5. Chi tiêu và cơ cấu chi tiêu:
Do thu nhập tăng cùng với ảnh hưởng tăng giá hàng hoá dịch vụ nên mức chi tiêu có nhiều thay đổi. Theo kết quả điều tra năm 2014, chi tiêu bình quân 1 người/1 tháng đạt 2,161 triệu đồng (năm 2010: 984 ngàn đồng), trong đó thành thị 2,408 triệu đồng (năm 2010: 1,19 triệu đồng); nông thôn 2,017 triệu đồng (năm 2010: 889 ngàn đồng). Mức chi tiêu bình quân/1 người/tháng của hộ sinh sống ở vùng đồng bằng đạt 2,348 triệu đồng (2010: 1,259 triệu đồng); trung du 2,308 triệu đồng (2010: 1,1 triệu đồng); miền núi 1,999 triệu đồng (2010: 884 ngàn đồng); vùng cao, hải đảo 1,511 triệu đồng (2010: 694 ngàn đồng).
Hộ có mức chi tiêu năm 2014 cao hơn mức trung bình chung, thuộc các ngành nghề: thuỷ sản (2,80 triệu đồng/người/tháng); công nghiệp (2,22 triệu đồng), thương nghiệp (2,45 triệu đồng); dịch vụ (2,23 triệu đồng); hộ CBCC, làm công ăn lương (2,26 triệu đồng).
Như vậy mức chi tiêu bình quân 1 người/tháng năm 2014 ở khu vực thành thị cao hơn 19,4% so với nông thôn (năm 2010: cao hơn 34%). Vùng đồng bằng có mức chi tiêu cao nhất (gấp 1,17 lần vùng miền núi; gấp 1,55 lần vùng cao, hải đảo). Khoảng cách trên cho thấy hệ số chênh lệch mức chi tiêu giữa 2 khu vực được rút ngắn so với năm 2010
Phân theo 5 nhóm thu nhập cho thấy kết quả chi tiêu như sau:
Bình quân/nhân khẩu ở nhóm hộ có mức thu nhập cao nhất (nhóm 1) chi tiêu 3,141 triệu đồng/tháng, gấp 2,91 lần so với nhóm hộ có mức thu nhập thấp nhất (năm 2010: gấp 3,96 lần); kế tiếp là nhóm 2 có mức chi tiêu 2,4 triệu đồng, gấp 2,23 lần nhóm hộ có mức thu nhập thấp nhất (năm 2010: gấp 3 lần); nhóm 3 có mức chi tiêu 1,985 triệu đồng, gấp 1,84 lần nhóm hộ có mức thu nhập thấp nhất (năm 2010: gấp 2,34 lần); nhóm 4 có mức chi tiêu 1,593 triệu đồng, gấp 1,48 lần nhóm hộ có mức thu nhập thấp nhất (năm 2010: gấp 1,79 lần). Như vậy so với năm 2010 thì hệ số chênh lệch về mức chi tiêu năm 2014 của các nhóm so với nhóm thấp nhất có thay đổi theo xu hướng giảm. Sự biến đổi này cũng cho thấy các hộ có thu nhập càng cao thì việc chi tiêu của hộ cũng tương xứng với điều kiện thu nhập.
Phân theo khu vực cho thấy năm 2014 tại thành thị nhóm hộ có mức thu nhập cao nhất (nhóm 1) chi tiêu 3,665 triệu đồng/tháng, gấp 2,88 lần hộ có mức thu nhập thấp nhất (năm 2010: gấp 3,0 lần); khu vực nông thôn nhóm hộ có mức thu nhập cao nhất (nhóm 1) chi tiêu 2,848 triệu đồng/tháng, gấp 2,86 lần hộ có mức thu nhập thấp nhất (năm 2010: gấp 4,28 lần). Như vậy mức chi tiêu giữa 2 khu vực khác nhau khá xa; trong từng khu vực, mức chênh lệch về chi tiêu giữa nhóm hộ có thu nhập cao nhất so với nhóm hộ có thu nhập thấp nhất năm 2014 tương đối ngang nhau (năm 2010: chênh lệch này khá xa).
Xét trong từng khoản chi tiêu ở từng nhóm hộ cho thấy có sự khác nhau như sau:
- Chi về lương thực, thực phẩm ở nhóm cao nhất (nhóm 1) là 1.037 ngàn đồng/người/tháng, nhóm 2: 870 ngàn đồng; nhóm 3: 786 ngàn đồng, nhóm 4: 716 ngàn đồng, nhóm thấp nhất (nhóm 5): 578 ngàn đồng/người/tháng. Như vậy chi về lương thực, thực phẩm nhóm cao nhất gấp 1,8 lần nhóm thấp nhất (năm 2010: gấp 3,0 lần).
- Chi ăn uống ngoài gia đình nhóm 1: 412 ngàn đồng/người/tháng, nhóm 2: 319 ngàn đồng, nhóm 3: 286 ngàn đồng, nhóm 4: 239 ngàn đồng, nhóm 5: 147 ngàn đồng/người/tháng. Như vậy chi về ăn uống ngoài gia đình nhóm cao nhất gấp 2,8 lần nhóm thấp nhất (năm 2010: gấp 6,5 lần).
- Chi về may mặc, mũ nón, giày dép nhóm 1: 102 ngàn đồng/người/tháng, nhóm 2: 79 ngàn đồng, nhóm 3: 72 ngàn đồng, nhóm 4: 60 ngàn đồng, nhóm 5: 41 ngàn đồng/người/tháng. Như vậy chi về may mặc, mũ nón, giày dép nhóm cao nhất gấp 2,46 lần nhóm thấp nhất (năm 2010: gấp 3,4 lần).
- Chi mua chất đốt, nhà ở điện nước nhóm 1: 190 ngàn đồng/người/tháng, nhóm 2: 154 ngàn đồng, nhóm 3: 132 ngàn đồng, nhóm 4: 108 ngàn đồng, nhóm 5: 70 ngàn đồng/người/tháng. Như vậy chi mua chất đốt, nhà ở điện nước nhóm cao nhất gấp 2,7 lần nhóm thấp nhất (năm 2010: gấp 4 lần)
- Chi đi lại, giáo dục, văn hoá, TDTT, giải trí nhóm 1: 380 ngàn đồng/người/tháng, nhóm 2: 248 ngàn đồng, nhóm 3: 208 ngàn đồng, nhóm 4: 159 ngàn đồng, nhóm 5: 111 ngàn đồng/người/tháng. Như vậy chi đi lại, giáo dục, văn hoá, TDTT, giải trí nhóm cao nhất gấp 3,4 lần nhóm thấp nhất (năm 2010: gấp 4 lần)
- Chi về y tế, chăm sóc sức khoẻ nhóm 1: 117 ngàn đồng/người/tháng, nhóm 2: 72 ngàn đồng, nhóm 3: 70 ngàn đồng, nhóm 4: 54 ngàn đồng, nhóm 5: 31 ngàn đồng/người/tháng. Như vậy chi về y tế, chăm sóc sức khoẻ nhóm cao nhất gấp 3,7 lần nhóm thấp nhất (năm 2010: gấp 3,0 lần)
Kết quả trên cho thấy nhóm hộ có thu nhập càng cao thì mức chi tiêu ở tất cả các khoản đều cao hơn so với nhóm hộ có thu nhập thấp. Tuy vậy, hệ số chênh lệch mức chi tiêu ở tất cả các khoản năm 2014 giữa nhóm hộ có thu nhập cao nhất với nhóm hộ có thu nhập thấp nhất đã được rút ngắn so với năm 2010 (ngoại trừ chi về y tế, chăm sóc sức khoẻ). Điều đó cho thấy đời sống sinh hoạt của nhóm hộ có thu nhập thấp cơ bản đã cải thiện dần.
Về cơ cấu chi tiêu: Tính chung toàn tỉnh cơ cấu chi về đời sống sinh hoạt chiếm 89,8% trong tổng chi tiêu (năm 2010: 90,5%); chi tiêu khác (ngoài chi đời sống sinh hoạt) chiếm 10,2% (năm 2010: 9,48%).
Trong chi về đời sống sinh hoạt, thì: chi mua lương thực thực phẩm chiếm 39,1% (năm 2010: 47,3%), chi ăn uống ngoài gia đình 13,7% (năm 2010: 14,7%), chi về chất đốt, nhà ở, điện nước 6,4% (năm 2010: 7,0%), chi về đi lại, giáo dục, văn hoá TDTT, giải trí 10,8% (năm 2010: 13,1%), chi về may mặc 3,5% (năm 2010: 3,8%), chi về y tế chăm sóc sức khoẻ 3,3% (năm 2010: 5,0%), chi mua sắm đồ dùng gia đình 2,8% (năm 2010: 2,7%), sửa chữa thường xuyên nhà ở 1,3% (năm 2010: 1,0%). Như vậy so với năm 2010, cơ cấu các khoản chi tiêu thiết yếu hàng ngày năm 2014 (như: mua lương thực thực phẩm; ăn uống ngoài gia đình; chi về chất đốt, nhà ở, điện nước.,,) thay đổi theo xu hướng giảm, trong đó chi mua lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng cao trong các khoản chi. Chi mua sắm đồ dùng gia đình, sửa chữa thường xuyên nhà ở và các khoản chi đời sống sinh hoạt khác (xây dựng mới nhà ở, mua sắm ô tô, xe máy….) năm 2014 chiếm cơ cấu trong chi đời sống, sinh hoạt cao hơn năm 2010.
Kết quả chi tiêu cũng cho thấy cơ cấu chi mua lương thực thực phẩm ở thành thị chiếm 38,73%; ở nông thôn chiếm 39,38% trong chi tiêu; chi về ăn uống ngoài gia đình ở thành thị chiếm 16,09%, trong khi ở nông thôn chiếm 12,07%. Nếu tính chung 2 khoản chi này (đều là chi về ăn uống) thì cơ cấu chi về ăn uống giữa 2 khu vực khác nhau (thành thị 54,82%; nông thôn 51,45%). Điều này cho thấy cơ cấu chi về ăn uống ở khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn.
Phân theo 5 nhóm thu nhập cho thấy cơ cấu các khoản chi trong chi tiêu về đời sống sinh hoạt ở từng nhóm hộ có sự khác nhau.
- Cơ cấu chi mua lương thực thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình nhóm 1 là 46,1%, nhóm 2 là 49,6%, nhóm 3 là 54,0%, nhóm 4 là 59,9%, nhóm 5 là 67,2%. Như vậy, tuy mức chi tiêu về lương thực thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình của hộ có thu nhập ở nhóm cao lớn hơn so với hộ có thu nhập ở nhóm thấp, song so với tổng chi tiêu về đời sống sinh hoạt cho thấy: Hộ có thu nhập càng cao thì cơ cấu chi tiêu về lương thực thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình (so với tổng chi) càng thấp
- Cơ cấu các khoản chi thiết yếu khác (ngoài chi tiêu về lương thực thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình) nhóm 1 là 53,9%, nhóm 2 là 50,4%, nhóm 3 là 46,0%, nhóm 4 là 40,1%, nhóm 5 là 32,8%. Kết quả cho thấy các khoản chi thiết yếu khác (ngoài chi lương thực thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình) của hộ có thu nhập ở nhóm cao lớn hơn so với hộ có thu nhập ở nhóm thấp, đồng thời cơ cấu chi tiêu về (so với tổng chi) cũng cao hơn
Xét về các khoản chi tiêu giữa 2 khu vực cũng cho thấy có sự khác nhau, cụ thể như sau:
- Chi về ăn uống (mua lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình):
Ở thành thị là 1.170 ngàn đồng/nhân khẩu/tháng (năm 2010: 682 ngàn đồng), ở nông thôn là 940 ngàn đồng (năm 2010: 492 ngàn đồng)
- Chi mua chất đốt, điện, nước máy, thuê nhà ở:
Ở thành thị là 140 ngàn đồng/nhân khẩu/tháng, (năm 2010: 82 ngàn đồng) ở nông thôn 115 ngàn đồng (năm 2010: 54 ngàn đồng)
- Chi về may mặc (vải, quần áo, mũ, giày dép)
Ở thành thị là 846 ngàn đồng/nhân khẩu/năm (năm 2010: 498 ngàn đồng), ở nông thôn 793 ngàn đồng (năm 2010: 370 ngàn đồng).
- Chi về đi lại, giáo dục, văn hoá thể thao, giải trí:
Ở thành thị là 3,021 triệu đồng/nhân khẩu/năm (năm 2010: 1,501 triệu đồng), ở nông thôn 2,221 triệu đồng (năm 2010: 1,357 triệu đồng)
- Chi về y tế, chữa bệnh:
Ở thành thị là 900 ngàn đồng/nhân khẩu/năm (năm 2010: 553 ngàn đồng), ở nông thôn 707 ngàn đồng (năm 2010: 529 ngàn đồng).
Như vậy tất cả các khoản chi tiêu thiết yếu cho đời sống, sinh hoạt của hộ gia đình ở khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn.
Phân theo nhóm mức chi tiêu cho thấy cơ cấu số hộ ở 2 khu vực như sau:
- Khu vực thành thị:
Chi tiêu từ 2,0 triệu đồng trở xuống/người/tháng chiếm 44,04%; từ trên 2,0 triệu đồng đến 3,0 triệu đồng: 34,91%; trên 3,0 triệu đồng : 21,05%
- Khu vực nông thôn:
Chi tiêu từ 2,0 triệu đồng trở xuống/người/tháng chiếm 61,94%; từ trên 2,0 triệu đồng đến 3,0 triệu đồng: 27,53%; trên 3,0 triệu đồng: 10,54%
Kết quả trên cho thấy cơ cấu số hộ có mức chi tiêu bình quân/người/tháng ở thành thị từ 2,0 triệu đồng trở lên chiếm tỷ trọng khá; trong khi ở nông thôn mức chi tiêu dưới 2,0 triệu đồng chiếm tỷ trọng cao.
Phân theo vùng địa lý cho thấy cơ cấu số hộ về mức chi tiêu ở từng vùng như sau:
- Vùng đồng bằng:
Chi tiêu từ 2,0 triệu đồng trở xuống/người/tháng chiếm 46,22%; từ trên 2,0 triệu đồng đến 3,0 triệu đồng: 34,44%; trên 3,0 triệu đồng: 19,33%
- Vùng trung du:
Chi tiêu từ 2,0 triệu đồng trở xuống/người/tháng chiếm 33,33%; từ trên 2,0 triệu đồng đến 3,0 triệu đồng: 46,67%; trên 3,0 triệu đồng: 20,0%
- Vùng miền núi:
Chi tiêu từ 2,0 triệu đồng trở xuống/người/tháng chiếm 59,31%; từ trên 2,0 triệu đồng đến 3,0 triệu đồng: 28,97%; trên 3,0 triệu đồng: 11,72%
- Vùng cao, hải đảo:
Chi tiêu từ 2,0 triệu đồng trở xuống/người/tháng chiếm 69,17%; từ trên 2,0 triệu đồng đến 3,0 triệu đồng: 21,67%; trên 3,0 triệu đồng: 9,16%
Kết quả trên cho thấy hộ có mức chi tiêu bình quân/người/1 tháng từ 2,0 triệu đồng trở xuống tập trung ở vùng miền núi, vùng cao, hải đảo; mức chi tiêu từ 2 triệu đồng đến dưới 3 triệu đồng/người/tháng ở vùng trung du đạt cao nhất (46,67%); mức chi tiêu từ 3,0 triệu đồng/người/tháng trở lên ở vùng đồng bằng và trung du tương đương nhau.
6. Tích luỹ hộ gia đình
Với kết quả trên cho thấy chênh lệch giữa thu nhập và chi tiêu bình quân đầu người năm 2014 toàn tỉnh đạt 6,806 triệu đồng (năm 2010: 4,278 triệu đồng); trong đó thành thị 10,159 triệu đồng (năm 2010: 4,247 triệu đồng); nông thôn 4,847 triệu đồng (năm 2010: 4,292 triệu đồng); vùng đồng bằng 10,709 triệu đồng (năm 2010: 3,682 triệu đồng); vùng trung du 11,149 triệu đồng (năm 2010: 6,077 triệu đồng); vùng miền núi 6,929 triệu đồng (năm 2010: 4,208 triệu đồng); vùng cao, hải đảo 1,368 triệu đồng (năm 2010: 4,657 triệu đồng). Như vậy, năm 2014 khu vực thành thị mức tích lũy cao gấp 2 lần so với khu vực nông thôn; mức tích lũy ở vùng trung du đạt khá nhất; mức tích lũy hộ vùng cao, hải đảo thấp nhất. So với năm 2010, tỷ lệ tăng mức tích luỹ khu vực thành thị, vùng đồng bằng tăng khá cao; vùng cao, hải đảo bị sụt giảm.
Phân theo ngành nghề SXKD chủ yếu cho thấy bình quân 01 nhân khẩu ở hộ nông lâm nghiệp đạt 4,824 triệu đồng (năm 2010: 2,77 triệu đồng), hộ thuỷ sản 8,099 triệu đồng (năm 2010: 5,339 triệu đồng), hộ công nghiệp-TTCN 8,856 triệu đồng (năm 2010: 5,005 triệu đồng), hộ thương nghiệp 13,473 triệu đồng (năm 2010: 7,362 triệu đồng); hộ dịch vụ 5,173 triệu đồng (năm 2010: 4,42 triệu đồng/người/năm), hộ CBCC, làm công ăn lương 11,804 triệu đồng (năm 2010: 2,312 triệu đồng). Như vậy so với năm 2010, các hộ đều có mức tích luỹ cao hơn, trong đó hộ thương nghiệp, hộ CBCC, làm công ăn lương, hộ công nghiệp-TTCN, hộ thuỷ sản đạt khá.
Phân theo từng nhóm thu nhập của hộ cho thấy có sự khác nhau rất nhiều. Hộ thuộc nhóm thu nhập cao nhất (nhóm 1) tích luỹ được 35,0 triệu đồng/người /năm (năm 2010: 16,2 triệu đồng), nhóm 2 đạt 8,2 triệu đồng (năm 2010: 3,8 triệu đồng), nhóm 3 đạt 4,7 triệu đồng (năm 2010: 1,9 triệu đồng), nhóm 4 đạt 2,9 triệu đồng (năm 2010: 0,8 triệu đồng), nhóm 5 đạt 1,1 triệu đồng (năm 2010: 0,6 triệu đồng/năm). Như vậy so với năm 2010, mức tích luỹ năm 2014 ở tất cả các nhóm đều tăng; và mức tích luỹ bình quân/nhân khẩu của nhóm hộ có thu nhập cao nhất gấp 31,8 lần so với nhóm hộ có mức thu nhập thấp nhất (năm 2010: 27 lần).
Từ những kết quả trên, dự ước mức tích luỹ trong dân cư năm 2014 toàn tỉnh đạt 8.215 tỷ đồng (năm 2010: 3.786 tỷ đồng); bằng 20,8% trong thu nhập dân cư toàn tỉnh (năm 2010: 19,9%); chiếm 19,2% trong GRDP tỉnh (năm 2010: 15,5%). Tuy vậy lượng vốn tích luỹ đưa vào đầu tư chỉ khoảng 75%, một phần còn lại đưa vào đầu tư gián tiếp dưới hình thức gửi tiết kiệm, mua nhà, đất, mua vàng….