TIN HOẠT ĐỘNG NGÀNH
Cơ quan thống kê quốc gia phải chịu trách nhiệm cuối cùng về các số liệu

Ngày 16/8, làm việc với Tổng cục Thống kê, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đặt ra yêu cầu đổi mới công tác thống kê theo hướng hiện đại và cơ quan thống kê quốc gia phải chịu trách nhiệm cuối cùng về các số liệu.

 

 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt ra yêu cầu đổi mới công tác thống kê

 

Khẳng định vai trò của cơ quan thống kê trung ương

Báo cáo tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, trong giai đoạn 2011-2015, ngành Thống kê đã thực hiện tốt vai trò tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thống kê.

Đặc biệt, Tổng cục Thống kê luôn hoàn thành báo cáo tình hình kinh tế - xã hội hàng tháng, hàng quý và cả năm đúng thời hạn, đảm bảo chất lượng; đồng thời chủ động nắm bắt diễn biến tình hình kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế để xây dựng các “kịch bản kinh tế” nhằm đánh giá tác động của các chính sách, các “cú sốc” đối với nền kinh tế, như: tác động của thay đổi giá xăng dầu, điều chỉnh giá điện, giá dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục đối với lạm phát và tăng trưởng kinh tế, báo cáo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư để có thêm căn cứ tham mưu kịp thời đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và điều hành chính sách.

 Tuy nhiên, người đứng đầu Tổng cục Thống kê cũng thừa nhận, hiện ngành đang gặp rất nhiều thách thức. Theo đó, khó khăn lớn nhất là chưa hình thành một hệ thống thông tin thống kê quốc gia thống nhất, đồng bộ, bảo đảm kết nối, chia sẻ, trao đổi và nâng cao tính hiệu quả của dữ liệu, thông tin thống kê.

Một số bộ, ngành chưa xây dựng hoặc xây dựng chưa tốt hệ thống thông tin thống kê bộ, ngành; trong đó, chưa xây dựng được hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành, chế độ báo cáo thống kê bộ, ngành, kế hoạch điều tra thống kê bộ, ngành, chưa sử dụng cơ sở dữ liệu hành chính quốc gia, cơ sở dữ liệu hành chính đang quản lý cho hoạt động thống kê của bộ, ngành.

Hiện nay đang thiếu một số chỉ tiêu thống kê phản ánh năng suất, chất lượng, hiệu quả; chỉ tiêu thống kê về liên kết vùng trong phát triển kinh tế - xã hội, chỉ tiêu về môi trường...

Đã vậy, công tác phân tích và dự báo chưa thường xuyên; báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng, quý và cả năm mới chỉ nêu lên được thực trạng bức tranh kinh tế - xã hội, chưa chỉ ra các nguyên nhân của tình hình và đưa ra những khuyến nghị chính sách phù hợp cũng là những hạn chế còn đang tồn tại trong thực tế.

Chế độ báo cáo thống kê của các bộ, ngành còn chưa nghiêm

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cũng chỉ rõ, một số bộ, ngành thực hiện chưa nghiêm túc Chế độ báo cáo thống kê tổng hợp áp dụng đối với bộ, ngành. Cụ thể, trong số 23 bộ, ngành, mới chỉ có 11 bộ, ngành thực hiện đầy đủ các biểu báo cáo; 06 bộ, ngành thực hiện không đầy đủ các biểu báo cáo . Đặc biệt, có tới 05 bộ, ngành không thực hiện các biểu báo cáo. Đó là các bộ: Lao động - Thương binh - Xã hội; Khoa học và Công nghệ, Tư pháp, Nội vụ và Tòa án nhân dân tối cao.

Sự thiếu phối hợp trên, theo bà Lê Thị Minh Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ, Tổng cục Thống kê là một khâu gây khó trong công tác thu thập số liệu.

Bà Lê Thị Minh Thủy chia sẻ, thu thập số liệu thống kê hiện nay vẫn là khâu vất vả nhất trong công tác thống kê.

Từng nhiều lần cùng với cơ quan thống kê địa phương tiếp xúc với doanh nghiệp và cơ sở cá thể, bà Thủy cho biết, để tiếp cận và có được số liệu chính xác từ hai đối tượng này phải bỏ rất nhiều công sức. Bởi có một thói quen trong xã hội ta hiện nay đó là thói quen giấu diếm số liệu, không muốn khai thật.

“Đáng tiếc điều này xảy ra ở cả phía bộ ngành. Vì vậy sự nỗ lực của thống kê cũng chỉ là một phần, mà ý thức chấp hành pháp luật mới là yếu tố tác động mạnh tới chất lượng thống kê”, bà Thủy đánh giá.

Mặc dù đã có sự phối hợp, liên kết giữa các bộ ngành từ quá trình điều hành tác nghiệp tới việc phân tích và kết xuất số liệu, chia sẻ thông tin với cơ quan thống kê từ hải quan, thuế và tới đây là kho bạc nhà nước, nhưng theo bà Thủy, điều này là chưa đủ để đem lại sự chính xác cho con số thống kê nhất là trong thống kê chuyên sâu, chuyên ngành.

“Trong rất nhiều trường hợp, các bộ ngành thường hay đặt ngược lại câu hỏi với chúng tôi rằng thống kê chỉ cần con số tổng hợp thì tại sao lại cần những con số chi tiết như vậy”, bà Thủy dẫn giải “Chúng tôi cho rằng, những thống kê chuyên sâu, chuyên đề, phân tích không thể không có những con số chuyên đề, chuyên ngành cập nhật, chi tiết như vậy”.

Chẳng hạn năm ngoái, Tổng cục Thống kê có đi giải trình số liệu về chênh lệch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc là 20 tỷ USD, năm nay thì con số giảm xuống khoảng 16 tỷ USD đối với phần nhập khẩu, thì không thể thiếu sự cộng tác của hải quan mới có thể biết được chênh lệch ở đâu, mức độ nào, ngành hàng nào, nhóm hàng nào. Từ đó, mới phân chia được nhóm nguyên nhân thuộc về phương pháp hay thuộc về quản lý hay xuất nhập khẩu lậu, gian lận thương mại. Những đánh giá như vậy mới toàn diện.

“Nếu không phối hợp để đưa ra những phân tích sâu sẽ không có đưa ra kết luận tốt, giải pháp tốt”, bà Thủy khẳng định.

Chấm dứt việc công bố số liệu GRDP “ảo”

Theo Đề án, từ năm 2017, Tổng cục Thống kê sẽ tính và công bố GRDP cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Về nhiệm vụ này, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho biết, trong thời gian qua Tổng cục đã tính lại số liệu GRDP giai đoạn 2011 - 2015 của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Kết quả rà soát đã được báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Phó Thủ tướng Chính phủ để phục vụ việc lãnh đạo, chỉ đạo các Bộ, ngành; thông báo tới Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để sử dụng trong việc xây dựng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 phù hợp với năng lực thực tiễn cũng như tiềm năng phát triển của từng bộ, ngành, địa phương.

“Tổng cục Thống kê cũng đã thực hiện thí điểm “tính thử” số liệu GRDP 6 tháng đầu năm 2016 và tháng 11 sẽ tính cả năm cho các địa phương để rút kinh nghiệm cho tính chính thức vào năm 2017”, ông Lâm cho biết thêm.

Đồng tình với Đề án này, ông Nguyễn Huy Lương, Cục trưởng Cục Thống kê Phú Thọ cho biết: “Việc chuyển tính toán thống kê GRDP từ tỉnh cho địa phương, theo tôi là hoàn toàn phù hợp bởi không phải người làm thống kê ở địa phương nào cũng đủ bản lĩnh để vượt qua áp lực ở địa phương”.

Ông Lương chia sẻ, khi thống kê khi nói sự thật thì sự thật đôi khi phải trả giá và giá thì không thể tính được.

Đây là thực tế quá khắc nghiệt của ngành thống kê địa phương, va chạm quá nhiều, làm việc với cả hệ thống chính trị địa phương từ tỉnh tới các sở ban ngành, thậm chí bị cô lập bởi số đông.

Vì vậy, theo ông Lương, từ năm 2017, nên để cơ quan thống kê trung ương tính toán và công bố còn địa phương tiếp tục làm chức năng nhiệm vụ nhà nước về thống kê như tổ chức thu thập, sàng lọc số liệu để cung cấp cho trung ương.

“Điều này sẽ đảm bảo là khi trung ương công bố địa phương sẽ phải dùng, không lý gì không dùng bởi đó là cơ quan trung ương cao nhất tính toán thì bên dưới sẽ bớt áp lực”, ông Lương lý giải.

Mặc dù là một chủ trương đúng, nhưng người đứng đầu cơ quan thống kê trung ương, ông Nguyễn Bích Lâm chỉ rõ, đang tồn tại rất nhiều vướng mắc khi triển khai thực hiện tính GRDP.

“Mục tiêu tăng trưởng kinh tế của nhiều địa phương đặt ra ở mức cao, chưa phù hợp với tiềm năng của địa phương sẽ gây áp lực đối với việc đánh giá kết quả thực hiện của Tổng cục Thống kê sau này”, ông Lâm chỉ rõ.

Các địa phương yêu cầu thời gian công bố số liệu GRDP rất sớm. Cụ thể, số liệu ước tính 6 tháng vào ngày 30/5; số liệu ước tính cả năm vào ngày 30/11. “Điều này đòi hỏi các bộ, ngành không những phải đáp ứng yêu cầu của Tổng cục Thống kê về số lượng thông tin mà còn phải đảm bảo cung cấp đúng thời gian quy định”, ông Lâm chỉ rõ.

Phó Thủ tướng ra đầu bài cho ngành thống kê

Nhận định thống kê là công cụ quản lý vĩ mô rất quan trọng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, “không có thông tin thì không thể ra quyết định được”.

“Ví dụ như vấn đề khách du lịch có đóng góp như thế nào đối với phát triển kinh tế, chi tiêu như thế nào lúc du lịch tại Việt Nam, khi Chính phủ làm Đề án đưa du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, chúng tôi lấy số liệu cực khổ. Số liệu về các vùng, ngành kinh tế còn cực khổ hơn nữa”, Phó Thủ tướng bày tỏ.

Cũng theo Phó Thủ tướng, vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo xuất khẩu 200.000 tấn thịt lợn nhưng Bộ Công Thương báo cáo xuất được 300.000 tấn. Ông đề nghị ngành phải giải đáp vấn đề này.

Chỉ rõ những thành tựu và hạn chế của ngành, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Thống kê phải đổi mới, hoàn thiện theo hướng hiện đại bảo đảm 4 chỉ tiêu: đồng bộ hóa, chuẩn hóa, quy trình hóa và tin học hóa. Tất cả quá trình tổng hợp, phân tích, dự báo, thông tin phải phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế nhưng lưu ý tới điều kiện, hoàn cảnh đặc thù của Việt Nam để bảo đảm căn cứ chuẩn xác cho Chính phủ hoạch định chính sách.

Ví dụ, thống kê lao động Việt Nam khác với cách thống kê lao động của các nước phát triển vì ở các nước này, mất việc là thất nghiệp ngay nhưng ở Việt Nam một người thất nghiệp có thể chuyển sang ngay công việc khác trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ.

Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu ngành Thống kê thực hiện đa dạng hóa sản phẩm thống kê, nâng cao chất lượng, độ tin cậy của thông tin thống kê, bảo đảm tính chân thực, khách quan, trung thực, kịp thời, đi kèm với phân tích, dự báo và đánh giá tình hình kinh tế, xã hội.

Ngoài ra, phải công khai, minh bạch cách thống kê để tạo niềm tin cho người sử dụng thông tin và người dân giám sát được chất lượng thông tin. “Cơ quan thống kê quốc gia phải chịu trách nhiệm cuối cùng về con số này”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng để bảo đảm giá trị thông tin của cơ quan thống kê, không quan trọng cơ quan này phải đặt ở đâu mà quan trọng là tính độc lập, trung thực trong chuyên môn, nghiệp vụ. Trước mắt, Phó Thủ tướng đề nghị Tổng cục Thống kê rà soát chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và cơ cấu lại số cán bộ hiện có theo hướng cải cách mạnh mẽ để đáp ứng nhiệm vụ trong thời gian tới. Chính phủ sẽ tạo mọi thuận lợi về cơ chế, điều kiện cho ngành Thống kê thực hiện nhiệm vụ.

Về chỉ tiêu kinh tế- xã hội vùng lãnh thổ, vùng kinh tế (cả nước đang có 6 vùng kinh tế-xã hội và 4 vùng kinh tế động lực), Phó Thủ tướng cho việc không có số liệu thông tin thống kê của vùng khiến công tác kiểm tra, giám sát, lập quy hoạch là rất khó khăn. “Không phải là việc thành lập một cấp thống kê vùng mà phải chiết xuất thông tin ra mà làm”, Phó Thủ tướng nói.

Đối với việc tính tổng sản phẩm của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng Tổng cục cần tiếp tục rà soát, đánh giá lại cách tính này.

“Nên chăng từ năm 2017 thì Tổng cục thực hiện tính GRDP một vài năm, rồi kiểm soát, đánh giá lại và giao cho các tỉnh làm vì các địa phương vẫn còn vai trò của Cục Thống kê, hoạt động với đầy đủ chức năng, nghiệp vụ. Không thể cắt khúc việc thu thập, quản lý, tính toán và công bố số liệu thống kê”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề./.

Theo báo Kinh tế và Dự báo

 




TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/