NHỮNG BƯỚC ĐẦU PHÁT TRIỂN TRANG TRẠI

I.- QUÁ TRÌNH  HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN TRANG TRẠI

3) Lao động, đất đai, chăn nuôi, cơ sở vật chất - kỹ thuật của trang trại:

   Hoạt động kinh tế trang trại rõ ràng có ưu thế hơn sản xuất hộ gia đình sản xuất nông nghiệp qui mô nhỏ, bởi vì trang trại là hình thức tổ chức sản xuất khá tốt ở nông thôn nhằm khai thác tiềm năng và lợi thế so sánh phục vụ nhu cầu xã hội.  Sự hoạt động của trang trại gia đình đã kế thừa những ưu việt của kinh tế hộ gia đình trong nông nghiệp, vì vậy, nó cho phép huy động, khai thác đất đai, sức lao động và các nguồn lực khác một cách đầy đủ, hợp lý và có hiệu quả. Trang trại tuy có nhiều hình thức khác nhau, như­ng có điểm chung là đều dựa trên cơ sở của các nguồn lực của chủ trang trại là chủ yếu. Thật vậy có thể thấy rõ qua các yếu tố chủ yếu như sau:

a) Nhân khẩu, lao động trang trại:

·        Nhân khẩu: Tổng số nhân khẩu của hộ trang trại có 6.542 người, bình quân trên 1 trang trại 5,6 người. Mặc dầu còn nhiều nhân khẩu chưa tham gia lao động, nhưng chủ trang trại phải lo về đời sống đồng thời đào tạo về mọi mặt để có thể góp phần phát huy mở rộng trang trại về lâu, về dài. Số nhân khẩu theo các loại hình trang trại ở mức tương đương nhau qua thể hiện số nhân khẩu bình quân trên một trang trại như đối với cây hàng năm là 6,19 người, cây lâu năm là 5,42 người, chăn nuôi là 5,7 người, lâm nghiệp là 5,85 người, nuôi trồng thủy sản là 4,97 người và kinh doanh tổng hợp là 5,91 người.

·        Thông tin về lao động chủ trang trại: Sự hình thành và phát triển trang trại dựa trên cơ sở các nguồn lực, đặc biệt là sức lao động gia đình là chủ yếu, trong đó ng­ười chủ trang trại là ng­ười quản lý mọi hoạt động của trang trại, cũng có thể trực tiếp tham gia lao động và có mối quan hệ trực tiếp và chặt chẽ với ng­ười lao động trực tiếp cho trang trại, kể cả lao động làm thuê. Do vậy chúng ta cần đi vào một số thông tin chung về chủ trang trại như sau:

Trong 1.168 trang trại của tỉnh Bình Thuận, Thành phần chủ trang trại chủ yếu từ nông dân gồm có 932 người ( trong đó có 59 chủ trang trại là nữ), xuất thân từ Cán bộ, CNVC có 91 người ( trong đó có 4 chủ trang trại là nữ) và từ các thành phần khác 145 người ( trong đó có 4 chủ trang trại là nữ).

Về trình độ chuyên môn của các chủ trang trại: có 38 người là đại học ( trong đó có 3 nữ) chiếm tỷ lệ 3,25%, có 86 người là trung cấp cao đẳng ( trong đó có 4 nữ) chiếm tỷ lệ 7,36%, có 160 người là sơ cấp ( trong đó có 9 nữ) chiếm tỷ lệ 13,70%. Như vậy tổng số có trình độ chuyên môn chỉ có 284 người chiếm 24,32% trong tổng số các chủ trang trại. Tuy nhiên số có trình độ chuyên môn mặc dầu chưa cao nhưng tỷ lệ này cũng nói lên một quá trình chuyển đổi từng bước trong vấn đề nâng cao dân trí ở nông thôn. Thực tế hiện nay các chủ trang trại phần lớn chưa có trình độ qua bằng cấp nhưng với sự tích lũy kinh nghiệm từ hoạt động sản xuất và đa phần các chủ trang trại ít nhiều hiểu biết về kỹ thuật, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tiếp nhận ứng dụng được phần nào công nghệ mới vào sản xuất. Trong đó các trang trại nuôi trồng thủy sản (kể cả nuôi giống thủy sản)  và kinh doanh tổng hợp so ra mức độ tỷ lệ trình độ chuyên môn khá cao so với bình quân chung do có nhiều sơ cấp,trung cấp, kỹ sư đứng ra sản xuất. Cụ thể trình độ chuyên môn của các chủ trang trại phân theo các loại hình trang trại như sau:

- Cây hàng năm: có 3 người là đại học chiếm tỷ lệ 1,27%, có 9 người là trung cấp cao đẳng chiếm tỷ lệ 3,81%, có 15 người là sơ cấp chiếm tỷ lệ 9,36% trong tổng số các trang trại hàng năm.

- Cây lâu năm: có 22 người là đại học chiếm tỷ lệ 4,13%, có 44 người là trung cấp cao đẳng chiếm tỷ lệ 8,26%, có 59 người là sơ cấp chiếm tỷ lệ 11,07% trong tổng số các trang trại lâu năm.

- Chăn nuôi: có 2 người là đại học chiếm tỷ lệ 1,82%, có 7 người là trung cấp cao đẳng chiếm tỷ lệ 6,36%, có 13 người là sơ cấp chiếm tỷ lệ 11,82% trong tổng số các trang trại chăn năm.

- Lâm nghiệp: có 1 người là trung cấp cao đẳng chiếm tỷ lệ 7,69%, có 1 người là sơ cấp chiếm tỷ lệ 7,69% trong tổng số các trang trại lâm nghiệp.

- Nuôi trồng thủy sản: có 9 người là đại học chiếm tỷ lệ 6,08%, có 17 người là trung cấp cao đẳng chiếm tỷ lệ 11,49%, có 44 người là sơ cấp chiếm tỷ lệ 29,73% trong tổng số các trang trại Nuôi trồng thủy sản.

- Kinh doanh tổng hợp: có 2 người là đại học chiếm tỷ lệ 1,26%, có 8 người là trung cấp cao đẳng chiếm tỷ lệ 6,25%, có 28 người là sơ cấp chiếm tỷ lệ 21,88% trong tổng số các trang trại kinh doanh tổng hợp.

·        * Lao động tham gia sản xuất của trang trại:

Tổng số lao động các trang trại đạt 6.517 người, bình quân một trang trại là 5,58 người. Trong đó:

- Lao động trang trại trồng cây hàng năm đạt 1.438 người, bình quân một trang trại là 6,09 người.

- Lao động trang trại trồng cây lâu năm đạt 2.887 người, bình quân một trang trại là 5,42 người.

- Lao động trang trại chăn nuôi đạt 627 người, bình quân một trang trại là 5,70 người.

- Lao động trang trại lâm nghiệp đạt 76 người, bình quân một trang trại là 5,85 người.

- Lao động trang trại nuôi trồng thủy sản đạt 736 người, bình quân một trang trại là 4,97 người.

- Lao động trang trại kinh doanh tổng hợp đạt 756 người, bình quân một trang trại là 5,91 người.

Nói đúng ra hiện nay lao động bình quân một trang trại chưa cao. Mặc dầu nguồn lao động dồi dào, nhưng sức thu hút lao động từ các ngành khai thác của nền kinh tế quốc dân còn kém, tình trạng thất nghiệp nói chung, trong nông nghiệp và nông thôn nói riêng đang diễn ra rất phổ biến, số ng­ười thất nghiệp rất lớn. Do vậy trong bối cảnh này, việc khuyến khích phát triển các trang trại ở những vùng đất hoang hóa, vùng đất trống đồi núi trọc sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc thu hút lao động và giải quyết vấn đề việc làm cho bộ phận không nhỏ lực l­ượng lao động d­ư thừa ở nông thôn. Các trang trại hiện nay phần lớn mới ở bước đầu hình thành trang trại nên sức sản xuất hàng hoá chưa cao tính chuyên môn hoá còn hạn chế, lao động chủ yếu là người trong nhà, lao động thuê ngoài chủ yếu là thời vụ. Điều này có thể thấy qua phản ảnh số liệu như sau:

- Lao động của hộ chủ trang trại: đạt 2.957 người, chiếm 45,37 % trong tổng số lao động của trang trại, bình quân một trang trại là 2,53 người. Ngoài công việc quản lý, điều hành công việc chiếm phần thời gian lớn còn  phải trực tiếp tham gia lao động, nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học...

- Lao động thuê mướn thường xuyên: đạt 1.595 người, chiếm 24,47 % trong tổng số lao động của trang trại, bình quân một trang trại là 1,37 người.

- Lao động thuê mướn thời vụ qui đổi : đạt 1.965 người, chiếm 30,15 % trong tổng số lao động của trang trại, bình quân một trang trại là 1,68 người. Số trang sản xuất theo yêu cầu của mùa vụ khá lớn thể hiện qua cơ cấu theo qui mô lao động thuê mướn thời vụ cao nhất như: số trang trại thuê mướn dưới 2 lao động chỉ chiếm 2,74%,   số trang trại thuê mướn từ 2  đến dưới 4 lao động chiếm 17,64%, số trang trại thuê mướn từ 4 đến dưới 6 lao động chiếm 15,92% số trang trại thuê mướn từ 6 đến dưới 10 lao động chiếm 9,08% số trang trại thuê mướn từ 10 lao động trở lên chiếm 23,12%.

Về trình độ chuyên môn của các lao động của trang trại: Tổng số có trình độ chuyên môn sơ cấp trở lên có 332 người chiếm tỷ lệ 5,9% trong tổng số lao động của trang trại ( Sơ cấp chiếm 2,84%, trung cấp cao đẳng chiếm 1,57%, Đại học trở lên chiếm 0,69%). Có trình độ chuyên môn chủ yếu là lao động của hộ chủ trang trại có 287 người chiếm 4,4% trong ( Sơ cấp chiếm 2,36%, trung cấp cao đẳng chiếm 1,43%, Đại học trở lên chiếm 0,61%). Lao động làm thuê chủ yếu thuê mướn lao động thủ công chưa qua đào tạo, tuy nhiên cũng có một số ít trang trại đã thuê mướn các công nhân chuyên viên kỹ thuật như về các Trang trại trồng cây lâu năm đã thuê mướn 20 lao động sơ cấp CNKT, 2 trung cấp cao đẳng  và 2 có trình độ đại học trở lên; Về trang trại chăn nuôi các đã thuê mướn 2 lao động sơ cấp CNKT và 1 Trung cấp; Về các trang trại lâm nghiệp có thuê mướn 1 lao động; Về các trang trại nuôi trồng thủy sản có thuê mướn 5 lao động sơ cấp CNKT, 5 trung cấp cao đẳng và 3 đại học trở lên. Mặt dầu lao động có trình độ chuyên môn chưa cao nhưng do yêu cầu của sản xuất hàng hóa, quy mô , chất lượng ngày càng cao cho nên chắc rằng lao động trong các trang trại sẽ tăng nhanh về số lượng, vừa chuyển dịch cơ cấu theo h­ướng tăng tỷ trọng lao động kỹ thuật và chuyên môn cao, giảm dần tỷ trọng lao động phổ thông. Theo hướng đó, trang trại vừa thu hút lao động d­ư thừa ở nông thôn vừa góp phần đào tạo, bồi d­ưỡng nâng cao trình độ lao động gia đình.

b) Đất nông nghiệp của  các trang trại:

Tùy theo tính chất đầu tư sử dụng đất ( mật độ cây trồng, mức độ chi phí bình quân trên một diện tích...) và nên qui mô đất của các trang trại cũng khác nhau rất nhiều, nhưng nhìn chung vẫn thể hiện mức độ tăng tiến rõ rệt . Tổng số đất        nông nghiệp đang sử dụng của trang trại có 5.838 ha tăng 36,9% so với năm trước ( tăng 1.575 ha). Trong đó đất được giao lâu dài đạt 4.609 ha chiếm 78,94%, đất nhận chuyển nhượng đạt 360 ha chiếm 6,16%, đất thuê mượn đấu thầu 170 ha chiếm 3% trong tổng số đất nông nghiệp hiện có.

Việc sử dụng đất chủ yếu là của Trang trại trồng cây hàng năm, cây lâu năm, do vậy chỉ đi sâu vào 2 loại hình trang trại này như sau:

- Trang trại trồng cây hàng năm: Đất sử dụng phần lớn là đất trồng cây hàng năm, năm 2000 có 897 ha và bình quân 1 trang trại là 5,98 ha thì năm 2001 nâng lên 1496 ha ( tăng 599 ha) và bình quân 1 trang trại cũng nâng lên 6,34 ha.

- Trang trại trồng cây lâu năm: Đất sử dụng phần lớn là đất trồng cây lâu năm, năm 2000 có 1.811 ha và bình quân 1 trang trại là 4,63 ha thì năm 2001 nâng lên khá lớn 3.166 ha ( tăng 1.355 ha) và bình quân 1 trang trại cũng nâng lên 5,94 ha.

Trang trại trồng cây lâu năm tăng khá nhanh cùng với diện tích với qui mô ngày càng lớn hơn đã thể hiện rõ việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng đầu tư  tăng cây lâu năm có hiệu quả kinh tế hơn. Điều đó càng thấy rõ hơn qua việc chủ yếu chuyên canh tập trung các loại cây Công nghiệp lâu năm và cây ăn quả có gía trị kinh tế cao như:

+ Cây cà phê diện tích trồng tập trung có 112,47 ha tăng 12% so với năm trước và diện tích cho sản phẩm 68 ha chiếm 60%.

+ Cây cao su diện tích trồng tập trung có 975 ha tăng 89% so với năm trước và diện tích cho sản phẩm 68 ha chiếm 60%.

+ Cây Điều diện tích trồng tập trung có 921 ha tăng 122% so với năm trước và diện tích cho sản phẩm 487 ha chiếm 52,8%.

+ Cây Hồ tiêu diện tích trồng tập trung có 233 ha tăng 5,1% so với năm trước và diện tích cho sản phẩm 118 ha chiếm 51%.

+ Cây Xoài diện tích trồng tập trung có 499 ha tăng 66% so với năm trước và diện tích cho sản phẩm 58 ha chiếm 13%.

+ Cây Nhãn diện tích trồng tập trung có 417 ha tăng 6% so với năm trước và diện tích cho sản phẩm 210 ha chiếm 50%.

+ Cây Thanh Long diện tích trồng tập trung có 94 ha tăng 4% so với năm trước và diện tích cho sản phẩm 80 ha chiếm 85%.

+ Còn một số loại cây lâu năm khá tăng không nhiều nhưng cũng góp phần đa dạng hóa kinh tế vườn trang trại như: dừa có 8 ha, cam quýt có 48 ha, mãng cầu có 28 ha, chanh có 49 ha, nho có 1 ha...

Đầu trang | Trang trước | Muc lục | Tiếp theo