10. Một số giải pháp chủ yếu để tiếp tục cải thiện, nâng cao mức sống:
Tiếp tục cải thiện, nâng cao mức sống dân cư có nhiều giải pháp, song căn cứ vào điều kiện tự nhiên và thực trạng nền kinh tế xã hội của tỉnh nhà; qua kết quả khảo sát mức sống hộ gia đình năm 2011, xin kiến nghị một số giải pháp sau:
a. Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc nâng cao chất lượng lao động, đào tạo các ngành nghề, đáp ứng nhu cầu của từng ngành, từng khu vực
Tăng trưởng và phát triển kinh tế được quyết định bởi nhân tố con người nói chung và lực lượng lao động nói riêng, bởi tăng trưởng và phát triển kinh tế tuỳ thuộc trước hết vào năng lực, trí tuệ và ngành nghề của người lao động. Vì vậy cần phải tiếp tục đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng lao động
Bình Thuận có nguồn lao động dồi dào nhưng chất lượng nguồn lao động, năng suất lao động xã hội còn thấp, thừa lao động phổ thông, thiếu lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Trình độ văn hoá của lao động tuy không thấp so với của cả nước nhưng đại bộ phận là không được qua đào tạo chuyên môn nghiệp vụ.
Ở khu vực nông thôn, nếu nâng cao chất lượng lao động thông qua việc đào tạo nghề được triển khai tích cực sẽ giúp lao động chuyển nghề, hướng đến chuyển dịch cơ cấu lao động đáp ứng yêu cầu của chương trình xây dựng nông thôn mới. Vì vậy để nâng cao chất lượng lao động, đào tạo nghề có hiệu quả, mỗi xã cần lựa chọn các nghề phù hợp với nguyện vọng của người dân và dự án phát triển sản xuất tại địa phương theo quy hoạch nông thôn mới, làm tốt việc gắn trách nhiệm giữa các bên, nhất là với doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra ổn định cho người lao động, không chạy theo số lượng nhằm để người lao động học xong có việc làm, nâng cao thu nhập.
Những năm qua, công tác đào tạo, dạy nghề và phát triển các trường chuyên nghiệp, trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên luôn được quan tâm, song qua điều tra cho thấy số tỷ lệ người lao động từ 15 tuổi trở lên chưa được đào tạo ngành nghề còn khá cao. Theo kết quả điều tra năm 2011, toàn tỉnh có 68,8% người lao động từ 15 tuổi trở lên chưa được đào tạo ngành nghề (năm trước: toàn tỉnh 71,2%); tỷ lệ người có trình độ từ trung cấp nghề trở lên còn quá thấp (toàn tỉnh 5,8%; trong đó thành thị 8,8%, nông thôn 4,3%). Nếu so với số người từ 15 tuổi trở lên đã được đào tạo ngành nghề chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật qua trường lớp (hoặc tự trưởng thành từ tay nghề) thì tỷ lệ người có trình độ từ trung cấp nghề trở lên chỉ đạt 18,5% (trong đó thành thị 23,1%, nông thôn 15,4%).
Năm 2011, thông qua các chương trình kinh tế - xã hội, mở mang ngành nghề ... đã tạo việc làm cho gần 24 ngàn lao động, song chất lượng lao động còn thấp và chưa thật ổn định. Qua điều tra cho thấy có 55,8% chủ hộ đề nghị Nhà nước tạo việc làm, tăng thu nhập (2010: 48,8%) và tập trung nhiều ở hộ nông lâm nghiệp, xây dựng, dịch vụ, làm thuê không ổn định, ở 2 khu vực nông thôn, vùng trung du, miền núi. Do vậy trong thời gian tới cần phải có những giải pháp tích cực hơn nữa trong việc đào tạo, dạy nghề.
b. Chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ trọng lao động phi nông nghiệp ở các khu vực, tạo việc làm ổn định cho người lao động
Chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ trọng lao động phi nông nghiệp sẽ đưa nền kinh tế tăng trưởng ổn định. Ở nông thôn, nếu chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm dần tỷ trọng lao động trong nhóm ngành nông lâm thủy sản để tăng nhóm ngành công nghiệp dịch vụ sẽ tạo thuận lợi cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, đẩy nhanh đến tiến trình xây dựng nông thôn mới. Nhóm ngành công nghiệp và dịch vụ nếu được phát triển đồng đều ở 2 khu vực sẽ tạo điều kiện các doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, nâng cao năng suất lao động, tạo động lực để chuyển dịch lao động giữa các ngành và nội bộ ngành đồng thời giảm thiểu việc di chuyển lao động giữa các vùng địa lý hành chính. Mặt khác, nếu phát triển được các ngành công nghiệp dịch vụ hướng về xuất khẩu sử dụng nhiều lao động (đặc biệt là lao động nông thôn) và những ngành đảm bảo tăng việc làm nhanh sẽ duy trì được sự cân bằng giữa tăng việc làm với tăng năng suất cả ở 2 khu vực, đưa nền kinh tế ổn định và bền vững. Hiện nay, lao động nông thôn ở Bình Thuận khá nhiều nhưng thời gian nhàn rỗi còn tương đối cao, đa số là thuần nông, thu nhập bấp bênh; lao động phi nông nghiệp cả thành thị và nông thôn lại chưa tạo ra động lực về chất lượng và sự đa dạng của sản phẩm, không đáp ứng đúng và theo kịp nhu cầu thị trường. Đây là vấn đề tồn tại, cần khắc phục trong những năm tới. Năm 2011 cơ cấu lao động nông lâm thuỷ sản còn 50,6% (năm trước 52,2%); công nghiệp xây dựng 18,4% (năm trước 17,1%); dịch vụ 31,4% (năm trước 30,7%). Kết quả chuyển dịch như vậy là khá tích cực và cần phải tiếp tục đẩy nhanh trong những năm tới (giảm cơ cấu lao động nông lâm thủy sản mỗi năm xuống 1,0-1,5%) để nâng dần nhóm lao động công nghiệp, xây dựng, dịch vụ cho phù hợp với cơ cấu kinh tế của tỉnh nhà.
Theo kết quả điều tra, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động có nhu cầu làm việc năm 2011 là 82,6% (năm trước 80,5%; trong đó thành thị 80,6% (năm trước 77,7%); nông thôn 83,6% (năm trước 81,9%). Tỷ lệ người đang làm việc ổn định so với số người có nhu cầu làm việc là 83,2% (năm trước 81,7%); trong đó thành thị 86,2% (năm trước 87%); nông thôn 81,8% (năm trước 79,2%). Tỷ lệ người có việc làm nhưng chưa ổn định so với người có nhu cầu làm việc là 13,8% (năm trước 14,5%); trong đó thành thị 10,6% (năm trước 9,4%); nông thôn 15,3% (năm trước 16,9%). Tỷ lệ người thất nghiệp so với người có nhu cầu làm việc là 3,0% (năm trước 3,8%); trong đó thành thị 3,2% (năm trước 3,6%); nông thôn 3,8% (năm trước 4%).
Như vậy tỷ lệ người lao động có nhu cầu làm việc; tỷ lệ người đang làm việc ổn định ở 2 khu vực đều tăng so với năm trước và tỷ lệ người thất nghiệp, tỷ lệ người có việc làm “bấp bênh” ở khu vực nông thôn có giảm chút ít. Đây là dấu hiệu khá tích cực, cần phải tiếp tục phát huy hơn nữa trong những năm tới, tuy vậy cần chú ý là ở vùng miền núi, vùng cao, hải đảo, tỷ lệ người có việc làm chưa thật ổn định còn khá cao (miền núi 16,6%; vùng cao hải đảo 18,9%)
c. Khắc phục những tồn tại, hạn chế đưa sản xuất kinh doanh phát triển ổn định
Năm 2011 kinh tế tỉnh nhà đã có những chuyển biến, song trên một số lĩnh vực vẫn còn những khó khăn nhất định: Trong nông nghiệp, việc chuyển đổi cây trồng còn lúng túng; các chính sách hỗ trợ đầu vào cho công tác chuyển đổi cây trồng, hỗ trợ về tín dụng triển khai chậm; phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến phát huy chưa đồng bộ. Sản xuất công nghiệp có phát triển song thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định, hiệu quả sản xuất thấp. Các làng nghề hoạt động chưa khởi sắc, sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ, chưa bắt kịp với sự phát triển của thị trường, vốn đầu tư thấp, thiết bị - công nghệ sản xuất lạc hậu, sản phẩm chưa có thương hiệu nên khó cạnh tranh trên thương trường; trình độ quản lý và dịch vụ hỗ trợ, hệ thống mẫu mã kiểu dáng còn hạn chế; cơ chế chính sách cho phát triển nghề và làng nghề chưa triển khai đầy đủ, đồng bộ. Xuất khẩu chế biến từ nguồn nguyên liệu tại địa phương còn ít. Triển khai xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp chậm, thu hút đầu tư thấp. Phát triển du lịch chưa đi vào chiều sâu, chưa thu hút được nhiều dự án có quy mô lớn và phát triển các tuyến du lịch theo ven biển. …Những khó khăn đó ít nhiều tác động đến việc làm của người lao động, ảnh hưởng đến thu nhập của các tầng lớp dân cư. Do vậy cần phải có những giải pháp tích cực hơn nữa trong từng ngành, từng lĩnh vực để thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà phát triển ổn định.
Liên quan đến việc đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, qua điều tra cho thấy:
- Có 28,9% chủ hộ đề nghị Nhà nước hỗ trợ vốn để sản xuất kinh doanh và tập trung nhiều ở hộ nông lâm nghiệp, làm thuê không ổn định; khu vực nông thôn, vùng miền núi, vùng cao, hải đảo.
- Có 34,6% chủ hộ đề nghị được Nhà nước hỗ trợ dịch vụ sản xuất và tập trung nhiều ở hộ nông lâm nghiệp, công nghiệp-TTCN, làm thuê không ổn định, khu vực nông thôn, vùng miền núi, vùng cao, hải đảo.
- Có 46,9% chủ hộ đề nghị Nhà nước hỗ trợ dịch vụ tiêu thụ sản phẩm và tập trung nhiều ở hộ nông lâm nghiệp, công nghiệp-TTCN, làm thuê không ổn định, khu vực nông thôn, vùng miền núi, vùng cao, hải đảo.
Riêng về nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh qua điều tra có 14,8% chủ hộ cho biết họ đang cần vay vốn dưới 10 triệu đồng để làm ăn; 28,4% cần vay với mức từ 10-20 triệu đồng; 37,1% cần vay từ 20-50 triệu đồng; 10% cần vay từ 50-100 triệu đồng; 6,1% cần vay từ 100-200 triệu đồng; 2,8% cần vay từ 200-500 triệu đồng; 0,8% hộ cần vay từ 500 triệu đồng trở lên. Như vậy là có trên 80% hộ cần vay vốn dưới 50 triệu đồng; với nhu cầu tiền vay như vậy là không cao nhưng với mong muốn trên đòi hỏi các cấp, các ngành hữu quan phải xem xét và sớm mở rộng diện cho vay không cần thế chấp để các hộ có thu nhập ổn định.
d. Đảy nhanh việc xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ xã hội, tổ chức thực hiện an sinh xã hội
Cùng với việc phát triển nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo việc làm ổn định cho người lao động, cần phải đầu tư, đẩy nhanh xây dựng kết cấu hạ tầng như: chú trọng xây dựng và củng cố hệ thống công trình thủy lợi; xây dựng các công trình phòng tránh thiên tai, các khu neo đậu tàu thuyền để giảm nhẹ thiệt hại cho nhân dân; phát triển, hoàn chỉnh hệ thống lưới điện, đi đôi với sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, bảo đảm cung cấp đủ điện cho nhu cầu phát triển; phát triển hệ thống cung cấp nước sạch và hợp vệ sinh cho dân cư nông thôn; giải quyết cơ bản vấn đề thoát nước và xử lý nước thải ở đô thị… Song song với xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ xã hội phải tổ chức thực hiện an sinh xã hội, phúc lợi xã hội ngày càng tốt hơn, góp phần quan trọng vào nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Trong những năm qua, Tỉnh đã có nhiều cố gắng trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển dịch vụ phúc lợi xã hội cơ bản như: y tế, giáo dục, nước sạch….do vậy đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận nhân dân đã từng bước được nâng lên, tuy vậy vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Thông qua cuộc điều tra cho thấy: Có 77,1% chủ hộ đề nghị Nhà nước đầu tư cải tạo cơ sở hạ tầng ở địa phương và tập trung nhiều ở hộ công nghiệp-TTCN, thương nghiệp, dịch vụ, làm thuê không ổn định và ở tất cả 2 khu vực, các vùng; Có 77,1% chủ hộ đề nghị Nhà nước nâng cao chất lượng dịch vụ xã hội và tập trung nhiều ở hộ thương nghiệp, dịch vụ, làm công ăn lương, ở 2 khu vực thành thị, nông thôn, vùng đồng bằng, trung du, miền núi.
Công tác đảm bảo an sinh xã hội bước đầu đạt được một số kết quả nhất định, những năm gần đây cùng với đầu tư phát triển phúc lợi xã hội, nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp đã được triển khai thực hiện như: Chính sách cứu trợ đột xuất, thường xuyên, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn….Người chết do thiên tai được hỗ trợ tiền thuốc chữa bệnh, hộ gia đình mất nhà, mất tài sản, phương tiện sản xuất, thiếu đói… đều có chính sách trợ giúp của Nhà nước. Đối với người già cô đơn không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, người tàn tật nặng không có nguồn nuôi dưỡng được hưởng trợ cấp cứu trợ xã hội thường xuyên của xã, phường hoặc được đưa vào nuôi dưỡng tập trung trong các cơ sở Bảo trợ xã hội. Do vậy đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. An sinh xã hội đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho người nghèo. Các phong trào “tương thân tương ái”, “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn” được tổ chức thường xuyên và được sự hưởng ứng tham gia của nhiều thành phần trong xã hội, đóng góp đáng kể vào việc nâng cao an sinh xã hội cho mọi người, nhất là những người nghèo, vùng nghèo. Mặc dù vậy, việc thực hiện an sinh xã hội vẫn còn nhiều bất cập, tỷ lệ hộ giảm nghèo chưa nhiều, chưa thật bền vững, người dân ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, phân hoá giàu nghèo ngày càng lớn. Tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn, ở vùng đô thị hoá và thất nghiệp ở thành thị còn nhiều. Nguồn lực để thực hiện an sinh xã hội còn hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, diện bao phủ và mức hỗ trợ còn thấp, chưa theo kịp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN.
Kết quả điều tra cho thấy khoảng cách chênh lệch về thu nhập giữa khu vực, giữa các vùng vẫn còn khá xa. Nhóm có thu nhập cao nhất ở thành thị so với mức thấp nhất ở nông thôn chênh lệch gấp 7,5 lần (2010: gấp 8,2 lần). Nhóm hộ có thu nhập cao thường có tài sản, vốn SXKD khá, đầu tư trên nhiều lĩnh vực nên dễ ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu. Nhóm hộ có thu nhập thấp thường là hộ có vốn sản xuất kinh doanh ít, đông nhân khẩu ăn theo và lao động trong hộ có việc làm không ổn định nên dễ dẫn đến tình trạng “tái nghèo” nếu không có sự trợ giúp của Nhà nước. Đáng chú ý là hộ nghèo, cận nghèo đông nhân khẩu còn khá cao. Hộ nghèo ở thành thị có 35,5% hộ có từ 5 nhân khẩu trở lên, ở nông thôn có 27,9% hộ có từ 5 nhân khẩu trở lên; trong nhóm hộ cận nghèo ở thành thị có 60% hộ có từ 5 nhân khẩu trở lên, ở nông thôn có 57,9% hộ có từ 5 nhân khẩu trở lên.
Điều này cho thấy cần phải tiếp tục xây dựng hệ thống an sinh xã hội và phúc lợi xã hội rộng khắp với những cơ chế chủ động tích cực, bền vững, làm chỗ dựa vững chắc cho người nghèo, hộ nghèo tự vươn lên thoát nghèo; tiến dần tới thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa các vùng và nhóm dân cư. Xoá đói giảm nghèo là một nhiệm vụ bức thiết với quy mô rộng lớn, mang ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc và là một trọng tâm trong công tác bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Các chính sách và giải pháp xoá đói giảm nghèo phải thiết thực, đồng bộ cả về hỗ trợ phát triển sản xuất và đời sống, tạo việc làm, tiếp cận thị trường; nâng cao khả năng tự vươn lên thoát nghèo bền vững của người dân. Mặt khác phải tăng cường giáo dục, tuyên truyền để người nghèo nâng cao nhận thức về hoàn cảnh và có quyết tâm thoát nghèo; thường xuyên xây dựng, triển khai thực hiện các dự án và các chương trình hành động về công tác xóa đói, giảm nghèo; có cơ chế, biện pháp kiểm tra, giám sát bảo đảm mọi nguồn lực dành cho xóa đói, giảm nghèo được sử dụng đúng mục đích; bổ sung hệ thống các chính sách giảm nghèo theo hướng hiệu quả, người nghèo tiếp cận thuận tiện khơi dậy ý chí vươn lên, hạn chế tính ỷ lại; kêu gọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia mạnh mẽ hơn nữa trong việc giảm nghèo; đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về Định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2020.