CÁC TIN LIÊN QUAN
Mục tiêu tăng trưởng GDP quý IV/2016 đạt 7,1-7,3%

Thủ tướng nhấn mạnh chủ đề của phiên họp thường kỳ tháng 9/2016 là: “Phấn đấu thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững, nỗ lực đạt mục tiêu cao nhất kế hoạch năm 2016 từ 6,3-6,5%”.Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ mục tiêu quý IV phải nỗ lực phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 7,1-7,3%

 

Trong 2 ngày, 3-4/10/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2016.

Phiên họp này, Chính phủ thảo luận 22 nội dung quan trọng về xây dựng thể chế, về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, cả năm 2016 và kế hoạch năm 2017…

Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, tình hình kinh tế-xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2016 tiếp tục có những chuyển biến tích cực; nền kinh tế đang trên đà phục hồi và phát triển; trong đó, ngành công nghiệp đạt mức tăng trưởng khá, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo; khu vực dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước; sản xuất nông nghiệp tiếp tục phục hồi, đạt tăng trưởng…

Tăng trưởng GDP quý III đạt 6,4%, cao hơn quý I (tăng 5,48%) và quý II (tăng 5,78%); tính chung 9 tháng đầu năm, GDP ước tăng 5,93%.

Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm; tỷ giá ổn định; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng cao với tổng vốn đăng ký trong 9 tháng đầu năm ước đạt 16,43 tỷ USD.

 Các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân và các lĩnh vực xã hội khác được quan tâm và đạt nhiều kết quả tích cực. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, trong đó nổi lên là tái cơ cấu trong các ngành, lĩnh vực còn chậm; năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; hoạt động của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn; tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng tinh vi; vi phạm về môi trường còn xảy ra ở nhiều địa phương; đời sống nhân dân ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai, bão lũ, hạn hán, vùng bị ô nhiễm môi trường… còn gặp nhiều khó khăn.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, qua triển khai thực hiện nhiệm vụ, hình ảnh của một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động,… bước đầu nhận được phản hồi tốt từ người dân, doanh nghiệp.

Khái quát những kết quả nổi bật về kinh tế-xã hội tháng 9 và 9 tháng qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Quốc hội giao Chính phủ 13 chỉ tiêu, nay 11 chỉ tiêu đã được hoàn thành và hoàn thành vượt mức; chỉ còn 2 chỉ tiêu gần hoàn thành, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương phải có quyết tâm cao, tiếp tục triển khai các giải pháp cụ thể, tạo mọi điều kiện, tháo gỡ mọi rào cản cho sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

“Tôi xin nhấn mạnh, không phải chỉ có quyết tâm mà phải có giải pháp cụ thể để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6,3-6,5%”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Với tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu việc kiểm điểm tình hình cần chú ý các bất cập, nhất là phản ứng chính sách cần thiết trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam, những tác động của chính sách đã ban hành để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; chú trọng không chỉ tăng trưởng mà phải chú ý cả các chỉ tiêu xã hội, môi trường; không chỉ quan tâm chỉ tiêu năm 2016 mà cả chỉ tiêu năm 2017 và kế hoạch trung hạn 2016-2021.

Nhấn mạnh trong bối cảnh còn rất nhiều khó khăn, thách thức, nhiệm vụ còn lại đến cuối năm 2016 là hết sức nặng nề, nhất là mục tiêu tăng trưởng GDP và xuất khẩu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị từng thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm hành động, năng động sáng tạo, đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể; kiên quyết không lùi bước trước khó khăn thách thức; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nói đi đôi với làm; tăng cường kỷ luật kỷ cương; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; giải phóng mọi nguồn lực xã hội, thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển mạnh doanh nghiệp; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong tăng trưởng kinh tế quý IV, nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công nhiệm vụ năm 2016, tạo nền tảng vững chắc cho năm 2017 và những năm tiếp theo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ mục tiêu quý IV phải nỗ lực phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 7,1-7,3% để cả năm đạt khoảng 6,3-6,5%. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ ngành quản lý các ngành, lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ,… tính toán mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể và phấn đấu thực hiện quyết liệt trong quý IV/2016.

Điều hành lạm phát theo mục tiêu, không quá 5%; kiểm soát tốt thị trường, giá cả. Tiếp tục đẩy mạnh việc đưa tín dụng vào phát triển sản xuất kinh doanh, giảm lãi suất cho vay. Thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công. Có các giải pháp hiệu quả để huy động vốn trong dân vào phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh. Giám sát chặt chẽ hoạt động, đi liền với tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp quản lý thuế, chống thất thu, nợ động thuế…

Thực hiện tốt các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, phát triển y tế, văn hóa, giáo dục… Tiếp tục giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chủ động phòng ngừa và tấn công trấn áp các loại tội phạm.

Đề cập tới nhiệm vụ năm 2017, Thủ tướng yêu cầu mỗi bộ, ngành cần dự thảo Kế hoạch hành động của bộ, ngành mình với tinh thần tấn công, đột phá. Cần nhận diện chính xác thách thức lớn nhất đối với bộ, ngành mình, tìm ra nguyên nhân và các giải pháp hiệu quả khắc phục để tạo ra những đột phá trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Xây dựng bộ chỉ số đánh giá làm thước đo kết quả đạt được trên từng lĩnh vực quản lý nhà nước.

Đồng thời, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thực hiện quyết liệt tái cơ cấu nợ công, ngân sách; đây là nhiệm vụ vừa cấp bách và vừa lâu dài, cần có bước chuyển mạnh mẽ hơn trong năm 2017. Tăng cường quản lý hiệu quả tài sản công; triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đẩy mạnh trao quyền tự chủ, xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập. Tiếp tục tập trung mạnh vào tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu; hướng ưu tiên tín dụng cho phát triển sản xuất, không để phát sinh nợ xấu mới…

Đối với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, sớm quy định nguyên tắc, tiêu chí định mức phân bổ vốn để triển khai chương trình này giai đoạn 2016-2020, để đời sống nông dân tăng lên.

Các bộ chủ quản 21 chương trình mục tiêu khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi chương trình, trình Thủ tướng trong tháng 10 này.

Về tài chính, ngân sách, triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý thuế để đôn đốc, thu hồi nợ đọng thuế, phấn đấu đến 31/12/2016 nợ đọng thuế không quá 5% so với tổng số thu của năm 2015.

Các bộ, địa phương sớm triển khai việc đền bù, hỗ trợ cho đối tượng bị thiệt hại do sự cố môi trường tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế theo các định mức đã quy định, không để xảy ra thất thoát, tiêu cực.

Tất cả các bộ, đặc biệt là Bộ Công Thương rà soát lại những biện pháp xuất khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu; khai thác tối đa thị trường trong nước; hỗ trợ đẩy nhanh việc tiêu thụ một số sản phẩm như than, phôi thép, thép xây dựng, phân bón, giấy, xi măng, hóa chất; thủy hải sản, các sản phẩm nông nghiệp.

Tái cơ cấu nông nghiệp rõ hơn. Với lâm nghiệp, đẩy mạnh trồng rừng ven biển, bảo vệ rừng, kiên quyết thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên.

Với công nghiệp-xây dựng, chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu kinh tế, phấn đấu đạt mức như năm 2015 là 9,29%.

Phải quản lý chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm, triển khai các chương trình giám sát chất lượng nông, lâm, thủy sản tốt hơn nữa trong chuỗi cung ứng.

Các bộ phải tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp và cải cách doanh nghiệp nhà nước.

Về xây dựng thể chế, tại phiên họp, Chính phủ đã nghe báo cáo và thảo luận về: Dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi); Tờ trình thẩm quyền phê duyệt vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập; dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2007/NĐ-CP của Chính phủ về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính; Tờ trình đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam; dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học công lập; Báo cáo về việc bán vốn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại các doanh nghiệp đã niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch trên sàn Upcom;…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ đối với các dự án luật, nghị định, nghị quyết, Tờ trình,… để tiếp tục bổ sung, sớm hoàn thiện, trình Chính phủ xem xét, quyết định./.

An Nhi




TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/