CÁC TIN LIÊN QUAN
GDP và kim ngạch xuất khẩu: 02 chỉ tiêu không đạt kế hoạch năm 2016

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết,dự báo, tăng trưởng GDP cả năm 2016 ước đạt khoảng 6,3%-6,5% không đạt kế hoạch 6,7% của Quốc hội.

 

Thủ tướng khẳng định, trong năm 2016, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội nước ta chuyển biến tích cực và đạt được kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực: Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm; Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh; tái cơ cấu kinh tế đạt được một số kết quả bước đầu; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân; Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên; Hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật kỷ cương, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí; Giữ vững chủ quyền quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả cao.

 Dự báo, tăng trưởng GDP cả năm 2016 ước đạt khoảng 6,3%-6,5% không đạt kế hoạch 6,7% đề ra trong Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 của Quốc hội. Nếu nợ công giữ được như dự toán năm 2016 (3.242.000 tỷ đồng) thì tỷ lê nợ công là 70% GDP, còn nếu nợ công giảm được hơn dự toán, chỉ còn 2.989.000 tỷ đồng, thì tỷ lê nợ công là 64,98% GDP, vượt mức dự toán 63,2% và nợ Chính phủ dự báo là 53,1% GDP, vượt trần 50% GDP.

Xuất khẩu ước tăng 6,7%, thấp hơn mức dự toán 10% (xuất khẩu vào các nước ASEAN giảm 7%); lần đầu tiên trong 30 năm đổi mới, tăng trưởng xuất khẩu giảm liên tục 5 năm liền 2012-2016.

Bội chi năm 2016 dự báo 5,5% GDP, vượt mức Quốc hội quyết định là không quá 4,95% GDP; nợ xấu đã được VAMC mua mới bán được khoảng 15%.

Thủ tướng cũng cho biết, trong số 13 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đề ra cho kế hoạch năm 2016, Chính phủ ước thực hiện có 11 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Có 02 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 6,3-6,5% so với kế hoạch đề ra là 6,7%, và tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 6-7% so với kế hoạch đề ra là 10%.

Thủ tướng cũng thừa nhận những hạn chế, yếu kém như: tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt thấp so với cùng kỳ (5,93% so với 6,5%), dự báo tăng trưởng GDP cả năm thấp hơn kế hoạch đề ra (6,7%); tái cơ cấu nhiều ngành, lĩnh vực còn chậm; đời sống người dân còn khó khăn; mất an toàn thực phẩm xảy ra ở nhiều nơi, gây bức xúc xã hội; kỷ luật kỷ cương trong bộ máy hành chính và trong xã hội còn chưa nghiêm; đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế còn nhiều khó khăn, thách thức....

Về phương hướng nhiệm vụ năm 2017, Chính phủ đặt mục tiêu: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 6%-7%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,5%;  tỷ lệ bội chi NSNN so với GDP không quá 3,5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31,5% GDP; tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP giảm 1,5%.

Về xã hội: Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1%-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55 - 57%, trong đó đào tạo từ 3 tháng trở lên có chứng chỉ đạt 22,5%; số giường bệnh trên một vạn dân đạt 25,5 giường (không tính giường trạm y tế xã); tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 82,2%.

Về môi trường: Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 87%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,45%.

Đề ra 9 giải pháp chủ yếu, báo cáo khẳng định, Chính phủ sẽ quyết liệt hành động, ra sức khắc phục hạn chế, yếu kém, nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2016 và thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017. Chính phủ trân trọng đề nghị và mong nhận được sự ủng hộ, giám sát của Quốc hội, Chủ tịch nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân và đồng bào, cử tri cả nước.

Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017.
Báo cáo cho biết, đa số ý kiến nhất trí với đánh giá của Chính phủ về việc bảo đảm mục tiêu tổng quát theo Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016. Tuy nhiên, báo cáo đề nghị cần đánh giá kỹ hơn về nhận định kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; các nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu kinh tế, nhất là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu ngân hàng thương mại và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cần tiếp tục được đẩy mạnh. 

Bên cạnh đó báo cáo cũng đánh giá cụ thể về một số chỉ tiêu chủ yếu như: GDP; tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu; chỉ tiêu chỉ số giá tiêu dùng (CPI); về thu, chi ngân sách nhà nước; về chỉ tiêu tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị và tỷ lệ lao động qua đào tạo;... 

Đánh giá về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, báo cáo khẳng định: Chính phủ đã tích cực triển khai đồng bộ quy định của các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh và tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, phấn đấu chỉ số môi trường kinh doanh đạt mức trung bình của nhóm nước hàng đầu trong ASEAN. Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ tăng cường quản lý tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm các vi phạm; xây dựng, triển khai hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm các chương trình mục tiêu về phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhưng thực tế còn gặp nhiều khó khăn, thách thức...

Báo cáo cũng đề nghị Chính phủ dự báo đầy đủ hơn tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ảnh hưởng của sự suy giảm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, quá trình bầu cử ở Mỹ và sự kiện Brexit đối với kinh tế Việt Nam. Về bối cảnh trong nước, đánh giá rõ hơn các yếu tố: Việc chuẩn bị các điều kiện và năng lực hội nhập cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ở trình độ cao đối với Việt Nam; Các thách thức đối với quá trình phát triển do việc chậm đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế; Tác động trung và dài hạn của tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường; Khả năng giảm lợi thế cạnh tranh về lao động do những thuận lợi của thời kỳ "cơ cấu dân số vàng” của Việt Nam sẽ không còn duy trì lâu dài và chính sách điều chỉnh tăng lương tối thiểu.

Bên cạnh đó, theo dõi và có biện pháp ứng phó kịp thời với tác động xấu của thiên tai, lũ lụt, bảo đảm cuộc sống người dân và ổn định sản xuất sau lũ lụt.../.

An Nhi




TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/