III. PHÂN TÍCH MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ CỦA BÌNH THUẬN TRONG NĂM 2011:
Tình hình kinh tế Việt Nam bắt đầu phục hồi trở lại, hoạt động sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế cũng đang từng bước đi lên, yếu tố môi trường đầu tư của các địa phương cũng có nhiều ảnh hưởng thuận lợi và khó khăn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, dựa vào kết quả điều tra doanh nghiệp năm 2011, Cục Thống kê Bình Thuận đã chọn mẫu 300 doanh nghiệp để điều tra về môi trường đầu tư của địa phương. Kết quả điều tra đã cho thấy những tín hiệu khả quan về môi trường đầu tư tại Bình Thuận, và cũng còn một số tồn tại nhất định mà tới đây địa phương cần phải rút kinh nghiệm cho những năm tiếp theo.
1. Những kết quả đạt được trong năm 2011:
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế ngày càng cao, kinh nghiệm và trình độ chuyên môn của các giám đốc doanh nghiệp (DN) cũng thay đổi phù hợp với các biến động của nền kinh tế thị trường. Số giám đốc DN có kinh nghiệm từ dưới 1 năm chiếm 17,3% trong tổng số DN toàn tỉnh, giảm 2,4% so với năm trước; số giám đốc có kinh nghiệm từ 1 đến dưới 5 năm giảm 0,7% so với năm trước. Tỷ lệ từ 5 đến dưới 10 năm kinh nghiệm vẫn giữ vững sự ổn định, tỷ lệ giám đốc có kinh nghiệm trên 10 năm tăng 3% so với năm trước. Điều đó cho thấy số DN lâu năm đang tăng dần, thể hiện rõ sự ổn định trong phát triển của nền kinh tế địa phương. Đồng thời cũng chỉ ra sự non nớt của một số DN mới, không thể trụ vững trên thương trường đành phải rút tên khỏi khu vực DN.
Với tình hình hoạt động kinh doanh ngày một đa dạng và luôn tạo cho mọi người có cơ hội cạnh tranh trên thị trường nên số lượng chủ DN ngày càng tăng với trình độ chuyên môn khá đa dạng, tỷ lệ số chủ DN có trình độ khác tăng 2% so với năm trước. Tỷ lệ chủ DN có trình độ về kinh tế - xã hội giảm 2,3% so với năm trước, vì quan niệm của một số chủ DN cho rằng không nhất thiết phải có bằng cấp của loại hình này thì mới có thể kinh doanh được. Đa số nhóm trình độ này chiếm trên 50% so với các nhóm khác, tập trung vào các ngành nông nghiệp, công nghiệp chế biến, sản xuất nước khoáng, thương nghiệp, dịch vụ,…. Tỷ lệ chủ DN có trình độ đào tạo chuyên môn phù hợp với ngành kinh doanh ngày càng tăng so với năm trước, trong đó ngành nông nghiệp tăng 19%; ngành khai khoáng tăng 32,5%; ngành xây dựng tăng 1,5%; ngành dịch vụ du lịch tăng 6,5%; ngành hoạt động tài chính tăng 14,3%.... Điều đó cho thấy các DN ngày càng ý thức rõ tầm quan trọng của trình độ chuyên môn rất cần cho hoạt động kinh doanh của mình như thế nào. Bên cạnh đó, số nhà quản lý giáo dục có trình độ chuyên môn được đào tạo phù hợp với ngành kinh doanh của mình đạt tỷ lệ 100% so với năm trước chỉ là 50%, cho thấy hoạt động giáo dục tư ngày càng được hoàn thiện và phát triển cao hơn.
Trong năm 2011, vốn điều lệ tiếp tục tăng lên, bình quân vốn điều lệ 1 DN đạt 7.054 triệu đồng, tăng 7% so với năm trước. Trong đó, một số ngành có vốn điều lệ tăng rất cao so với năm trước như ngành công nghiệp khai khoáng, ngành vận tải kho bãi, thông tin truyền thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ, giáo dục. Điều đó cho thấy, mặc dù kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhiều DN vẫn tiếp tục tăng vốn nhằm ổn định hoạt động kinh doanh, bảo đảm nguồn lực tài chính đầy đủ nhằm thu hút các nguồn đầu tư. Đặc biệt, số nợ của các DN năm 2011 giảm 53,3% so với năm trước, chứng tỏ hoạt động kinh doanh của DN vẫn diễn ra khá tốt. Nguồn vốn của các doanh nghiệp được bổ sung từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn là vay từ các ngân hàng. Những khoản vay này chủ yếu dùng để bổ sung cho vốn lưu động, đầu tư tài sản cố định phục vụ cho sản xuất kinh doanh và dùng để mua nguyên vật liệu, vật tư, hàng hóa. Trong tỷ lệ vốn phân bổ trong năm 2011 của DN, ngoại trừ số vốn từ nguồn nội bộ và lợi nhuận để lại thì số vốn vay từ các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng chiếm tỷ lệ cao nhất. Nguồn vốn lưu động vay từ ngân hàng chiếm 15,8%, trong đó 21,7% số vốn dùng để đầu tư mới tài sản cố định trong năm. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trong việc cho vay vốn đối với các DN. Đa số các DN vay vốn mục đích để sử dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh, có 33,1% DN cho biết dùng để mua máy móc thiết bị; có 18,8% DN dùng để mua tài sản cố định; có 55,2% DN dùng để mua nguyên vật liệu, vật tư, hàng hóa.
Tỷ lệ sử dụng đất kinh doanh của các DN cũng có chuyển biến theo chiều hướng tích cực, tỷ lệ DN sử dụng dưới 50% đất hiện có giảm xuống còn 5,7% so với 6,7% của năm trước. Tỷ lệ DN sử dụng từ 50-80% đất hiện có giảm xuống 30,7% so với tỷ lệ 32% của năm trước; trong khi đó, tỷ lệ sử dụng trên 80% diện tích đất hiện có thì tăng lên 63,7% so với năm trước chỉ là 61%. Tỷ lệ trên cũng phù hợp với tỷ lệ trên 50% DN ở các ngành đều sử dụng trên 80% đất hiện có. Điều đó cho thấy, các DN này hoạt động kinh doanh ngày càng ổn định và có xu hướng tận dụng triệt để diện tích sẵn có của mình.
Thời gian cấp các loại giấy phép, giấy đăng ký trong năm 2011 đã có nhiều tiến bộ đáng kể. Số DN có thời gian nhận các loại giấy phép trên 6 tháng đều giảm hẳn, trong khi đó có đến 78,2% DN được hỏi cho biết nhận được các loại giấy phép trong vòng từ 8 ngày đến 1 tháng, giảm 0,2% so với năm trước. Số lượng DN nhận được giấy phép trong vòng 2 ngày đến 1 tuần chiếm 9,6% DN được hỏi ý kiến, không có gì thay đổi so với năm trước. Bên cạnh đó, tỷ lệ DN nhận được giấy phép từ 1 tháng đến 3 tháng tăng 0,5% so với năm trước; từ trên 3 tháng đến 6 tháng tăng 0,3% so với năm trước. Các DN này rơi vào các nhóm ngành như công nghiệp chế biến, xây dựng, vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống. Vì trong xu hướng kinh tế ngày càng phát triển, yêu cầu về các vấn đề như môi trường, xử lý nước thải, vệ sinh an toàn thực phẩm... cũng tăng theo, khiến cho các DN chưa đạt tiêu chuẩn kỹ thuật không thể nhận được giấy phép kinh doanh cần thiết.
Tình hình kinh tế năm 2011 vẫn còn gặp nhiều khó khăn, một số DN hoạt động kinh doanh mang tính cầm chừng, tinh giảm lao động để giảm chi phí, họ chỉ giữ lại những công nhân có tay nghề, kỹ thuật cao. Tuy vậy, các DN thuộc nhóm ngành sản xuất và phân phối điện nước, xây dựng, hoạt động tài chính, y tế và trợ giúp xã hội có tỷ lệ tăng so với năm trước. Bắt đầu có sự dịch chuyển cơ cấu lao động theo vùng khá rõ, tỷ lệ lao động trong tỉnh tăng lên 90,9% so với năm trước chỉ là 88,9%; điều đó cho thấy nhu cầu làm việc của lực lượng lao động địa phương đang tăng lên. Trong đó, ngành sản xuất và phân phối điện nước tăng 99,2% so với năm trước; ngành xây dựng tăng 13,7%; ngành vận tải tăng 2,9%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 2,5% so với năm trước. Tỷ lệ lao động làm việc thường xuyên trong tỉnh chiếm tỷ trọng 90,7%, tăng 1,9% so với năm trước. Một số ngành có số lao động làm việc đủ thời gian thường xuyên tăng so với năm trước như ngành khai khoáng tăng 2,4%, ngành cung cấp nước tăng 0,9%, ngành thương nghiệp, kinh doanh bất động sản, hoạt động hành chính đều tăng.
Tỷ lệ thuận với hiện tượng thay đổi của tổng số lao động, số lao động thời vụ năm 2011 tăng 1,3% so với năm trước, trong đó lao động thời vụ trong tỉnh tăng 2,9% so với năm trước. Nếu phân theo ngành kinh tế, lao động thời vụ ngành công nghiệp chế biến – chế tạo tăng 1,4% so với năm trước, trong đó lao động trong tỉnh tăng 2,5%. Lao động thời vụ ngành xây dựng tăng 2,5% so với năm trước, lao động thời vụ ngành vận tải kho bãi tăng 19,4% so với năm trước. Đặc biệt lao động thời vụ ngành sản xuất và cung cấp điện nước tăng đến 19,8% so với năm trước. Số lượng lao động thời vụ chủ yếu được tuyển dụng để thực hiện thi công ở các công trình vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn, trong khi lực lượng lao động chính của các DN không đảm bảo được sức khỏe để thi công liên tục cho kịp tiến độ của công trình. Bên cạnh đó, lực lượng lao động trong tỉnh tăng cũng một phần do một bộ phận lao động ngoài tỉnh sau một thời gian làm việc tại Bình Thuận đã cảm thấy đời sống ngày càng sung túc hơn nên quyết định đăng ký hộ khẩu tại địa phương với ý định định cư suốt đời tại vùng đất này.
Trong năm qua, tình hình thu nhập của người lao động đã có những bước cải thiện đáng kể, nhất là lao động nữ. Tỷ lệ lao động nữ có mức thu nhập dưới 1 triệu đồng/tháng tăng 12,3% so với năm trước, nhưng chủ yếu rơi vào lực lượng lao động thời vụ, lao động làm việc bán thời gian. Tỷ lệ lao động nữ có thu nhập từ 1 triệu đến dưới 2 triệu đồng giảm so với năm trước, song song đó tỷ lệ có thu nhập từ 2 triệu đồng trở lên tăng khá nhanh. Trong đó, tỷ lệ DN có mức lương từ 2 đến dưới 2,5 triệu đồng/tháng cho lao động nữ tăng 9,3% so với năm trước, tỷ lệ DN có mức lương từ 2,5 đến dưới 3 triệu đồng/tháng tăng 3,7% so với năm trước, tương tự tỷ lệ DN có mức lương trên 3 triệu đồng/tháng tăng 3% so với năm trước. Số lao động nữ có thu nhập tăng so với năm trước đều rơi vào các ngành khai khoáng, chế biến-chế tạo, điện nước, xây dựng, dịch vụ lưu trú-ăn uống, ngân hàng, giáo dục. Điều đó cho thấy, tình hình thu nhập của lao động nữ từng bước được cải thiện, tầm quan trọng của người lao động nữ ngày càng được nâng cao và vươn tới tầm cao mới. Bên cạnh đó, trong năm 2011 không có DN nào của địa phương để xảy ra đình công, náo loạn dân sự cho thấy nền tảng hoạt động kinh doanh của các DN dần được củng cố vững chắc tạo cho người lao động an tâm làm việc.
Trong thời gian phát triển kinh tế luôn nảy sinh những hoạt động cạnh tranh quyết liệt, xuất hiện những yếu tố đòi hỏi phải có sự am hiểu nhất định về kinh doanh, khoa học kỹ thuật, pháp luật nhằm xử lý tốt hơn công việc của DN. Vì vậy, nhu cầu tuyển chọn một đội ngũ nhân viên nòng cốt hội đủ các yêu cầu cần thiết cho việc phát triển kinh doanh luôn là yếu tố hàng đầu của các DN. Theo điều tra mới đây, có đến 97,7% DN cho biết có nhân viên chính thức được đào tạo trong năm 2011, tăng 3,4% so với năm trước. Trong đó, số DN có tỷ lệ nhân viên được đào tạo dưới 2% tổng số nhân viên chính thức chiếm 59,7% tổng số DN, tăng 8,8% so với năm trước và có xu hướng giảm dần so với năm trước ở quy mô lớn hơn. Điều đó cho thấy, không phải tỷ lệ nhân viên được đào tạo ít đi là do DN không cho đào tạo, mà do trình độ nhân viên đã đáp ứng được yêu cầu ban đầu của DN, chẳng qua là họ được đào tạo thêm những vấn đề mới, những phương pháp kỹ thuật mới mà DN chưa ứng dụng bao giờ. Có 33,7% DN tỏ ý hài lòng về trình độ hiện có của người lao động, tăng 3% so với năm trước. Mặc dù, tỷ lệ này không cao so với tổng số DN, nhưng cho thấy trình độ người lao động ngày càng được nâng cao, công tác đào tạo được quan tâm nhiều hơn.
Về các cuộc tiếp xúc giữa doanh nghiệp với lãnh đạo địa phương, có đến 85,3% DN cho biết các cơ quan quản lý nhà nước có thể hiện sự quan tâm đến tình hình sản xuất kinh doanh của DN, tăng 2,6% so với năm trước. Ở mức độ thường xuyên, hai ngành thông tin truyền thông và giáo dục đều đạt tỷ lệ 100%, trong khi các ngành khác chỉ đạt dưới 30%. Tuy vậy ở mức độ thỉnh thoảng, số lượng DN cho biết có sự quan tâm của các cơ quan Nhà nước được rải đều hầu hết ở các ngành, trong đó nhóm ngành nông nghiệp, công nghiệp khai khoáng, chế biến-chế tạo, xây dựng đều có mức độ quan tâm trên 50%. Đây là những DN có những tác động khá rõ đến đời sống và hoạt động kinh tế của toàn xã hội, nên luôn được sự quan tâm của chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, tỷ lệ DN cho biết không có sự quan tâm của các cơ quan Nhà nước đã giảm 2,6% so với năm trước. Tình hình tham nhũng đang dần được cải thiện, với tỷ lệ hài lòng tăng 2,7% so với năm 2010. Hệ thống pháp lý và giải quyết tranh chấp có tỷ lệ hài lòng tăng 3% so với năm trước, tuy tỷ lệ này không cao so với xu hướng phát triển kinh tế hiện nay, nhưng cũng đã thể hiện được một phần cố gắng của hệ thống cơ quan pháp luật trong giải quyết các tranh chấp về kinh tế.
Công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng đối với doanh nghiệp giảm 2,4% so với năm trước, trong đó tỷ lệ thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế là cao nhất (81,8% DN trả lời có). Điều đó cho thấy các DN ngày càng nhận thức tốt hơn về việc thực hiện nghĩa vụ với nhà nước, nhờ đó thu ngân sách năm nay của địa phương đã vượt kế hoạch được giao. Tình hình thời tiết khô hạn khiến cho công tác kiểm tra phòng cháy chữa cháy luôn được quan tâm, không chỉ riêng các DN mà kể cả các cơ quan Nhà nước cũng được kiểm tra thường xuyên nhằm đảm bảo an toàn cho con người và tài sản, nên tỷ lệ thanh tra của cơ quan phòng cháy, chữa cháy đứng thứ hai sau cơ quan thuế. Tuy vậy, tỷ lệ này giảm 3,4% so với năm trước cho thấy nhiều DN đã thực hiện tốt hơn công tác này. Tương tự, tỷ lệ DN được thanh tra, kiểm tra trong năm 2011 của một số cơ quan chức năng cũng giảm dần, như tài nguyên môi trường 35,3% DN giảm 6,6% so với năm trước; lao động thương binh và xã hội 17,8% giảm 6,4% so với năm trước, xây dựng 7,4% giảm 2,6% so với năm trước.... Chứng tỏ các cơ quan này cũng đã hạn chế được những cuộc thanh tra không cần thiết, gây mất thời gian cho DN, tạo sự ổn định trong hoạt động kinh doanh của DN. Tình hình gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả hàng nhái, vệ sinh an toàn thực phẩm,… luôn diễn ra với những thủ đoạn ngày càng tinh vi. Vì thế việc tăng cường thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng như Quản lý thị trường, Vệ sinh an toàn thực phẩm là rất cần thiết, từ đó giảm thiểu được khả năng dùng phải hàng giả, hàng nhái cũng như sử dụng phải những sản phẩm kém chất lượng, có độc tố cao. Với những thành công đó, Bình Thuận là một trong những tỉnh ít có dịch bệnh xảy ra, nếu có xảy ra cũng được kiểm soát chặt chẽ và xử lý thiêu hủy ngay.
Có đến 58% DN cho biết dịch vụ viễn thông không gây ảnh hưởng gì đến vấn đề kinh doanh, tăng 2,3% so với năm trước. Tình hình đất kinh doanh khá thuận lợi cho các DN, tỷ lệ hài lòng tăng 5% so với năm trước. Tình hình giao thông cũng được cải thiện đáng kể, tỷ lệ đánh giá tốt tăng 4%; trong khi đó tỷ lệ đánh giá rất kém đã giảm 1% so với năm trước. Mặc dù tình hình cắt điện xảy ra khá nhiều, nhưng tỷ lệ hài lòng của các DN lại tăng 1,3% so với năm trước, trong khi đó mức độ cản trở rất nghiêm trọng giảm 0,4% so với năm trước.
Phát triển kết cấu hạ tầng được đánh giá rất tốt tăng so với năm trước. Tình hình cổ phần hóa các DN nhà nước điễn ra khá thuận lợi, được các DN đánh giá tốt. Sau khi gia nhập WTO, sự cạnh tranh từ hàng hóa nhập khẩu hay nội địa ngày càng gia tăng sẽ khiến các tranh chấp về kinh tế sẽ tăng lên. Bên cạnh đó, yếu tố chất lượng sản phẩm xuất khẩu ngày càng được các thị trường nhập khẩu kiểm tra gắt gao trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế đã làm cho các nước có xu hướng bảo hộ sản phẩm nội địa nhiều hơn. Những yếu tố trên khiến cho các DN địa phương phải tăng cường nghiên cứu kỹ hơn luật pháp quốc tế, thông qua sự tư vấn pháp lý của các cơ quan chức năng hay các cơ quan tư vấn luật quốc tế.
Ngoài yếu tố kết cấu hạ tầng ngày được cải thiện đang là nhân tố chủ đạo trong việc thu hút đầu tư của các DN, các nhân tố khác cũng tiếp tục góp phần thu hút không kém như nguồn nguyên liệu, nhân lực tại chỗ. Bên cạnh đó, với nguồn nguyên liệu, hàng hóa sẽ được các hộ cá thể, DN địa phương cung cấp, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh đã khiến cho các nhà đầu tư cảm thấy an tâm và đưa ra quyết định thành lập DN tại đây.
Toàn tỉnh hiện nay có 6 hiệp hội nghề nghiệp được thành lập, mặc dù số lượng doanh nghiệp tham gia hiệp hội giảm so với năm trước, vai trò của các hiệp hội từng bước được củng cố và phát triển mạnh hơn. Tỷ lệ số DN cho rằng tham gia vào hiệp hội rất có lợi trong năm 2011 đã tăng 2,2% so với năm 2010, cho thấy sức hút từ lợi ích có được khi tham gia hiệp hội đang ngày một tăng lên, trong đó nhóm ngành công nghiệp tăng khá mạnh.
2. Những vấn đề còn tồn tại trong năm 2011.
Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội không tránh khỏi những vấn đề có thể gây ảnh hưởng bất lợi đến hiệu quả đầu tư của DN, mà từ đó chúng ta cần phải rút ra bài học kinh nghiệm cho những năm tiếp theo:
- Yếu tố thứ nhất là giao thông: Trong những năm trước, giao thông không phải là vấn đề cản trở các DN, thì năm nay tình hình giao thông đi lại bắt đầu gây cản trở tương đối cho các DN với mức tăng 2% so với năm trước. Với việc đường giao thông ngày càng xuống cấp, một số cây cầu lâu năm bắt đầu hư hỏng khiến cho việc vận chuyển hàng hóa của các DN gặp nhiều khó khăn, do phải đi đường tránh làm chi phí vận tải tăng cao, thời gian vận chuyển lâu hơn.
Tình hình hạ tầng giao thông xuống cấp đã được cảnh báo trong những năm gần đây, nhưng do nhu cầu đi lại thường xuyên và nguồn vốn để sửa chữa rất lớn nên chưa thể tiến hành ngay được. Bên cạnh đó, do không có cảng biển lớn đạt tiêu chuẩn, nên với lượng hàng xuất khẩu chủ yếu là nông sản và hải sản được xuất qua các cảng biển của TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa; làm tăng thời gian vận chuyển kéo dài sẽ khiến cho chất lượng của sản phẩm sẽ bị giảm sút đáng kể.
- Yếu tố thứ hai là chính sách: Tỷ lệ hài lòng trong năm 2011 đã giảm 2,3% so với năm trước, trong đó tỷ lệ ý kiến cho biết mức độ đôi chút cản trở tăng 5% so với năm trước, mức độ cản trở rất nghiêm trọng tăng lên 3,7%. Điều đó cho thấy, hệ thống chính sách ưu đãi đầu tư còn dàn trải, phức tạp, chồng chéo; thể hiện nhiều loại, nhiều cấp văn bản khác nhau. Các quy định về khuyến khích và ưu đãi đầu tư vẫn chưa thực sự đi vào thực tiễn do thủ tục còn phiền hà.
- Yếu tố thứ ba là quản lý thuế: Mặc dù tỷ lệ hài lòng có tăng so với năm trước, nhưng song hành đó tỷ lệ DN cho biết có tương đối cản trở cũng tăng 2% so với năm trước. Điều đó cho thấy, tuy đã được cải thiện khá tốt, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề bất hợp lý về thuế suất khiến cho một số DN chưa thực sự hài lòng. Chứng tỏ chính sách thuế chưa thực sự thể hiện quyền lợi của người nộp thuế mà chỉ nhấn mạnh đến các nghĩa vụ của người nộp thuế, chưa có nhiều doanh nghiệp tự giác nộp thuế để tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, các quy định về thuế còn nhiều điểm chưa phù hợp với từng đối tượng DN, nhất là đối với các DN hoạt động sản xuất công nghiệp.
- Yếu tố thứ tư là trình độ, kỹ năng của lao động: Tỷ lệ hài lòng về người lao động tăng 2,7% so với năm trước, nhưng song song đó tỷ lệ không hài lòng về người lao động cũng tăng lên. Tỷ lệ DN cho biết trình độ của người lao động có gây cản trở đáng kể đến hoạt động sản xuất kinh doanh tăng 1,3% so với năm trước, tỷ lệ có đôi chút cản trở tăng 3,3% so với năm trước. Trên thực tế, trình độ chuyên môn của người lao động trong một số ngành không đáp ứng được nhu cầu của một số DN. Mặc dù hàng năm Bình Thuận luôn tổ chức các Hội chợ việc làm, lượng lao động đến tham gia tìm kiếm việc làm khá nhiều, nhưng các doanh nghiệp cũng không dễ dàng tìm được những lao động phù hợp cho mình và nếu có tuyển dụng được thì cũng còn phải bỏ thời gian, kinh phí để đào tạo lại cho phù hợp với yêu cầu chuyên môn của doanh nghiệp.
Theo đánh giá chung, trình độ tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp của công nhân lao động còn thấp, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp, năng suất lao động chưa đáp ứng yêu cầu. Vì vậy đã có nghịch lý, các doanh nghiệp thiếu thị trường lao động kỹ thuật cao còn người lao động lại thiếu việc làm. Bên cạnh đó, lao động giỏi có xu hướng đổ xô vào các thành phố phát triển tìm kiếm việc làm có thu nhập cao, hoặc nếu không thì họ cũng lựa chọn vào các DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Trình độ công nhân thấp nhưng việc đầu tư và nâng cao trình độ chuyên môn cho công nhân không được coi trọng, do các doanh nghiệp ít tạo điều kiện thuận lợi để người lao động có thể học tập, nên số công nhân lao động được đào tạo, nâng cao trình độ không nhiều. Có một thực tế là nhiều lao động đã tốt nghiệp đại học đảm nhiệm các vị trí lẽ ra bố trí cho các công nhân kĩ thuật, mặt khác, các DN trong nước do công nghệ thấp và để đảm bảo hạ giá thành sản phẩm nên chỉ sử dụng các lao động có tay nghề thấp, lao động phổ thông.
Với những nguyên nhân như vậy đã dẫn đến tâm lý chung là người lao động mới vào sẵn sàng nhận mức lương thấp trong thời gian đầu chỉ để có việc làm, họ coi DN như là nơi dừng chân và là bước đệm để rèn luyện kĩ năng và kinh nghiệm trước khi tìm được việc làm ở công ty lớn hơn.
- Yếu tố thứ năm là chi phí vay vốn: Trong khi việc tiếp cận nguồn vốn có phần dễ dàng hơn so với năm trước, thì ngược lại chi phí vay vốn lại đang gây khó khăn cho các DN. Mức độ cản trở rất nghiêm trọng về chi phí vay vốn tăng 2% so với năm trước, mức độ cản trở đáng kể cũng tăng 0,3% so với năm trước. Như vậy, dù việc tiếp cận nguồn vốn đã tương đối dễ dàng hơn, nhưng lãi suất lại tăng cũng gây nhiều khó khăn cho các DN. Các ngân hàng thắt chặt các điều khoản cho vay vốn, nhiều doanh nghiệp do tình hình kinh doanh không thuận lợi nên không thể vay vốn được vì phần lớn các DN này đều vay theo dạng thế chấp, trong khi lãi suất cho vay ngày càng tăng khiến cho họ khó có thể trả nợ kịp thời.
Với đa số DN trong tỉnh là DN vừa và nhỏ nên việc phải trả những chi phí giao dịch cao sẽ khiến cho các khoản vay vượt quá tầm với của họ. Một số DN cho biết, khi vay vốn họ gặp nhiều khó khăn hơn so với DN nhà nước vì nếu DN nhà nước làm ăn thua lỗ thì sẽ có nhà nước trả thay, còn họ thì không có được sự bảo lãnh nào cả. Trong khi đó, các DN ngoài Nhà nước tại địa phương đa phần có nguồn vốn nhỏ nên khi muốn vay vốn với số lượng lớn thì thường gặp khó khăn khi phải giải thích về hiệu quả của nguồn vay. Vì vậy, nhiều DN lựa chọn vay bên ngoài với lãi suất cao nhưng lại có nguồn cho vay lớn. Chính vì yếu tố này khiến cho nhiều DN nhỏ dễ đi đến tình trạng phá sản, làm mất cân đối trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Yếu tố thứ sáu là tình hình an ninh trật tự: Tình hình an ninh trật tự trong năm 2011 cũng đã được cải thiện khá nhiều, nhưng một số mức độ cản trở thì tăng so với năm trước. Trong đó, mức độ cản trở rất nghiêm trọng tăng 3% so với năm trước, mức độ cản trở đáng kể tăng 1,3% so với năm trước. Tình hình đánh nhau, trộm cắp, chèo kéo khách vẫn còn tiếp tục xảy ra với tính chất liều lĩnh hơn. Tình hình đua xe vẫn còn diễn ra liên tục trên một số tuyến đường chính gây nguy hiểm cho người đi đường xảy ra khá nhiều; tình trạng ăn xin, bán vé số đeo bám gây khó chịu cho du khách diễn ra thường xuyên ở các khu vực ẩm thực, vui chơi giải trí.
Mặc dù vấn đề này không phải là yếu tố ảnh hưởng lớn đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của các DN, nhưng nó vẫn tạo tâm lý không an tâm cho các nhà đầu tư, nhất là về lĩnh vực du lịch. Bình Thuận là một tỉnh có thế mạnh phát triển về du lịch, khách du lịch đến đây để nghỉ dưỡng, tham quan, ngắm cảnh nên cần có một môi trường ổn định, an toàn, thân thiện.
- Yếu tố thứ bảy là xử ngoài luật và cạnh tranh không lành mạnh: Tỷ lệ ý kiến hài lòng của các DN trong năm 2011 đã giảm 1% so với năm trước, trong khi đó tỷ lệ DN cho biết cản trở rất nghiêm trọng tăng 2% so với năm trước. Điều đó cho thấy, công tác tuyên truyền về ý thức kinh doanh đối với các thành phần kinh tế còn chưa hiệu quả và việc giải quyết những vấn đề này còn khá chậm chạp dẫn đến sự không hài lòng trên.
Tình hình tranh chấp giữa các DN có xu hướng ngày càng tăng, từ khâu đầu vào cho đến bán sản phẩm đều có sự cạnh tranh quyết liệt. Với việc nguồn nguyên liệu hải sản ngày càng cạn kiệt, giá xăng dầu tăng, số lượng tàu thuyền đánh bắt khá lớn cộng thêm tàu thuyền của các tỉnh bạn tham gia đánh bắt trên ngư trường tỉnh khá đông đã khiến cho giá thu mua thay đổi giữa các DN chế biến nhằm thu được nguồn hàng nhiều nhất. Dẫn đến người bán ghim hàng chờ giá tăng để bán, vì thế nhiều khi DN phải chấp nhận mua nguyên liệu đầu vào với giá cao để đảm bảo hợp đồng đã ký, trong khi đó giá bán không tăng nên DN rất dễ bị lỗ. Ngoài ra, vì mục đích bán cho bằng được sản phẩm của mình và triệt hạ đối thủ, một số doanh nghiệp đã hạ giá bán sản phẩm khiến cho các doanh nghiệp khác cũng phải hạ giá theo. Vấn đề này đã dẫn đến việc đối tác mua hàng sẽ giữ thái độ im lặng chưa chịu mua hàng nhằm ép giá bán tiếp tục hạ xuống đến mức thấp nhất, những trường hợp này tập trung vào các DN mua bán nông sản. Chính những phương thức cạnh tranh không lành mạnh như trên đã dẫn đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp liên tục bị lỗ là điều không thể tránh khỏi. Bên cạnh đó, việc xử ngoài luật của một số DN cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cùng ngành với nhau.
- Yếu tố thứ tám là hệ thống pháp lý và giải quyết tranh chấp: Tỷ lệ không gây cản trở giảm 3% so với năm trước, trong khi tỷ lệ ý kiến cho biết cản trở rất nghiêm trọng lại tăng 2,6% so với năm trước, điều đó cho thấy hệ thống pháp lý đã được cải thiện đáng kể, nhưng việc để tồn đọng một số tranh chấp chưa giải quyết khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN gặp nhiều khó khăn hơn.
Hệ thống pháp lý thiếu minh bạch và thống nhất, phức tạp và chồng chéo lẫn nhau, nhiều văn bản của các bộ ngành quy định còn trái với luật, đặc biệt là tính dễ thay đổi của các văn bản và quy phạm pháp luật. Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường tiếp tục có những diễn biến phức tạp, việc tranh chấp trong các hoạt động kinh tế diễn ra thường xuyên và luôn tạo ra những xung đột mà phải có sự can thiệp của hệ thống pháp luật. Qua đó, ta thấy hệ thống pháp lý của địa phương vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, cũng như giải quyết các tranh chấp xảy ra và từ đó chỉ ra một vấn đề là năng lực của một số cán bộ thực thi pháp luật vẫn còn những hạn chế nhất định.
- Yếu tố thứ chín là tình hình chung chi cho các cán bộ Nhà nước: Mặc dù tình hình chung cho thấy, hiện tượng chi tiền cho các cán bộ của các cơ quan chức năng Nhà nước đã giảm đáng kể, nhưng tỷ lệ chi tiền từ 2% lợi nhuận trở lên của các DN có hiện tượng tăng lên. Tỷ lệ chi tiền ở mức 2% đến dưới 10% tăng 5% so với năm trước, ở mức từ 20% đến 30% tăng 0,7% so với năm trước. Một số DN có tỷ lệ chung chi tăng lên nhiều như ngành nông nghiệp có tỷ lệ DN chung chi từ 2% đến dưới 10% lợi nhuận, tăng 29% so với năm trước; ngành thương nghiệp có tỷ lệ DN chung chi từ 2% đến dưới 10% lợi nhuận, tăng 10,5% so với năm trước. Ở tỷ lệ từ 10% đến dưới 20%: ngành xây dựng tăng 7,1% so với năm trước, ngành thương nghiệp tăng 21,4% so với năm trước. Ở tỷ lệ từ 20% đến dưới 30%, ngành thông tin và truyền thông tăng 33,3% so với năm trước và ở trên mức 30% đều tập trung vào nhóm DN thương nghiệp.
Tuy tần suất chung chi có giảm, nhưng tỷ lệ chung chi có giá trị lớn lại tăng. Điều đó cho thấy, với nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng phát triển, việc chi tiền nhỏ giọt dàn trải không còn được các DN áp dụng, mà họ quyết định chi nhiều vào một vài chỗ nhất định và được xem như là những khoản chi phí không chính thức để tránh những quy định của Nhà nước, hoặc ký kết hợp đồng dễ dàng hơn.
Trong bối cảnh hệ thống pháp luật và môi trường đầu tư đang được xây dựng và hoàn thiện để phù hợp với tình hình mới, phù hợp với xu thế và bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Trong giai đoạn hiện nay, cơ chế chính sách chưa ổn định, còn nhiều thay đổi, văn bản pháp quy còn nhiều điểm chồng chéo, đôi khi thiếu rõ ràng, tính hiệu lực chưa cao làm cho DN gặp khó khăn khi tìm hiểu, vận dụng và chấp hành. Hệ thống luật pháp đã được cải thiện khá nhiều, nhưng tỷ lệ chưa cao cho thấy các Luật được ban hành vẫn còn những khiếm khuyết nhất định đến hoạt động của DN như Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế, Luật Lao động…. Với những nhận định trên cho thấy tình hình nhận tiền “lót tay” của một số cán bộ Nhà nước vẫn còn tồn tại, điều đó đồng nghĩa với việc ngân sách sẽ mất đi một khoản thu nhất định và việc nhũng nhiễu, gây khó dễ cho hoạt động kinh doanh của các loại hình kinh tế sẽ còn tiếp tục tái diễn. Song hành đó tình hình vi phạm về môi trường sống, vệ sinh an toàn thực phẩm, các quy định về xây dựng, thủ tục hành chính,… sẽ còn tiếp tục phát triển. Mặc dù các mức độ gây ảnh hưởng xấu đến các DN đều giảm so với năm trước, nhưng tỷ lệ giảm không nhiều cho thấy tình hình cải thiện môi trường đầu tư của địa phương vẫn còn một số vướng mắc, khó khăn chưa giải quyết được. Để giải quyết được vấn đề này thì cần phải có sự chung tay, đồng lòng, đồng thuận của chính quyền, cũng như của các doanh nghiệp.