TIN HOẠT ĐỘNG NGÀNH
Chưa đáng lo khi tốc độ xuất - nhập khẩu giảm

Theo số liệu vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ tại Phiên họp thường kỳ tháng 9/2016, tốc độ tăng trưởng cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu 9 tháng đầu năm nay giảm mạnh. Tuy nhiên, bà Lê Thị Minh Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ, Tổng cục Thống kê cho rằng, tốc độ tăng trưởng xuất - nhập khẩu giảm chưa đáng lo ngại.

 

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng đầu năm ước đạt 128,2 tỷ USD, tăng 6,7%; nhập khẩu đạt 125,4 tỷ USD, tăng 1,3%. Như vậy, so với cùng kỳ nhiều năm trước, tốc độ tăng trưởng xuất - nhập khẩu 9 tháng đầu năm nay giảm mạnh. Nguyên nhân là gì, thưa bà?

Tốc độ tăng trưởng xuất - nhập khẩu 9 tháng đầu năm nay giảm trước hết là dokinh tế năm 2014 và 2015 phục hồi mạnh mẽ, nhu cầu xuất - nhập khẩu tăng mạnh; còn năm nay, dù tăng trưởng GDP cũng tăng dần qua từng quý, nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với năm 2015.

Thứ hai là quy mô kim ngạch xuất - nhập khẩu mỗi năm một tăng, nên tốc độ khó có thể tăng mạnh. Ngoài ra, giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm mạnh cũng khiến kim ngạch xuất - nhập khẩu mặt hàng chiến lược này giảm mạnh, trong đó, xuất khẩu dầu thô chỉ đạt 1,7 tỷ USD, giảm tới 43,3%; xăng dầu thành phẩm nhập khẩu đạt 3,4 tỷ USD, giảm hơn 14%.

Tăng trưởng GDP của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động ngoại thương. Tốc độ tăng trưởng xuất - nhập khẩu giảm đã đáng lo ngại chưa?

Khi phân tích kỹ từng nhóm hàng xuất - nhập khẩu, tôi nghĩ, tốc độ tăng trưởng xuất - nhập khẩu giảm trong 9 tháng đầu năm chưa đáng lo ngại, ở khía cạnh nào đó còn đáng mừng, bởi nó phản ánh đúng hoạt động sản xuất, kinh doanh 9 tháng đầu năm và phản ánh đúng diễn biến của thị trường thế giới.

Cụ thể, đầu vào của sản xuất nông nghiệp như thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, phân bón… giảm do ngành nông nghiệp 9 tháng đầu năm chỉ tăng 0,05% nên kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này tăng chậm, thậm chí thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu đạt 2,5 tỷ USD, giảm 2,1%. Giá nhiều loại mặt hàng nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới 9 tháng đầu năm giảm, nên  khối lượng nhập khẩu không giảm, nhưng kim ngạch nhập khẩu giảm, như kim ngạch nhập khẩu mặt hàng xăng dầu chỉ đạt 3,4 tỷ USD, giảm hơn 14%.

Bà có thể phân tích kỹ hơn về điểm đáng mừng khi tốc độ tăng trưởng nhập khẩu giảm, thưa bà?

Kim ngạch nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, linh kiện, phụ tùng là đầu vào cho nền kinh tế và thiết bị, máy móc để phục vụ sản xuất (chiếm trên 91% tổng kim ngạch nhập khẩu) tăng thấp, nhiều nhóm giảm, là do doanh nghiệp cả trong nước lẫn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng tỷ lệ nội địa hóa, chủ động nguyên nguyên vật liệu trong nước. Chúng tôi mới có cuộc làm việc với Công ty Samsung Vina (doanh nghiệp có kim ngạch xuất - nhập khẩu lớn nhất cả nước) thì được biết, hiện tại các sản phẩm do Samsung sản xuất tại Việt Nam đã nội địa hóa được xấp xỉ 40%, nên đương nhiên họ giảm nhập khẩu.

Bên cạnh đó, đón trước cơ hội Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đi vào thực hiện, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu dệt may, da giày tại Việt Nam để chủ động nguồn nguyên liệu cho hoạt động sản xuất tại Việt Nam và xuất khẩu vào thị trường TPP, nên kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng này tăng chậm.

Cùng với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp trong nước rất tích cực trong sản xuất, cung cấp nguyên vật liệu, phụ tùng, phụ kiện, linh kiện, chi tiết thiết bị… cho sản xuất hàng xuất khẩu để hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi khi xuất khẩu vào thị trường TPP cũng khiến kim ngạch nhập khẩu giảm.

Đó là những tín hiệu đáng mừng, nhưng cũng chưa thể hết lo khi hoạt động ngoại thương của Việt Nam phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường?

Trên 80% kim ngạch nhập khẩu và 75-77% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam hiện vẫn dựa vào Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN, vì đây là thị trường có dân số rất lớn, tiêu thụ nhiều hàng hóa và quan trọng là 6 thị trường này đã ký kết hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, nên hàng hóa xuất - nhập khẩu rất cạnh tranh.

Trong khi đó, với những thị trường khác như châu Phi chẳng hạn, mấy năm trở lại đây, Chính phủ rất quan tâm khai thác, mở rộng thị trường, nhưng thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các nước châu Phi còn nhỏ, vì khoảng cách địa lý quá xa, dù thị trường này đòi hỏi chủng loại, mẫu mã, chất lượng hàng hóa không cao.

Thị trường Đông Âu cũng rất tiềm năng, vì đây là thị trường truyền thống, người tiêu dùng đòi hỏi chất lượng, mẫu mã, chủng loại hàng hoá không quá cao như EU, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc. Nhưng để tiếp cận thị trường Đông Âu còn phụ thuộc cơ chế kiểm soát hoạt động nhập khẩu của các nước này.

Trong hoạt động kinh doanh, lợi nhuận, hiệu quả là tối thượng, doanh nghiệp chỉ xuất hay nhập khẩu tại thị trường nào có hiệu quả nhất. Khi xuất - nhập khẩu vào Đông Âu, châu Phi, Ấn Độ… có hiệu quả hơn, thì doanh nghiệp sẽ tự điều chỉnh.

Mạnh Bôn




TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/