CÁC TIN LIÊN QUAN
Nhiều điểm đột phá trong dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, sáng 17/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi). Đa số đại biểu Quốc hội nhất trí cao với sự cần thiết phải sửa đổi Luật này.

 

Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) là một dự án luật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, xác lập khuôn khổ pháp luật cơ bản về kinh doanh tại Việt Nam. Luật quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại doanh nghiệp và giải thể công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp cá thể; quy định về nhóm công ty.

Nhiều đột phá…

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) nhận định, cách tiếp cận mới sửa luật lần này chưa từng có trong lịch sử xây dựng pháp luật kinh doanh ở nước ta, đặt yêu cầu sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này trong cuộc đua tranh quốc tế và đưa ra được dự báo định lượng về tác động của luật.

Đại biểu cũng chỉ rõ, với các nội dung sửa đổi lần này nếu được Quốc hội thông qua sẽ có thể nâng hạng chỉ số gia nhập thị trường của Việt Nam từ chiếu dưới mức trung bình tăng 50 bậc, xếp khoảng thứ 60 cùng chiếu trên với tốp 30% nền kinh tế có môi trường kinh doanh tốt nhất trong bảng xếp hạng của ngân hàng thế giới về chất lượng môi trường kinh doanh toàn cầu.

“Đây là một tiền lệ rất tốt của một dự án xây dựng luật trong bối cảnh hội nhập. Tôi đề nghị cách làm như vậy nên được xác định như là một yêu cầu bắt buộc trong quá trình xây dựng và sửa đổi pháp luật kinh doanh ở nước ta trong bối cảnh mới”, đại biểu Lộc nhấn mạnh.

Đại biểu Lộc cũngrất hoan nghênh đề xuất có tính chất đột phá của Ban soạn thảo trong việc bỏ ghi ngành nghề kinh doanh khi đăng ký doanh nghiệp.

Bởi, qua nhiều năm qua việc ghi ngành nghề, mục tiêu quản lý của nhà nước theo ngành nghề đã không đạt được, nhiều doanh nghiệp để tiện cho mình đã đăng ký khống cả chục trang giấy về tất cả các ngành nghề trong bản thống kê kinh tế quốc dân. Cơ quan nhà nước lúng túng trong việc áp mã của ngành nghề khiến các doanh nghiệp cũng vất vả. Nguyên tắc doanh nghiệp được quyền tự do kinh doanh trong tất cả các lĩnh vực nhà nước không cấm theo Hiến pháp trên thực tế đã trở thành nguyên tắc doanh nghiệp chỉ được kinh doanh trong những lĩnh vực quy định trong giấy phép.

“Cũng để phục vụ trong việc không ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy đăng ký kinh doanh tôi nhất trí với việc quy định công bố công khai, rõ ràng danh mục ngành nghề cấm kinh doanh và danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đây là quy định đặc biệt có ý nghĩa bởi nó giúp doanh nghiệp không phải tự tìm khắp nơi trong cả một rừng pháp luật hiện nay để biết được về những lĩnh vực họ không được kinh doanh hay họ kinh doanh với những điều kiện nhất định”, đại biểu Lộc phát biểu.

Đồng tình với đại biểu Lộc, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) đánh giá cao tinh thần làm việc của Ban soạn thảo.

Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này bao gồm 10 chương và 220 điều, tăng 48 điều, bổ sung 58 điều mới, sửa đổi 99 điều, có nhiều nội dung tiến bộ hơn, hội nhập sâu hơn với thế giới, đặc biệt có những cải cách mạnh về thủ tục hành chính, nhất là khâu đăng ký doanh nghiệp, nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Thực hiện đồng thời thủ tục đăng ký doanh nghiệp với thủ tục đăng ký thuế, đăng ký lao động, bảo hiểm xã hội tại các Điều 21, 28, 30, 34...

Doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả những ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc không hạn chế theo đúng tinh thần Điều 31 của Hiến pháp. Do đó, luật cần cụ thể hóa danh mục những ngành nghề cấm kinh doanh và ngành nghề kinh doanh có điều kiện kèm theo dự thảo luật sửa đổi lần này là cần thiết.

“Đây là bước đột phá mới góp phần hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi cho việc thành lập và kinh doanh của doanh nghiệp”, đại biểu Ngân đánh giá.

Cần tăng tính hậu kiểm

Trên cương vị Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, là người rất gần với doanh nghiệp, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, cần giảm thiểu các chế định hạn chế quyền tự do kinh doanh tại các luật chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn, tránh tình trạng Luật doanh nghiệp mở ra trong khi các luật chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn thì lại bó lại.

Mặc dù nguyên tắc về quyền tự do kinh doanh đã được ghi nhận và cụ thể hóa trong các quy định của Luật Doanh nghiệp từ năm 2005, song những tiền đề tốt đẹp đó đã bị bóp méo trong thực tế với sự xuất hiện của các giấy phép con. Vì vậy, quá trình thi hành luật gần 10 năm qua đã cho thấy một bức tranh khác, doanh nghiệp không có nhiều quyền tự do trong kinh doanh.

 Với quá nhiều các quy định riêng trong các luật chuyên ngành, quá nhiều các thủ tục và giấy phép con, cháu, chắt quy định trong các văn bản hướng dẫn và triển khai ở cấp, nguyên tắc quyền tự do kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp đã bị đẩy lùi và vô hiệu hóa từng phần.

Trong dự luật lần này, vẫn quy định rằng, nếu luật chuyên ngành quy định khác với Luật Doanh nghiệp về tổ chức và quản lý cũng như giải thể doanh nghiệp, thì áp dụng theo quy định của luật chuyên ngành.

“Tôi lo ngại rằng tình trạng vô hiệu hóa pháp luật về doanh nghiệp sẽ không giảm bớt thậm chí còn có nguy cơ gia tăng. Chúng ta quy định nguyên tắc chung trong Luật Doanh nghiệp, nhưng lại không có cơ chế kiểm soát các quy định riêng ngoại lệ được quy định trong luật chuyên ngành thật đáng lo ngại”, đại biểu Lộc lo lắng.

Bởi, nếu luật chuyên ngành lại quy định riêng cả về cơ cấu, tổ chức và quản trị doanh nghiệp theo hướng hạn chế hơn so với Luật Doanh nghiệp, trong khi các quy định riêng này hầu như không liên quan gì đến đặc thù kinh doanh, thì rõ ràng là không hợp lý.

“Cần khẳng định dứt khoát về cơ cấu tổ chức và quản trị doanh nghiệp thì Luật Doanh nghiệp phải được ưu tiên áp dụng so với các pháp luật chuyên ngành”, đại biểu Lộc đề nghị.

Đồng thời, vị đại biểu này cũng lưu ý, phải chế định khoa học công tác hậu kiểm để đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp không bị lạm dụng, quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp bắt đầu từ quyền tự do ra nhập thị trường tức là thành lập doanh nghiệp.

Tuy nhiên, quyền tự do kinh doanh cũng bao hàm trong nó giới hạn không làm phương hại tới xã hội hay lợi ích của người khác.

Vì vậy, để quyền tự do kinh doanh không bị lạm dụng Luật Doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý tới các quy định về hậu kiểm đối với doanh nghiệp ít nhất cần phải tính đến biện pháp hậu kiểm và công tác thông tin báo cáo có hiệu quả hơn. Cần quy định rõ các nội dung hậu kiểm trong dự luật để bảo đảm việc thực hiện có hiệu quả.

Về ngành nghề kinh doanh và nội dung giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đại biểu Lộc đề xuất cần phải quy định ngay tại dự luật 2 việc:

 (i) Danh mục phải được cập nhật thường xuyên để có thể đưa vào danh mục tất cả các ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện theo các thay đổi pháp luật chuyên ngành ở các cấp, luật, pháp lệnh, nghị định. “Để thực hiện yêu cầu này tôi đề nghị danh mục này không nên là một văn bản cấp Chính phủ. Vì văn bản cấp Chính phủ có thể thay đổi liên tục được, mà chỉ nên giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư công khai, cập nhật thường xuyên”, ông đề xuất.

(ii) Cần quy định về hiệu lực của danh mục này, theo đó doanh nghiệp không có nghĩa vụ thực hiện các điều kiện kinh doanh không có trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

“Chỉ như vậy thì danh mục này mới thực sự giúp ích cho doanh nghiệp. Nguyên tắc cao nhất của quyền tự do kinh doanh là doanh nghiệp được làm tất cả những gì pháp luật không cấm mới thực sự trở thành hiện thực”, đại biểu Lộc chỉ rõ.

Còn đại biểu Nguyễn Hoàng Ngân đề xuất, Chính phủ có thể thành lập các trung tâm, các tổ chuyên viên để hỗ trợ tư vấn doanh nghiệp và thực hiện các hồ sơ thành lập cho doanh nghiệp một cách miễn phí.

Cần tăng cường khâu kiểm tra tính xác thực  của hồ sơ đăng ký, địa chỉ đăng ký kinh doanh, tính chất thể nhân của người đăng ký thành lập doanh nghiệp, luật cần có những điều khoản quy định khâu hậu kiểm, đặc biệt là sự phối hợp giữa các ban, ngành có liên quan.

Điều lưu ý hậu kiểm không chỉ có mục tiêu là nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xử lý vi phạm, kiểm soát tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp mà còn phân tích, đánh giá để điều chỉnh chính sách, điều chỉnh luật pháp và có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời, duy trì sản xuất, kinh doanh và phát triển vững mạnh.

Chính phủ cần kết hợp với những quy định cụ thể để Luật Cạnh tranh đi vào cuộc sống mà Quốc hội đã thông qua năm 2004 để bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện nay trên 96% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì vậy, Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ kịp thời như tăng vốn điều lệ cho quỹ bảo lãnh tín dụng để giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng, sớm đưa quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đi vào hoạt động theo tinh thần Quyết định 601 của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 17/4/2013.

Cũng liên quan đến nội dung này, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) đề nghị: Quốc hội nên định kỳ hàng năm giám sát danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện để bãi bỏ các nội dung không phù hợp.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.Hồ Chí Minh) khẳng định về sự cần thiết phải ban hành danh mục bị cấm, kinh doanh có điều kiện kèm theo luật, theo đúng tinh thần của Hiến pháp là quyền kinh doanh chỉ bị hạn chế theo luật. Định kỳ Chính phủ sửa đổi bổ sung trình danh mục ra Quốc hội và Quốc hội thực hiện việc điều chỉnh để bảo đảm phù hợp Hiến pháp và tránh thường xuyên điều chỉnh ngành nghề cấm, kinh doanh, tránh xáo trộn, hạn chế thu hút đầu tư.

Nhiều ý kiến không tán đồng về Chương Doanh nghiệp nhà nước

Liên quan đến việc bổ sung chương mới quy định về doanh nghiệp nhà nước, đa số đại biểu đề nghị không nên có chương hoặc mục riêng quy định về doanh nghiệp nhà nước trong Luật. Các đại biểu cho rằng, việc bổ sung một chương, mục riêng quy định về doanh nghiệp nhà nước có thể dẫn đến sai lệch kết cấu, bản chất và chức năng vốn có của Luật doanh nghiệp là luật chung về thành lập, tổ chức và hoạt động doanh nghiệp, không phân biệt tính chất sở hữu và thành phần kinh tế. Do vậy, đối với những nội dung có tính đặc thù liên quan đến thành lập và tổ chức quản lý doanh nghiệp nhà nước cần được chuyển hóa vào các phần tương ứng trong dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hoàng Ngân cho rằng, việc dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi) đưa doanh nghiệp nhà nước thành một chương riêng, Chương IV là chưa hợp lý về kết cấu và bản chất của Luật doanh nghiệp.

Theo Khoản 20, Điều 4, về giải thích từ ngữ có ghi: doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do nhà nước đại diện sở hữu toàn bộ vốn điều lệ hoặc giữ quyền chi phối trong các trường hợp quy định tại Khoản 17 điều này. Như vậy, doanh nghiệp nhà nước có thể được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần. Do đó, dự thảo đưa doanh nghiệp nhà nước thành một chương tiếp theo sau công ty trách nhiệm hữu hạn và trước Chương V, công ty cổ phần là không hợp lý về kết cấu.

Trong khi, Luật Doanh nghiệp là luật chung về thành lập tổ chức doanh nghiệp và hoạt động doanh nghiệp, không phân biệt tính chất sở hữu và thành phần kinh tế. Cụ thể trong các điều 21, 22, 23, 24, 25, về trình tự đăng ký doanh nghiệp, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của doanh nghiệp cá thể, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần không có hướng dẫn thành lập doanh nghiệp nhà nước.

“Vì vậy, tôi đề nghị không nên tách doanh nghiệp thành một chương riêng trong Luật doanh nghiệp (sửa đổi) lần này. Riêng tính chất đặc thù của doanh nghiệp có vốn nhà nước thì quy định cụ thể trong Luật quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp mà chúng ta đang thảo luận và lồng ghép, chuyển hóa vào Chương III, Chương V của luật này”, vị đai biểu này đề xuất.

Cụ thể, nếu vốn nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ thì lồng ghép vào chương 3 công ty trách nhiệm hữu hạn. Ví dụ, Điều 91, chương 4, hội đồng thành viên, thì lồng ghép vào Điều 80, chương 3. Điều 93, chương 4 về tiêu chuẩn và điều kiện đối với thành viên hội đồng thành viên thì đưa về Luật quản lí vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp đã được cụ thể trong Điều 37, 47, 48 hoặc quy định dưới hình thức văn bản dưới luật. Điều 103 chương 4 thì lồng ghép vào Điều 83 chương 3 nội dung liên quan đến ban kiểm soát. Nếu là doanh nghiệp có vốn nhà nước, thì ban kiểm soát tăng lên từ 3 đến 5 thành viên. Đối với doanh nghiệp mà vốn nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, thì đưa vào chương 5 công ty cổ phần.

Tuy nhiên cũng có một số đại biểu tán thành với dự án Luật về việc có chương riêng điều chỉnh hoạt động đối với doanh nghiệp Nhà nước và cho rằng, thực tế có một số không nhỏ doanh nghiệp hoạt động yếu kém thời gian qua đặt ra yêu cầu cấp thiết cần quy định rõ và chặt chẽ hơn về quản trị doanh nghiệp đối với doanh nghiệp Nhà nước.

Trước đó, với 86,75% số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa./.

Phương Anh

 




TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/