[1][2][3][4][5][6][7][8][9][10]

- Yếu tố thứ bảy là tình hình an ninh trật tự: Có thể nói trong những năm gần đây, tình hình an ninh trật tự đã được cải thiện khá nhiều. Tuy vậy, trong năm 2009 vẫn còn đến 22,3% DN cho biết gặp một số vấn đề về an ninh trật tự. Theo ý kiến một số doanh nghiệp, vấn đề này tập trung chủ yếu ở hiện tượng trộm cắp vặt diễn ra khá nhiều, tuy giá trị mất cắp không cao nhưng cũng gây thiệt hại về thời gian thi công hay sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đối với một vùng đất có thế mạnh là du lịch như ở Bình Thuận thì việc tình hình an ninh không ổn định cũng làm tổn hại đến hình ảnh du lịch địa phương trong mắt của các nhà đầu tư du lịch cũng như khách du lịch trong nước và quốc tế.

- Yếu tố thứ tám là xử ngoài luật và cạnh tranh không lành mạnh:

Hiện tượng trên có xu hướng xảy ra khá nhiều và nhiều trường hợp mang tính chất hình sự hóa. Nhiều doanh nghiệp cho biết, họ gặp khó khăn khá nhiều khi thu mua nguyên liệu do một số DN khác vì muốn mua cho bằng được nên đã đẩy giá thu mua lên cao, dẫn đến người bán ghim hàng chờ giá tăng để bán, vì thế nhiều khi DN phải chấp nhận mua nguyên liệu đầu vào với giá cao để đảm bảo hợp đồng đã ký, trong khi đó giá bán không tăng nên DN rất dễ bị lỗ. Ngoài ra, vì mục đích bán cho bằng được sản phẩm của mình, một số doanh nghiệp đã hạ giá bán sản phẩm khiến cho các doanh nghiệp khác cũng phải hạ giá theo. Vấn đề này đã dẫn đến việc đối tác mua hàng sẽ giữ thái độ im lặng chưa chịu mua hàng nhằm ép giá bán tiếp tục hạ xuống đến mức thấp nhất. Chính những phương thức cạnh tranh không lành mạnh như trên đã dẫn đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp liên tục bị lỗ là điều không thể tránh khỏi. Bên cạnh đó, việc xử ngoài luật của một số DN cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cùng ngành với nhau. Hiện tượng hăm dọa, thuê người hành hung doanh nghiệp khác cũng diễn ra với cấp độ nghiêm trọng hơn, có trường hợp mang mục đích hại chết người. Các cơ quan chức năng cần phải có những biện pháp xử lý triệt để, nhằm tạo sự an tâm cho các DN trong hoạt động kinh doanh.

- Yếu tố thứ chín là hệ thống pháp lý và giải quyết tranh chấp: Trong năm 2009, những vấn đề về pháp lý gây khó khăn nghiêm trọng không tăng so với năm trước, đây cũng là một tín hiệu tốt. Tuy vậy, chỉ tiêu đánh giá về mức độ cản trợ tương đối thì có dấu hiệu tăng lên đáng kể. Năm 2008, mức độ này chỉ chiếm 6,5% số DN được điều tra, năm 2009 mức độ đó tăng lên 17,1%. Qua đó, ta thấy hệ thống pháp lý vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, cũng như giải quyết các tranh chấp xảy ra.

- Yếu tố thứ mười là công tác quản lý thuế: Có 18% DN trong năm 2009 được hỏi cho biết việc trả tiền cho các cán bộ Nhà nước để tránh thuế và các nghĩa vụ có liên quan là rất dễ dàng so với tỷ lệ 2,5% của năm 2008; 25,5% DN trong năm 2009 cho biết khó khăn không đáng kể khi trả tiền cho những trường hợp này so với 8% năm 2008.

Với những nhận định trên cho thấy tình hình nhận tiền “lót tay” của một số cán bộ Nhà nước vẫn còn tồn tại, điều đó đồng nghĩa với việc ngân sách sẽ mất đi một khoản thu nhất định và việc nhũng nhiễu, gây khó dễ cho hoạt động kinh doanh của các loại hình kinh tế sẽ còn tiếp tục tái diễn. Trong khi đó, tỷ lệ DN hài lòng với những chính sách quản lý thuế trong năm 2009 giảm xuống khá mạnh, tỷ lệ là 39,2% so với 64,7% của năm 2008. Bên cạnh đó, một số DN cho rằng mức thuế thu nhập doanh nghiệp hiện nay vẫn còn khá cao.

[1][2][3][4][5][6][7][8][9][10]