CÁC TIN LIÊN QUAN
Tìm hướng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam

Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 6/2015 ước đạt 2,6 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2015 lên 14,42 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2014.

 

Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 6,93 tỷ USD, giảm 5,7% và giảm mạnh ở các mặt hàng như cà phê (35,1%) và gạo (10,5%); giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 2,97 tỷ USD giảm 16%, giảm mạnh ở thị trường lớn nhất là Mỹ (29,07%); giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 3,29 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2014.

Tại Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thuỷ sản do Bộ Công Thương vừa tổ chức tại Hà Nội, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết: một trong những nguyên nhân của sự sụt giảm là do trong khi nông sản nói chung có hiện tượng dư thừa nguồn cung thì áp lực cạnh tranh từ các nước khác ngày càng gia tăng. Ví dụ như đối với mặt hàng gạo, theo Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, xuất khẩu gao của Việt Nam sang các thị trường như Philíppin và Inđônêsia bị giảm sâu là do các quốc gia này cũng đang hướng tới tự chủ về lương thực. Hoặc như về hành tím của Sóc Trăng, khi tổng thống Inđônêsia và các cơ quan chức năng Inđônêsia đã đề nghị không nhập khẩu hành tím của Việt Nam để họ tự trồng và tự cung ứng.

Thêm vào đó là các vấn đề về tỷ giá đồng USD tăng so với các đồng tiền khác nên các nhà nhập khẩu cũng có xu hướng đàm phán giá giảm, trong khi giá thành các đầu vào lại không giảm do đó gây khó khăn không nhỏ đối với xuất khẩu thuỷ sản trong thời gian qua theo nhận định của Hiệp hội Xuất khẩu thuỷ sản VASEP.

Việc tìm hướng đi cho tiêu thụ hàng nông sản, thuỷ sản của Việt Nam đòi hỏi sự phối hợp của nhiều bộ, ngành các cấp. Trước hết là công tác thị trường: cần phải đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc chủ yếu vào một vài thị trường nhất định để khi thị trường có biến động không tốt gây ảnh hưởng ngay tới xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam. Ngoài việc tận dụng lợi thế của các Hiệp định tự do đã ký trước kia đối với các thị trường, thì cần tích cực khai thác các Hiệp định vừa kết thúc đàm phán mới đây và dự kiến sẽ kết thúc đàm phán và có hiệu lực trong thời gian tới. Các hiệp định tự do thương mại (FTA) mà Việt Nam đã ký như với Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á Âu và dự kiến hoàn tất đàm phán FTA với EU, EFTA và Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong thời gian tới sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam khi nhiều mặt hàng được hưởng thuế suất 0%.

Hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cũng đã và đang tham gia tích cực vào công tác cung cấp thông tin thị trường và kết nối đối tác nước ngoài với các doanh nghiệp Việt Nam. Trong nhiều công tác kết nối và xúc tiến tiêu thụ nông sản hiện nay có thể kể đến việc thúc đẩy xuất khẩu quả vải sang các thị trường khó tính như Mỹ, Úc, và EU (Pháp) sau nhiều năm cố gắng tìm hiểu và đàm phán, vận động thị trường nước bạn. Thêm vào đó công tác cập nhật thông tin thị trường nước sở tại cũng như các cảnh báo trong kinh doanh đối với các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu nông sản ở Việt Nam cũng đã và đang được tiến hành hiệu quả. Tuy nhiên, công tác này cần phải đẩy mạnh và triển khai trên nhiều mặt hàng nông sản hơn nữa.

Ngoài các thông tin về thị trường xuất khẩu, công tác thông tin tại thị trường nội địa cần được cải thiện hơn, đặc biệt phải có kênh truyền đạt thông tin đến tận người nông dân để có kế hoạch từ khâu sản xuất mới có thể giúp công tác tiêu thụ sản phẩm hiệu quả, hạn chế tối đa tình trạng ứ đọng và đổ bỏ sản phẩm. Trong thời gian vừa qua, thực tế do người nông dân không được cập nhật các thông tin liên quan tới quy cách, thủ tục thông quan, yêu cầu của thị trường, tập quán mua bán nên dẫn đến tình trạng sản xuất gia tăng mà không tiêu thụ được như dưa hấu, thanh long, hành tím…

Song song với đó là việc tập trung vào đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại cả trong và ngoài nước. Không chỉ chú trọng các hoạt động phát triển thị trường nước ngoài, thị trường nội địa cũng cần được quan tâm, trong đó có cả thị trường miền núi, biên giới và hải đảo. Các hoạt động xúc tiến thương mại được thực hiện đồng đều qua các năm, tập trung nhiều vào các mặt hàng nông sản, thực phẩm và thủy sản tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm. Kinh phí cho các hoạt động này cũng được Chính phủ quan tâm và tăng qua các năm. Các doanh nghiệp xuất khẩu đều đánh giá các hoạt động xúc tiến thương mại đã mang lại những lợi ích thiết thực trong công tác xúc tiến xuất khẩu. Trong thời gian tới, công tác xúc tiến thương mại cũng cần được triển khai tập trung hơn, có trọng điểm hơn và đổi mới phương thức hơn để mang lại hiệu quả cao hơn.

Tuy nhiên, một yếu tố quan trọng góp phần xuất khẩu thành công cần phải kể  đến đến là chất lượng hàng hóa, sản phẩm. Nếu được tạo điều kiện thuế suất 0%, được kết nối đối tác, cung cấp thông tin thị trường mà chất lượng không đảm bảo thì sản phẩm cũng không thể tiêu thụ được. Hơn nữa, các sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu thô, tỷ lệ qua chế biến chưa cao dẫn đến giá trị gia tăng chưa đáng kể, và còn gặp khó khăn tiêu thụ vì vấn đề mùa vụ, vòng đời sản phẩm. Do đó, cần có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu các sản phẩm đã qua chế biến như các sản phẩm hoa quả đóng hộp, cà phê rang xay... Ngoài ra, cần khuyến khích áp dụng và đổi mới công nghệ trong nuôi trồng, chế biến để tăng năng suất, hiệu quả cao đối với các mặt hàng nông sản xuất khẩu.

Bên cạnh đó, các mặt hàng nông sản của Việt Nam còn gặp phải khó khăn trong vấn đề xây dựng hình ảnh. Để có thị trường tiêu thụ ổn định nội địa cũng như xuất khẩu, các sản phẩm nông sản, thuỷ sản của Việt Nam cần phải được xây dựng và quảng bá, phát triển thương hiệu. Chính vì vậy, Chương trình Thương hiệu Quốc gia được Chính phủ phê duyệt nhằm mục đích tạo dựng hình ảnh về Việt Nam là quốc gia gắn với các sản phẩm (hàng hoá và dịch vụ) có uy tín và chất lượng trong mắt bạn bè thế giới. Chương trình THQG đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều hoạt động để xây dựng hình ảnh về các sản phẩm của Việt Nam nói chung và nông sản nói riêng. Thông qua chương trình, doanh nghiệp sẽ được phổ biến các kiến thức về xây dựng và phát triển thương hiệu, và quảng bá hình ảnh sản phẩm ra nước ngoài. Bên cạnh nỗ lực của các cơ quan chức năng trong các hoạt động, các doanh nghiệp cũng cần phải chủ động, tích cực, khai thác các thông tin thị trường và tìm kiếm bạn hàng, trang bị các kiến thức cần có trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và cạnh tranh gay gắt hiện nay.

Như vậy, tựu chung lại, vấn đề đẩy mạnh tiêu thụ nông sản rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, các nhà khoa học, doanh nghiệp cũng như người nông dân. Trong đó, Nhà nước có vai trò xây dựng cơ chế chính sách, đưa ra dự báo, kế hoạch sản xuất cho người nông dân; các nhà khoa học hướng dẫn ứng dụng công nghệ tiên tiến tăng năng suất lao động, còn doanh nghiệp tìm thị trường tiêu thụ, và người nông dân trực tiếp sản xuất theo định hướng.

Trích nguồn: NCIF

Tác giả: Vân Anh

 




TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/