CÁC TIN LIÊN QUAN
Mối lo trước thềm AEC

Mặc dù theo Tổng cục Thống kê, năm 2014 là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam xuất siêu với mức gần 2 tỉ đô la Mỹ - cao hơn nhiều so với hai năm trước, nhưng theo dự báo của Bộ Công Thương, bước sang năm 2015, chúng ta sẽ lại… nhập siêu tới 6 tỉ đô la Mỹ. Vì sao bức tranh xuất nhập khẩu lại đột ngột chuyển màu như vậy? Và quan trọng hơn, giải pháp nào để giảm thiểu tình trạng nhập siêu, nhất là trong bối cảnh cánh cửa hội nhập từ năm 2015 mở rộng với việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và bắt đầu thực hiện sâu các cam kết FTA.

 

Ngày đầu năm, trả lời về cảm nhận khi vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) trong năm 2015, một người dân hứng khởi: hàng ASEAN sẽ vào nhiều, tha hồ lựa chọn. Câu nói đúng nhưng chưa đủ.

Nhập siêu từ ASEAN đã tăng

Soát lại hành trang kinh tế Việt Nam qua “gói” thương mại, sẽ mường tượng ra viễn cảnh. Mậu dịch Việt Nam - ASEAN tăng trưởng qua từng năm, song cũng qua từng năm thì nhập siêu của Việt Nam từ ASEAN cũng tăng tuần tự. Ngay cả ba năm gần đây, hãnh diện là nước xuất siêu, thậm chí xuất siêu của năm 2014 lớn hơn xuất siêu của hai năm 2012 và 2013 cộng lại, thì lần lượt nhập siêu của Việt Nam từ ASEAN năm 2012-2014, là: 3,4 tỉ đô la Mỹ, 3 tỉ đô la Mỹ, 5,1 tỉ đô la Mỹ. Cũng theo tuần tự đó, tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu sang khu vực thị trường này là: 19%, 14%, 25,8%. Trong ba năm, năm 2014 Việt Nam xuất siêu kỷ lục thì Việt Nam nhập siêu từ ASEAN cũng quán quân. Trong “bọc” nhập siêu năm 2014 từ cộng đồng hàng xóm này, có hai địa chỉ “khủng”. Đứng đầu là từ Singapore với 4,2 tỉ đô la Mỹ, tỷ lệ nhập siêu/kim ngạch xuất khẩu là 150% và cặp số tương ứng của địa chỉ thứ hai - Thái Lan là 3,2 tỉ đô la Mỹ và 94%.

Việc Việt Nam nhập siêu từ ASEAN có căn nguyên do thực lực kinh tế nước ta so với một số nước trong khu vực này. Nếu so theo số dân, diện tích, thì ta trong tốp cao từ trên xuống, còn đọ về thu nhập quốc dân, kim ngạch xuất khẩu tính theo đầu người, năng suất lao động thì cũng trong tốp cao nhưng từ... dưới lên.

Tính đến tháng 11-2014, Singapore đã có 1.342 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 32,7 tỉ đô la Mỹ, chiếm 7,7% tổng số dự án và 13% tổng vốn đăng ký của cả nước, đứng thứ 3/101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Singapore là một trong những nước sớm có những khu công nghiệp ở Việt Nam, khởi đầu từ phía Nam, nay lan ra Bắc.

Singapore chủ yếu đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo, kinh doanh bất động sản. Nhưng xin hiểu công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ là nguồn để bạn đưa vào thiết bị máy móc, phụ tùng nhờ Việt Nam gia công với lao động giá rẻ. Kim ngạch hàng vào Việt Nam qua đầu tư áp đảo hàng tiêu dùng, dù cũng rất lớn.

Việt Nam xuất khẩu sang Singapore không ít, nhưng hầu như để trung chuyển hoặc bạn tái chế rồi bán cho nước thứ ba. Nhìn giá họ tái xuất mà ngẩn ngơ.

Hàng ASEAN sẽ tràn vào Việt Nam là chính xác. Có quá nhiều việc phải làm nhưng hình như mới chỉ là... định hướng.

Thái Lan cũng là nhà đầu tư vào Việt Nam sớm, đầu tiên là nuôi tôm tại Vũng Tàu. Đến nay, với 153 dự án đầu tư và tổng số vốn đăng ký là 1,54 tỉ đô la Mỹ, Thái Lan đứng thứ 12/79 nước và vùng lãnh thổ và đứng thứ ba trong số các nước ASEAN đầu tư vào Việt Nam.

 

Các dự án của Thái Lan chủ yếu vào xây dựng hạ tầng cơ sở cho khu công nghiệp, đô thị mới và về hóa chất, vật liệu xây dựng, sản xuất thức ăn gia súc.

Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan dầu thô, than đá (chiếm trên 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này); tiếp đến là thủy sản, nông sản, rau quả, dệt may, giày dép, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Đây chỉ là hàng thô, gia công, giá thấp, giá trị gia tăng cũng thấp.

Việt Nam nhập khẩu từ Thái Lan linh kiện, phụ tùng ô tô, chất dẻo nguyên liệu, máy móc, thiết bị, phụ tùng, xăng dầu, linh kiện xe máy, sắt thép các loại. Hàng công nghệ, giá ắt cao. Chưa kể hàng tiêu dùng như mỹ phẩm, thực phẩm, đồ nhựa, quần áo... cũng đầy rẫy.

Đứng sau Singapore về đầu tư, nhưng Thái Lan lại nổi về hàng tiêu dùng nhập khẩu vào Việt Nam. Hàng Thái Lan qua Lào, Campuchia đổ vào các khu kinh tế cửa khẩu Lao Bảo - Quảng Trị, Mộc Bài - Tây Ninh, Hà Tiên - Kiên Giang để câu du khách hoặc ào ạt theo thương buôn người Việt, qua mặt các cơ quan chức năng, tuồn đi khắp ngả.

Việc xài hàng Thái từ lâu đã phổ biến trong nhiều tầng lớp người Việt. Xe máy Thái yên tâm hơn xe Trung Quốc. Trái cây Thái cũng được ưa chuộng hơn trái cây Trung Quốc, kể cả của ta. Việt Nam xuất khẩu gạo thứ hai thế giới, nhưng trong bữa ăn của nhiều gia đình khá giả người Việt lại ngào ngạt cơm gạo Thái, nấu bằng nồi điện “made in Thailand”, dù đắt gấp rưỡi gạo ta. Điều này tự lý giải một phần cớ sao xuất khẩu gạo của Việt Nam luôn rượt đuổi Thái Lan. Hóa mỹ phẩm từ Thái Lan cũng chiếm được cảm tình của phái đẹp. Hàng Thái không chỉ bán tại các đường to, phố lớn mà còn len lỏi vào các phố nhỏ, ngõ cụt, tiệm cận gần nhất với người tiêu dùng với chỉ dẫn đèn nhấp nháy “Hàng Thái xách tay”.

Thúc đẩy hành trình đổ hàng vào Việt Nam, hơn 10 năm qua đến hẹn lại lên, Thái Lan mở triển lãm hàng tiêu dùng tại ở Hà Nội, Hải Phòng, và phía Nam, cuộc nào cũng nườm nượp khách, dường như gây “nghiện” cho nhiều người Việt. Trong khi đó, Việt Nam không thể có các sự kiện tương tự như vậy ở Thái Lan. Cộng đồng người Việt định cư bên Thái không ít, vậy mà chưa thể thực hiện được kỳ vọng trong cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt” lan tới bà con ta.

Đường bộ, hàng không, đường thủy đều thuận; nhiều mặt hàng tương đồng về thị hiếu, cùng khẩu vị tiêu dùng, nên hàng Thái vào nước ta ngày càng nhiều là dễ hiểu.

Thách thức nhiều hơn cơ hội

Bảo rằng, khi có AEC, hàng nông sản, thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam sẽ được ưu đãi về thuế là không sai. Song thực sự khối hàng này có nhiều nhặn gì. Giả dụ đổ toàn bộ nhóm hàng này vào ASEAN cũng chỉ ngang bằng với kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ khu vực này. Hơn nữa, loại hàng này luôn nhạy cảm về an toàn, vệ sinh thực phẩm, liệu có vượt “vũ môn” hàng rào kỹ thuật của họ được không? Câu hỏi không mới nhưng trả lời là khó. Cao su Việt Nam chẳng lẽ lại xuất khẩu vào Malaysia, nơi có nguồn cao su dồi dào? Indonesia, Malaysia cũng là các tên tuổi trong làng hồ tiêu thế giới, nên phải chừa cửa này. Hàng thủ công mỹ nghệ, ta có thế mạnh truyền thống thì các nước ASEAN cũng tinh xảo, lâu đời. Hàng Việt Nam còn phải cạnh tranh với hàng các quốc gia hùng hậu khác mà ASEAN đã ký FTA.

Hy vọng sẽ nhập khẩu hàng hiện đại thì không hẳn vì các quốc gia ASEAN chỉ có công nghệ sao chép, không phải là công nghệ gốc. Từ năm 2015, phải tính chuyện nhập than, Indonesia cũng là một nguồn.

Hàng ASEAN sẽ tràn vào Việt Nam, khi đó hàng nội sẽ đứng trước nguy cơ. Sẽ có cơ sở phải thu hẹp sản xuất, bán thương hiệu. Khi đã ít việc, không có việc, nên hàng ASEAN có vào nhiều, lóa mắt nhưng “viêm màng túi” thì chỉ có thể nhìn. 

Trước tình cảnh này, các doanh nghiệp chắc hẳn phải bấu víu vào cấp quản lý, từng đề ra chiến lược, tầm nhìn, điều hành quyết liệt, tháo gỡ khó khăn... Bài học “con thuyền Việt Nam ra khơi WTO nhưng đói gió” vẫn còn tươi nét mực.

Nguyễn Duy Nghĩa

FTA Việt Nam - Hàn Quốc: Hành động của chúng ta

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) được kết tinh từ hai luồng sinh khí. Một là, quan hệ thương mại Việt Nam - Hàn Quốc đang thăng hoa, luôn vượt các cam kết giữa lãnh đạo hai nước. Hai là, định chế thương mại tự do giữa hai nước thực ra đã được xác lập trong Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) từ năm 2009. Tuy hàng Việt Nam vào Hàn Quốc phải cạnh tranh với hàng hóa từ các nước ASEAN, nhưng việc Việt Nam ký FTA song phương với Hàn Quốc trước các nước trong khu vực, chắc chắn sẽ tạo lợi thế hơn cho hàng của ta khi thuế dành cho hàng của Việt Nam sẽ “thuận hơn” so với các nước ASEAN, và Việt Nam đã xây dựng được cơ chế trao đổi để giảm thiểu tối đa các hàng rào kỹ thuật của Hàn Quốc - trở ngại chính đối với hàng nông, thủy sản của Việt Nam sang thị trường này. Đặc biệt, lần đầu tiên Hàn Quốc mở cửa cho những hàng nhạy cảm như tỏi, gừng, mật ong, tôm. Theo báo cáo của Trung tâm ASEAN - Hàn Quốc, Việt Nam là nước có tỷ lệ tận dụng C/O AKFTA ưu đãi tốt nhất trong số các nước ASEAN xuất khẩu vào Hàn Quốc. Nhiều nhóm hàng Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc hàng năm tăng 30-40%. Đây sẽ là cơ hội “kép” để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang Hàn Quốc, giảm nhập siêu một cách tích cực, tiến tới cân bằng thương mại giữa hai nước.

Hành động của ta phải gồm hai nhóm giải pháp, ví như hai mũi giáp công: từ doanh nghiệp và cấp quản lý.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của ta thường được các nhà nhập khẩu Hàn Quốc sang tận nơi lựa chọn, và không chỉ để tiêu thụ tại thị trường này mà còn cung ứng cho mạng lưới siêu thị toàn cầu của họ. Điều này rất khích lệ bởi hàng của ta đáp ứng được đa nhu cầu, qua được nhiều cửa ải. Nhưng nó lại đòi hỏi mỗi doanh nghiệp càng phải nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa - dịch vụ theo quy chuẩn của Hàn Quốc - thường mang tính phổ cập toàn cầu, giá cả cạnh tranh, cải thiện điều kiện thương mại... Muốn vậy, phải đầu tư, đổi mới kỹ thuật, nâng cao năng lực sản xuất, kiểm tra nghiêm ngặt vệ sinh, an toàn thực phẩm, nâng cao tay nghề, tính chuyên nghiệp đội ngũ nhân lực.

Hàn Quốc còn cử các chuyên gia sang xem xét điều kiện sản xuất, hướng dẫn thiết kế, thủ pháp tiếp thị, quản lý. Cần tranh thủ cơ hội này tiếp thu những kinh nghiệm từng mang lại thành công cho nước họ.

Theo VKFTA, Hàn Quốc tự do hóa 96,48% giá trị nhập khẩu từ Việt Nam, ngược lại Việt Nam tự do hóa 92,75% tổng giá trị nhập khẩu từ Hàn Quốc năm 2012. Xét về số dòng thuế, Hàn Quốc tự do hóa 95,43% số dòng thuế, Việt Nam cam kết với 89,75% số dòng thuế. Việt Nam đang nhập siêu từ Hàn Quốc. Vì thế, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần tận dụng những mã số thuế có lợi cho những mặt hàng tiềm năng vào Hàn Quốc. Còn nhà nhập khẩu ưu tiên chọn những mặt hàng có mã số thuế hợp lý, và chỉ là hàng thiết yếu, khi cần có thể chuyển  nhập ở thị trường khác hoặc thay bằng hàng nội. 

Nguyễn Duy Nghĩa

 

 




TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/