CÁC TIN LIÊN QUAN
Quẩn quanh chuyện giữ hay bỏ con dấu!

Con dấu - một vấn đề tưởng như rất nhỏ của doanh nghiệp lại rất được quan tâm của dư luận. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu bỏ được con dấu, Việt Nam sẽ có bước cải cách lớn trong kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động.

 

Thói quen cũ khó bỏ

Tại một cuộc hội thảo chuyên đề về con dấu doanh nghiệp ngày 09/10/2014, do Viện Quản lý Kinh tế Trung ương tổ chức, ông Jean Michel Lobet, chuyên gia tài chính đại diện nhóm Quản trị công ty của Ngân hàng Thế giới cho biết, ngày nay, con dấu công ty không nhất thiết phải duy trì để thành lập công ty và tiến hành các hoạt động kinh doanh bình thường ở 79/189 quốc gia.

Trong 6 năm qua, 17 nền kinh tế trong đó có Georgia, Slovenia, Pakistan và Rwanda đã bỏ quy định phải có con dấu để thành lập công ty và tiến hành các hoạt động kinh doanh thông thường. Nhiều quốc gia khác cũng đang cố gắng loại bỏ yêu cầu này.

“Tuy nhiên, thói quen cũ rất khó bỏ, các doanh nhân ở một số nền kinh tế, đặc biệt là khu vực châu Á vẫn thích có con dấu như một phần của quá trình thành lập công ty do con dấu được sử dụng rộng rãi trên thực tế, và Việt Nam cũng không nằm ngoài ngoại lệ này”, ông Lobet cho biết.

Tại Việt Nam, Luật Doanh nghiệp năm 2005 xác định, con dấu là tài sản doanh nghiệp và do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng.

Cụ thể hơn, Nghị định 58/2001/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 31/209/NĐ-CP) thì con dấu được sử dụng, thể hiện vị trí pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ của các cơ quan, tổ chức (bao gồm tất cả các loại hình doanh nghiệp) và các chức danh nhà nước.

Theo đó, con dấu doanh nghiệp được quản lý bởi các đối tượng sau: người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; cơ quan quản lý nhà nước (Tổng cục Cảnh sát trật tự xã hội - Bộ Công An, Phòng Cảnh sát Hành chính trật tự xã hội thuộc công an tỉnh/thành phố liên quan đến cấp giấy phép khắc dấu, đăng ký mẫu dấu, cấp giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu, cấp đổi lại sau 5 năm…) và cơ quan thi hành án (trường hợp các bên có tranh chấp liên quan đến con dấu)…

Nhiều tranh chấp xung quanh con dấu

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, các vụ tranh chấp con dấu doanh nghiệp diễn ra ngày càng nhiều và gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Điển hình là vụ tranh chấp con dấu kéo dài hơn 3 năm tại CTCP Hữu Nghị Hà Nội, khi cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty kiên quyết không bàn giao con dấu cho HĐQT mới sau Đại hội cổ đông hợp pháp vào tháng 10/2002 và dùng con dấu này để nhân danh Công ty ký kết các hợp đồng kinh tế có giá trị lớn, gây thiệt hại cho Công ty.

Vụ việc tranh chấp này trở nên phức tạp khi Công an TP. Hà Nội vào khám xét và khởi tố vụ án hình sự, với tội danh “Chiếm đoạt con dấu” tại công ty này theo Điều 268, Bộ luật Hình sự.

Tương tự, tại CTCP Du lịch khách sạn Bạch Đằng - Hải Phòng, HĐQT mới phải kiện HĐQT cũ ra tòa để yêu cầu HĐQT cũ bàn giao con dấu và phải trải qua nhiều cấp xét xử, HĐQT mới giành được quyền quản lý sử dụng con dấu hợp pháp của mình.

Hay vụ tranh chấp con dấu giữa các thành viên HĐQT CTCP Đay Sài Gòn đã khiến cho Tòa án phải tiến hành áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là cưỡng chế giao nộp con dấu từ người đại diện theo pháp luật theo yêu cầu của nguyên đơn. Theo đó, trước khi tòa có quyết định khác, mọi nghiệp vụ đóng dấu văn bản, giấy tờ của Công ty Đay Sài Gòn đều được thực hiện tại cơ quan thi hành án…

Gần đây nhất, ngày 8/1/2012, một nhóm cổ đông CTCP Đầu tư và phát triển kim khí Hải Phòng đã táo tợn phá khóa đánh cắp những con dấu quan trọng của Công ty. Khi bị phát hiện, đối tượng chiếm giữ con dấu trái phép còn chống lệnh tòa và bất chấp thi hành án gây bức xúc dư luận.

Tuy nhiên, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hải Phòng lại có thông báo trả lời người tố cáo về việc “không khởi tố vụ án” vì cho rằng, hành vi trái phép ấy không phạm vào điều 268 Bộ luật Hình sự vì CTCP Đầu tư và phát triển kim khí là doanh nghiệp thuộc tổ chức kinh tế, con dấu của Công ty không được xác định là con dấu của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội. Ngày 24/7/2012, TAND quận Lê Chân (Hải Phòng) đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thu hồi con dấu trả lại cho Công ty nhằm tránh hậu quả xấu của việc sử dụng con dấu trái pháp luật.

Do các đối tượng chiếm dụng con dấu không chấp hành nên ngày 15/8/2012, Chi cục Thi hành án quận Lê Chân có Công văn số 440/CV-THA và Cục Quản lý hành chính về TTXH - Bộ Công an đã có công văn về việc chấm dứt giá trị pháp lý con dấu của CTCP Đầu tư và phát triển kim khí Hải Phòng và cho làm thủ tục khắc lại con dấu, cấp giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu cho công ty này sử dụng. Đến tháng 9/2012, Công ty mới được cấp lại con dấu để hoạt động.

Theo Chủ tịch HĐQT của CTCP Đầu tư và Phát triển kim khí Hải Phòng, sau gần một năm bị nhóm cổ đông chiếm đoạt con dấu, hoạt động của Công ty đình trệ từ việc báo cáo thuế, nộp thuế, giao dịch tài chính với ngân hàng, ký kết hợp đồng kinh tế... gây thiệt hại lớn cho Công ty. Việc các đối tượng này vẫn nhất quyết không giao nộp con dấu chiếm đoạt luôn gây nguy cơ tiềm ẩn về việc sử dụng trái phép con dấu.

Thế nhưng, đến nay, cơ quan pháp luật cũng chưa có biện pháp cứng rắn nào để xử lý triệt để vụ việc. Việc này khó xử lý bởi theo quy định hiện nay, nếu muốn xử lý được tội “Trộm cắp tài sản” (Điều 138 Bộ luật Hình sự), “Chiếm giữ trái phép tài sản” (Điều 141) để xử lý triệt để hành vi vi phạm của nhóm cổ đông này thì phải chứng minh được giá trị tài sản thiệt hại từ 2 triệu (Tội trộm cắp) đến 5 triệu đồng trở lên (Tội chiếm giữ trái phép tài sản). Trong khi việc xác định con dấu doanh nghiệp có giá trị cụ thể là bao nhiêu tiền hay việc chứng minh thiệt hại tài sản là bao nhiêu là “bất khả thi” với cơ quan điều tra, cũng như chính doanh nghiệp bị chiếm dụng con dấu.

Cũng liên quan đến hoạt động quản lý con dấu doanh nghiệp, mới đây nhất, theo hướng dẫn tại Thông tư 121/2012/TT-BCA, cứ 5 năm một lần, con dấu phải khắc mới và đăng ký lại mẫu dấu. Để gắn trách nhiệm của doanh nghiệp, quy định này đã có chế tài với mức phạt 500.000 - 1.000.000 đồng theo điểm b, Khoản 1, Điều 12, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 (có hiệu lực thi hành từ ngày 28/12/2013). Theo khoản 2, Điều 12, Nghị định 167/2013, mức phạt có thể lên tới 2-3 triệu đồng nếu không đổi, không khắc lại hoặc không thông báo mẫu dấu…

Bỏ con dấu: Vẫn nhiều ý kiến trái chiều

Theo ông Lobet, trên thực tế, trong những nền kinh tế phát triển hiện nay, con dấu đã bộc lộ nhiều mặt hạn chế hơn là những tác dụng tích cực.

“Con dấu công ty đã trở thành một thứ thủ tục ở nhiều quốc gia và không còn phục vụ mục đích ban đầu. Con dấu công ty không đem lại sự đảm bảo thêm nào do nó có thể bị làm giả một cách dễ dàng; đồng thời, cản trở việc chính thức thành lập công ty do chi phí và đôi khi là quá trình sản xuất kéo dài”, ông Lobet phân tích.

Con dấu đã mất đi mục đích chính là chứng thực văn bản, do các mẫu văn bản của công ty được coi là hợp lệ và có thể thực thi một cách đơn giản bằng cách đính kèm chữ ký của một người đại diện theo pháp luật của công ty.

Ông cho rằng, nếu thay đổi được quy định về con dấu, môi trường kinh doanh Việt Nam sẽ được cải thiện rất nhiều. Theo ông, hiện nay, để thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam, mất 34 ngày, riêng thủ tục và chờ đợi được khắc dấu mất 6 ngày, với chi phí 165-370 nghìn đồng.

“Đây là rào cản không nhỏ để gia nhập thị trường. Do đó, không ít người duy trì kinh doanh hộ gia đình thay vì thành lập công ty và nhà nước thất thu thuế”, ông Lobet nói.

Hiện có nhiều nền kinh tế cho phép sử dụng chữ ký điện tử hoặc chữ ký số, khiến cho việc sử dụng con dấu công ty ngày càng trở nên lỗi thời hơn nữa. Vì thế, để có một môi trường quản lý kinh doanh tốt, cần có một quy trình thành lập đơn giản và thực tế hơn. Các công ty không nên lãng phí thời gian và tiền bạc vào những thủ tục kinh doanh lỗi thời và không cần thiết như việc làm con dấu.

Trong cuộc làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về cải cách thủ tục hành chính mới đây, Thủ tướng yêu cầu thay đổi quy định về quản lý con dấu.

Sau đó, tại Thông báo số 370/TB-VPCP về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thành lập, tổ chức lại, giải thể doanh nghiệp và thủ tục đầu tư, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công an nghiên cứu sửa đổi quy định về quản lý con dấu theo hướng cho phép doanh nghiệp chủ động tự khắc dấu, thông báo sử dụng con dấu, tiến tới thay con dấu bằng chữ ký, chữ ký điện tử.

Theo đó, dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi đã bổ sung quy định, con dấu là tài sản của doanh nghiệp. Hình thức và nội dung con dấu do doanh nghiệp quyết định và đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh.

Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi cũng xác định trách nhiệm “quản lý việc sử dụng và lữu giữ con dấu” thuộc về người đại diện của pháp luật. Việc sử dụng con dấu cũng được quy định theo 2 hướng. Một là quy định của pháp luật. Hai là khi các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng con dấu.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đã gọi đây là “một thay đổi rất nhỏ nhưng sẽ có tác động rất lớn”.

Một khảo sát của CIEM sau thông báo của Văn phòng Chính phủ cho thấy, 52% doanh nghiệp đề nghị bỏ con dấu, 30% đề nghị cho doanh nghiệp khắc dấu và tự đăng ký với cơ quan nhà nước. Chỉ 18% còn lại đề nghị giữ nguyên các quy định như hiện nay, tức là phần lớn các doanh nghiệp mong muốn có sự thay đổi về con dấu.

Tương tự, theo một khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam sau ý kiến của Thủ tướng, doanh nghiệp nhìn chung rất hào hứng với quy định doanh nghiệp được tự do quyết định về lượng con dấu, hình dáng con dấu và sử dụng con dấu. Song, điều lo ngại nhất của doanh nghiệp là nhiều cơ quan nhà nước, nhiều quy định của pháp luật vẫn yêu cầu phải có dấu, thì hồ sơ mới hợp lệ.

Tuy nhiên, tại báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) vừa được gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, với tập quán, thói quen sử dụng con dấu và điều kiện hạ tầng kỹ thuật của Việt Nam, trong thời gian tới vẫn cần giữ quy định về doanh nghiệp phải có con dấu riêng, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm quản lý việc sử dụng và lưu giữ con dấu.

“Việc thay con dấu bằng chữ ký, chữ ký điện tử sẽ được tiếp tục nghiên cứu, áp dụng khi đủ điều kiện thích hợp”, báo cáo chỉ rõ.

Liên quan đến cải cách thủ tục hành chính về con dấu của doanh nghiệp, báo cáo nêu rõ, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự án luật bỏ quy định về cấp con dấu cho doanh nghiệp và để doanh nghiệp tự quyết định về hình thức và nội dung con dấu.

Theo dự thảo luật, con dấu được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng dấu. Trường hợp giao dịch với các đối tác không sử dụng dấu thì doanh nghiệp Việt Nam cũng không bắt buộc sử dụng dấu mà các bên giao dịch xác định giá trị pháp lý văn bản căn cứ vào chữ ký của người có thẩm quyền giao dịch./.\

Điều 44 trong dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi quy định:

1. Con dấu là tài sản của doanh nghiệp. Hình thức và nội dung con dấu do doanh nghiệp quyết định và đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh.

2. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm quản lý việc sử dụng và lưu giữ con dấu.

3. Con dấu được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng dấu.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này và việc đăng ký, chuyển giao thông tin quản lý con dấu đối với con dấu đã được cấp trước khi Luật này có hiệu lực.

 

An Nhi

 




TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/