CHƯƠNG 2

QUY MÔ VÀ CƠ CẤU DÂN SỐ

Trong cuộc Tổng điều tra dân số (TĐTDS) và nhà ở 2009, các nhân khẩu thực tế thường trú được đăng ký theo đơn vị điều tra là hộ. Hộ bao gồm một người ăn ở riêng hoặc một nhóm người ở chung và ăn chung. Nguyên tắc cơ bản của cuộc TĐT là, mỗi người có và chỉ có một nơi thực tế thường trú. Tuy nhiên, có những nhân khẩu đặc thù sống tập trung ở một số nơi tại thời điểm điều tra không được điều tra tại hộ. Có những quy định riêng để điều tra các nhân khẩu thuộc lực lượng quân đội, công an và cán bộ ngoại giao của Việt Nam cùng thân nhân của họ đang sống và làm việc tại nước ngoài; họ không được tính là thành viên của hộ nhưng vẫn được điều tra đăng ký tại hộ.

1. Quy mô hộ và dân số

1.1 Quy mộ hộ

Theo kết quả TĐTDS và nhà ở 2009, vào thời điểm 0 giờ ngày 1 tháng 4 năm 2009 có 280.569 hộ, tăng 73.821 hộ so với thời điểm TĐTDS 1999 (tăng 35,7%). Trong thời kỳ 1999 - 2009, tỷ lệ tăng bình quân hàng năm về số hộ là 3,1%

Biểu 2.1: Số lượng và tỷ lệ tăng số hộ, 1999 và 2009

Thời điểm

Tổng điều tra

Số hộ (Hộ)

Tốc độ tăng (%)

Tỷ lệ tăng bình quân hàng năm (%)

TĐTDS 1999

206.748

-

-

TĐTDS 2009

280.569

35,7

3,1

Nguồn: số liệu toàn bộ TĐTDS 1999 và 2009

Do cả quy mô dân số và số lượng hộ đều tăng, nên số người bình quân trong hộ là một số đo cho phép xác định quy mô hộ trung bình có thay đổi hay không. Năm 2009 số người bình quân/hộ là 4,2 người, giảm 0,9 người so với năm 1999; số nhân khẩu trung bình của thành thị là 4,1 và nông thôn 4,2, cả 2 hai khu vực đều giảm 0,9 người so với năm 1999.

Các số liệu trong biểu 2.2 cho thấy, trong phạm vi toàn tỉnh cũng như trong 10 huyện, số hộ 4 người đều chiếm tỷ trọng cao nhất, số hộ 5 người đều chiếm tỷ trọng cao thứ hai. Quy mô gia đình nhỏ (hộ có từ 4 người trở xuống) là hiện tượng phổ biến trong tỉnh, số hộ từ 1 - 4 người chiếm tới 61,7% tổng số hộ, trong toàn tỉnh chỉ có huyện Phú Quý số hộ từ 1 - 4 người chỉ chiếm hơn 50%, đây cũng là huyện có tỷ lệ sinh cao nhất cả tỉnh; đặc biệt ở thành phố Phan Thiết, cứ ba hộ thì có tới hai hộ từ 1 - 4 người. Điều này cho thấy, quy mô hộ gia đình sống chung cùng nhiều thế hệ đã giảm dần và hiện tượng hộ gia đình nhỏ đang dần phổ biến, mặt khác cũng cho thấy công tác kế hoạch hóa gia đình trong những năm sau này cũng có nhiều chuyển biến tích cực.

Biểu 2.2: Tỷ trọng hộ theo số người trong hộ và quy mô hộ trung bình chia theo các huyện, 2009

Đơn vị hành chính

Phân bố phần trăm theo quy mô hộ (%)

Số người bình

quân một hộ

1-2 người

3 người

4 người

1-4 người

5 người

6 người

7+ người

Toàn tỉnh

15,7

18,4

27,5

61,7

19,1

11,7

7,4

4,2

Phan Thiết

17,8

20,6

28,0

66,5

16,4

9,7

7,4

4,0

La Gi

16,1

18,4

26,9

61,4

19,0

12,0

7,7

4,2

Tuy Phong

12,6

15,7

26,8

55,1

20,4

14,8

9,7

4,4

Bắc Bình

15,4

18,6

26,8

60,8

18,8

12,2

8,3

4,2

Hàm Thuận Bắc

17,0

18,7

28,2

63,9

19,4

11,2

5,5

4,0

Hàm Thuận Nam

13,9

18,0

27,1

59,0

20,0

12,1

8,9

4,3

Tánh Linh

14,3

18,1

28,4

60,9

20,6

12,3

6,3

4,2

Đức Linh

16,1

18,7

28,5

63,2

19,8

10,8

6,2

4,1

Hàm Tân

18,1

17,7

25,8

61,6

19,6

11,5

7,2

4,1

Phú Quý

9,1

15,6

26,0

50,7

23,3

15,2

10,8

4,6

Nguồn: số liệu toàn bộ TĐTDS 2009

1.2 Quy mô dân số

Tổng số dân của tỉnh vào 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2009 là 1.167.023 người. Số người sống ở khu vực thành thị là 458.520 người (chiếm 39,3% tổng dân số) và ở khu vực nông thôn là 708.503 người (chiếm 60,7%). Dân số nam là 584.445 người (chiếm 50,1% tổng dân số) và nữ là 582.578 người (chiếm 49,9%). Với quy mô dân số trên, tỉnh ta có dân số đứng thứ 29/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; đứng thứ 7/14 tỉnh, thành phố Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; đứng thứ 4/7 tỉnh, thành phố Đông Nam Bộ.

Biểu 2.3 Quy mô dân số chia theo giới tính, khu vực và các huyện, 2009

Đơn vị tính: người

Đơn vị hành chính

Tổng số

Nam

Nữ

Thành thị

Nông thôn

Toàn tỉnh

1.167.023

584.445

582.578

458.520

708.503

Phan Thiết

216.327

105.729

110.598

189.619

26.708

La Gi

104.525

52.413

52.112

68.562

35.963

Tuy Phong

140.708

70.398

70.310

66.077

74.631

Bắc Bình

116.901

59.070

57.831

25.537

91.364

Hàm Thuận Bắc

167.646

84.026

83.620

29.685

137.961

Hàm Thuận Nam

98.632

49.918

48.714

12.287

86.345

Tánh Linh

102.026

51.851

50.175

15.810

86.216

Đức Linh

125.033

62.734

62.299

34.166

90.867

Hàm Tân

69.487

35.140

34.347

16.777

52.710

Phú Quý

25.738

13.166

12.572

-

25.738

Nguồn: số liệu toàn bộ TĐTDS 2009

1.3. Phân bố dân số theo các huyện

Phân bố dân số là một khía cạnh quan trọng của phát triển, kết quả điều tra cho thấy dân số phân bố không đồng đều và có sự khác biệt khá rõ theo các huyện, thị xã, thành phố và vùng địa lý.

Biểu 2.4: Phân bố diện tích đất và dân số chia theo vùng và các huyện, 2009

Đơn vị hành chính

Diện tích (km2)

Dân số (người)

Mật độ dân số (người/km2)

Toàn tỉnh

7.830

1.167.023

149

Chia theo vùng

 

 

 

Đồng bằng

249

322.844

1.297

Trung du

675

232.327

344

Miền núi

4.476

527.923

118

Vùng cao, hải đảo

2.430

83.929

35

Chia theo các huyện

 

 

 

Phan Thiết

206

216.327

1.050

La Gi

183

104.525

571

Tuy Phong

793

140.708

177

Bắc Bình

1.825

116.901

64

Hàm Thuận Bắc

1.283

167.646

131

Hàm Thuận Nam

1.052

98.632

94

Tánh Linh

1.174

102.026

87

Đức Linh

535

125.033

234

Hàm Tân

761

69.487

91

Phú Quý

18

25.738

1.430

Nguồn: số liệu toàn bộ TĐTDS 2009

Biểu 2.5: Cơ cấu phân bố diện tích đất và dân số chia theo huyện, 2009

Đơn vị hành chính

Diện tích (%)

Dân số (%)

Mật độ dân số (người/km2)

Toàn tỉnh

100,0

100,0

149

Phan Thiết

2,6

18,5

1.050

La Gi

2,3

9,0

571

Tuy Phong

10,1

12,1

177

Bắc Bình

23,3

10,0

64

Hàm Thuận Bắc

16,4

14,4

131

Hàm Thuận Nam

13,4

8,5

94

Tánh Linh

15,0

8,7

87

Đức Linh

6,8

10,7

234

Hàm Tân

9,7

6,0

91

Phú Quý

0,2

2,2

1.430

Nguồn: số liệu toàn bộ TĐTDS 2009

1.4. Mật độ dân số

Hai biểu trên cho thấy rõ nét hơn sự tập trung dân số ở các huyện trong tỉnh. Thành phố Phan Thiết, với số lượng dân số nhiều nhất tỉnh, chỉ sinh sống trên diện tích chỉ 2,6% của cả tỉnh, trong khi Bắc Bình với diện tích chiếm 23,3% cao nhất tỉnh, nhưng dân số chỉ chiếm 10,0%.

Mật độ dân số của huyện Phú Quý cao nhất tỉnh với 1.430 người/km2, Phan Thiết đứng thứ hai với 1.050 người/km2. Mật độ dân số thấp nhất là Bắc Bình chỉ 64 người/km2 và Tánh Linh 87 người/km2.

1.5. Những thay đổi về phân bố dân số

Di cư và tăng dân số là hai nguyên nhân trực tiếp làm tăng mật độ dân số. Trong mười năm qua, mật độ dân số của tỉnh tăng từ 131 người/km2 vào năm 1999 lên đến 149 người/km2 vào năm 2009. Mật độ dân số của tỉnh đứng thứ 44/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; đứng thứ 11/14 tỉnh, thành phố Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; đứng thứ 6/7 tỉnh, thành phố Đông Nam Bộ. Kết quả trên cho thấy Bình Thuận còn có khả năng tiếp thu thêm nguồn lao động có kỹ thuật từ các tỉnh, để phát triển kinh tế của địa phương.

Sự phân bố dân số cũng nói lên được lợi thế kinh tế của các địa phương, thường thì những khu vực có mật độ dân số cao đều là những khu vực đô thị. Số liệu cho thấy, mật độ dân số tỉnh Bình Thuận có sự khác biệt rất lớn giữa khu vực thành phố, thị xã với các huyện còn lại. Các vùng đô thị như thành phố Phan Thiết có mật độ dân số rất cao với 1.050 người/km2, thị xã La Gi 571 người/km2 và dự báo mật độ này sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tới, do quá trình đô thị hóa của tỉnh diễn ra khá nhanh; trong khi đó các huyện Bắc Bình và Tánh Linh có mật độ dân số thấp nhất qua 10 năm (1999 - 2009) và mật độ dân số tăng lên không đáng kể.

Một nguyên nhân nữa khiến cho mật độ dân số của các vùng đô thị ngày càng tăng là do số lượng người nhập cư từ các vùng khác, đặc biệt là các vùng nông thôn vào thành thị để làm việc và học tập, điều đó đã làm cho mật độ dân số vùng đô thị ngày càng tăng. Riêng huyện Phú Quý, mật độ dân số cao nhất tỉnh với 1.430 người/km2, vì đây là huyện đảo, có thế mạnh về nuôi trồng và khai thác nguồn lợi hải sản nên thu hút khá đông người dân sinh sống trên một diện tích nhỏ của đảo. Ở các huyện còn lại thì mật độ dân số rất thấp, nhất là các huyện miền núi, tuy có diện tích rộng lớn nhưng có ít người sinh sống hơn.

Biểu 2.6: Mật độ và tốc độ gia tăng dân số, 1999 và 2009

Đơn vị hành chính

Mật độ dân số (người/km2)

Tỷ suất gia tăng

mật độ dân số (%)

1999

2009

Toàn tỉnh

131

149

1,29

Phan Thiết

908

1.050

1,45

La Gi

500

571

1,33

Tuy Phong

158

177

1,14

Bắc Bình

60

64

0,65

Hàm Thuận Bắc

110

131

1,75

Hàm Thuận Nam

80

94

1,61

Tánh Linh

77

87

1,22

Đức Linh

227

234

0,30

Hàm Tân

79

91

1,41

Phú Quý

1.298

1.430

0,97

Nguồn: số liệu toàn bộ TĐTDS 1999 và 2009

2. Tăng trưởng dân số

Biểu 2.7: Số lượng và tỷ lệ tăng số người từ 1999 đến 2009

Thời điểm

Tổng điều tra

Số người (Người)

Tốc độ tăng (%)

Tỷ lệ tăng bình quân hàng năm (%)

TĐTDS 1999

1.046.320

 

 

TĐTDS 2009

1.167.023

11,5

1,1

Nguồn: số liệu toàn bộ TĐTDS 1999 và 2009

Số liệu của biểu 2.7 cho thấy, từ năm 1999 dân số nước ta tăng thêm 120.703 người, bình quân mỗi năm tăng hơn 12 nghìn người (mỗi năm tăng trung bình bằng dân số của 1/3 xã). Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm (gọi tắt là tỷ lệ tăng dân số) trong thời kỳ giữa hai cuộc TĐT 1999 và 2009 là 1,1%/năm.

Quá trình đô thị hóa của Bình Thuận diễn ra khá nhanh, do trong những năm vừa qua nhiều đơn vị hành chính chuyển từ nông thôn thành thành thị; trong khi việc phát triển các khu công nghiệp còn chậm chưa tương xứng với quá trình đô thị hóa. Vì vậy, việc phân bố dân cư của tỉnh chưa thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, đặc biệt là cung cấp nguồn lao động phục vụ cho các ngành kinh tế Nông Lâm Thủy sản và dịch vụ nông nghiệp ở khu vực nông thôn. Qua 10 năm, tỷ trọng dân số giữa khu vực thành thị và nông thôn đã có sự biến động lớn và ở thành thị dân số đã tăng gần 10% so với mười năm trước đây. Tuy nhiên trong những năm gần đây, mức độ di dân giữa nông thôn và thành thị, đặc biệt là luồng di dân từ nông thôn lên thành thị đã giảm; điều này có thể giải thích, với chính sách ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế thế mạnh ở nông thôn (thanh long, cao su…) bước đầu đã có hiệu quả làm cho đời sống người dân nông thôn đã ổn định và ngày càng nâng lên, từ đó làm giảm đi mức độ di dân làm kinh tế từ nông thôn sang thành thị, đặt biệt khu vực thành thị cũng giảm được sức ép về an sinh và giải quyết việc làm. Đây là dấu hiệu tích cực cho sự phát triển và việc hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội của tỉnh.

3. Cơ cấu dân số theo giới tính, nhóm tuổi, đơn vị hành chính và khu vực

3.1 Cơ cấu dân số theo giới tính

Tỷ số giới tính đ­ược sử dụng làm số đo về cơ cấu giới tính của dân số và đư­ợc định nghĩa bằng số l­ượng nam giới trên 100 nữ giới. Tỷ số này lớn hơn một trăm nếu như­ số l­ượng nam giới lớn hơn nữ giới và ngược lại. Tỷ số giới tính bị tác động tổng hợp của các quá trình sinh, chết và di c­ư vì tất cả các quá trình trên đều tác động đến cơ cấu giới tính theo các cách khác nhau.

Nói chung tỷ số giới tính của dân số Việt Nam nhỏ hơn 100 và thấp hơn so với tiêu chuẩn quốc tế. Tỷ số giới tính n­ước ta thấp là do hậu quả trực tiếp của nam chết nhiều hơn nữ trong các cuộc kháng chiến chống xâm l­ược diễn ra từ những năm 40 cho đến cuối những năm 70. Tuy nhiên, do số sinh sau chiến tranh ngày càng chiếm tỷ trọng lớn nên tỷ số giới tính tăng dần. Vào năm 1999, tỷ số giới tính của tỉnh là 99,5; đến năm 2009, tỷ số giới tính đã tăng lên đến 100,3 nam trên 100 nữ.

Do tỷ số giới tính bị ảnh hư­ởng chủ yếu bởi di cư­ và bị ảnh h­ưởng với mức độ thấp hơn của mức sinh đẻ, nên ở những nơi có luồng nhập cư­ lớn (th­ường nam nhiều hơn nữ), tỷ lệ giới tính của những nơi đó sẽ cao hơn so với những nơi xuất cư­.

Biểu 2.8: Dân số và tỷ số giới tính chia theo khu vực và các huyện, 2009

Đơn vị tính: người

Khu vực và ĐVHC

Nam

Nữ

Tỷ số giới tính (%)

Toàn tỉnh

584.445

582.578

100,3

- Thành thị

225.803

232.717

97,0

- Nông thôn

358.642

349.861

102,5

Chia ra

 

 

 

Phan Thiết

105.729

110.598

95,6

La Gi

52.413

52.112

100,6

Tuy Phong

70.398

70.310

100,1

Bắc Bình

59.070

57.831

102,1

Hàm Thuận Bắc

84.026

83.620

100,5

Hàm Thuận Nam

49.918

48.714

102,5

Tánh Linh

51.851

50.175

103,3

Đức Linh

62.734

62.299

100,7

Hàm Tân

35.140

34.347

102,3

Phú Quý

13.166

12.572

104,7

Nguồn: số liệu toàn bộ TĐTDS 2009

Tỷ số giới tính thấp nhất là thành phố Phan Thiết, nơi có số người nhập cư cao và nơi cao nhất là huyện Phú Quý nơi có tỷ lệ sinh còn ở mức cao.

Hình 2.1 Tỷ số giới tính của dân số Bình Thuận 1989 - 2009

* Tỷ số giới tính khi sinh

Tỷ số giới tính khi sinh (SRB) được xác định bằng số trẻ em trai được sinh ra trên 100 trẻ em gái của một thời kỳ, thường là 1 năm. Tỷ số này thông thường là 104-106/100 và nhìn chung là rất ổn định qua thời gian và không gia. Bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào của tỷ số này chệch khỏi mức sinh học bình thường đều phản ánh những can thiệp có chủ ý ở một mức độ nào đó và sẽ làm ảnh hưởng đến sự mất cân bằng tự nhiên, đe dọa đến sự ổn định của dân số.

Tỷ số giới tính khi sinh tăng khá nhanh trong mấy năm gần đây cũng góp phần làm gia tăng tỷ số giới tính chung của tỉnh. Tỷ số giới tính khi sinh năm 1999 là 109 và đến năm 2009 là 113. Tỷ số giới tính khi sinh tăng cao cũng là vấn đề đáng báo động cho các ngành, các cấp về việc mất cân bằng về giới và các vấn đề xã hội khác về sau này.

3.2 Cơ cấu dân số thành thị và nông thôn

Biểu 2.9: Tỷ lệ dân số thành thị năm 1999, 2009 và tỷ lệ tăng dân số bình quân năm thời kỳ 1999 - 2009 chia theo các huyện.

Đơn vị hành chính

Tỷ lệ dân số thành thị (%)

Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm thời kỳ 1999-2009 (%)

 

1999

2009

Thành thị

Nông thôn

Toàn tỉnh

30,4

39,3

3,7

-0,3

Phan Thiết

74,6

87,7

2,9

-5,9

La Gi

32,4

65,6

8,3

-5,6

Tuy Phong

50,0

47,0

0,7

1,9

Bắc Bình

11,6

21,8

6,8

-0,8

Hàm Thuận Bắc

9,1

17,7

8,0

0,3

Hàm Thuận Nam

12,8

12,5

1,2

1,5

Tánh Linh

15,0

15,5

1,4

1,0

Đức Linh

27,7

27,3

0,0

0,2

Hàm Tân

-

24,1

-1,5

Phú Quý

-

-

-

2,0

Nguồn: số liệu toàn bộ TĐTDS 2009

Biểu 2.9 cho thấy, đến nay đã có 39,3% dân số sống ở khu vực thành thị so với 30,4% vào năm 1999. Trong thời kỳ 1999 - 2009, tỷ lệ tăng bình quân năm của dân số thành thị là 3,7%/năm, trong khi ở khu vực nông thôn lại giảm 0,3%/năm. Đó là do một số đơn vị hành chính chuyển từ nông thôn thành thành thị và một lượng đáng kể số người di cư từ nông thôn ra làm ăn ở thành thị. Tuy nhiên giữa hai cuộc Tổng điều tra 1999 và 2009, dân số toàn tỉnh đã tăng 120,7 ngàn người, trong khi đó thành thị tăng đến 140,4 ngàn người và tăng cao hơn số tăng chung của toàn tỉnh.

Dân số thành thị chiếm tỷ lệ cao nhất ở: Phan Thiết (87,7%), La Gi (65,6%), Tuy Phong (47,0%). Tuy nhiên tốc độ tăng dân số thành thị bình quân 10 năm qua, cao nhất là La Gi (8,3%) do thành lập thị xã mới từ huyện Hàm Tân cũ, Hàm Thuận Bắc (8%) do chuyển từ xã lên thị trấn Phú Long, Bắc Bình (6,8%) do chuyển từ xã lên thị trấn Lương Sơn. Ngoài ra năm 1999 toàn huyện Hàm Tân thuộc khu vực nông thôn, đến năm 2009 đã thành lập 2 thị trấn Tân Minh và Tân Nghĩa với 16.777 người.

3.3 Cơ cấu dân số theo nhóm tuổi

Cơ cấu dân số theo giới tính và nhóm tuổi phản ánh một cách tổng quát về mức sinh, mức chết và tốc độ gia tăng dân số của các thế hệ sinh cho đến thời điểm Tổng điều tra 1/4/2009. Một công cụ hữu ích để mô tả cơ cấu dân số theo giới tính và nhóm tuổi là tháp tuổi, hay còn gọi là tháp dân số.

Biểu 2.10: Dân số chia theo nhóm tuổi, 1999 và 2009

Đơn vị tính: người

Nhóm tuổi

1999

2009

Nam

Nữ

Nam

Nữ

Toàn tỉnh

521.726

524.594

584.445

582.578

0 - 4

63.334

59894

51.160

47.245

5 - 9

78.886

74549

54.427

50.809

10 - 14

64.450

61222

66.113

62.681

15 - 19

56.413

53623

71.807

65.591

20 - 24

47.728

44244

51.684

46.530

25 - 29

47.610

45114

50.082

48.811

30 - 34

42.274

40821

47.371

45.230

35 - 39

31.277

32525

48.030

45.757

40 - 44

24.647

27127

41.405

41.016

45 - 49

16.627

19231

29.623

32.119

50 - 54

11.540

13910

22.904

26.836

55 - 59

8.716

12184

15.260

18.717

60 - 64

8.157

11368

10.157

13.000

65 - 69

7.476

10169

7.362

11.035

70 - 74

5.588

7833

6.331

9.790

75 -79

3.540

5430

5.103

7.822

80+

3.463

5350

5.626

9.589

Nguồn: số liệu toàn bộ TĐTDS 1999 và 2009

Hình 2.2: Tháp dân số Bình Thuận, 1999 và 2009

Do mức độ sinh gần đây đã giảm đáng kể trong khi tuổi thọ trung bình ngày càng tăng đã làm cho dân số tỉnh ta có xu hướng lão hóa với tỷ trọng dân số trẻ giảm và tỷ trọng người già ngày càng tăng. Sự thu hẹp của ba thanh ở đáy tháp đối với cả nam và nữ chứng tỏ rằng mức sinh của dân số tỉnh ta giảm liên tục và nhanh trong suốt 10 năm qua. Phần đỉnh tháp tiếp tục rộng ra so với Tổng điều tra năm 1999, phản ánh số lượng người già tăng lên do mức độ chết của dân số giảm đi, điều này cũng minh chứng việc an sinh y tế ngày càng tốt hơn. Đặc biệt, dân số cả nam và nữ ở nhóm 80 tuổi trở lên đã tăng đáng kể so với năm 1999.

Tháp dân số năm 2009 cũng cho thấy, các thanh từ 15-19 tuổi đến 55-59 tuổi đối với cả nam và nữ đều “nở ra. Điều này chứng tỏ: tỷ trọng phụ nữ bước vào các độ tuổi có khả năng sinh đẻ ngày càng tăng, đặc biệt là nhóm phụ nữ 25-29 tuổi, nhóm tuổi có tỷ suất sinh đẻ cao nhất và số người bước vào độ tuổi lao động cũng tăng nhanh, đây có thể là một lợi thế nhưng cũng là một sức ép đối với công tác giải quyết việc làm ở tỉnh ta.

Biểu 2.11: Phân bố phần trăm dân số theo giới tính và tỷ số giới tính chia theo nhóm tuổi, 2009

Đơn vị tính: %

Nhóm tuổi

Tổng số

Nam

Nữ

Tỷ số giới tính

Tổng số

100,0

100,0

100,0

100,3

0 - 4

8,4

8,8

8,1

108,3

5 - 9

9,0

9,3

8,7

107,1

10 - 14

11,0

11,3

10,8

105,5

15 - 19

11,8

12,3

11,3

109,5

20 - 24

8,4

8,8

8,0

111,1

25 - 29

8,5

8,6

8,4

102,6

30 - 34

7,9

8,1

7,8

104,7

35 - 39

8,0

8,2

7,9

105,0

40 - 44

7,1

7,1

7,0

100,9

45 - 49

5,3

5,1

5,5

92,2

50 - 54

4,3

3,9

4,6

85,3

55 - 59

2,9

2,6

3,2

81,5

60 - 64

2,0

1,7

2,2

78,1

65+

5,4

4,2

6,6

63,9

Nguồn: số liệu toàn bộ TĐTDS 2009

Cơ cấu dân số theo nhóm tuổi còn được sử dụng để tính tỷ lệ phụ thuộc, một chỉ tiêu biểu thị gánh nặng của dân số trong tuổi lao động. Chỉ tiêu này phản ánh tác động của mức độ sinh và mức độ chết đến cơ cấu tuổi và lực lượng lao động. Tỷ lệ phụ thuộc chung biểu thị phần trăm số người dưới 15 tuổi (0-14) và từ 60 tuổi trở lên trên 100 người ở nhóm tuổi 15-59.

Biểu 2.12: Tỷ số phụ thuộc, 1999 và 2009

Đơn vị tính: %

Tỷ số phụ thuộc

1999

2009

Tỷ số phụ thuộc trẻ em (0 - 14)

67,8

43,1

Tỷ số phụ thuộc người già (65+)

8,0

8,1

Tỷ số phụ thuộc chung

75,8

51,2

Nguồn: số liệu toàn bộ TĐTDS 1999 và 2009

Tỷ lệ phụ thuộc chung của tỉnh đã giảm nhanh qua các năm. Theo kết quả của 2 cuộc Tổng điều tra gần đây, sau 10 năm tỷ lệ phụ thuộc chung giảm từ 75,8% (năm 1999) xuống 52,2% (năm 2009). Sự giảm này hoàn toàn là do giảm tỷ lệ sinh dẫn đến tỷ lệ phụ thuộc trẻ em giảm. Điều này một lần nữa khẳng định mức sinh của nước ta liên tục giảm trong những năm qua. Đồng thời, chứng tỏ gánh nặng của dân số trong độ tuổi có khả năng lao động của nước ta ngày càng được giảm đi. Do kết quả của quá trình lão hoá dân số, tỷ lệ phụ thuộc người già tăng chút ít kể từ năm 1999 cho đến nay và nhiều khả năng còn tiếp tục tăng trong những năm tới.

Biểu 2.13 phản ánh rõ hơn xu hướng già hoá dân số như đã nói ở trên. Tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi giảm từ 38,4% năm 1999 xuống còn 28,5% năm 2009. Tuổi thọ trung bình của dân số ngày càng cao đã làm cho tỷ trọng người từ 65 tuổi trở lên tăng. Năm 1999, tỷ trọng những người từ 65 tuổi trở lên là 4,7%, con số này của Tổng điều tra 2009 tăng lên 5,4%.

Biểu 2.13: Tỷ trọng dân số và chỉ số già hóa, 1999 và 2009

Đơn vị tính: %

Tỷ trọng và chỉ số

1999

2009

Tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi (%)

38,4

28,5

Tỷ trọng dân số từ 15-64 tuổi

56,9

66,1

Tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên (%)

4,7

5,4

Chỉ số già hoá (%)

12,1

18,8

Nguồn: số liệu toàn bộ TĐTDS 1999 và 2009

Một trong những chỉ tiêu quan trọng biểu thị xu hướng già hoá của dân số là chỉ số già hoá, đó là tỷ lệ phần trăm giữa dân số từ 65 tuổi trở lên so với dân số dưới 15 tuổi. Chỉ số này phản ánh cấu trúc của dân số phụ thuộc. Chỉ số già hoá đã tăng từ 12,1% năm 1999 lên 18,8% năm 2009. Điều đó cho thấy xu hướng già hoá dân số của tỉnh diễn ra khá nhanh trong thập kỷ qua. Do tỷ lệ người già tăng lên trong khi tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi giảm mạnh trong 10 năm qua, “chỉ số già hoá” của dân số Bình Thuận đã tăng 7 điểm phần trăm sau 10 năm (từ 12% năm 1999 lên 19% năm 2009).

Đến năm 2009, tỷ trọng dân số trong nhóm tuổi lao động (15-64 tuổi) chiếm 66%, tỷ trọng dân số phụ thuộc (dưới 15 tuổi và từ 65 tuổi trở lên) chiếm 34%. Cơ cấu dân số theo nhóm tuổi còn cho phép tính “tỷ lệ dân số phụ thuộc” nhằm đánh giá “gánh nặng” của nhóm dân số trẻ (dưới 15 tuổi) và dân số già (trên 65 tuổi) đối với nhóm dân số trong tuổi lao động chủ yếu (15-64 tuổi). Kết quả cho thấy tỷ lệ dân số phụ thuộc của tỉnh giảm qua các cuộc Tổng điều tra: năm 1999 là 76, năm 2009 chỉ còn 52; nghĩa là cứ 100 người trong nhóm 15-64 tuổi phải “gánh” cho 51 người (43 trẻ em và 8 người già). Tỷ lệ phụ thuộc của Bình Thuận giảm chủ yếu do giảm mức độ sinh trong 10 năm qua.

Như vậy, theo mô hình dân số của Liên hợp quốc, dân số của tỉnh ta đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” (hay cơ cấu dân số tối ưu), khi mà cứ một người phụ thuộc được “gánh đỡ” bởi hai người trong độ tuổi lao động, hay nói cách khác, tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động cao gần gấp đôi nhóm dân số trong độ tuổi phụ thuộc. Việc tận dụng được “cơ cấu dân số vàng” sẽ tạo cơ hội cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. “Thời kỳ cơ cấu dân số vàng” sẽ không đem lại các tác động tích cực cho tỉnh nếu chúng ta không có những chính sách phù hợp. Vì vậy, tỉnh ta cần có những chính sách phù hợp về các lĩnh vực kinh tế - xã hội như đảm bảo an sinh xã hội cho người già, tạo việc làmvà bình đẳng giới.

4. Tình trạng hôn nhân của dân số

Tất cả những người từ 15 tuổi trở lên đều được hỏi về tình trạng hôn nhân của họ tại thời điểm điều tra. Các câu trả lời được phân thành 5 loại: chưa vợ/chồng, có vợ/chồng, góa, ly hôn và ly thân. Một người được xem là “có vợ” hoặc “có chồng” nếu người đó được pháp luật hoặc phong tục, tập quán của địa phương thừa nhận là đang có vợ hoặc có chồng, hoặc đang chung sống với người khác giới như vợ chồng.

Tình trạng hôn nhân của một người chỉ có thể thuộc một trong hai nhóm sau: đã từng kết hôn, tức là đã từng kết hôn ít nhất một lần; và chưa từng kết hôn. Nhóm thứ nhất bao gồm những người: hiện đang có vợ/có chồng, góa (người mà vợ hoặc chồng đã chết, nhưng chưa tái kết hôn), ly hôn (người đã ly hôn theo pháp luật, nhưng chưa tái kết hôn), hoặc ly thân (người đã kết hôn, nhưng hiện tại không cùng sống với người khác giới như vợ chồng). Nhóm thứ hai chỉ bao gồm những người chưa từng kết hôn tính đến thời điểm điều tra.

4.1. Xu hướng kết hôn

Biểu 2.14 là phân bố phần trăm dân số từ 15 tuổi trở lên chia theo tình trạng hôn nhân và nhóm tuổi. Trong nhiều năm qua, tỷ trọng dân số từ 15 tuổi trở lên hiện đang có vợ hoặc có chồng của tỉnh là tương đối cao, kết hôn ở tỉnh ta là khá phổ biến. Số liệu cho thấy, 64% nam giới hiện đang có vợ và 62% phụ nữ hiện đang có chồng. Hầu như toàn bộ nam giới đều đã từng kết hôn trong cuộc đời của mình. Ở nhóm tuổi 50-54 có 99% nam giới đã từng kết hôn, trong khi đó 4% nữ giới ở nhóm tuổi này chưa từng kết hôn (độc thân). Tuy nhiên, phụ nữ thường lấy chồng sớm nên tỷ trọng dân số nam từ 15 tuổi trở lên chưa vợ cao hơn 10 điểm phần trăm so với tỷ trọng này của nữ chưa chồng (34% so với 24%).

Biểu 2.14 cho thấy, nhìn chung nữ có xu hướng kết hôn sớm hơn nam, mặc dù hôn nhân của nam là phổ biến hơn nữ. Trước tuổi 30, nữ giới kết hôn nhiều hơn so với nam giới. Ở nhóm tuổi trẻ nhất 15-19, chỉ hơn 1% nam giới đã từng kết hôn, trong khi 8 trên 100 nữ giới ở nhóm tuổi đó đã từng kết hôn. Ở nhóm tuổi 20-24, phần trăm đã từng kết hôn của nữ cao gấp hơn 2 lần của nam (53 so với 22%). Sau tuổi 35, tỷ trọng đã từng kết hôn của nữ giới bắt đầu thấp hơn so với nam mặc dù tỷ lệ đáng kể nữ giới ở nhóm tuổi này là góa. Ở nhóm tuổi cuối cùng của thời kỳ sinh đẻ (45-49), vẫn còn hơn 4% nữ giới chưa kết hôn.

Số liệu Tổng điều tra đã rút ra một mô hình kết hôn quan trọng theo tuổi và giới tính, nữ kết hôn sớm hơn nam. Ở độ tuổi dưới 30, tỷ trọng chưa kết hôn của nữ thấp hơn của nam. Điều đó nói rằng, nam kết hôn muộn hơn nữ, nhưng cuối cùng, hôn nhân của họ là khá phổ biến; trong khi còn một số phụ nữ vẫn chưa kết hôn vào cuối thời kỳ của độ tuổi sinh đẻ; kết hôn của nữ là tương đối không phổ biến.

Biểu 2.14: Tỷ trọng dân số từ 15 tuổi trở lên chia theo tình trạng hôn nhân, giới tính, nhóm tuổi và khu vực, 2009

Đơn vị tính: %

Nhóm tuổi

Tình trạng hôn nhân

Chưa vợ/chồng

Có vợ/chồng

Góa

Ly hôn

Ly thân

Chung

 

 

 

 

 

15 - 19

95,6

4,2

-

0,1

0,1

20 - 24

63,1

35,7

0,3

0,5

0,4

25 - 29

27,8

69,9

0,8

1,0

0,5

30 - 34

10,5

86,5

1,3

1,3

0,5

35 - 39

5,6

90,1

2,1

1,6

0,6

40 - 44

3,9

89,8

3,8

1,8

0,7

45 - 49

3,7

87,0

6,8

1,8

0,8

50 - 54

2,9

84,2

10,5

1,8

0,7

55 - 59

2,8

80,0

15,5

1,2

0,5

60+

1,2

58,0

40,1

0,3

0,4

Tổng số 15-49

35,6

61,1

1,8

1,0

0,5

Tổng số 15+

28,6

62,9

6,9

1,0

0,5

Nam

 

 

 

 

 

15 - 19

98,7

1,3

-

-

-

20 - 24

77,5

22,2

0,0

0,2

0,1

25 - 29

38,5

60,3

0,2

0,6

0,4

30 - 34

13,6

84,9

0,3

0,8

0,4

35 - 39

6,4

91,8

0,4

1,0

0,4

40 - 44

3,6

94,1

0,7

1,2

0,6

45 - 49

3,0

94,1

1,4

0,9

0,6

50 - 54

1,3

94,8

2,0

1,4

0,5

55 - 59

0,9

94,9

3,0

0,9

0,3

60+

0,5

84,6

14,1

0,4

0,4

Tổng số 15-49

41,1

57,6

0,3

0,6

0,3

Tổng số 15+

33,8

63,5

1,7

0,6

0,3

Nữ

 

 

 

 

 

15 - 19

92,1

7,5

0,1

0,2

0,1

20 - 24

47,2

50,5

0,7

0,8

0,7

25 - 29

16,7

79,9

1,3

1,5

0,6

30 - 34

7,2

88,1

2,4

1,9

0,5

35 - 39

4,8

88,3

4,0

2,2

0,8

40 - 44

4,3

85,4

7,0

2,5

0,8

45 - 49

4,3

80,3

11,9

2,5

1,0

50 - 54

4,4

74,8

17,9

2,1

0,8

55 - 59

4,4

67,6

25,8

1,5

0,7

60+

1,7

39,6

57,9

0,3

0,4

Tổng số 15-49

29,8

64,8

3,3

1,5

0,6

Tổng số 15+

23,5

62,4

12,1

1,4

0,6

 

 

 

 

 

 

Tổng số 15+

 

 

 

 

 

Thành thị

29,4

61,8

7,0

1,3

0,5

Nam

34,0

63,2

1,7

0,8

0,4

Nữ

25,1

60,4

12,0

1,8

0,6

Nông thôn

28,1

63,7

6,9

0,8

0,5

Nam

33,8

63,7

1,7

0,5

0,3

Nữ

22,4

63,8

12,2

1,1

0,6

Nguồn: số liệu mẫu TĐTDS 2009

Ở nhóm tuổi 15-49, 58% nam giới hiện đang có vợ, còn tỷ trọng nữ giới hiện đang có chồng là 65%. Các số liệu trong Biểu 2.14 cho thấy, tỷ trọng nữ giới hiện đang có chồng tăng dần từ tuổi 15 đến tuổi 39, sau đó giảm dần ngay sau tuổi 40. Phần trăm nam giới hiện có vợ chỉ giảm sau tuổi 60. Chỉ có 80% phụ nữ hiện đang có chồng vào độ tuổi 45-49 so với 94% nam hiện đang có vợ vào độ tuổi đó.

Có sự khác biệt về xu hướng kết hôn giữa thành thị và nông thôn. Tỷ trọng chưa từng kết hôn của dân số từ 15 tuổi trở lên của thành thị cao hơn của nông thôn (29% so với 28%). Phần trăm dân số hiện đang có vợ/có chồng của nông thôn là 64%, cao hơn 2 điểm phần trăm so với con số đó của thành thị 62%. Tỷ trọng góa của nông thôn cũng tương đương với thành thị ở mức 7%.

Nhìn chung, tỷ trọng ly hôn của tỉnh là thấp, nhưng có sự khác biệt theo giới tính và thành thị, nông thôn. Tỷ trọng ly hôn của nữ cao hơn của nam. Với cả nam và nữ, tỷ lệ ly hôn của thành thị cao hơn hai lần so với của nông thôn (1,3% so với 0,8%). Điều này có thể là do điều kiện kinh tế của người thành thị, nhất là phụ nữ có tính độc lập hơn so với của nông thôn nên họ dễ chấp nhận ly hôn hơn. Tỷ trọng ly thân ở nước ta là không đáng kể đều ở mức 0,5% và hầu như không có sự khác biệt theo giới tính, thành thị và nông thôn.

Tỷ trọng góa có quan hệ thuận với tuổi, tỷ trọng này tăng lên khi tuổi càng cao. Tỷ trọng góa của nữ tăng theo tuổi nhanh hơn so với của nam. Đối với tất cả các độ tuổi, tỷ trọng góa của nữ gấp 6 lần so của nam (12% so với 2%). Sự khác biệt này có thể được giải thích do vài yếu tố: mức độ chết của nam cao hơn của nữ, hơn nữa chồng thường nhiều tuổi hơn vợ; chồng của nhiều phụ nữ đã chết trong các cuộc chiến tranh trước đây; nam góa vợ thường tái kết hôn nhiều hơn nữ góa chồng. Đối với cả nam và nữ, điều cần nhấn mạnh rằng, nói chung tỷ trọng góa của nhóm tuổi sau lớn hơn ít nhất là gần gấp đôi tỷ trọng góa của nhóm tuổi thấp hơn liền kề.

Một điểm đáng lưu ý vế số liệu hôn nhân là số người hiện đang có vợ trong TĐTDS 1999 thấp hơn số người hiện đang có chồng; 197.447 nam hiện có vợ so với 198.876 nữ hiện có chồng. Tuy nhiên trong TĐTDS 2009 số người hiện đang có vợ cao hơn số người đang có chồng, 263.160 nam hiện có vợ so với 260.074 nữ hiện có chồng. Có hiện tương trên là do cơ cấu dân số nữ đã thay đổi trong 10 năm qua từ 50,14% (năm 1999) nữ xuống còn 49,49% (năm 2009).

Qua số liệu Tổng điều tra 2009 cho thấy, trong khi chỉ có 1,3 nam trong 100 nam giới đã từng kết hôn ở nhóm tuổi 15 - 19; thì có đến 7,5 nữ trong 100 nữ đã từng kết hôn trong độ tuổi đó, xu thế kết hôn sớm ở nhóm tuổi này có xu hướng giảm so với Tổng điều tra 1999, với các số liệu tương ứng (1,9 nam và 9,0 nữ), điều đó cho thấy đã có sự thay đổi nhận thức về hôn nhân của một bộ phận giới trẻ. Ở nhóm tuổi 20 - 24 thì có 22,2% nam trong độ tuổi đã kết hôn (giảm 6,9% so với Tổng điều tra 1999) và 50,5% nữ trong độ tuổi đã kết hôn (giảm 5,4% so với kết quả Tổng điều tra 2009), điều này cho thấy trong nhóm tuổi này nữ giới đã kết hôn sớm và gấp hơn hai lần tỷ trọng này của nam. Ở nhóm tuổi 25-34 cũng cho thấy tỷ trọng kết hôn của nữ cũng cao hơn nhóm tuổi này ở nam. Ở độ tuổi trên 35, tỷ trọng đã từng kết hôn của nữ bắt đầu thấp hơn so với nam, xu hướng này tiếp tục diễn ra, tức là tuổi càng tăng tỷ trọng đã từng kết hôn của nữ càng thấp. Nhìn chung, ở những độ tuổi trẻ, nữ có xu hướng kết hôn nhiều hơn nam. Như vậy, qua tình trạng hôn nhân trong tỉnh cho thấy, nam kết hôn muộn hơn so với nữ, nhưng cuối cùng hôn nhân của họ là khá phổ biến (kết hôn nhiều hơn). Trong khi vào cuối thời kỳ của độ tuổi sinh đẻ, còn một số phụ nữ chưa kết hôn, do vậy kết hôn của phụ nữ là ít phổ biến so với nam giới.

4.2 Tuổi kết hôn trung bình lần đầu

Tuổi kết hôn trung bình lần đầu cho biết số năm trung bình của một thế hệ giả định đã sống độc thân (gái tân/trai tân) trước khi kết hôn lần đầu. Chỉ tiêu này thường được tính riêng cho từng giới. Phần trăm đã từng kết hôn ở các nhóm tuổi trẻ 15-19 và 20-24 có xu hướng giảm nhẹ với cả nam và nữ từ năm 1999 đến 2009.

Đối với phụ nữ, hôn nhân lần đầu đánh dấu một sự kiện xã hội quan trọng trong cuộc đời của họ và thông thường nó liên quan đến sự khởi đầu của thời kỳ sinh đẻ. Khoảng cách giữa hôn nhân với thời điểm sinh con đầu lòng thường rất ngắn. Vì vậy, trong nhiều trường hợp, tuổi kết hôn lần đầu thường được sử dụng như một chỉ báo về sự khởi đầu giai đoạn sinh đẻ của cuộc đời người phụ nữ. Tuổi kết hôn trung bình lần đầu theo giới tính và thành thị/nông thôn được trình bày ở biểu sau:

Biểu 2.15: Tuổi kết hôn trung bình lần đầu chia theo giới tính và khu vực, 1999 và 2009

Đơn vị tính: năm

Năm

Chung

Nam

Nữ

Chênh lệch (Nam-Nữ)

Năm 1999

24,4

25,6

23,0

2,6

- Thành thị

25,0

26,2

23,8

2,4

- Nông thôn

24,1

25,4

22,7

2,7

Năm 2009

24,8

26,8

22,6

4,2

- Thành thị

25,3

27,5

23,1

4,4

- Nông thôn

24,5

26,4

22,4

4,0

Nguồn: số liệu mẫu TĐTDS 2009

Như vậy, tuổi kết hôn trung bình lần đầu năm 2009 tăng 0,4 năm so với Tổng điều tra 1999; trong khi đó của nam tăng hơn một năm từ 25,6 lên 26,8 năm. Tuy nhiên, tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nữ không tăng như vậy; ngược lại, con số này của nữ giảm đi chút ít, từ 23,0 xuống còn 22,6 năm. Điều này cho thấy xu hướng kết hôn sớm của phụ nữ hiện nay.

Đối với cả khu vực thành thị và nông thôn, tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nam năm 2009 tăng lên khoảng 1 năm so với năm 1999 (tương ứng là 27,5 so với 26,2 năm ở khu vực thành thị và 26,4 so với 25,4 năm ở khu vực nông thôn). Tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nữ khu vực thành thị giảm đi 0,7 năm (23,8 so với 23,1 năm). Còn ở khu vực nông thôn, tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nữ giảm ít hơn, 0,3 năm (22,7 so với 22,4 năm). Điều đó chứng tỏ việc giảm nhanh mức sinh của tỉnh giữa hai cuộc Tổng điều tra, chủ yếu là do mức sinh giảm, hơn là do phụ nữ kết hôn muộn.

Biểu 2.16: Tuổi kết hôn trung bình lần đầu (SMAM) và phần trăm đã từng kết hôn chia theo giới, khu vực và nhóm tuổi, 1999 và 2009

Năm

Nam

Nữ

Chênh lệch SMAM

(Nam-Nữ)

SMAM

(năm)

Phần trăm đã

từng kết hôn

SMAM

(năm)

Phần trăm đã

từng kết hôn

15-19

20-24

45-49

15-19

20-24

45-49

Năm 1999

25,6

1,9

28,7

96,2

23,0

8,8

54,0

77,0

2,6

- Thành thị

26,2

1,6

25,2

95,4

23,8

6,5

46,1

75,4

2,4

- Nông thôn

25,4

2,0

30,1

96,6

22,7

9,8

57,6

77,8

2,7

Năm 2009

26,8

1,3

22,2

94,1

22,6

7,5

50,5

80,3

4,2

- Thành thị

27,5

1,0

18,9

93,5

23,1

5,6

43,5

80,1

4,4

- Nông thôn

26,4

1,5

24,1

94,6

22,4

8,7

55,2

80,4

4,0

Nguồn: số liệu mẫu TĐTDS 2009

Qua biểu trên cho thấy tuổi kết hôn trung bình lần đầu và tỷ trọng kết hôn ở các nhóm tuổi. Đối với nhóm tuổi 15-19 cho thấy mức độ kết hôn ở những độ tuổi vị thành niên; còn tỷ trọng đã từng kết hôn ở nhóm tuổi 45-49 cho biết mức độ chưa kết hôn liên quan đến tái sản xuất dân số và mức độ phổ biến của hôn nhân. Số liệu điều tra cho thấy, tỷ trọng đã từng kết hôn của nhóm tuổi 15-19 rất thấp và cao nhất ở nhóm tuổi 45-49, điều này phản ánh hợp lý mức độ hôn nhân của dân số tỉnh. Đối với tuổi kết hôn trung bình lần đầu cho thấy, SMAM của cả nam lẫn nữ ở thành thị đều cao hơn ở nông thôn; trong đó SMAM của nam thành thị cao hơn nam nông thôn 1,1 năm và SMAM của nữ thành thị cao hơn nữ nông thôn 0,7 năm. Đó là do điều kiện sống, học tập, làm việc và cả quá trình đô thị hóa ở thành thị ngày càng cao đã ảnh hưởng đến cách sống và nhận thức về hôn nhân của một bộ phận giới trẻ, do vậy nam và nữ thanh niên sống ở thành thị có xu hướng kết hôn muộn hơn so với nông thôn.

4.3 Sự khác biệt về mức độ kết hôn giữa các huyện/thị xã/thành phố

Biểu 2.17 đưa ra tuổi kết hôn trung bình lần đầu chia theo huyện, thị xã, thành phố. Tuổi kết hôn trung bình lần đầu cao nhất là huyện Bắc Bình, tiến đến là thành phố Phan Thiết và thấp nhất là huyện Phú Quý.

Với cả nam và nữ, tuổi kết hôn trung bình lần đầu có giá trị cao nhất là thành phố Phan Thiết, tiếp đến là thị xã La Gi (dân cư ở đây chủ yếu tập trung ở đô thị, có điều kiện sinh hoạt về mặt tinh thần và có nhận thức đúng đắn về độ tuổi kết hôn thích hợp) và thấp nhất huyện Phú Quý, tiếp đến là huyện Tánh Linh (đây là huyện đảo và huyện miều núi, do điều kiện vật chất và đời sống còn khó khăn, hiểu biết về vấn đề sức khỏe sinh sản còn hạn chế, nên thường có xu hướng kết hôn sớm).

Biểu 2.17: Tuổi kết hôn trung bình lần đầu chia theo giới tính và các huyện

Đơn vị tính: năm

Đơn vị hành chính

Chung

Nam

Nữ

Chênh lệch (Nam-Nữ)

Toàn tỉnh

24,8

26,8

22,6

4,2

Phan Thiết

25,6

27,8

23,3

4,5

La Gi

25,4

27,6

23,0

4,6

Tuy Phong

24,6

26,1

23,0

3,1

Bắc Bình

25,8

26,7

22,3

4,4

Hàm Thuận Bắc

24,8

27,0

22,5

4,5

Hàm Thuận Nam

24,6

26,6

22,3

4,3

Tánh Linh

24,4

26,1

22,3

3,8

Đức Linh

24,5

26,5

22,4

4,1

Hàm Tân

25,0

27,1

22,6

4,5

Phú Quý

22,3

23,7

20,9

2,8

Nguồn: số liệu mẫu TĐTDS 2009

4.4 Kết hôn tuổi vị thành niên

Cũng như cuộc TĐTDS 1999 và các cuộc điều tra mẫu biến động dân số hàng năm, số liệu của TĐTDS 2009 cho thấy có hiện tượng kết hôn ở tuổi vị thành niên. Để thấy được xu hướng đó, Biểu 2.18 trình bày phần trăm đã từng kết hôn của dân số ở các độ tuổi từ 15 đến 19.

Biểu 2.18: Tỷ trọng dân số 15-19 tuổi đã từng kết hôn theo độ tuổi, tuổi kết hôn trung bình lần đầu của vị thành niên chia theo giới tính và khu vực, 2009

Đơn vị tính: %

Khu vực

Tỷ trọng đã từng kết hôn theo tuổi

15-17

18-19

15-19

Nam

0,4

3,0

1,3

- Thành thị

0,4

2,0

1,0

- Nông thôn

0,4

3,5

1,5

Nữ

2,5

17,6

7,5

- Thành thị

1,7

13,7

5,6

- Nông thôn

2,9

20,1

8,7

Nguồn: số liệu mẫu TĐTDS 2009

Đối với nam, tỷ trọng kết hôn vị thành niên của nông thôn và thành thị ở mức như nhau. Phần trăm đã từng kết hôn của nữ vị thành niên ở nông thôn cao hơn thành thị. Mức kết hôn của dân số tuổi 15-19 của cả nam và nữ ở nông thôn cao hơn 1,5 lần so với thành thị.

Mặc dù tỷ trọng đã từng kết hôn ở tuổi vị thành niên ở mức thấp, tuy nhiên ở tỉnh ta vẫn còn một số nam và nữ kết hôn từ rất sớm. Ở độ tuổi này, họ có thể không hiểu biết gì về đời sống vợ chồng và nguy cơ cao về sức khỏe sinh sản. Số liệu qua cuộc Tổng điều tra cho thấy sự cần thiết về các thông tin và dịch vụ về sức khỏe sinh sản cho dân số trẻ của tỉnh.

5. Dân số và cơ cấu dân số theo dân tộc và tôn giáo

5.1 Dân số và cơ cấu dân số theo dân tộc

Biểu 2.19: Dân số và cơ cấu dân số chia theo dân tộc, 1999 và 2009

 

Năm 1999

Năm 2009

Tốc độ tăng

bình quân (%)

Dân số (Người)

Cơ cấu (%)

Dân số (Người)

Cơ cấu (%)

Tổng số

1.046.320

100,0

1.167.023

100,0

1,09

- Kinh

973.863

93,1

1.080.724

92,6

1,04

- Tày

4.507

0,4

5.192

0,4

1,41

- Hoa

11.204

1,1

10.243

0,9

-0,90

- Nùng

1.997

0,2

2.670

0,2

2,90

- Chăm

29.356

2,8

34.690

3,0

1,67

- Cơ Ho

8.779

0,8

11.233

1,0

2,46

- Ra Glai

12.541

1,2

15.440

1,3

2,08

- Chơ Ro

2.286

0,2

3.375

0,3

3,90

- Dân tộc khác

1.787

0,2

3.456

0,3

6,60

Nguồn: số liệu toàn bộ TĐTDS 1999 và 2009

Biểu 2.19 đã phản ánh được bức tranh dân tộc Bình Thuận; qua kết quả điều tra cho thấy, năm 2009 toàn tỉnh có 31 dân tộc khác nhau (so với năm 1999 có 27 dân tộc). Mỗi dân tộc đều có phong tục, tập quán, điều kiện sống khác nhau và tốc độ tăng dân số hàng năm của mỗi dân tộc cũng khác nhau. Biểu số liệu cho thấy, trong tổng số 31 dân tộc thì Kinh chiếm tỷ trọng nhiều nhất 92,6% với tốc độ tăng bình quân năm là 1,09%, sau đó dân tộc Chăm 2,99% với tốc độ tăng bình quân năm là 1,67%, lần lượt là các dân tộc: Ra Glai chiếm tỷ lệ 1,3%, Cơ Ho 1,0%, Hoa 0,9%,...

Hiện nay, với chính sách quan tâm, hỗ trợ các đồng bào dân tộc của tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung, cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được cải thiện đáng kể, vì vậy quy mô của một số dân tộc chiếm đa số trong tỉnh đã tăng rõ rệt, như: Chăm, Cơ Ho, Ra Glai, Chơ Ro,… Tuy nhiên, vẫn còn một số dân tộc như Hoa có giảm so với năm 1999 nhưng không đáng kể. Qua số liệu này khẳng định rằng, chính sách quan tâm đến các đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh được thực hiện hiệu quả, đặc biệt là Nghị quyết 04 NQ-TU về xây dựng và phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Tỉnh ủy Bình Thuận. Quy mô và số lượng các dân tộc trong tỉnh ngày càng phong phú, đa dạng, góp phần làm cho xã hội ngày càng phát triển bền vững.

5.2 Dân số và cơ cấu dân số theo tôn giáo

Biểu 2.20: Dân số và cơ cấu dân số chia theo tôn giáo, 1999 và 2009

 

Năm 1999

Năm 2009

Tỷ lệ tăng, giảm

theo cơ cấu (%)

Dân số (Người)

Cơ cấu (%)

Dân số (Người)

Cơ cấu (%)

Tổng số

1.046.320

100,0

1.167.023

100,0

-

Phật giáo

144.572

13,8

128.968

11,1

-2,7

Công giáo

127.784

12,2

143.137

12,3

0,1

Phật giáo Hòa Hảo

34

0,0

90

0,0

0,0

Hồi giáo

15.756

1,5

18.779

1,6

0,1

Cao đài

2.782

0,3

2.403

0,2

-0,1

Tin lành

4.711

0,5

5.489

0,5

0,0

Bà la môn

15.094

1,3

Tôn giáo khác

12.658

1,2

102

0,0

Không tôn giáo

738.023

70,5

852.961

73,0

2,5

Nguồn: số liệu toàn bộ TĐTDS 1999 và 2009

Theo kết quả Tổng điều tra 2009, hiện nay toàn tỉnh có 7 tôn giáo chính như trên; ngoài ra còn có một số tôn giáo khác (nhưng dân số của các tôn giáo này rất ít) như: Ba Ha’i, Minh Sư đạo, Đạo tứ ấn hiếu nghĩa và số còn lại là không theo tôn giáo (Riêng đạo Bào la môn trong Tổng điều tra 1999 xếp vào tôn giáo khác). Về quy mô có đến 73,0% dân số không theo tôn giáo nào, 12,3% theo Công giáo, 11,1% theo Phật giáo và 3,6% dân số theo các tôn giáo còn lại. Số liệu cho thấy, sau 10 năm kể từ Tổng điều tra dân số 1999, quy mô dân số theo tôn giáo đã có sự biến động lớn theo hướng giảm quy mô nhóm dân số theo Phật giáo, Cao đài và tăng ở các nhóm còn lại. Phật giáo giảm 2,7% trong cơ cấu, Cao đài giảm 0,1%; trong khi đó Công giáo tăng 0,1% và Hồi giáo tăng 0,1%, Tin lành và Phật giáo Hòa Hảo có tăng nhưng không đáng kể. Nếu tính về số lượng thì có thể thấy, sau 10 năm số lượng dân số theo Phật giáo giảm nhiều nhất với 15.604 người, trong khi đó dân số theo Công giáo tăng nhiều nhất 15.353 người và Hồi giáo tăng 3.023 người. Những kết quả trên cho thấy rằng, quyền tự do tôn giáo của người dân được thực hiện một cách bình đẳng, mỗi công dân đều có quyền tự do tôn giáo của mình.


Mở đầu

Chương I: Quá trình thực hiện cuộc Tổng điều tra

Chương III: Mức độ sinh, chết, di cư

Chương IV: Chất lượng dân số

Chương V: Điều kiện ở và sinh hoạt của dân cư

Các Phụ lục