TIN HOẠT ĐỘNG NGÀNH
Thông cáo báo chí về kết quả chính thức Tổng điều tra Nông thôn, Nông nghiệp và Thủy sản năm 2016

Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương công bố kết quả chính thức của cuộc Tổng điều tra; đồng thời đánh giá khái quát tình hình kinh tế - xã hội nông thôn và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2011-2016...

Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 được tiến hành trên phạm vi cả nước vào thời điểm 01/7/2016 theo Quyết định số 1225/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Cuộc Tổng điều tra có quy mô lớn, liên quan tới 8.978 xã và 79.898 thôn; gần 16,0 triệu hộ nông thôn và trên 1,0 triệu hộ thành thị hoạt động nông, lâm nghiệp, diêm nghiệp và thủy sản; gần 33,5 nghìn trang trại và nhiều đơn vị điều tra khác. Cuộc Tổng điều tra còn thu thập, xử lý, tổng hợp và cập nhật tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và hợp tác xã nông, lâm nghiệp và thủy sản được lồng ghép trong Điều tra doanh nghiệp năm 2016 của Tổng cục Thống kê.

Để tiến hành cuộc Tổng điều tra, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra các cấp đã huy động trên 18 vạn điều tra viên, tổ trưởng và giám sát viên tham gia liên tục từ 01/7/2016 đến 30/7/2016. Cuộc Tổng điều tra đã thực hiện thành công, đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương công bố kết quả chính thức của cuộc Tổng điều tra; đồng thời đánh giá khái quát tình hình kinh tế - xã hội nông thôn và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2011-2016.

I. TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI NÔNG THÔN

1. Thành tựu phát triển kinh tế - xã hội nông thôn

a) Kết cấu hạ tầng nông thôn được tăng cường

Trong 5 năm 2011-2016, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã triển khai có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội nông thôn. Bộ mặt nông thôn có sự biến đổi sâu sắc, nhất là kết cấu hạ tầng.

Sau nhiều năm đẩy mạnh đầu tư và triển khai quyết liệt, hệ thống cung cấp điện đã vươn tới tất cả các xã và hầu hết các thôn. Năm 2011, cả nước còn 17 xã chưa có điện, đến 01/7/2016 tất cả các xã này đã có điện phục vụ sản xuất và đời sống. Tỷ lệ xã có điện tăng từ 99,8% năm 2011 lên 100% năm 2016. Cả nước có 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đưa điện tới tất cả các thôn.

Hệ thống giao thông nông thôn ngày càng thông suốt. Tại thời điểm 01/7/2016, cả nước có 8.927 xã có đường ô tô kết nối UBND xã với UBND huyện, chiếm 99,4% tổng số xã, tăng 0,8 điểm phần trăm so với tỷ trọng năm 2011; gần 74,9 nghìn thôn có đường ô tô kết nối với trụ sở UBND xã, chiếm 93,7% tổng số thôn, tăng 4,1 điểm phần trăm. Đến năm 2016 đã có 37 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt 100% số xã có đường ô tô từ UBND xã tới UBND huyện đi được quanh năm.

Hệ thống trường mầm non và trường phổ thông các cấp được quy hoạch lại, bảo đảm phù hợp với sự biến động về số lượng học sinh. Theo kết quả Tổng điều tra năm 2016, cả nước có 8.920 xã có trường mầm non, chiếm 99,4% tổng số xã, tăng 3,1 điểm phần trăm so với năm 2011; 8.914 xã có trường tiểu học, chiếm 99,3% và giảm 0,2 điểm phần trăm; 8.221 xã có trường trung học cơ sở, chiếm 91,6%, giảm 1,3 điểm phần trăm; 1.139 xã có trường trung học phổ thông, chiếm 12,7% và giảm 0,2 điểm phần trăm.

Hệ thống thiết chế văn hóa thông tin đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tiếp cận thông tin của dân cư khu vực nông thôn. Tại thời điểm Tổng điều tra năm 2016 có 5.241 xã có nhà văn hóa, chiếm 58,4% tổng số xã, tăng 19,5 điểm phần trăm so với năm 2011; 5.591 xã có sân thể thao xã, chiếm 62,3% và tăng 12,3 điểm phần trăm; 1.708 xã có thư viện, chiếm 19,0% và tăng 7,5 điểm phần trăm; 8.810 xã có tủ sách pháp luật, chiếm 98,1% và tăng 1,1 điểm phần trăm.

Cơ sở hạ tầng thông tin truyền thông tiếp tục được tăng cường. Năm 2016 có 7.493 xã có điểm bưu điện văn hóa xã, chiếm 83,5% tổng số xã, tăng 1,1 điểm phần trăm so với năm 2011. Ngoài ra còn 1.857 xã có trạm bưu điện, chiếm 20,7% tổng số xã; 8.024 xã có hệ thống loa truyền thanh cấp xã, chiếm 89,4% tổng số xã; gần 63,2 nghìn thôn có hệ thống loa truyền thanh cấp thôn, chiếm 79,1% tổng số thôn.

Cơ sở hạ tầng y tế ngày càng được bổ sung, hoàn thiện. Năm 2016, cả nước có 8.930 xã có trạm y tế, chiếm 99,5% tổng số xã. Bên cạnh trạm y tế xã, khu vực nông thôn còn có 3.034 xã có cơ sở y tế khác (bệnh viện; trung tâm y tế; phòng khám đa khoa, chuyên khoa; phòng khám chữa bệnh đông y), chiếm 33,8% tổng số xã.

Hệ thống cung cấp nước sạch tiếp tục được đầu tư xây dựng. Tại thời điểm Tổng điều tra, trên địa bàn nông thôn có 4.498 xã có công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, chiếm 50,1% tổng số xã, tăng 3,6 điểm phần trăm so với năm 2011; trong tổng số 16,1 nghìn công trình năm 2016, có trên 14,0 nghìn công trình đang hoạt động, chiếm 87,2% tổng số công trình. Cùng với việc xây dựng công trình cấp nước, các địa phương còn chú trọng xây dựng hệ thống thoát nước thải sinh hoạt chung. Năm 2016 đã có 3.210 xã và 19,5 nghìn thôn có hệ thống thoát nước thải sinh hoạt chung, chiếm 35,8% tổng số xã và 24,4% tổng số thôn.

b) Hình thức hỗ trợ kinh tế nông thôn ngày càng đa dạng

Hệ thống tín dụng, ngân hàng thực sự trở thành nguồn cung ứng vốn quan trọng thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển. Tại thời điểm Tổng điều tra, khu vực nông thôn có 1.806 xã có ngân hàng, chi nhánh ngân hàng và quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động, chiếm 20,1% tổng số xã, tăng 0,6 điểm phần trăm so với năm 2011.

Hệ thống thủy nông được xây dựng mới và hoàn thiện. Tính đến 01/7/2016, trên địa bàn nông thôn có 18,1 nghìn trạm bơm phục vụ sản xuất và dân sinh, bình quân mỗi xã có 2,0 trạm bơm, tăng 0,3 trạm/xã so với năm 2011. Kênh mương do xã và hợp tác xã quản lý có 193,0 nghìn km, bình quân mỗi xã có 21,5 km, tăng 12,5% so với mức bình quân 19,1 km/xã năm 2011.

Mạng lưới khuyến nông, khuyến ngư ở các địa phương được củng cố. Năm 2016, cả nước có 8.202 xã có cán bộ khuyến nông, lâm nghiệp và ngư nghiệp, chiếm 91,4% tổng số xã, tăng 3,3 điểm phần trăm so với năm 2011, bình quân mỗi xã có 1,14 người, tăng 0,08 người/xã.

Các dịch vụ hỗ trợ khác cũng phát triển rộng khắp. Ngoài 434,2 nghìn hộ và cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản; 2.560 xã có tổ hợp tác hỗ trợ sản xuất, trên địa bàn nông thôn còn có 7.413 xã có điểm và cửa hàng cung cấp giống, vật tư, nguyên liệu cho sản xuất và thu mua sản phẩm nông, lâm, thủy sản, chiếm 82,6% tổng số xã.

Hệ thống chợ truyền thống và chợ dân sinh được củng cố, góp phần đẩy mạnh giao lưu hàng hóa trên địa bàn nông thôn. Tại thời điểm Tổng điều tra, cả nước có 5.478 xã có chợ, chiếm 61,0% tổng số xã, tăng 3,4 điểm phần trăm so với năm 2011; trong đó, 4.330 xã có chợ được xây dựng kiên cố và bán kiên cố, chiếm 79,0% tổng số xã có chợ, tăng 4,0 điểm phần trăm.

c) Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch tích cực, theo hướng nâng cao dần tỷ trọng ngành nghề phi nông, lâm nghiệp và thủy sản

Tại thời điểm 01/7/2016, trên địa bàn nông thôn cả nước có 15,99 triệu hộ và 31,02 triệu người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động. So với năm 2011, tăng 0,64 triệu hộ, nhưng giảm 0,98 triệu lao động. Số hộ và số lao động nông thôn trong những năm vừa qua không chỉ biến động về lượng, mà quan trọng hơn là đã có sự chuyển dịch dần sang hoạt động phi nông, lâm nghiệp và thủy sản. Đây là sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng.

Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dần sang các hoạt động phi nông, lâm nghiệp và thủy sản thể hiện trước hết ở sự chuyển dịch cơ cấu hộ. Năm 2016, khu vực nông thôn có 8,58 triệu hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 53,7% tổng số hộ, giảm 8,5 điểm phần trăm so với năm 2011; 6,4 triệu hộ phi nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 40,0% tổng số hộ và tăng 6,6 điểm phần trăm; 1,01 triệu hộ khác, chiếm 6,3%, tăng 1,9 điểm phần trăm.

Phân bổ lao động làm việc trong những năm vừa qua cũng thể hiện việc cơ cấu lại kinh tế nông thôn theo hướng nâng cao tỷ trọng khu vực phi nông, lâm nghiệp và thủy sản. Tại thời điểm 01/7/2016, trên địa bàn nông thôn có 15,94 triệu người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động hoạt động chính là sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 51,4% tổng số lao động nông thôn, giảm 8,2 điểm phần trăm so với năm 2011; 14,21 triệu người hoạt động chính trong các ngành nghề phi nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 45,8% tổng số lao động và tăng 6,9 điểm phần trăm; 0,87 triệu người không hoạt động kinh tế, chiếm 2,8%, tăng 1,3 điểm phần trăm.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn còn thể hiện ở sự chuyển dịch cơ cấu hộ theo thu nhập. Tại thời điểm 01/7/2016 có 7,66 triệu hộ có thu nhập lớn nhất từ nông, lâm nghiệp và thủy sản trong 12 tháng qua, chiếm 47,9% tổng số hộ nông thôn, giảm 9,1 điểm phần trăm so với năm 2011; 7,07 triệu hộ có thu nhập lớn nhất từ hoạt động phi nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 44,2% và tăng 7,5 điểm phần trăm; 1,25 triệu hộ có thu nhập lớn nhất từ các nguồn khác, chiếm 7,9%, tăng 1,7 điểm phần trăm.

d) Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới triển khai rộng khắp, đạt kết quả quan trọng

Theo kết quả Tổng điều tra, đến thời điểm 01/7/2016, cả nước có 2.060 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 23,1% tổng số xã thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và chiếm 22,9% tổng số xã khu vực nông thôn. Ngoài ra còn 139 xã đạt toàn bộ 19 tiêu chí về nông thôn mới, đang chờ cấp có thẩm quyền đánh giá, thẩm định và phê duyệt. Tại thời điểm 01/7/2016, cả nước có 34 đơn vị cấp huyện có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Đối với 6.851 xã đang phấn đấu thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, kết quả đạt được cũng khá cao. Tại thời điểm Tổng điều tra năm 2016 đã có 4.404 xã đạt từ 10 tiêu chí trở lên, chiếm 64,3% tổng số xã đang phấn đấu. Tính chung tất cả các xã đang phấn đấu, bình quân mỗi xã đạt 10,9 tiêu chí.

e) Đời sống dân cư nông thôn tiếp tục được cải thiện

Tại thời điểm 01/7/2016, bình quân 100 hộ có 1,44 ô tô; 11,61 máy giặt; 65,36 tủ lạnh và tủ đá; 129,26 xe máy. Tỷ lệ hộ sử dụng điện chiếm trong tổng số hộ nông thôn tăng từ 98,0% năm 2011 lên 99,2% năm 2016, trong đó tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia tăng từ 96,4% lên 98,4%. Tỷ lệ hộ sử dụng nước máy để ăn uống tăng từ 13,2% lên 22,1%. Năm 2016 có gần 5,06 triệu hộ sử dụng nước từ công trình cấp nước sạch tập trung trên địa bàn nông thôn, chiếm 31,6% tổng số hộ.

Dịch vụ khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu của dân cư nông thôn được tăng cường. Số bác sĩ của trạm y tế bình quân 1 vạn dân khu vực nông thôn tăng từ 1,12 người năm 2011 lên gần 1,37 người năm 2016. Tỷ lệ số thôn có nhân viên y tế hoặc nữ hộ sinh tăng từ 93,9% năm 2011 lên 97,4% năm 2016. Người có thẻ bảo hiểm y tế năm 2016 chiếm 76,4% tổng số nhân khẩu nông thôn, gấp 1,4 lần năm 2011.

Vệ sinh môi trường nông thôn được chính quyền, đoàn thể và nhân dân quan tâm hơn nên đã cải thiện đáng kể. Tỷ lệ hộ sử dụng hố xí tự hoại và bán tự hoại năm 2016 đạt 64,5% và tăng 20,4 điểm phần trăm so với năm 2011. Tỷ lệ xã có tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt đạt 63,5%, tăng 19,4 điểm phần trăm. Tỷ lệ thôn có tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt đạt 47,3%, tăng 21,5 điểm phần trăm. Tỷ lệ xã có điểm thu gom chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn xã chiếm 21,0% tổng số xã. Số thôn có xử lý rác thải sinh hoạt chiểm 47,1% tổng số thôn.

f) Bộ máy lãnh đạo và điều kiện làm việc của chính quyền cấp xã được kiện toàn

Tại thời điểm 01/7/2016 các xã có gần 38,5 nghìn cán bộ chủ chốt, bình quân mỗi xã có 4,3 người. Trong tổng số cán bộ xã nêu trên có 3.353 cán bộ nữ, chiếm 8,7% tổng số cán bộ chủ chốt xã và tăng 3,3 điểm phần trăm so với năm 2011; bình quân mỗi xã có 0,37 cán bộ chủ chốt là nữ, tăng 0,18 cán bộ nữ/xã so với năm 2011.

Thành tựu nổi bật về kiện toàn bộ máy lãnh đạo xã trong những năm vừa qua là trình độ của cán bộ chủ chốt đã nâng lên đáng kể. Tỷ lệ cán bộ có bằng cấp đại học và trên đại học tăng từ 32,3% năm 2011 lên 62,9% năm 2016. Tỷ lệ cán bộ qua các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị tăng từ 97,0% lên 99,0%. Cùng với việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt, điều kiện làm việc của lãnh đạo xã cũng không ngừng được cải thiện. Năm 2016 có 85,6% số trụ sở làm việc của UBND xã được kiên cố hóa, tăng 13,2 điểm phần trăm so với năm 2011. Tỷ lệ trụ sở làm việc của UBND xã có máy vi tính đạt 99,9%, tăng 0,4 điểm phần trăm.

2. Hạn chế, bất cập trong phát triển kinh tế - xã hội nông thôn

(1) Kết cấu hạ tầng của một số địa phương vẫn còn yếu kém. Tại thời điểm 01/7/2016, trên địa bàn nông thôn còn 1.766 thôn chưa có điện; 51 xã chưa có đường ô tô từ trụ sở UBND xã đến trụ sở UBND huyện; 5.042 thôn chưa có đường ô tô tới trụ sở UBND xã. Về kết cấu hạ tầng giáo dục, còn 58 xã chưa có trường mầm non, chiếm 0,6% tổng số xã và 64 xã chưa có trường tiểu học, chiếm 0,7%. Về y tế và vệ sinh môi trường, còn 7 xã chưa có trạm y tế hoặc cơ sở y tế khác.

(2) Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm nên kinh tế nông thôn chủ yếu vẫn là kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản. Trong cơ cấu kinh tế nông thôn 5 năm 2011-2016, bình quân mỗi năm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ giảm được 1,7 điểm phần trăm về tỷ trọng hộ và 1,6 điểm phần trăm tỷ trọng lao động. Tính chung khu vực nông thôn cả nước trong năm 2016 có 53,7% hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản; 51,4% số người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động hoạt động chính là sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; 47,9% tổng số hộ có thu nhập chính từ nông, lâm nghiệp và thủy sản.

(3) Chất lượng lao động thấp đang là trở ngại lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội nông thôn nói chung và phát triển ngành mới, nghề mới tạo việc làm cho người lao động nói riêng. Trong tổng số 31,02 triệu người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động của khu vực nông thôn năm 2016, có 26,09 triệu người chưa được đào tạo nghề hoặc đào tạo ngắn hạn không được cấp chứng chỉ, chiếm 84,1%; chỉ có 4,92 triệu người được đào tạo có bằng cấp chứng chỉ chuyên môn từ sơ cấp nghề trở lên, chiếm 15,9%.

(4) Kết quả xây dựng nông thôn mới bộc lộ một số hạn chế. Tại thời điểm Tổng điều tra 2016, trong tổng số 2.060 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng không phải tất cả đã hoàn thành đủ 19 tiêu chí quy định, vẫn còn 95 xã “nợ” một hoặc hai tiêu chí. Trong tổng số 6.851 xã đang phấn đấu, bình quân mỗi xã đạt 10,9 tiêu chí, nhưng vẫn có 2.134 xã chỉ đạt 5-9 tiêu chí, chiếm 24,0% tổng số xã đang phấn đấu và 313 xã đạt từ 4 tiêu chí trở xuống, chiếm 3,5%.

(5) Đời sống một bộ phận dân cư nông thôn còn khó khăn, nhất là dân cư vùng núi, rẻo cao, vùng sâu, vùng xa. Theo kết quả Tổng điều tra, năm 2016 khu vực nông thôn còn 124,8 nghìn hộ chưa sử dụng điện, chiếm 0,8% tổng số hộ. Số hộ chưa có ti vi còn 1,2 triệu hộ, chiếm 7,5% tổng số hộ. Tỷ lệ hộ sử dụng nước ăn uống lấy từ giếng đào không được bảo vệ chiếm gần 1,3% tổng số hộ. Tỷ lệ hộ sử dụng nước ăn uống hằng ngày là nước sông, hồ, ao chiếm 1,9%. Tỷ lệ hộ không có nhà tắm chiếm 8,4%; không có nhà tiêu chiếm 5,1%. Tỷ lệ nhân khẩu nông thôn chưa có bảo hiểm y tế chiếm 23,6% tổng số nhân khẩu.

II. TÌNH HÌNH SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP VÀ THUỶ SẢN

1. Thành tựu phát triển nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

a) Sản xuất đang được cơ cấu lại về hình thức tổ chức và quy mô sản xuất

Quá trình cơ cấu lại sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản trong giai đoạn 2011-2016 thể hiện trước hết ở kết quả cơ cấu lại hình thức tổ chức sản xuất theo hướng số doanh nghiệp và số hợp tác xã tăng nhanh, số hộ ngày càng giảm mạnh. Năm 2016, cả nước có 3.846 doanh nghiệp nông, lâm nghiệp và thuỷ sản, tăng 51,7% so với năm 2011 và cao hơn nhiều so với tốc độ tăng 18,7% của giai đoạn 2006-2011. Số hợp tác xã nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng từ 6.302 hợp tác xã năm 2011 lên 6.946 hợp tác xã năm 2016. Trong khi đó, số hộ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 10,37 triệu hộ xuống còn 9,28 triệu hộ, bình quân mỗi năm giảm 0,22 triệu hộ.

Cùng với cơ cấu lại hình thức tổ chức sản xuất, quá trình cơ cấu lại sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản còn được tiến hành theo hướng tăng cường quy mô lớn. Trong tổng số 3.846 doanh nghiệp hoạt động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, năm 2015 có 1.205 doanh nghiệp có vốn sản xuất kinh doanh từ 10 tỷ đồng trở lên, chiếm 31,3% tổng số doanh nghiệp, tăng 76,2% so với số doanh nghiệp cùng quy mô năm 2010.

Đối với hộ sản xuất, tại thời điểm 01/7/2016, lĩnh vực trồng trọt có gần 49,2 nghìn hộ sử dụng đất trồng cây hằng năm từ 5 ha trở lên, tăng 13,6% so với năm 2011; 39,5 nghìn hộ sử dụng đất trồng cây lâu năm từ 5 ha trở lên, tăng 15,0%. Trong lĩnh vực thủy sản có 12,7 nghìn hộ sử dụng đất nuôi trồng thủy sản từ 5 ha trở lên, tăng 21,1%. Trong chăn nuôi, số hộ nuôi 6 con trâu trở lên tăng từ 26,5 nghìn hộ năm 2011 lên 43,3 nghìn hộ năm 2016, tăng 63,4%; số hộ nuôi từ 6 con bò trở lên tăng từ 92,3 nghìn hộ lên 172,4 nghìn hộ, tăng 86,8%; số hộ nuôi 20 con lợn trở lên tăng từ 182,7 nghìn hộ lên gần 354,0 nghìn hộ, tăng 93,7%; số hộ nuôi 100 con gà trở lên tăng từ 255,0 nghìn hộ lên 360,7 nghìn hộ, tăng 41,5%.

b) Ruộng đất được tích tụ với khâu đột phá là dồn điền đổi thửa và xây dựng cánh đồng lớn

Tính đến 01/7/2016, cả nước có 2.294 xã tiến hành dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp, chiếm 25,6% tổng số xã. Nhờ dồn điền đổi thửa nên diện tích bình quân một thửa đất sản xuất nông nghiệp tính chung cả nước đã tăng từ 1.619,7 m2 năm 2011 lên 1.843,1 m2 năm 2016. Năm 2016, số thửa bình quân một hộ sử dụng đất sản xuất nông nghiệp là 2,5 thửa, giảm 0,3 thửa so với năm 2011. Dồn điền đổi thửa được tiến hành mạnh mẽ đối với đất trồng lúa nên số thửa bình quân một hộ tính chung cả nước năm 2016 chỉ còn 2,5 thửa, giảm 0,5 thửa/hộ so với năm 2011; diện tích bình quân một thửa đạt 1.401,5 m2, tăng 20,8%.

Mô hình cánh đồng lớn xuất hiện và ngày càng được nhân rộng ở nhiều địa phương. Tính đến 01/7/2016, cả nước đã xây đựng được 2.262 cánh đồng lớn; trong đó, 1.661 cánh đồng lúa; 162 cánh đồng rau; 95 cánh đồng mía; 50 cánh đồng ngô; 38 cánh đồng chè búp và 256 cánh đồng lớn trồng các loại cây khác. Tổng diện tích gieo trồng trong 12 tháng trước thời điểm 01/7/2016 của tất cả cánh đồng lớn đạt 579,3 nghìn ha. Tính chung diện tích gieo trồng bình quân một cánh đồng lớn đạt 256,1 ha.

c) Ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa sản xuất và liên kết theo chuỗi giá trị có bước phát triển mới

Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản qua kết quả Tổng điều tra năm 2016 được biểu hiện trước hết ở việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP). Tại thời điểm điều tra, cả nước có 1.495 đơn vị được cấp chứng nhận VietGAP và tương đương; trong đó, 540 đơn vị là hộ cá thể, chiếm 36,1% tổng số đơn vị được cấp chứng nhận; 551 nhóm liên kết, chiếm 36,9%; 199 hợp tác xã, chiếm 13,3%; 200 doanh nghiệp, chiếm 13,4% và 5 đơn vị thuộc loại hình khác, chiếm 0,3%.

Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản còn thể hiện qua số liệu về cơ giới hóa. Chỉ tính riêng 14 loại thiết bị, máy móc chủ yếu phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của hộ, năm 2016 có trên 7,3 triệu chiếc, tăng 74,0% so với năm 2011.

Bên cạnh việc tăng cường áp dụng Quy trình VietGAP và cơ giới hóa sản xuất, trong những năm vừa qua, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản còn đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Năm 2016, cả nước có 781 doanh nghiệp thực hiện liên kết, chiếm 20,3% tổng số doanh nghiệp nông, lâm nghiệp và thủy sản; 2.469 hợp tác xã thực hiện liên kết, chiếm 35,5% tổng số hợp tác xã nông, lâm nghiệp và thủy sản. Ngoài ra, năm 2016 còn có 25,3 nghìn hộ tham gia liên kết sản xuất với các đơn vị được cấp chứng nhận VietGAP và 619,3 nghìn hộ tham gia liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn.

d) Kinh tế trang trại tiếp tục phát triển có hiệu quả

Trong giai đoạn 2011-2016, kinh tế trang trại phát triển với tốc độ nhanh. Tại thời điểm 01/7/2016, có 33,5 nghìn trang trại nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 67,2% so với năm 2011, bình quân mỗi năm tăng 10,8%. Số trang trại nêu trên đã sử dụng 175,8 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 13,5% so với năm 2011. Tính ra năm 2016, bình quân một trang trại sử dụng 5,2 ha. Năm 2016, tổng số lao động thường xuyên của trang trại đạt 135,5 nghìn người, tăng 43,2% so với năm 2011, bình quân mỗi năm tăng 7,4%.

Về hiệu quả, ngoài tạo việc làm cho hàng vạn lao động, các trang trại còn sản xuất ra một khối lượng lớn sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Tổng giá trị nông, lâm, thủy sản theo giá hiện hành thu được trong 12 tháng trước thời điểm 01/7/2016 của các trang trại đạt 92,3 nghìn tỷ đồng, gấp 2,4 lần năm 2011; giá trị sản phẩm, dịch vụ nông, lâm, thủy sản bán ra đạt 91,2 nghìn tỷ đồng, gấp 2,4 lần. Nếu loại trừ yếu tố giá thì giá trị thu từ nông, lâm, thủy sản trong 5 năm 2011-2016 tăng 126,1%, bình quân mỗi năm tăng 17,7%; giá trị sản phẩm và dịch vụ nông, lâm, thủy sản bán ra tăng 128,8%, bình quân mỗi năm tăng 18,0%.

2. Một số hạn chế, bất cập trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

(1) Trong những năm vừa qua, mặc dù sản xuất được cơ cấu lại theo hướng mở rộng quy mô, nhưng sản xuất nhỏ vẫn phổ biến. Số doanh nghiệp và hợp tác xã tăng và số hộ liên tục giảm, nhưng đến nay hộ vẫn là đơn vị sản xuất cơ bản, chiếm tỷ trọng lớn. Trong tổng số 9,29 triệu đơn vị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản có tại thời điểm 01/7/2016, số hộ chiếm 99,89%; số doanh nghiệp chỉ chiếm 0,04% và số hợp tác xã chiếm 0,07%.

(2) Đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa sản xuất còn hạn chế. Hình thức sử dụng nhà lưới, nhà kính, nhà màng nuôi trồng cây con chỉ có 327 xã thực hiện, chiếm 3,6% tổng số xã với diện tích nhà lưới, nhà kính, nhà màng 5.897,5 ha, chiếm 0,07% diện tích đất trồng cây hằng năm và đất nuôi trồng thủy sản. Mức độ cơ giới hóa sản xuất thấp. Bình quân 100 hộ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản sử dụng 0,30 máy gieo sạ; 0,28 máy gặt đập liên hợp; 0,18 máy ấp trứng gia cầm; 0,11 máy vắt sữa; 2,68 máy chế biến lương thực; 1,48 máy chế biến thức ăn gia súc và 0,15 máy chế biến thức ăn thủy sản.

(3) Hiệu quả của hầu hết các loại hình tổ chức sản xuất, các ngành, các lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản nhìn chung vẫn thấp. Trong tổng số 3.846 doanh nghiệp nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ có 50,6% số doanh nghiệp có lãi; 9,8% số doanh nghiệp hòa vốn và 39,6% số doanh nghiệp lỗ. Trong 6.946 hợp tác xã nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng có tới 17,3% hòa vốn và 10,1% lỗ.

Khái quát lại, Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 đã hoàn thành mục tiêu, yêu cầu và nội dung được giao trong Quyết định số 1225/QĐ-TTg ngày 31/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Thông tin thu thập được đã phản ánh thực trạng và động thái kinh tế - xã hội nông thôn và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản 5 năm 2011-2016 với những thành tựu cơ bản: Một là, kinh tế nông thôn và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục tăng trưởng; cơ cấu sản xuất có sự chuyển dịch tích cực, đúng hướng; Hai là, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và môi trường nông thôn được tăng cường cả về số lượng và chất lượng; Ba là, an sinh xã hội được bảo đảm, có những mặt được cải thiện.

Bên cạnh những thành tựu, tình hình kinh tế - xã hội nông thôn và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và bất cập. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, sản xuất nhỏ vẫn phổ biến. Đời sống một bộ phận dân cư, nhất là đồng bào vùng núi, rẻo cao, vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, thiếu thốn.

Những hạn chế nêu trên đang là thách thức lớn đối với quá trình phát triển kinh tế-xã hội nông thôn và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản. Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn, thách thức còn có thuận lợi và cơ hội, đặc biệt là kinh nghiệm đã tích lũy được. Với sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Chính phủ và các cấp, các ngành, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, thành tựu đạt được trong hơn 30 năm đổi mới nói chung và 5 năm 2011-2016 nói riêng sẽ được phát huy; khó khăn, thách thức đang tồn tại sẽ được xử lý, khắc phục, đưa nông thôn, nông nghiệp nước ta tiếp tục phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững./.

 BAN CHỈ ĐẠO TỔNG ĐIỀU TRA NÔNG THÔN, NÔNG NGHIỆP

VÀ THỦY SẢN TRUNG ƯƠNG

 

 

 




TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/