TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI
Tình hình kinh tế xã hội tháng 12 năm 2015

Năm 2015, kinh tế xã hội tỉnh ta diễn ra trong điều kiện sản xuất kinh doanh trong nước khá ổn định. Giá xăng dầu giảm là yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp và kích thích tiêu dùng. Các chính sách ban hành trong năm 2014 và đầu năm 2015 đã phát huy tác dụng, tạo điều kiện cho khu vực doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đời sống dân cư cả nước tiếp tục cải thiện.
 
     Với những cố gắng trong chỉ đạo điều hành của Đảng bộ và Chính quyền địa phương, với sự nổ lực của các ngành, các cấp; kinh tế xã hội tỉnh Bình Thuận đã tiếp tục chuyển biến tích cực. Khai thác hải sản ổn định; chăn nuôi tiếp tục được hồi phục; công nghiệp tăng trưởng khá; hoạt động thương mại và du lịch tiếp tục phát triển; xuất khẩu hàng may mặc tăng khá; giá mặt hàng tiêu dùng biến động tăng không đáng kể; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ được tổ chức trang trọng, tạo khí thế tự hào, phấn khởi trong nhân dân. Mặc dù vậy, một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh cũng gặp không ít khó khăn: Thời tiết sản xuất nông nghiệp không mấy thuận lợi, sản lượng lương thực đạt thấp so với năm trước; Tiến độ xây dựng các khu công nghiệp chậm; thu hút đầu tư nước ngoài ít; giá hàng nông sản giảm và đứng ở mức thấp; xuất khẩu nông sản đạt thấp so với kế hoạch, giảm sút so với năm trước … đã ảnh hưởng đến nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và đời sống dân cư trong tỉnh
Dự ước tổng sản phẩm trong tỉnh (tính theo phương pháp mới) năm 2015 tăng 8,03% so với năm trước (tính cả Điện Vĩnh Tân); trong đó nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,46%; công nghiệp xây dựng tăng 13,23% (công nghiệp tăng 14,98%, xây dựng tăng 8,92%); dịch vụ tăng 8,03%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩn tăng 7,48%. Cơ cấu các nhóm ngành trong giá trị gia tăng chuyển dịch tích cực: nhóm nông lâm thuỷ sản chiếm 29,2% (năm trước 31,0%); công nghiệp xây dựng 28,6% (năm trước 26,8%), dịch vụ 42,2% (năm trước chiếm 42,2%). GRDP bình quân đầu người đạt 37,0 triệu đồng (tương đương 1.682 USD). Sau đây là kết quả thực hiện ở các ngành và các lĩnh vực:
 I. Nông Lâm Thuỷ sản :

1. Nông nghiệp:

Sản xuất vụ đông xuân       

Thời tiết sản xuất v đông xuân 2014-2015 tương đối thuận lợi. Do tập trung triển khai chặt chẽ các biện pháp chỉ đạo về thời vụ, điều tiết nước, phòng chống dịch bệnh hiệu quả nên sản xuất khá ổn định. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 46.578 ha, đạt 100,08% kế hoạch vụ.

- Cây lúa: Diện tích gieo trồng đạt 34.423 ha (đạt 107,3% kế hoạch vụ; giảm 4,12% so với vụ cùng kỳ năm trước). Năng suất lúa bình quân đạt 63,2 tạ/ha (tăng 1,63 tạ/ha so với vụ cùng kỳ năm trước). Sản lượng lúa đạt 217.561 tấn.

Thực hiện Chương trình xã hội hoá giống lúa và mô hình cánh đồng lúa năng suất cao tiếp tục được tiếp tục triển khai. Trong vụ, đã thực hiện được 446 ha giống lúa xác nhận (gồm Hàm Thuận Bắc 35 ha, Bắc Bình 286 ha, Tuy Phong 25 ha, Đức Linh 20 ha, Tánh Linh 80 ha). Có 1.270 ha diện tích thực hiện theo chương trình liên kết sản xuất trên địa bàn tỉnh trong vụ đông xuân 2014 - 2015.

- Cây bắp: Diện tích gieo trồng đạt 4.824 ha. Nhờ chủ động nguồn nước tưới từ các trạm bơm, các công trình thuỷ lợi nên cây bắp lai một số vùng phát triển tốt như: Đức Linh (95 tạ/ha), Tánh Linh (83,3 tạ/ha); tuy vậy có một số huyện do nắng nóng kéo dài, năng suất đạt thấp (Phan Thiết, Tuy Phong, Bắc Bình). Năng suất bình quân đạt 77,22 tạ/ha (giảm 0,34 tạ/ha so vụ cùng kỳ với năm trước); sản lượng bắp đạt 37.247 tấn. Các loại giống bắp lai được đưa vào sản xuất trong vụ này là : SSC586, C919, CP33, NK66, DK8868 nhìn chung cho năng suất khá cao (7,5 – 8 tấn/ha).

Sản lượng lương thực vụ đông xuân đạt 254.808 tấn, tăng 0,94% so với đông xuân năm trước

Sản xuất vụ hè thu

Sản xuất vụ hè thu năm 2015 tình hình thời tiết không thuận lợi, mùa mưa đến trễ, nắng hạn kéo dài, lượng mưa đầu mùa thấp, phân bổ không đều trong phạm vi toàn tỉnh, trữ lượng nước các hệ thống công trình thuỷ lợi tỷ lệ dung tích xuống thấp nên tình hình thiếu hụt nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp xảy ra trên diện rộng. Diện tích gieo trồng hè thu đạt 68.345 ha, đạt 105,9% kế hoạch vụ (tương đương so với vụ cùng kỳ năm trước); trong đó:

+ Cây lương thực: Diện tích gieo trồng đạt 50.942 ha, đạt 102,2% kế hoạch vụ (bằng 95,79% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, cây lúa đạt 40.552 ha, đạt 102,4% kế hoạch vụ (bằng 96,04% so với vụ cùng kỳ); cây bắp đạt 10.390 ha, đạt 103,8% kế hoạch vụ (bằng 94,84% so với vụ cùng kỳ).

Diện tích lúa giảm do nắng hạn kéo dài, lượng nước các công trình thuỷ lợi không đủ phục vụ. Các địa bàn có diện tích lúa giảm so với cùng kỳ là: Hàm Thuận Nam, Đức Linh, Phan Thiết, La Gi (huyện Tuy Phong không gieo trồng lúa vụ hè thu 2015); các địa bàn có diện tích lúa tăng là: Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tánh Linh.

Các loại giống lúa được sử dụng sản xuất trong vụ Hè Thu này là: ML48, ML214, ML202, TH6, IR59606, IR59656, IR56279, IR62032, OM4900, OM2514, OM2717, OM4218, OM1490, OM 3536, OM 5936… và các giống lúa đã được Bộ Nông nghiệp – PTNT công nhận, phù hợp với điều kiện sản xuất của tỉnh.

Trong vụ hè thu, đã thực hiện Chương trình xã hội hóa giống lúa tại các huyện trọng điểm lúa xác nhận và triển khai  sản xuất lúa theo mô hình “Cánh đồng chất lượng cao” tại các huyện Đức Linh, Tánh Linh, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam.

Năng suất lúa vụ hè thu năm 2015 đạt 56,08 tạ/ ha (tăng 0,64 tạ/ha so với vụ hè thu năm trước); năng suất bắp đạt 58,66 tạ/ha (tăng 0,73 tạ/ha so với năm trước); sản lượng lương thực vụ hè thu 2015 đạt 288.379 tấn (bằng 96,91% so cùng kỳ năm trước).

+ Cây chất bột: Diện tích gieo trồng đạt 432 ha (tăng 18% so với cùng kỳ năm trước), trong đó chủ yếu là cây khoai lang (319 ha).

+ Cây công nghiệp ngắn ngày: Diện tích gieo trồng đạt 8.762 ha (tăng 20,42% so với vụ cùng kỳ), trong đó cây mè 6.846 ha (tăng 28,57%), cây đậu phụng 1.914 ha (giảm 1,81% so với cùng kỳ).

+ Cây rau, đậu: Diện tích gieo trồng đạt 7.973 ha (so với vụ cùng kỳ tăng 109,7%). Trong đó, rau các loại diện tích 3.116 ha (tăng 113,4%); đậu các loại diện tích 4.857 ha (tăng 107,4%).

Các nhóm cây chất bột, cây công nghiệp, rau đậu các loại diện tích tăng so với cùng kỳ năm trước do thời tiết cuối tháng 6 và tháng 7 lượng mưa trải đều trên diện rộng ở tất các huyện trong tỉnh nên các địa phương khẩn trương gieo trồng, các công trình thủy lợi lượng nước dự trữ phục vụ tưới tiêu cho cây trồng được đảm bảo đủ nguồn nguồn nước tưới và độ ẩm của đất.

Sản xuất vụ Mùa: Dự ước diện tích gieo trồng cây ngắn ngày đạt 87.858 ha, giảm 5,3% so với vụ mùa năm trước; trong đó lúa 40.111 ha (giảm 3,5%), bắp 4.357 ha (giảm 10,1% so với vụ mùa năm trước). Sản lượng lương thực đạt 239.316 tấn.

Tính chung 3 vụ, diện tích gieo trồng cây hàng năm ước đạt 202.778 ha, đạt 102,3% KH, giảm 2,4% so với năm trước; trong đó nhóm cây lương thực đạt 134.653,7 ha, đạt 102,4% KH, giảm 3,5% so với năm trước (trong đó lúa 115.008,7 ha, đạt 103,1% KH, giảm 3,9% so với năm trước); sản lượng lương thực cả năm ước đạt 782.503 tấn, đạt 104,3% KH, giảm 1,7% so với năm trước.

Phát triển một số cây lâu năm:

- Thanh long: Diện tích đến cuối năm 2015 ước đạt 26.026 ha, tăng 6,2% so với năm trước. Do giá tiêu thụ thanh long những năm trước đây ổn định với mức cao nên đầu tư trồng thanh long tiếp tục phát triển và mở rộng; diện tích trồng mới trong năm ước đạt 2.662 ha (tăng gấp 4,3 lần so với kế hoạch đề ra); sản lượng ước đạt 469,5 ngàn tấn (tăng 4,5% so với năm trước)  

- Cao su: Diện tích đến cuối năm 2015 ước đạt 42.784 ha, giảm 0,3% so với năm trước. Trong năm 2015 giá mủ su cao liên tục giảm xuống thấp, vì vậy người dân ở các địa phương trong tỉnh không còn mạnh dạn phát triển thêm diện tích trồng mới như những năm trước (trồng mới trong năm chỉ đạt 52 ha; năm trước trồng mới 2.797 ha). Tuy nhiên tình trạng chặt bỏ diện tích trên địa bàn tỉnh gần như không xảy ra, chỉ có một số diện tích già cỗi năng suất thấp được chặt bỏ để thay diện tích mới. Sản lượng ước đạt 50.941 tấn (tăng 9,6% so với năm trước)

- Cây điều: Diện tích đến cuối năm 2015 ước đạt 16.799 ha, giảm 6,1% so với năm trước. Nguyên nhân giảm do phần lớn diện tích điều trên địa bàn tỉnh đã già cỗi, diện tích điều cao sản chưa được phát triển nhiều, đa số nông dân trồng điều chỉ áp dụng biện pháp thâm canh như: bón phân, phun thuốc, làm cỏ, tỉa cành, nhưng chủ yếu theo kinh nghiệm nên hiệu quả không cao. Cây điều lại được trồng trên những vùng đất bạc màu, vùng khô hạn nên gặp thời tiết sâu bệnh dễ phát triển làm giảm năng suất làm diện tích điều toàn tỉnh ngày càng bi thu hẹp thế chỗ cho cây khác có giá trị cao hơn. Sản lượng cả năm ước đạt 10.691 tấn (giảm 4,2% so với năm trước)

Chăn nuôi:  

Trong năm, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, xu hướng chăn nuôi được chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi với quy mô gia trại, trang trại. Dự ước đến cuối năm 2015:

- Đàn trâu, bò:  đàn trâu có 8.991 con (tương đương như năm trước); đàn bò có 163.492 con (giảm 0,5%). Số lượng đàn trâu, bò trên địa bàn tỉnh giảm chủ yếu là do diện tích đồng cỏ nuôi thả tự nhiên ngày càng thu hẹp bởi quá trình đô thị hóa và việc phát triển diện tích cây lâu năm.

- Đàn heo:  có 279.244 con (tăng 5,1% so với cùng kỳ). Đàn heo đang có xu hướng phát triển tốt, do giá bán thịt hơi ổn định ở mức cao (từ 46 – 50 ngàn đồng/kg), chi phí thức ăn, con giống ổn định, tình hình dịch bệnh luôn được kiểm soát tốt, lợi nhuận từ chăn nuôi heo tăng khá nên người chăn nuôi tiếp tục mở rộng phát triển tổng đàn.

- Đàn gia cầm:  có 3.195 ngàn con (giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước). Nguyên nhân do tình hình thời tiết gần đây năng nóng dể phát sinh các loại dịch bệnh, do đó người chăn nuôi gia cầm thường không tái đàn một cách ồ ạt, chỉ phát triển cầm chừng.

Trong năm đã thực hiện tiêm phòng 11,5 triệu liều; trong đó: đàn trâu, bò 230 ngàn liều; đàn lợn 786 ngàn liều; đàn gia cầm 10,4 triệu liều. Kiểm dịch động vật:  đàn heo 895 ngàn con; đàn trâu, bò 2.660 con; đàn gia cầm 2,1 triệu con; Kiểm soát giết mổ: 649 con trâu, bò; 26.128 con heo; 144.423 con gia cầm Riêng thịt heo trong tháng 12 không tổ chức kiểm tra, lũy kế năm 2015 là 68.514 kg.. Phúc kiểm sản phẩm động vật: thịt trâu, bò 35.689 kg; thịt gia cầm 510.240 kg; thịt heo 68.514 kg; trứng gia cầm 1,6 triệu quả.

2. Lâm nghiệp:

Ước cả năm, trồng rừng tập trung và trồng rừng thay thế đất lâm nghiệp đạt 2.462 ha (đạt 106% KH năm), trong đó trồng rừng tập trung 2.256 ha (đạt 124% KH năm) và 206 ha rừng thay thế (đạt 41% KH năm). Trồng cây phân tán đạt 894 ngàn cây (đạt 110% KH năm). Chăm sóc rừng đạt 6.040 ha (đạt 100% KH năm). Khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên 8.845 ha (đạt 114% KH năm). Giao khoán bảo vệ rừng đạt 133.791 ha (đạt 132% kế hoạch năm). Phần lớn diện tích rừng đang được các hộ dân bảo vệ tốt, không có tình trạng chặt phá cây rừng, lấn chiếm đất rừng làm rẫy xảy ra trong khu vực nhận khoán. Khai thác gỗ từ rừng trồng tập trung đạt 41.674 m3 (tăng gấp 2,1 lần so với năm trước).

Công tác phòng chống cháy rừng (PCCR) được duy trì thường xuyên. Toàn tỉnh đã thành lập 9 ban chỉ huy PCCR huyện, 69 ban chỉ huy PCCR xã, 360 tổ, đội PCCR ở các địa phương; xây dựng 394,46 km đường băng cản lửa, 5 chòi canh lửa; trang bị 293 máy móc, 2.186 dụng cụ thủ công, sẵn sàng ứng phó khi có tình huấn cháy khẩn cấp xảy ra. Ngoài ra còn yêu cầu các hộ dân sống trong khu vực có rừng ký cam kết bảo vệ rừng (toàn tỉnh có 137 thôn có hương ước bảo vệ rừng).

Trong năm đã xảy ra 33 vụ cháy rừng, tổng diện tích bị thiệt hại là 55,5 ha, hầu hết các vụ cháy chỉ là cháy thực bì, trảng cỏ không gây thiệt hại gì đến tài nghiên rừng. Nguyên nhân các vụ cháy trên chủ yếu do việc sử dụng lửa bất cẩn của người dân khi vào rừng canh tác, săn bắt động vật hoang dã, đốt than và các hoạt động dã ngoại...

Trong 11 tháng đã phát hiện 796 vụ vi phạm lâm luật (tăng 18 vụ so với năm trước), trong đó; phá rừng trái phép 13 vụ, khai thác rừng 117 vụ, phòng cháy chữa cháy rừng 01 vụ, quản lý động vật hoang dã 1 vụ, mua bán vận chuyển lâm sản trái phép 334 vụ, chế biến gỗ và lâm sản khác 24 vụ, vi phạm khác 306 vụ. Đã xử lý 795 vụ (782 vụ vi phạm hành chính và 13 vụ vi phạm hình sự), tịch thu 525 m3 gỗ tròn, 485 m3 gỗ xẻ; tổng số tiền phạt, bán tang vật nộp vào ngân sách trong là 6,366 tỷ đồng.

3. Thủy sản:

Đầu tư đóng mới tàu cá tiếp tục phát triển theo hướng nâng cao công suất, gắn với việc giảm tàu thuyền công suất nhỏ. Năng lực tàu cá tăng nhanh, nhất là tàu trên 90 cv cho thấy xu hướng chuyển đổi cơ cấu thuyền nghề vươn ra khai thác vùng khơi tiếp tục được đẩy mạnh. Dự ước đến cuối năm toàn tỉnh có 7.326 chiếc/871.794 cv, bình quân 119cv/chiếc (năm trước 111,3cv/chiếc); trong đó tàu  trên 90 cv có 2.550 chiếc/773.661 cv.

Ước cả năm, sản lượng khai thác thuỷ sản đạt 198.312 tấn (trong đó khai thác hải sản đạt 198.218 tấn, tăng 0,19%, so với năm trước; trong đó: Cá khai thác 119.748 tấn, tăng 4,73%; tôm 5.098 tấn, giảm 4,13%). Công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu cá được tiếp tục chú trọng; Dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển; Tiếp tục củng cố phát triển mô hình Tổ đoàn kết sản xuất trên biển nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo

Nuôi trồng thuỷ sản: Năm nay thời tiết diễn biến khá phức tạp, nắng nóng kéo dài, môi trường vùng nuôi bị ô nhiễm đã làm ảnh hưởng đến tôm phát triển, dịch bệnh đỏ thân, bệnh hoại tử dưới vỏ xảy ra rải rác ở các khu vực nuôi. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản ước đến cuối năm đạt 2.369 ha (giảm 14,9% so với năm trước).

Nuôi thuỷ sản nước ngọt với quy mô nhỏ, hộ gia đình là chủ yếu (nuôi các loại cá truyền thống như: cá trắm, chép, diêu hồng, cá chim, cá lóc, cá tra, cá trê….); hình thức nuôi thường là quảng canh, quảng canh cải tiến, nuôi cá kết hợp với trồng sen, nuôi vịt… nuôi thâm canh, bán thâm canh. Mô hình nuôi cá nước ngọt trong ao đất thời gian gần đây có xu hướng chững lại do thị trường tiêu thụ bấp bênh, sức cạnh tranh cao thấp, một số khu vực nuôi chưa chủ động được nguồn nước.

Nuôi cá lồng bè (chủ yếu ở Đức Linh, Tánh Linh), đối tượng nuôi chủ yếu là cá bống tượng nhưng nguồn nước nuôi cũng bị ô nhiễm từ việc khai thác cát trên sông, nguồn nước thải các cơ sở chế biến mủ cao su… gây khó khăn cho các hộ nuôi.            

Nuôi hải sản trên biển tiếp tục duy trì tại các huyện Phú Quý, Tuy Phong, Đức Linh và Tánh Linh, tập trung một số đối tượng có giá trị kinh tế cao như: cá mú cọp, cá bớp, cá giò. Hiện nay nuôi cá lồng, bè đang gặp nhiều khó khăn do giá tiêu thụ thấp nên, dự ước đến cuối năm còn 980 lồng, bè (giảm 15,3% so với năm trước).

Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản cả năm ước đạt 13.473 tấn (giảm 1,1% so năm trước).

Sản xuất giống thuỷ sản: Ước cả năm các cơ sở kiểm dịch và xuất bán ra thị trường 21,267 tỷ post (giảm 22,4% so với năm trước). Số lượng tôm giống giảm là do trong những tháng đầu năm thời tiết nắng nóng gây bất lợi cho sản xuất và nuôi trồng nên nhu cầu sử dụng tôm giống giảm theo.

Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản luôn được tăng cường. Từ đầu năm đến nay đã phát hiện 819 vụ vi phạm, trong đó có 549 vụ vi phạm khai thác các loại hải sản không đúng theo quy định. Đã xử lý và thu nộp ngân sách là 4.667 triệu đồng. Các địa phương có số vụ vi phạm nhiều như: Phan Thiết 273 vụ; La Gi 266 vụ; Tuy Phong 222 vụ; Phú Quý 21 vụ, còn lại một số ít vụ thuộc các địa phương như Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình và một số các đối tượng khác ngoài tỉnh vi phạm tại địa bàn tỉnh.

II. Công nghiệp; Đầu tư phát triển :

1. Công nghiệp:

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp năm 2015 so với năm trước ước đạt 108,06% (tăng 8,06% so với năm trước).

Tính theo giá so sánh 2010, dự ước giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 đạt 22.381 tỷ đồng (tăng 25,6% so với năm trước); trong đó công nghiệp khai khoáng 1.085 tỷ đồng (tăng 26,6%); công nghiệp chế biến chế tạo 14.010 tỷ đồng (tăng 5,8%); sản xuất và phân phối điện đạt 7.166 tỷ đồng (tăng 99,1%); cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý nước thải, rác thải đạt 120 tỷ đồng (tăng 4,7%).

Các sản phẩm sản xuất tăng so với năm trước là: khai thác cát xây dựng (tăng 1,27%), đá xây dựng (tăng 4,53%), thủy sản đông lạnh (tăng 11,23%), muối hạt (tăng 18,29%), nước mắm (tăng 2,65%), thức ăn gia súc (tăng 28,08%), nước đá (tăng 7,98%), nước khoáng (tăng 2,76%), gạch nung các loại (tăng 5,12%), hàng may mặc (tăng 35,13%), trang in (tăng 1,82%), điện sản xuất (tăng gấp 2,48 lần), sơ chế mủ cao su (tăng 2,82%). Các sản phẩm giảm là: thủy sản khô (giảm 2,16%), hạt điều nhân (giảm 13,74%), đường (giảm 5,67%)

Nhìn chung hoạt động sản xuất công nghiệp trong năm khá ổn định. Một số doanh nghiệp chế biến hải sản đã đầu tư đổi mới trang thiết bị dây chuyền sản xuất nâng cao năng lực sản xuất. Công nghiệp chế biến tiếp tục duy trì ổn định, trong đó sản xuất gia công hàng may mặc, giày dép, chế biến thuỷ sản đông lạnh, sơ chế mủ cao su tăng khá. Các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp tiếp tục thu hút được nhiều sự quan tâm của khách hàng. Công tác khuyến công được duy trì thường xuyên. Đã đồng ý chủ trương cho Công ty cổ phần Đầu tư Tân Thành An đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp La Gi

Hoạt động của các khu công nghiệp năm 2015 đã có sự chuyển biến tích cực. Tuy còn gặp khó khăn do tình hình thị trường, nguồn vốn, nhưng bằng sự nổ lực và kịp thời có các giải pháp hợp lý đến nay tình hình sản xuất kinh doanh của các khu công nghiệp dần được duy trì ổn định và tạo được tăng trưởng. Doanh thu năm 2015 của các Doanh nghiệp trong khu công nghiệp ước đạt 3.010 tỷ đồng  (đạt 101% kê hoạch); Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 46 triệu USD (đạt 102,2% KH); Nộp ngân sách đạt 59 tỷ đồng (đạt 101,7% KH). Các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 49 dự án (trong đó có 16 dự án FDI), cho thuê 169,3 ha (tỷ lệ lấp đầy là 26,24%) với tổng vốn đầu tư là 3.073,7 tỷ đồng và 143,28 triệu USD; trong đó, có 36 Doanh nghiệp đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy vậy hoạt động sản xuất ngành thủ công mỹ nghệ phát triển chậm, mẫu mã  hàng chưa phong phú, giá thành cao, không cạnh tranh được các sản phẩm cùng chủng loại từ các địa phương khác. Công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản còn phát triển chưa mạnh, chưa tương xứng tiềm năng, quy mô sản xuất trên lĩnh vực này nhìn chung còn nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, hiệu quả thấp, sức cạnh tranh của sản phẩm yếu, chưa đủ sức vươn xa, đứng vững ở những thị trường lớn.

Triển khai các công trình, dự án điện: Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 phát điện ổn định; đã tổ chức Lễ công bố khởi công Dự án BOT Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 ; Lắp đặt thành công dầm chính lò hơi nhiệt điện Vĩnh Tân 4; khởi công Dự án nhà máy điện gió Phú Lạc; thi công hoàn thành dự án thủy điện Đan Sách 2, đường dây 220 kV Vĩnh Tân - Phan Thiết, đường dây 110 kV và TBA Ma Lâm 63 MVA; thi công dự án thủy điện Đan Sách, Đan Sách 3, đường dây 220 kV Phan Thiết - Phú Mỹ (Bà Rịa); đang chuẩn bị thủ tục để khởi công dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 3; chuẩn bị thủ tục đầu tư các dự án thủy điện: La Ngâu, Thác Ba và Phong điện 1 - Bình Thuận giai đoạn 2.

2. Đầu tư phát triển:

Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn nhà nước cả năm ước đạt 1.200,8 tỷ đồng (đạt 56,1% so với kế hoạch năm); trong đó: Vốn ngân sách cấp tỉnh 821,1 tỷ đồng (đạt 52,2% KH năm); Vốn ngân sách cấp huyện 303,8 tỷ đồng (đạt 67% KH năm); Vốn ngân sách cấp xã 75,8 tỷ đồng (đạt 66,7% KH năm).

Dự ước vốn đầu tư phát triển xã hội cả năm đạt 16.500 tỷ đồng.

Đăng ký  kinh doanh và đăng ký đầu tư:

Trong 11 tháng đã cấp đăng ký mới cho 581 doanh nghiệp và chi nhánh; cấp thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh 852 trường hợp; thông báo giải thể 190 doanh nghiệp, chi nhánh và xác nhận tạm ngưng hoạt động 77 doanh nghiệp.

Từ đầu năm đến nay đã cấp mới Giấy chứng nhận đầu tư và Quyết định chủ trương đầu tư cho 27 dự án vốn đầu tư đăng ký là 3.899,6 tỷ đồng, diện tích khoảng 542,6 (trong đó, có 23 dự án trong nước vốn đăng ký là 3.659,8 tỷ đồng và 04 dự án có vốn đầu tư nước ngoài vốn đăng ký là 239,8 tỷ đồng (52,4 triệu USD); cấp điều chỉnh cho 14 dự án (trong đó, có 10 dự án trong nước điều chỉnh tăng vốn là 2.597 tỷ đồng và 04 dự án FDI điều chỉnh tăng vốn là 913 tỷ đồng (41,5 triệu USD).

       III. Thương mại, Giá cả, Du lịch, Xuất nhập khẩu, Giao thông vận tải

       1. Thương mại, Giá cả :   

       Tổng mức bán lẻ hàng hóa cả năm ước đạt 24.559 tỷ đồng (tăng 11,76% so với năm trước); doanh thu dịch vụ đạt 11.855 tỷ đồng (tăng 12,94% so với năm trước).

       Hàng hoá trên thị trường phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Từ đầu năm đến nay, giá hàng tiêu dùng biến động không đáng kể; các mặt hàng thiết yếu giữ giá ổn định. Đã tổ chức các Phiên chợ đưa hàng Việt về các huyện; triển khai rà soát các quy hoạch về phát triển mạng lưới chợ, trung tâm thương mại, siêu thị; hệ thống kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng; tổ chức khảo sát, thẩm tra tiêu chí 7 (chợ nông thôn) tại các xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; tiếp tục triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

       Giá hàng tiêu dùng sau 1 năm tăng 1,52% (so với tháng 12/2014). Trong 11 nhóm hàng hoá dịch vụ có 01 nhóm giảm là: giao thông (giảm 8,78% do tác động giá xăng dầu giảm), các nhóm hàng khác tăng với mức thấp; trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,11% (lương thực giảm 0,49%; thực phẩm tăng 4,46%; ăn uống ngoài gia đình tăng 2,21%); đồ uống thuốc lá (tăng 2,72%); may mặc, mũ nón, giày dép (tăng 2,48%); nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (tăng 4,16%); thiết bị và đồ dùng gia đình (tăng 1,59%); thuốc và dịch vụ y tế (tăng 0,45%); bưu chính viễn thông (tăng 0,09%); giáo dục (tăng 1,87%); văn hoá, giải trí (tăng 1,82%); các dịch vụ khác (tăng 2,65% so với tháng 12/2014).

       2. Du lịch :

       Hoạt động du lịch tiếp tục phát triển, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách. Đã thẩm định, xếp hạng 09 cơ sở lưu trú du lịch, công nhận hạng sao cho 08 cơ sở lưu trú du lịch, khắc phục hạn chế 05 cơ sở; thẩm định cấp mới 02 thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa; cấp giấy xác nhận cho 01 xe ô tô đạt tiêu chuẩn vận chuyển khách du lịch; hướng dẫn thực hiện việc đăng ký cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch cho 22 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, ăn uống trên địa bàn tỉnh.

       Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch: Phát hành 1.500 Brochure giới thiệu chương trình hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch năm 2015; 500 bản tin "Du lịch Bình Thuận chào năm mới 2015"; 500 sổ tay du lịch; 500 bản đồ du lịch. Vận động doanh nghiệp tham gia “Ngày Hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh”, Hội chợ du lịch quốc tế ITE-HCMC 2015 tại Thành phố Hồ Chí Minh; Hội chợ Du lịch quốc tế ITB tại Đức; Hội chợ GES và Roadshow tại Ấn Độ; Hội chợ Du lịch TTM Plus tại Thái Lan; Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam VITM- Hà Nội 2015; chương trình xúc tiến du lịch tại Nhật Bản; “Tuần lễ Du lịch Xanh” tại Đồng bằng sông Cửu Long; Liên hoan ẩm thực đất Phương Nam. Triển khai phối hợp trong công tác Thông tin hỗ trợ du khách theo Quyết định số 21/QĐ-UBND ngày 06/01/2015 của UBND tỉnh Bình Thuận. Xây dựng Kế hoạch tổ chức kỷ niệm 20 năm ngày du lịch Bình Thuận. Phối hợp thực hiện các chương trình truyền thông quảng bá về du lịch tỉnh phát sóng trên các kênh truyền hình. Lắp đặt 2 trụ xoay thông tin du lịch tại Ga Phan Thiết và khu du lịch Đồi Dương; sửa chữa, lắp đặt các pano; thông báo số điện thoại đường dây nóng; pano bản đồ du lịch Phan Thiết hỗ trợ du khách. Khai thác, cập nhật 640 tin, bài, ảnh hoạt động du lịch trên các báo, tạp chí và trang website du lịch trung ương, địa phương phục vụ nhu cầu thông tin về hoạt động ngành Du lịch cho du khách và nhà đầu tư.

       Phát triển cơ sở lưu trú du lịch: Toàn tỉnh hiện có 290 cơ sở lưu trú đang hoạt động kinh doanh với tổng số 11.103 phòng. Đã xếp hạng 188 cơ sở lưu trú với 7.652 phòng, trong đó đạt tiêu chuẩn 5 sao 03 cơ sở với 348 phòng, đạt tiêu chuẩn 4 sao có 25 cơ sở với 2.790 phòng, 3 sao có 11 cơ sở với 807 phòng, 2 sao có 34 cơ sở với 1.426 phòng, 1 sao có 35 cơ sở với 871 phòng, nhà nghỉ du lịch có 51 cơ sở với 979 phòng, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê có 29 cơ sở với 431 phòng. Ngoài ra còn có hơn 500 căn hộ, biệt thư cho khách du lịch thuê.  

       Hoạt động kinh doanh lữ hành: Toàn tỉnh có 44 đơn vị hoạt động kinh doanh lữ hành, trong đó có 06 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, 28 doanh nghiệp lữ hành nội địa, có 10 chi nhánh văn phòng đại diện của các hãng lữ hành. Ngoài ra có trên 54 hộ, đơn vị đăng ký kinh doanh liên quan đến đại lý lữ hành, bán vé xe chất lượng cao phục vụ khách du lịch

       Dự ước năm 2015 lượt khách đến lưu trú đạt 4.124,9 ngàn lượt khách; tăng 10,75% so với năm trước (trong đó khách quốc tế đạt 450 ngàn lượt khách; tăng 3,37%) với 6.360,2 ngàn ngày khách; tăng 11,18% so với năm trước (trong đó khách quốc tế đạt 1.203,3 ngàn ngày khách; tăng 7,46%); doanh thu du lịch ước đạt 7.642,3 tỷ đồng, tăng 18,5% so với năm trước.

       3. Xuất nhập khẩu :

       Dự ước kim ngạch xuất khẩu hàng hoá cả năm đạt 331,9 triệu USD (đạt 113,8% kế hoạch năm; tăng 14% so với năm trước). Trong đó: Nhóm hàng thủy sản đạt 123,1 triệu USD (đạt 98,5% kế hoạch năm; giảm 0,39% so với năm trước). Nhóm hàng nông sản đạt 11,7 triệu USD (đạt 42,2% kế hoạch năm; bằng 31,6% so với năm trước). Nhóm hàng hóa khác đạt 197,1 triệu USD (đạt 141,8% kế hoạch năm; tăng 51% so với năm trước), trong đó hàng may mặc 141,1 triệu USD (đạt 144,1% kế hoạch năm; tăng 50,1% so với năm trước).

       Xuất khẩu dịch vụ cả năm ước đạt 152,7 triệu USD; đạt 114,6% KH năm; tăng 15,6% so với năm trước. 

       Nhập khẩu cả năm ước đạt 166,6 triệu USD, giảm 32,4% so với năm trước; trong đó thức ăn gia súc và nguyên liệu chế biến đạt 54,2 triệu USD, tăng 78,3% so với năm trước; phụ liệu vải dệt may, giày da 74,5 triệu USD, tăng 43,8% so với năm trước.

       Kết quả trên cho thấy xuất khẩu hàng thuỷ sản giữ ổn định. Song nhóm hàng nông sản bị giảm sút khá lớn do lượng hàng và đơn giá xuất khẩu quả thanh long, cao su giảm; mặt hàng nhân hạt điều đến nay vẫn chưa xuất khẩu được. Nhóm hàng hoá khác vượt kế hoạch và tăng khá cao so với năm trước do hàng may mặc, giày dép xuất khẩu giữ ổn định và tăng khá.

       4. Giao thông vận tải, Viễn thông :      

       Vận tải hàng hoá, hành khách ổn định, đáp ứng nhu cầu vận chuyển và đi lại của nhân dân. Ước tính khối lượng luân chuyển hàng hoá đường bộ cả năm đạt 388,6 triệu tấnkm (tăng 12,3% so với năm trước); luân chuyển hàng hoá đường thủy đạt 981 ngàn tấnkm (tăng 0,3%); luân chuyển hành khách đường bộ đạt 905,2 triệu lượt ngườikm (tăng 11,4%); luân chuyển hành khách đường thuỷ đạt 3.697 ngàn lượt ngườikm (tăng 6,6%).

       Công tác thanh tra kiểm soát, xử lý vi phạm về thanh tra an toàn giao thông được duy trì thường xuyên.

       Tai nạn giao thông trong 11 tháng đầu năm xảy ra 615 vụ (giảm 57 vụ so với cùng kỳ năm trước); gây chết 198 người (giảm 26 người); gây thương tích 582 người (tăng 13 người)

       Hoạt động viễn thông tiếp tục phát triển. Ước đến cuối năm, số thuê bao điện thoại cố định có 75 ngàn thuê bao (giảm 16,7% so với năm trước); thuê bao di động có 1,607 triệu thuê bao (tăng 2,8% so với năm trước); thuê bao Internet có 62 ngàn thuê bao (tăng 7,7% so với năm trước); tỷ lệ người sử dụng Internet (quy đổi) ước đạt 38,5%.

       IV. Thu, chi ngân sách; Hoạt động tín dụng:

       1. Thu, chi ngân sách:

       Ước thu ngân sách năm 2015 đạt 7.469,4 tỷ đồng (đạt 92,44% dự toán năm), tăng 3,41% so với năm trước. Trong đó thu nội địa đạt 4.360 tỷ đồng (đạt 110,94% DT năm), tăng 4,17% so với năm trước; riêng thu thuế, phí đạt 3.907,2 tỷ đồng (đạt 113,25% DT năm), tăng 3,85% so với năm trước; thuế xuất nhập khẩu đạt 247,4 tỷ đồng (đạt 70,69% DT năm), giảm 26,25% so với năm trước; thu từ dầu thô 2.861,9 tỷ đồng (đạt 75,3% DT năm), tăng 5,9% so với năm trước.

       Mặc dù có một số chính sách thuế thay đổi, Nhà nước đang đẩy nhanh lộ trình thực hiện cải cách thuế, giảm mức điều tiết thu đối với một số đối tượng chịu thuế, sắc thuế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thu hút đầu tư nhưng trong năm ngành Thuế đã phối hợp với các địa phương cố gắng khai thác các nguồn thu mới; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu; xử lý nợ đọng thuế có hiệu quả; đẩy mạnh các nguồn thu từ đất, quản lý kê khai thuế qua mạng Internet nên kết quả thu nội địa đạt khá. Các loại thu đạt dự toán năm là: thu từ DN nhà nước TW, thuế thu nhập cá nhân, thuế sử dụng đất nông nghiệp, tiền thuê đất mặt nước, thuế bảo vệ môi trường, lệ phí trước bạ, thu xổ số kiến thiết. Các loại thu tăng hơn năm trước, song chưa đạt được dự toán năm là: thu từ DN nhà nước địa phương, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thu cấp quyền khai thác khoáng sản. Các loại thu giảm so với năm trước và không đạt được dự toán là: thu từ DN có vốn đầu tư nước ngoài, thu ngoài quốc doanh, các loại phí, lệ phí.

       Ước chi ngân sách địa phương cả năm đạt 7.227,2 tỷ đồng (đạt 114,3% dự toán năm); trong đó chi đầu tư phát triển 895 tỷ đồng (đạt 119,3% dự toán năm); chi thường xuyên 4.646,3 tỷ đồng (đạt 104% dự toán năm). Trong chi ngân sách, đã bám sát theo Nghị quyết HĐND Tỉnh, ưu tiên chi đầu tư phát triển; đảm bảo thanh toán khối lượng công trình trọng điểm, các khoản chi lương, phụ cấp lương, kinh phí chi thường xuyên cho hoạt động bộ máy hành chính, các chính sách an sinh xã hội, các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh

       2. Hoạt động tín dụng:

       Hoạt động tín dụng ổn định; lãi suất huy động đối với tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng đến dưới 6 tháng là 4,0 - 5,5%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng là 5,2 -7,0%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng là 6,0 -7,0%/năm. Lãi suất cho vay các khoản vay mới ở các lĩnh vực ưu tiên ngắn hạn phổ biến ở mức 7%/năm, các lĩnh vực khác từ 9-11%/năm; lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến từ 10,0 - 11,75%/năm

       Trong năm các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã bám sát sự điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước, diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, tình hình thanh khoản và cung cầu ngoại tệ của thị trường, sự chỉ đạo của Hội sở chính để ấn định tỷ giá mua, bán phù hợp. Các nhu cầu mua ngoại tệ hợp pháp đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, các giao dịch mua bán ngoại tệ được thực hiện thông suốt; diễn biến thị trường vàng, ngoại hối trên địa bàn tiếp tục phát triển theo hướng ổn định.

       Ước đến 31/12/2015, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 21.777 tỷ đồng, tăng 10,34% so với đầu năm; dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 25.661 tỷ đồng, tăng 17,5% so với đầu năm.

       Vốn tín dụng được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, đến 30/11/2015 dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 12.190 tỷ đồng, chiếm 47,15% tổng dư nợ; dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 770 tỷ đồng, chiếm 2,98% tổng dư nợ; dư nợ cho vay DNNVV đạt 5.363 tỷ đồng, chiếm 20,74% tổng dư nợ; dư nợ cho vay các đối tượng chính sách xã hội đạt 1.843 tỷ đồng/ 123.667 khách hàng (trong đó cho vay hộ nghèo đạt 249 tỷ đồng/15.691 khách hàng); dư nợ cho vay học sinh, sinh viên đạt 554 tỷ đồng/23.921 khách hàng; dư nợ cho vay nước sạch vệ sinh môi trường đạt 329 tỷ đồng/42.609 khách hàng.

        Cho vay hỗ trợ nhà ở đến 30/11/2015 đã thực hiện với dư nợ 16,4 tỷ đồng/42 khách hàng.

       Cho vay phát triển thuỷ sản (theo Nghị định 67) đến 15/12/2015 đã giải ngân được 106,37 tỷ đồng; trong đó dư nợ cho vay đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ là 24,34 tỷ đồng và cho vay đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ là 82,03 tỷ đồng.

       Công tác tiền tệ kho quỹ, thanh toán bù trừ điện tử và thanh toán điện tử liên ngân hàng được tổ chức thực hiện tốt. Thanh toán không dùng tiền mặt được quan tâm đẩy mạnh. Mạng lưới ATM và POS tiếp tục được duy trì hoạt động ổn định, đảm bảo chất lượng dịch vụ. Đến nay, toàn địa bàn có 143 máy ATM (tăng 11 máy so với cuối năm 2014) và 1.047 máy POS (tăng 70 máy so với cuối năm 2014), tất cả máy POS được kết nối liên thông giữa các ngân hàng với nhau.

       V. Một số vấn đề xã hội:

       1. Văn hoá, Thể thao:

       Công tác tuyên truyền, cổ động phục vụ nhiệm vụ chính trị được triển khai kịp thời, nhất là các ngày lễ, tết và các ngày kỷ niệm của đất nước. Trong năm đã thực hiện 35,8 ngàn giờ phát thanh xe loa, phóng thanh, cắt dán 34,9 ngàn mét băng rôn khẩu hiệu, kẻ vẽ 38 ngàn m2 panô, 22 ngàn pa nô dọc, treo 20,4 ngàn lượt cờ các loại; phát hành 2.700 tập san Thông tin nghiệp vụ, 150 đĩa CD mừng Đảng, mừng Xuân. Tổ chức 05 cuộc triển lãm: Trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”; "Bình Thuận, 40 năm xây dựng và phát triển"; Trưng bày ảnh Ngày Hội gia đình các tỉnh Đông Nam bộ năm 2015; triển lãm tranh cổ động tấm lớn chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc và Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận; triển lãm “Từ Đại hội đến Đại hội” phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận. Đội Tuyên truyền lưu động tỉnh thực hiện 130 buổi văn nghệ tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS, kịch bản “AIDS và trách nhiệm của chúng ta” và biểu diễn các chương trình ca múa nhạc mừng Đảng, mừng Xuân phục vụ nhân dân tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

       Hoạt động văn hóa, nghệ thuật tiếp tục chuyển mạnh về cơ sở. Đã tổ chức biểu diễn các chương trình văn nghệ quần chúng phục vụ mừng Đảng, mừng Xuân và các ngày lễ, kỷ niệm của đất nước. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tại các địa phương diễn ra sôi nổi phục vụ các ngày lễ, tết. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với xây dựng nông thôn mới tại các địa phương có nhiều chuyển biến tích cực và nâng dần chất lượng. Huyện Bắc Bình đăng cai tổ chức thành công “Ngày Hội Văn hóa - Thể thao 4 xã miền núi”.

       Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận trong năm đã đón và phục vụ 2.453 Đoàn, với 166.849 lượt người, trong đó có 780 lượt khách nước ngoài; tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; triển lãm ảnh “Biển - Đảo Việt Nam”. Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm, khai quật 79 hiện vật, cổ vật; thẩm định, xét duyệt 379 hiện vật; trao đổi, tiếp nhận 245 cổ vật, hiện vật. Ban Quản lý Di tích tháp Pô Sah Inư: đón 107.638 lượt khách, trong đó có 26.478 khách nước ngoài; tổ chức biểu diễn văn nghệ dân gian Chăm; trình diễn nghề dệt thổ cẩm, làm gốm truyền thống dân tộc Chăm. Trung tâm Trưng bày Văn hóa Chăm Bình Thuận: đón 11.187 lượt khách, trong đó có 60 lượt khách nước ngoài; sưu tầm, trao đổi được 13 hiện vật gốc; tổ chức Hội thi tay nghề gốm và dệt lần thứ V/2015; Liên hoan tiếng hát dân ca Chăm và trình diễn trang phục truyền thống lần III/2015; trình diễn tay nghề gốm, dệt và biểu diễn chương trình văn nghệ dân gian, trò chơi dân gian có thưởng.

       Thư viện tỉnh đã cấp mới 1.951 thẻ bạn đọc (thiếu nhi 750 thẻ), phục vụ 2,1 triệu lượt bạn đọc (bạn đọc thiếu nhi 18.116 lượt), luân chuyển 2,4 triệu lượt tài liệu (thiếu nhi 169.690 lượt); trưng bày, giới thiệu sách, tài liệu tuyên truyền các ngày lễ, tết, kỷ niệm, với 3.800 bản sách và 1.852 tài liệu; Phát hành 80 tập thông tin chuyên đề "Mừng Đảng, mừng Xuân Ất Mùi 2015". Bổ sung 5.490 bản sách mới. Luân chuyển 10.852 bản sách phục vụ địa bàn cơ sở. Thư viện huyện, thị xã, thành phố có nhiều cố gắng phục vụ nhân dân như: Tổ chức Hội báo Xuân, tổ chức các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân, trưng bày, giới thiệu sách chuyên đề phục vụ các ngày kỷ niệm, lễ, tết... Cấp mới 554 thẻ (thiếu nhi 250 thẻ), bổ sung 1.520 bản sách mới, luân chuyển 222.685 lượt sách báo, phục vụ 81.385 lượt bạn đọc.     

       Công tác gia đình: Đã tổ chức tốt các hoạt động nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3/2015; "Ngày Hội gia đình các tỉnh Đông Nam Bộ lần thứ VI năm 2015" tại tỉnh Bình Thuận và ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2015. Năm 2015, toàn tỉnh có 80/127 xã, phường, thị trấn có Ban Chỉ đạo mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; có 90/705 thôn, khu phố có Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; có 240 “Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình” ở cơ sở; 398 “Địa chỉ tin cậy” và 257 “Đường dây nóng” trong mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tại cộng đồng.

       Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

       + Tiêu chí 6: Cơ sở vật chất văn hóa

       Toàn tỉnh đã xây dựng 48/96 nhà văn hóa xã xây dựng nông thôn mới. Trong số 17 xã điểm xây dựng nông thôn mới, đã hoàn thành xây dựng nhà văn hóa xã, gồm: Bắc Ruộng, Hải Ninh, Hồng Thái, số còn lại đang trong quá trình triển khai đầu tư.

       + Tiêu chí 16: Văn hóa

       Toàn tỉnh có 445/446 thôn triển khai phát động xây dựng Thôn văn hóa, đạt 99,77% so với tổng số thôn toàn tỉnh (còn thôn 10 - Đa Kai, Đức Linh chưa tổ chứ phát động). Có 304/446 thôn đạt thôn văn hóa, đạt 68,1% so với tổng số thôn. Trong 9 tháng năm 2015, có 06 xã (Phong Nẫm - Phan Thiết, Huy Khiêm - Tánh Linh, Tân Hà - Hàm Tân, Phan Rí Thành, Hải Ninh, Hồng Thái - Bắc Bình) phát động xây dựng Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, nâng tổng số phát động xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới là 29/96 xã (đạt 30,2%); có 01 xã (Hàm Trí - Hàm Thuận Bắc) được công nhận đạt danh hiệu Xã đạt chuẩn Văn hóa nông thôn mới, nâng tổng số Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới tới nay là 5 xã (Hàm Trí - Hàm Thuận Bắc; Nghị Đức - Tánh Linh; Sùng Nhơn, Mê Pu và Đức Hạnh - Đức Linh).

       Hoạt động Thể dục thể thao: Đã tổ chức 13 giải tỉnh, 4 giải khu vực, 22 giải thể thao quần chúng phục vụ các ngày lễ, tết, ngày kỷ niệm như: Giải Leo núi Tà Cú huyện Hàm Thuận Nam - Bình Thuận mở rộng lần thứ XIX năm 2015; Đua thuyền truyền thống trên sông Cà Ty; Vượt đồi cát Mũi Né; thể thao 3 môn phối hợp “Bơi, Chạy, Trượt đồi cát” và chạy xe mô tô địa hình trên cát huyện Bắc Bình lần thứ II/2015; vô địch Bóng chuyền tỉnh Bình Thuận năm 2015; Việt Dã Thanh niên tỉnh Bình Thuận năm 2015; “Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2015”; vô địch Bóng bàn truyền thống - Báo Bình Thuận mở rộng lần thứ IX năm 2015; vô địch Vovinam tỉnh Bình Thuận năm 2015, giải trẻ và vô địch Taekwondo tỉnh Bình Thuận năm 2015 và Hội thao các sở, ban, ngành... Đăng cai tổ chức 04 giải quốc gia: Billiards và Snooker vô địch quốc gia năm 2015 (Vòng chung kết) tại Bình Thuận; Bóng rổ vô địch trẻ toàn quốc năm 2015; Bóng đá hạng Nhì quốc gia năm 2015; Bóng đá mini phong trào toàn quốc - Cúp Bia Sài Gòn.   

       Các Câu lạc bộ, Hội, Liên đoàn thể thao được củng cố và phát triển (hướng dẫn Câu lạc bộ Mô tô tỉnh tiến hành tổ chức Đại hội), phối hợp với các ngành tổ chức các hoạt động, các giải thể thao thu hút hàng ngàn hội viên và vận động viên tham gia; đăng cai tổ chức các giải thể thao do Liên đoàn Quốc gia ủy nhiệm và xây dựng lực lượng tham gia các giải thể thao quốc gia, khu vực. Đến nay, tỷ lệ người tập thể dục thể thao thường xuyên đạt 28%, số hộ gia đình thể thao đạt 18,2%.           

       Hoạt động thể thao thành tích cao: Đã cử các đội thể thao tỉnh tham gia 36 giải thể thao cấp khu vực, quốc gia và quốc tế, giành được 151 huy chương (đạt 159% KH), trong đó 45 HCV (đạt 173% KH), 47 HCB (đạt 157% KH), 59 HCĐ (đạt 151% KH). Đến nay có 55 VĐV đạt đẳng cấp kiện tướng, 22 vận động viên đạt đẳng cấp dự bị kiện tướng (đạt 188% KH) và 77 vận động viên Cấp I (đạt 118% KH). Nổi bật là tham gia và đạt thành tích cao tại giải Vô địch và Trẻ Taekwondo Đông Nam Á lần thứ 12 năm 2015; Giải Vô địch Taekwondo trẻ Châu Á 2015.

       2. Giáo dục

       Đã kiểm tra đôn đốc các cơ sở giáo dục và đào tạo tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, kết hợp đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học; đề ra các biện pháp cụ thể để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; quan tâm đúng mức đến việc giáo dục đạo đức, nhân cách và kỹ năng sống cho học sinh. Chất lượng giáo dục năm học 2014 - 2015 đều chuyển biến tiến bộ so với năm học 2013-2014, cụ thể:

       - Tiểu học: (Đánh giá theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/8/2014)

       * Hạnh kiểm:

       + Tỉ lệ học sinh được đánh giá “Đạt”: 99,73% (110.852/111.156);

       + Tỉ lệ học sinh được đánh giá “Chưa đạt”: 0,09% (99/111.156).

       * Hoạt động học tập:

       + Tỉ lệ học sinh được đánh giá “Hoàn thành” ở môn tiếng Việt là: 98,10% (109.007/111.156); chưa “Hoàn thành”: 1.75% (1.944/111.156);

       + Tỉ lệ học sinh được đánh giá “Hoàn thành” ở môn Toán là: 98,51% (109.531/111.156); chưa “Hoàn thành”: 1,28% (1.420/111.156).

       - Trung học cơ sở:

       + Tỉ lệ học sinh xếp loại học lực loại Giỏi: 20,47%  (15.229/74.396), tăng 0,96% so với năm học 2013-2014.

       + Tỉ lệ học sinh xếp loại học lực loại Khá: 32,85% (24.437/74.396), tăng 0,74% so với năm học 2013-2014;

       + Tỉ lệ học sinh xếp loại học lực loại Yếu: 7,94% (5.908/74.396), giảm 1,23% so với năm học 2013-2014.

       - Trung học phổ thông:

       + Tỉ lệ học sinh xếp loại học lực loại Giỏi: 8.55% (2.921/34.160), tăng 1,85% so với năm học 2013-2014;

       + Tỉ lệ học sinh xếp loại học lực loại Khá: 36,35% (12.418/34.160), tăng 2,76% so với năm học 2013-2014;

       + Tỉ lệ học sinh xếp loại học lực loại Yếu: 10,91%, giảm 1,90% so với năm học 2013-2014.

       Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2015 diễn ra an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế (đối với tất cả các thí sinh đăng ký dự thi tại cụm địa phương và thành phố Hồ Chí Minh). Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông toàn tỉnh đạt 86,26% (kể cả thí sinh tự do và thí sinh của trung tâm giáo dục thường xuyên); đạt 86,73% (đối với học sinh THPT).

       * Số trẻ trong độ tuổi huy động vào các lớp đầu năm học 2015 - 2016 như sau:

       - Tỷ lệ huy động cháu trong độ tuổi ra lớp nhà trẻ là: 11%, đạt chỉ tiêu kế hoạch, tăng 0,43% so với năm học trước.

       - Tỷ lệ huy động cháu trong độ tuổi ra lớp mẫu giáo là 86,58%, vượt 3,58% chỉ tiêu kế hoạch, tăng 3,75% so với năm học trước.

       - Tỷ lệ huy động cháu 05 tuổi ra lớp mẫu giáo là 99,42%, vượt 4,42% chỉ tiêu kế hoạch, tăng 0,12% so với năm học trước.

       - Tỷ lệ huy động học sinh đúng độ tuổi ra các lớp tiểu học là 99,98% ,vượt 0,08% chỉ tiêu kế hoạch, so với năm học trước không tăng, giảm.

       - Tỷ lệ huy động cháu 6 tuổi vào lớp 1 là 99,98%, vượt 0,08% chỉ tiêu kế hoạch, so với năm học trước không tăng, giảm.

       - Tỷ lệ huy động học sinh vào lớp 6 là 96,6%, vượt 1,60% chỉ tiêu kế hoạch, không tăng, giảm so với năm học trước.

       - Tỷ lệ huy động học sinh vào lớp 10 là 74,50% đảm bảo dưới 80% theo tinh thần Chỉ thị phân luồng học sinh sau THCS của UBND tỉnh.

       Kết quả các kỳ thi học sinh giỏi cấp khu vực và quốc gia:

       - Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, tỉnh Bình Thuận có 10 học sinh đạt giải, trong đó: Giải ba: 02 học sinh; và giải khuyến khích 08 học sinh.

       - Kỳ thi Olympic các trường Chuyên phía Nam tại thành phố Hồ Chí Minh có 35 học sinh đạt Huy chương, cụ thể: 09 học sinh huy chương Vàng; 15 học sinh huy chương Bạc; 11 học sinh huy chương Đồng.

       * Về xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia

       Đến 12/10/2015, đã công nhận 29 trường học đạt chuẩn quốc gia (trong đó: Mầm non: 02 trường; Tiểu học: 07 trường; THCS: 17 trường; THPT: 03 trường). Nâng tổng số trường học đạt chuẩn quốc gia trong toàn tỉnh là 139 trường (đạt tỷ lệ 23,48%).

       Dự ước đến cuối năm 2015, sẽ kiểm tra công nhận được 41 trường học đạt chuẩn quốc gia, vượt 03 trường so với chỉ tiêu tỉnh giao. Nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia vào cuối năm là 151 trường; đạt 25,50% (vượt 0,5% so với chỉ tiêu kế hoạch); trong đó:

       + Giáo dục Mầm non đạt:  04/04 trường, hoàn thành 100% chỉ tiêu.

       +Giáo dục Tiểu học đạt:            17/17 trường, hoàn thành 100% chỉ tiêu.

       +Trung học cơ sở đạt:   17/15 trường, vượt 02 trường so với chỉ tiêu

       +Trung học phổ thông đạt:  03/02 trường, vượt 01 trường so với chi tiêu

       Về khắc phục tình trạng học sinh bỏ học: Sau một năm thực hiện Cuộc vận động “Mỗi nhà giáo và cán bộ giáo dục giúp đỡ một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”, bước đầu đã có hiệu quả. Số học sinh THCS và THPT bỏ học trong năm học 2014-2015 giảm so với năm học 2013-2014, cụ thể:

       Tổng số học sinh bỏ học trong năm học 2014-2015 là: 2.247 học sinh, tỉ lệ 1,00% (so với năm học trước, giảm 583 học sinh), trong đó:

       + Cấp Tiểu học: Số học sinh bỏ học trong năm học 2014-2015 là: 32 học sinh, tỉ lệ 0,03% (giảm 02 học sinh, so với năm học trước);

       + Cấp Trung học cơ sở: Số học sinh bỏ trong năm học 2014-2015 là: 1.337 học sinh, tỉ lệ 1,75%% (giảm 281 học sinhso với năm học trước);

       + Cấp Trung học phổ thông: Số học sinh bỏ học trong năm học 2014-2015 là 878 học sinh, tỉ lệ 2,46% (giảm 300 học sinh so với năm học trước).

       3. Y tế :

       Toàn tỉnh hiện có 100 Trạm Y tế xã, phường có bác sỹ công tác (đạt tỷ lệ 85%); bình quân hiện có 6,2 bác sỹ/vạn dân. Năm 2015 có thêm 19 xã, phường đạt Chuẩn quốc gia về y tế, nâng tổng số xã đạt Chuẩn quốc gia về y tế lên 94 (đạt tỷ lệ 74%)

       Các bệnh dịch truyền nhiễm được giám sát chặt chẽ, nhất là dịch bệnh cúm A N5N1, H7N9, dịch sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng. Ước cả năm 2015, số cas mắc sốt xuất huyết có 1.635 cas (giảm 6,2% so với kế hoạch năm; bệnh tay- chân- miệng có 385 cas; số mắc sốt rét 559 cas (giảm 3,39% so cùng kỳ năm trước). Nhìn chung các huyện đều giảm bệnh nhân sốt rét so năm trước; sốt rét ác tính giảm 50% so cùng kỳ trước, không có tử vong do sốt rét.

       Các đơn vị y tế dự phòng tỉnh, huyện đã chủ động tích cực triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, không có dịch lớn xảy ra, không có tử vong do bệnh dịch; các ổ dịch nhỏ lẻ, tản phát đã được giám sát, khống chế và dập dịch ngay từ đầu, không để dịch bùng phát, lây lan ra diện rộng.

       Hầu hết các trẻ trong độ tuổi tiêm chủng đều được tiêm chủng đầy đủ. Đã đảm bảo duy trì số trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 bệnh truyền nhiễm đạt trên 90%. Triển khai tốt các chiến dịch tiêm chủng định kỳ theo đúng quy định. Tình hình mắc 8 bệnh (trong diện uống, tiêm phòng) giảm rõ và không có trường hợp tử vong. Tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin ước cả năm đạt 22.268 trẻ,  tăng 8,37% so với năm trước.

       Số bệnh nhân lao đều được thu dung điều trị có kiểm soát trong đó số bệnh nhân mới hàng năm được thu dung điều trị đạt yêu cầu, góp phần kiểm soát được nguồn lây, hạn chế được lây lan trong cộng đồng. Tổng số bệnh nhận lao các thể thu dung điều trị: 1.417, đạt 78,72% so với KH; số bệnh nhân lao AFB (+) mới được điều trị: 632 đạt 63,2% KH; tỷ lệ điều trị khỏi: 90%. Nhìn chung, mạng lưới quản lý chương trình phòng, chống lao duy trì hoạt động tốt, công tác kiểm tra giám sát tuyến cơ sở được thực hiện thường xuyên, nề nếp, đáp ứng được mục tiêu, kế hoạch đề ra.

       Chương trình phòng, chống phong triển khai có hiệu quả, tỷ lệ bệnh nhân phong mới được phát hiện hàng năm đạt yêu cầu. 100% bệnh nhân phong tàn phế đều được chăm sóc; tỷ lệ bệnh nhân phong tàn tật độ 2 giảm, tỷ lệ lưu hành bệnh phong đạt mục tiêu đề ra (0,15%oo).

       Chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em triển khai thực hiện có hiệu quả. Hàng năm, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em luôn được kéo giảm. Các hoạt động cân trẻ, thực hành dinh dưỡng, tập huấn mạng lưới cộng tác viên kỹ năng phòng, chống suy dinh dưỡng được duy trì và triển khai có kết quả. Tỷ lệ SDD trẻ  dưới 5 tuổi còn 8,8%.

       Mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS ngày càng được củng cố, được phủ khắp 127/127 xã, phường, thị trấn. Thường xuyên tổ chức tập huấn, họp phát động Tháng hành động Chiến dịch dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con theo chỉ đạo hướng dẫn của Trung ương. Đã triển khai công tác giám sát tân binh tại các tại các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh. Hầu hết số người nhiễm HIV được quản lý tư vấn chăm sóc, tăng cường tiếp thị thuốc đặc hiệu kháng virus cho bệnh nhân AIDS. Tính đến cuối tháng 11/ 2015, số nhiễm HIV mới phát hiện: 200, trong đó 83 trường hợp có địa chỉ tại Bình Thuận. Số chuyển AIDS mới: 58. Số nhiễm HIV hiện còn sống: 4.810, trong đó số bệnh nhân có địa chỉ tại Bình Thuận nhiễm HIV hiện còn sống : 1.056.

       Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản và công tác dân số và KHHGĐ tiếp tục triển khai có kết quả. Tỷ lệ các sản phụ khám thai và đẻ tại các cơ sở y tế ngày càng tăng. Tỷ số tử vong mẹ: dưới 10/100.000 trẻ đẻ sống (đạt kế hoạch giao năm 2015 dưới 20/100.000 trẻ đẻ sống). Tỷ lệ phụ nữ đẻ được quản lý thai: 97,5% (đạt so với kế hoạch giao 97,4%). Tỷ lệ phụ nữ đẻ được cán bộ y tế chăm sóc đạt 99,6% (đạt so với kế hoạch giao 99,6%). Tỷ lệ mắc tai biến sản khoa đạt 0,2% (so với kế hoạch giao dưới 0,3%).

       Công tác khám, chữa bệnh đáp ứng nhiệm vụ được giao. Số lượt khám, chữa bệnh ước năm 2015 đạt 2.868.220 (tăng 3% so với năm trước). Số bệnh nhân nội trú 169.480 (tăng 5 % so với năm trước). Các cơ sở khám, chữa bệnh công lập triển khai thực hiện tốt Luật Bảo hiểm y tế, không để xảy ra sai sót chuyên môn gây hậu quả nghiêm trọng; không có công chức, viên chức vi phạm Y đức.

       Trong năm thực hiện cấp 603 chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và 91 giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

       4. Lao động  Xã hội, Chính sách :

       Ước năm 2015 giải quyết việc làm cho 24.350 lao động (đạt 100% kế hoạch), trong đó cho vay vốn giải quyết việc làm 1.952 lao động, đưa đi làm việc ở nước ngoài 51 lao động, cung ứng lao động cho các doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương 4.000 lao động, các chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội 18.398 lao động. Tiếp nhận đăng ký 5.472 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, quyết định trợ cấp thất nghiệp cho 5.338 lao động. Tổ chức tuyển mới và đào tạo nghề cho 10.601 người, trong đó dạy nghề cho lao động nông thôn 7.199 (đạt 100% kế hoạch năm). Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo bằng các hình thức đạt 55%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề chiếm 21%. Triển khai 03 mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm tại xã Vĩnh Hảo, xã Sông Phan, xã Hàm Đức.

       Đã thẩm tra hồ sơ và quyết định công nhận, trợ cấp cho 1.000 người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945, người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, người có công giúp đỡ cách mạng, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, thương binh, bệnh, người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, Mẹ VNAH. Thực hiện chi trả trợ cấp tiền thờ cúng liệt sỹ cho gần 800 thân nhân liệt sỹ. Quyết định truy lĩnh trợ cấp người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày đã được công nhận trước ngày 01/01/1995 cho gần 600 trường hợp.

       Vận động đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa trong năm được 7.021 triệu đồng (đạt 117% KH). Hoàn chỉnh thủ tục đề nghị phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH cho 606 trường hợp (49 phong tặng, 557 truy tặng). Thực hiện xây mới 233 nhà, sửa chữa 622 nhà ở người có công với cách mạng. Dự kiến trước Tết Nguyên đán Bính Thân hoàn thành việc hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở người có công theo Quyết định số 2305/QĐ-UBND ngày 26/9/2013 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn tỉnh Bình Thuận với tổng số 1.214 nhà (314 xây mới, 900 sửa chữa). Đưa 192 đối tượng người có công đi tham quan Thủ đô Hà Nội, viếng Lăng Bác và đưa 841 đối tượng người có công đi điều dưỡng tập trung năm 2015. Hỗ trợ cải tạo, nâng cấp 19 công trình ghi công liệt sỹ của 8 huyện, thành phố với kinh phí 3 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh.  

       Đã giải quyết cho 3.147 hộ nghèo vay vốn với kinh phí 69.190 triệu đồng, dư nợ đến nay là 249.260 triệu/15.691 hộ; cho vay học sinh, sinh viên là 69.515 triệu/11.882 hộ, dư nợ 554.148 triệu/23.921 hộ; cấp 27.754 thẻ BHYT cho người nghèo và 12.187 thẻ BHYT cho người thuộc diện cận nghèo mới thoát nghèo, 24.295 thẻ cho người cận nghèo với kinh phí là 37.627 triệu đồng, hỗ trợ cho 201 lao động nghèo học nghề; miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho 22.014 học sinh, sinh viên với kinh phí là 32.645 triệu đồng; hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội với kinh phí thực hiện là 6.942 triệu đồng. Ngân sách Trung ương hỗ trợ 5.387 triệu đồng đầu tư xây dựng 15 công trình hạ tầng cơ sở cho các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; Toàn tỉnh ước đến cuối năm có 23.016 đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng và hơn 400 đối tượng được nuôi dưỡng tập trung tại các cơ sở bảo trợ xã hội trong và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh; hoàn thành việc thăm tặng quà cho 115 cụ tròn 100 tuổi.

       Toàn tỉnh có 127/127 xã, phường, thị trấn đăng ký xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em; kết quả cuối năm có 114 xã, phường đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em đạt 115,2% so với KH năm. Tổ chức Diễn đàn trẻ em cấp huyện (5 huyện, thị xã, thành phố) và đưa trẻ em tham dự Diễn đàn trẻ em Quốc gia.

       Vận động Quỹ Bảo trợ trẻ em được 4,347 tỷ đồng (đạt 217,35% KH).  Kinh phí vận động đưa trẻ phẫu thuật tim bẩm sinh, phẫu thuật khuyết tật vận động, sứt môi hở hàm ếch và hỗ trợ học bổng dài hạn cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

       Duy trì 81 xã, phường, thị trấn không có tệ nạn mại dâm, đạt 100% KH. Tiếp tục triển khai các hoạt động của mô hình thí điểm: “Phòng ngừa mại dâm tại cộng đồng kết hợp thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giảm tác hại về phòng, chống HIV trong phòng, chống mại dâm” tại 09 xã, phường, thị trấn trong tỉnh.

       Số người người nghiện ma túy được kiểm soát đến nay là 760 người (chiếm 43,87% người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý trong tỉnh); cụ thể: Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone là 708 người; cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng 18 người (14 người tự cai tại gia đình, 04 người tự đi cai nghiện ở các cơ sở cai nghiện ngoài tỉnh).

       5. Kết quả thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới

       Năm 2015 đã có thêm 18 xã được xét duyệt đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới sau 05 năm lên 26 xã (trong đó có huyện Phú Quý đạt chuẩn nông thôn mới).

       Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, bước đầu tỉnh đã huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành, mặt trận, đoàn thể, hội quần chúng và nhân dân. Công tác tuyên truyền và thực hiện phong trào thi đua “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới” luôn được chú trọng đã góp phần thay đổi nhận thức trong nhân dân, xác định đúng vai trò, trách nhiệm của mình trong thực hiện Chương trình, khắc phục sự trông chờ vào nhà nước.

       Kết quả thực hiện Bộ tiêu chí qua 05 năm đạt bình quân 14,9 tiêu chí/xã. Số xã đạt từ 19 tiêu chí: 26 xã (27,08%), tăng 26 xã; số xã đạt từ 15-18 tiêu chí: 22 xã (22,9%), số xã đạt từ 10-14 tiêu chí: 44 xã (45,82%), số xã đạt từ 5-9 tiêu chí: 4 xã (4,2%), số xã đạt dưới 5 tiêu chí: không có xã nào.

       Toàn tỉnh đã huy động được một nguồn lực khá lớn, trong đó sự tham gia của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, tổng huy động nguồn lực trong 5 năm qua là 5.906 tỷ đồng, trong đó huy động từ doanh nghiệp là 346,8 tỷ đồng, chiếm 4,18%, đóng góp của dân là 588,7 tỷ đồng, chiếm 9,97%. Cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất đời sống của nhân dân tiếp tục được đầu tư, đường giao thông nông thôn phát triển rộng khắp, có khoảng 1.350 km thực hiện được; phong trào làm thủy lợi nhỏ, kiên cố hóa kênh mương nội đồng đang phát huy hiệu quả; mô hình cánh đồng lúa lớn, mô hình trồng bắp trên đất lúa 2, 3 vụ; mô hình sản xuất thanh long VietGAP… theo hướng liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp thực sự có hiệu quả, cải tạo rõ rệt thu nhập của nông dân.

Đánh giá chung:     

Với kết quả thực hiện năm 2015 cho thấy tình hình kinh tế xã hội tỉnh Bình Thuận có những thuận lợi và khó khăn như sau:

Những thuận lợi:

- Khai thác hải sản ổn định; chăn nuôi gia súc (đàn lợn) tiếp tục được phục hồi.

- Sản xuất công nghiệp phát triển khá. Thị trường xuất khẩu hàng may mặc, thuỷ sản giữ ổn định; sản lượng điện phát ra tăng khá cao; sản xuất chế biến các mặt hàng lương thực, thực phẩm giữ ổn định do thị trường tiêu thụ được giữ vững

- Hoạt động thương mại dịch vụ tiếp tục phát triển. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội cả năm tăng 11,76% so với năm trước (nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tăng 10%).

- Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản giữ ổn định so với năm trước. Xuất khẩu hàng may mặc tăng khá (vượt 44,1% so với KH, tăng 50,1% so với năm trước)

- Hoạt động du lịch tăng trưởng không cao như những năm trước, song lượt khách đến giữ ổn định và lưu trú dài ngày hơn; trong đó số lượt khách quốc tế đến lưu trú tăng 3,37%; ngày khách tăng 7,46%; doanh thu du lịch tăng 18,5% so với năm trước.

- Giá hàng hóa, dịch vụ biến động tăng ở mức thấp, sau 1 năm giá tiêu dùng chỉ tăng 1,52%. Đây là mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua.

- Vận tải hàng hoá ổn định. Công tác tuần tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông, bảo vệ công trình giao thông, hành lang an toàn đường bộ luôn được duy trì thường xuyên.

- Thu ngân sách có nhiều cố gắng. Năm nay có một số chính sách thuế thay đổi, Nhà nước đang đẩy nhanh lộ trình thực hiện cải cách thuế, giảm mức điều tiết thu đối với một số đối tượng chịu thuế, sắc thuế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thu hút đầu tư; giá nhiều mặt hàng nông sản bị giảm nhưng Ngành Thuế đã có nhiều cố gắng khai thác các nguồn thu mới, kết quả thu nội địa cả năm ước đạt 110,94% dự toán (tăng 4,17% so với năm trước); trong đó thu thuế, phí đạt 113,25% DT (tăng 3,85% so với năm trước)

- Hoạt động tín dụng ổn định và tiếp tục phát triển theo hướng tập trung phục vụ phát triển sản xuất – kinh doanh. Vốn huy động tăng 10,34% so với đầu năm; dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng 17,5%. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục thực hiện các giải pháp để ngăn chặn và xử lý nợ xấu. Chính sách tín dụng đối với thủy sản theo Nghị định 67; Chương trình cho vay đóng hỗ trợ nhà ở xã hội được triển khai tích cực.

- Các vấn đề xã hội tiếp tục có nhiều mặt chuyển biến. Từ đầu năm đến nay chưa xảy ra các dịch bệnh nguy hiểm; các bệnh xã hội được tiếp tục chú trọng, quan tâm điều trị kịp thời. Chương trình y tế quốc gia được triển khai đều ở các tuyến. Chất lượng dạy và học ở các cấp phổ thông được tiếp tục chú trọng, từng bước nâng lên; tỷ lệ bỏ học giảm; các kỳ thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT diễn ra an toàn, nghiêm túc; đã chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết cho năm học mới. Giải quyết việc làm cho người lao động có nhiều cố gắng. Công tác xoá đói giảm nghèo, chăm sóc các gia đình, những người có công với nước được tiếp tục quan tâm. Tai nạn giao thông và số người chết vì tai nan giao thông trong 11 tháng đầu năm giảm so với cìng kỳ năm trước.

Những khó khăn:

- Sản xuất nông nghiệp không được thuận lợi. Dự ước sản lượng lương thực cả năm đạt 782,5 ngàn tấn, giảm 1,7% so với năm trước. Nuôi trồng thuỷ sản tiếp tục gặp khó khăn, sản lượng nuôi trồng giảm 1,1% so với năm trước. Sản xuất tôm giống giảm 22,4% so với năm trước

- Tiến độ triển khai đầu tư xây dựng các khu công nghiệp chậm; thu hút đầu tư ít

- Xuất khẩu hàng nông sản gặp nhiều khó khăn; dự ước cả năm đạt 42,23% KH năm, bằng 31,63% so với năm trước do lượng hàng và đơn giá xuất khẩu quả thanh long, cao su giảm sút; mặt hàng nhân hạt điều không xuất được.

- Mạng lưới hoạt động các tổ chức tín dụng phân bổ chưa đều; doanh nghiệp và người dân trên các địa bàn nông thôn còn gặp khó khăn trong việc lựa chọn dịch vụ ngân hàng, trong quan hệ tín dụng;

        So với Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2015 cho thấy hầu hết các chỉ tiêu KTXH đều đạt và vượt mục tiêu đề ra, cụ thể như sau:

 

STT

Tên chỉ tiêu

Mục tiêu

Ước thực hiện

Ghi chú

1

Sản lượng lương thực (ngàn tấn)

750

782,5

Vượt mục tiêu

2

Sản lượng hải sản (ngàn tấn)

189

198,2

Vượt mục tiêu

3

Kim ngạch xuất khẩu  (triệu USD)

425

484,7

Vượt mục tiêu

 

Trong đó : Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa

291,7

331,9

Vượt mục tiêu

4

Thu ngân sách (tỷ đồng)

8.080

7.469

Không đạt MT

 

Trong đó:  Thu nội địa

3.930

4.360

Vượt mục tiêu

5

Chi đầu tư phát triển (tỷ đồng)

895

750

Vượt mục tiêu

6

Tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 (%)

99,90

99,98

Vượt mục tiêu

7

Giải quyết việc làm  (1000 người)

24,35

24,35

Đạt mục tiêu

8

Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng  (%)

9,0

8,8

Vượt mục tiêu

9

Tỷ lệ giảm sinh (%)

0,03

0,03

Đạt mục tiêu

10

Giảm tỷ lệ hộ nghèo (%)

1,5

1,5

Đạt mục tiêu

11

Tỷ lệ DS N.thôn SD nước hợp vệ sinh(%)

94,5

94,5

Đạt mục tiêu

12

Tỷ lệ dân số đô thị sử dụng nước sạch (%)

98,2

98,2

Đạt mục tiêu

13

Tỷ lệ chất thải rắn ở ĐT được thu gom xử lý (%)

90,2

90,2

Đạt mục tiêu

14

Tỷ lệ chất thải rắn y tế được xử lý (%)

20,2

20,2

Đạt mục tiêu

15

Tỷ lệ KCN đang hoạt động có hệ thống

nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường (%)

100

100

Đạt mục tiêu

16

Tỷ lệ độ che phủ (%)

53

53

Đạt mục tiêu

 

 

 




TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/