CÁC TIN LIÊN QUAN
WB: "Nông nghiệp Việt Nam đang ở ngã ba đường"

Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, nông nghiệp Việt Nam đang đứng ở ngã ba đường, cần có sự thay đổi để vượt qua những thách thức, đảm bảo tăng trưởng trong tương lai.

 

Thách thức sau một bước tiến dài

Sáng 27/9, WB đã công bố Báo cáo Phát triển Việt Nam 2016 với chủ đề "Chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam: Tăng giá trị, giảm đầu vào". Đây là đây sản phẩm hợp tác giữa WB và Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam (IPSARD).

Tại họp báo, ông Steven Jaffee, chuyên gia kinh tế trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp của WB tại Việt Nam, cho biết: “Việt Nam đã có giai đoạn dài thành công trong lĩnh vực nông nghiệp”.

Cụ thể, trong vài thập kỷ qua, năng suất và sản lượng ngành nông nghiệp tăng, góp phần hoàn thành mục tiêu quốc gia về an ninh lương thực, giảm nghèo, ổn định xã hội và phát triển kinh tế. Năng xuất sản xuất lúa tăng cao và thực hiện thâm canh tại các nông hộ nhỏ mang lại hiệu quả lớn tại Việt Nam đã làm cho nhiều nước đang phát triển phải thèm muốn. Đồng thời, Việt Nam cũng đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản – lương thực hàng đầu trên thế giới. Hiện nay, Việt Nam xếp thứ 5 về xuất khẩu các sản phẩm thủy sản, gạo, cà phê, chè, hạt điều…

Viện trưởng IPSARD, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, cũng thừa nhận: “Nhìn lại quá khứ xem cách làm của Việt Nam so với các nước khác đã trải qua, thì Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu xuất sắc”.

Ông Tuấn khẳng định, có được thành công này, một phần nhờ Việt Nam đã làm hạ tầng, thủy lợi, khuyến nông để cung cấp đầu vào hiệu quả.

Tuy nhiên, Viện trưởng IPSARD nhấn mạnh, hiện có những quan ngại ngày càng tăng về chất lượng tăng trưởng của nông nghiệp Việt Nam. Cụ thể, tỷ suất lợi nhuận thấp trong các nông hộ nhỏ, tình trạng thiếu việc làm tương đối nghiêm trọng trong nông nghiệp, chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm không ổn định, thậm chí còn ở mức thấp, trình độ đổi mới sáng tạo công nghệ và thể chế còn hạn chế… Trên một số phương diện, phát triển nông nghiệp đã gây ra tổn hại môi trường như tàn phá rừng, mất đa dạng sinh học, thoái hóa đất, ô nhiễm nước và phát thải khí nhà kính.

Tại hầu hết các địa phương, tăng trưởng nông nghiệp chủ yếu dựa trên diện tích canh tác, thâm canh, tăng vụ và tăng cường sử dụng phân bón, tài nguyên thiên nhiên. Vì vậy, sản lượng đầu ra ngày càng đòi hỏi chi phí đầu vào cao hơn và làm tăng chi phí môi trường.

Theo các chuyên gia WB, nông nghiệp Việt Nam đang ở ngã ba đường bởi đang bị cạnh tranh về nhân công, tài nguyên đất và nước do quá trình đô thị hóa, phát triển công nghiệp và dịch vụ. Chi phí lao động tăng làm ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh vốn dựa trên nhiều lợi thế và chi phí sản xuất thấp.

Thời gian qua, để thực hiện chức năng bệ đỡ cho nền kinh tế (ổn định an ninh lương thực cho quốc gia và cho thế giới), ngành nông nghiệp nói chung và ngành lúa gạo nói riêng đã phải trả giá, bộ phận nông dân trồng lúa không được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất lúa có giá trị thấp.

Cần “tăng giá trị, giảm đầu vào”

Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, ông Ousmane Dione nhấn mạnh: “Đã đến lúc không thể làm theo cách cũ được nữa, bởi tốc độ tăng trưởng đã giảm sút, nông nghiệp dễ bị tổn thương trước các hiểm họa thời tiết và nông nghiệp cũng tạo ra dấu chân môi trường nghiêm trọng. Cần thay đổi để vượt qua những thách thức này để đảm bảo tăng trưởng nông nghiệp trong tương lai và đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người dân Việt Nam được tốt hơn”.

Vì thế, ông Steven Jaffee khuyến nghị, ngành nông nghiệp Việt Nam phải thực hiện “tăng giá trị, giảm đầu vào”, tức là phải tạo thêm giá trị kinh tế cho nông dân và người tiêu dùng, đồng thời giảm sử dụng tài nguyên thiên nhiên, lao động và các nguồn lực khác. Ngoài ra, ngành nông nghiệp còn phải chuyển hướng cạnh tranh bằng cách trở thành nguồn cung đáng tin cậy, chất lượng ổn định, đảm bảo an toàn thực phẩm và tạo thêm nhiều giá trị.

Các chuyên gia của WB cũng đề xuất, ngành nông nghiệp Việt Nam cần tạo sự thay đổi không chỉ trong mô hình tăng trưởng mà ngay cả trong cơ cấu sản xuất và tổ chức chuỗi cung ứng. Hiện nay, sản xuất và cung ứng còn khá manh mún, mối liên kết tập thể giữa các nông dân và sự phối hợp theo ngành dọc còn yếu. Đó là nguyên nhân làm tăng chi phí giao dịch, không tận dụng được lợi thế quy mô và không tạo động lực sản xuất ra hàng hóa và nguyên vật liệu với chất lượng ngày càng cao.

Bên cạnh đó, mô hình quản lý nhà nước trong ngành nông nghiệp cũng cần thay đổi – nhà nước cần thay đổi cách thức cung ứng dịch vụ hỗ trợ về công nghệ và điều tiết, đầu tư và chi công, áo dụng các chính sách nhằm khuyến khích đầu tư cho nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng nhấn mạnh yếu tố công bằng trong phát triển nông nghiệp, bởi hiện nay phân hoá giàu nghèo rất lớn và đã trở thành thách thức không hề nhỏ.

Theo bà Lan, chính sách đất đai cũng cần được quan tâm, vì nếu người nông dân không có quyền sở hữu về đất đai một cách đầy đủ thì dù có xây dựng mô hình nào họ cũng không thể nào tiếp tục hoạt động trên mảnh đất của mình.

Ngoài ra, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết, yêu cầu đặt ra đối với chính phủ là giảm chỉ đạo và tăng kiến tạo. Các chính sách của chính phủ trong thời gian tới cần bám sát thực tiễn và đảm bảo tính ổn định để nông nghiệp có sức ổn định và bám sát nhu cầu thị trường./.

Trang Trần

 




TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/