CÁC TIN LIÊN QUAN
Sẽ có chỉ thị riêng về xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã cho biết điều này tại Hội nghị hướng dẫn kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020 tổ chức ngày 02/02/2015.

   

    Bố trí vốn: “Áp lực kinh khủng”

 

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã chia sẻ điều này tại Hội nghị hướng dẫn kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020 tổ chức ngày 02/02/2015.

Ông cho biết, vừa qua, sơ bộ kế hoạch đầu tư được các bộ, ngành, địa phương đưa lên, thì  có bộ đã đưa lên nhu cầu vốn gấp 20-30 lần khả năng cân đối cho bộ đó. Các địa phương cũng gấp ít nhất 10 lần.

Chính vì vậy, với việc Luật Đầu tư công có hiệu lực từ ngày 01/01/2015 là "quyết tâm rất lớn" dù sự thay đổi nào cũng "rất đau, rất khó".

Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng cũng đã ra Chỉ thị ưu tiên sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách cho những nhóm dự án cụ thể. Trước hết, làm "vốn mồi" để đối ứng cho các dự án hợp tác công tư (PPP). Thứ hai là vốn đối ứng cho dự án ODA. Ưu tiên thứ ba là dùng tiền ngân sách để chi cho trả nợ. Ưu tiên thứ tư là bố trí cho các công trình dở dang, chuyển tiếp.

Vì thế, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh lưu ý, cần làm rõ đang có bao nhiêu dự án ODA triển khai trên khắp đất nước với giá trị tổng vốn của các dự án là bao nhiêu? Trong đó, phần vốn của nước ngoài, vốn đối ứng của Việt Nam là bao nhiêu, khả năng cân đối như thế nào?

“Những dự án mới đang chuẩn bị ký thì ngừng lại cũng được vì áp lực vốn đối ứng nhiều quá”, Bộ trưởng thẳng thắn.

 Nợ đọng xây dựng cơ bản là hành vi bị cấm trong Luật 

 Nhắc đến vấn đề này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh lại quyết liệt mà rằng: “Việc xử lý nợ cũ có thể kéo dài tới 5 năm chứ không nhanh được, song việc kiểm soát nợ mới phải bắt đầu ngay từ bây giờ”.

Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng Chính phủ sẽ có Chỉ thị riêng về xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản. Các địa phương sẽ phải thống kê các khoản nợ xây dựng cơ bản từ các nguồn nợ ngân sách trung ương, nợ ngân sách địa phương, các nguồn nợ khác (như nợ ứng trước của doanh nghiệp…).

Nợ đọng xây dựng cơ bản là hành vi bị cấm trong Luật Đầu tư công đồng nghĩa với việc những người gây nợ đọng xây dựng cơ bản sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Và, khoản ngân sách được phân bổ trong giai đoạn này sẽ không có nguồn cho các khoản nợ phát sinh sai pháp luật này.

“Các địa phương phải nắm rõ yêu cầu này của Luật. Kể cả Thủ tướng Chính phủ cũng không được phép đồng ý cho các khoản nợ phát sinh sau ngày 1/1/2015. Luật đã quy định rồi, nếu bộ ngành địa phương cứ trình xin, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng ký thì tất cả đều sai luật”, Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh.

Cho tới thời điểm này, vẫn có những kiến nghị từ các bộ, ngành, địa phương đề nghị nới thời gian chốt nợ xây dựng cơ bản tới ngày 30/12/2015.

Trước hiện trạng này, bà Nguyễn Thị Phú Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định lại rằng: “Việc xác định số nợ đọng xây dựng cơ bản đến ngày 31/12/2014 là bắt buộc”.

Song, hiện tại, dự thảo Kế hoạch đầu tư công trung hạn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư lần thứ nhất của 43 bộ, ngành và 24 địa phương vẫn chưa có thống kê này.

Vì vậy, bà đề nghị các địa phương hoàn tất trong dự thảo lần thứ 2 vào tháng 6/2015.

Địa phương chỉ được phân bổ 85% tổng vốn đầu tư

Việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020, theo bà Hà phải được thực hiện theo các căn cứ và nguyên tắc nhằm thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công và thu hút các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác trong và ngoài nước, cũng như của từng ngành, lĩnh vực, địa phương.

Cụ thể, trong tổng số vốn kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020, đối với từng nguồn vốn, các bộ, ngành, địa phương chỉ phân bổ 85% tổng số vốn, còn lại 15% để dự phòng xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn trong từng năm cụ thể.

Theo quy định tại Chỉ thị số 23/CT-TTg, giai đoạn 2016-2020 chỉ có 2 chương trình mục tiêu quốc gia là Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thông mới được thực hiện, còn lại 14 chương trình mục tiêu quốc gia triển khai trong giai đoạn 2011-2015 sẽ được rà soát, lồng ghép vào  02 Chương trình nêu trên

 Về chương trình mục tiêu, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu giảm tối đa số lượng chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020 theo hướng lồng ghép các chương trình  sao cho cấp có thẩm quyền phê duyệt không quá 2 chương trình mục tiêu cho mỗi ngành, lĩnh vực.

Trên cơ sở các căn cứ và nguyên tắc nêu trên, dự kiến khả năng cân đối các nguồn vốn đầu tư công, khả năng huy động các nguồn vốn khác để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư công; các giải pháp huy động vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2016-2020, các bộ, ngành, địa phương tổ chức rà soát dự kiến danh mục các dự án đầu tư công và lập kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm 2016-2020 của từng nguồn vốn theo đúng quy định.

Theo đó, Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 của các bộ, ngành, địa phương được xây dựng theo quy trình thống nhất và báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến phê duyệt gửi cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo 3 lần dự thảo.

Dự thảo kế hoạch lần thứ nhất là giai đoạn dự kiến sơ bộ về nhu cầu đầu tư. Dự thảo kế hoạch lần thứ hai gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 30/6/2015, đây là giai đoạn tiếp tục hoàn thiện dự thảo kế hoạch của các bộ, ngành, địa phương.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp, trình Chính phủ dự thảo kế hoạch và phương án phân bổ vốn cho các bộ, ngành, địa phương trình Thủ tướng Chính phủ để báo cáo Quốc hội.

 Dự thảo lần thứ ba gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 20/11/2015, đây là giai đoạn phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư trung hạn để báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định giao kế hoạch./.

 

Phương Anh



TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/