3.346 người, chiếm 6,3%; Huyện Tuy Phong 2.983 người; Huyện Bắc Bình 1.886 người, chiếm 3,5%; Huyện Hàm Thuận Bắc 4.806 người, chiếm 9,0%; Huyện Hàm Thuận Nam 2.688 người, chiếm 5%; Huyện Tánh Linh 1.495 người, chiếm 2,8%; Huyện Đức Linh 2.950 người, chiếm 5,5%; Huyện Hàm Tân 1.414 người, chiếm 2,7%, Huyện Phú Quý 1.080 người, chiếm 2,0%.

Qua sự phát triển về số lượng doanh nghiệp đã kéo theo cơ cấu số lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp so với tổng số lao động chung của toàn tỉnh tăng theo. Nếu như năm 2000 tổng số lao động của toàn tỉnh là 464.660 người, trong đó khu vực doanh nghiệp là 18.901 người, chiếm 4,1%, thì đến năm 2010 tổng số lao động toàn tỉnh là 609.504 người, trong đó khu vực doanh nghiệp là 53.353 người, chiếm 8,8%. Đây là một yếu tố đáng khích lệ, thể hiện được vai trò ngày càng lớn của các khu vực doanh nghiệp trong vấn đề giải quyết nhu cầu lao động xã hội hàng năm cho địa phương.

1.3 Về vốn sản xuất kinh doanh

Vốn là yêu cầu không thể thiếu được trong hoạt động sản xuất kinh doanh, mọi doanh nghiệp dù hoạt động ở bất kỳ hình thức nào đều cũng cần phải có một lượng vốn nhất định. Vốn là điều kiện đầu tiên, quan trọng nhất cho sự ra đời tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, có vốn doanh nghiệp mới đủ điều kiện trang bị trang thiết bị, cơ sở vật chất cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phương pháp quản lý cũng như việc ứng dụng kỹ thuật công nghệ hiện đại vào sản xuất.

Nhìn chung, trong những năm gần đây các doanh nghiệp có xu hướng mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh nên nguồn vốn đầu tư tăng mạnh, đặc biệt là ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Tính đến thời điểm 01/01/2011, tổng số nguồn vốn trong 3 khu vực doanh nghiệp đạt 20.728,1 tỷ đồng, gấp 9,3 lần năm 2000 (tăng 18.508,6 tỷ đồng), bình quân hàng năm tăng 25,0% (tăng 1.850,9 tỷ đồng). Trong đó:

Khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 2.229,4 tỷ đồng, chiếm 10,8% tổng số vốn 3 khu vực doanh nghiệp, gấp 1,8 lần năm 2000 (tăng 968,1 tỷ đồng), bình quân hàng năm tăng 5,9% (tăng 96,8 tỷ đồng), chiếm 10,8% trong tổng số vốn 3 khu vực doanh nghiệp. Đây là khu vực có tốc độ tăng trưởng nguồn vốn bình quân thấp nhất trong 3 khu vực doanh nghiệp. Do việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về tiến trình cổ phần và sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, một số doanh nghiệp có quy mô vốn lớn khu vực này đã chuyển sang khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 17.493,5 tỷ đồng, gấp 26,3 lần năm 2000 (tăng 16.828,9 tỷ đồng), chiếm 84,4% trong tổng số vốn 3 khu vực doanh nghiệp, bình quân hàng năm tăng 38,7% (tăng 1.682,9 tỷ đồng). Nguyên nhân nguồn vốn khu vực này tăng nhanh là do trong những năm gần đây với chính sách phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đảng và Nhà nước ta, cùng với hàng loạt các Nghị quyết, Văn bản của tỉnh đã có tác động tích cực đến việc huy động mọi nguồn vốn của các tầng lớp dân cư vào sản xuất kinh doanh, số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh khu vực này ngày càng nhiều.

Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1.004,6 tỷ đồng, gấp 3,4 lần năm 2000 (tăng 711,6 tỷ đồng), chiếm 4,8% trong tổng số vốn 3 khu vực doanh nghiệp, bình quân hàng năm tăng 13,1% (tăng 71,2 tỷ đồng). Do số lượng doanh nghiệp chưa nhiều nên khu vực này có tỷ trọng nguồn vốn thấp nhất trong 3 khu vực doanh nghiệp.

Đến thời điểm 01/01/2011, thì ngành xây dựng có tỷ trọng nguồn vốn lớn nhất, đạt 4.100,1 tỷ đồng, chiếm 19,8% trong tổng số vốn, gấp 6,9 lần năm 2000 (tăng 3.508,7 tỷ đồng), bình quân hàng năm tăng 21,4% (tăng 350,9 tỷ đồng). Kế đến là ngành công nghiệp chế biến đạt 3.956,1 tỷ đồng, gấp 5,4 lần năm 2000 (tăng 3.223,0 tỷ đồng), chiếm 19,1% trong tổng số vốn, bình quân hàng năm tăng 18,4% (tăng 322,3 tỷ đồng); ngành khách sạn và nhà hàng đạt 3.467,4 tỷ đồng, chiếm 16,7% trong tổng số vốn, gấp 11,1 lần năm 2000 (tăng 3.156,2 tỷ đồng), bình quân hàng năm tăng 27,3% (tăng 315,6 tỷ đồng); ngành thương nghiệp đạt 3.688,2 tỷ đồng, chiếm 17,8% trong tổng số vốn gấp 26,1 lần năm 2000 (tăng 3.547,1 tỷ đồng), bình quân hàng năm tăng 38,6% (tăng 354,711 tỷ đồng); ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 1.791,0 tỷ đồng, chiếm 8,6% trong tổng số vốn, gấp 24,7 lần năm 2000 (tăng 1.718,6 tỷ đồng), bình quân hàng năm tăng 37,8% (tăng 171,9 tỷ đồng);…

Do có số lượng doanh nghiệp nhiều nên Thành phố Phan Thiết là địa phương có tỷ trọng số vốn lớn nhất trong toàn tỉnh. Tại thời điểm 01/01/2011, số vốn đạt 13.698,2 tỷ đồng, chiếm 66,1%. Kế đến là Huyện Hàm Thuận Nam 1.438,1 tỷ đồng, chiếm 6,9%; Huyện Hàm Thuận Bắc 1.276,7 tỷ đồng, chiếm 6,2%; Huyện Đức Linh 894,3 tỷ đồng, chiếm 4,3%; Huyện Tuy Phong 883,3 tỷ đồng, chiếm 4,3%; Thị xã La Gi 860,8 tỷ đồng, chiếm 4,2%; Huyện Hàm Tân 589,1 tỷ đồng, chiếm 2,8%; Huyện Bắc Bình 471,6 tỷ đồng, chiếm 2,3%; Huyện Phú Quý 349,7 tỷ đồng, chiếm 1,7%.

1.4 Về năng suất lao động

Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện nay, để tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp phải chú trọng phát triển chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, trong đó đặc biệt là năng suất lao động. Trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp đã tích cực đổi mới tổ chức quản lí, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao trình độ quản lí và trình độ tay nghề của người lao động cho nên đã đạt được sự tăng trưởng mạnh về năng suất lao động. Nếu loại trừ các yếu tố trượt giá, giai đoạn 2000 - 2010, mức doanh thu bình quân do 1 lao động trong các khu vực doanh nghiệp tạo ra đã tăng gấp 3,8 lần (từ 131 triệu đồng/lao động năm 2000 tăng lên 495 triệu đồng/lao động năm 2010), bình quân hàng năm tăng 14,2% (tăng 36 triệu đồng/lao động). Trong đó; khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng gấp 5,3 lần (từ 125 triệu đồng/lao động năm 2000 tăng lên 660 triệu đồng/lao động năm 2010), bình quân hàng năm tăng 18,1% (tăng 53 triệu đồng/lao động); khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng gấp 3,5 lần (từ 140 triệu đồng/lao động năm 2000 tăng lên 485 triệu đồng/lao động năm 2010), bình quân hàng năm tăng 13,3% (tăng 35 triệu đồng/lao động); khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng gấp 3 lần (từ 94 triệu đồng/lao động năm 2000 tăng lên 278 triệu đồng/lao động năm 2010), bình quân hàng năm tăng 11,5% (tăng 18 triệu đồng/lao động).

Tại thời điểm 01/01/2011, ngành tài chính tín dụng có năng suất lao động bình quân cao nhất 2.371 triệu đồng/lao động. Kế đến là ngành thương nghiệp 1.695 triệu đồng/lao động; ngành công nghiệp chế biến 343 triệu đồng/lao động; ngành xây dựng 287 triệu đồng/lao động; ngành nông lâm, nghiệp và thủy sản 249 triệu đồng/lao động; ngành giáo dục và đào tạo 247 triệu đồng/lao động; ngành khách sạn và nhà hàng 175 triệu đồng/lao động; ngành hoạt động liên quan đến việc kinh doanh tài sản và dịch vụ 161 triệu đồng/lao động; ngành hoạt động văn hóa thể thao 124 triệu đồng/lao động; …

Đầu trang | Trang trước | Tiếp theo