[ 1 | 2 | 3 | 4 | 5 ]

 

 

 

II. HIỆN TRẠNG MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ CỦA BÌNH THUẬN:

1. Tổng quan tình hình kinh tế, tự nhiên, xã hội và đầu tư của Bình Thuận.

Để đánh giá đúng về tiềm năng và thế mạnh của Bình Thuận, chúng ta cần điểm qua một số nét chính về điều kiện tự nhiên, cũng như tình hình kinh tế xã hội của tỉnh Bình Thuận trong những năm qua.

a) Điều kiện tự nhiên.

Bình Thuận là một tỉnh thuộc khu vực kinh tế miền Đông Nam Bộ và nằm trong khu vực ảnh hưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Phía Bắc giáp Lâm Đồng và Ninh Thuận, phía Tây giáp Đồng Nai, Tây Nam giáp Bà Rịa - Vũng Tàu, Đông và Đông Nam giáp Biển Đông với đường bờ biển dài 192 km. Ngoài khơi có huyện đảo Phú Quý cách thành phố Phan Thiết 120 km. Tỉnh lỵ đặt tại thành phố Phan Thiết, cách thành phố Hồ Chí Minh 198 km, cách thành phố Nha Trang 250 km.

Diện tích tự nhiên: 7.830 km2; dân số: 1.171.675 người, với trên 650 ngàn lao động (tính đến cuối năm 2010); khí hậu nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa với 2 mùa rõ rệt: mùa mưa: từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô: từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau; nhiệt độ trung bình: 270C ; lượng mưa trung bình năm: 1.319 mm.

Với vị trí địa lý như trên, bên cạnh mối quan hệ kinh tế truyền thống với địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Thuận có điều kiện mở rộng mối quan hệ giao lưu phát triển kinh tế với các tỉnh Tây Nguyên và cả nước. Sức hút của các thành phố và các trung tâm phát triển như thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Nha Trang tạo điều kiện cho tỉnh đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, tiếp thu nhanh khoa học kỹ thuật, đồng thời cũng là một thách thức lớn đặt ra cho Bình Thuận phải phát triển nhanh nền kinh tế, nhất là những lĩnh vực thế mạnh, những sản phẩm đặc thù để mở rộng liên kết và phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để không bị tụt hậu so với khu vực và cả nước.

b) Đặc điểm kinh tế - xã hội.

Thiên nhiên đã ưu đãi cho Bình Thuận nguồn tài nguyên tương đối phong phú và đa dạng để phát triển các ngành kinh tế biển, nông lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, khai thác và du lịch dịch vụ.

* Thủy sản:

Với vùng biển đang quản lý khai thác rộng 52.000 km2, biển Bình Thuận là một trong 3 ngư trường lớn nhất của Việt Nam, trữ lượng hải sản từ 220 đến 240 ngàn tấn, phong phú về chủng loại với nhiều loại hải đặc sản quý hiếm có giá trị kinh tế cao. Toàn tỉnh có trên 8.043 tàu thuyền có động cơ với tổng công suất 678.176CV, sản lượng hải sản khai thác hàng năm đạt trên 120.000 tấn. Do có điều kiện tự nhiên thuận lợi, vùng ven biển của tỉnh rất phù hợp để nuôi trồng thủy sản, hiện nay đã có hơn 2.509 ha mặt nước nuôi trồng. Huyện đảo Phú Quý trên biển Đông rất gần đường hàng hải quốc tế, là tụ điểm giao lưu Bắc - Nam và ngư trường Trường Sa, đảo Phú Quý là tụ điểm thuận lợi cho phát triển ngành khai thác, chế biến hải sản, phát triển dịch vụ hàng hải, du lịch và ngành dầu khí.

* Nông - Lâm nghiệp:

Toàn tỉnh có 282.902 ha đất canh tác nông nghiệp, trong đó có trên 54.700 ha đất lúa. Chăn nuôi gia súc, gia cầm khá phát triển. Hiện nay, đang hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả như thanh long, điều, bông vải, cao su, tiêu, nho... Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào để phát triển các ngành công nghiệp chế biến. Với diện tích 390.745 ha rừng và đất lâm nghiệp, thảm cỏ là tiền đề thuận lợi để lập các nhà máy chế biến gỗ và phát triển các trang trại chăn nuôi đại gia súc và lập nhà máy chế biến thịt bò, heo...

* Khoáng sản:

Tài nguyên khoáng sản có nhiều loại, trữ lượng lớn, đáng chú ý là nước khoáng thiên niên Bicarbonat, với 10 mỏ trữ lượng cao và chất lượng tốt (trong đó có cả mỏ nước khoáng nóng 700C) có thể khai thác trên 300 triệu lít/năm; Hiện có 2 mỏ đang được khai thác và kinh doanh (Vĩnh Hảo và Đa Kai). Cát thủy tinh có 4 mỏ lớn ở Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình và La Gi trữ lượng trên 500 triệu m3; chất lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, phù hợp để sản xuất thủy tinh cao cấp, kính xây dựng, gạch thủy tinh. Đá Granít có trữ lượng rất lớn, phân bố khắp nơi. Sét Bentonit dùng trong công nghiệp hóa chất và khai thác dầu mỏ, trữ lượng khoảng 20 triệu tấn. Quặng Sa khoáng nặng để sản xuất Titan, Zircon, trữ lượng khoảng một triệu tấn.

* Giao thông vận tải:

- Đường bộ: Nằm trên trục giao thông trọng yếu Bắc - Nam, Bình Thuận có 03 tuyến quốc lộ chạy qua đều đã được nâng cấp, mở rộng : Quốc lộ 1A, quốc lộ 28 nối liền thành phố Phan Thiết với các tỉnh Nam Tây Nguyên; quốc lộ 55 nối liền với trung tâm dịch vụ dầu khí và du lịch Vũng Tàu.

- Đường sắt: Đường sắt Bắc - Nam qua tỉnh với chiều dài 180 km, và 11 ga.

- Đường biển: Là một tỉnh duyên hải có vùng biển rộng, bờ biển dài 192 km, có hải đảo và nằm cạnh đường hàng hải quốc tế.

Hiện tại cảng biển Phú Quý đã xây dựng xong, tiếp nhận tàu 10.000 tấn ra vào, Cảng Phan Thiết đã được xây dựng tiếp nhận tàu 2.000 tấn.

- Đường hàng không: Nhu cầu đi lại, nhất là đối với khách du lịch, nhà đầu tư ngày càng nhiều, tỉnh Bình Thuận đang kêu gọi đầu tư để xây dựng sân bay Phan Thiết.

* Thông tin liên lạc:

Hệ thống thông tin liên lạc đã được hiện đại, được nối mạng với hệ thống thông tin quốc gia và quốc tế. Các dịch vụ điện thoại di động, internet được sử dụng rộng rãi, đảm bảo các yêu cầu của khách hàng.

* Điện năng:

Với 5 nguồn điện chính có khả năng đáp ứng mọi nhu cầu về điện: Từ nhà máy thủy điện Đa Nhim, nhà máy thủy điện Bắc Bình, nhà máy thủy điện Đại Ninh, nhà máy thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi qua lưới truyền tải 110 KV và trạm phát điện diesel 3.800 KWh. Ngoài ra, địa phương đang khai thác tiềm năng điện gió với 20 turbin đã được lắp đặt và khai thác hòa mạng vào hệ thống điện lưới quốc gia.

* Nước:

- Nhà máy nước Phan Thiết có công suất 25.000 m3/ngày đêm, hiện đang nâng cấp, mở rộng hệ thống đường ống bằng nguồn vốn ADB, đảm bảo đáp ứng đủ các nhu cầu sinh hoạt và sản xuất.

- Tại các huyện đều có trạm cấp nước quy mô nhỏ 500 - 2000 m3/ngày đêm.

* Hệ thống dịch vụ khác:

Bao gồm hệ thông ngân hàng, bảo hiểm, giáo dục, khám chữa bệnh, dịch vụ pháp lý, công chứng nhà nước, nhà đất, xây dựng, vận tải, dịch thuật, dạy nghề, giới thiệu việc làm... phát triển khá, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của khách hàng.

* Một số lĩnh vực đang được Bình Thuận khuyến khích và kêu gọi đầu tư:

- Nuôi trồng và chế biến nông - lâm - thủy hải sản ;

- Khai thác và chế biến các loại khoáng sản ;

- Chế biến lương thực - thực phẩm ;

- Gia công và sản xuất hàng tiêu dùng ;

- Gia công, sản xuất các sản phẩm cơ khí - điện máy ;

- Sản xuất vật liệu xây dựng ;

- Đóng sửa tàu thuyền ;

- Xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng ;

- Đầu tư xây dựng và kinh doanh các khu du lịch - nghỉ dưỡng - giải trí;

- Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN, phát triển sản xuất công nghiệp trong KCN.

Đầu trang | Trang trước | Tiếp theo