CÁC TIN LIÊN QUAN
Nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, yếu kém

Quốc hội đã khai mạc Kỳ họp bận rộn nhất trong năm. Dự kiến, với 2/3 thời gian dành cho công tác xây dựng luật, Kỳ họp này sẽ xem xét, thông qua 18 dự án luật và 3 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến lần đầu với 12 dự luật khác.

Kỳ họp toàn thể cuối năm của Quốc hội khai mạc sáng nay (20/10) tại Hà Nội. Dự kiến, Kỳ họp sẽ kéo dài đến hết ngày 28/11, tại tòa nhà Quốc hội mới khai trương sau 5 năm xây dựng.

Vẫn còn nhiều vấn đề trong nội tại nền kinh tế

Trong bài phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, Kỳ họp thứ 8 đang diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, nhưng còn chậm, xung đột vũ trang ở một số vùng diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến đời sống chính trị, kinh tế của khu vực và toàn cầu.

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ: Kinh tế, xã hội của nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, yếu kém, đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước.

“Tình hình đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta có quyết tâm cao hơn, có chủ trương, giải pháp căn cơ, đồng bộ để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, phục hồi đà tăng trưởng, phát triển hạ tầng, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp và thể chế”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nói.

Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng cho biết, trong 9 tháng đầu năm, nền kinh tế đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực.

Kinh tế tiếp tục tăng trưởng; quý I đạt 5,09%, quý II đạt 5,25%, quý III đạt 6,19%, tính chung 9 tháng đạt 5,62%, cao hơn cùng kỳ 2 năm trước; ước cả năm 2014 đạt khoảng 5,8%. Sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 6,7%. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3,5%. Khu vực dịch vụ tăng gần 6%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,1% (loại trừ yếu tố giá tăng khoảng 6,2%). Khách quốc tế đến Việt Nam 9 tháng đạt trên 6 triệu lượt, tăng 10,4%, ước cả năm đạt khoảng 8 triệu lượt.

Đặc biệt, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn. Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, 9 tháng tăng 2,25%, thấp nhất trong 10 năm qua; dự kiến cả năm tăng dưới 5%. Mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2% so với cuối năm 2013. Tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 9 đạt 7,26% (cùng kỳ là 6,87%), dự kiến cả năm tăng 12%-14% theo kế hoạch. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại tệ tăng, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng lên.

Tuy nhiên, Thủ tướng thừa nhận, kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế chưa vững chắc. Bội chi ngân sách còn cao. Nợ công tăng nhanh. Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách năm 2014 khoảng 14,2% (theo quy định của Chiến lược nợ công là không quá 25%), nhưng nếu tính cả vay để đảo nợ và trả nợ vay về cho vay lại thì khoảng 26,2%. Tổng cầu tăng chậm. Tăng trưởng tín dụng chậm trong những tháng đầu năm. Nợ xấu còn cao, xử lý còn chậm. Việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển chưa đáp ứng yêu cầu. Thị trường chứng khoán phát triển chưa vững chắc. Thị trường bất động sản phục hồi chậm. Tỷ trọng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu còn thấp. Quản lý thị trường, phòng chống gian lận thương mại, chuyển giá hiệu quả chưa cao.

Môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh cải thiện còn chậm. Thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc. Sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn. Doanh nghiệp còn khó tiếp cận vốn tín dụng. Năng lực tài chính và quản trị của phần lớn doanh nghiệp trong nước còn hạn chế. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn. Tỷ trọng đầu tư của khu vực ngoài nhà nước giảm.

Tái cơ cấu được triển khai tích cực, nhưng chuyển biến còn chậm

Thủ trướng cho biết, đã tập trung vốn cho các công trình quan trọng, cấp thiết, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải. Tăng cường xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, kiểm soát chặt chẽ các dự án khởi công mới. Hoàn thiện cơ chế chính sách, nhất là các hình thức hợp tác công - tư để thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước.

Đẩy mạnh thực hiện Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng. Cơ bản hoàn thành tái cơ cấu các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, giảm 7 tổ chức tín dụng, năng lực tài chính của ngân hàng thương mại tăng lên, an toàn hệ thống được bảo đảm. Đã xử lý 53,6% tổng số nợ xấu được xác định trong Đề án bằng thu hồi nợ, tái cơ cấu nợ, sử dụng dự phòng rủi ro và mua lại nợ xấu qua Công ty quản lý tài sản (VAMC).

Ban hành các cơ chế chính sách tháo gỡ vướng mắc trong cổ phần hóa và thoái vốn. Trong kế hoạch cổ phần hóa 432 doanh nghiệp giai đoạn 2014 - 2015, qua 9 tháng đã cổ phần hóa 71 doanh nghiệp (gần bằng cả năm 2013 là 74 doanh nghiệp) và đã công bố giá trị 123 doanh nghiệp, dự kiến cả năm sẽ cổ phần hóa khoảng 200 doanh nghiệp. Thoái vốn đầu tư ngoài ngành 9 tháng đạt 3.500 tỷ đồng, gấp 3,6 lần cả năm 2013.

“Hầu hết các tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm ăn có lãi, vốn chủ sở hữu được bảo toàn và phát triển, đóng góp vào ngân sách nhà nước tăng. Đang triển khai thực hiện tái cơ cấu các công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị quyết của Bộ Chính trị”. Thủ tướng nói.

Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Phong trào xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, đến cuối năm 2014 dự kiến có khoảng 790 xã hoàn thành 19 tiêu chí (chiếm 8,8%).

Cơ cấu công nghiệp chuyển dịch tích cực; tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo tăng, công nghiệp khai khoáng giảm. Nhiều dự án đầu tư trong các lĩnh vực điện tử, năng lượng, xây dựng hạ tầng... đã góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu, xuất khẩu, việc làm và tăng trưởng. Các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, có hàm lượng khoa học công nghệ cao như công nghệ thông tin truyền thông, tài chính ngân hàng, y tế, vận tải, logistics, hàng không, du lịch, thương mại... được tập trung phát triển và đạt được nhiều kết quả.

Song, Thủ tướng cũng chỉ rõ, tái cơ cấu kinh tế vẫn còn chậm. Năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh còn thấp. Tốc độ đổi mới công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu. Công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm. Tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo và tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP còn thấp so với các nước trong khu vực.

Doanh nghiệp trong nước chưa tham gia được nhiều vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới chưa đạt mục tiêu đề ra. Tái cơ cấu đầu tư công một số nơi triển khai chậm, nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn còn lớn; việc thu hút đầu tư ngoài nhà nước vào phát triển kết cấu hạ tầng còn hạn chế.

“Vẫn còn một số tổ chức tín dụng yếu kém. Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước hiệu quả chưa cao. Hiệu quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nhà nước còn thấp”, Thủ tướng chỉ rõ.

Trong bối cảnh có nhiều khó khăn thách thức, Thủ tướng cho hay, trong 14 chỉ tiêu kế hoạch năm 2014, dự báo có 13 chỉ tiêu đạt, vượt và 01 chỉ tiêu không đạt là tỷ lệ lao động qua đào tạo.

 Quốc hội đánh giá cao sự điều hành nhạy bén của Chính phủ

Cũng tại phiên khai mạc, thay mặt Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đã trình bày báo cáo, bày tỏ sự tán thành cao với các đánh giá, kế hoạch của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015.

Báo cáo thẩm tra nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, cùng với tình hình kinh tế-xã hội trong nước, nhất là việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế nước ta đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước, đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Đặc biệt, Quốc hội đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành sâu sát, nhạy bén, kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các cấp đã thực hiện đạt mục tiêu tổng quát và hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2014 theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra.

Tuy nhiên, các cơ quan Quốc hội cũng chỉ ra những tồn tại nổi lên trong thời gian qua: Khó khăn, tác động không thuận của tình hình thế giới và khu vực đã ảnh hưởng trực tiếp đến du lịch, vận tải hàng không, khai thác thủy hải sản, giá và số lượng tiêu thụ, xuất khẩu một số hàng hóa sụt giảm mạnh đã tác động tiêu cực đến đời sống nông dân.

Tổng cầu suy giảm, chỉ số hàng tồn kho tăng 13,4%, cao hơn so với 2013. Số doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động vẫn lớn. Cân đối NSNN cũng rất khó khăn, việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng còn thấp, khoảng 17% so với kế hoạch. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng thương mại có xu hướng tăng trở lại...

Các cơ quan chuyên trách của Quốc hội mong muốn Chính phủ tiếp tục đánh giá sâu sắc, sát thực tế hơn cả mặt tích cực và tiêu cực trong từng chỉ số phát triển, từ tổng vốn đầu tư toàn xã hội, xuất siêu, CPI, tỷ lệ bội chi.... Từ đó, đưa ra kế hoạch, mục tiêu năm 2015 cho sát với phương hướng tổng quát, vừa tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô vừa tập trung tháo gỡ khó khăn sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân.

Theo đó, để đạt tăng trưởng GDP khoảng 6,2%, các cơ quan chuyên trách của Quốc hội cho rằng chỉ tiêu tổng vốn đầu tư toàn xã hội phải đạt tối thiểu là 30% GDP. Mặt khác, cần rà soát, tính toán chính xác hơn cán cân thương mại, nhất là thặng dư, cân nhắc tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nên giữ theo Nghị quyết về Kế hoạch 5 năm của Quốc hội khoảng 5%-7% để tạo điều kiện điều hành linh hoạt các chính sách hỗ trợ tăng trưởng và việc làm./.

Quốc hội cũng đề nghị bội chi ngân sách Nhà nước tính cả trái phiếu Chính phủ quyết liệt hơn và phấn đấu khoảng 6% GDP. Đối với các chỉ tiêu xã hội, môi trường, đề nghị cần rà soát, tính toán trên cơ sở cân đối với các chỉ tiêu kinh tế như nêu trên, đồng thời, xây dựng hệ thống chỉ tiêu kinh tế-xã hội-môi trường sau năm 2015 có tính khoa học, định lượng để dễ dàng kiểm tra, giám sát và đánh giá.

Ngay trong sáng 20/10, Quốc hội nghe 7 báo cáo của Chính phủ và thẩm tra của các ủy ban thuộc Quốc hội xung quanh tình hình kinh tế – xã hội, phòng chống tham nhũng, đề án đổi mới sách giáo khoa và phần tổng hợp ý kiến cử tri.

Buổi chiều, 8 báo cáo liên quan đến ngân sách 2014, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt và Luật Kiểm toán được gửi tới Quốc hội.

Dự kiến với 2/3 thời gian dành cho công tác xây dựng luật, Kỳ họp này sẽ xem xét, thông qua 18 dự án luật và 3 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến lần đầu với 12 dự luật khác.

Đây là kỳ họp có số lượng luật được Quốc hội thông qua và cho ý kiến nhiều nhất từ trước tới nay. Ngoài ra, các đại biểu cũng sẽ dành ra 3 ngày làm việc để thực hiện những nội dung liên quan đến chất vấn và trả lời chất vấn. Quốc hội cũng sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 chức danh do cơ quan lập pháp bầu và phê chuẩn.

Ngoài ra, Quốc hội cũng cho ý kiến về Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011-2015, Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành… Đây đều là những vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm hiện nay./.

Phương Anh

 




TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/