CÁC TIN LIÊN QUAN
2016-2020: GPD bình quân 5 năm đạt 6,5-7%/năm

Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phá triển kinh tế-xã hội năm 2015, kết quả thực hiện 5 năm 2011- 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2016-2020 của Chính phủ đã chỉ rõ 4 hạn chế, yếu kém trong giai đoạn 2011-2015.

 

4 hạn chế của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2015

1. Phát triển kinh tế-xã hội chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế

 Kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và một số cân đối lớn ổn định chưa vững chắc. Cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn, vẫn còn thất thu, nợ đọng thuế, cơ cấu chi chưa hợp lý; chi thường xuyên tăng nhanh; một số khoản chi chưa được quản lý chặt chẽ; bội chi ngân sách còn cao, chưa đạt mục tiêu 4,5% GDP.

Đặc biệt, nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn; nợ chính phủ đã vượt giới hạn quy định (50,3% GDP so với quy định là không quá 50%); sử dụng vốn vay ở một số dự án kém hiệu quả và còn thất thoát, lãng phí.

“Đóng góp của khu vực kinh tế trong nước vào tăng trưởng xuất khẩu thấp. Thị trường vốn, chứng khoán, bất động sản phát triển thiếu bền vững. Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại còn phức tạp”, Báo cáo chỉ rõ.

2. Tăng trưởng GDP thấp hơn 5 năm trước và chưa đạt chỉ tiêu đề ra

Sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm còn nhiều khó khăn, nhất là nông sản. Số lượng doanh nghiệp trong nền kinh tế còn ít, tăng chậm; số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn; nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả thấp. Chưa huy động được nhiều nguồn lực của khu vực ngoài nhà nước vào đầu tư phát triển. Chất lượng tăng trưởng cải thiện chậm; năng suất nhiều ngành, lĩnh vực thấp, công nghệ còn lạc hậu. Năng lực cạnh tranh quốc gia chưa cao.

3. Thực hiện ba đột phá chiến lược còn nhiều hạn chế

Thể chế kinh tế thị trường chưa thật đồng bộ, thông suốt; chưa thực sự là động lực tạo đột phá để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Cải cách hành chính và xây dựng thể chế để bảo đảm tự do, bình đẳng kinh doanh còn chưa đạt yêu cầu. Các loại thị trường vận hành còn vướng mắc, hiệu quả chưa cao.

Phát triển nguồn nhân lực, chất lượng giáo dục, đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu lao động chất lượng cao. Đổi mới giáo dục, đào tạo có mặt còn lúng túng, chưa gắn chặt chẽ với nhu cầu xã hội. Tình trạng mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo khắc phục chậm. Tiềm lực khoa học công nghệ còn hạn chế; cơ chế quản lý còn những bất cập; chưa có giải pháp đủ mạnh để phát triển thị trường và khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu, đổi mới ứng dụng khoa học công nghệ. 

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội còn nhiều mặt hạn chế, thiếu đồng bộ, chất lượng chưa cao. Quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu; quản lý đô thị còn nhiều yếu kém. Chưa có đột phá trong cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực ngoài nhà nước.

4. Thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm, chưa đồng bộ

Tái cơ cấu đầu tư công, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp nhà nước nhiều mặt còn hạn chế. Đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp, thất thoát, lãng phí ở một số dự án còn lớn; nợ đọng xây dựng cơ bản còn cao.

Chất lượng tín dụng cải thiện còn chậm, xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn, chưa thực chất. Năng lực tài chính, quản trị của một số tổ chức tín dụng còn yếu.

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ vốn được cổ phần hoá còn thấp. Hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với tài sản và nguồn lực được giao.

“Việc sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường còn nhiều khó khăn, bất cập, chưa đạt mục tiêu đề ra”, báo cáo viết.

Cơ cấu lao động chuyển dịch chưa đáp ứng yêu cầu, tỷ trọng lao động trong nông nghiệp còn lớn. Sản xuất, kinh doanh chưa tham gia nhiều vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Đổi mới công nghệ và phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao còn chậm.

Cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới chưa đạt mục tiêu. Đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn thấp. Hợp tác, liên kết trong sản xuất nông nghiệp phát triển còn chậm; kinh tế tập thể hoạt động còn lúng túng. Sản xuất nhiều loại nông sản còn manh mún, hiệu quả chưa cao; năng suất và thu nhập của lao động nông nghiệp còn thấp.

Nhiều ngành dịch vụ phát triển chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Hệ thống phân phối còn nhiều bất cập. Phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Một số vùng kinh tế trọng điểm, khu kinh tế chưa phát huy được vai trò động lực tăng trưởng; không gian phát triển còn bị chia cắt; liên kết giữa các vùng, địa phương còn hạn chế.

Chính phủ dự kiến Kế hoạch 2016-2020, theo đó tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5-7%/năm.

Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200-3.500 USD. Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP khoảng 85%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32-34% GDP. Bội chi ngân sách nhà nước còn khoảng 4% GDP.  Năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30-35%. Năng suất lao động xã hội bình quân tăng khoảng 5%/năm. Tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1-1,5%/năm. Tỷ lệ đô thị hoá đến năm 2020 đạt 38-40%.

Về xã hội, đến năm 2020, tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 40%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65-70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%.

Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Có 9-10 bác sĩ và trên 26,5 giường bệnh trên 1 vạn dân. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 80% dân số. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,0-1,5%/năm.

Đến năm 2020, 95% dân cư thành thị, 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh và 85% chất thải nguy hại, 95-100% chất thải y tế được xử lý. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.

Đặc biệt, trong các nhiệm vụ đặt ra, Chính phủ nhấn mạnh công tác triển khai thực hiện hiệu quả Luật Đầu tư công và kế hoạch đầu tư công trung hạn, bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất, phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, khả năng cân đối vốn của Nhà nước và tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước.

Chính phủ nhấn mạnh việc bố trí vốn tập trung, công khai, minh bạch; ưu tiên vốn đối ứng cho các dự án ODA quan trọng, thu hồi vốn ứng trước, thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, vốn cho các công trình chuyển tiếp cấp thiết, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng quan trọng, trong đó có các dự án PPP, xây dựng nông thôn mới và các vùng khó khăn. Từng bước hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, thân thiện môi trường, nhất là tại các đô thị lớn. Tăng cường phân cấp, đề cao trách nhiệm, tính chủ động cho các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư.

Tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, nâng cao năng lực quản trị, tiềm lực tài chính, hiệu quả hoạt động. Thực hiện công khai, minh bạch và áp dụng chuẩn mới về quản trị ngân hàng theo thông lệ quốc tế. Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC). Tăng cường thanh tra, giám sát, xử lý nghiêm các sai phạm, các hành vi thao túng gây hậu quả nghiêm trọng, bảo đảm an toàn hệ thống.

Một nhiệm vụ quan trọng cần triển khai trong giai đoạn này là tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Tăng cường quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu; nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động; thực hiện tốt quy định về phá sản doanh nghiệp. Tập trung cổ phần hoá, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, bán hết phần vốn nhà nước không cần nắm giữ theo cơ chế thị trường; sử dụng một phần số tiền thu được cho đầu tư phát triển. Phân định rõ nhiệm vụ sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường và thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao. Đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp.

Bên cạnh vai trò của doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ cũng chỉ rõ yêu cầu phát triển mạnh các loại hình và nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp tư nhân làm động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế. Hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp xã hội, kinh tế hộ gia đình. Thu hút đầu tư nước ngoài có công nghệ cao, thân thiện môi trường, tạo nhiều việc làm và thu nhập. Phát triển bền vững và nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác hiệu quả.

8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 2016-2020

Trên cơ sở nhìn nhận những yếu kém, để hoàn thành nhiệm vụ đặt ra, Chính phủ đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong 5 năm, giai đoạn 2016- 2020 là:

Thứ nhất, Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Thứ hai, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động.

Thứ tư, phát triển văn hoá và thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hoà với phát triển kinh tế.

Thứ năm, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; tăng cường quản lý tài nguyên và môi trường.

Thứ sáu, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm quyền tự do, dân chủ của người dân đi đôi với tuân thủ pháp luật; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Thứ bảy, tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Thứ tám, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế./.

 

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 11, Quốc hội sẽ thảo luận về Kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 ở Tổ vào ngày 24/3; ở Hội trường vào 1/4 và thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 vào ngày 12/4./.

An Nhi

 




TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/