TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI
Tình hình kinh tế xã hội tháng 4 năm 2017

Tình hình kinh tế xã hội tháng 4 nhìn chung khá ổn định và tiếp tục phát triển. Trong nông nghiệp, toàn tỉnh đạt 47.567,7 ha, (đạt 101,2% so với kế hoạch vụ), tăng 38,4% so với vụ cùng kỳ năm trước. Sản xuất công nghiệp trong những tháng qua giữ ổn định, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hoá tháng 4/2017 ước đạt 2.443 tỷ đồng, luỹ kế 4 tháng đạt 9.941 tỷ đồng (tăng 10,63% so với 4 tháng năm trước). Kết quả thu ngân sách đạt khá so với dự toán năm và tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Các vấn đề xã hội tiếp tục phát triển theo hướng tích cực…

          I. Nông Lâm Thuỷ sản:

            1. Nông nghiệp

            Trọng tâm trong tháng là thực hiện chăm sóc, thu hoạch vụ đông xuân.  Kết thúc gieo trồng vụ Đông xuân 2016-2017, toàn tỉnh đạt 47.567,7 ha, (đạt 101,2% so với kế hoạch vụ), tăng 38,4% so với vụ cùng kỳ năm trước.

- Cây lúa: Diện tích gieo trồng đạt 34.885 ha (đạt 107,3% so với kế hoạch), tăng 60,7% so với vụ cùng kỳ (vụ đông xuân năm trước, do tình trạng hạn hán dẫn đến thiếu nguồn nước tưới tiêu nên toàn tỉnh đã cắt giảm hơn 12 ngàn ha lúa). Các loại giống lúa chủ yếu được gieo trồng trong vụ như sau: Các loại giống chủ lực: ML48, ML214, ML202, TH6, IR 59606, OM 4900, OM 2514, OM 2717, OM 4218, OM 1490, VND 95 – 20, IR 64, OM 3536… Các loại giống bổ sung: OM 5930, OM 4498, OM 5936, OM 6162… Bên cạnh đó còn có các giống lúa đã được Bộ Nông nghiệp – PTNT công nhận, phù hợp với điều kiện sản xuất của tỉnh. Trong vụ đã thực hiện chuyển đổi 2.116 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây ngắn ngày khác như: bắp 973 ha, rau các loại 306 ha, đậu các loại 297 ha, dưa hấu 242 ha, đậu phụng 272 ha, mè 15 ha, khoai lang 11 ha.

Hiện nay, tỉnh tiếp tục chú trọng triển khai chương trình xã hội hoá giống lúa, trong vụ đã có 494 ha lúa giống theo chương trình xã hội hoá và 485 ha theo chương trình liên kết sản xuất; đồng thời tiếp tục duy trì 3.000 ha lúa chất lượng cao tại huyện Tánh Linh.

- Cây trồng khác: Nhờ chủ động được nguồn nước từ các công trình thuỷ lợi việc điều tiết nước hợp lý của ngành chức năng đảm bảo được nguồn nước tưới góp phần làm tăng diện tích gieo trồng. Tổng diện tích gieo trồng của cây hàng năm khác là 12.682,7 ha, tăng 0,2% so với cùng kỳ. Trong đó:

+ Cây bắp diện tích gieo trồng đạt 3.985,5 ha (đạt 66,4% so với kế hoạch vụ), giảm 6,2% so với vụ cùng kỳ năm trước. Tại huyện Đức Linh do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới xảy ra vào tháng 11/2016 và tháng 12/2016, nhiều diện tích không xuống giống được, vì vậy người dân đã bỏ vụ hoặc xuống giống cây khác; bên cạnh đó, một số diện tích bắp đã xuống giống nhưng bị hư hại nên người dân không xuống giống lại mà chuyển sang trồng đậu phộng.

+ Cây lang diện tích gieo trồng đạt 157,5 ha (đạt 68,2% so với kế hoạch vụ) tăng 1,6% so với vụ cùng kỳ năm trước.

+ Cây rau các loại diện tích gieo trồng đạt 2.298,1 ha (đạt 94,2% so với kế hoạch vụ), tăng 23,2% so với vụ cùng kỳ năm trước.

+ Cây đậu các loại diện tích gieo trồng đạt 2.685 ha (đạt 79,9% so với kế hoạch vụ), giảm 22,7 so với vụ cùng kỳ năm trước.

+  Cây dưa các loại diện tích gieo trồng đạt 616,5 ha, giảm 22,6% so với vụ cùng kỳ năm trước.

+ Cây lạc diện tích gieo trồng đạt 1.141 ha (đạt 106,7% so với kế hoạch vụ), tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước.

+ Cây mía trồng mới 784 ha, tăng 723 ha so với cùng kỳ; cây mỳ có diện tích gieo trồng 730 ha (đạt 89% so với kế hoạch), giảm 19,4% so với vụ cùng kỳ; cây thuốc lá diện tích gieo trồng đạt 25 ha; các loại cây hàng năm khác diện tích gieo trồng đạt 68 ha.

Nhìn chung, tình hình sản xuất vụ đông xuân năm nay có nhiều chuyển biến tích cực, diện tích một số loại cây trồng (lúa, rau, mía…) tăng khá hơn cùng kỳ năm trước do thời tiết thuận lợi, nguồn nước tưới được đảm bảo; đồng thời người dân đã linh hoạt trong việc chuyển đổi cơ cấu một số loại cây trồng, nhất là việc chuyển đổi giữa đất lúa do sản xuất kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Riêng cây mía có sự tăng trưởng mạnh là do nhà máy đường Bình Thuận sau nhiều năm ngưng hoạt động, nay hoạt động trở lại và thực hiện bao tiêu nguyên liệu đầu vào nên người dân đã mạnh dạn đầu tư trồng mía.

Đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch 25.237 ha cây lương thực (trong đó: lúa 22.074 ha, bắp 3.163 ha).

Tiến độ sản xuất vụ hè thu 2017: Tính đến này, toàn tỉnh đã gieo trồng được 2.210 ha, tập trung chủ yếu ở hai huyện Tánh Linh (700 ha lúa, 500 ha bắp) và  Đức Linh (1.010 ha lúa).

* Cây lâu năm

- Thanh long: Diện tích toàn tỉnh hiện có 27.301 ha, tăng 3,69% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo trong trong thời gian tới, diện tích thanh long trồng mới sẽ chững lại, nguyên nhân chủ yếu là do những năm trước giá thanh long cao và ổn định, nhà vườn có lãi cao; tuy nhiên trong những năm gần đây giá thanh long không ôn định, giá thường giảm thấp khi vào mùa, tình hình thời tiết thất thường, xuất hiện nhiều sâu bệnh, việc chong đèn ra hoa trái vụ khó khăn hơn, một số nhà vườn thua lỗ nên không mạnh dạn đầu tư. Từ đầu năm đến nay giá bán giữ khá ổn định và tăng so với cùng kỳ năm trước (hiện nay đang xoay quanh mức giá 15 ngàn đồng/kg, tăng 3 ngàn đồng/kg so với cùng kỳ năm trước).

- Cao su: Diện tích toàn tỉnh đạt 42.131 ha, giảm 0,83% so với cùng kỳ  năm trước. Trong những tháng đầu năm, do nhu cầu tiêu thụ cao su các nước đang tăng, thị trường xuất khẩu đang có dấu hiệu phục hồi nên giá bán cao su đã tăng thêm (hiện nay giá bán 9,5 ngàn đồng/kg, tăng 2 ngàn đồng so với cùng kỳ năm trước), song do ảnh hưởng giá các năm trước giảm mạnh nên chưa khuyến khích người dân đầu tư mở rộng thêm diện tích trồng mới.

- Cây điều: Diện tích toàn tỉnh đạt 17.025 ha, tăng 2,64% so với cùng kỳ  năm trước. Qua thu hoạch nhìn chung năng suất thấp (do vào đầu mùa vụ điều ra hoa gặp mưa và sương muối làm cho điều ra hoa bị thối rữa, khô bông, không đậu quả). Giá bán hiện nay tuy ở mức cao (trên 40 ngàn đồng/kg), song do năng suất và sản lượng thu hoạch giảm nên đa số nhà vườn (ở các huyện có diện tích lớn như: Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Tân)... thu nhập không cao. Dự báo trong thời gian tới, diện tích điều sẽ giữ ổn định; đáng chú ý là nhiều địa phương đã triển khai trồng điều ghép cao sản năng suất cao, chống chịu sâu bệnh thay thế dần các giống điều truyền thống kém hiệu quả như: Tánh Linh 606 ha; Hàm Thuận Bắc 181 ha; Hàm Tân 218 ha; Tuy Phong 10 ha và Phú Quý 2,9 ha.

- Cây tiêu: Mặc dù những năm gần đây giá cao và ổn định (từ 190 - 220 ngàn đồng/kg) nhưng do đặc điểm cây tiêu là thân thảo và thường xuất hiện nhiều loại bệnh, nhất là bệnh chết chậm hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị nên nhiều hộ chưa mạnh dạn đầu tư, diện tích dự tính trong thời gian tới có tăng nhưng không cao.

- Các loại cây lâu năm còn lại đang được chăm sóc và phát triển bình thường, diện tích biến động không đáng kể…

Tình hình sâu bệnh trên các loại cây trồng:

- Cây lúa: rầy nâu nhiễm 2.560 ha, mật số rầy thấp khoảng 1000 -1.500 con/m2, phổ biến ở các huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tánh Linh, Đức Linh. Diện tích lúa nhiễm bệnh đạo ôn lá 1.701 ha, phổ biến ở các huyện Hàm Thuận Bắc,Tánh Linh, Bắc Bình; diện tích nhiễm bệnh cổ bông là 639 ha, tập trung ở huyện Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình; diện tích bị bệnh sâu cuốn lá 84 ha, tập trung ở các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc; diện tích bệnh khô đầu lá, cháy bìa lá 904 ha, diễn ra trên toàn vùng; bệnh sâu đục thân 118 ha, tập trung ở hai huyện: Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc. Để ngăn chặn dịch bệnh rầy nâu, tỉnh khuyến cáo bà con nông dân nên thăm đồng thường xuyên để phát hiện kịp thời rầy nâu phát sinh trên đồng, nếu mật số >3con/tép thì sử dụng một trong các loại thuốc đặc trị rầy nâu để phun, tuyệt đối phải tuân theo nguyên tắc 4 đúng và phải luân phiên các loại thuốc.

- Thanh long: nhiễm bệnh thán thư 235 ha; bệnh kiến, bọ trĩ, bọ xít diện tích nhiễm bệnh 794 ha xảy ra ở tất cả các huyện; bệnh thối cành, trái non 548 ha xảy ra ở các huyện La Gi, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình; bệnh đốm nâu gây hại thanh long với diện tích 1.639,5 ha; bệnh vàng cành, cháy cành phát sinh gây hại nặng trên các vườn thanh long, diện tích nhiễm bệnh trong kỳ là 782 ha; bệnh sên nhớt, rệp sáp là 410 ha xảy ra trên địa bàn tất cả các huyện. Để ngăn chặn một số dịch bệnh trên cây thanh long, tỉnh đã hướng dẫn nhà vườn sử dụng các loại thuốc đặc trị nấm và tuyến trùng rễ, đồng thời sử dụng thêm các loại chất kích thích sinh trưởng và các loại phân bón có khả năng kích thích ra rễ để phòng và trị bệnh.

- Rau: diện tích nhiễm sâu các loại và sương mai là 87 ha, diển ra ở các huyện: La Gi, Hàm Thuận Bắc, Tuy phong.

- Mì: bệnh rệp sáp, nhện đỏ, chổi rồng là 1.730 ha ở huyện Hàm Tân.

- Cao su: bệnh phấn trắng diện tích nhiễm là 710 ha ở huyện Tánh Linh.

- Cây điều: Bệnh thán thư gây hại trên cây điều với diện tích nhiễm 4.814 ha, trong đó có 258 ha nhiễm mức nhẹ, 1.088 ha nhiễm mức trung bình và 3.468 ha nhiễm mức nặng. Diện tích điều nhiễm bọ xít muỗi là 2.181 ha, trong đó có 1.072 ha nhiễm nhẹ, 955 ha nhiễm trung bình và 154 ha nhiễm nặng. Để ngăn chặn một số dịch bệnh trên cây điều, tỉnh đã hướng dẫn người dân áp dụng quy trình phòng trừ để hạn chế thiệt hại do các loại bệnh này gây ra.

* Công tác thuỷ lợi

Tổng diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân 2016-2017 được tưới từ nguồn nước thủy lợi, thủy điện trên toàn tỉnh là 48.019 ha, đạt 94,94% kế hoạch; trong đó: cây lúa và cây màu 31.037 ha (đạt 92,31% kế hoạch); cây thanh long và cây công nghiệp dài ngày 16.982 ha (đạt 100,16% kế hoạch).

*  Chăn nuôi:

Nhìn chung chăn nuôi gia súc, gia cầm giữ ổn định. Đến nay trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra dịch cúm gia cầm, tuy vậy vẫn có tiềm ẩn nguy cơ. Do vậy tỉnh luôn trong tinh thần triển khai phòng chống dịch cúm gia cầm A (H7N9) và những bệnh cúm khác. Đồng thời, tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần thực hiện chăn nuôi an toàn, đặc biệt đối với chăn nuôi gia cầm. Không chăn, thả gia cầm ở những nơi không an toàn về dịch bệnh; những nơi có nguồn nước ô nhiễm hoặc những vùng lưu hành của mầm bệnh và phải chú ý đến khâu tiêm phòng, nhất là tiêm  phòng cúm và một số loại vắc xin như vắc xin dịch tả gia cầm.

Dự ước thời điểm 01/4/2017, số lượng gia súc, gia cầm như sau:

- Đàn trâu, bò có 171.850 con, giảm 0,25% so với cùng kỳ năm trước.

- Đàn heo có 267.512 con, tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước.

- Đàn gia cầm có 2.613 ngàn con, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy vậy những tháng gần đây giá heo hơi trên thị trường liên tục bị sụt giảm, do vậy người chăn nuôi bị thua lỗ, khả năng lượng thịt xuất chuổng trong 6 tháng đầu năm sẽ bị giảm so với cùng kỳ năm trước.

Công tác tiêm phòng: Đến nay đã tổ chức tiêm phòng đạt 3.057 ngàn  liều; trong đó: đàn trâu, bò 31,4 ngàn liều; đàn heo 243 ngàn liều; đàn gia cầm 2.781 ngàn liều.

Công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ được duy trì đều. Đã kiểm dịch đàn heo 560 ngàn con; trâu, bò 2.428 con; gia cầm 1.014 ngàn con. Kiểm soát giết mổ 5.815 con heo; dê 1.325 con và 25 ngàn con gia cầm.

2. Lâm nghiệp:

Để chủ động trong công tác phòng chống cháy rừng, tỉnh đã xây dựng 1.306 km đường băng cản lửa (43 km đường băng trắng, 1.263 km đường băng xanh); 7 chòi canh lửa; trang bị 170 máy móc, 2.851 dụng cụ thủ công, sẵn sàng ứng phó khi có tình huấn cháy khẩn cấp xảy ra. Ngoài ra còn bắt buộc các hộ dân sống trong khu vực có rừng ký cam kết bảo vệ rừng, không gây cháy hoặc phát hiện cháy phải báo ngay cho trạm bảo vệ rừng gần nhất.

              * Công tác quản lý, bảo vệ rừng : Việc kiểm tra, truy quét chống phá rừng tại các điểm nóng và vùng giáp ranh luôn được tăng cường. Từ đầu năm đến nay đã phát hiện 151 vụ; trong đó: 02 vụ phá rừng trái phép, 34 vụ vi phạm về khai thác gỗ và lâm sản, 55 vụ vi phạm về mua bán và vận chuyển lâm sản trái phép, 03 vụ vi phạm về chế biến gỗ và lâm sản khác, 02 vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã và 17 vụ vi phạm khác; tịch thu 170,4 m3 gỗ, 40 chiếc xe máy và 08 phương tiện khác. Tổng số tiền thu nộp vào ngân sách nhà nước 1.309 triệu đồng.

3. Thuỷ sản

Nuôi trồng thủy sản: Tình hình thời tiết từ đầu năm đến nay nhìn chung khá thuận lợi cho nuôi trồng thuỷ sản, dịch bệnh không xảy ra. Dự ước sản lượng thủy sản nuôi trồng thu hoạch đạt 3.625,7 tấn, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, sản lượng tôm ước đạt 2.067,6 tấn, tăng 6,5%; sản lượng cá đạt 1.542,6 tấn, tăng 14,0% so với cùng kỳ năm trước.

Khai thác thuỷ sản: Ngư trường trong tháng khá thuận lợi cho việc khai thác, bên cạnh đó hiện đang bắt đầu vào vụ cá nam. Ngư dân tích cực bám biền khai thác, các tàu thuyền có công suất lớn tập trung khai thác ở vùng biển xa trong điều kiện thời tiết thuân lợi. Sản lượng khai thác tháng 4/2017 ước đạt 16.958 tấn; luỹ kế 4 tháng đạt 48.458,8 tấn, tăng 3,0% so cùng kỳ (trong đó khai thác biển đạt 48.242,1 tấn, khai thác nội địa đạt 216,7 tấn).

Sản xuất giống thuỷ sản: Công tác ươm nuôi, sản xuất tôm giống vẫn duy trì và phát triển mạnh, đảm bảo cung cấp nguồn giống cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Sản xuất tôm giống tháng 4/2017 ước đạt 1.800 triệu con, tăng 0,78% so với cùng kỳ, lũy kế 4 tháng ước đạt 7.150 triệu con tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước.

Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản luôn được tăng cường. Trong 4 tháng đầu năm đã phát hiện và xử lý 45 vụ vi phạm (tháng 4/2017 có 15 vụ), trong đó, có 01 vụ khai thác sò lông trong thời gian cấm, 04 vụ hành nghề giã cào đáy sai vùng khai thác; 08 vụ tàng trữ công cụ kích điện trên tàu cá; 02 vụ vận chuyển sò lông trong thời gian cấm.

II. Công nghiệp; Đầu tư xây dựng; Đăng ký kinh doanh; Đăng ký đầu tư:

Tính theo giá so sánh 2010, giá trị sản xuất công nghiệp tháng 4/2017 ước đạt 2.539,9 tỷ đồng; luỹ kế 4 tháng đạt 8.201,4 tỷ đồng, tăng 6,31% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: đó công nghiệp khai khoáng 253,9 tỷ đồng (giảm 7,90%); công nghiệp chế biến chế tạo 4.646,3 tỷ đồng (tăng 8,65%); sản xuất và phân phối điện đạt 3.259,3 tỷ đồng (tăng 4,40%); cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý nước thải, rác thải đạt 41,9 tỷ đồng (tăng 2,81%).

Dự ước các sản phẩm sản xuất trong 4 tháng tăng là: thủy sản đông lạnh (tăng 4,72% so với cùng kỳ năm trước), nước mắm (tăng 1,47%), thức ăn gia súc (tăng 17,75%), nước khoáng (tăng 10,89%), sản phẩm may mặc (tăng 2,11%), nước máy sản xuất (tăng 1,39%), sản lượng điện (tăng 4,96%), sơ chế mũ cao su (tăng 51,08%), đồ gỗ (tăng 15,92%). Các sản phẩm giảm là: cát sỏi các loại (giảm 6,89%), đá xây dựng (giảm 6,69%), muối hạt (giảm 9,87%), thủy sản khô (giảm 1,90%, gạch (giảm 7,89%) so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn chung sản xuất công nghiệp trong những tháng qua giữ ổn định, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất và phân phối điện; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý nước thải, rác thải có tăng nhưng ở mức thấp.  

Đầu tư phát triển các cụm công nghiệp: Đến nay thu hút thêm được 01 dự án (Xưởng gia công sản xuất Kính Thanh Bình) với tổng vốn đầu tư 9 tỷ đồng. Đến nay đã thành lập được 22/32 cụm công nghiệp theo quy hoạch nhưng chỉ có một số cụm công nghiệp đẩy nhanh tiến độ triển khai các bước thủ tục đầu tư như: Cụm công nghiệp Sông Bình, Cụm công nghiệp Nghĩa Hòa, Cụm công nghiệp Phú Long; số còn lại chủ yếu tập trung đầu tư các tuyến giao thông chính. Các doanh nghiệp đầu tư cụm công nghiệp hầu hết còn yếu về tiềm lực kinh tế lẫn kinh nghiệm, nên ít nhiều đã ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng hạ tầng, chậm thu hút dự án thứ cấp vào cụm. Chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp của Trung ương và địa phương chưa thực sự tạo “cú hích” để các nhà đầu tư mạnh dạn huy động nguồn vốn đẩy mạnh tiến độ thi công, đăng ký dự án tham gia sản xuất - kinh doanh; việc bố trí vốn đầu tư hạ tầng bên ngoài hàng rào cụm công nghiệp phụ thuộc vào tiến độ xây dựng bên trong nên khả năng thu hút dự án lấp đầy rất khó.

Tình hình triển khai một số khu công nghiệp trên địa bàn:

              - Khu công nghiệp (KCN) Phan Thiết giai đoạn 2: Chủ đầu tư thực hiện các công tác đấu nối hệ thống nước thải và thi công hệ thống cấp nước phòng cháy chữa cháy, giá trị thực hiện đến nay đạt 0.99 tỷ đồng, đạt 28,2% kế hoạch đăng ký vốn năm 2016. Tổng vốn đầu tư thực hiện từ đầu dự án đến nay đạt 28,47 tỷ đồng đạt 66,6% trên tổng vốn đăng ký.

              - KCN Hàm Kiệm I: Thi công xây dựng xong phần thô tầng 1 nhà điều hành KCN, cây xanh, điện chiếu sáng… với giá trị thực hiện 6,37 tỷ đồng, đạt 31,8% kế hoạch vốn đăng ký 2016. Tổng vốn đầu tư thực hiện từ đầu dự án đến nay 155,16 tỷ đồng, đạt 56,7% trên tổng vốn đăng ký.

              - KCN Hàm Kiệm II: Trong năm trồng và bảo dưỡng cây xanh các tuyến đường KCN, giá trị thực hiện 1,17 tỷ đồng, đạt 2,5% kế hoạch vốn đăng ký 2016. Tổng vốn đầu tư thực hiện từ đầu dự án đến nay đạt 26,17 tỷ đồng đạt 53,1% trên tổng vốn đăng ký.

              - KCN Sông Bình: Công trình kênh D8 - 13

              + Công tác đền bù giải tỏa: Đến nay đã chi trả bồi thường được 10/12 hộ và 01 tổ chức với diện tích 3,01ha, kinh phí 413,2 triệu đồng. Còn 2 trường hợp chưa giải quyết xong đền bù giải tỏa vì có khiếu nại (diện tích 1.184m2, kinh phí bồi thường: 23,4 triệu đồng).

               + Công tác thi công, xây dựng và giải ngân vốn kế hoạch năm 2016: Trong năm 2016, vốn ngân sách tỉnh bố trí cho công trình là 2,5 tỷ đồng; Đến nay, đã thi công với khối lượng khoảng 3 tỷ đồng, vượt 20%  kế hoạch vốn 2016, trong đó đã nghiệm thu (đợt 2) với giá trị 2,3 tỷ đồng.

                - KCN Tuy Phong: Chủ đầu tư đã triển khai phát quang san ủi mặt bằng 55ha, đào khuôn đường và xử lý nền hạ các tuyến: D2 700m, N1 350m, D3 300m, đắp sỏi đỏ tuyến D2 500m, đá dăm N2a đạt 150m, hoàn thành điểm đấu nối tạp với Quốc lộ 1.

2. Đầu tư xây dựng; Đăng ký kinh doanh; Đăng ký đầu tư:

Dự ước vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn nhà nước 4 tháng đầu năm 2017 đạt 377,2 tỷ đồng, đạt 25,2% kế hoạch năm; trong đó vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 277,2 tỷ đồng (đạt 24,7% KH năm), vốn ngân sách cấp huyện, TP đạt 89 tỷ đồng (đạt 30,5% KH năm), vốn ngân sách cấp xã, phường, thị trấn đạt 11 tỷ đồng (đạt 13,5% KH năm).

Tiến độ triển khai một số công trình trọng điểm đến cuối tháng 3/2017 như sau:

* Dự án Kênh tiếp nước Biển Lạc – Hàm Tân:

Trong 3 tháng đầu năm đã thực hiện đào đắp đoạn kênh từ K7+300 đến K9+900. Giá trị thực hiện đạt  10,5 tỷ đồng. Lũy kế giá trị khối lượng thực hiện từ khởi công đến nay 228,5 tỷ đồng; đã giải ngân 198 tỷ đồng.

* Dự án Kè chống xói lở bảo vệ bờ biển đảo Phú Qúy (giai đoạn 2):

Công trình đã thi công hoàn thành nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng gói thầu số 4 hạng mục: Đê Tây dài 148,9m và Đê Đông dài 948,8m và các công trình phụ trợ thuộc khu vực bảo vệ bờ đoạn Đồn Biên Phòng 464 cũ và gói thầu số 12 hạng mục xây lắp kè bảo vệ bờ đoạn Khu dân cư Hội An và đoạn từ Bãi Lăng đến Chùa Thạnh Lâm. Hiện đang triển khai thi công gói thầu số 9, hạng mục: Kè bảo vệ bờ đoạn Lạch Ông Bền thôn Tiều Dương và đoạn từ Chùa Thạnh Lâm đến trước UBND huyện. Lũy kế khối lượng thực hiện và giải ngân từ khởi công đến năm 2016 là 411 tỷ đồng.

Khối lượng thực hiện từ đầu năm đến nay đạt 07 tỷ đồng (Chưa giải ngân).

* Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tàu cá đảo Phú Quý:

Khối lượng thực hiện 3 tháng đầu năm 2017 là 14,871 tỷ đồng. Lũy kế khối lượng thực hiện đến nay là 25,7 tỷ đồng. Đã hoàn thành công tác rà phá bom mìn, đang tiếp tục triển khai xây dựng đê chắn sóng.

* Dự án Cấp nước Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân:

Trong 3 tháng đầu năm 2017 đã thực hiện gia cố đoạn qua trụ điện Vĩnh Tân – Sông Mây và đoạn tường bờ kè bảo vệ đường sắt với giá trị: 688 triệu đồng.  Lũy kế giá trị khối lượng thực hiện từ khởi công đến nay 109,6 tỷ đồng, cấp phát 83,7 tỷ đồng. Đã hoàn thành khối lượng thi công chính và chuyển nước từ hồ Lòng Sông về hồ Đá Bạc.

* Dự án đường Lê Duẩn đoạn từ đường Trường Chinh đến đường Lê Hồng Phong:

Đang tiếp tục thi công và triển khai đền bù giải tỏa, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Trong 03 tháng đầu năm khối lượng thực hiện và giải ngân 3,2 tỷ đồng. Lũy kế giá trị thực hiện đến nay 125,3 tỷ đồng; Lũy kế cấp phát: 125,1 tỷ đồng.

* Đường Hùng Vương (đoạn từ vòng xoay đại lộ Tôn Đức Thắng đến giáp cầu Hùng Vương):

- Đoạn qua khu dân cư Hùng Vương II (đoạn 1): Dự án được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2968/QĐ-UBND ngày 26/11/2013, chiều dài tuyến đường là 888,9m, tổng mức đầu tư 62,2 t đồng thuộc nguồn vốn ngân sách tập trung tỉnh do Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư. Lũy kế giá trị khối lượng thực hiện từ khởi công đến hết năm 2016 là 48,606 t đồng, cấp phát 40,5 tỷ đồng. Hiện đã thi công cơ bản hoàn thành, còn 20m vỉa hè bên phải tuyến vướng mặt bằng nên chưa triển khai thi công.

Kế hoạch năm 2017 đã bố trí: 04 t đồng. Cấp phát vốn từ đầu năm đến nay 3,75 tỷ đồng.

- Đoạn 2 qua khu dân cư Hùng Vương II, giai đoạn 2A:  

Đoạn này có chiều dài khoảng 420m; đến nay đã thi công xong 295m/420m; lũy kế giá trị thực hiện và giải ngân từ khởi công đến hết năm 2016 khoảng 115 t đồng.

Từ đầu năm 2017 đến nay vẫn đang tiếp tục thực hiện công tác đền bù giải tỏa đoạn còn lại khoảng 125 m; chưa triển khai thi công do chưa có mặt bằng.

- Đoạn qua khu dân cư Hùng Vương II, giai đoạn 2B (đoạn 3): Chiều dài tuyến đường 364m, tổng mức đầu tư 34 tỷ đồng. Lũy kế giá trị thực hiện và giải ngân đến năm 2016 là: 858 triệu đồng;

Kế hoạch giao năm 2017: 6.000 triệu đồng.

Hiện nay vẫn chưa triển khai thi công do vướng đền bù giải tỏa. Số hộ bị giải tỏa, thu hồi đất: 80 hộ trong đó 41 hộ  thuộc phường Phú Thủy và 39 hộ  thuộc phường Thanh Hải. Hiện đã ban hành quyết định bồi thường chi tiết: 80 hộ , trong đó: 30 hộ đã nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng; 47 hộ chưa nhận tiền bàn giao mặt bằng, 03 hộ không bồi thường.

* Sân bay Phan Thiết: Tổng mức đầu tư: 1.694 tỷ đồng.

Lũy kế giá trị thực hiện đến năm 2016 là: 94.784 triệu đồng; Lũy kế cấp phát vốn: 73.474 triệu đồng.

- Đối với hạng mục hàng không dân dụng (hợp đồng BOT):

UBND tỉnh đã ký kết hợp hợp đồng triển khai thực hiện dự án sân bay Phan Thiết, hạng mục: hàng không dân dụng với Nhà đầu tư (công ty cổ phần Rạng Đông). Đơn vị tư vấn thiết kế đã thực hiện cơ bản xong hồ sơ thiết kế. Tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu khai thác ổn định, lâu dài trong tương lai, tránh phải nâng cấp gây tốn kém, hiện nay UBND tỉnh đang trình Bộ GTVT cho phép điều chỉnh cục bộ Quy hoạch sân bay Phan Thiết để đưa các hạng mục quy hoạch đến năm 2030 thực hiện ngay trong giai đoạn 2020 (đường băng, sân đổ,...) đáp ứng máy bay nhóm E.

- Đối với hạng mục sân bay quân sự (do Bộ Quốc phòng đầu tư):

Bộ Quốc phòng đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng khu sân bay quân sự tại Quyết định số 801/QĐ-BQP ngày 04/3/2016.

Hiện nay Bộ Quốc phòng đang lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức hợp đồng BT.

- Về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng: tổng diện tích thu hồi thực hiện dự án là 543 ha với 48 hộ và 06 tổ chức; đến nay đã bàn giao cho nhà đầu tư là  399,35/543 (đạt 74% diện tích). Đang triển khai thực hiện giải tỏa phần mặt bằng còn lại. Nhìn chung mặt bằng cơ bản đáp ứng được cho việc thi công. Tuy nhiên do phải chờ điều chỉnh Quy hoạch; chờ Bộ Quốc phòng lựa chọn nhà đầu tư để triển khai thi công đồng bộ hai khu sân bay quân sự và sân bay dân dụng.

- Kế hoạch năm 2017 chưa bố trí vốn. Hiện nay, Cục tác chiến – Bộ tổng tham mưu QĐND Việt Nam vẫn chưa chuyển kinh phí 40 tỷ đồng theo cam kết cho tỉnh để thực hiện chi trả tiền bồi thường phần diện tích đất khu sân bay quân sự.

* Đường từ Cầu Hùng Vương đến đường ĐT 706B:

- Tổng mức đầu tư: 285,994 tỷ đồng.

- Lũy kế giá trị thực hiện đến năm 2016 là: 5,953 tỷ đồng; Lũy kế cấp phát: 5,138 tỷ đồng.

- Kế hoạch năm 2017 đã bố trí 25 tỷ đồng. 03 tháng đầu năm giải ngân 5,094 tỷ đồng (bồi thường giải phóng mặt bằng).

- Công tác đền bù giải tỏa: Tổng diện tích đất thu hồi: 106.594,7 m². Gồm 238 hộ/31.337 m² và 14 tổ chức/ 75.257,6 m².

Hiện nay đang tiếp tục thực hiện công tác đền bù giải tỏa.

Nhìn chung các dự án trọng điểm của tỉnh được chú ý tập trung triển khai; tuy nhiên khối lượng thực hiện và giải ngân còn chậm so với yêu cầu. Nguyên nhân chủ yếu là vướng đền bù giải toả, các dự án đầu tư từ nguồn ngân sách trung ương bố trí vốn còn thấp, có dự án đến nay chưa được ngân sách trung ương bố trí.

* Đăng ký kinh doanh; Đăng ký đầu tư:

- Đăng ký kinh doanh: Đến nay, tỉnh đã cấp thành lập mới cho 80 doanh nghiệp và 20 đơn vị trực thuộc, tổng vốn đăng ký 2.515,15 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp và số vốn đăng ký đều tăng, số vốn đăng ký tăng hơn 2.000 tỷ đồng.

Giải thể 05 công ty TNHH 2 TV, 04 công ty TNHH Một TV, 02 doanh nghiệp, 7 đơn vị trực thuộc, số lượng giải thể nhiều hơn so với cùng kỳ 08 DN,  Thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh 13 doanh nghiệp và đơn vị.

Số lượng doanh nghiệp đăng ký giải thể là 18 doanh nghiệp, lý do chủ yếu là kinh doanh không hiệu quả. Doanh nghiệp đang đăng ký tạm ngừng hoạt động là 13 doanh nghiệp (gồm đơn vị trực thuộc) do khó khăn về tài chính, chưa tìm được khách hàng hoặc tạm ngừng để sửa chữa.

Về ngành nghề kinh doanh chính và số vốn đăng ký trong các doanh nghiệp: Các ngành bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy, Công nghiệp chế biến, chế tạo  vẫn chiếm vị trí dẫn đầu về số lượng và tỷ lệ đăng ký. Đáng lưu ý là ngành Sản xuất phân phối, điện, nước, gas có mức vốn điều lệ đăng ký tăng cao, cụ thể vốn đăng ký là 1905,9 tỷ đồng.

- Đăng ký đầu tư: Trong tháng 4/2017, có 06 dự án được cấp Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư (cấp mới 04 và cấp điều chỉnh 02), với tổng diện tích đất 481 ha, tổng vốn đăng ký 2.563 tỷ đồng, cụ thể:

Tỉnh đã cấp mới cho 04 dự án (lĩnh vực Công nghiệp 01, Dịch vụ 01, Nông lâm: 01, Xăng dầu: 01) và cấp điều chỉnh cho 02 dự án, trong đó có dự án Nhà máy sản xuất gia công giầy dép tại KCN Hàm Kiệm của Cty TNHH Right Rich tăng vốn 7 triệu USD.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 37 dự án được cấp Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư (cấp mới 29 và cấp điều chỉnh 08), với tổng diện tích đất 1.148 ha, tổng vốn đăng ký 7.325 tỷ đồng, bằng 27,7% so với cùng kỳ năm 2016 (7.325 tỷ/26.431 tỷ đồng). Lý do tháng 4/2016 có cấp dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng vốn đăng ký 23.926 tỷ đồng.

III. Thương mại, Giá cả, Du lịch, Xuất nhập khẩu, Giao thông vận tải

            1. Thương mại, Giá cả :  

Tổng mức bán lẻ hàng hoá tháng 4/2017 ước đạt 2.443 tỷ đồng, luỹ kế 4 tháng đạt 9.941 tỷ đồng (tăng 10,63% so với 4 tháng năm trước); doanh thu dịch vụ tháng 4/2017 ước đạt 1.210 tỷ đồng, luỹ kế 4 tháng đạt 4.983 tỷ đồng (tăng 12,61% so với 4 tháng năm trước).

Chỉ số giá hàng tiêu dùng tháng 3/2014. Nếu so với tháng 12/2016 (sau 03 tháng) thì chỉ số giá tiêu dùng là 100,55% (tăng 0,55%), trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,82%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,46%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,55%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 3,10%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,07%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,08%; giao thông tăng 5%; văn hóa giải trí và du lịch tăng 0,69%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,43%. Dự ước sau 4 tháng đầu năm giá tiêu dùng tăng khoảng 0,8-0,9% (tháng 4/2017 so với tháng 12/2016)

Nếu so với tháng cùng kỳ năm trước (sau 01 năm) thì chỉ số giá tiêu dùng là 104,34% (tăng 4,34%) và nếu tính chung 3 tháng đầu năm 2017 so với 03 tháng năm 2016 thì chỉ số giá tiêu dùng là 104,8% (tăng 4,8%).

Trong háng đã tổ chức phiên chợ hàng Việt về huyện đảo Phú Quý, nằm trong khuôn khổ Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia nhằm mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động; đồng thời tạo điều kiện cho người dân vùng hải đảo có cơ hội tiếp cận, mua sắm các sản phẩm, hàng hóa mang thương hiệu Việt có chất lượng tốt với giá cả hợp lý; giúp các doanh nghiệp tiếp cận và mở kênh phân phối đến người tiêu dùng. Phiên chợ được tổ chức trong 03 ngày, với sự tham gia của 26 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với 44 gian hàng tập trung các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng như: nước mắm; dầu ăn; bột giặt; quần áo; chăn, drap, gối, nệm, mỹ phẩm; các sản phẩm và dịch vụ viễn thông…

Công tác quản lý thị trường được duy trì đều. Trong tháng 3/2017, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra kiểm soát 184 vụ, phát hiện và xử lý 80 vụ vi phạm; trong đó có 20 vụ vi phạm hàng cấm, 3 vụ vi phạm hàng nhập lậu, 17 vụ vi phạm trong kinh doanh, 16 vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, 24 vụ vi phạm trên các lĩnh vực khác... đã xử phạt và thu nộp ngân sách Nhà nước 0,51 tỷ đồng và tịch thu một số hàng hóa. Luỹ kế 3 tháng đầu năm đã kiểm tra, kiểm soát 631 vụ, phát hiện và xử lý 382 vụ, tổng số tiền phạt nộp ngân sách nhà nước trên 3 tỷ đồng.

2. Du lịch :

Hoạt động du lịch phát triển ổn định. Trong tháng 4/2017, tình hình du lịch trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn ra khá thuận lợi do thời tiết nắng nóng nên nhu cầu đi du lịch miền biển tăng. Tại thời điểm này đã có nhiều đoàn khách đến từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ đăng ký du lịch tại các khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né. Để đảm bảo phục vụ tốt cho du khách có một kỳ nghỉ ấn tượng tại phố biển, các cơ sở du lịch có những bước chuẩn bị khá kỹ. Hiện nay, trên website của khu du lịch đã công khai niêm yết giá thuê phòng và các dịch vụ ăn uống, giải trí để du khách dễ dàng cập nhập và đặt chỗ trước. Ngoài ra trên trang web www.trivago.vn du khách có thể tham khảo được thông tin khuyến mãi, giá phòng và lựa chọn chổ ở hợp lý và hợp với nhu cầu.

Ước tháng 4/2017 tổng số lượt khách đến nghỉ dưỡng, lưu trú tại Bình Thuận đạt 395,6 ngàn lượt khách, luỹ kế 4 tháng đạt 1.586,6 ngàn lượt khách (tăng 9,83% so với 4 tháng năm trước) với 2.568,8 ngàn ngày khách (tăng 11,89%); riêng khách quốc tế đạt 200,13 ngàn lượt khách (tăng 16,94%) với 611,05 ngàn ngày khách (tăng 17,17%). Doanh thu du lịch tháng 4/2017 ước đạt 921 tỷ đồng, luỹ kế 4 tháng đạt 3.680 tỷ đồng (tăng 18,08% so với cùng kỳ năm trước). Khách quốc tế đến Bình Thuận có trên 110 nước, khu vực; trong đó có khoảng 10 nước chiếm tỷ trọng khá trong tổng số lượt khách quốc tế. (Du khách Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc đến tham quan du lịch chiếm đa số).

 Đã tham gia Không gian ẩm thực và đặc sản Nam Bộ năm 2017 trong khuôn khổ các hoạt động Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ II - Bình Dương năm 2017. Thiết kế quà tặng theo Bộ nhận diện thương hiệu du lịch Bình Thuận. Hoàn thành kế hoạch tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 22 năm ngày Du lịch Bình Thuận (24/10/1995 - 24/10/2017) và Đề án nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá thu hút du khách từ các nước là thị trường truyền thống, thị trường tiềm năng và phát triển thị trường khách nội địa, giai đoạn 2017-2020. Làm việc với địa phương và một số công ty lữ hành về cơ chế hoạt động của mô hình mẫu “Trải nghiệm hoạt động sản xuất Thanh Long cùng người dân Hàm Thuận Nam”. Khai thác và cập nhật 49 tin, bài lên Website du lịch, trong đó có 29 tin, bài tiếng Anh và 20 tin, bài tiếng Việt; 62 tin, ảnh trên Facebook Du lịch “Mũi Né Việt Nam”; 22 ảnh trên Instagram “Mui Ne Viet Nam”, 37 tin, ảnh trên “Binh Thuan Tourist”. Hỗ trợ 20 cuộc gọi đến đường dây nóng.

  3. Xuất nhập khẩu:

Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tháng 4/2017 ước đạt 31,82 triệu USD; luỹ kế 4 tháng đạt 109,52 triệu USD (tăng 12,73% so 4 tháng năm trước), trong đó nhóm hàng thuỷ sản đạt 37,24 triệu USD (tăng 15,7% so với 4 tháng năm trước), hàng nông sản đạt 6,93 triệu USD (tăng 39,5%), hàng hoá khác 65,33 triệu USD (tăng 8,9%), trong đó hàng may mặc 43,81 triệu USD (tăng 2,9%); với một số mặt hàng: cao su 1.438 tấn; quả thanh long 1.681 tấn; thuỷ sản 5.689 tấn; hạt điều 83 tấn.

Xuất khẩu trực tiếp tháng 4/2017 ước đạt 29,99 triệu USD; lũy kế 4 tháng đạt 104,47 triệu USD (tăng 12,65% so với cùng kỳ năm trước); trong đó:

- Xuất sang thị trường Châu Á đạt 68,32 triệu USD (tăng 13,83% so với cùng kỳ năm trước), trong đó: Thị trường Đông Á đạt 61,78 triệu USD (tăng 9,58%); Thị trường Đông Nam Á đạt 3,81 triệu USD (tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ); Thị trường Tây Á đạt 2,28 triệu USD (tăng 34,8%); Thị trường Trung Nam Á đạt 0,43 (tăng 66,24%). Tăng chủ yếu ở mặt hàng nông sản, đồ gỗ nội thất, thủy sản đông lạnh, giấy.

         - Xuất sang thị trường Châu Âu đạt 15,21 triệu USD (tăng 10,48% so với cùng kỳ năm trước), trong đó: Thị trường Bắc Âu đạt 2,90 triệu USD (tăng 32,48%); Thị trường Đông Âu đạt 0,28 triệu USD (tăng gấp 4,6 lần so với cùng kỳ); Thị trường Nam Âu đạt 6,36 triệu USD (tăng 37,45%); Thị trường Tây Âu đạt 5,65 triệu USD (giảm 17,85%). Tăng chủ yếu ở mặt hàng giầy dép các loại khác, đồ gỗ nội thất, mực tươi đông lạnh, Mực bạch tuộc loại khác, tôm đông lạnh loại khác và cá loại khác tươi, đông lạnh….

- Xuất sang thị trường Châu Mỹ đạt 18,71 triệu USD (tăng 3,55% so với cùng kỳ năm trước); Thị trường Bắc Mỹ đạt 14,62 triệu USD (giảm 18,21%); Thị trường Trung Mỹ đạt 4,02 triệu USD (tăng gấp 2,5 lần), chủ yếu tăng ở mặt hàng các sản phẩm bằng giầy dép, đế giầy và gót giầy các loại khác ...

 

Ủy thác xuất khẩu 4 tháng năm 2017 ước đạt 5,04 triệu USD (tăng 14,48% so với cùng kỳ năm trước), tập trung chủ yếu ở nhóm hàng may mặc.

            Xuất khẩu dịch vụ du lịch tháng 4/2017 ước đạt 17,99 triệu USD; lũy kế 4 tháng đạt 72,06 triệu USD (tăng 17,17% so với cùng kỳ năm trước). 

Nhập khẩu tháng 4/2017 ước đạt 51,07 triệu USD; luỹ kế 4 tháng đạt 375,17 triệu USD, tăng gấp 3,7 lần so cùng kỳ năm trước, trong đó máy móc thiết bị và phụ tùng đạt 210,33 triệu USD; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giầy 24,44 triệu USD; Thức ăn gia súc và nguyên liệu 17,59 triệu USD; Hàng thủy sản 14,16 triệu USD.

Nhìn chung so với cùng kỳ năm trước kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tăng khá. Nhóm hàng nông sản 4 tháng đạt khá so với KH năm và tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước (đạt 49,9% KH năm; tăng 39,5% so với cùng kỳ năm trước), trong đó mặt hàng cao su đạt 1.438 tấn (tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước) với giá trị 3,14 triệu USD (tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm trước). Mặt hàng quả thanh long tuy kim ngạch xuất khẩu tăng hơn so cùng kỳ năm trước (tăng 3%), song lượng hàng xuất khẩu chỉ bằng 51% so với cùng kỳ năm trước (do đơn giá xuất khẩu tăng khá).

4. Giao thông vận tải : 

             Hoạt động vận tải hàng hoá ổn định, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá, hành khách. Ước tháng 4/2017, luân chuyển hàng hoá đường bộ đạt 37,85 triệu tấnkm, lũy kế 4 tháng đạt 150,68 triệu tấnkm (tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước); luân chuyển hàng hoá đường thủy tháng 4/2017 đạt 88,7 ngàn tấnkm, lũy kế 4 tháng đạt 352,4 ngàn tấnkm (tăng 3,4%); luân chuyển hành khách đường bộ tháng 4/2017 đạt 86,07 triệu lượt ngườikm, lũy kế 4 tháng đạt 346,17 triệu lượt ngườikm (tăng 8,6%); luân chuyển hành khách đường thuỷ tháng 4/2017 đạt 327,5 ngàn lượt ngườikm, lũy kế 4 tháng đạt 1.309,4 ngàn lượt ngườikm (tăng 3%).

              Công tác tuần tra, kiểm soát được duy trì thường xuyên, đã kịp thời xử lý ngăn chặn xe quá tải, quá khổ lưu thông trên các tuyến đường, giải tỏa các tụ điểm lấn chiếm lòng lề đường nhằm đảm bảo tối đa an toàn giao thông. Lực lượng thanh tra giao thông đã phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự cùng các địa phương giải tỏa các tụ điểm lấn chiếm lòng lề đường; tăng cường tuần tra, kiểm soát, kiểm tra và xử lý nghiêm các phương tiện chở quá số người quy định, chạy sai lịch trình, hành trình vận tải.

              Trong tháng đã lập biên bản vi phạm 5.973 trường hợp; phạt tiền 5.399 trường hợp với tổng số tiền phạt 3.223 triệu đồng; tước 167 giấy phép lái xe; tạm giữ 539 phương tiện.

            IV. Thu ngân sách; Hoạt động tín dụng:

1. Thu ngân sách:

Ước tháng 04/2017, thu ngân sách đạt 630 tỷ đồng. Luỹ kế 4 tháng đạt 3.570,5 tỷ đồng, đạt 44,5% so với dự toán năm (tăng 28,6% so với cùng kỳ năm trước). Dự ước các khoản thu tăng (giảm) so với cùng kỳ năm trước như sau: thu từ doanh nghiệp nhà nước 253,5 tỷ đồng (giảm 1,5%), thu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 272,4 tỷ đồng (tăng gấp 1,47 lần), thu ngoài quốc doanh 276,6 tỷ đồng (tăng 3,7%), thuế  thu nhập cá nhân 121,3 tỷ đồng (tăng 19,2%), thuế bảo vệ môi trường 165 tỷ đồng (giảm 20,9%), lệ phí trước bạ 51,6 tỷ đồng (tăng 9,9%), thu từ các loại phí, lệ phí 31,2 tỷ đồng (tăng 18%), thu xổ số kiến thiết 324 tỷ đồng (tăng 25,1%); thu tiền sử dụng đất 677 tỷ đồng (tăng gấp 4,2 lần), thuế xuất nhập khẩu 691,6 tỷ đồng (tăng 14,1%), thu từ dầu thô 597,7 tỷ đồng (tăng 6,1%).

Kết quả thu ngân sách đạt khá so với dự toán năm và tăng cao so với cùng kỳ năm trước do tác động từ nguồn thu tiền sử dụng đất (4 tháng đầu năm đã đạt 135,4% so dự toán năm; tăng gấp 4,2 lần so với cùng kỳ năm trước) và thu thuế xuất nhập khẩu (4 tháng đầu năm đã đạt 164,6% so dự toán năm; tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước). Nếu chỉ tính thu thuế, phí thì kết quả thu 4 tháng đạt 1.604,2 tỷ đồng, đạt 29,4% dự toán năm và tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước.                               

             Trong tháng, ngành Thuế đã tiếp tục phối hợp với các địa phương tập trung thu nợ đọng, lệ phí môn bài, thuế ngoài quốc doanh và các khoản phát sinh khác, triển khai thực hiện các giải pháp để tăng thu ngân sách thông qua các biện pháp quản lý thu, kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, hạn chế nợ đọng thuế, tăng cường chống thất thu thuế đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, đồng bộ, minh bạch; phối hợp với các ngành triển khai xây dựng Đề án quản lý thuế đối với kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh, triển khai các đề án quản lý thuế, hoàn thuế điện tử, ủy nhiệm thu thuế hộ kinh doanh.

2. Hoạt động tín dụng:

Các tổ chức tín dụng (TCTD)  trên địa bàn đã chấp hành tốt các quy định về lãi suất huy động và cho vay. Hiện nay, lãi suất huy động đối với tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng đến dưới 6 tháng là 4,3-5,5%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng là 5,3-7,1%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là 6-7,3%/năm. Lãi suất cho vay các khoản vay mới ở các lĩnh vực ưu tiên ngắn hạn 6-7%/năm, các lĩnh vực khác từ 9-11%/năm; lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến từ 10,5-11,5%/năm.

Ước đến 30/4/2017: vốn huy động đạt 26.299 tỷ đồng, tăng 3,5% so với đầu năm; dư nợ đạt 34.270 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm.

Vốn tín dụng được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, trong đó dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 17.193 tỷ đồng, chiếm 50,78% tổng dư nợ; dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 822 tỷ đồng, chiếm 2,43% tổng dư nợ; dư nợ cho vay DNNVV đạt 7.303 tỷ đồng, chiếm 21,57% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay các đối tượng chính sách xã hội đạt 2.183 tỷ đồng/126.260 khách hàng.

Chính sách tín dụng đối với thủy sản theo Nghị định 67: Đến 31/3/2017 các TCTD đã tiếp cận 168/186 tàu được UBND tỉnh phê duyệt, đã nhận 106 hồ sơ của khách hàng có nhu cầu vay đóng tàu theo Nghị định 67, trong đó đã ký hợp đồng tín dụng với 88 hồ sơ, đang xử lý 18 hồ sơ. Tổng số tiền cam kết cho vay theo hợp đồng tín dụng là 637 tỷ đồng, đã giải ngân được 564,6 tỷ đồng, dư nợ là 564,3 tỷ đồng (cho vay đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ là 226,1 tỷ đồng và cho vay đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ là 327,3 tỷ đồng, cho vay nâng cấp tàu 10,9 tỷ đồng); cho vay vốn lưu động 115 triệu đồng.

- Cho vay hỗ trợ nhà ở: Đến 31/3/2017, dư nợ cho vay hỗ trợ nhà ở là 43.321 triệu đồng/110 khách hàng, trong đó dư nợ cho vay mua nhà ở xã hội là 2.560 triệu đồng/14 khách hàng, dư nợ cho vay để xây dựng mới, cải tạo và sửa chữa nhà ở là 40.761 triệu đồng/96 khách hàng.

Nhìn chung hoạt động tín dụng trên địa bàn tiếp tục ổn định. Đã tập trung thực hiện các giải pháp đẩy mạnh huy động vốn, mở rộng tín dụng an toàn và có hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu… và các chương trình, chính sách tín dụng của Ngành và địa phương; hướng dẫn khách hàng thực hiện hồ sơ vay và đẩy mạnh công tác thẩm định cho vay phát triển thuỷ sản theo Nghị định 67; tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Mạng lưới ATM, POS tiếp tục được duy trì, hoạt động thông suốt và an toàn. Đến 31/3/2017, trên địa bàn có 153 máy ATM, không thay đổi so với tháng trước và 1.247 máy POS, tăng 07 máy so với tháng trước, hầu hết máy POS được kết nối liên thông giữa các ngân hàng với nhau, góp phần thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.

V. Các vấn đề xã hội:

            1. Văn hoá, Thể thao:

Công tác tuyên truyền, cổ động được duy trì đều. Trong tháng tập trung tuyên truyền các ngày lễ: Kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng quê hương, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước; Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân; kỷ niệm 86 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;kỷ niệm 71 năm Ngày Thể thao Việt Nam; Nội dung Bộ Quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Bình; lập lại trật tự đô thị, giờ trái đất; vệ sinh an toàn thực phẩm; an toàn giao thông; phòng chống dịch cúm gia cầm, vệ  sinh môi trường; Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”... với 4.350 giờ phát thanh xe loa phóng thanh, cắt dán 5.220 m băng rôn khẩu hiệu, kẻ vẽ 2.100 m2 pa nô,  hơn 800 m  cờ dây và 7.500 lá cờ các loại. Đội Tuyên truyền lưu động tỉnh biểu diễn 11 đêm phục vụ nhân dân các huyện: Tánh Linh, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc chương trình tuyên truyền về phòng chống tệ nạn xã hội với kịch bản “Cờ bạc là bác thằng bần” .

Các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng chương trình văn nghệ và tổ chức lưu diễn tuyên truyền phục vụ nhân dân; tổ chức văn nghệ, gây quỹ “tiếp bước cho em đến trường”. Xây dựng chương trình văn nghệ phục kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng bộ thành phố Phan Thiết; kỷ niệm ngày giải phóng Phan Thiết và kỷ niệm 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh…. Biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp tập luyện chương trình kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng quê hương Bình Thuận (19/4/1975- 19/4/2017) và thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2017) phục vụ nhân dân các địa phương trong tỉnh.  

Hoạt động Thư viện: đã cấp mới 58 thẻ bạn đọc (04 thẻ thiếu nhi), phục vụ 4.734 lượt bạn đọc (thiếu nhi 1.250 lượt), luân chuyển 22.912 lượt tài liệu (thiếu nhi 12.800 lượt). Giới thiệu sách mới, sách chuyên đề tuyên truyền kỷ niệm 110 ngày sinh cố Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2017), kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng quê hương Bình Thuận (19/4/1975- 19/4/2017)… với 100 tài liệu. Sưu tầm tư liệu cho tập Thông tin tư liệu Bình Thuận với 180 tin, bài; chuyên mục thông tin kinh tế với 30 tin, bài.

Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận: Đón và phục vụ 290 đoàn, với 22.774 lượt người, trong đó có 1.020 lượt khách nước ngoài. Phục vụ 27 lễ viếng.

Bảo tàng tỉnh: Tiếp tục khảo sát, kiểm tra và sưu tầm hiện vật tại các di chỉ khảo cổ học xã Hàm Đức, Hồng Sơn (Hàm Thuận Bắc). Sưu tầm được 8 hiện vật kháng chiến tại thôn Thuận Điền, Thuận Thành, xã Hàm Liêm. Khảo sát, thu thập tư liệu, ghi âm, chụp ảnh diễn trình lễ hội Thanh Minh tại Nghĩa Trủng Từ phục vụ cho việc nghiên cứu, viết lý lịch khoa học di tích. Khảo sát, thu thập tư liệu về hiện trạng lễ giỗ Tổ Hùng Vương tại đền thờ Hùng Vương (Phan Rí Cửa, Tuy Phong) phục vụ cho việc nghiên cứu, phục dựng nâng tầm lễ hội giỗ Tổ lên cấp tỉnh. Phục vụ 748 lượt khách (trong đó có 02 lượt khách nước ngoài) đến tham quan, nghiên cứu tại Nhà trưng bày.

Ban Quản lý di tích Tháp Pô Sah Inư: đã đón 10.600 lượt khách, trong đó có khoảng 3.219 khách nước ngoài. Triển khai cuộc thi vẽ tranh đến các trường Trung học cơ sở toàn tỉnh chủ đề “Bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di tích”. Trưng bày ảnh nghệ thuật về thành tựu Bình Thuận nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Giải phóng quê hương Bình Thuận (19/4/1975-19/4/2017), thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2017) và ngày Quốc tế lao động 1/5.

Trung tâm Trưng bày Văn hóa Chăm đón 714 lượt khách đến tham quan, trong đó có 10 lượt khách nước ngoài. Tiếp nhận 05 hiện vật chất liệu bằng đồng do ông Thông Minh Chương ở huyện Tuy Phong hiến tặng.            

Hoạt động thể thao:

Đã tổ chức giải Bóng chuyền Thanh niên Công an tỉnh Bình Thuận, giải Bóng đá Nữ Đại hội TDTT thành phố Phan Thiết, Hội thao Công đoàn ngành Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn , Hội thao Cụm thi đua số 7 - Bộ Công an năm 2017, giải Việt dã Thanh niên tỉnh Bình Thuận năm 2017.

Hoạt động thể thao thành tích cao: Đội Karatedo tham gia thi đấu giải vô địch truyền thống miền Đông Nam Bộ tỉnh Bình Dương mở rộng, đạt 01 Huy chương Đồng. Đội Bóng đá tham gia thi đấu giải tập huấn hạng nhì tỉnh Bình Thuận, đạt 01 Huy chương Vàng. Đội Canoeing tham gia thi đấu giải vô địch Câu lạc bộ toàn quốc tại Đà Nẵng, đạt 10 Huy chương Vàng, 01 Huy chương Bạc, 01 Huy chương Đồng và hạng nhất toàn đoàn. Đội Taekwondo tham gia thi đấu giải trẻ và vô địch Đông Nam Á tại Malyasia, đạt 03Huy chương Vàng. Đội Judo tham gia thi đấu giải vô địch Câu lạc bộ toàn quốc tại Bình Thuận, đạt 02 Huy chương Vàng, 01 Huy chương Đồng.

2. Giáo dục:

Đã tổ chức thành công kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh năm học 2016-2017; kết quả có 566 học sinh đạt giải, cụ thể: 26 học sinh đạt giải nhất (tăng 17 giải so với năm học trước); 52 học sinh đạt giải nhì (giảm 20 giải so với năm học trước); 478 học sinh đạt giải ba (tăng 03 giải so với năm học trước).

Kỳ thi Olympic truyền thống 30/4 lần thứ 23 năm học 2016-2017, tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, trường THPT Chuyên Trần Hưng Đạo có 45 học sinh đạt Huy chương, đứng thứ 5/65 đơn vị tham dự (so với năm học 2015-2016 tăng 4 bậc), cụ thể: 25 học sinh đạt huy chương Vàng (tăng 11 giải so với năm học trước); 13 học sinh đạt huy chương Bạc (giảm 01 giải so với năm học trước); 07 học sinh đạt huy chương Đồng (giảm 06 giải so với năm học trước).

            Kỳ thi Olympic tháng 4 Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng lần III năm 2017, có 03 trường THPT của tỉnh dự thi, có 46 học sinh đạt Huy chương (tăng 23 giải so với năm học trước).

3. Y tế :

Ngành Y tế tiếp tục triển khai đẩy mạnh các hoạt động chương trình y tế Quốc gia. Công tác phòng chống bệnh dịch được giám sát chặt chẽ nhất là các bệnh truyền nhiễm như: cúm A H1N1, H5N1, H7N9, sởi, sốt xuất huyết, sốt rét, bệnh tay chân miệng, bệnh Zika… Các đơn vị y tế dự phòng tỉnh, huyện đã chủ động tích cực triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh.

Trong tháng (từ 15/3 đến 15/4/2017) toàn tỉnh có:

- Sốt xuất huyết: 124 cas mắc, không có cas tử vong.

- Số cas mắc tay chân miệng: 23 cas, không có tử vong.

- Số cas mắc sốt rét: 03 cas, không có cas tử vong, không có mắc sốt rét ác tính.

- Số bệnh nhân hiện mắc bệnh phong: 09, số bệnh nhân mới phát hiện: 0, số bệnh nhân đang quản lý: 468, bệnh nhân phong mới bị tàn tật độ II: 0.

- Công tác phòng chống Lao: tổng số lượt khám: 912, số bệnh nhân thu dung điều trị trong tháng: 144. Số bệnh nhân lao phổi AFB (+) mới: 74.

- Số nhiễm HIV mới phát hiện 05 cas (tích lũy: 1.277cas); số chuyển AIDS mới: 02 cas (tích lũy: 923 cas); tử vong mới: 02 cas (tích lũy: 502 cas).

             Công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm được triển khai tích cực. Từ đầu năm đến nay không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm.   

            4. Lao động  Xã hội, Chính sách:

Trong tháng 4/2017 đã giải quyết việc làm cho 2.500 lao động (lũy kế: 8.550 lao động), trong đó: cho vay vốn giải quyết việc làm: 237 lao động; cung ứng lao động cho các doanh nghiệp: 1.300 lao động; có 04 lao động xuất cảnh (lũy kế: 93 lao động đi làm việc ở nước ngoài, bao gồm các thị trường: 15 Đài Loan, 01 Đức, 01 UAE, 22 Ả rập Xê Út, 15 Hàn Quốc, 38 Nhật Bản, 01 Úc); thông qua các Chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh: 6.920 lao động.

Các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp đã tuyển mới đào tạo nghề cho 1.466 người, trong đó: đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động nữ, người khuyết tật là 703 người. Tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp: 546 hồ sơ (lũy kế: 1.765 hồ sơ); Ra Quyết định cho 312 lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp (lũy kế: 1.535 lao động). Đã vận động đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa với số tiền 864 triệu đồng , trong đó: Quỹ cấp tỉnh: 249 triệu đồng. 

Đã thực hiện trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần cho 98 đối tượng theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công (10 Bà mẹ VNAH được truy tặng, 74 người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày, 06 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học, 02 người hoạt động kháng chiến, 01 vợ liệt sỹ lấy chồng khác, 05 thân nhân hưởng tiền tuất thương binh, bệnh binh). Cấp dụng cụ chỉnh hình cho 18 trường hợp và cấp ưu đãi giáo dục cho 26 trường hợp. Trợ cấp thờ cúng liệt sỹ cho 35 trường hợp. Trợ cấp 1 lần cho 08 trường hợp (theo Quyết định 24). Cấp Bảo hiểm y tế cho 42 trường hợp (29 trường hợp theo Quyết định số 62, 11 trường hợp theo Quyết định số 290, 01 trường hợp theo Nghị định số 150, 01 trường hợp theo Quyết định số 49).

Đã hỗ trợ đột xuất cho 05 trẻ em (03 trẻ bị xâm hại tình dục và 02 trẻ chết do đuối nước có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn) với tổng kinh phí 21 triệu đồng.

5. Tai nạn giao thông:

Trong tháng 3/2017 (từ 16/02/2016 đến 15/03/2017), tai nạn giao thông trên địa bàn xảy ra như sau:

- Số vụ tai nạn giao thông: 45 vụ (so với tháng trước tăng 03 vụ). So với cùng kỳ năm trước tăng 12 vụ. Luỹ kế 3 tháng năm 2017: 128 vụ (giảm 12 vụ so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đường sắt không xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng nào.

- Số người bị thương: 28 người (so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước không tăng cũng không giảm). Luỹ kế 3 tháng năm 2017: 89 người (giảm 30 người so với cùng kỳ năm trước).

- Số người chết: 23 người (so với tháng trước tăng 01 người). So với cùng kỳ năm trước tăng 13 người. Luỹ kế 3 tháng năm 2017: 62 người (so với cùng kỳ tăng 8 người).

Các vụ tai nạn giao thông chủ yếu xảy ra ở khu vực ngoài đô thị, nguyên nhân chính vẫn là lái xe trong tình trạng vi phạm quy định nồng độ cồn, sai phần đường, làn đường, quá tốc độ, chở quá số người quy định, chuyển hướng không báo hiệu; người đi mô tô, xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng trên đường. Đã phát hiện xử lý vi phạm 5.973 trường hợp, tạm giữ 539 phương tiện.

6. Thiên tai, cháy nổ, vi phạm môi trường:

             Trong tháng xảy ra 01 vụ cháy, nổ do tự đốt làm 02 người bị thương, tài sản không đáng kể.

Trên đây là tình hình kinh tế xã hội tháng 4/2017, Cục Thống kê kính gửi đến lãnh đạo các cấp, các ngành./.

 




TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/