CHƯƠNG 4 CHẤT LƯỢNG DÂN SỐ 1. Giáo dục và đào tạo Tỉnh ta đã đạt được những thành tựu to lớn trong lĩnh vực giáo dục, đã hoàn thành công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục bậc tiểu học và đang thực hiện phổ cập trung học cơ sở. Trong Tổng điều tra 2009, các câu hỏi để thu thập thông tin về tình hình đi học được đưa ra đối với tất cả dân số từ 5 tuổi trở lên, các câu hỏi về tình hình đi học, bậc học cao nhất đã đạt được và khả năng biết đọc biết viết đã được thiết kế và đưa vào phiếu điều tra. Trong phân tích dân số theo độ tuổi được tính theo năm sinh. 1.1 Tình hình đi học Đang đi học bao gồm đang học ở một trong các trường trong hệ thống giáo dục quốc dân của nước ta. Số liệu của Biểu 4.1 cho thấy gần một phần tư dân số đang theo học một trường nào đó (25,7%). Trong 10 năm qua, tỷ trọng phần trăm dân số từ 5 tuổi trở lên chưa bao giờ đến trường đã giảm đi một nữa, năm 2009 chỉ có 6,2% dân số chưa bao giờ đi học so với 12,6% năm 1999. Biểu 4.1: Tỷ trọng dân số từ 5 tuổi trở lên chia theo tình hình đi học, 1999 và 2009 Đơn vị tính: %
Biểu 4.2 cho thấy, tỷ trọng chưa đi học của nữ cao hơn của nam (7,1% so với 5,3%), hay nói cách khác phụ nữ bị thiệt thòi hơn nam giới về hưởng thụ giáo dục. Số liệu cũng cho thấy có sự khác biệt về tình hình đi học theo thành thị và nông thôn, tỷ trọng dân số chưa bao giờ đi học ở khu vực nông thôn cao hơn so với khu vực thành thị (6,6% so với 5,7%), do điều kiện sống và môi trường học tập của nông thôn thấp hơn của thành thị. Biểu 4.2: Tỷ trọng dân số 5 tuổi trở lên chia theo tình hình đi học, giới tính và khu vực, 2009 Đơn vị tính: %
Tuy Phong, Bắc Bình và Phú Quý có tỷ lệ chưa đi học cao nhất toàn tỉnh và cao hơn mức đi học chung của cả tỉnh (tương ứng là 10,9 - 8,7 và 8,6 phần trăm), đây là những huyện tập trung đông các dân tộc ít người và điều kiện kinh tế thấp hơn so với các huyện khác (Tuy Phong, Bắc Bình) và huyện đảo Phú Quý, nơi đi lại khó khăn và trường lớp chưa đảm bảo cho điều kiện học tập của học sinh trong những năm trước đây. Tuy vậy cũng đáng quan ngại, khi tỷ lệ chưa bao giờ đi học của Phan Thiết chiếm tới 6% trong tổng số bằng bình quân chung cả tỉnh, nhưng chủ yếu tập trung ở các xã, phường ven biển. Hình 4.1 Tỷ trọng dân số từ 5 tuổi trở lên chia theo tình hình đi học, giới tính và khu vực, 2009
Biểu 4.3: Tỷ trọng dân số 5 tuổi trở lên chia theo tình hình đi học và đơn vị hành chính, 2009 Đơn vị tính: %
Thông thường người có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp thường chiếm tỷ trọng cao và tỷ trọng đó giảm dần ở những trình độ cao hơn. Biểu 4.3 cho thấy rất rõ sự mất cân đối trong cơ cấu đào tạo sau phổ thông hiện nay. Trong số những người từ 15 tuổi trở lên của tỉnh đang theo học các trường chuyên nghiệp trên toàn quốc, có tới gần 42% hiện đang theo học các trường đại học và trên đại học. Nếu gộp cả số người đang học cao đẳng với nhóm đang học ở trình độ đại học và trên đại học thì đội ngũ này sẽ chiếm hơn 67%. Sự mất cân đối này là tình trạng chung đối với cả 2 giới nam, nữ và 2 khu vực thành thị, nông thôn. Áp lực “vào đại học” luôn là tâm lý đè nặng trong xã hội ta hiện nay. Việc học sinh chỉ lựa chọn thi vào các trường đại học là hệ quả tất yếu của định hướng đào tạo cho thanh niên không theo sát nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Biểu 4.4: Tỷ trọng dân số 15 tuổi trở lên đang đi học chia theo trình độ chuyên môn kỹ thuật, giới tính và khu vực, 2009 Đơn vị tính: %
1.2 Tỷ lệ nhập học chung và tỷ lệ nhập học đúng tuổi Theo Luật giáo dục Việt Nam, hệ thống giáo dục phổ thông của Việt Nam được chia thành 3 cấp, với những quy định cụ thể về thời gian và độ tuổi như sau: - Cấp tiểu học: từ lớp 1 đến lớp 5 và tuổi của học sinh vào học lớp 1 là 6 tuổi; - Cấp trung học cơ sở (THCS): từ lớp 6 đến lớp 9 và học sinh vào học lớp 6 phải hoàn thành chương trình tiểu học và có tuổi là 11 tuổi; - Cấp trung học phổ thông (THPT): từ lớp 10 đến lớp 12 và học sinh vào học lớp 10 phải có bằng THCS và có tuổi là 15 tuổi. Ngoài giáo dục phổ thông, còn có giáo dục đại học bao gồm: cao đẳng, đại học, thạc sỹ, tiến sỹ; trong phần phân tích này, chỉ đề cấp đến tỷ lệ nhập học của trình độ cao đẳng và đại học, với thời gian phổ biến từ 3 đến 4 năm, tuổi bắt đầu vào học là từ 18 tuổi. Tỷ lệ nhập học là chỉ tiêu phản ánh đầu vào của giáo dục. Tỷ lệ nhập học chung là tỷ lệ phần trăm số học sinh/sinh viên đang tham gia vào một cấp giáo dục không kể tuổi, so với tổng dân số trong tuổi đến trường của cấp học đó. Tỷ lệ nhập học đúng tuổi là tỷ lệ phần trăm số học sinh/sinh viên trong tuổi đến trường của một cấp học đang tham gia vào cấp học đó so với tổng dân số trong tuổi đến trường của cấp học đó. Biểu 4.5 cho biết tỷ lệ nhập học chung và tỷ lệ nhập học đúng tuổi chia theo các cấp học. Số liệu cho thấy, tỉnh đã phổ cập xong giáo dục bậc tiểu học; về giáo dục cấp THCS, mức độ phổ cập chung của tỉnh đạt gần 82%. Trình độ càng cao thì khoảng cách chênh lệch về phổ cập giáo dục càng lớn. Biểu 4.5: Tỷ lệ nhập học chung và tỷ lệ nhập học đúng tuổi chia theo cấp học, 2009 Đơn vị tính: %
Biểu 4.6: Tỷ lệ nhập học chung và tỷ lệ nhập học đúng tuổi theo cấp học và khu vực, 2009 Đơn vị tính: %
1.3 Tình hình biết đọc biết viết Biết đọc biết viết (biết chữ) là khả năng đọc và viết một đoạn văn đơn giản trong sinh hoạt hàng ngày bằng tiếng quốc ngữ, tiếng dân tộc hoặc tiếng nước ngoài. Câu hỏi về tình trạng biết đọc biết viết được hỏi đối với những người chưa hoàn thành bậc tiểu học (học hết lớp 5), và giả thiết là tất cả những người có trình độ học vấn trên bậc học đó đều biết đọc biết viết. Tỷ lệ biết chữ là một trong những số đo chung nhất phản ánh đầu ra của giáo dục, nó được định nghĩa là số phần trăm những người biết chữ của một độ tuổi nhất định trong tổng dân số của độ tuổi đó. Kết quả của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 cho thấy tỷ lệ biết chữ của dân số 15 tuổi trở lên là 92,0% (tăng 3,5% so với năm 1999). Trong 10 năm qua tỷ lệ biết chữ ở thành thị tăng 3,8% lên 93,1% và nông thôn tăng 3,1% lên 91,2%. Trong khi đó 10 năm qua, tỷ lệ biết chữ của nữ tăng 4,9% và tỷ lệ này của nam chỉ tăng 2,2% làm cho chênh lệch về tỷ lệ biết chữ giữa nam và nữ được thu hẹp. Nhìn chung, bất bình đẳng giới trong giáo dục hiện nay gần như đã được xóa bỏ. Tỷ lệ biết chữ của thành thị cao hơn nông thôn do điều kiện sống và cơ sở vật chất giáo dục của thành thị tốt hơn ở nông thôn. Tuy nhiên trong những năm qua, nhờ có chính sách phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ, nên sự chênh lệch về tỷ lệ biết chữ giữa khu vực thành thị và nông thôn ở mức thấp gần 2% (93,1% ở khu vực thành thị và 91,2% ở khu vực nông thôn). Biểu 4.7: Tỷ lệ biết chữ của dân số từ 15 tuổi trở lên chia theo giới tính, khu vực và đơn vị hành chính, 1999 và 2009 Đơn vị tính: %
Tỷ lệ biết chữ của các huyện đều tăng qua 10 năm, trong đó tăng nhanh nhất: Tuy Phong (5,1%), Bắc Bình (4,8%). Đức Linh có tỷ lệ biết chữ cao nhất (95,4%), tiếp đến Hàm Tân (94,2%) thấp nhất là Tuy Phong (86,9%) và huyện đảo Phú Quý (87,8%). Biểu 4.8: Tỷ lệ biết chữ của dân số từ 15 tuổi trở lên chia theo đơn vị hành chính, 1999 và 2009 Đơn vị tính: %
Biểu 4.9: Tỷ lệ biết chữ của dân số từ 15 tuổi trở lên chia theo nhóm tuổi, 2009 Đơn vị tính: %
Số liệu này cho thấy tỷ lệ biết chữ của tỉnh đã được cải thiện đáng kể trong 10 năm qua. Càng ở nhóm tuổi trẻ hơn thì tỷ lệ biết chữ càng cao, đồng thời sự khác biệt về tỷ lệ biết chữ giữa thành thị và nông thôn cũng được thu hẹp dần trong các nhóm tuổi trẻ. Các nhóm tuổi từ 20 trở lên, tỷ lệ biết chữ của thành thị cao hơn nông thôn, tuy nhiên các nhóm tuổi dưới 20 thì tỷ lệ biết chữ của nông thôn lại cao hơn thành thị. Hình 4.2: Tỷ lệ biết biết chữ của dân số 15 tuổi trở lên đặc trưng theo nhóm tuổi và giới tính, 2009
1.4 Trình độ giáo dục đạt được 1.4.1 Trình độ học vấn Học vấn là một trong những chỉ tiêu quan trọng phản ánh chất lượng dân số. Trong Tổng điều tra dân số và nhà ở 2009, trình độ học vấn được phân tổ theo 5 nhóm, gồm: (1) chưa đi học, (2) chưa tốt nghiệp tiểu học, (3) tốt nghiệp tiểu học, (4) tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) và (5) tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên (THPT+). Biểu 4.10: Tỷ trọng dân số từ 5 tuổi trở lên chia theo trình độ học vấn đạt được và đơn vị hành chính Đơn vị tính: %
Số liệu trong Biểu 4.10 cho thấy số người có trình độ học vấn từ trung học cơ sở trở lên của cả tỉnh chỉ chiếm 27,2% tổng dân số từ 5 tuổi trở lên. Có sự khác biệt đáng kể trình độ học vấn giữa các huyện. Hai huyện có mức độ phát triển cao nhất về kinh tế - xã hội cũng là nơi thu hút mạnh số người có học vấn cao là thành phố Phan Thiết và thị xã La Gi. Tại hai huyện này, số người tốt nghiệp THPT trở lên chiếm tương ứng 17,2% và 9,8%. Phú Quý và Tuy Phong là hai huyện có tỷ trọng những người chưa tốt nghiệp tiểu học cao nhất (các con số tương ứng là 41,1% và 37,3% dân số của huyện). Đây cũng là những huyện có tỷ trọng tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên thấp nhất, đặc biệt là Phú Quý (5,4% - chỉ hơn một nửa mức chung của cả tỉnh). 1.4.2 Trình độ chuyên môn kỹ thuật (CMKT) Số liệu trong Biểu 4.11 cho thấy dân số từ 15 tuổi trở lên, có đến 91,6% không có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Trong toàn tỉnh, số người có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp đến trên đại học chiếm một tỷ trọng rất thấp (8,4%), trong đó số người có trình độ đại học và trên đại học chỉ chiếm một phần rất nhỏ (4,4%). Đây thực sự là một con số đáng báo động đối với lực lượng lao động của nước ta - lượng cung lao động rất dồi dào, nhưng lao động có tay nghề cao lại quá thiếu. Biểu 4.11: Tỷ trọng dân số từ 15 tuổi trở lên chia theo trình độ CMKT, giới tính, khu vực và đơn vị hành chính, 2009 Đơn vị tính: %
Có khoảng cách khá lớn giữa thành thị và nông thôn về số người được đào tạo chuyên môn kỹ thuật ở tất cả các trình độ đào tạo. Tỷ lệ được đào tạo từ trình độ sơ cấp trở lên ở khu vực thành thị (11,9%) cao gấp 2 lần khu vực nông thôn (6,0%). Riêng đối với trình độ đại học và trên đại học thì số người được đào tạo ở thành thị (3,9%) cao gấp 4 lần so với khu vực nông thôn (1,0%); nam có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hơn nữ một ít, nhưng không đáng kể. Đối với cấp huyện, những người có trình độ từ sơ cấp trở lên cao nhất ở Phan Thiết (14%) và thấp nhất Tuy Phong (4,9%), trong khi đó tỷ trọng người có trình độ từ đại học trở lên cao nhất Phan Thiết (5,3%) và thấp nhất Hàm Tân, Phú Quý (0,9%). Trong nhiều năm qua, việc phát triển đào tạo chuyên môn kỹ thuật đã có những bước cải thiện, tuy nhiên sự mất cân đối trong cơ cấu đào tạo nghề thực sự là vấn đề và cần có chính sách điều chỉnh phù hợp. Tỉnh ta vẫn đang và sẽ còn nhu cầu về lao động chất lượng cao và lành nghề, nhưng rõ ràng lượng cung hiện tại không thể đáp ứng được nhu cầu đó. Cần có các giải pháp hữu hiệu của các ngành, các cấp để giải quyết tình trạng mất cân đối trong đào tạo của tỉnh hiện nay, đồng thời cần có giải pháp kết nối cung - cầu giữa hệ thống giáo dục - đào tạo và người sử dụng lao động nhằm đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng của thị trường lao động. 2. Lao động và việc làm Trong cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 (TĐT), những người từ 15 tuổi trở lên được hỏi về tình trạng hoạt động thông qua câu hỏi về công việc tạo ra thu nhập trong 7 ngày trước thời điểm điều tra. Cách hỏi này dựa vào khái niệm "Hoạt động kinh tế hiện tại" và không giống với các cuộc Tổng điều tra dân số năm 1999 đã xác định tình trạng hoạt động dựa vào khái niệm "Hoạt động kinh tế thường xuyên" thông qua câu hỏi về hoạt động chính (chiếm nhiều thời gian nhất) trong 12 tháng trước thời điểm điều tra. 2.1 Dân số hoạt động kinh tế (lực lượng lao động) Dân số hoạt động kinh tế bao gồm những người đang làm việc và thất nghiệp trong thời gian nghiên cứu. Khi khái niệm "Hoạt động kinh tế hiện tại" được sử dụng để xác định tình trạng hoạt động, thì “Dân số hoạt động kinh tế” còn có tên gọi khác là “Lực lượng lao động” (LLLĐ). 2.1.1 Quy mô và phân bố lực lượng lao động Vào thời điểm điều tra 1/4/2009 toàn tỉnh có 1.167.023 người, số người từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động (chiếm 57,3% tổng dân số); trong cơ cấu lực lượng lao động: tỷ lệ lao động đang làm việc chiếm 95,3% và tỷ lệ thất nghiệp chiếm 4,7%. Trong tổng số lực lượng lao động của tỉnh, nữ chiếm tỷ trọng thấp hơn nam giới (43,3% nữ giới so với 56,7% nam giới); thành thị chiếm tỷ trọng 38,4% và nông thôn chiếm 61,6%. 2.2.2 Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là một trong những số đo chung nhất về mức độ tham gia lực lượng lao động của dân số. Nó được định nghĩa là số phần trăm những người thuộc lực lượng lao động chiếm trong dân số. Năm 2009, trong tổng số 834.588 người từ 15 tuổi trở lên có gần ba phần tư (74,5%) tham gia lực lượng lao động. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động chênh lệch đáng kể, giữa nam và nữ (84,9% so với 64,2%) và không đồng đều giữa các huyện. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động năm 2009 của dân số khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành (77,6% so với 70,1%). Cả nam giới và nữ giới đều có sự chênh lệch này, song mức độ chênh lệch của nữ giới lớn hơn của nam giới. Biểu 4.12: Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động chia theo giới tính, khu vực và đơn vị hành chính, 2009 Đơn vị tính: %
Hình 4.3: Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đặc trưng theo nhóm tuổi và giới tính, 2009
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thay đổi từ mức thấp nhất là 56,4% ở Phú Quý lên mức cao nhất là 81,0% ở huyện Đức Linh. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ thấp nhất ở Phú Quý và tất cả các huyện, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ đều thấp hơn của nam. Mức chênh lệch tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giữa nam và nữ thấp nhất là Đức Linh 8,6% và huyện đảo Phú Quý có mức chênh lệch lớn nhất tới 57,2%%. Điều này cho thấy phụ nữ ở huyện đảo chủ yếu tham gia công việc nội trợ gia đình, không tham gia hoạt động kinh tế. 2.2 Việc làm Việc làm là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá sự phát triển kinh tế. Phân tích động thái thay đổi của việc làm cho phép đánh giá tác động của chuyển đổi kinh tế và đề xuất các chính sách việc làm phù hợp tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nền kinh tế nước ta đã có những thay đổi quan trọng trong những năm qua qua. Những thay đổi quan trọng đó đã làm thay đổi cơ cấu và phân bố lao động có việc làm. Phần lớn lực lượng lao động là số có việc làm; số thất nghiệp chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ. Vì vậy, các đặc trưng cơ bản của lao động có việc làm như học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật,... sẽ góp phần quyết định các đặc trưng của lực lượng lao động mà ta đã nghiên cứu ở mục trước. 2.2.1 Lao động có việc làm theo nghề nghiệp Năm 2009, trong tổng số 834.588 người từ 15 tuổi trở lên, lao động đang làm việc chiếm 71,1% trong tổng số và nữ chiếm 43,0% trong tổng số lao động đang làm việc. Biểu 4.13: Phân bố phần trăm lao động có việc làm chia theo giới tính và nghề nghiệp, 2009
Phần lớn lao động đang làm việc trong tỉnh là lao động giản đơn (chiếm 43,5%) và lao động có tay nghề trong nông, lâm, ngư nghiệp (chiếm 17,3%). Điều này cho thấy lao động có tay nghề của tỉnh đang ở mức rất thấp, vấn đề đào tạo nguồn lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật được đặt ra là hết sức cấp bách. Trong số chín nhóm nghề, chỉ có hai nhóm nghề sử dụng nhiều lao động nữ hơn là “Dịch vụ cá nhân, bảo vệ và bán hàng” (nữ chiếm 70,7%) và “Chuyên môn kỹ thuật bậc trung” (nữ chiếm 58,4%. Rõ ràng đây là những nhóm nghề chủ yếu đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp. Điều này cho thấy sự bất bình đẳng về giới trong nghề nghiệp. 2.2.2 Lao động có việc làm theo ngành kinh tế Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Quá trình này đã làm tăng tỷ trọng lao động trong các ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ và làm giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp. Biểu 4.14 cho thấy chuyển dịch cơ cấu lao động trong 10 năm qua theo ba khu vực kinh tế: Khu vực I - Nông, lâm, thuỷ sản, Khu vực II - Công nghiệp và xây dựng, và Khu vực III - Dịch vụ. Phải thấy rằng cả ba khu vực kinh tế đã tạo thêm gần 163 nghìn việc làm, trong trong đó Khu vực III đã tạo thêm được nhiều việc làm nhất (hơn 91,3 nghìn việc làm), tiếp đến là Khu vực II (khoảng 47,5 nghìn việc làm). Hai khu vực này cũng có được sự tăng lên trong tỷ trọng lao động chiếm trong tổng số lao động của cả nền kinh tế. Đến nay, khu vực I chiếm 53,3% lao động (giảm 14,6% so với năm 1999), khu vực II chiếm 16,6% (tăng 5,7%) và khu vực III chiếm 30,1% (tăng 8,9%). Qua đây cho ta thấy có sự dịch chuyển lao động giữa các nhóm ngành kinh tế trong 10 năm qua; điều này cho thấy phù hợp với xu thế phát triển của tỉnh nhà, đó là giảm dần tỷ trọng trong cơ cấu nông nghiệp và tăng dần tỷ trọng trong công nghiệp và dịch vụ, nhằm phục vụ sự nghiệp đổi mới và phát triển tỉnh nhà theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tuy nhiên trong những năm qua, quá trình chuyển đổi cơ cấu này diễn ra chưa tương xứng với khả năng và tiềm năng của tỉnh. Bình Thuận hiện nay vẫn là tỉnh nông nghiệp, nên đời sống của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp và thủy sản là chính, số lao động trong nhóm này chiếm hơn một nữa số lao động trong tỉnh; Công nghiệp của tỉnh hàng năm đều tăng trưởng, nhưng quy mô phát triển và năng lực cạnh tranh so với các tỉnh trong khu vực còn chậm; triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp còn chậm, thu hút vốn đầu tư vào các khu công nghiệp còn yếu, do vậy số lao động trong nhóm ngành này tăng trưởng ở mức thấp. Trong các ngành dịch vụ thì số lao động tăng chủ yếu ở ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống, đó là do trong những năm qua du lịch Bình Thuận phát triển mạnh, nên đã thu hút một lượng vốn đáng kể từ các nguồn: nhà nước, tư nhân (địa phương và các tỉnh bạn) và nước ngoài, nhờ đó đã tạo ra một nguồn lao động đáng kể trong nhóm ngành dịch vụ. Tuy vậy để đẩy mạnh phát triển du lịch và tạo thêm việc làm cho người lao động trong tỉnh, cần phải tiếp tục hoàn thiện về mặt quy hoạch, có cơ chế khuyến khích liên kết kinh doanh du lịch và đồng thời tăng cường việc xúc tiến quảng bá, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, nhất là việc đầu tư, phát triển du lịch thiên nhiên (biển) và du lịch văn hóa tại địa phương và phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Mặt khác phải tiếp tục chú trọng đến vệ sinh môi trường, xử lý chất thải tại một số khu du lịch. Biểu 4.14: Phân bố phần trăm lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm chia theo ba nhóm ngành và khu vực, 1999 và 2009
Biểu 4.15 trình bày tỷ trọng lao động đang làm việc chia theo ba nhóm ngành của các huyện. Số liệu cho thấy, thành phố Phan Thiết là vùng phát triển nhất với 79,1% lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; tiếp đến là thị xã La Gi (59,4%). Tỷ lệ lao động làm việc trong Nông lâm thủy sản còn khá cao ở các huyện: Tánh Linh 70,7%, Hàm Thuận Nam 68,6%, Hàm Tân 67,3% và ở các huyện này vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế diễn ra vẫn còn chậm. Biểu 4.15: Phân bố phần trăm lao động có việc làm chia theo ba nhóm ngành và đơn vị hành chính, 2009 Đơn vị tính: %
Hình 4.4 Tỷ trọng lao động có việc làm chia theo khu vực kinh tế và các huyện, 2009
Biểu 4.16 trình bày phân bố phần trăm số lao động có việc làm theo ngành kinh tế. Trong 21 ngành kinh tế cấp 1 đang nghiên cứu, ngành “A. Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản” chiếm hơn một nửa tổng số lao động có việc làm 53,3%. Một số ngành có tỷ trọng lao động tương đối lớn khác là: “G. Bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác” chiếm 11,7%, C. Công nghiệp chế biến, chế tạo” chiếm 9,8%, “F. Xây dựng” chiếm 5,6%, “I. Dịch vụ lưu trú và ăn uống” chiếm 5,5% và các ngành còn lại chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ (dưới 4%). Biểu 4.16: Phân bố phần trăm lao động có việc làm chia theo giới tính và ngành kinh tế, 2009 Đơn vị tính: %
Trong toàn bộ nền kinh tế, lao động nữ gần như cân bằng với nam (lao động nữ chiếm 43,0% tổng số lao động đang làm việc). Một số ngành công việc phù hợp với nữ nên chiếm tỷ trọng cao như: “T. Hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình” lao động nữ chiếm tới 94,1%, “P. Giáo dục và đào tạo” chiếm 71,5%, “I. Dịch vụ lưu trú và ăn uống” chiếm 71,3%. Tuy vậy vẫn có một số ngành do đặc thù không phù hợp với phụ nữ, nên tỷ trọng lao động nữ thấp như: “H. Vận tải kho bãi” chỉ có 5,4%, “F. Xây dựng” chiếm 6,3% và “D. Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, hơi nước và điều hòa không khí” chiếm 9,1%. Biểu 4.17: Tỷ trọng lao động có việc làm chia theo nhóm tuổi và ngành kinh tế, 2009
Nếu Biểu 4.16 giúp ta xác định mức độ lựa chọn giới tính trong các ngành kinh tế, thì Biểu 4.17 giúp xác định mức độ lựa chọn tuổi. Các ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp, kỹ thuật và dịch vụ đang sử dụng chủ yếu là lao động trẻ dưới 40 tuổi, như: “L. Hoạt động kinh doanh bất động sản” (83,8%); “F. Xây dựng” (81,4%); “S. Hoạt động dịch vụ khác” (79,5%); “C. Công nghiệp chế biến, chế tạo” (73,7%); “B. Khai khoáng” (73,6%). Một số ngành sử dụng nhiều lao động lớn tuổi (40 tuổi trở lên) như: “Q. Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội” (50,1%); “O. Hoạt động của Đảng cộng sản, tổ chức chính trị - xã hội, quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng, bảo đảm xã hội bắt buộc” (47,2%); “K. Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm” (45,6%). 2.2.3 Lao động có việc làm theo loại hình kinh tế Từ biểu 4.18 cho thấy lao động có việc làm trong tỉnh nếu phân theo loại hình kinh tế thì chủ yếu tập trung ở loại hình kinh tế “Cá nhân/Hộ sản xuất kinh doanh cá thể” chiếm tới 86,1% trong cơ cấu; số lao động còn lại được phân bổ vào các thành phần kinh tế khác, phù hợp với cơ cấu và xu hướng phát triển kinh tế của địa phương, trong đó thành phần kinh tế nhà nước vẫn là chủ đạo để tạo ra việc làm sau thành phần kinh tế cá thể: kinh tế nhà nước chiếm 8,3%, kinh tế tư nhân chiếm 5,0%, kinh tế tập thể chiếm 0,3% và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 0,3%; điều này cho thấy do Bình Thuận có vị trí địa lý và điều kiện kinh tế là xa các trung tâm công nghiệp phát triển: TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa -Vũng Tàu và kinh tế địa phương chưa thật sự phát triển, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài còn thấp, nên số lao động trong khu vực này còn ở mức hạn chế. Loại hình kinh tế “Cá nhân/Hộ SXKD cá thể” chiếm tỷ trọng lao động cao nhất, thể hiện tình trạng phát triển thấp của thị trường lao động của tỉnh ta. Biểu 4.18: Phân bố phần trăm lao động có việc làm chia theo giới tính và loại hình kinh tế, 2009 Đơn vị tính: %
2.2.4 Lao động có việc làm theo chuyên môn kỹ thuật Kết quả Tổng điều tra cho thấy tỷ trọng lao động đang làm việc đã qua đào tạo ở tỉnh ta vẫn còn rất thấp. Trong tổng số 591.650 người từ 15 tuổi trở lên có việc làm, chỉ có 63.991 người đã qua đào tạo, chiếm 10,8% lao động đang làm việc. Như vậy, nguồn nhân lực của ta trẻ và dồi dào nhưng trình độ tay nghề và chuyên môn kỹ thuật còn thấp. Con số này đặt ra nhiệm vụ nặng nề cho những cố gắng nhằm nâng cao chất lượng nguồn lực lao động nhằm phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh ta còn gặp nhiều khó khăn. Lao động đang làm việc có trình độ chuyên môn kỹ thuật của thành thị cao hơn gấp đôi so với nông thôn. Đối với các huyện, thành phố Phan Thiết lao động đã qua đào tạo chiếm tỷ lệ cao nhất 16,3%, tiếp đến thị xã La Gi 10,0% và thấp nhất Hàm Tân 5,0%. Biểu 4.19: Phân bố phần trăm lao động có việc làm chia theo giới tính và chuyên môn kỹ thuật, 2009 Đơn vị tính: %
2.3 Thất nghiệp Thất nghiệp bao gồm những người từ 15 tuổi trở lên mà trong tuần nghiên cứu thoả mãn đồng thời ba điều kiện: không làm việc, nhưng sẵn sàng làm việc và đã có những bước đi cụ thể để tìm việc làm. Nhóm này bao gồm cả những người hiện không làm việc nhưng đang chuẩn bị khai trương các hoạt động kinh doanh của mình hoặc nhận một công việc mới sau thời kỳ tham chiếu; hoặc những người trong tuần nghiên cứu luôn sẵn sàng làm việc nhưng không tìm kiếm việc làm do ốm đau tạm thời, bận việc riêng, do thời tiết xấu, đang chờ thời vụ. Thất nghiệp là vấn đề kinh tế - xã hội phổ biến, mức độ thất nghiệp giúp đánh giá chính xác mức sống và tình hình ổn định kinh tế, xã hội của toàn tỉnh. 2.3.1 Mức thất nghiệp Kết quả Tổng điều tra dân số cho thấy, toàn tỉnh có 28.865 người thất nghiệp, trong đó số nữ là 14.009 người, chiếm 48,5% tổng số thất nghiệp. Trong tổng số người thất nghiệp thì số thất nghiệp trẻ tuổi (từ 15-29 tuổi) chiếm tới gần một nửa (49,9%); những người trong nhóm 30 - 39 và 40 - 49 thường có công việc ổn định nên số người thất nghiệp trong nhóm này thường thấp, có các tỷ trọng tương ứng 13,9% và 12,3%. Biểu 4.20: Số lượng và phân bố phần trăm thất nghiệp chia theo giới tính và nhóm tuổi, 2009
Số phụ nữ thất nghiệp theo tuổi cho thấy một vấn đề đáng quan tâm, đó là tỷ trọng lao động nữ thất nghiệp cao nhất ở nhóm tuổi thanh niên (dưới 30 tuổi), chiếm tới 56,9%. Có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân sâu xa là nhu cầu việc làm và khả năng khó tìm được việc làm của nhóm thanh niên nữ, những người ngoài việc phải lao động để kiếm sống còn phải thực hiện thiên chức làm vợ và làm mẹ. Biểu 4.21: Số lượng và phân bố phần trăm thất nghiệp chia theo khu vực và nhóm tuổi, 2009
Qua số thất nghiệp theo khu vực và nhóm tuổi cho thấy, ở cả khu vực thành thị và nông thôn số lao động thất nghiệp tập trung chủ yếu vào nhóm thanh niên dưới 30 tuổi, ở các nhóm tuổi còn lại không có sự khác biệt nhiều; trong khi đó ở khu vực thành thị và nông thôn thì số người thất nghiệp ở nhóm lao động ngoài 50 tuổi cũng tương đối nhiều. Điều này cho thấy vấn đề thất nghiệp của lao động không chỉ đặt ra với những người trẻ tuổi mà với cả những người lớn tuổi, ở cả hai khu vực thành thị và nông thôn. 2.3.2 Tỷ lệ thất nghiệp Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á trong năm 2008, thất nghiệp có xu hướng trong tỉnh tăng nhưng vẫn giữ ở mức tương đối thấp. Tỷ lệ thất nghiệp có thể được tính cho dân số từ 15 tuổi trở lên hoặc dân số trong độ tuổi lao động, tức gồm những người từ 15-59 tuổi đối với nam và 15-54 tuổi đối với nữ. Biểu 4.22: Tỷ lệ thất nghiệp của dân số 15 tuổi trở lên chia theo khu vực, giới tính và đơn vị hành chính, 2009 Đơn vị tính: %
Biểu 4.23: Tỷ lệ thất nghiệp của dân số trong độ tuổi lao động chia theo khu vực, giới tính và đơn vị hành chính, 2009 Đơn vị tính: %
Đối với tỉnh ta, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2009 là 4,4%; trong đó của khu vực thành thị là 4,9% (cao hơn nông thôn 0,9%) và của nam là 4,0% (thấp hơn của nữ 0,9%). Biểu 4.18 cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp theo khu vực và giới tính của các huyện. Con số này thấp nhất ở huyện Hàm Tân (2,5%), Hàm Thuận Nam (2,8%) và cao nhất là Phan Thiết và La Gi cùng 5,5%. Đối với thất nghiệp thành thị thấp nhất là Đức Linh (2,7%), Hàm Tân (2,8%) và cao nhất La Gi (6,8%) và Phan Thiết (6,1%). Biểu 4.24: Tỷ lệ thất nghiệp của dân số trong độ tuổi lao động chia theo khu vực, giới tính và nhóm tuổi, 2009 Đơn vị tính: %
Biểu 4.24 cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị cao nhất ở nhóm tuổi trẻ nhất 15-19 (11,7%), tiếp đến là nhóm 20-24 (8,3%) và giảm dần theo nhóm tuổi trung niên (25-39) rồi tăng trở lại với nhóm tuổi già từ 40 tuổi trở lên. Vấn đề thất nghiệp trong thanh niên đang trở thành một nguy cơ cần phải định hướng. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thất nghiệp trong thanh niên cao, một phần xuất phát từ việc thị trường lao động được bổ sung thêm nhiều nhân lực, trong khi nền kinh tế của tỉnh chưa đạt tới tốc độ tăng trưởng phù hợp để đáp ứng nhu cầu việc làm đó; ngoài ra còn do lao động có chất lượng thấp và chưa qua đào tạo còn chiếm tỷ lệ cao. Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm nữ thanh niên trong độ tuổi sinh đẻ (15-34 tuổi) cao hơn của nhóm nam thanh niên cùng độ tuổi đó. Đây là vấn đề cần quan tâm của xã hội, vì trong giai đoạn này chính họ thực hiện thiên chức làm mẹ, do vậy họ sẽ khó khăn hơn nam thanh niên cùng nhóm tuổi trong việc tìm kiếm việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp trong vài năm gần đây tăng hơn so với các năm trước đó do vẫn còn ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu; qua đây cho thấy số lượng lao động hiện trong tỉnh chưa có việc làm vẫn còn nhiều, tuy nhiên do số này trình độ học vấn thấp, chất lượng lao động không cao, trong khi nhu cầu của người sử dụng lao động đòi hỏi phải có tay nghề, đây là điều mà các cấp, các ngành của tỉnh đang quan tâm và có hướng đào tạo nghề, nhất là cho người nghèo ở nông thôn nhằm góp phần hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp trong những năm tới. Hình 4.5 Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị của dân số trong độ tuổi lao động đặc trưng theo nhóm tuổi và giới tính, 2009
2.4 Dân số không hoạt động kinh tế Dân số không hoạt động kinh tế bao gồm những người từ 15 tuổi trở lên không phải là những người có việc làm và cũng không phải là những người thất nghiệp trong tuần nghiên cứu. Dân số không hoạt động kinh tế toàn tỉnh 211.422 người; trong đó thành thị chiếm 47,9% và nông thôn chiếm 70,6% tổng dân số không hoạt động kinh tế. Biểu 4.19 cho thấy tỷ lệ dân số không tham gia hoạt động kinh tế đặc trưng theo tuổi và giới tính. Tỷ lệ dân số không tham gia hoạt động kinh tế của hai khu vực thành thị và nông thôn ở mức tương đồng nhay; tuy nhiên tỷ lệ dân số không tham gia hoạt động kinh tế của nữ cao hơn nam ở tất cả các nhóm tuổi. Tỷ lệ này cao nhất ở nhóm tuổi trẻ (15-24 tuổi) và già (60 tuổi trở lên); nguyên nhân chủ yếu là do nhiều phụ nữ ở các nhóm tuổi này đang làm các công việc nội trợ gia đình và nhóm tuổi trẻ thì đang đi học, còn nhóm tuổi già mất hết khả năng lao động. Biểu 4.25: Phân bố phần trăm dân số 15 tuổi trở lên không hoạt động kinh tế chia theo khu vực, giới tính và đơn vị hành chính, 2009 Đơn vị tính: %
Hình 4.6 Tỷ lê dân số 15 tuổi trở lên không tham gia hoạt động kinh tế đặc trưng theo nhóm tuổi và giới tính, 2009
Biểu 4.26: Phân bố phần trăm dân số 15 tuổi trở lên không hoạt động kinh tế chia theo khu vực, giới tính và lý do không làm việc, 2009 Đơn vị tính: %
Trong cơ cấu số người không hoạt động kinh tế theo các lý do thì số không hoạt động kinh tế chủ yếu: “Nội trợ gia đình mình” chiếm tỷ trọng cao nhất (35,1%) và “Đang đi học” chiếm tỷ trọng (30,2%); đối với hai khu vực tình hình cũng tương tự. Trong khi có tới 49,1% nữ giới không hoạt động kinh tế vì đang làm “Nội trợ gia đình mình”, thì nam giới không hoạt động kinh tế có tới 48,4% “Đang đi học”. Gần như toàn bộ số người nội trợ là nữ giới (98,7%). Như vậy, dân số không hoạt động kinh tế không có nghĩa là họ không làm gì có ích cho xã hội, mà trên thực tế một phần lớn trong số họ đang chuẩn bị tay nghề để tham gia vào thị trường lao động, một phần lớn khác đang hoạt động thầm lặng để có được “cơm ngon, canh ngọt” cho những người thuộc lực lượng lao động và gia đình họ. Biểu 4.27: Phân bố phần trăm dân số 15 tuổi trở lên không hoạt động kinh tế chia theo khu vực, giới tính và chuyên môn kỹ thuật, 2009 Đơn vị tính: %
Qua biểu 4.27 cho thấy phần lớn dân số 15 tuổi trở lên không hoạt động kinh tế chưa được đào tạo chuyên môn kỹ thuật (hơn 98%). Tình hình này cũng xảy ra tương tự ở hai khu vực thành thị, nông thôn và cả ở nam giới, nữ giới. Chương I: Quá trình thực hiện cuộc Tổng điều tra Chương II: Quy mô và cơ cấu dân số Chương III: Mức độ sinh, chết, di cư |