CÁC TIN LIÊN QUAN
Chính phủ tiếp tục ưu tiên “ổn định vĩ mô” trong 2015

Khó khăn thách thức là rất lớn, bảo vệ chủ quyền quốc gia còn nhiều thách thức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng báo cáo trước Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, sáng 20/10.

 

Đánh giá tình hình 2014, Thủ tướng nói việc Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, ngang nhiên hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Chính phủ đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, có trọng tâm trọng điểm các giải pháp thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2014, hầu hết các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đã đạt được những kết quả tích cực, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, người đứng đầu Chính phủ nhìn nhận.

Khẳng định chủ quyền quốc gia được bảo đảm, song Thủ tướng cũng báo cáo nhu cầu đầu tư cho quốc phòng an ninh rất lớn nhưng nguồn lực còn rất hạn hẹp. 

Tăng trưởng cao hơn 2014

Về 2015, Chính phủ tiếp tục đặt tăng cường ổn định vĩ mô lên đầu mục tiêu tổng quát.

Chính phủ cũng xác định sẽ đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn và vững chắc hơn năm 2014. 

Các chỉ tiêu chủ yếu được trình Quốc hội quyết định là tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,2%; tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 5%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức 5%; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP 5%; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP.

Như vậy, so với con số 28% GDP tại báo cáo ở phiên họp tháng 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đã được điều chỉnh tăng 2%.

Với ưu tiên ổn định vĩ mô, Chính phủ xác định sẽ thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khoá, kiểm soát tốt lạm phát. Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát. Tăng dư nợ tín dụng phù hợp với yêu cầu tăng trưởng gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng. Ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối, tăng dự trữ ngoại tệ và bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam. Thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ cũng ”hứa” kiểm soát chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo đảm nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn theo quy định.

Kiểm soát lạm phát hợp lý để hỗ trợ tăng trưởng

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục thực hiện các giải pháp và sử dụng các công cụ gián tiếp kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý để hỗ trợ tăng trưởng.

Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng nên giữ theo nghị quyết về kế hoạch 5 năm của Quốc hội khoảng 5%-7% để tạo điều kiện điều hành linh hoạt các chính sách hỗ trợ tăng trưởng và việc làm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra về kế hoạch 2015.

Vẫn liên quan đến CPI, cơ quan thẩm tra phân tích, dự kiến năm 2014 CPI chỉ tăng 4,5%-4,7% là thấp so với kế hoạch. Riêng 9 tháng đầu năm CPI tăng 2,25%, trong đó do Chính phủ chủ động điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục tăng 0,48%.

Ngay cả các năm qua trong điều kiện thuận lợi CPI tăng thấp, Chính phủ chủ động điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục, y tế theo giá thị trường. Cụ thể CPI năm 2012 tăng 6,81% trong đó do điều chỉnh tăng giá dịch vụ giáo dục, y tế làm tăng CPI 3,5%, như vậy thực chất CPI chỉ tăng 3,31% và tương tự CPI năm 2013 tăng 6,04%, trong đó do điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục tăng 1,8%, thực chất CPI chỉ tăng 4,16%, báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Từ đó, một số ý kiến cho rằng kết quả này là biểu hiện các chính sách kinh tế có phần thắt chặt đã tác động trực tiếp đến doanh nghiệp, việc làm, thu ngân sách, nợ xấu, tăng trưởng, làm giảm tổng cầu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh.

Đa số ý kiến tại cơ quan thẩm tra cũng đề nghị trong thời gian tới cùng với mục tiêu “tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô” là mục tiêu cơ bản, xuyên suốt thì cần “tập trung tháo gỡ khó khăn sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân,

Chính tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là góp phần tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc, nếu doanh nghiệp tiếp tục khó khăn sâu hơn sẽ tác động tiêu cực đến chính sách tài khóa (khó khăn thu ngân sách) và chính sách tiền tệ (dòng tiền ách tắc và nợ xấu tăng lên), tăng trưởng, việc làm... cơ quan thẩm tra nhấn mạnh.

Nguyên Hà




TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/