CÁC TIN LIÊN QUAN
Việt Nam có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới

Đây là một cảnh báo được đưa ra trong Hội nghị về Lồng ghép biến dân số vào lập kế hoạch phát triển do Đảng ủy Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức.

 

Thời điểm vàng của dân số

Trong những năm qua, nhờ những thành công của chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình từ hàng thập kỷ trước, nên Việt Nam đang có cơ cấu dân số vàng. Theo TS. Dương Quốc Trọng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình – Bộ Y tế “quy mô dân số Việt Nam vẫn tiếp tục tăng, nhưng tốc độ tăng đã chậm lại nhiều. Mức sinh được kiểm soát, số người tăng bình quân/năm đã giảm từ mức gần 1,2 triệu người/năm (giai đoạn 1979-1999) xuống còn 925 nghìn người/năm (giai đoạn 2009-2013). Điều này đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội đất nước”.

Trong khi đó GS, TS. Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, “Năm 2013, Việt Nam có 90 triệu dân, trong đó số người trong độ tuổi lao động là 62,1 triệu người. Đây là dư lợi lớn của dân số vàng cho tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa, khoảng nửa dân số trong độ tuổi lao động dưới 34 tuổi thuận lợi cho việc tiếp thu khoa học, kỹ thuật và linh hoạt trong chuyển đổi nghề”.

Trên thế giới, việc phát huy những lợi thế của thời điểm dân số vàng là yếu tố có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế. Phát biểu tại Hội nghị, ông Arthur Erken, Trưởng Đại diện Quỹ dân số liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) cho rằng, những người làm chính sách cần hiểu rõ mối tương quan giữa dân số và phát triển, điều này rất quan trọng và vai trò của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là rất lớn.

Nhưng, cũng đang đối mặt với nhiều thách thức

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, Việt Nam là nước ta đang có cơ cấu dân số theo nhóm tuổi thay đổi nhanh chóng trong giai đoạn 1979-2013, tỷ trọng nhóm dân số nhỏ hơn 15 giảm, tuổi thọ tăng. Đó là biểu hiện của quá trình già hóa dân số.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng, Bí thư Đảng ủy Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, “Việt Nam đã đạt được thành tựu quan trọng trong vấn đề dân số, nhưng đến nay đã xuất hiện yếu tố dân số già, đồng thời có sự chênh lệch về giới tính và trào lưu di dân tự do. Nếu không có giải pháp lường tính trước thì nguy cơ dân số của Việt Nam là vấn đề cần xem xét”.

Liên quan đến vấn đề này, TS. Dương Quốc Trọng cho biết “Nếu như các nước phát triển mất hàng thế kỷ già hóa dân số, thì Việt Nam chỉ mất 16-18 năm. Dự báo đến năm 2050 dân số Việt Nam sẽ ở ngưỡng siêu già”. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế xã hội Việt Nam trong thời gian tới.

“ Năm 2039, cuối kỳ dân số vàng, tỷ lệ người cao tuổi đạt 20%, Việt Nam sẽ có dân số già. Sau đó, khoảng thập niên 60 của thế kỷ 21, tỷ lệ người cao tuổi đạt 30%, Việt Nam sẽ trở thành nước siêu già” GS, TS. Cử phân tích.

Cơ cấu dân số Việt Nam, đặc biệt là cơ cấu dân số theo độ tuổi đang biến đổi nhanh chóng. Trong khi đó, việc lồng ghép biến dân số trong phát triển còn rất hạn chế: Từ Trung ương đến địa phương, từ các cấp ngành, quy hoạch vùng… Các ngành chưa coi trọng biến dân số. Phản ánh thực trạng này hay nói cách khác đi lồng ghép biến dân số vào lập kế hoạch phát triển là yêu cầu không thể thiếu hiện nay.

Đâu là giải pháp?

Theo TS. Dương Quốc Trọng, Việt Nam cần tăng cường cơ sở pháp lý và tính pháp quy về phạm vi, quy trình lồng ghép dân số trong hệ thống các ngành, lĩnh vực và các cấp. Đồng thời, nâng cao kiến thức, kỹ năng của cán bộ lãnh đạo, cán bộ thực hành việc lồng ghép dân số ở các ngành, các lĩnh vực và các cấp. Bên cạnh đó, thông tin dân số cũng rất quan trọng với các doanh nghiệp, như: nhu cầu khách hàng, thị trường, nguồn nhân lực…

Trong khi đó, GS, TS. Nguyễn Đình Cử cho rằng, việc lồng ghép các biến dân số vào các chính sách phát triển kinh tế - xã hội là rất cần thiết, trước hết là các kế hoạch y tế, giáo dục, việc làm và an sinh xã hội.

Cụ thể: Cần xây dựng hệ thống giáo dục theo hướng chú trọng chất lượng. Phát triển và tái cấu trúc hệ thống đào tạo chuyên nghiệp; Tạo mọi điều kiện khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển việc làm có thu nhập cao, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về lao động và tăng xuất khẩu. Thận trọng điều chỉnh lương tối thiểu. Đặc biệt, tích cực xây dựng và hoàn thiện chính sách thích ứng dần với xã hội già hóa nhanh./.

Thanh Hà

 




TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/