[ 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 ]

 

 

 

2. Một số thông tin cơ bản về thực trạng và tình hình khó khăn của doanh nghiệp Bình Thuận trong năm 2012.

Năm 2012 trong điều kiện nền kinh tế của nước ta đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức: sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp; lạm phát cao; sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do năng lực tài chính hạn chế, công nghệ lạc hậu, hàng hóa tồn kho lớn; mặt bằng lãi suất cao… Song số lượng doanh nghiệp vẫn tăng nhanh và có một số hoạt động SXKD chuyển biến tích cực. Các doanh nghiệp hoạt động thương mại và du lịch tiếp tục phát triển, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng hơn năm trước. Ngoài ra, trong năm với một số khó khăn nhất định: Tiến độ xây dựng các khu công nghiệp chậm, thu hút đầu tư ít; tỷ giá USD Mỹ và giá vàng diễn biến phức tạp, giá nhiên liệu tăng cao, giá điện, nước máy tăng… đã tác động không nhỏ đến đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

a) Một số thông tin cơ bản của doanh nghiệp Bình Thuận

Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động SXKD trong Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính sự nghiệp năm 2012 có 2.276 doanh nghiệp tăng 134% so với Tổng điều tra 2007 và tăng trưởng bình quân hàng năm 18,62%. Chia ra theo thành phần kinh tế: Doanh nghiệp Nhà nước co 19 DN chiếm 0,83% so với tổng số, doanh nghiệp Nhà nước có 2.220 chiếm 97,54% so với tổng số và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có 37 DN chiếm 1,63% so với tổng số. Chia ra theo ngành kinh tế: Ngành Nông lâm nghiệp và thuỷ sản có 111 DN tăng 344% so với Tổng điều tra 2007 và tăng trưởng bình quân hàng năm 34,7%, ngành Công nghiệp-Xây dựng  có 712 DN tăng 93,5% so với Tổng điều tra 2007 và tăng trưởng bình quân hàng năm 14,1%, ngành Tương nghiệp-Giao thông Vận tải có 897 DN tăng 141,8% so với Tổng điều tra 2007 và tăng trưởng bình quân hàng năm 19,3%, ngành Khách sạn, nhà hàng, du lịch  có 261 DN tăng 107,1% so với Tổng điều tra 2007 và tăng trưởng bình quân hàng năm 15,7% và ngành Dịch vụ khác có 295 DN tăng 273,4% so với Tổng điều tra 2007 và tăng trưởng bình quân hàng năm 30,15%

Về cấp phép đầu tư, trong năm 2012 tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 32 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư (6 dự án du lịch; 1 dự án nông nghiệp, 1 dự án thủy sản, 9 dự án công nghiệp, 12 dự án dịch vụ, 3 dự án xăng dầu) với tổng vốn đăng ký đầu tư là 1.698,5 tỷ đồng. Đầu tư trực tiếp nước ngoài có thêm 13 dự án được cấp Giấy phép đầu tư và 14 doanh nghiệp điều chỉnh Giấy phép đầu tư với tổng số vốn bổ sung là 11,9 triệu USD, nâng tổng số dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực là 90 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1.687,9 triệu USD. Như vậy đến nay trên địa bàn tỉnh có 1.154 dự án đã được UBND Tỉnh chấp thuận đầu tư còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký 87.694 tỷ đồng, trong đó có 411 dự án du lịch, 80 dự án nuôi trồng thủy sản, 199 dự án nông lâm nghiệp, 209 dự án công nghiệp, 112 dịch vụ, 131 dự án xăng dầu, 12 dự án khu dân cư.

Về cấp phép đăng ký kinh doanh: tiếp nhận 1.610 hồ sơ và giải quyết 1.589 hồ sơ đăng ký kinh doanh (trong đó giải quyết sớm 823 hồ sơ). Như vậy tính đến thời điểm điều tra, trên địa bàn tỉnh có 3.354 doanh nghiệp, 410 chi nhánh và 73 văn phòng đại diện với tổng vốn đăng ký 30.329 tỷ đồng. Trong năm đã làm thủ tục xóa tên 114 doanh nghiệp, trong đó giải thể 75 doanh nghiệp; chuyển đổi loại hình 39 doanh nghiệp.

Tổng giá trị thực hiện các dự án có vốn tài trợ nước ngoài và các khoản viện trợ khác trong năm ước đạt 6,2 triệu USD; trong đó: Nguồn viện trợ phát triển chính thức (ODA) ước khoảng 102,75 tỷ đồng (đạt 74,8 % kế hoạch vận động nguồn ODA năm 2012), giá trị giải ngân các dự án thực hiện 96 tỷ đồng, đạt 69,8% kế hoạch; Nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài ước đạt 1.485.718 USD (đạt 94% kế hoạch vận động năm 2012).

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 41 tổ chức tín dụng đang hoạt động (tăng 03 tổ chức tín dụng so với đầu năm). Hoạt động tín dụng ngân hàng tiếp tục phát triển theo hướng tập trung phục vụ phát triển sản xuất – kinh doanh, khu vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cho vay tiêu dùng và bất động sản, chứng khoán được kiểm soát chặt chẽ. Huy động vốn tiếp tục tăng trưởng do các ngân hàng trên địa bàn đẩy mạnh huy động vốn với nhiều hình thức linh hoạt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tiếp thị, thực hiện tốt chính sách khách hàng, đổi mới phong cách phục vụ tạo niềm tin và tín nhiệm của khách hàng. Công tác tín dụng luôn được chú trọng, tăng cường chất lượng thẩm định, quyết định tín dụng và xét duyệt cho vay, các tổ chức tín dụng tập trung vốn ưu tiên cho sản xuất kinh doanh, khu vực nông nghiệp nông thôn, cho vay xuất khẩu, cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, hạn chế tăng trưởng tín dụng ở các lĩnh vực phi sản xuất, và luôn đảm bảo thanh khoản mọi thời điểm. Dự ước đến cuối năm 2012, nguồn vốn huy động đạt 10.491 tỷ đồng, tăng 28% so với đầu năm, tổng dư nợ cho vay đạt 12.951 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm; nợ xấu 189 tỷ đồng (chiếm 1,46% tổng dư nợ).

b) Thực trạng và tình hình khó khăn của doanh nghiệp Bình Thuận

- Tình hình lao động trong khu vực DN

Trong tổng số DN được điều tra, có 77,7% số DN khẳng định là số lao động DN đang sử dụng là đủ (không thừa, không thiếu) cho nhu cầu sản xuất kinh doanh. 5,3%; số DN đang dư thừa lao động và 17% số DN thiếu lao động.

Khu vực DN nhà nước có số DN dư thừa lao động cao nhất là 33,3%, tiếp đến là khu vực DN ngoài nhà nước với 4,5%. Vế thiếu lao động, chỉ có khu vực DN ngoài nhà nước là khu vực có tỷ lệ DN thiếu lao động đến 18,2%.

DN thuộc lĩnh vực thương mại và dịch vụ (gồm 4 ngành: bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; vận tải, kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; và thông tin và truyền thông) có 3,9% số DN đang dư thừa lao động; DN thuộc lĩnh vực công nghiệp số DN dư thừa lao động là 11,5%.

Có tới 60% số DN đang dư thừa lao động phản ánh nguyên nhân dư thừa lao động là do đang gặp khó khăn nên phải thu hẹp sản xuất kinh doanh. Tỷ lệ này ở khu vực DN ngoài nhà nước là 75%. Theo ngành kinh tế, khu vực thương mại, dịch vụ có tỷ lệ DN dư thừa lao động do thu hẹp sản xuất kinh doanh cao nhất với 100%, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng 33,3%.

Trái với xu hướng thừa lao động, có tới 17% số DN vẫn đang thiếu người làm, trong đó 26,7% số DN cho rằng tình trạng thiếu lao động là do không có đủ lao động đáp ứng yêu cầu kỹ thuật; 46,7% số DN cho rằng DN đang kinh doanh theo mùa vụ nên không tuyển được lao động và 13,3% số DN cho rằng người lao động yêu cầu lương/thu nhập quá cao nên DN không đáp ứng được. Tình trạng thiếu lao động do không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của khu vực DN công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ lệ 40%, trong khi đó khu vực thương mại, dịch vụ lại có tỷ lệ DN đang kinh doanh theo mùa vụ nên không tuyển được lao động cao nhất là 55,6%.

Đánh giá về chất lượng lao động hiện nay trong khu vực DN, có 62,4% số DN cho rằng chất lượng lao động toàn xã hội là bình thường; 9,9% cho rằng chất lượng tốt và 13,9% cho rằng chất lượng thấp.

- Tình hình nộp thuế của DN

Trong năm 2011 tỷ lệ số DN có nộp thuế giá trị giá tăng/thuế tiêu thụ đặc biệt là 86,2%, tỷ lệ DN không nộp thuế là 13,8%. Trong đó khu vực FDI có tỷ lệ DN không nộp thuế giá trị giá tăng/thuế tiêu thụ đặc biệt cao nhất với 66,7%. Theo khu vực kinh tế, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản là khu vực có tỷ lệ DN không nộp thuế giá trị giá tăng/thuế tiêu thụ đặc biệt cao nhất với 50%, tiếp đến là khu vực công nghiệp 15,4% và khu vực thương mại, dịch vụ là 9,8%. Tuy nhiên, lý do chính chiếm tới 92,3% số DN không nộp thuế là do không phải nộp thuế theo quy định, còn lại 7,7% số DN không nộp thuế năm 2011 là các DN thuộc diện phải nộp thuế nhưng không có khả năng nộp. Trong đó, ngành công nghiệp hiện đang là ngành có tỷ lệ DN không có khả năng nộp thuế cao nhất với 25%.

- Xu hướng sản xuất kinh doanh của DN năm 2012

Trong năm 2012, theo dự báo của các DN, có 44,7% số DN phản ánh sẽ tăng quy mô sản xuất kinh doanh so với năm 2011; 31,9% dự báo sẽ thu hẹp quy mô và 23,4% dự báo sẽ ổn định, không tăng, không giảm quy mô sản xuất kinh doanh. Theo loại hình DN, khu vực FDI có tỷ lệ DN dự kiến tăng quy mô là 66,7%, tiếp đến là khu vực ngoài nhà nước là 44,3%. Theo ngành kinh tế, ngành vận tải, thông tin và truyền thông dự báo có tỷ lệ số DN tăng quy mô sản xuất kinh doanh cao nhất là 100%, tiếp đến là ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống 55,6%, ngành xây dựng 54,5%, còn lại hầu hết các ngành khác dự báo tăng quy mô sản xuất kinh doanh trên 40%. Có đến 73,8% số DN cho rằng lý do chủ yếu làm cho các DN tăng quy mô sản xuất kinh doanh năm 2012 là do nhu cầu thị trường trong nước sẽ tăng.

Trong tổng số DN dự báo thu hẹp sản xuất kinh doanh năm 2012 thì có tới 60% DN cho rằng do nhu cầu thị trường trong nước giảm; 43,3% cho rằng tiếp cận nguồn vốn khó khăn; 23,3% cho rằng việc mua nguyên liệu đầu vào gặp khó khăn.

- Dự kiến mở rộng quy mô DN năm 2012

Dự kiến quy mô về lao động có 55,3% số DN cho rằng số lao động làm việc cho DN là ổn định về quy mô, không tăng, không giảm; 29,8% số DN tăng quy mô lao động (trong đó 14,9% DN tăng số lao động dưới 10%; 7,4% DN tăng lao động từ 10%-20%; 7,4% DN tăng lao động trên 20%). Trong khi đó có 14,9% số DN năm 2012 giảm quy mô lao động so với năm 2011 (trong đó 8,5% DN giảm lao động dưới 10%; 3,2% DN giảm lao động từ 10%-20%; 3,2% DN giảm lao động trên 20%).

Dự kiến quy mô về vốn 48,9% số DN được hỏi trả lời năm 2012 sẽ giữ nguyên quy mô về vốn sản xuất kinh doanh như năm 2011; 40,4% số DN trả lời sẽ tăng vốn và chỉ có 10,6% DN trả lời sẽ giảm quy mô về vốn.

          Dự kiến các DN ngoài nhà nước có tỷ lệ DN tăng quy mô vốn đạt cao nhất với 42%, tiếp đến là khu vực DN nhà nước với 33,3% và riêng khu vực FDI không tăng, không giảm.

          Dự kiến quy mô về doanh thu có 25,5% DN cho biết doanh thu dự kiến năm 2012 chỉ bằng năm 2011; 51,1% DN khẳng định năm 2012 sẽ tăng doanh thu cao hơn so với năm 2011 (trong đó khu vực FDI là 100%, khu vực DN nhà nước là 66,7% và khu vực DN ngoài nhà nước là 48,9%) và 23,4% số DN dự kiến giảm quy mô doanh thu.

Dự kiến quy mô về lợi nhuận 24,5% số DN được hỏi dự kiến lợi nhuận năm 2012 chỉ bằng năm 2011; 47,9% DN dự kiến sẽ cao hơn năm 2011 và 27,7% DN dự kiến sẽ giảm so với năm 2011.

- Đánh giá về các yếu tố cản trở đến sản xuất kinh doanh của DN

Cuộc điều tra đã phỏng vấn các DN khó khăn về 11 yếu tố thuộc môi trường kinh doanh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của khu vực DN, bao gồm: (1) Cung cấp điện; (2) Chi phí vận tải; (3) Chi phí thuê đất cho sản xuất kinh doanh; (4) Sự ổn định của chính sách điều hành kinh tế vĩ mô; (5) Thuế suất; (6) Quản lý thuế; (7) Trình độ và kỹ năng của lực lượng lao động; (8) Khả năng tiếp cận vốn; (9) Lãi suất vay vốn; (10) Lạm phát cao và biến động thất thường; (11) Hệ thống pháp lý và giải quyết tranh chấp. Kết quả điều tra cho thấy có 6 yếu tố gây cản trở lớn nhất đối với sản xuất kinh doanh của DN, xếp theo thứ tự từ lớn đến nhỏ:

(1) Lãi suất vay vốn quá cao (chiếm 32,3%);

(2) Tiếp cận vốn khó khăn (14%);

(3) Điện cung cấp không ổn định (11,8%);

(4) Chi phí vận tải cao (11,8%);

(5) Lạm phát cao và biến động thất thường (10,8%);

(6) Thuế suất (6,5%).

- Tình hình vay vốn của các DN

Trong số các DN nhỏ và vừa được hỏi thì 54,3% DN từ năm 2009 đến nay có biết Nhà nước có chính sách cho vay vốn với lãi suất ưu đãi cho các DN nhỏ và vừa, còn lại 45,7% DN không biết. Trong số các DN có biết chính sách này thì có 18,1% DN có được hỗ trợ vay vốn (nếu xét trên tổng số DN nhỏ và vừa thì tỷ lệ DN nhỏ và vừa được vay vốn chỉ đạt 10% còn lại 90% DN nhỏ và vừa không được vay vốn ưu đãi).

Về nguồn vốn vay: Hiện có 73,4% số DN đang vay vốn để sản xuất kinh doanh và 26,6% DN không vay vốn. Trong số các DN đang vay vốn, thì 66,7% số DN vay từ ngân hàng thương mại nhà nước; 20,3% DN vay từ bạn bè, người thân; 18,8% DN vay từ ngân hàng thương mại ngoài nhà nước; 2,9% DN vay từ ngân hàng FDI và 4,7% DN vay từ nguồn khác. Đáng chủ ý có tới 65,7% DN ngoài nhà nước vay vốn từ ngân hàng nhà nước, trong khi các DN FDI và nhà nước vay vốn của ngân hàng nhà nước đến 100% và ngược lại chỉ có riêng 3% DN ngoài nhà nước vay từ ngân hàng FDI.

50,7% số DN phản ánh khả năng đáp ứng nhu cầu vay vốn của DN hiện nay đạt từ 25%-50%; 26,1% DN cho rằng chỉ đạt dưới 25%; 18,8% DN cho rằng đạt từ 50%-70% và chỉ số 4,4% DN cho rằng đạt trên 75% nhu cầu vay vốn của DN.

 Hiện có tới 66,1% số DN đang vay vốn với lãi suất trên 17%/năm, trong đó số DN vay vốn với lãi suất trên 17%-18% là 30,5%; trên 18%-19% là 18,6%; trên 19%-20% là 5,1% và trên 20% là 11,9%.

Có tới 78,3% DN mong muốn lãi suất vay vốn hiện nay ở mức từ 10%-15%/năm, trong đó, tỷ lệ DN mong muốn từ trên 11%-12% là 20,3%; từ 10%-11% là 33,3%.

Trong các DN hiện không vay vốn được hỏi thì 57,1% DN cho rằng không có nhu cầu vay; 11,4% DN cho rằng vì lãi suất quá cao; 5,7% DN cho rằng thủ tục vay phức tạp, mất nhiều thời gian; 2,9% DN cho rằng không có đủ tài sản để thế chấp.

Về nguồn vốn huy động chính, 80,9% DN được hỏi mong muốn vay vốn từ các ngân hàng thương mại nhà nước; 34% DN mong muốn vay của bạn bè, người thân (trong đó tỷ lệ này của DN ngoài nhà nước là 35,2%); 16% DN  mong muốn vay ngân hàng thương mại ngoài nhà nước và 3,2% DN mong muốn vay từ ngân hàng FDI (trong đó tỷ lệ này của các các DN ngoài nhà nước là 3,4%); 2,1% DN mong muốn vay từ các ngân hàng tư nhân; 4,3% DN mong muốn huy động vốn bằng phát hành trái phiếu DN và 6,4% DN huy động vốn bằng hình thức khác.

- Mong muốn và kiến nghị của DN

Mong muốn và kiến nghị của DN được thể hiện qua một số chính sách của Nhà nước theo thứ tự ưu tiên như sau:

(1) Ổn định lãi suất vay vốn hợp lý với tỷ lệ DN đề nghị 87,2%;

(2) Hỗ trợ lãi suất vay vốn 86,2%;

(3) Cải thiện cơ sở hạ tầng 76,6%;

(4) Ổn định giá điện 75,5%;

(5) Tập trung nguồn vốn hỗ trợ các DN nhỏ và vừa 75,5%;

(6) Ổn định kinh tế vĩ mô xấp xỉ 70,2%;

(7) Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trong nước 67%;

(8) Hỗ trợ phát triển và đổi mới công nghệ để phát triển sản xuất kinh doanh 53,2%;

(9) Cải thiện môi trường pháp lý và hiệu quả giải quyết tranh chấp 41,5%.

- Kết luận rút ra từ điều tra tình hình khó khăn của doanh nghiệp

+ Tính từ thời điểm 01/01/2011 đến 01/4/2012 có 6,9% số DN tạm ngừng SXKD, DN phá sản, giải thể. Tỷ lệ này khá cao trong thời điểm hiện nay, tuy nhiên đây cũng là tình trạng chung của hầu hết các địa phương trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng. 33,3% số DN điều tra phản ánh nguyên nhân chính làm cho các DN phá sản, giải thể là do sản xuất kinh doanh thua lỗ; 25% phản ánh do không mua được nguyên vật liệu.

+ Trong số các DN theo quy định phải nộp thuế giá trị gia tăng/thuế tiêu thụ đặc biệt, có tới 7,7% số DN không nộp thuế do không có khả năng nộp. Tỷ lệ DN không có khả năng nộp thuế cao tập trung ở ngành công nghiệp chế biến – chế tạo.

+ Trong số 62,8% số DN đang vay vốn cho sản xuất kinh doanh thì có tới 16,9% phải vay với lãi suất bình quân năm trên 19% và 91,3% số DN cho rằng mức lãi suất bình quân năm chấp nhận được không quá 15%; 84,1% DN cho rằng mức lãi suất bình quân năm chấp nhận được không quá 14%.

+ Hiện tại, có tới 31,9% số DN dự kiến thu hẹp sản xuất kinh doanh mà nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu thị trường trong nước giảm (60%), do khó khăn tiếp cận vốn vay (43,3%) và do khó khăn trong việc mua nguyên liệu đầu vào (23,3%).  Khó khăn do tiếp cận vốn và nhu cầu thị trường trong nước giảm lại càng cao hơn đối với DN vừa và nhỏ. Có 14,9% số DN dự kiến giảm quy mô về lao động, 10,6% số DN dự kiến giảm quy mô về vốn và có tới 23,4% số DN dự kiến giảm về doanh thu và 27,7% số DN dự kiến giảm về lợi nhuận.

+ Đánh giá chung về các yếu tố cản trở nhiều nhất tới sản xuất kinh doanh hiện nay, các DN mong muốn Nhà nước, các Bộ, ngành tập trung hỗ trợ các DN cải thiện các yếu tố chủ yếu sau: Ổn định và hỗ trợ lãi suất vay vốn, cải tiến và tạo điều kiện để DN tiếp cận vốn thuận lợi hơn, tập trung nguồn vốn và hỗ trợ lãi suất vay vốn cho khu vực DN nhỏ và vừa, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, ổn định giá điện, cải thiện và phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu, hỗ trợ phát triển và đổi mới công nghệ để phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường pháp lý và hiệu quả giải quyết tranh chấp, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải tiến thuế suất và công tác quản lý thuế,....

Đầu trang | Trang trước | Tiếp theo