TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI
Thông cáo báo chí tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2022 tỉnh Bình Thuận

Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 của tỉnh có dấu hiệu phục hồi và đạt được nhiều kết quả tích cực, nhiều chỉ tiêu tăng trưởng khá; tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp tốt hơn, cho thấy tín hiệu phục hồi tích cực sau đại dịch. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức cũng không ít, đặc biệt còn nhiều yếu tố rủi ro khó lường từ diễn biến dịch bệnh Covid-19, lạm phát, tình hình căng thẳng ở Ukraine, Trung Quốc hạn chế các cửa khẩu trong việc xuất khẩu… Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và tầng lớp nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả

Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 của tỉnh có dấu hiệu phục hồi và đạt được nhiều kết quả tích cực, nhiều chỉ tiêu tăng trưởng khá; tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp tốt hơn, cho thấy tín hiệu phục hồi tích cực sau đại dịch. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức cũng không ít, đặc biệt còn nhiều yếu tố rủi ro khó lường từ diễn biến dịch bệnh Covid-19, lạm phát, tình hình căng thẳng ở Ukraine, Trung Quốc hạn chế các cửa khẩu trong việc xuất khẩu… Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và tầng lớp nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả cụ thể như sau:

I. Tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2022 ước tính tăng 6,44% so với cùng kỳ năm 2021. Trong mức tăng chung, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,49%, đóng góp 0,89 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,65%, đóng góp 2,14 điểm phần trăm (công nghiệp tăng 5,86%, xây dựng tăng 11,75%); khu vực dịch vụ tăng 9,76%, đóng góp 3,39 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 0,36%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm.

 II. Nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi; tình hình chăn nuôi duy trì ổn định, đàn lợn và đàn gia cầm chuyển dịch theo hướng giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, kiểm soát dịch bệnh và bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Sản lượng khai thác thủy sản giảm do giá xăng, dầu tăng cao ảnh hưởng đến việc ra khơi khai thác của ngư dân.

1. Trồng trọt

* Cây hàng năm

- Vụ đông xuân: Kết thúc vụ đông xuân với tổng diện tích gieo trồng đạt 51.027,6 ha, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2021. Cây lương thực diện tích đạt 42.464,9 ha, tăng 6,6% so với cùng kỳ 2021; sản lượng lương thực đạt 290.991 tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2021 (trong đó cây lúa diện tích đạt 39.456,5 ha, tăng 8%, năng suất đạt 67,2 tạ/ha, sản lượng đạt 265.228,9 tấn, tăng 8,2%; cây bắp diện tích đạt 3.008,4 ha, giảm 8,7%, năng suất ước đạt 85,6 tạ/ha, tăng 0,2%, sản lượng đạt 25.762 tấn, giảm 8,5%).

Đã chuyển đổi 3.794 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây ngắn ngày khác. Toàn tỉnh đã thực hiện 609 ha giống lúa xác nhận, đồng thời xây dựng cánh đồng lớn gắn liên kết doanh nghiệp đầu tư - tiêu thụ lúa thương phẩm 1.790 ha và tiếp tục duy trì 3.000 ha lúa chất lượng cao tại huyện Tánh Linh.

- Tiến độ sản xuất vụ hè thu: Ước tính đến ngày 15/6/2022 toàn tỉnh xuống giống vụ hè thu đạt 54.108 ha, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó diện tích lúa xuống giống đạt 35.875,8 ha, tăng 5,8%; cây bắp đạt 5.997 ha, tăng 6,8%.

* Cây lâu năm: Sáu tháng đầu năm 2022 chủ yếu tập trung chăm sóc diện tích các loại cây lâu năm hiện có. Thị trường xuất khẩu hàng nông sản gặp nhiều khó khăn; giá phân bón đầu vào phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tăng cao, giá đầu ra của một số sản phẩm cây lâu năm giảm; cùng với lượng mưa ít nên việc phát triển diện tích trồng mới cây lâu năm chậm. Diện tích trồng cây lâu năm 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 109.300,3 ha, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2021. Diện tích, sản lượng một số cây trồng chính như sau:

- Thanh long: Diện tích ước đạt 30.788,2 ha, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2021; sản lượng thu hoạch 6 tháng đầu năm ước đạt 324.000 tấn, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2021. Đến thời điểm 15/6/2022, toàn tỉnh có 11.029,1 ha được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap (trong đó Hàm Thuận Nam 6.654,6 ha, Hàm Thuận Bắc 3.423,4 ha, Bắc Bình 550,4 ha, Phan Thiết 43,2 ha, Hàm Tân 97,2 ha, La Gi 177,1 ha, Tuy Phong 83,4 ha).

- Cây điều: Diện tích ước đạt 18.386 ha, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2021. Sản lượng thu hoạch 6 tháng đầu năm ước đạt 14.300 tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2021.

- Cây tiêu: Diện tích ước đạt 1.123,5 ha, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2021. Sản lượng thu hoạch 6 tháng đầu năm ước đạt 1.450 tấn, giảm 4,9% so với cùng kỳ 2021.

- Cao su: Diện tích ước đạt 44.081,5 ha, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2021. Sản lượng ước đạt 6 tháng đầu năm ước đạt 14.500 tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2021; sản phẩm thu hoạch chủ yếu tiêu thụ trong nước; dự tính trong thời gian đến diện tích trồng mới trên địa bàn tỉnh sẽ tăng nhẹ.

- Các loại cây lâu năm còn lại đang được chăm sóc và phát triển bình thường, diện tích biến động không đáng kể.

2. Chăn nuôi (tại thời điểm 15/6/2022)

Tình hình chăn nuôi 6 tháng đầu năm 2022 tiếp tục được duy trì ổn định; đàn trâu giảm nhẹ, đàn bò phát triển và có khuynh hướng tăng; chăn nuôi lợn phát triển khá, giá thịt hơi vẫn đang ở mức cao nên nhiều doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi mở rộng tái đàn; chăn nuôi gia cầm phát triển thuận lợi, tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm cơ bản được kiểm soát tốt, nhiều trang trại nuôi gà công nghệ cao được thành lập mới.

- Chăn nuôi trâu, bò: Ước đàn trâu có 8.500 con, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2021, mặc dù giá thịt trâu hơi cao, thị trường tiêu thụ khá tốt, tuy nhiên do khả năng tăng đàn chậm. Chăn nuôi bò phát triển khá, tạo thu nhập ổn định cho người dân, toàn tỉnh có 174.000 con, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2021.

- Chăn nuôi lợn: Toàn tỉnh có 323.900 con (không tính lợn con chưa tách mẹ), tăng 7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó số lượng đàn lợn của doanh nghiệp là 148.395 con, chiếm 46% trong tổng đàn; còn lại 175.505 con là của nông hộ, trang trại, chiếm 54% trong tổng đàn (cùng kỳ năm 2021 số lượng đàn lợn của doanh nghiệp 118.125 con, chiếm 39%; còn lại 184.706 con là của nông hộ, trang trại, chiếm 61% trong tổng đàn).

- Chăn nuôi gia cầm: Trong những tháng đầu năm 2022 chăn nuôi gia cầm phát triển khá tốt, dịch bệnh được kiểm soát, giá cả và tình hình tiêu thụ ổn định nhiều cơ sở chăn nuôi mạnh dạn mở rộng quy mô đàn. Toàn tỉnh có 4.897,1 ngàn con, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó đàn gà có 3.742 ngàn con, tăng 22,7%; đàn vịt 980 ngàn con, giảm 3,9%; đàn ngan 39 ngàn con, giảm 11,4%; đàn ngỗng 2,1 ngàn con, giảm 8,7%; đàn chim cút 125 ngàn con, tăng 0,8%; đàn bồ câu 9 ngàn, bằng so với cùng kỳ năm 2021.

- Đàn gia súc khác (dê, cừu,...): Ước có 38.250 con dê, cừu; tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, đàn dê 35.200 con, tăng 1,1%; đàn dê tăng nhẹ do thị trường tiêu thụ đầu ra ổn định, giá cao đã khuyến khích người chăn nuôi phát triển.

3. Lâm nghiệp

- Công tác trồng rừng: Sáu tháng đầu năm 2022 diện tích rừng trồng mới sản xuất đạt 520 ha. Các đơn vị chủ rừng và các doanh nghiệp gieo tạo được 3,28 triệu cây keo lai, bạch đàn, phi lao, giáng hương. Chăm sóc rừng trồng trên diện tích 4.457 ha. Thực hiện giao khoán bảo vệ rừng chuyển tiếp đạt 133.235,8 ha.

- Công tác quản lý, bảo vệ rừng: Trong 6 tháng đầu năm (tính đến ngày 10/6/2022) đã phát hiện 127 vụ vi phạm; trong đó phá rừng trái pháp luật 20 vụ, diện tích 5,8 ha; khai thác gỗ và lâm sản khác 36 vụ; mua bán vận chuyển lâm sản trái pháp luật 33 vụ; vi phạm khác 38 vụ. Đã và đang xử lý vi phạm hành chính 84 vụ; lâm sản tịch thu gồm 61,6 m3 gỗ các loại.

4. Thuỷ sản

- Nuôi trồng thủy sản: Sáu tháng đầu năm 2022 diện tích nuôi trồng ước đạt 1.411,8 ha, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2021 (trong đó diện tích nuôi cá đạt 1.037 ha, tăng 3%; diện tích nuôi tôm đạt 367,4 ha, tăng 4,3%). Sản lượng nuôi trồng 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 5.714,3 tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2021 (trong đó cá các loại ước đạt 1.816 tấn, tăng 2,5%; tôm nuôi nước lợ ước đạt 3.875,8 tấn, tăng 1,8%).

- Sản lượng khai thác: Sản lượng thủy sản khai thác 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 106.463,5 tấn, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2021 (trong đó khai thác biển ước đạt 106.200,3 tấn, giảm 0,1%); giảm chủ yếu ở các nhóm thủy sản như cá thu giảm 15,6%, tôm giảm 33,1%, thủy sản khác giảm 11,5%. Nguyên nhân do giá nhiên liệu xăng dầu tăng cao nên số lượng tàu thuyền tham gia khai thác thủy sản trên biển giảm.

- Sản xuất giống thuỷ sản: Sáu tháng đầu năm 2022 sản lượng tôm giống sản xuất đạt 12,2 tỷ con, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2021.

- Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Tiếp tục triển khai thực hiện công tác đăng kiểm, trang bị an toàn cho tàu cá khi hoạt động trên biển. Các đơn vị chức năng tổ chức các lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ thuyền viên tàu cá (thuyền trưởng, máy trưởng, thợ máy) cho ngư dân theo quy định. Ước kết quả thực hiện đăng kiểm tính đến ngày 10/6/2022 đạt 1.295/3.862 chiếc, đạt tỉ lệ 33,52%, tương đương so cùng kỳ năm 2021.

III. Công nghiệp; đăng ký kinh doanh; đăng ký đầu tư

1. Công nghiệp

Tình hình hoạt động công nghiệp trong 6 tháng năm 2022 có sự tăng trưởng ổn định, đặt biệt là sự chuyển dịch tăng trưởng từ ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí sang ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022 chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước so với cùng kỳ tăng 2,07%. Trong đó ngành khai khoán và công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao (ngành khai khoán tăng 19,20%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,69%); ngành cung cấp nước hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,79; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 1,07%.

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 19.698 tỷ đồng, đạt 50,9% kế hoạch năm, tăng 8,42% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó: Công nghiệp khai khoáng 1.120 tỷ đồng, tăng 40,88%; công nghiệp chế biến chế tạo 9.592 tỷ đồng, tăng 15,59%; sản xuất và phân phối điện đạt 8.844 tỷ đồng, giảm 1,08%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý nước thải, rác thải đạt 142 tỷ đồng, tăng 5,11%.

Có 14/16 sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng, trong đó một số sản phẩm công nghiệp tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Thủy sản đông lạnh ước đạt 18.387 tấn, tăng 17,88% so với cùng kỳ; thức ăn cho gia súc ước đạt 216,5 ngàn tấn, tăng 18,93% so với cùng; đá, cát sỏi ước đạt 4.301 ngàn m3, tăng 92,97% so với cùng kỳ; trang phục ước đạt 16.317 ngàn cái, tăng 26,14% so với cùng kỳ;…đáng chú ý điện sản xuất ước đạt 16.371 triệu kwh, giảm 1,84% so với cùng kỳ.

* Tình hình xu hướng sản xuất kinh doanh ngành chế biến, chế tạo

Qua khảo sát các doanh nghiệp thuộc ngành chế biến chế tạo cho thấy có 33,33% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý II tốt hơn quý I năm 2022; 21,21% đánh giá khó khăn và 45,45% số doanh nghiệp cho rằng ổn định.

Dự kiến tình hình sản xuất kinh doanh quý III so với quý II năm 2022: Có 92,43% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và tốt hơn, trong đó có 57,58% doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt hơn; 34,85% doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 7,58% dự báo khó khăn hơn.

2. Đầu tư phát triển

Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý thực hiện 6 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 1.624,8 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 1.373,8 tỷ đồng, tăng 22,4%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện 223,4 tỷ đồng, giảm 4,3%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã 27,5 tỷ đồng, tăng 1,2%.

Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 16.908,2 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó vốn nhà nước trên địa bàn đạt 3.065,1 tỷ đồng, tăng 15,1% so với cùng kỳ và chiếm 18,1% trong tổng số vốn thực hiện trên địa bàn; vốn ngoài nhà nước đạt 12.351,3 tỷ đồng tăng 10,6% so với cùng kỳ và chiếm 73,1% trong tổng số vốn thực hiện trên địa bàn; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 1.491,8 tỷ đồng tăng 24,5% so với cùng kỳ và chiếm 8,8% trong tổng số vốn thực hiện trên địa bàn.

3. Đăng ký kinh doanh

Lũy kế 6 tháng (tính đến ngày 14/6/2022), có 700 doanh nghiệp thành lập mới (trong đó có 284 đơn vị trực thuộc), tăng 20,27% so với cùng kỳ năm 2021; vốn đăng ký 4.595,65 tỷ đồng, giảm 16,70%; có 180 doanh nghiệp hoạt động trở lại (trong đó có 40 đơn vị trực thuộc) tăng 20,81%; tạm ngừng hoạt động 287 doanh nghiệp (trong đó có 53 đơn vị trực thuộc), tăng 51,85%; số doanh nghiệp đăng ký thay đổi 669 doang nghiệp (trong đó có 159 đơn vị trực thuộc), tăng 5,02%; chuyển đổi loại hình 53 doanh nghiệp, tăng 32,50% so với cùng kỳ năm 2021. Số doanh nghiệp đã giải thể 166 doanh nghiệp (trong đó có 109 đơn vị trực thuộc), tăng 37,19%.

4. Đăng ký đầu tư

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022 có 10 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với diện tích 88,7 ha và nguồn vốn 543 tỷ đồng. Lũy kế từ trước đến nay có 1.601 dự án được cấp phép đầu tư, với tổng diện tích đất 50.058 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 331.836 tỷ đồng.

Sáu tháng đầu năm 2022 có 02 dự án khởi công và 06 dự án thu hồi. Công tác xúc tiến đầu tư tiếp tục được thực hiện, công tác hỗ trợ doanh nghiệp được quan tâm và chú trọng.

IV. Thương mại; du lịch; xuất nhập khẩu; giao thông vận tải; bưu chính viễn thông

1. Thương mại, giá cả

Tình hình thương mại 6 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng khá; nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao, hàng hoá dồi dào, đa dạng luôn đáp ứng kịp thời cho người dân. Sức mua người dân tăng so với tháng trước; các đơn vị kinh doanh hoạt động bình thường, mở rộng thị trường giao thương hàng hoá. Tại địa phương tiếp tục triển khai bán hàng bình ổn theo kế hoạch từ đầu năm tại các cửa hàng, hệ thống siêu thị, cửa hàng điện máy, siêu thị tiện ích; ngoài ra công tác kích cầu tiêu dùng của các đơn vị kinh doanh được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức như giảm giá, khuyến mãi các mặt hàng tiêu dùng.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 33.765,4 tỷ đồng, tăng 14,58% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó tổng mức bán lẻ hàng hoá ước đạt 23.900,2 tỷ đồng, tăng 14,06% so với cùng kỳ năm 2021.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2022 tăng 0,56% so với tháng trước, tăng 4,06% so với cùng kỳ năm trước, tăng 2,45% so với tháng 12 năm trước; CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2022 tăng 3,72% so với bình quân cùng kỳ năm trước.  

So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 9 nhóm hàng tăng giá: Giao thông tăng 3,81%; Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,40%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,64%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,44%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,21%; May mặc, mũ nón và giầy dép tăng 0,43%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,21%; Thuốc và dịch vụ y tế 0,01%; Giáo dục 0,01%. Có 1 nhóm hàng giảm giá: Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,3%. Có 1 nhóm hàng ổn định: Bưu chính viễn thông 100%

2. Hoạt động du lịch

Hoạt động du lịch tiếp tục phát triển, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách; hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đều có sự đầu tư về cơ sở vật chất, nhân lực nên chất lượng phục vụ khách được đảm bảo, tính chuyên nghiệp ngày càng cao. Trong tháng tỉnh đăng cai giải bóng bàn các CLB quốc gia thu hút nhiều vận động viên từ các tỉnh thành trên cả nước về tham dự, đây cũng là cơ hội để du lịch Bình Thuận quảng bá hình ảnh đến các tỉnh thành trong nước. Các nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống luôn đảm bảo an toàn thực phẩm, bán đúng giá niêm yết theo chỉ đạo của tỉnh, đáp ứng kịp thời nhu cầu địa phương và khách du lịch. Hoạt động lữ hành đang dần phục hồi, có sự tăng trưởng trở lại, các tour du lịch phục vụ du khách ngày càng tăng hơn.

Lượng khách du lịch 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 2.390,1 ngàn lượt khách, tăng 39,17% so với cùng kỳ năm 2021; ngày khách phục vụ ước đạt 4.150,1 ngàn ngày khách, tăng 39,91% so với cùng kỳ năm 2021.

Lượng khách quốc tế 6 tháng đầu năm 2022 lượng khách quốc tế ước đạt 24,6 ngàn lượt khách, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2021; ngày khách phục vụ ước đạt 94,9 ngàn ngày khách, tăng 26,7 % so với cùng kỳ năm 2021.

Doanh thu từ hoạt động du lịch 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 4.489,1 tỷ đồng, tăng 17,03% so với cùng kỳ năm 2021.

3. Xuất, nhập khẩu

Hoạt động xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2022 ổn định. Nhóm hàng thủy sản và hàng hóa khác tăng trưởng khá cao do nhu cầu tiêu thụ của thị trường nước ngoài tăng. Nhóm hàng nông sản giảm so với cùng kỳ năm 2021, trong đó mặt hàng cao su giảm sâu do không xuất khẩu được (chủ yếu tiêu thụ nội địa). Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 370,40 triệu USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm hàng thủy sản đạt 121,9 triệu USD, tăng 60,34%; nhóm hàng nông sản đạt 8,1 triệu USD, giảm 18,96%; nhóm hàng hóa khác đạt 240,4 triệu USD, tăng 17,96%.

Xuất khẩu trực tiếp 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 367,08 triệu USD, tăng 28,82% so với cùng kỳ năm 2021. Ủy thác xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 3,32 triệu USD, giảm 31,92% so với cùng kỳ năm 2021.

Nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 615,4 triệu USD, tăng 4,67% so với cùng kỳ năm 2021. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu để sản xuất như hàng thủy sản, nguyên liệu dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ, giấy các loại; mặt hàng thức ăn gia súc.

4. Hoạt động vận tải

Hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ và đường biển có chuyển biến tốt, hoạt động thường xuyên, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Từ đầu năm đến ngày 17/6/2022 giá xăng, dầu luôn ở mức cao đã làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của các đơn vị hoạt động vận tải.

- Vận tải hành khách: Sáu tháng đầu năm 2022 vận chuyển 9.138,45 nghìn nh khách, tăng 31,52% so với cùng kỳ năm 2021 và luân chuyển 491,36 triệu hk.km, tăng 49,78% so cùng kỳ năm 2021.

- Vận tải hàng hoá: Sáu tháng đầu năm đã vận chuyển 4.464,37 nghìn tấn hàng hoá, tăng 16,71% so với cùng kỳ năm 2021 và luân chuyển hàng hoá đạt 294,01 triệu tấn.km, tăng 45,72% so với cùng kỳ năm 2021.

- Doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 1.113,15 tỷ đồng, tăng 40,02% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó doanh thu vận tải hành khách đạt 449,12 tỷ đồng, tăng 60,35%; doanh thu vận tải hàng hóa đạt 612,57 tỷ đồng, tăng 23,30%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 49,03 tỷ đồng, tăng 2,7 lần; doanh thu bưu chính, chuyển phát đạt 2,43 tỷ đồng.

V. Thu, chi ngân sách; hoạt động tín dụng

1. Thu, chi ngân sách

Ước thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 5.904,02 tỷ đồng, đạt 69,56% dự toán năm và giảm 11,43% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó thu nội địa đạt 5.181,12 tỷ đồng, đạt 72,08% dự toán năm, giảm 10,18%. Trong tổng thu ngân sách gồm: Thu thuế, phí và thu khác 4.742,07 tỷ đồng, đạt 80,27% dự toán năm, tăng 2,86%; thu tiền nhà, đất 439,05 tỷ đồng, đạt 34,30% dự toán năm, giảm 62,09% (trong đó thu tiền sử dụng đất 341,84 tỷ đồng, đạt 31,08% dự toán năm, giảm 66,28% so với cùng kỳ năm 2021); thu thuế xuất nhập khẩu 722,91 tỷ đồng, đạt 55,61% dự toán toán năm và giảm 19,46%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022 tổng chi ngân sách ước đạt 7.802,03 tỷ đồng; trong đó chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 5.877,57 tỷ đồng (chi đầu tư phát triển 2.968,98 tỷ đồng, chi thường xuyên 2.908,46 tỷ đồng).

2. Hoạt động tín dụng

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn, mở rộng cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là cho vay để duy trì và khôi phục các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đến 31/5/2022, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 74.070 tỷ đồng, giảm 0,17% so với đầu năm (cùng kỳ năm trước tăng 3,16%). Vốn huy động ước đến ngày 30/6/2022 nguồn vốn huy động đạt 56.286 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm.

Vốn tín dụng được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên gắn với thực hiện các chính sách của Trung ương và Địa phương, trong đó dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 41.088 tỷ đồng, chiếm 55,5% tổng dư nợ; dư nợ cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao đạt 299 tỷ đồng, chiếm 0,4% tổng dư nợ; dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 609 tỷ đồng, chiếm 0,82% tổng dư nợ; dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 15.446 tỷ đồng, chiếm 20,9% tổng dư nợ.

Chính sách tín dụng đối với thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP: Dư nợ (nội bảng) 812,6 tỷ đồng (cho vay đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ là 250,1 tỷ đồng, cho vay đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ là 559,9 tỷ đồng, cho vay nâng cấp tàu 2,6 tỷ đồng). Các đối tượng chính sách vay theo các chương trình tín dụng ưu đãi với dư nợ cho vay đạt 3.560 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP đạt 86,3 tỷ đồng/239 hộ.

Chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động được vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đến 31/3/2022, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân cho vay 45.891 triệu đồng cho 11 doanh nghiệp để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 13.981 người lao động, trong đó cho vay để trả lương ngừng việc do tạm ngừng hoạt động với số tiền 250 triệu đồng/04 doanh nghiệp/78 người lao động và cho vay để trả lương cho lao động để phục hồi sản xuất với số tiền 45.641 triệu đồng/07 doanh nghiệp/13.903 người lao động.

VI. Lĩnh vực Văn h - Xã hội

1. Hoạt động văn hóa - Thể dục thể thao

1.1. Hoạt động Văn hóa; thể dục thể thao

- Công tác tuyên truyển, cổ động phục vụ nhiệm vụ chính trị tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch COVID -19 và tuyên truyền, cổ động chào mừng các ngày lễ, tết, ngày kỷ niệm quê hương, đất nước, qua đó, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân, ổn định dư luận, góp phần ổn định kinh tế - xã hội  trên địa bàn tỉnh. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao linh hoạt chuyển hướng sang hình thức ghi hình và phát trên Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Thuận, Đài Phát thanh các huyện và các nền tảng mạng xã hội nhằm phần nào đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa và giải trí của nhân dân và du khách. Hoạt động văn hóa, văn nghệ tiếp tục hướng về cơ sở phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng bãi ngang.

- Hoạt động thể dục thể thao quần chúng: Sáu tháng đầu năm 2022, đã tổ chức 8/20 giải thể thao cấp tỉnh (đạt 40%), tham dự 19/62 giải thể thao khu vực, quốc gia, quốc tế (đạt 30.6%).

- Hoạt động thể thao thành tích cao: Sáu tháng đầu năm 2022, cử các đội tuyển tham gia các giải thể thao do Tổng cục Thể dục thể thao tổ chức; cử 13 vận động viên tập trung đội tuyển và đội tuyển trẻ quốc gia (07 Judo, 03 Canoeing, 02 Taekwondo, 01 Điền kinh); 03 Vận động viên tham gia Seagames 31 (2 huy chương vàng, 01 huy chương bạc) và 02 vận động viên môn Taekwondo tham dự giải Vô địch quyền Taekwondo thế giới, giải Vô địch Taekwondo Đông Nam Á lần thứ 15 (04 huy chương vàng, 03 huy chương bạc, 01 huy chương đồng); 01 vận động viên tham dự giải Taekwondo Đại hội Thể thao Sinh viên thế giới năm 2022; 02 vận động viên tham dự giải vô địch quyền Taekwondo Châu Á; Tổng số huy chương đạt 63 huy chương (đạt 63%), trong đó 16 huy chương vàng (đạt 61.5%); 21 huy chương bạc (đạt 60%); 26 huy chương đồng (đạt 57%). Giải bóng đá hạng Nhì quốc gia - Cúp Alpha 2022, đội bóng đá Bình Thuận và đội bóng đá Đồng Nai được Ban Tổ chức trao giải đồng hạng Nhất, giành 2 vé chính thức thăng hạng Nhất quốc gia năm 2023.

2. Giáo dục và Đào tạo

Chất lượng giáo dục các cấp học tiếp tục được duy trì, kết quả Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2021-2022, đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh có 3 học sinh đạt giải khuyến khích; kết quả kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh năm học 2020 - 2021 có đạt 10 giải nhất, 65 giải nhì, 253 giải ba; kết quả cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học có 41 dự án tham gia dự thi, kết quả có 19 tác giả, nhóm tác giả đạt giải chính thức, 01 đơn vị đạt giải tập thể.

Tổ chức dạy và học trực tuyến, qua truyền hình và trực tiếp an toàn, linh hoạt, phù hợp, hiệu quả theo theo diễn biến của tình hình dịch Covid-19. Triển khai đồng bộ giải pháp tích cực, thường xuyên tổ chức kiểm tra, vận động học sinh bỏ học ra lớp: Tỷ lệ học sinh bỏ học trong học kỳ I, năm học 2021 - 2022 là 481 em, đạt tỷ lệ 0,20% (Tỷ lệ học sinh bỏ học so với học kỳ 1 năm học trước 0,12%), cụ thể: cấp tiểu học là 23 em, tỷ lệ  0,02% (cùng kỳ năm học trước 0,02%), cấp trung học cơ sở 419 em, tỷ lệ 0,55% (cùng kỳ năm học trước 0,28%), cấp trung học phổ thông 39 em, tỷ lệ 0,11% (cùng kỳ năm học trước 0,11%). Nguyên nhân số học sinh bỏ học: do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, có học lực yếu kém, ảnh hưởng dịch bệnh và các nguyên nhân khác... Tiếp tục duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1.

Đến thời điểm ngày 15/6/2022 toàn tỉnh có 274 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 50,83%. Trong đó có 52 trường Mầm non, 128 trường Tiểu học, 80 trường THCS, 14 trường THPT; tính riêng trong năm 2022, có thêm 02 trường THCS đạt chuẩn quốc gia (gồm: 1 trường tiểu học và 1 trường trung học cơ sở).

Chuẩn bị công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022, toàn tỉnh tổ chức 01 Hội đồng thi và 27 Điểm thi tại các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh với 546 phòng thi. Tổng số đăng ký dự thi đạt 12.778 thí sinh; gồm: 11.882 thí sinh đang học lớp 12; 338 thí sinh đang học lớp 12 hệ giáo dục thường xuyên và 558 thí sinh tự do.

3. Y tế

Công tác khám chữa bệnh tiếp tục đáp ứng được nhu cầu phục vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đã chủ động thực hiện tốt công tác cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh nội trú và ngoại trú. Các bệnh viện tiếp tục thực hiện tốt công tác phân luồng phòng lây nhiễm dịch Covid-19 trong cấp cứu, khám và điều trị bệnh nhân. Công tác phòng, chống dịch bệnh đã triển khai đồng bộ các hoạt động giám sát, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh, các ca bệnh được quản lý chặt chẽ, cập nhật kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch. Tình hình dịch cúm A H5N1, H7N9, Ebola, Zika đến nay chưa ghi nhận trường hợp mắc. Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh không xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Sáu tháng đầu năm 2022 ghi nhận 608 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 02 trường hợp mắc sốt rét và không có cas tử vong. Ghi nhận 96 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, 01 trường hợp tử vong.

 Tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tính từ 27/4/2021 đến 18 giờ ngày 21/6/2022, toàn tỉnh đã ghi nhận 52.482 ca mắc Covid-19 (Phan Thiết 9.032, Tánh Linh 8.612, Hàm Thuận Bắc 6.286, Hàm Thuận Nam 6.106, Tuy Phong 5.120, La Gi 4.243, Hàm Tân 4.142, Đức Linh 3.523, Phú Quý 2.733, Bắc Bình 2.685). Trong đó có 01 ca đang được điều trị tại cơ sở y tế, 52.034 ca đã điều trị khỏi và xuất viện, 475 ca tử vong (28 ca tử vong ngoài tỉnh). Có 902.752 người đã tiêm vắc xin mũi 1 (100%); 902.752 người tiêm vắc xin mũi 2 (100%) và 525.706 tiêm vắc xin mũi 3 (61,2%); số trẻ từ 12 đến 17 tuổi đã tiêm vắc xin đã hoàn thành 100% theo kế hoạch. Đang tiếp tục tiêm cho trẻ từ 12 tuổi (bổ sung trẻ sinh năm 2010, dự kiến khoảng 13.459 người): Tiêm mũi 1:  10.348/13.459 (đạt tỷ lệ 76,9%); tiêm mũi 2: 10.339/13.459 (đạt tỷ lệ 76,8%). Tiêm cho trẻ từ 05 đến 11 tuổi: tiêm mũi 1: 50.288/126.860, đạt tỷ lệ 39,6%; mũi 2:  6.818/126.860, đạt tỷ lệ 5,4%.

4. Khoa học - Công nghệ; Bưu chính, viễn thông

Đã tổ chức đánh giá, nghiệm thu 14 nhiệm vụ thường xuyên; kiểm tra tiến độ thực hiện 02 đề tài khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước. Tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tiếp tục triển khai thực hiện Chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, thiết bị đối với các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm lợi thế của tỉnh và hỗ trợ nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho của tổ chức, doanh nghiệp.

Hạ tầng bưu chính, mạng viễn thông tiếp tục được phát triển mở rộng; đảm bảo an toàn mạng lưới thông tin, thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước, người dân và các tổ chức, doanh nghiệp. Mạng lưới phục vụ bưu chính, viễn thông với 1.265 cơ sở kinh doanh dịch vụ bưu chính viễn thông, đạt bán kính phục vụ bình quân là 1,4 km/cơ sở. Tổng số thuê bao điện thoại ước đạt 1.863.950 thuê bao, mật độ 148,5 thuê bao/100 dân. Tổng số thuê bao Internet các loại 162.500 thuê bao; tỷ lệ người sử dụng Internet (quy đổi) đạt 68%.

5. Lao động - xã hội

Sáu tháng đầu năm 2022, lực lượng lao động (bao gồm những người đang làm việc và thất nghiệp từ 15 tuổi trở lên) trên địa bàn tỉnh có 675.047 người (298.192 nữ, chiếm tỷ lệ 44,17%, thành thị 271.934 người, chiếm tỷ lệ 40,28%). Trong đó có 659.729 người từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế (291.946 nữ, chiếm tỷ lệ 44,25%, thành thị 263.889 người, chiếm tỷ lệ 40,0%). Dự báo trong thời gian tới, nguồn cung việc làm tiếp tục tăng sẽ đáp ứng nhu cầu làm việc của người lao động trên địa bàn tỉnh.

Thu nhập bình quân của người lao động làm công hưởng lương đạt 6.309 nghìn đồng/người/tháng, tăng 5,97% so cùng kỳ năm trước (nữ đạt 5.428,0 nghìn đồng/người/tháng, tăng 9,09% và nam đạt 6.888,9 nghìn đồng/người/tháng, tăng 4,01% so cùng kỳ năm trước). Nhìn chung, trong quý II và 6 tháng đầu năm, thu nhập bình quân của người lao động làm công hưởng lương được cải thiện khá so với thời điểm cùng kỳ.

Sáu tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 11.454 lao động, đạt 57,27% so với kế hoạch năm và tăng 13,92% so với cùng kỳ 2021; cho vay vốn giải quyết việc làm 2.687 lao động, đạt 191,93% so với kế hoạch năm (2.687/1.400). Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển mới và đào tạo nghề nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 (đến ngày 10/6/2022) là 6.559 người, đạt 65,59% so với kế hoạch năm và tăng 26,43% (6.559/5.188) so với cùng kỳ năm 2021.

Quỹ Đền ơn đáp nghĩa vận động 1,671 tỷ đồng/6 tỷ đồng, đạt 27,9% so với kế hoạch năm và tăng 43,6% so với cùng kỳ năm 2021. Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh vận động 194,875 triệu đồng; nâng tổng số tiền vận động đến nay là 330,875 triệu đồng, đạt 16,54% so kế hoạch năm và bằng 43,46% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong tháng đã thực hiện trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần cho 34 đối tượng theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công. Trợ cấp mai táng phí cho 102 trường hợp. Quyết định chế độ ưu đãi giáo dục đối với con của người có công với cách mạng đến niên hạn hoặc khóa học cho 02 trường hợp; phê duyệt người có công đến niên hạn được cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình cho 18 trường hợp; đổi người thờ cúng liệt sĩ cho 28 trường hợp, di chuyển 02 hồ sơ đi tỉnh ngoài; tiếp nhận 01 hồ sơ từ tỉnh ngoài chuyển đến; kiểm tra, di chuyển 02 hồ sơ trong tỉnh (02 hồ sơ liệt sĩ).

* Triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ

- Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: đã hoàn thành việc giảm mức đóng (bằng 0%) vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 3.188 đơn vị, doanh nghiệp/86.400 lao động thuộc diện giảm đóng từ ngày 01/7/2021 đến ngày 30/6/2022, với tổng số tiền giảm đóng là 27,945 tỷ đồng.

- Chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất: đã giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 14 doanh nghiệp/4.212 lao động, tổng số tiền tạm dừng đóng đến tháng 12/2021 là 24,976 tỷ đồng.

- Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương: đã phê duyệt hỗ trợ cho 506 doanh nghiệp/11.780 lao động/46,648 tỷ đồng.

- Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc: đã phê duyệt hỗ trợ cho 61 doanh nghiệp/2.539 lao động/3,624 tỷ đồng.

- Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp: đã phê duyệt hồ sơ chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 366 người/1,472 tỷ đồng.

- Chính sách hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế: đã phê duyệt hỗ trợ tiền ăn cho 23.327 người (F0)/25,61 tỷ đồng; hỗ trợ tiền ăn cho 35.433 người (F1)/37,866 tỷ đồng; hỗ trợ thêm cho 13.002 trẻ em (F0, F1)/13,002 tỷ đồng.

- Chính sách hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch: đã hỗ trợ cho 26 viên chức hoạt động nghệ thuật với số tiền 96,46 triệu đồng; cho 86 người lao động là hướng dẫn viên du lịch với số tiền 319,06 triệu đồng.

- Chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh: đã phê duyệt hỗ trợ cho 5.025 hộ kinh doanh/15,075 tỷ đồng.

- Chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất: đã hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 07 doanh nghiệp/2.521 người/8,548 tỷ đồng.

- Chính sách hỗ trợ lao động không giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và đối tượng đặc thù khác theo điểm 12, mục II Nghị quyết số 68 của Chính phủ: đã phê duyệt hỗ trợ cho 86.110 người/129,165 tỷ đồng.

6. Hoạt động bảo hiểm

Công tác giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho đối tượng thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia và thụ hưởng; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, trả sổ BHXH cho người lao động cơ bản đúng kế hoạch.

Tính đến 31/5/2022, toàn tỉnh có 93.230 người tham gia BHXH bắt buộc, tăng 1,2% so với cùng kỳ; có 84.451 người tham gia BHTN, tăng 1,0% so với cùng kỳ; số người tham gia BHXH tự nguyện 11.473 người, tăng 6,4% so với cùng kỳ; Số người tham gia BHYT 1.015.515 người (bao gồm thẻ BHYT của thân nhân do Bộ Quốc phòng cung cấp là 11.371 người), giảm 0,2% so với cùng kỳ. Đã xét duyệt, giải quyết cho 26.003 lượt người hưởng các chế độ BHXH, BHTN, trong đó, hưởng các chế độ BHXH dài hạn 325 lượt người; hưởng trợ cấp thất nghiệp 4.237 người; hưởng trợ cấp BHXH một lần 6.023 lượt người; hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, nghỉ dưỡng sức - phục hồi sức khỏe 15.418 lượt người. Tỷ lệ bao phủ BHYT chung toàn tỉnh ước 6 tháng đạt 89,8% dân số.

7. Tai nạn giao thông (từ đầu năm - 14/6/2022)

Sáu tháng đầu năm 2022 đã xảy ra 125 vụ (trong đó có 03 vụ đường sắt), so với cùng kỳ năm 2021 giảm 44 vụ. Số người bị thương 6 tháng đầu năm 2022 có 65 người (trong đó đường sắt 01 người), giảm 32 người so với cùng kỳ năm 2021. Số người chết 6 tháng đầu năm 2022 có 88 người chết (trong đó đường sắt 02 người), so với cùng kỳ năm trước giảm 22 người.

Ccông tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các phương tiện, không xảy ra ùn ứ, ùn tắc giao thông kéo dài trên các tuyên đường và tại các Trạm thu phí BOT. Hầu hết các vụ tai nạn giao thông xy ra đều do người điều khiển xe mô tô tham gia giao thông không chấp hành tốt các quy định pháp luật vê trật tự an toàn giao thông.

8. Thiên tai, cháy nổ, vi phạm môi trường

- Thiên tai: Sáu tháng đầu năm 2022 xảy ra 16 đợt thiên tai, ước tổng giá trị thiệt ban đầu 4.584,40 triệu đồng.

- Cháy nổ: Sáu tháng đầu năm 2022 xảy ra 14 vụ cháy (giảm 19 vụ so cùng kỳ), thiệt hại 3.401,8 triệu đồng.

- Vi phạm môi trường: Sáu tháng đầu năm 2022 xảy ra 19 vụ (tăng 03 vụ so cùng kỳ), thiệt hại 2.794,83 triệu đồng./.

CỤC THỐNG KÊ BÌNH THUẬN

 




TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/