TIN HOẠT ĐỘNG NGÀNH
Tổng quan thị trường và giá cả tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2016 của cả nước.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 năm 2016 tăng 0,46% so với tháng trước, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước; tăng 2,35% so với tháng 12 năm trước; CPI bình quân sáu tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm trước tăng 1,72%.

 

I. TỔNG QUAN THỊ TRƯỜNG VÀ GIÁ CẢ THÁNG 6 NĂM 2016

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 10 nhóm hàng tăng trong đó: nhóm giao thông tăng cao nhất tăng 2,99%; Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,55%; Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,21%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,18%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,13%; May mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,06%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,06%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05 %. Giáo dục tăng 0,06%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,03%. Riêng nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,06%.     

1. Các nguyên nhân làm tăng CPI tháng 6 năm 2016

(1). Giá xăng tăng 920 đồng/lít, dầu diezezen tăng 880 đồng/lít vào các ngày 20/5/2016 và ngày 4/6/2016 dẫn tới chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 6,46% so với tháng trước góp phần tăng CPI chung khoảng 0,27%.

(2). Chỉ số nhóm thực phẩm tăng 0,36% do ảnh hưởng bởi tâm lý người tiêu dùng lo ngại về hiện tượng cá chết hàng loạt tại một số tỉnh miền Trung nên có phần dè dặt khi tiêu dùng sản phẩm cá đánh bắt, đã chuyển sang tiêu dùng thịt gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó thời tiết nắng nóng, khô hạn đã ảnh hưởng đến diện tích rau trồng nên giá rau tăng cao kéo dài ở các tỉnh miền Trung và miền Nam.

(3). Thời tiết nắng nóng nên nhu cầu dùng điện tăng làm cho chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 1,27%, góp phần làm CPI cả nước tăng khoảng 0,03%;

(4). Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,14% do nhu cầu xây dựng năm nay tăng cao cùng với xu hướng giá nguyên liệu đầu vào trên thế giới tăng.

(5). Tháng 6 là thời điểm học sinh nghỉ hè nên nhu cầu du lịch tăng, chỉ số giá nhóm du lịch trọn gói tăng 0,48% so với tháng trước.

2. Các nguyên nhân làm giảm CPI tháng 6 năm 2016

Trong tháng 6 nguyên nhân làm giảm CPI đó là: giá gạo giảm 0,24% do các tỉnh miền Bắc vừa thu hoạch xong mùa vụ, các tỉnh miền Nam đang thu hoạch lúa hè thu nên sản lượng dồi dào; giá thủy hải sản tươi sống giảm 0,22% do tiêu dùng giảm; giá thiết bị điện thoại giảm 0,29% do giảm giá một số mặt hàng mẫu mã cũ.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 trong 10 năm gần đây

Đơn vị tính:%

 

Năm 2007

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Năm 2016

CPI tháng 6 năm báo cáo so với tháng trước

0,85

2,14

0,55

0,22

1,09

-0,26

0,05

0,3

0,35

 

 

 

0,46

CPI tháng 6 năm báo cáo so cùng kỳ năm trước

7,80

26,80

3,94

8,69

20,82

6,90

6,69

4,98

1,00

2,4

CPI bình quân năm so với năm trước

8,3

22,97

6,88

9,19

18,58

9,21

6,6

4,09

0,63

1,72*

(*) CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm 2015

II. DIỄN BIẾN GIÁ TIÊU DÙNG THÁNG 6 NĂM 2016 CỦA MỘT SỐ NHÓM HÀNG CHÍNH

1. Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+0,21%)

(1). Lương thực (-0,24%)

Chỉ số giá lương thực tháng 6 năm 2016 giảm 0,24% so với tháng 5 năm 2016 do các tỉnh miền Bắc vừa thu hoạch xong mùa vụ, các tỉnh miền Nam đang thu hoạch lúa hè thu nên sản lượng dồi dào, mặt khác ở các tỉnh Vùng đồng bằng sông Cửu Long do ảnh hưởng của giông lốc xoáy làm ngã đổ cây lúa trong giai đoạn thu hoạch ảnh hưởng đến chất lượng hạt gạo, dẫn đến giá gạo bán lẻ trên thị trường tháng này giảm.

Tại miền Bắc giá gạo tẻ thường ở mức 10.000đ/kg - 12.500đ/kg, tại miền Nam gạo tẻ thường IR50404 giá phổ biến từ 9.500 đồng/kg - 11.000 đồng/kg, gạo tẻ thường IR64 giá 11.500 đồng/kg - 12.000 đồng/kg, gạo tài nguyên Chợ đào giá 14.000 đồng/kg -16.000 đồng/kg, gạo tẻ ngon nàng thơm chợ đào từ 16.500 đồng/kg - 19.000 đồng/kg.

 (2). Thực phẩm (+0,36%)

(1). Giá một số mặt hàng thực phẩm tăng cụ thể như sau:

- Giá thịt lợn tăng 0,78%, thịt gia cầm tươi sống tăng 0,16%, thịt chế biến tăng 0,18% do nhu cầu người tiêu dùng chuyển sang dùng các sản phẩm thịt thay thế cho thủy hải sản tươi sống;

- Giá rau tươi tăng 0,84% do thời tiết không thuận lợi ảnh hưởng đến nguồn cung;

- Giá đường tăng 1,46%; giá sữa tươi tăng 0,08%; giá sữa đậu nành tăng 0,06%; giá kem, sữa chua tăng 0,12% do thời tiết nắng nóng nhu cầu tiêu dùng tăng;

- Thời tiết nắng nóng và hạn hán cũng ảnh hưởng đến nguồn cung trứng vịt khiến giá trứng vịt tăng 0,78%.

(2). Bên cạnh các mặt hàng tăng giá, một số mặt hàng giảm giá so với tháng trước thuộc nhóm thủy sản tươi sống khác giảm 0,22% do nhu cầu tiêu dùng giảm.

(3). Ăn uống ngoài gia đình (+0,05%)

Tháng 6 là tháng nghỉ hè của học sinh nên nhu cầu đi du lịch tăng đã tác động đến giá các mặt hàng ăn uống ngoài gia đình: giá suất ăn ở quán bình dân tăng 0,04%; giá đồ uống ngoài gia đình tăng 0,15%.

2. Đồ uống, thuốc lá (+0,13%)

Trời nắng nóng nên nhu cầu giải khát của người dân tăng mạnh, nhất là mặt hàng bia hơi tăng 1,16%, nước giải khát có ga tăng 0,17% làm cho chỉ số giá nhóm hàng này tăng hơn tháng trước 0,13%.

3. May mặc, mũ nón, giầy dép (+0,06%)

Nhu cầu tiêu dùng của người dân về một số mặt hàng quần áo phục vụ mùa hè tăng cao như: áo phông người lớn tăng 0,27%; mũ nón tăng 0,08%; giầy dép sandan người lớn tăng 0,13% và dịch vụ may mặc tăng 0,12%.

4. Nhà ở và vật liệu xây dựng (+0,55%)

Chỉ số giá tiêu dùng nhóm hàng này tăng chủ yếu ở các mặt hàng sau:

- Giá dầu hỏa bình quân tháng 6 năm 2016 tăng 8,14% so với tháng trước do 2 đợt điều chỉnh tăng giá vào các ngày 20/5/2016 và ngày 4/6/2016, tổng hai đợt tăng 840 đồng/lít.

- Thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện, nước tăng làm cho giá nước sinh hoạt tăng 0,56%, giá điện sinh hoạt tăng 1,27%.

- Giá gas tính bình quân cả tháng vẫn tăng 0,61% so với tháng trước do ảnh hưởng từ đợt tăng giá trong tháng 5 (mặc dù ngày 01/6/2016 giá gas được điều chỉnh giảm 1.500 đồng/bình 12 kg do giá gas thế giới bình quân tháng 6/2016 vừa công bố ở mức 347,5 USD/tấn, giảm 5 USD/tấn so với tháng 5/2016).

5. Thiết bị và đồ dùng gia đình (+0,06%)

       Nhu cầu tiêu dùng thiết bị và đồ dùng gia đình phục vụ mùa hè tăng nên giá một số mặt hàng tăng như: giá máy điều hòa nhiệt độ tăng 0,76%; giá tủ lạnh tăng 0,33%; giá quạt điện tăng 0,46%.

6. Giao thông (+2,99%)

Đây là nhóm có chỉ số tăng cao nhất trong 11 nhóm hàng chính, chỉ số giá nhóm giao thông tháng 6 tăng chủ yếu ở mặt hàng xăng dầu và vé tàu hỏa: Giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng vào ngày 20/5/2016 và ngày 4/6/2016 dẫn tới chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 6,46% so với tháng trước; vé tàu hỏa tăng 2,51%; giá vé ô tô khách tăng 0,32% so với tháng trước do tháng 6 là kỳ nghỉ hè nên nhu cầu đi lại của người dân tăng.

7. Giáo dục (+0,06%)

Một số tỉnh điều chỉnh học phí các bậc học theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính Phủ: Học phí đại học của tỉnh Hải Phòng tăng 5,78%, Quảng Ninh tăng 1,36%; Học phí phổ thông trung học của tỉnh Quảng Ninh tăng 1,19%, Trà Vinh tăng 20,71%; Học phí mẫu giáo của tỉnh Thái Nguyên tăng 21,84%, Cần Thơ tăng 3,83%.

8. Văn hóa, giải trí và du lịch (+0,18%)

Học sinh đang được nghỉ hè nên nhu cầu chơi các môn thể thao và nhu cầu đi du lịch tăng cao đã tác động đến giá các mặt hàng dịch vụ du lịch và thể thao: dịch vụ thể thao tăng 0,64%; giá tour du lịch trong nước tăng 1,03%; giá khách sạn tăng 0,06% và giá nhà khách, nhà trọ tăng 0,31%; vé thuê chỗ chơi thể thao tăng 0,64%.

9. Chỉ số giá vàng (-0,01)

Giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới, những ngày đầu tháng giá vàng giảm liên tiếp ở mức giá 1.210 USD/once, sau đó biến động tăng đến  ngày 15 tháng 6 năm 2016 giá vàng thế giới ở mức 1.282 USD/ounce. Từ trung tuần tháng 5/2016 giá vàng trong nước dao động ở mức 3,431 triệu đồng/chỉ, sau đó giảm xuống còn 3,367 triệu đồng/chỉ, đến ngày 15/6/2016 giá vàng tăng nhẹ, dao động ở mức 3,434 triệu đồng/chỉ. Tính bình quân tháng 6 năm 2016 giá vàng trong nước  giảm 0,01%.

10. Chỉ số giá đô la Mỹ (+0,09%)

Tỷ giá VND/USD tháng này khá ổn định xoay quanh 22.300VND/USD, do cung cầu trong nước không có biến động lớn, cán cân thương mại trong các tháng đầu năm 2016 thặng dư lớn, nguồn cung ngoại tệ trong nước dồi dào, cùng với chính sách hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ của Nhân hàng Nhà nước Việt Nam giúp cho tỷ giá VND/USD tiếp tục được giữ ổn định.

II. LẠM PHÁT CƠ BẢN

Lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 6 năm 2016 tăng 0,13% so với tháng trước, tăng 1,88% so với cùng kỳ; 6 tháng đầu năm 2016 so cùng kỳ năm 2015 tăng 1,8%.

Lạm phát cơ bản tháng 6 trong các năm gần đây

Đơn vị tính:%

 

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Năm 2016

Lạm phát cơ bản tháng 6 năm báo cáo so với tháng trước

0,32

0,87

0,28

0,24

0,21

0,13

0,13

CPI tháng 6 năm báo cáo so cùng kỳ năm trước

7,84

14,42

7,59

4,72

3,42

2,01

1,88

Lạm phát cơ bản bình quân năm so với năm trước

7,78

13,62

8,19

4,77

3,31

2,32

1,8*

(*) Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm 2015

Trong tháng 6, lạm phát chung của tháng có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản của tháng, điều này phản ánh biến động giá do yếu tố khách quan có mức tăng cao, đó là giá lương thực thực phẩm, giá xăng dầu. Bình quân 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, lạm phát chung và lạm phát cơ bản gần tiệm cận với nhau, điều này thể hiện, chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định, giúp ổn định kinh tế vĩ mô.

III. TỔNG QUAN THỊ TRƯỜNG VÀ GIÁ CẢ 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2016

CPI 6 tháng đầu năm nay có tốc độ tăng tương đối thấp: Bình quân mỗi tháng CPI chỉ tăng 0,39%; Bình quân 6 tháng CPI tăng 1,72% so với cùng kỳ năm 2015,tuy nhiên, từ nay đến hết năm 2016, có nhiều yếu tố gây áp lực lên CPI đó là giá dịch vụ y tế, giá dịch vụ giáo dục, giá xăng dầu...Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường. Chính phủ và một số Bộ cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI.

So sánh CPI bình quân 1 tháng trong 6 tháng đầu năm

Đơn vị tính:%

 

Năm 2007

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Năm 2016

CPI

 

0,85

 

2,86

0,44

0,79

2,1

0,42

0,4

0,23

0,09

0,39

So sánh CPI 6 tháng đầu năm hàng năm so với cùng kỳ năm trước

Đơn vị tính:%

 

Năm 2007

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Năm 2016

CPI 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước

7,0

20,34

10,27

8,75

16,03

12,2

6,73

4,77

0,86

1,72

1. Một số nguyên nhân gây tăng CPI trong 6 tháng đầu năm 2016

(1). Do điều hành của Chính phủ

Giá dịch vụ y tế tăng theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 1/3/2016, nên giá các mặt hàng dịch vụ y tế tăng 23,12% góp phần làm cho CPI 6 tháng đầu năm tăng khoảng 0,86% so cùng kỳ năm trước.

Thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính Phủ một số tỉnh đã tăng học phí các cấp học làm cho chỉ số giá nhóm giáo dục 6 tháng đầu năm tăng 4,47% so cùng kỳ năm trước góp phần làm cho CPI 6 tháng đầu năm tăng khoảng 0,22% so cùng kỳ năm trước.

Mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động ở các doanh nghiệp tăng từ ngày 1/1/2016 (Tính trung bình, mức lương tối thiểu vùng năm 2016 cao hơn mức lương tối thiểu vùng năm 2015 khoảng 250.000-400.000 đồng/tháng) và lương cơ sở tăng từ ngày 1/5/2016 (tăng 60.000đ) nên giá một số loại dịch vụ như: dịch vụ sửa chữa đồ dùng gia đình, dịch vụ bảo dưỡng nhà ở, dịch vụ điện, nước; dịch vụ thuê người giúp việc gia đình có mức tăng giá từ 1%-2,5% so với  cùng kỳ năm trước.

(2). Do yếu tố thị trường

Trong 6 tháng đầu năm, vào các dịp Tết Nguyên đán, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, kỳ lễ 30/41/5 đều được nghỉ kéo dài nên nhu cầu mua sắm, vui chơi giải trí tăng cao, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm đều tăng. Bên cạnh đó, do thương lái thu mua thịt lợn xuất sang Trung Quốc cùng với khô hạn ở miền Trung và Tây Nguyên và xâm nhập mặn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long  trong tháng 4, tháng 5 đã ảnh hưởng đến giá lương thực, thực phẩm trong nước. Theo đó, bình quân 6 tháng đầu năm chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,03% so với cùng kỳ năm 2015, góp phần vào mức tăng chung của CPI khoảng 0,71%; chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,37% so với cùng kỳ năm 2015, góp phần vào mức tăng chung của CPI khoảng 0,08%; chỉ số giá nhóm may mặc tăng 2,47% so với cùng kỳ năm 2015, góp phần vào mức tăng chung của CPI khoảng 0,15%; chỉ số giá nhóm du lịch trọn gói tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước.

Từ giữa tháng 3 giá xăng dầu thế giới bắt đầu tăng trở lại, theo đó, tính đến ngày 15/6/2016 giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng 6 đợt, nên giá xăng dầu trong quý II tăng 1,1% so với quý I.

 (3). Do thiên tai và thời tiết bất lợi

Thời tiết 6 tháng đầu năm nay khắc nghiệt hơn năm trước, rét hại, rét đậm vào tháng 2 năm 2016 trên toàn miền Bắc đã ảnh hưởng đến giá rau xanh rau tươi tại các tỉnh miền Bắc, giá rau xanh tăng tăng từ 15%-20%.

Trong tháng 4, tháng 5, tác động của khô hạn ở miền Trung và Tây Nguyên và xâm nhập mặn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã đẩy giá lúa gạo trên thị trường tăng. Tuy nhiên, do đơn hàng xuất khẩu gạo vào cuối tháng 5 không còn nhiều (theo dự báo của Hiệp hội lương thực Việt Nam 6 tháng đầu năm nước ta chỉ xuất khẩu khoảng 2,7 tấn gạo, thấp hơn mức 3 triệu tấn của cùng kỳ năm trước) cùng với Thái Lan tuyên bố xả kho gạo với số lượng 11,4 triệu tấn đã gây sức ép đến giá lúa gạo trong nước nên đến giữa tháng 5 trở lại đây, giá lúa gạo trong nước đã giảm. Bình quân 6 tháng đầu năm chỉ số giá nhóm lương thực vẫn tăng 0,69% so với cùng kỳ năm trước.

Do thời tiết nóng lạnh thất thường nên nhu cầu dùng điện sinh hoạt tăng cao, theo đó chỉ số giá điện sinh hoạt bình quân 6 tháng đầu năm tăng 6,08% so cùng kỳ năm trước.

2. Các yếu tố kiềm chế CPI

Với mức tăng 1,72% của 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ cao hơn nhiều so với mức 0,86% của 6 tháng đầu năm 2015, nhưng vẫn là mức tăng khá thấp so cùng kỳ của các năm trước, do các nguyên nhân sau:

(1). Mặc dù trong dịp Tết Nguyên Đán nhu cầu của các mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng nhưng do giá xăng dầu và giá cước vận tải trong các tháng đầu năm giảm, nguồn cung hàng hóa dồi dào đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết của nhân dân nên giá lương thực, thực phẩm không tăng cao. Chỉ số giá nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống 6 tháng đầu năm 2016 (nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong 11 nhóm hàng chính) chỉ tăng 2,03% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức 4,03% của năm 2014 hay mức 14,78% của năm 2012.

(2). Giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới khá ổn định, một số mặt hàng có xu hướng giảm mạnh trong quý I như giá nhiên liệu, chất đốt, sắt thép nên chỉ số giá nhập khẩu 6 tháng đầu năm so cùng kỳ đã giảm 7,77%, chỉ số giá xuất khẩu giảm 3,65%; chỉ số giá sản xuất công nghiệp (PPI) cũng giảm 1,15%.

(3). Giá nhiên liệu trên thị trường thế giới những tháng cuối năm 2015 và hai tháng đầu năm 2016 giảm mạnh, nên giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm 4 đợt trong quý I năm 2016. Giá dầu Brent bắt đầu tăng trở lại từ giữa tháng 3 năm 2016, bình quân từ ngày 1/1/2016 đến ngày 20/6/2016 ở mức 40,5$/thùng tuy nhiên, mức này vẫn thấp hơn nhiều so với mức 59,35$/thùng của bình quân 6 tháng cùng kỳ năm 2015. Trong nước, giá xăng dầu bình quân 6 tháng đầu năm giảm 21,07% so cùng kỳ năm trước và giảm 8,6% so tháng 12 năm trước, kéo theo chỉ số giá nhóm hàng “Giao thông” 6 tháng đầu năm 2016 giảm 9,37% so với cùng kỳ năm trước góp phần giảm CPI chung khoảng 0,85%.

Giá gas sinh hoạt trong nước cũng được điều chỉnh theo giá gas thế giới, 6 tháng đầu năm 2016 giá gas giảm 7% so với cuối năm trước và giảm 11,3% so với cùng kỳ năm trước.

(4). Năm 2016 là năm đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, Quốc hội đã thông qua mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, trong đó, tốc độ tăng giá tiêu dùng năm 2016 đặt ra dưới 5%. Theo đó, các ngành, các cấp đã và đang tích cực triển khai thực hiện:

- Ngành Công Thương phối hợp với các ngành liên quan chỉ đạo các doanh nghiệp thương mại dự trữ hàng hóa, tham gia bình ổn thị trường phục vụ Tết Nguyên Đán nên không xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến vào dịp Tết.

- Bộ Tài chính tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tổ chức các đoàn công tác liên ngành kiểm tra tình hình triển khai thực hiện công tác quản lý bình ổn giá tại một số địa phương.Về quản lý giá xăng dầu, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công thương điều hành kinh doanh xăng dầu phù hợp tình hình thị trường thế giới và trong nước góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành lãi suất và tỷ giá linh hoạt phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô. Ngày 31/12/2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định số 2730/QĐ-NHNN có hiệu lực từ ngày 4/1/2016 về việc công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ và biên độ giao dịch là +/-3%, theo đó tỷ giá trung tâm được điều chỉnh hàng ngày bám sát diễn biến cung cầu ngoại tệ trong nước và quốc tế, tỷ giá trung tâm biến động có tăng, có giảm. Với cách thức điều hành tỷ giá mới, sau 6 tháng, tỷ giá VND/USD trên thị trường thấp hơn nhiều so với mặt bằng tỷ giá cuối năm 2015, và khá ổn định. Sự ổn định của tỷ giá trong thời gian qua một phần cũng do diễn biến thuận lợi trên thị trường tài chính quốc tế, đồng USD giảm giá so với các đồng tiền khác sau khi FED phát đi thông điệp sẽ chỉ điều chỉnh nâng lãi suất cơ bản đồng USD một lần trong năm 2016 thay vì hai lần như dự báo trước đây. Giá vàng trong nước đã tiệm cận và biến động cùng xu hướng với giá vàng thế giới, không có tình trạng “sốt vàng” gây bất ổn kinh tế - xã hội, hiện nay giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới gần 200.000đồng/lượng. Chỉ số lạm phát cơ bản ổn định, 6 tháng lạm phát cơ bản tăng 1,8% so cùng kỳ.

(5). Bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên Đán những năm gần đây thay đổi so với những năm trước, người dân không mua dồn dập hàng hóa vào những ngày giáp Tết, không mua tích trữ vì ngày mùng 1 Tết đã có chợ, do đó không tạo áp lực lên giá cả vào tháng Tết.

                                                                                                                               TCTK 




TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/