[1][2][3][4][5][6][7][8][9][10]

Năm 2010 tuy còn một số khó khăn nhất định như: chăn nuôi hồi phục chậm, một số mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt thấp, giá tiêu dùng trong 2 tháng cuối năm tăng cao; tỷ giá USD Mỹ, giá vàng tăng giảm thất thường và từ đầu quý 4/2010 tăng nhanh đã tác động không nhỏ đến đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Song tình hình kinh tế xã hội Bình Thuận có những chuyển biến tích cực, thể hiện qua các kết quả sau:

- Thời tiết sản xuất nông nghiệp trong năm khá ổn định, sản lượng lương thực tiếp tục tăng, năm 2010 đạt 645 ngàn tấn (tăng 32 ngàn tấn so với năm 2009). Các bệnh thông thường ở đàn gia súc, gia cầm được khống chế kịp thời. Công tác phòng chống dịch bệnh gia súc và các dịch bệnh nguy hiểm được các địa phương triển khai tích cực. Sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng ổn định. 

- Sản xuất công nghiệp (không tính thủy điện) đã lấy lại đà tăng trưởng, các sản phẩm chủ yếu sản xuất tăng thêm, các cơ sở kinh tế đã tiếp tục thể hiện tính năng động trong nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ, giữ được thị trường tiêu thụ ổn định. Đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hạng mục trong Khu công nghiệp Hàm Kiệm 1 để thu hút đầu tư; các dự án thủy điện, phong điện được triển khai tích cực

- Thị trường xuất khẩu ổn định. Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tăng so với năm trước (tăng 22,8%), trong đó hàng thuỷ sản, trái thanh long, hàng may mặc tăng khá. Các doanh nghiệp đã có nhiều cố gắng trong hoạt động xuất khẩu, đảm bảo được hợp đồng đã ký với nước ngoài.

- Hoạt động thương mại nội địa phát triển. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được tiếp tục tăng cường, tình trạng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng được hạn chế. Hoạt động du lịch tiếp tục phát triển; lượng khách đến lưu trú tại địa phương tăng khá so với năm trước (tăng 13,6%); doanh thu du lịch tăng khá (tăng 34,3%). Khách quốc tế đến lưu trú tăng và lưu trú dài ngày hơn 

- Giao thông vận tải hoạt động ổn định, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá và hành khách trên tất cả các tuyến đường. So với năm trước, tai nạn giao thông đường bộ giảm trên cả 3 mặt: số vụ, số người chết, số người bị trọng thương, thể hiện được tính tích cực việc chấp hành các quy định về Luật Giao thông đường bộ

Những kết quả trên đã đưa tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) năm 2010 tăng 11,5% so với năm trước, trong đó nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 6,2%; nhóm công nghiệp và xây dựng tăng 11,2%; nhóm dịch vụ tăng 15,8%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; nhóm nông lâm thuỷ sản chiếm 21,0% (năm trước chiếm 22,9%); công nghiệp xây dựng 34,2% (năm trước chiếm 33,8%), dịch vụ 44,8% (năm trước chiếm 43,3%).GDP bình quân đầu người đạt 20,7 triệu đồng (tương đương 1.072 USD); đời sống các tầng lớp dân cư nhìn chung tiếp tục được cải thiện.   

Để đánh giá đúng thực trạng mức sống dân cư trên địa bàn, năm 2010 Cục Thống kê Bình Thuận đã tiến hành điều tra mẫu 1.500 hộ gia đình. Kết quả chọn mẫu 1.500 hộ theo cơ cấu phù hợp với kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 về phân theo khu vực, phân theo vùng, phân theo thành phần kinh tế, phân theo ngành nghề. Thông qua kết quả điều tra, Cục Thống kê Bình Thuận biên soạn chuyên đề: “Kết quả khảo sát mức sống hộ gia đình năm 2010 tỉnh Bình Thuận” giúp lãnh đạo các ngành, các cấp tham khảo.

Chuyên đề được trình bày với một số nội dung sau:

- Hộ, nhân khẩu, lao động trên địa bàn

- Trình độ học vấn (người từ 6 tuổi trở lên) và trình độ chuyên môn kỹ thuật nghiệp vụ (người từ 15 tuổi trở lên) 

- Nhà ở, sử dụng điện, nguồn nước, vệ sinh môi trường và tiện nghi sinh hoạt

- Thu nhập của hộ gia đình

- Chi tiêu và cơ cấu chi tiêu

- Tích luỹ hộ gia đình

- Tiếp cận thông tin và hoạt động thể dục thể thao, du lịch

- Nhận định của chủ hộ về một số vấn đề xã hội

- Đánh giá tổng quát

- Một số giải pháp chủ yếu để tiếp tục cải thiện, nâng cao mức sống

1. Hộ, nhân khẩu, lao động trên địa bàn

Với 1.500 hộ được chọn khảo sát mức sống cho thấy có 6.853 nhân khẩu, trong đó có 5.295 lao động. Như vậy số nhân khẩu bình quân 1 hộ là 4,57 người. Phân theo ngành nghề hoạt động chủ yếu cho thấy nhân khẩu/hộ cao nhất là hộ thủy sản (5,32 người/hô); kế đến là hộ xây dựng (5,0 người/hộ), hộ nông lâm nghiệp (4,54), thương nghiệp, công nghiệp-TTCN(4,5), hộ làm công ăn lương (4,18), hộ dịch vụ (3,99 người). Phân theo vùng cho thấy vùng Trung du có số nhân khẩu bình quân 1 hộ cao hơn các vùng khác (5,18 người/hộ).

Số người trong độ tuổi lao động trong hộ giữa các ngành nghề cũng khác nhau, cao nhất là hộ thủy sản (4,25 người/hộ); kế đến là hộ xây dựng (3,89 người); hộ thương nghiệp (3,57 người); hộ công nghiệp-TTCN (3,48 người); hộ nông lâm nghiệp; (3,41 người); hộ làm công ăn lương (3,27 người) hộ dịch vụ (3,12 người). Số lao động/hộ ở vùng Trung du đạt cao nhất (3,93 người); kế đến là vùng Đồng bằng (3,7 người); Miền núi (3,46 người); Vùng cao, hải đảo (3,06 người). Như vậy số người ngoài tuổi lao động ở nông lâm nghiệp là 1,13 người/hộ; xây dựng là 1,11 người/hộ; hộ thuỷ sản là 1,07 người/hộ; công nghiệp-TTCN là 1,02 người/hộ; thương nghiệp 0,92 người; hộ làm công ăn lương 0,91 người; dịch vụ 0,87 người.

Kết quả trên cũng cho thấy năm 2010 tỷ lệ người sống phụ thuộc (số người ngoài tuổi lao động/số người trong tuổi lao động) nhiều nhất là hộ nông lâm nghiệp (0,33); kế đến là các hộ công nghiệp-TTCN (0,29); hộ thương nghiệp (0,26); hộ dịch vụ (0,28); hộ thuỷ sản là (0,25). Phân vùng địa lý cho thấy vùng đồng bằng (0,22); trung du (0,32); miền núi (0,31), vùng cao, hải đảo (0,47).

Chỉ tiêu này ở năm 2009 là: hộ nông lâm nghiệp (0,60); hộ công nghiệp-TTCN (0,58); hộ thương nghiệp (0,50); hộ dịch vụ (0,48); hộ thuỷ sản là (0,42); vùng đồng bằng (0,50); trung du (0,52); miền núi (0,53), vùng cao, hải đảo (0,75).

So sánh “tỷ số phụ thuộc” của hộ giữa 2 năm cho thấy, năm 2010 đã giảm xuống trong từng ngành nghề và ở các vùng. Điều này sẽ bớt đi gánh nặng cho người lao động gia đình, tạo thuận lợi cho hộ gia đình có tích luỹ để đầu tư­ phát triển.

2. Trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật nghiệp vụ

 Kết quả điều tra cho thấy trong 6.365 người từ 6 tuổi trở lên có 2.055 người có trình độ tiểu học (chiếm 32,3%); 2.332 người có trình độ trung học cơ sở (35,6%) và 1.673 người có trình độ phổ thông trung học (chiếm 31,1%). Tỷ lệ người có trình độ phổ thông trung học ở thành thị đạt 35,7% cao hơn so với nông thôn (28,9%); vùng đồng bằng chiếm 36%, cao hơn các vùng khác: trung du (31,9%), miền núi (29,1%), vùng cao, hải đảo (27,9%).

[1][2][3][4][5][6][7][8][9][10]