7. Tiếp cận thông tin và hoạt động thể dục thể thao, du lịch
Thông qua kết quả điều tra cho thấy đại đa số dân cư ở các khu vực, các vùng thường xuyên quan tâm theo dõi chương trình thời sự, đọc sách báo, tìm hiểu các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước thông qua các phương tiện thông tin truyền thông. Đây là một thuận lợi cho công tác tuyên truyền, khẳng định những thành tựu của công cuộc đổi mới, động viên, cổ vũ phong trào hành động cách mạng của các tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng đồng thời phê phán thói quan liêu, mất dân chủ, góp phần làm lành mạnh các quan hệ xã hội, tạo sự đồng thuận trong Đảng và trong nhân dân. Việc tiếp cận các thông tin qua Báo, Tạp chí, Đài… cũng góp phần nâng cao dân trí, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân. Kết quả điều tra cho thấy tỷ lệ hộ thường xuyên theo dõi thời sự trên Đài toàn tỉnh ngày càng tăng (năm 2011 có 93,7% hộ thường xuyên theo dõi; năm 2010 có 91,5%); trong đó cao nhất là vùng đồng bằng (95,4%), hộ CBCC, làm công ăn lương (97,9%); hộ thường xuyên đọc báo, tạp chí đạt 50,2%, trong đó cao nhất là vùng đồng bằng (83,6%), hộ CBCC, làm công ăn lương (97,9%). Thông qua đó, các hộ gia đình đã tiếp cận được nhiều chính sách, chương trình của Nhà nước như: Chương trình khuyến nông (trên 60% tiếp cận); Cho vay hộ nghèo (trên 85%); Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo (trên 80%) ; Chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em (trên 80%); Chương trình dân số KHH gia đình (gần 90%). Chương trình khuyến nông, khuyến công, được trợ giá, trợ cước, vay vốn hỗ trợ lãi suất của Nhà nước đã giúp hộ có thêm điều kiện phát triển SXKD, kết quả điều tra cho thấy toàn tỉnh có 15,1% hộ gia đình tham gia vào chương trình này; trong đó ở miền núi là 15,7%, vùng cao hải đảo là 34,2%. Nhìn chung các Chương trình trên đã và đang phát huy tác dụng tốt.
Duy trì tập thể dục hàng ngày là một bước quan trọng để ngăn ngừa tình trạng bệnh tật. Năm 2011 hoạt động thể thao quần chúng tiếp tục duy trì đều, các địa phương đã luôn quan tâm đến việc tổ chức các hoạt động TDTT, đưa phong trào luyện tập TDTT trong mỗi gia đình, cơ quan, trường học trở thành một tiêu chí để đánh giá công tác thi đua và bình xét gia đình văn hóa, cơ quan trường học có nếp sống văn hóa. Phong trào TDTT đi dần vào chiều sâu, các đoàn thể phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức hướng dẫn, tập luyện cho nhân dân và điều hành các giải đấu tại cơ sở. Phong trào TDTT quần chúng phát triển mạnh cả số lượng và chất lượng, từng bước trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của nhân dân. Thông qua kết quả điều tra cho thấy năm 2011, tỷ lệ hộ có thành viên luyện tập TDTT đạt 44,4% (năm 2010: 41,5%); số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 21,96% so với dân số (năm 2010: 20,5%). Nhìn chung tỷ lệ hộ, tỷ lệ thành viên tham gia luyện tập TDTT tăng hơn năm trước; các vùng đồng bằng, trung du, miền núi tỷ lệ hộ có thành viên luyện tập TDTT và tỷ lệ thành viên luyện tập TDTT không có chênh lệch nhiều; riêng ở vùng cao, hải đảo đạt thấp hơn.
Kinh tế xã hội phát triển đã tác động đến nhu cầu sinh hoạt và đời sống tinh thần con người ngày càng tăng. Các hoạt động xã hội được tổ chức ngày càng đa dạng nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống, trong đó nhu cầu đi du lịch xa, du lịch nước ngoài ngày càng nhiều để thư giãn trong lúc rảnh rỗi, hoặc vì những các mục đích cá nhân khác trong cuộc sống (tìm hiểu thị trường, chữa bệnh, thăm thân nhân….). Thông qua kết quả điều tra năm 2011 cho thấy tỷ lệ hộ có thành viên đi du lịch nước ngoài là 6,27% (năm trước 0,8%), trong đó cao nhất là hộ CBCC, làm công ăn lương (11,3%), hộ thương nghiệp (9,41%), hộ dịch vụ (9%). Du lịch ngày nay đã trở thành một hoạt động giải trí và thư giãn trong thời gian rảnh rỗi. Với tỷ lệ trên, trong điều kiện thu nhập dân cư của tỉnh hiện nay (chỉ ở mức độ trung bình so với cả nước), kết quả đạt được như vậy là khá.
8. Nhận định của chủ hộ về một số vấn đề xã hội
Trong năm qua, song song với việc tiếp tục ban hành các chủ trương, chính sách thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển đưa nền kinh tế tăng trưởng ổn định; các cấp, các ngành từ TW đến địa phương đã tiếp tục triển khai, xây dựng nhiều chương trình phát triển xã hội nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, vấn đề vệ sinh môi trường an toàn thực phẩm.
Giáo dục và đào tạo tiếp tục chuyển biến tích cực; cơ sở vật chất, trang thiết bị tiếp tục được đầu tư, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Đã tiếp tục phát triển quy mô các ngành học, bậc học, đa dạng hoá các loại hình đào tạo. Mạng lưới trường, lớp được xây dựng và bố trí khắp các địa bàn dân cư tạo điều kiện thuận lợi cho con em nhân dân đến trường đến lớp được thuận lợi. Năm học 2011-2012 đã xây dựng mới 283 phòng học (Mầm non: 30, Tiểu học: 126, THCS: 90, THPT: 37 phòng) và 40 phòng chức năng khác. Chất lượng dạy và học ở các cấp phổ thông được tiếp tục chú trọng, đạt nhiều tiến bộ so với năm học trước. Tỷ lệ học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình cấp tiểu học đạt 99,84% (tăng 0,15% so với năm học trước); tỷ lệ học sinh lớp 9 được xét công nhận tốt nghiệp THCS đạt 98,43% (tăng 0,69%); tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đạt 88,34% (tăng 4,64%); tỷ lệ đỗ bổ túc THPT đạt 69,63% (tăng 38,58% so với năm học trước). Tỷ lệ học sinh bỏ học còn 1,81% (giảm 0,08% so với năm học trước). Tỷ lệ cháu 5 tuổi ra lớp đạt 97,20% (tăng 3,63%); tỷ lệ trẻ 06 tuổi huy động ra lớp 1 đạt 99,98%. Số học sinh hoàn thành chương trình Tiểu học xét tuyển vào lớp 6 đạt 98,51% (tăng 0,26% so với năm học trước); tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học lớp 10 đạt tỉ lệ 87,15% (tăng 5,24% so với năm học trước). Đến cuối năm 2011 toàn tỉnh có 48 trường đạt chuẩn Quốc gia (tăng 10 trường so với năm trước).
Tuy vậy thực trạng học thêm ngoài giờ ở bậc học phổ thông hiện nay vẫn còn khá phổ biến. Theo kết quả điều tra, năm 2011 tỷ lệ hộ có thành viên đang đi học phổ thông chiếm 55,9% (năm trước 60,1%); tỷ lệ người từ 6-18 tuổi đang đi học phổ thông là 77,6% (năm trước 75,6%); tỷ lệ hộ có thành viên học thêm ngoài giờ so với hộ có thành viên đang học phổ thông là 59% (năm trước 56,9%); tỷ lệ người phải học thêm ngoài giờ so với người đang đi học phổ thông còn 43,4% (năm trước 46,4%), trong đó thành thị 45,6% (năm trước 66,8%); nông thôn 42,1% (năm trước 38%); đồng bằng 39,7% (năm trước 64,9%); trung du 68,5% (năm trước 46,6%); miền núi 48% (năm trước 44,3%); vùng cao, hải đảo 5,3% (năm trước 13,4%). Mức học phí ngoài giờ trung bình ở thành thị là 202,5 ngàn đồng/người/tháng (năm năm trước 172,9 ngàn đồng); ở nông thôn là 100 ngàn đồng (năm trước 90,3 ngàn đồng/người/tháng). Tỷ lệ học phí ngoài giờ của hộ ở khu vực thành thị chiếm 3,25% trong tổng chi tiêu (năm trước 4%); ở nông thôn chiếm 1,86% (2,4%). Như vậy so với năm trước, tỷ lệ người đi học thêm ngoài giờ so với người đang đi học phổ thông ở khu vực thành thị có giảm chút ít, song ở nông thôn tăng thêm; ở vùng đồng bằng, vùng cao hải đảo giảm xuống nhưng ở vùng trung du, miền núi lại tăng thêm. Việc trang trải cho chi phí học thêm ngoài giờ không nhiều, phù hợp trong cơ cấu chi tiêu.
Học thêm ngoài giờ là một nhu cầu chính đáng, xuất phát từ nhu cầu của một bộ phận học sinh muốn nâng cao kiến thức, muốn được vào trường điểm, vào trường công lập, vào đại học…. song cũng có một bộ phận học sinh đi học thêm có tính chất phong trào hoặc vì ham chơi, cha mẹ bận việc công tác, lo làm ăn không thể quản lý nổi nên gửi cho giáo viên nhằm hạn chế việc chơi bời lêu lỏng… và có không ít một bộ phận học sinh học thêm là do sự thúc ép của giáo viên do tâm lý chung của cha mẹ là: học yếu kém muốn được lên lớp “an toàn”; học trung bình và khá giỏi thì muốn được “ưu ái” để kết quả có thể cao hơn khả năng. Do vậy cần phải tiếp tục chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm tràn lan, phân bổ giờ giấc học chính khóa, học thêm như thế nào cho hợp lý, tránh tình trạng học nhồi nhét, học quá tải, có khi dẫn đến “lợi bất cập hại”. Nhận định về chất lượng giáo dục ở địa phương, qua điều tra có 82% hộ gia đình nhận định khá hơn (năm trước 51,1%); 18% cho là vẫn như cũ (năm trước 48,5%); trong đó Vùng đồng bằng 73,3% cho là khá hơn (năm trước 48,2%), 26,7% cho là vẫn như cũ (năm trước 51,8%); Vùng trung du 96,7% cho là khá hơn (năm trước 53,3%), 3,3% cho là vẫn như cũ (năm trước 46,7%); Vùng miền núi 88% cho là khá hơn (năm trước 52,2%); 12% cho là vẫn như cũ (năm trước 47,7%); Vùng núi cao, hải đảo 51,7% (năm trước 50%) cho là khá hơn; 48,3% cho là vẫn như cũ (năm trước 50%). Kết quả này cho thấy hầu hết các hộ gia đình ở 2 khu vực, ở các vùng đều nhận định chất lượng giáo dục đã có nhiều tiến bộ so với năm trước.
Về y tế: Năm 2011 các xã phường, thị trấn đã duy trì kết quả đạt Chuẩn Quốc gia y tế, đến cuối năm toàn tỉnh có 86/127 trạm y tế xã, phường có bác sỹ công tác; bình quân có 5,0 bác sỹ/vạn dân. Cơ sở vật chất, trang thiết bị được tiếp tục đầu tư; các cơ sở y tế xây mới đưa vào sử dụng đã phát huy tác dụng tốt. Đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch, nhất là các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, sốt rét, viêm đường hô hấp cấp nặng do virus cúm, dịch tay chân miệng… và giám sát dịch tể các bệnh dịch nguy hiểm, chuẩn bị sẵn sàng các loại hoá chất, thuốc, vật tư; đẩy mạnh công tác truyền thông về các bệnh dịch trên các phương tiện đại chúng. Các bệnh xã hội duy trì hoạt động tốt, công tác kiểm tra giám sát tuyến cơ sở được thực hiện thường xuyên, nề nếp. Theo kết quả điều tra, tỷ lệ hộ có thành viên chỉ khám chữa bệnh ở cơ sở y tế nhà nước là 52,3% (năm trước 41,7%); ở cơ sở y tế tư nhân là 19,1% (năm trước 13,9%); ở cơ sở y tế cả nhà nước và tư nhân là 27% (năm trước 40,5%); tự điều trị tại nhà 1,6% (năm trước 3,9%). Số người lựa chọn khám chữa bệnh tại cơ sở y tế nhà nước thường là do đã đăng ký bảo hiểm, gần nhà, bệnh nặng. Còn người dân lựa chọn y tế tư nhân vì muốn được thuận tiện, không phải chờ đợi, thái độ người phục vụ tốt, thủ tục nhanh chóng và xu hướng chung là tùy theo bệnh, tùy theo chi phí điều trị họ có thể kết hợp chữa bệnh cả cơ sở y tế nhà nước và tư nhân. Xu hướng chung là người dân vẫn thích lựa chọn khám chữa bệnh tại cơ sở y tế nhà nước. Nhận định về chất lượng y tế ở địa phương nơi cư trú, qua điều tra có 89,8% hộ gia đình nhận định khá hơn năm trước; 10,2% cho là vẫn như cũ; trong đó: Vùng đồng bằng 84,1% cho là khá hơn năm trước; 15,9% cho là vẫn như cũ. Vùng trung du 100% cho là khá hơn năm trước; Vùng miền núi 95,4% cho là khá hơn năm trước; 4,6% cho là vẫn như cũ; Vùng núi cao, hải đảo 57,5% cho là khá hơn năm trước; 42,5% cho là vẫn như cũ.
Vệ sinh môi trường trong những năm gần đây được các ngành, các cấp thường xuyên quan tâm, nhất là việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường ở các khu đô thị; các cơ sở, các hộ gia đình làm nghề chế biến thủy sản đã thực hiện xây dựng hệ thống xử lý nước thải, tránh đổ bừa bãi xuống biển, thải ra đường, ra cống rãnh công cộng gây mùi hôi thối. Ở nông thôn các cấp, các ngành hữu quan đã thường xuyên phối hợp nhau khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, nhắc nhở các hộ dân cư tránh vứt rác bừa bãi nhằm bảo vệ môi trường sống của mình. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường được đẩy mạnh ở các địa phương thông qua các phương tiện truyền thanh, truyền hình, băng rôn, khẩu hiệu. Hàng năm nhân dịp lễ, tết, Ngày Môi trường thế giới đã tổ chức cho cán bộ, nhân dân ra quân dọn vệ sinh môi trường tại các cơ quan, đơn vị, các khu dân cư… và phát động trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đồng thời cấp phát tờ rơi hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn.
An toàn vệ sinh thực phẩm cũng là vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết. Được tiếp cận với những thực phẩm an toàn là nhu cầu cơ bản đối với mỗi con người. Thực phẩm an toàn góp phần cải thiện sức khỏe con người. Ngộ độc thực phẩm và các bệnh do thực phẩm gây ra không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người mà còn gây thiệt hại về kinh tế, gánh nặng cho gia đình và xã hội. Do vậy trong những năm qua các cấp, các ngành hữu quan từ tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ trong công tác thanh, kiểm tra đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Công tác truyền thông đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trong các dịp lễ, tết,… được xem là một trong các hoạt động trọng tâm không thể thiếu được nhằm nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh thực phẩm trong cộng đồng, đặc biệt chú trọng các đối tượng là người sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, người tiêu dùng...
Nhận định về vấn đề vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm ở địa phương nơi cư trú, qua điều tra có 82,8% hộ gia đình nhận định khá hơn năm trước; 17,2% cho là vẫn như cũ; trong đó: Vùng đồng bằng 72,5% cho là khá hơn năm trước; 27,5% cho là vẫn như cũ. Vùng trung du 93,3% cho là khá hơn năm trước; 6,7% cho là vẫn như cũ; Vùng miền núi 87,2% cho là khá hơn năm trước; 12,8% cho là vẫn như cũ; Vùng núi cao, hải đảo 73,3% cho là khá hơn năm trước; 26,7% cho là vẫn như cũ.
Như vậy tuy có những nhận định khác nhau nhưng đại đa số dân cư trên các vùng đều cho rằng chất lượng giáo dục, y tế, vấn đề vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay là chấp nhận được.
Bên cạnh việc phỏng vấn những nhận định về chất lượng giáo dục, y tế, vệ sinh môi trường…. trong cuộc điều tra này, các hộ gia đình còn được phỏng vấn về việc huy động đóng góp các loại quỹ, phí; việc phát huy tính dân chủ ở địa phương và nhận định; tình hình an ninh trật tự xã hội ở địa phương. Kết quả:
- Có 45,9% số chủ hộ cho mức huy động đóng góp các loại quỹ, phí trong thời gian qua còn thấp, 54,1% cho là chấp nhận được; trong đó: Vùng đồng bằng 23,8% cho là thấp, 76,2% cho là chấp nhận được; Vùng trung du 60% cho là thấp, 40% cho là chấp nhận được; Vùng miền núi 52,5% cho là thấp, 47,5% cho là chấp nhận được; Vùng núi cao, hải đảo 55,8% cho là thấp, 44,2% cho là chấp nhận được.
- Có 15,3% chủ hộ nhận định tinh thần dân chủ ở địa phương so với những năm trước đây có khá hơn; 84,7% cho là vẫn như cũ ; trong đó: Vùng đồng bằng 8,5% cho là khá hơn năm trước; 91,5% cho là vẫn như cũ. Vùng trung du 13,3% cho là khá hơn năm trước; 86,7% cho là vẫn như cũ; Vùng miền núi 15,7% cho là khá hơn năm trước; 84,3% cho là vẫn như cũ; Vùng núi cao, hải đảo 34,2% cho là khá hơn năm trước; 65,8% cho là vẫn như cũ.
- Có 2,2% chủ hộ nhận định trật tự an toàn xã hội ở địa phương so với những năm trước đây có khá hơn; 91,9% cho là vẫn như cũ và 5,9% chủ hộ cho là kém thua; trong đó: Vùng đồng bằng 0,3% cho là khá hơn năm trước; 97,9% cho là vẫn như cũ. Vùng trung du 0,8% cho là khá hơn năm trước; 98,3% cho là vẫn như cũ; Vùng miền núi 1,3% cho là khá hơn năm trước; 89,9% cho là vẫn như cũ; Vùng núi cao, hải đảo 16,7% cho là khá hơn năm trước; 80% cho là vẫn như cũ.
Về năng lực cán bộ lãnh đạo, quản lý ở địa phương, qua điều tra các chủ hộ nhận định đa số cán bộ đã phát huy những truyền thống tốt đẹp của quê hương Bình Thuận, tích cực hoạt động, vượt qua khó khăn về hoàn cảnh gia đình, về chế độ chính sách đãi ngộ để hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó nhiều lãnh đạo đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được giao, là những tấm gương về nỗ lực vượt khó, phấn đấu học tập nâng cao trình độ, giữ vững đạo đức lối sống, trung thực với Đảng, làm hạt nhân đoàn kết quần chúng hăng hái thi đua lao động sản xuất, tích cực đấu tranh chống các tệ nạn xã hội, chống tham nhũng, quan liêu ở cơ sở... góp phần thực hiện có kết quả công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; cụ thể như sau:
- Nhận định về Trưởng thôn, khu phố hiện nay: Có 54,9% chủ hộ nhận thấy có năng lực, được tín nhiệm; 44,9% chủ hộ cho là năng lực và tín nhiệm ở mức bình thường và 0,2% chủ hộ nhận thấy thiếu năng lực, không được tín nhiệm
- Nhận định về Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn hiện nay: Có 20,9% chủ hộ nhận thấy có năng lực, được tín nhiệm; 78,1% chủ hộ cho là năng lực và tín nhiệm ở mức bình thường và 1,0% chủ hộ nhận thấy thiếu năng lực, không được tín nhiệm.
- Nhận định về Bí thư Đảng uỷ xã, phường, thị trấn hiện nay: Có 52% chủ hộ nhận thấy có năng lực, được tín nhiệm; 47,1% chủ hộ cho là năng lực và tín nhiệm ở mức bình thường và 0,9% chủ hộ nhận thấy thiếu năng lực, không được tín nhiệm.
9. Đánh giá tổng quát
Năm 2011 kinh tế xã hội tỉnh nhà tiếp tục chuyển biến trên nhiều lĩnh vực; tốc độ tăng trưởng tuy thấp so với những năm trước nhưng vẫn cao hơn so với mức tăng trưởng cả nước. Thu nhập từ các ngành nghề sản xuất kinh doanh tiếp tục tăng; đời sống của những người làm công ăn lương được tiếp tục cải thiện. Mức tích lũy của hộ ở các khu vực có khác nhau, song nhìn chung là có tăng lên, chiếm tỷ trọng trong thu nhập khá hơn năm trước. Đã tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách xoá đói giảm nghèo và nhiều chương trình quốc gia khác hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, các xã đặc biệt khó khăn; tiếp tục cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế và miễn giảm chi phí khám chữa bệnh cho người nghèo. Tình trạng thiếu đói, khó khăn trong sinh hoạt ở khu vực nông thôn giảm so với những năm trước. Đời sống các tầng lớp dân cư có chuyển biến tiến bộ rõ rệt, dân cư các vùng đã phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, tham gia tích cực việc đóng góp lập các quỹ xã hội, đóng góp nhiều ý kiến cho địa phương, phát huy được tinh thần làm chủ tập thể.
Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, kết hợp với sự biến động giá hàng hoá, dịch vụ tác động trực tiếp đến đời sống dân cư; nếu phân loại về mức sống dựa vào kết quả thu nhập bình quân đầu người/tháng, có thể phân theo loại hộ sau đây:
- Hộ có mức sống cao
(Thành thị: Thu nhập từ trên 4,8 triệu đồng; Nông thôn từ trên 3,6 triệu đồng trở lên)
Kết quả cho thấy tỷ lệ hộ có mức sống cao là 5,53%; trong đó thành thị 4,38%, nông thôn 6,08% (năm 2010: tỷ lệ hộ có mức sống cao là 3,66%; trong đó thành thị 2,5%, nông thôn 4,21%)
- Hộ có mức sống khá
(Thành thị: Thu nhập từ trên 2,4 triệu đồng – 4,8 triệu đồng; Nông thôn từ trên 1,8 triệu đồng - 3,6 triệu đồng).
Kết quả cho thấy tỷ lệ hộ có mức sống khá là 26,93%; trong đó thành thị 23,96%, nông thôn 28,33% (năm 2010: tỷ lệ hộ có mức sống khá là 21,8%; trong đó thành thị 18,13%, nông thôn 23,53%)
- Hộ có mức sống trung bình
(Thành thị: Thu nhập từ trên 1,8 triệu đồng - 2,4 triệu đồng; Nông thôn từ trên 1,2 triệu - 1,8 triệu đồng).
Kết quả cho thấy tỷ lệ hộ có mức sống trung bình là 26,73%; trong đó thành thị 23,75%, nông thôn 28,14% (năm 2010: tỷ lệ hộ có mức sống trung bình là 20,33%; trong đó thành thị 18,96%, nông thôn 20,98%)
- Hộ có mức sống dưới trung bình
(Thành thị: Thu nhập từ trên 1,2 triệu đồng - 1,8 triệu đồng; Nông thôn từ trên 780 ngàn đồng - dưới 1,2 triệu đồng).
Kết quả cho thấy tỷ lệ hộ có mức sống dưới trung bình là 22,93%; trong đó thành thị 32,92%, nông thôn 18,24% (năm 2010: tỷ lệ hộ có mức sống dưới trung bình là 26,8%; trong đó thành thị 30,21%, nông thôn 25,2%)
- Hộ có mức sống thấp
(Thành thị: Thu nhập từ 1,2 triệu đồng trở xuống; Nông thôn từ 780 ngàn đồng trở xuống).
Kết quả cho thấy tỷ lệ hộ có mức sống thấp là 17,87%; trong đó thành thị 15,0%, nông thôn 19,22% (năm 2010: tỷ lệ hộ có mức sống thấp là 27,4%; trong đó thành thị 30,21%, nông thôn 26,08%)
Trong đó Hộ nghèo (theo mức chuẩn: thành thị từ 500 ngàn đồng trở xuống; nông thôn từ 400 ngàn đồng trở xuống). Kết quả cho thấy tỷ lệ hộ nghèo còn 7,80%; trong đó thành thị 6,46%, nông thôn 8,43% (năm 2010: tỷ lệ hộ nghèo còn 9,33%; trong đó thành thị 3,96%, nông thôn 11,8%)
+ Hộ cận nghèo (theo mức chuẩn: thành thị từ trên 500 - 650 ngàn đồng; nông thôn từ trên 400 - 520 ngàn đồng). Kết quả cho thấy tỷ lệ hộ cận nghèo toàn tỉnh là 3,0%; trong đó thành thị 1,9%, nông thôn 3,5% (năm 2010: toàn tỉnh là 4,9%; trong đó thành thị 3,7%, nông thôn 5,5%)
Như vậy so với năm trước, tỷ lệ hộ có mức sống cao, mức sống khá, mức sống trung bình đã tăng lên cả 2 khu vực; tỷ lệ hộ có mức sống dưới trung bình, mức sống thấp, hộ nghèo giảm khá nhiều. Điều đó cho thấy thu nhập của các tầng lớp dân cư được tăng lên; hộ thuộc diện khó khăn về kinh tế và hộ cận nghèo giảm xuống.
Song nếu tính yếu tố trượt giá tiêu dùng (CPI) với mức tăng thêm 20% so với năm trước thì Hộ nghèo (thành thị từ 600 ngàn đồng trở xuống; nông thôn từ 480 ngàn đồng trở xuống) và hộ cận nghèo (thành thị từ trên 600 – 780 ngàn đồng; nông thôn từ trên 480 – 624 ngàn đồng) có tỷ lệ như sau:
Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 9,3%; trong đó thành thị 6,9%, nông thôn 10,4%
Tỷ lệ hộ cận nghèo toàn tỉnh là 3,6%; trong đó thành thị 2,9%, nông thôn 3,9%.
Như vậy theo mức chuẩn hộ nghèo (có tính đến yếu tố trượt giá tiêu dùng) thì tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh vẫn tương đương như năm trước, song tỷ lệ hộ nghèo ở thành thị tăng, ở nông thôn giảm. Tỷ lệ hộ cận nghèo giảm ở cả 2 khu vực.
Năm 2011 mặc dù kinh tế cả nước có nhiều khó khăn: Chăn nuôi hồi phục chậm; hầu hết các doanh nghiệp đều lâm vào tình trạng thiếu vốn, lãi suất cho vay cao, hiệu quả sản xuất kinh doanh đạt thấp; thu hút đầu tư ít; giá tiêu dùng tăng cao ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống các tầng lớp dân cư, nhất là hộ công nhân viên chức và hộ có thu nhập ở mức thấp. Song nhìn chung tình hình kinh tế xã hội tỉnh nhà đã có những chuyển biến tích cực: Sản lượng lương thực tiếp tục tăng; sản xuất công nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản ổn định; hoạt động thương mại và du lịch tiếp tục phát triển, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng nên đã tác động đến việc tiếp tục cải thiện mức sống của hộ gia đình ở các khu vực, các vùng. Đây là một cố gắng lớn của Đảng bộ và chính quyền địa phương, khẳng định đường lối đúng đắn cùng với các biện pháp chỉ đạo hiệu quả nâng cao mức sống của dân cư. Thu nhập bình quân đầu người tiếp tục tăng, đời sống các tầng lớp dân cư được tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ hộ có mức sống khá, mức sống cao tiếp tục tăng. Khoảng cách chênh lệch về mức thu nhập giữa nhóm hộ cao nhất so với nhóm hộ thấp nhất khu vực nông thôn, ở vùng trung du, miền núi được rút ngắn một chút so với năm 2010; điều này cho thấy nhóm hộ có thu nhập thấp nhất đã có một chút cải thiện về thu nhập. Đa số chủ hộ gia đình nhận định mức sống khá hơn hoặc tương đương như năm 2010, thể hiện qua kết quả sau:
Tại thành thị, có 35,8% chủ hộ gia đình cho là mức sống khá hơn; 58,3% cho là mức sống tương đương như năm 2010
Tại nông thôn, có 44,9% chủ hộ gia đình cho là mức sống khá hơn; 52,7% cho là mức sống tương đương như năm 2010
Vùng đồng bằng, có 44,1% chủ hộ gia đình cho là mức sống khá hơn; 53,3% cho là mức sống tương đương như năm 2010.
Vùng trung du, có 45% chủ hộ gia đình cho là mức sống khá hơn; 50% cho là mức sống tương đương như năm 2010
Vùng miền núi, có 38,6% chủ hộ gia đình cho là mức sống khá hơn; 57,2% cho là mức sống tương đương như năm 2010.
Vùng cao, hải đảo có 56,7% chủ hộ gia đình cho là mức sống khá hơn; 43,3% cho là mức sống tương đương như năm 2010.