CÁC TIN LIÊN QUAN
Nông sản xuất khẩu với áp lực "hàng rào kỹ thuật"

Thời gian gần đây, có thông tin về việc rau quả Việt Nam đang đứng trước nguy cơ cấm xuất khẩu sang thị trường EU do nhiều lô hàng bị cảnh báo nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, không chỉ có những mặt hàng rau, quả mà tôm, cá và nhiều nông sản xuất khẩu của chúng ta cũng đang chịu áp lực từ "hàng rào kỹ thuật" đầy khắc nghiệt...

 

Sai một ly, "đi" cả... thị trường

Từ tháng 10-2014, có nhiều "thông tin" về các nông sản xuất khẩu Việt Nam vấp phải "hàng rào kỹ thuật" tại các thị trường, trong đó, có hai lô hàng rau, quả Việt Nam xuất khẩu sang EU dính sâu đục quả, khiến những doanh nghiệp (DN) xuất khẩu rau quả có nguy cơ bị ngừng xuất khẩu. Cùng thời gian, nhiều DN xuất khẩu cá ngừ đại dương ở tỉnh Khánh Hòa sang Mỹ bị trả lại hàng do cá nhiễm vi khuẩn E.Coli, vi sinh Salmonella; không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm... Ngay cả những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực như đồ gỗ, cà-phê, hồ tiêu... cũng hằng ngày, hằng giờ phải đối diện với áp lực "hàng rào kỹ thuật". Như hồ tiêu, năm đầu lọt ngành hàng "tỷ đô", chỉ 10 tháng đầu năm 2014, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,106 tỷ USD nhưng cũng đang phải đối mặt nhiều hàng rào kỹ thuật, nhất là các chỉ số an toàn vệ sinh thực phẩm và đòi hỏi sản phẩm phải có thương hiệu, chỉ dẫn xuất xứ, sản xuất, thương mại bền vững cho xã hội và môi trường ở một số thị trường cao cấp, khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản...

Nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các nông sản xuất khẩu bị "hàng rào kỹ thuật" tại các thị trường khó tính chặn đứng, nhưng trong nhiều trường hợp lại từ chính các DN Việt Nam, như các lô cá ngừ nhiễm khuẩn bị trả lại là từ khâu rã đông, nước bẩn rau nhiễm khuẩn bị EU cảnh cáo là do sau khi được cơ quan kiểm dịch thực vật làm thủ tục kiểm dịch, trong quá trình đưa ra sân bay, DN cố tình cho thêm vào một lượng rau khác chưa được kiểm dịch để tăng số lượng(!?)

Ðương nhiên, hậu quả từ "hàng rào kỹ thuật" là vô cùng nặng nề. Theo Giám đốc Công ty TNHH hải sản Bền Vững (Khánh Hòa) Nguyễn Thị Thu Thanh, đơn vị từng bị trả 20 tấn cá ngừ phi lê do phía Mỹ phát hiện nhiễm vi sinh Salmonella và bị liệt vào danh sách cảnh báo. Lô hàng bị trả về thường được xử lý lại để bảo đảm tiêu chuẩn, nhưng nhiều lô mặc dù xử lý diệt khuẩn hàng chục lần, nhưng xuất khẩu trở lại vẫn bị trả về khiến DN mất trắng hàng trăm nghìn USD. Nghiêm trọng hơn, có khi chỉ vì một vài lô hàng "dính" phải rào cản kỹ thuật cũng có thể mất trắng một thị trường. Ví như các lô hàng rau gia vị vừa qua, dù số lượng xuất khẩu sang EU chỉ rất nhỏ nhưng để đàm phán và mở cửa được một sản phẩm xuất khẩu sang EU là điều vô cùng khó khăn, vì thế, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quyết định tạm ngừng xuất khẩu đối với năm loại rau có nguy cơ, bởi chúng ta không thể tham xuất thêm một vài lô hàng, để rồi chỉ cần thêm hai lô hàng vi phạm nữa là mất cả một thị trường...

Thà một lần đau

Thông tin EU cảnh báo đối với năm mặt hàng rau gia vị (húng quế, ớt, cần tây, khổ qua và ngò gai) đã gây sốc dư luận, tuy sau đó, ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng BVTV khẳng định, chỉ là "tạm ngưng chứ không cấm xuất khẩu rau, quả sang thị trường EU". Tuy nhiên, để răn đe các DN làm ăn chụp giật, Cục BVTV đã quyết định tạm thời ngừng xuất khẩu đối với năm loại rau gia vị nêu trên cho tới ngày 1-2-2015. Ðồng thời yêu cầu các đơn vị của Cục BVTV phía nam tăng cường các biện pháp kiểm soát, nếu phát hiện thêm vi phạm, sẽ cấm xuất khẩu vĩnh viễn.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một biện pháp hành chính mang tính "tình thế". Về lâu dài, vượt qua những rào cản kỹ thuật và đứng vững được trên những thị trường "khó tính" đòi hỏi những giải pháp dài hơi, giải quyết vấn đề từ gốc. Với mong muốn "nhặt sâu cho rau xuất khẩu", người ta đã chỉ ra quy trình sản xuất, kiểm dịch lỏng lẻo, thiếu sự can thiệp kịp thời từ cơ quan quản lý khiến mặt hàng rau, quả xuất khẩu sang EU luôn tiềm ẩn nguy cơ mất thị trường bất cứ lúc nào. Theo TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam thì rau, quả xuất khẩu của các DN nước ta đều đã sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP. Nhưng kẽ hở chính ở cách quản lý. Rau, quả có thể do chính DN tự trồng hoặc thu mua từ các hộ nông dân liên kết trong chuỗi GAP, nhưng nhiều DN bỏ mặc khâu giám sát quá trình trồng trọt dẫn đến tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm tràn lan, quá mức cho phép. Ham lợi nhỏ, quản lý lỏng và xem nhẹ chữ tín, là những "tử huyệt" của DN sẽ làm hại chính họ.

Một điều khác không kém phần quan trọng: DN cần có nhiều giải pháp nâng cao vị thế nông sản xuất khẩu Việt Nam, để không chỉ vượt qua "hàng rào kỹ thuật" mà còn bám rễ, vươn cành tại các thị trường khó tính. TS Nguyễn Hữu Ðạt, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 cho rằng: "Cần có chiến lược chủ động tiêu thụ sản phẩm, thống nhất điều hành xuất khẩu, đa dạng hóa loại hình chế biến (tươi, đông lạnh, khô, ngâm muối); tận dụng mọi thị trường. Có chương trình mở rộng thị trường "khó tính" cả về số lượng lẫn chất lượng, thí dụ chương trình đưa trái cây Việt Nam vào siêu thị Mỹ, xây dựng chuỗi các cửa hàng bán sỉ và lẻ trái cây Việt tại các thành phố lớn tại Mỹ thuộc sở hữu của các doanh nghiệp Việt Nam; hay chương trình đưa trái thanh long vào ba hòn đảo chính của Nhật Bản...

Trong nhiều ý kiến khác nhau, nổi lên một quan điểm mấu chốt: DN phải nắm bắt được tiêu chuẩn chất lượng quốc gia. Chỉ có tuân thủ nghiêm tiêu chuẩn quốc gia, DN mới hiểu và có cơ sở đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng của các quốc gia khác, nhất là các nước châu Âu, Mỹ. Ðó còn là thay đổi tư duy và cách thức tổ chức sản xuất, tổ chức lại sản xuất thông qua xây dựng mối liên kết; kiểm soát yếu tố nguyên liệu đầu vào; cập nhật các yêu cầu của thị trường vì các nước thường xuyên thay đổi tiêu chuẩn kỹ thuật và phải có sự kết nối chặt chẽ với nhà nhập khẩu.

Hàng rào kỹ thuật trong lĩnh vực nông sản liên quan đến: Dư lượng thuốc trừ sâu, kim loại nặng, biến đổi gen, canh tác, môi trường, đóng gói, ghi nhãn... Khi xuất khẩu hàng nông sản vào các quốc gia sở tại, các quốc gia yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu xác nhận, lập danh sách các cơ sở đăng ký để xuất khẩu vào, hoặc xuất trình hồ sơ các chương trình quản lý chất lượng, chương trình giám sát của nước xuất khẩu, một số sản phẩm phải khử trùng, ra nhiệt, chiếu xạ... Thậm chí, Mỹ, EU còn có lịch định kỳ trực tiếp sang kiểm tra hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam.

(Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Ðo lường Chất lượng)

TÂM THỜI, HẢO TRẦN

 




TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/