CÁC TIN LIÊN QUAN
2016-2020: Tăng trưởng xanh tiếp tục là lĩnh vực được ưu tiên sử dụng vốn ODA

Nghị định quy định về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài vừa được Chính phủ ban hành nêu rõ 8 lĩnh vực được ưu tiên sử dụng vốn ODA, trong đó, tăng trưởng xanh tiếp tục có tên trong 8 lĩnh vực này.

 

Nghị định trên thay thế Nghị định số 38/2013/NĐ-CP, ngày 23/04/2013 của Chính phủ.

Nghị định mới quy định rõ, các lĩnh vực được ưu tiên sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi gồm: (i) Hỗ trợ thực hiện chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; (ii) Hỗ trợ nghiên cứu xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường thể chế quản lý nhà nước; (iii) Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; (iv) Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; (v) Hỗ trợ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh; (vi) Sử dụng làm nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP); (vii) Lĩnh vực ưu tiên khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Như vậy, so với Nghị định số 38, số lĩnh vực được ưu tiên sử dụng vốn ODA chỉ còn 8, giảm 1 lĩnh vực.

Theo đó, Nghị định mới bỏ lĩnh vực: Hỗ trợ thúc đẩy thương mại, đầu tư, tài chính, ngân hàng, du lịch… nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; và hỗ trợ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Bổ sung lĩnh vực sử dụng làm nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP.

Nghị định mới cũng quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 của Luật Đầu tư công.

Còn thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 của Luật Đầu tư công.

Đây cũng là điểm mới của Nghị định so với Nghị định số 38 trước đó.

Nghị định cũng nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với:

i) Các chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi;

ii) Chương trình, dự án, phi dự án sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại trong các trường hợp sau: Chương trình, dự án đầu tư nhóm A và nhóm B; chương trình, dự án, phi dự án kèm theo khung chính sách; chương trình, dự án, phi dự án trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, tôn giáo; chương trình tiếp cận theo ngành; dự án hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị chương trình, dự án vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi; dự án hỗ trợ kỹ thuật có quy mô vốn tài trợ tương đương từ 2 triệu USD trở lên; viện trợ mua sắm các loại hàng hóa thuộc diện phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép; sự tham gia của Việt Nam vào chương trình, dự án khu vực;

iii) Hỗ trợ ngân sách.

Đối với các chương trình, dự án, phi dự án không thuộc quy định trên, thì người đứng đầu cơ quan chủ quản quyết định chủ trương đầu tư.

Nghị định mới quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục đề xuất và lựa chọn đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi.

Theo đó, chương trình, dự án được đề xuất sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi phải đảm bảo 7 tiêu chí: (i) phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; (ii) chính sách, định hướng ưu tiên cung cấp vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; (iii) bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường và phát triển bền vững; (iv) bảo đảm tính bền vững về kinh tế; (v) phù hợp với khả năng cân đối vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn đối ứng; (vi) phù hợp với khả năng trả nợ công, nợ chính phủ và nợ chính quyền địa phương (đối với chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi); (vii) không trùng lặp với chương trình, dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư hoặc đã có quyết định đầu tư.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan có liên quan lựa chọn Đề xuất chương trình, dự án phù hợp theo tiêu chí trên, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản cho cơ quan chủ quản quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Đề xuất chương trình, dự án được cho phép triển khai lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định chặt chẽ trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư và thẩm định, quyết định đầu tư các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi...

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định số 251/QĐ-TTg ngày 17/02/2016 về phê duyệt Đề án “Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thời kỳ 2016 – 2020”

Tổng số vốn ODA và vốn vay ưu đãi chưa giải ngân của các chương trình, dự án đã ký kết chuyển tiếp từ thời kỳ 2011-2015 sang thời kỳ  2016-2020 còn khá lớn, khoảng gần 22 tỷ USD, trong đó phần lớn là những dự án đầu tư của Nhóm 6 Ngân hàng Phát triển với các khoản vay ODA ưu đãi. Do vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời kỳ 2016 - 2020 là phải tập trung cao độ để hoàn thành các chương trình, dự án này theo đúng tiến độ và thời hạn cam kết, đưa các công trình vào khai thác, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Đồng thời, cần có các chính sách và giải pháp thu hút, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi trên cơ sở các nguyên tắc chỉ đạo và lĩnh vực ưu tiên đề ra trong Đề án này để tạo nguồn vốn gối đầu và các tiền đề bền vững cho giai đoạn sau năm 2020.

Theo báo cáo chưa đầy đủ của các Bộ, ngành và địa phương, tổng nhu cầu huy động và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi thời kỳ 2016-2020 là rất lớn, khoảng 39,5 tỷ USD. Nhu cầu vốn cho các dự án chủ yếu tập trung vào lĩnh vực giao thông vận tải, phát triển đô thị, nông nghiệp và phát triển nông thôn, môi trường, giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ.

Căn cứ vào tiến độ thực hiện các chương trình và dự án đã ký kết, tổng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi dự kiến giải ngân thời kỳ 2016 -2020 đạt khoảng 25-30 tỷ USD, bình quân năm đạt 5 - 6 tỷ USD, tăng 14% so với thời kỳ 2011-2015 và chiếm khoảng 55% - 66% vốn đầu tư phát triển huy động từ bên ngoài.

Nhiệm vụ giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong thời kỳ 2016 - 2020 có tính khả thi cao vì hầu hết đều là các chương trình và dự án chuyển tiếp từ thời kỳ 2011-2015 và được sắp xếp trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 với các điều kiện bảo đảm vốn đối ứng để thực hiện chương trình, dự án theo tiến độ của các điều ước quốc tế và thỏa thuận tài trợ đã ký kết./.

Trí Dũng




TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/