TIN HOẠT ĐỘNG NGÀNH
Tổng quan thị trường và giá cả tháng 01 năm 2018

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01 năm 2018 tăng 0,51% so với tháng trước, tăng 2,65% so với cùng kỳ năm trước.Lạm phát cơ bản tháng 01/ 2018 so cùng kỳ ở mức 1,18% phản ánh chính sách tiền tệ vẫn đang điều hành ổn định...

I. TỔNG QUAN THỊ TRƯỜNG VÀ GIÁ CẢ THÁNG 01 NĂM 2018

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01 năm 2018 tăng 0,51% so với tháng trước, tăng 2,65% so với cùng kỳ năm trước.

So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 10 nhóm hàng tăng giá: Thuốc và dịch vụ y tế tăng 1,83%; Giao thông tăng 1,17%; Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,55%; Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,44%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,35%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,40%; May mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,34%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,16%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,07%; Giáo dục tăng 0,03%. Riêng nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,09%.

Tháng 01/2018 là tháng giáp Tết Nguyên Đán Mậu Tuất nên nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng như của các doanh nghiệp, các cơ quan tăng hơn các tháng trước, CPI tháng 01/2018 tăng do một số nguyên nhân chủ yếu sau:

(1). Giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng hai đợt vào ngày 04/01/2018 và ngày 19/01/2018 do giá xăng dầu thế giới tăng cao, giá dầu Brent thế giới bình quân đến ngày 25/01/2018 ở mức 69,02 USD/thùng tăng 7,7% so tháng 12 năm 2017, giá xăng A95 tăng 1100đ/1 lít, giá xăng E5 tăng 430 đồng/lít, giá dầu diezen tăng 790đ/lít; giá dầu hỏa tăng 950đ/lít đã tác động làm chỉ số giá nhóm nhiên liệu bình quân tháng 01/2018 tăng 2,65% so với tháng trước đóng góp làm tăng CPI chung 0,11%.

(2). Giá điện sinh hoạt tăng 2,64% do giá điện bình quân được điều chỉnh tăng 6,08% từ ngày 01/12/2017 theo Quyết định số 4495/QĐBCT ngày 30/11/2017 của Bộ Công Thương, đóng góp làm tăng CPI chung 0,06%.

(3). Giá dịch vụ y tế tăng cho đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế theo các quyết định của Ủy ban nhân dân 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được quy định trong Thông tư số 02/2018/TT-BYT ngày 15/3/2018 của Bộ Y tế làm cho giá dịch vụ y tế tăng 2,34% so với tháng trước đóng góp làm tăng CPI chung 0,09%. (Danh sách 9 tỉnh tăng giá dịch vụ y tế được gửi trong bảng Phụ lục).

(4). Vào tháng cuối năm nhu cầu sửa chữa nhà cửa tăng làm cho giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,35%; giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,38%.

(5). Giá vé tàu hỏa tăng 6,54% do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tăng giá vé vào dịp cuối năm.

Riêng giá rau tươi giảm mạnh giảm 2,77% do thời tiết thuận lợi nên sản lượng rau tươi dồi dào và nhiều chủng loại.


II. DIỄN BIẾN GIÁ TIÊU DÙNG THÁNG 01 NĂM 2018 CỦA MỘT SỐ NHÓM HÀNG CHÍNH

1. Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+0,44%)

a) Lương thực (+0,47%)

Chỉ số giá lương thực tháng 01/2018 tăng 0,47% so với tháng 12/2017 do Việt Nam đã trúng thầu 141.000 tấn gạo xuất bán cho Indonesia, bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng các loại gạo nếp và gạo tẻ ngon vào dịp cuối năm tăng làm cho giá gạo trong nước tăng.

Tại miền Bắc giá gạo tẻ thường ở mức 12.500đ/kg - 13.000đ/kg, tại miền Nam gạo tẻ thường IR50404 giá phổ biến 11.200đ/kg  - 11.700đ/kg; gạo tẻ thường IR74 giá 01.000đ/kg - 01.500đ/kg, gạo tẻ ngon Nàng thơm chợ Đào giá 17.000đ/kg - 19.000đ/kg, giá gạo nếp dao động từ 25.000đ/kg - 30.000đ/kg.

b) Thực phẩm (+0,56%)

Chỉ số giá nhóm thực phẩm tháng này tăng khá cao tăng 0,56% so với tháng trước, hầu hết các mặt hàng trong nhóm thực phẩm đều tăng do nhu cầu tết Nguyên Đán sắp tới tăng, cụ thể:

- Giá thịt lợn tăng 2,39% do nhu cầu tiêu dùng cuối năm tăng, các cơ sở chế biến đang tập trung giết mổ để sản xuất các loại thực phẩm phục vụ nhu cầu tết của người dân, hơn nữa giá thịt lợn những tháng gần đây đang ở mức khá thấp;

- Giá thịt gia cầm tươi sống tăng 0,79% đặc biệt giá gà ta tăng từ 5.000-10.000đ/kg do nhiều người dân giữ hàng lại đến sát Tết bán để được giá cao hơn;

- Giá thủy sản tươi sống tăng 1,27% trong đó: cá tươi tăng 0,86%, tôm tươi tăng 2%; thủy hải sản chế biến tăng 0,44% so với tháng trước;

- Trứng gia cầm các loại tăng 0,32% do nhu cầu về nguyên liệu để làm bánh trong dịp Tết tăng;

- Giá bánh kẹo, bơ, cà phê, chè búp khô có mức tăng từ 0,2% đến 1,0%;

- Giá quả tươi tăng 0,76%, đặc biệt ở mặt hàng trái vụ như thanh long, chuối.

Riêng giá rau tươi giảm 2,77% so với tháng trước do nhiều loại rau xanh đến mùa sinh trưởng nhanh, và thu hoạch nên sản lượng rau xanh trên thị trường dồi dào và nhiều chủng loại; giá đường giảm 0,09% do nguồn cung dồi dào.

c) Ăn uống ngoài gia đình (+0,13%)

Giá lương thực, thực phẩm tháng này cao hơn các tháng trước cùng với nhu cầu ăn uống ở nhà hàng vào dịp cuối năm thường cao nên giá mặt hàng cơm bình dân tăng 0,11% và đồ uống ngoài gia đình tăng 0,26%.

2. Đồ uống, thuốc lá (+0,35%)

Chỉ số giá nhóm này tăng ở mặt hàng rượu mạnh (tăng 0,68%), bia chai, bia lon (tăng 0,22%) và thuốc lá (tăng 0,43%) do nhu cầu phục vụ nguồn hàng đón Tết Nguyên Đán sắp tới.

3. May mặc, mũ nón, giầy dép (+0,34%)

Thời tiết mùa lạnh và nhu cầu chuẩn bị Tết Nguyên Đán nên giá một số mặt hàng như: giá vải các loại tăng 0,39%; quần áo may sẵn tăng 0,35%; dịch vụ may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,84%; khăn mặt, khăn quàng, găng tay và bít tất ...tăng từ 0,24% đến 0,6%.

4. Nhà ở và vật liệu xây dựng (+0,55%)

Chỉ số giá tiêu dùng nhóm hàng này tăng chủ yếu ở các mặt hàng sau:

- Nhu cầu sửa chữa nhà cửa cuối năm tăng làm cho giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,35%; giá dịch vụ sửa chữa nhà tăng 0,38%;

- Giá dầu hỏa bình quân tháng 01/2018 tăng 3,37% so với tháng trước do do điều chỉnh tăng vào ngày 04/01/2018 và ngày 19/01/2018;

- Giá điện sinh hoạt tăng 2,64% do giá điện bình quân được điều chỉnh tăng 6,08% từ ngày 01/12/2018 theo Quyết định số 4495/QĐBCT ngày 30/11/2018 của Bộ Công Thương.

5. Thiết bị và đồ dùng gia đình (+0,16%)

Thời tiết chuyển lạnh nên nhu cầu về các thiết bị và đồ dùng gia đình phục vụ mùa đông tăng lên, bình nước nóng, đèn sưởi nhà tắm tăng 0,68%; đệm mút tăng 0,54%; chiếu, ga trải giường tăng 0,48%. Tuy nhiên, các mặt hàng về điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh giảm 0,15% do nhu cầu tiêu dùng giảm.

Bên cạnh đó, nhu cầu một số mặt hàng đồ dùng trong nhà tăng do nhu cầu người dân sắm sửa chuẩn bị Tết tăng như: đồ dùng nấu ăn, bát, đĩa, ly, cốc, lọ hoa tăng giá 5%-7%. Ngoài ra nhu cầu thuê người giúp việc cuối năm tăng cao nên giá cũng tăng nhẹ 0,49% so tháng trước. 

6. Thuốc và dịch vụ y tế (+1,83%)

Nhóm thuốc và dịch vụ y tế có chỉ số giá tăng mạnh nhất trong 11 nhóm hàng chính. Trong đó:

- Giá thuốc một số loại tăng như: nhóm thuốc tác dụng trên đường hô  hấp tăng 0,12%; vitamin và khoáng chất tăng 0,21%; thuốc cảm, thuốc kháng sinh tăng 0,43% do thời tiết mưa nắng thất thường phát sinh các bệnh về cảm cúm, viêm đường hô hấp nên nhu cầu về các loại thuốc này tăng;

- Giá dịch vụ y tế tăng 2,34% so với tháng trước do tăng theo các quyết định của Ủy ban nhân dân 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được quy định trong Thông tư số 02/2017/TT-BYT ngày 15/3/2017 của Bộ Y tế đối với đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế, góp phần làm cho CPI chung tăng 0,09%.

7. Giao thông (+1,17%)

Chỉ số giá nhóm giao thông tăng chủ yếu ở mặt hàng xăng dầu do ảnh hưởng từ đợt tăng giá ngày 04/01/2018 và ngày 19/01/2018 đã tác động làm chỉ số giá nhóm nhiên liệu bình quân tháng 01/2018 tăng 2,65% so với tháng trước.

Giá vé tàu hỏa tăng 6,54% do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tăng giá vé đón dịp Tết Nguyên Đán 2018.          

8. Hàng hóa và dịch vụ khác (+0,4%)

Chỉ số giá nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng chủ yếu ở mặt hàng dịch vụ cá nhân như cắt tóc, gội đầu, uốn tóc tăng 0,97% so với tháng trước. Vào mùa cưới nên giá các vật dụng, dịch vụ về cưới hỏi tăng 0,39%; nhu cầu về các đồ thờ cúng vào dịp cuối năm tăng nên giá các mặt hàng này tăng 0,26% so với tháng trước.

9. Chỉ số giá vàng (+1,69%)

Giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới, đồng Đô la Mỹ yếu hơn một số đồng tiền khác tạo đà tăng cho giá vàng, bình quân đến ngày 25/01/2018 giá vàng thế giới ở mức 1.330,06 USD/ounce tăng 4,76% so với tháng trước. Tuy nhiên, giá vàng trong nước tăng chậm hơn giá vàng thế giới đã giúp cho chênh lệch giá vàng trong nước chỉ cao hơn giá vàng thế giới khoảng 100.000đ/lượng, bình quân tháng 01/2018 giá vàng tại trong nước tăng 1,69% so với tháng trước, giá vàng dao động quanh mức 3,670 triệu đồng/chỉ vàng SJC.

10. Chỉ số giá đô la Mỹ (- 5,38%)

Sự suy yếu của Đồng đô la Mỹ do tác động của việc Chính phủ Mỹ đóng cửa ngừng hoạt động một phần vì Quốc Hội nước này không thông qua đúng hạn dự luật ngân sách, và nhiều khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sớm áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt. Trong nước, với cách điều hành tỷ giá theo cơ chế tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với 8 đồng tiền chủ chốt, nên giá đồng USD trong nước ổn định, giá bình quân ở thị trường tự do tháng này ở quanh mức 22.670 VND/USD.

III. LẠM PHÁT CƠ BẢN

Lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 01/2018 tăng 0,18% so với tháng trước, tăng 1,18% so với cùng kỳ.

 

Trong tháng 01/2018, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản. Điều này phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao, đó là giá lương thực, giá xăng dầu và yếu tố điều hành giá qua việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế và điện. Lạm phát cơ bản tháng 01/ 2018 so cùng kỳ ở mức 1,18% phản ánh chính sách tiền tệ vẫn đang điều hành ổn định./.

 

 




TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/