TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI
Thông cáo báo chí tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021 tỉnh Bình Thuận

Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021 của tỉnh diễn ra trong điều kiện còn nhiều khó khăn, dịch Covid-19 xảy ra ở một số địa phương trên cả nước đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân trong tỉnh. Trong điều kiện đó, để thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2021, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã sớm ban hành Chương trình hành động triển khai Nghị quyết của Chính phủ, Kết luận của Tỉnh ủy, Nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế phù hợp với tình hình dịch bệnh; kịp thời ban hành các kế hoạch và nhiều văn bản triển khai thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giải ngân các nguồn vốn đầu tư, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội, ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và tầng lớp nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021 của tỉnh nhìn chung ổn định, có mặt chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu về kinh tế đạt kết quả cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

      

I. Tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2021 ước tăng 7,53% so với cùng kỳ năm 2020, đây là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh chịu tác động của dịch Covid-19. Trong mức tăng chung, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 8,21%, đóng góp 2,01 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,53%, đóng góp 3,02 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 5,72%, đóng góp 2,05 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,59%, đóng góp 0,44 điểm phần trăm.

II. Nông, lâm nghiệp và thủy sản

Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tuy có bị ảnh hưởng, nhưng do điều kiện sản xuất tương đối thuận lợi cả về thời tiết và sự quan tâm tích cực từ chính quyền địa phương, nhằm nâng cao giá trị gia tăng của ngành, hầu hết các lĩnh vực đều phát triển tốt như diện tích gieo trồng vụ đông xuân tăng, thực hiện chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây ngắn ngày khác tăng hiệu quả sử dụng đất; chăn nuôi gia cầm phát triển, chăn nuôi lợn tiếp tục đà hồi phục; thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông, lâm thuỷ sản ổn định, giá sản phẩm đầu ra một số cây lâu năm có xu hướng tăng nhẹ như cao su, tiêu... Khai thác và nuôi trồng thủy sản sáu tháng đầu năm 2021 tương đối ổn định, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

1. Trồng trọt

* Cây hàng năm

- Vụ đông xuân: Kết thúc gieo trồng vụ đông xuân sơ bộ diện tích đạt 47.013 ha, tăng 47,3% so với cùng kỳ năm 2020 (trong đó, cây lúa đạt 36.520,1 ha, tăng 64,4%; cây bắp đạt 3.293,3 ha, giảm 4,6%; cây chất bột đạt 136,7 ha, giảm 0,62%). So với cùng kỳ năm 2020, sản lượng lúa sơ bộ đạt 245.018,3 tấn, tăng 65,18%, năng suất đạt 67,1 tạ/ha, giảm 0,1%; sản lượng bắp đạt 28.144,8 tấn, giảm 0,52%, năng suất đạt 85,5 tạ/ha, tăng 3,5 tạ/ha.

- Tiến độ sản xuất vụ hè thu: Tính đến ngày 15/6/2021 toàn tỉnh xuống giống đạt 61.747,2 ha, tăng 2,16 lần so với cùng kỳ năm 2020 (trong đó, cây lúa đạt 36.483,5 ha, tăng 2 lần; cây bắp đạt 8.534,4 ha, tăng 3,13 lần; rau các loại đạt 4.920,3 ha, tăng 2,3 lần).

* Cây lâu năm: Sáu tháng đầu năm 2021 tập trung chăm sóc diện tích hiện có, từ thời điểm tháng 6 đã có mưa trên diện rộng, lượng nước phục vụ sản xuất cây lâu năm nhìn chung đảm bảo nên một số huyện trong tỉnh bắt đầu triển khai trồng mới một số loại cây lâu năm. Tổng diện tích trồng cây lâu năm sáu tháng đầu năm 2021 ước đạt 108.814 ha, tăng 1,59% so với cùng kỳ năm 2020.

2. Chăn nuôi (tại thời điểm ngày 15/6/2021)

Tình hình chăn nuôi trong 6 tháng đầu năm tiếp tục được duy trì ổn định; đàn trâu giảm nhẹ, đàn bò phát triển và có khuynh hướng tăng; chăn nuôi lợn phát triển khá, nhiều doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi mở rộng tái đàn; chăn nuôi gia cầm phát triển thuận lợi, tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm cơ bản được kiểm soát tốt, nhiều trang trại nuôi gà công nghiệp CP được thành lập mới.

- Chăn nuôi trâu, bò: Ước đàn trâu có 8.660 con, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2020; chăn nuôi bò phát triển khá, tạo thu nhập ổn định cho nhiều hộ chăn nuôi, toàn tỉnh có 170.950 con tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2020.

- Chăn nuôi lợn: Ước đàn lợn có 301.830, tăng 8,11% so với cùng kỳ năm 2020. Chăn nuôi lợn chuyển từ chăn nuôi hộ, gia trại nhỏ lẻ sang quy mô doanh nghiệp công nghệ cao (CP).

- Chăn nuôi gia cầm: Ước đàn gia cầm có 4.239,4 ngàn con, tăng 17,26 so với cùng kỳ năm 2020 (trong đó, đàn gà 3.050 ngàn con, tăng 24,8%).

- Đàn gia súc khác (dê, cừu,...): Ước có 37.910 con dê, cừu; tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2020 (trong đó, đàn dê 34.800 con, tăng 2,1%; đàn cừu 3.110 con, tăng 7,6%).

- Sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 36.442,9 tấn, tăng 9,85% so với cùng kỳ năm 2020 (trong đó thịt bò 4.188 tấn, tăng 1,6%; thịt lợn 24.759 tấn, tăng 10,7%; thịt gia cầm các loại 7.191,5 tấn, tăng 12,8). Sản lượng trứng gia cầm ước đạt 47.963,4 ngàn quả, tăng 14,2% so với cùng kỳ.

3. Lâm nghiệp: Sáu tháng đầu năm 2021 hoạt động trồng rừng chưa được triển khai. Các đơn vị chủ rừng tập trung gieo ươm, chăm sóc cây giống để phục vụ kế hoạch trồng rừng năm 2021 khi điều kiện thời tiết thuận lợi.

Sản lượng gỗ khai thác ước đạt 161 ngàn m3, tăng 3,1% so với cùng kỳ; củi khai thác ước đạt 97,8 ngàn ste, tăng 1,1% so với cùng kỳ. Diện tích rừng bị thiệt hại do chặt phát là 4,3 ha, tăng 3,6 lần so với cùng kỳ.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 26 trường hợp cháy rừng, với diện tích 35 ha, chủ yếu cháy trảng cỏ, cây bụi, lá khô dưới tán rừng được huy động chữa cháy kịp thời nên không gây hại về tài nguyên rừng.

4. Thuỷ sản

- Nuôi trồng thủy sản: Tình hình nuôi trồng thủy sản thuận lợi do nguồn nước ở các hồ đập được cung cấp đầy đủ, trong tháng tình hình dịch bệnh nghiêm trọng trên thủy sản không xảy ra.

Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản sáu tháng đầu năm 2021, ước đạt 5.334,6 tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng khai thác thủy sản 6 tháng đầu năm 2021, ước đạt 97.200,6 tấn, tăng 1,83% so với cùng kỳ năm 2020 (trong đó, khai thác thủy sản biển ước đạt 96.927 tấn, tăng 1,8%).

Sản xuất giống thuỷ sản 6 tháng đầu năm 2021, ước đạt 11,92 tỷ post, tăng 4,56% so với cùng kỳ năm 2020.

Thực hiện việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá (đến ngày 01/6/2021 toàn tỉnh có 1.807/1.924 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt 93,5%). Đã kiện toàn và duy trì hoạt động 129 tổ đoàn kết trên 982 thuyền với 4.910 lao động và 05 nghiệp đoàn nghề cá. Tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác vùng biển xa.

III. Công nghiệp; đăng ký kinh doanh; đăng ký đầu tư

1. Công nghiệp

Lĩnh vực công nghiệp tiếp tục đóng góp vào mức tăng trưởng chung chủ yếu vẫn là ngành sản xuất điện. Các doanh nghiệp sản xuất hoạt động ổn định, có chuyển biến tích cực, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp đẩy mạnh sản xuất và tăng cường tiêu thụ nội địa.

Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành 6 tháng đầu năm 2021, ước tăng 8,71% so với cùng năm 2020 (trong đó, ngành khai khoán tăng cao nhất 31,12%, ngành sản xuất và phân phối điện tăng ổn định 9,27%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,07%; ngành cung cấp nước hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 1,10%).

* Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu dự ước sáu tháng đầu năm:

- Khai khoáng: Đá khai thác 43,84%; cát tự nhiên tăng 26,74%, do đang triển khai thi công tuyến đường cao tốc và một số tuyến đường trong tỉnh.

- Giày, dép thể thao tăng 33,08%, do doanh nghiệp nhận được nhiều đơn hàng và do tháng cùng kỳ ảnh hưởng dịch Covid-19.

- Thức ăn gia súc tăng 8,03%, do sản xuất tăng để đáp ứng nhu cầu cung cấp thức ăn đàn gia súc hiện đang phục hồi.

- Điện sản xuất tăng 9,35%, do các nhà máy nhiệt điện đã đi vào hoạt động ổn định và phát sinh thêm nhà máy điện năng lượng mặt trời, điện gió.

- Sản phẩm trang phục: Áo sơ mi tăng 12,09%; bộ Com-lê  giảm 1,2%.

- Nước khoáng giảm 10,63%, do giá thành nước khoáng cao người tiêu dùng chọn sản phẩm nước khác có giá thành rẻ hơn.

2. Tình hình đăng ký doanh nghiệp và đầu tư

- Đăng ký kinh doanh: Sáu tháng đầu năm 2021 (tính đến 15/6/2021), có 585 doanh nghiệp thành lập mới (trong đó, có 226 đơn vị trực thuộc), tăng 1,39% so với cùng kỳ năm 2020; vốn đăng ký 5.529,26 tỷ đồng, tăng 23,84%; có 153 doanh nghiệp hoạt động trở lại (trong đó có 23 đơn vị trực thuộc) tăng gấp 2,89 lần; tạm ngừng hoạt động 191 doanh nghiệp (trong đó có 34 đơn vị trực thuộc), tăng 3,24%; chuyển đổi loại hình 40 doanh nghiệp (không có đơn vị trực thuộc), bằng so với cùng kỳ năm 2020. Số doanh nghiệp đã giải thể 123 doanh nghiệp (trong đó có 58 đơn vị trực thuộc), tăng 39,77%.

Thông báo cảnh báo 138 trường hợp doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký, gỡ bỏ cảnh báo 17 trường hợp có báo cáo theo yêu cầu; xử lý giải thể 11 chi nhánh và địa điểm kinh doanh.

- Đăng ký đầu tư: Sáu tháng đầu năm 2021 (tính đến ngày 04/6/2021) trên địa bàn tỉnh có 15 dự án được cấp mới, với tổng diện tích đất 424 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 14.103 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2020, số dự án giảm 11 dự án, tổng diện tích đất tăng 1,73 lần và tổng vốn đăng ký tăng 2,29 lần. Ngoài ra, cấp điều chỉnh Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư 21 dự án.

- Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm 2021, ước đạt 15.085,5 tỷ đồng, tăng 11,82% so với cùng kỳ năm 2020 (trong đó, vốn nhà nước trên địa bàn đạt 2.045,4 tỷ đồng, tăng 13,08%; vốn ngoài nhà nước trên địa bàn đạt 11.544,9 tỷ đồng, tăng 12,33%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1.495,2 tỷ đồng, tăng 6,46%).

Dự báo quý 3 và cả năm 2021, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội sẽ tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020 do có các dự án điện năng lượng, nhiều dự án lớn đang khẩn trương triển khai thi công (dự án tuyến đường cao tốc bắc nam đoạn ngang qua địa bàn tỉnh; 02 dự án đường ven biển ĐT.719 và ĐT.719B; dự án cảng hàng không Phan Thiết,...) và hơn 50 dự án thuộc nhiều lĩnh vực đang được tỉnh tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư.

3. Xu hướng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo trong quý 2/2021 so quý 1/2021, cho thấy có 39,13% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn quý trước; có 28,99% đánh giá khó khăn và có 31,88% số doanh nghiệp cho rằng ổn định.

Qua khảo sát các doanh nghiệp, trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quý 2/2021 so với quý 1/2021, có 56,52% doanh nghiệp đánh giá do thiếu nguyên nhiên vật liệu; có 28,99% doanh nghiệp cho rằng nhu cầu thị trường trong nước thấp; 23,19% doanh nghiệp không tuyển được lao động theo yêu cầu; 30,43% doanh nghiệp cho rằng do gặp khó khăn về tài chính và 36,23% doanh nghiệp đánh giá lý do khác (dịch bệnh Covid-19).

IV. Thương mại; du lịch; xuất nhập khẩu; giao thông vận tải

1. Thương mại, giá cả

Sáu tháng đầu năm 2021 tình hình bán lẻ hàng hoá trên thị trường tương đối ổn định, hàng hoá đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân. Không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hoá, giá cả thị trường hàng hoá không tăng đột biến. Mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên cả nước nhưng không ảnh hưởng nhiều đến sức mua của người dân trong tỉnh. Trong tháng 6 sức mua chậm lại so với tháng trước, các doanh nghiệp đã triển khai tốt chương trình bán hàng bình ổn tại các siêu thị, cửa hàng, điểm kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Các siêu thị Coop mart, Lotte mart thường xuyên có các chương trình giảm giá nhiều mặt hàng nhằm kích cầu tiêu dùng, tăng nhu cầu mua sắm của người dân.

- Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2021, ước đạt 29.372,8 tỷ đồng, tăng 8,52% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hoá ước đạt 20.883,4 tỷ đồng, tăng 10,14%; doanh thu dịch vụ ước đạt 2.979,78 tỷ đồng, tăng 4,34%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 5.475,3 tỷ đồng, tăng 4,95%; doanh thu dịch vụ lữ hành ước đạt 33,3 tỷ đồng, tăng 10,84%.

- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 năm 2021 tăng 0,28% so với tháng trước, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 2,09% so với tháng 12 năm 2020; CPI bình quân sáu tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020 tăng 1,75%.

So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 7 nhóm hàng tăng giá: Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,78%; giao thông tăng 0,76%; giáo dục tăng 0,29%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,23%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,22%; may mặc, mũ nón và giầy dép tăng 0,17%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,08%. Có 2 nhóm hàng giảm giá: Đồ uống và thuốc lá giảm 0,32%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,75%. Có 2 nhóm hàng ổn định: Bưu chính viễn thông 100%; thuốc và dịch vụ y tế 100%.

2. Hoạt động du lịch

Hoạt động du lịch dần phục hồi, nhưng chưa thể bằng như trước khi xảy ra dịch, do tiếp tục bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên cả nước và thế giới. Sáu sáu tháng đầu năm 2021 ngành du lịch tăng ở mức thấp, sụt giảm mạnh lượng khách quốc tế cũng như trong nước đã khiến nhiều khách sạn, nhà hàng và chuỗi bán lẻ tại các điểm du lịch trở nên vắng khách. Các tour du lịch không thể thực hiện được theo kế hoạch, khách du lịch nghỉ dưỡng chủ yếu là khách nội địa.

Dự ước 6 tháng đầu năm 2021, các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh đón và phục vụ 1.765,6 ngàn lượt khách, tăng 13,77% so với cùng kỳ năm 2020; ngày khách lưu trú ước đạt 3.035,1 ngàn ngày khách, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2020. Lượng khách quốc tế tiếp tục giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, dự ước đạt 19,7 ngàn lượt khách, giảm 87,3%; ngày khách phục vụ ước đạt 74,7 ngàn ngày khách giảm 85,43%. Doanh thu từ hoạt động du lịch 6 tháng đầu năm 2021, ước đạt 3.832,3 tỷ đồng, giảm 17,41% so với cùng kỳ năm 2020.

3. Xuất, nhập khẩu

- Xuất khẩu hàng hoá được cải thiện rõ rệt, nếu như 6 tháng đầu năm 2020 xuất khẩu giảm 3%, thì 6 tháng đầu năm 2021 tăng đến 30,48%. Trong 6 tháng đầu năm 2021, mức tăng trưởng kim ngạch khá cao ở tất cả các nhóm hàng chủ lực, nhất là với sản phẩm hàng may mặc, giày dép, thủy sản và nông sản.

- Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 6 tháng đầu năm 2021, ước đạt 281,3 triệu USD, tăng 30,48% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, nhóm hàng thủy sản ước đạt 73,90 triệu USD, tăng 4,94% (một số mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn như tôm thẻ, tôm càng, cá hộp); nhóm hàng nông sản ước đạt 9,69 triệu USD, tăng 37,65% (tăng chủ yếu ở mặt hàng hạt điều, cao su, quả tươi). Nhóm hàng hóa khác ước đạt 197,71 triệu USD, tăng 43,13% (chủ yếu ở mặt hàng giày dép, dệt may, sản phẩm gỗ).

- Xuất khẩu trực tiếp lũy kế 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 276,20 triệu USD, tăng 33,56% so với cùng kỳ năm 2020.

- Ủy thác xuất khẩu lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, ước đạt 5,10 triệu USD, giảm 41,97% so với cùng kỳ năm 2020 (chủ yếu giảm ở mặt hàng bộ quần áo, mực tươi, quần khác).

-  Nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2021 tăng so với cùng kỳ, tập trung chủ yếu ở các nhóm hàng cần thiết phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu như hàng thuỷ sản; thức ăn gia súc và nguyên liệu; giấy các loại; nguyên phụ liệu dệt may, da, giày; máy móc thiết bị,…. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 470 triệu USD, tăng 28,68% so với cùng kỳ năm 2020 (trong đó, Khu vực kinh tế trong nước đạt 425,6 triệu USD, tăng 28,79%; Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 44,4 triệu USD, tăng 27,7%).

4. Hoạt động vận tải

Hoạt động giao thông vận tải 6 tháng đầu năm 2021 không được thuận lợi do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp ngành vận tải phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ và vận tải hành khách. Các hoạt động lưu thông, vận chuyển hàng hóa, đặc biệt vận chuyển hành khách bị ảnh hưởng rõ rệt. Hoạt động vận tải hành khách trên tuyến Phan Thiết ra đảo Phú Quý vẫn tiếp tục được duy trì, tuy nhiên theo quy định của tỉnh không được nhận vận chuyển hành khách đến - về từ vùng có dịch; ngoài ra các cơ sở kinh doanh hoạt động xe du lịch, xe hợp đồng, xe khách, xe buýt, xe taxi chỉ được phép vận chuyển tối đa 50% số lượng khách theo số lượng ghế ngồi của xe thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận.

- Vận tải hành khách: Sáu tháng đầu năm 2021, vận chuyển 7.300,37 nghìn nh khách, giảm 2,86% so với cùng kỳ năm 2020 và luân chuyển 340,87 triệu hk.km, giảm 1,6% so cùng kỳ năm 2020.

- Vận tải hàng hoá: Sáu tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đã vận chuyển 4.079,51 nghìn tấn hàng hoá, tăng 5,51% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển hàng hoá đạt 220,46 triệu tấn.km, tăng 5,26% so với cùng kỳ năm 2020.

- Doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 844,87 tỷ đồng, tăng 2,43% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 288,86 tỷ đồng, giảm 3,59%; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 537,23 tỷ đồng, tăng 6,10%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 18,77 tỷ đồng, tăng 0,63%.

V. Thu, chi ngân sách; hoạt động tín dụng

1. Thu, chi ngân sách

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh là điểm sáng, theo hướng tăng tỷ trọng thu nội địa trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tác động tiêu cực tới sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2021 ước 6.892,6 tỷ đồng, đạt 82,84% dự toán năm và tăng 33,25% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, thu nội địa (trừ dầu) đạt 5.368,6 tỷ đồng, đạt 89,18% dự toán năm, tăng 39,60%. Trong tổng thu ngân sách gồm: Thu thuế, phí và thu khác 4.299 tỷ đồng, đạt 83,80% dự toán năm, tăng 29,56%; thu tiền nhà, đất 1.069,7 tỷ đồng, đạt 120,19% dự toán năm, tăng gấp 2,02 lần (trong đó, thu tiền sử dụng đất 929 tỷ đồng, đạt 132,72% dự toán năm, tăng gấp 3,24 lần so với cùng kỳ năm 2020); thu dầu thô 623,4 tỷ đồng, đạt 77,92% dự toán năm và tăng 1,70%.

Tổng chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2021, ước đạt 6.702,94 tỷ đồng (chi ngân sách nhà nước 4.935,21 tỷ đồng); trong đó, chi đầu tư phát triển 2.341,93 tỷ đồng, chi thường xuyên 2.593,14 tỷ đồng.

2. Hoạt động tín dụng

Các hoạt động tín dụng trên địa bàn tiếp tục ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương; Vốn tín dụng mở rộng đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là cho vay để duy trì và khôi phục các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; quan tâm dành nguồn vốn cho vay đối với các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu. Công tác thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công, thanh toán chuyển tiền điện tử tiếp tục được đẩy mạnh; việc cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu tiếp tục được quan tâm triển khai, đảm bảo hệ thống ngân hàng nói chung và hệ thống quỹ tín dụng nhân dân nói riêng phát triển an toàn đáp ứn nhu cầu tiền mặt của người dân, bảo đảm hệ thống máy ATM hoạt động ổn địnhvà thông suốt.

Hoạt động tín dụng (tính đến ngày 30/4/2021), tổng dư nợ cho vay đạt 71.688 tỷ đồng, tăng 2,89% so với đầu năm và tăng 2,68% so với cùng kỳ năm 2020. Ước đến 30/6/2021, dư nợ đạt 72.812 tỷ đồng, tăng 4,5% so với đầu năm.

- Vốn tín dụng được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên gắn với thực hiện các chính sách của trung ương và địa phương, trong đó dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 38.529 tỷ đồng; cho vay xuất khẩu đạt 523 tỷ đồng; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 15.363 tỷ đồng; cho vay các đối tượng chính sách xã hội đạt 3.098 tỷ đồng.

- Chính sách tín dụng đối với thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP: Dư nợ (nợ nội bảng) đạt 927,1 tỷ đồng (cho vay đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ là 292,4 tỷ đồng, cho vay đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ là 629 tỷ đồng, cho vay nâng cấp tàu 5,7 tỷ đồng). Nợ xấu 87,4 tỷ đồng/7 tàu; nợ cơ cấu lại thời hạn 154,3 tỷ đồng/93 tàu.

- Cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Quyết định số 813/QĐ-NHNN và Nghị quyết số 30/NQ-CP: Dư nợ cho vay đạt 352 tỷ đồng phục vụ nuôi tôm giống, tôm thịt, nuôi tôm giống công nghệ cao, chăn nuôi bò sữa công nghệ cao; dư nợ cho vay chăn nuôi lợn, sản xuất thuốc thú y, thức ăn gia súc đạt 488 tỷ đồng.

VI. Lĩnh vực văn h - xã hội

1. Hoạt động văn hóa - thể dục thể thao

Công tác tuyên truyền, cổ động phục vụ nhiệm vụ chính trị tiếp tục được tăng cường, nhất là đẩy mạnh tuyên truyền công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; tuyên truyền Chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lấn thứ XIII của Đảng; bầu cử đại biểu Quốc Hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được duy trì tổ chức phục vụ nhân dân trong khuôn khổ cho phép và đảm bảo việc phòng, chống dịch.

Phong trào thể thao quần chúng được duy trì và phát triển, thu hút nhiều người tham gia tập luyện. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại nhiều đợt, nên nhiều hoạt động văn hóa, thể thao tại các địa phương đã được chuẩn bị chu đáo nhưng phải tạm dừng hoặc giảm quy mô tổ chức.

2. Giáo dục và Đào tạo

Chất lượng giáo dục các cấp học tiếp tục được duy trì; dù tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ngành giáo dục thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, nhằm hướng đến một kỳ thi thuận lợi, đạt kết quả cao nhất. Kết quả tổng kết năm học 2020 – 2021, như sau: Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh có 10 học sinh đạt giải (3 giải ba, 7 giải khuyến khích); kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh năm học 2020-2021 đạt 355 giải (15 giải nhất, 63 giải nhì, 277 giải ba); cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học có 47 dự án tham gia dự thi, kết quả có 23 dự án đạt giải chính thức, 1 đơn vị đạt giải tập thể; cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, tỉnh có 2 dự án dự thi, 1 dự án nhận giải triển vọng.

Trong 2 ngày, từ ngày 10 - 12/6/2021, đã tổ chức tốt kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 hệ công lập Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo và THPT không chuyên năm học 2021 - 2022 trên toàn tỉnh được tổ chức chung một đợt thi thay vì tổ chức thành 2 kỳ thi như trước đây. Số học sinh đăng ký nguyện vọng 1 trên toàn tỉnh là 15.682 học sinh, nguyện vọng 2 là 9.920. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 của các trường là 12.840 học sinh.

Triển khai đồng bộ giải pháp tích cực, thường xuyên tổ chức kiểm tra, vận động học sinh bỏ học ra lớp, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học (bổ sung số liệu khi có báo cáo chính thức của Sở Giáo dục và Đào tạo). Từ đầu năm đến nay, có thêm 2 trường tiểu học và 3 trường THCS đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia đến nay là 266 trường, đạt tỷ lệ 48,98%; trong đó, mầm non có 49 trường (tỷ lệ 34,50%), tiểu học 126 trường (tỷ lệ 51,42%), THCS 77 trường (tỷ lệ 59,23%), THPT 14 trường (tỷ lệ 53,84%). Chủ động công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong học đường.

3. Y tế:

Sáu tháng đầu năm 2021, ngành y tế đriển khai thực hiện đồng bộ các hoạt động giám sát, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, từ đầu năm đến ngày 23/6/2021 trên địa bàn tỉnh không có dịch xảy ra, các ca bệnh được quản lý chặt chẽ, cập nhật kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch. Tập trung triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tính đến 14 giờ 00, ngày 23/6/2021, số người đã tiêm vắc xin phòng Covid9-19 đợt 2 của tỉnh là 1.107 người; lũy kế có 22.162 người đã được tiêm vắc xin.

Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm được tăng cường; từ đầu năm đến nay xảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm với tổng số người mắc là 3 người, không có tử vong. Công tác khám chữa bệnh tiếp tục đáp ứng được nhu cầu phục vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, tổng số lượt bệnh nhân đến khám và số bệnh nhân nội trú từ đầu năm đến nay tăng so với cùng kỳ năm 2020. Công suất sử dụng giường bệnh các tuyến đạt kế hoạch đề ra; số bác sỹ/10.000 dân đạt 7,6 bác sỹ; số giường bệnh /10.000 dân đạt 30,6 giường.

4. Khoa học - công nghệ; bưu chính, viễn thông:

- Hoạt động khoa học và công nghệ tiếp tục được chú trọng, triển khai thực hiện 5 nhiệm vụ khoa học và công nghệ năm 2021 (đợt 1); triển khai thực hiện tốt công tác hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Hoạt động hỗ trợ nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp được quan tâm.

- Hạ tầng bưu chính, mạng viễn thông tiếp tục được phát triển mở rộng và ổn định; đảm bảo an toàn và thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước, người dân và các tổ chức, doanh nghiệp. Mạng lưới phục vụ bưu chính, viễn thông với 1.255 cơ sở kinh doanh dịch vụ bưu chính viễn thông, đạt bán kính phục vụ bình quân là 1,4 km/cơ sở. Tổng số thuê bao điện thoại các loại ước đạt: 1.851.400 thuê bao (điện thoại cố định là 30.000 thuê bao), mật độ điện thoại 147,5 thuê bao/100 dân. Tổng số thuê bao Internet ước đạt 145.500 thuê bao, tỷ lệ người sử dụng Internet (quy đổi) là 64,5% và đạt 50% kế hoạch năm.

5. Lao động - xã hội; chính sách vùng đồng bào dân tộc

- Sáu tháng đầu năm 2021, đã giải quyết việc làm cho 10.054 lao động, đạt 50,27% so kế hoạch năm, tăng 7,81% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, cho vay vốn giải quyết việc làm cho 703 lao động, đạt 50,21% so với kế hoạch năm.

Tuyển mới và đào tạo nghề 5.188 người, đạt 51,88% so với kế hoạch năm; đào tạo nghề cho lao động nông thôn 360 người đạt 11,2% kế hoạch năm.

- Chế độ chính sách ưu đãi và hỗ trợ đời sống đối với người có công với cách mạng được quan tâm triển khai tích cực. Vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa 6 tháng đầu năm 2021 đạt 761,32 triệu đồng, đạt 38,07% kế hoạch năm. Công tác chính sách người có công: Giải quyết 25 hồ sơ người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày chỉ có giấy xác nhận của Công an tỉnh trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo tại Công văn số 1778/UBND-KGVXNV, ngày 24/5/2018 của UBND tỉnh. Ban hành Quyết định thực hiện chế độ đối với người có công, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần cho 36 đối tượng theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công; trợ cấp mai táng phí cho 39 trường hợp. Thực hiện chế độ ưu đãi giáo dục đối với con của người có công với cách mạng đến niên hạn hoặc khóa học cho 06 trường hợp, điều chỉnh thông tin trong hồ sơ liệt sĩ 07 trường hợp.

- Đời sống dân cư của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2021 bị ảnh hưởng dịch Covid-19 và công tác chỉ đạo quyết liệt phòng chống dịch không để lây lan trong tỉnh, nên đã tạm dừng một số dịch vụ thiết yếu, dừng các chuyến vận chuyển hành khách từ nơi có dịch vào tỉnh,… do đó đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động du lịch và vận tải,…  So với cùng kỳ năm trước, nhìn chung đời sống của các tầng lớp dân cư gặp nhiều khó khăn.

- Phát triển nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Công tác xây dựng nông thôn mới tiếp tục được chú trọng triển khai, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận huyện Đức Linh đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 tại Quyết định số 745/QĐ-TTg, ngày 20/5/2021. UBND tỉnh đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, công nhận thành phố Phan Thiết hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020. Ước đến cuối tháng 6/2021, toàn tỉnh đạt 1.463 tiêu chí; bình quân đạt 15,73 tiêu chí/xã và đạt 5,15 tiêu chí/huyện.  

Các chương trình xây dựng và phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các chế độ, chính sách, cung ứng kịp thời vật tư hàng hóa các loại phục vụ sản xuất và đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số (5.355 triệu đồng/4 công trình); đã giải quyết chế độ trợ cấp đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số theo Quyết định số 09/2009/QĐ-UBND và Quyết định số 05/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh cho sinh viên 128,61 triệu đồng/9 hồ sơ). Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ổn định. Công tác giảm nghèo đạt khá, đầu năm 2021, số hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh có 1.180 hộ nghèo, chiếm 4,7% so với tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số và có 3.238 hộ cận nghèo, chiếm 13% so với tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

6. Hoạt động bảo hiểm (Tính đến ngày 31/5/2021)

Công tác giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho đối tượng thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia và thụ hưởng; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, trả sổ BHXH cho người lao động cơ bản đúng kế hoạch.

Tính đến ngày 31/5/2021, toàn tỉnh có 92.173 người tham gia BHXH bắt buộc, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2020; có 83.592 người tham gia BHTN, tăng 6,6%; số người tham gia BHXH tự nguyện 10.781 người, tăng 157,1%; số người tham gia BHYT 1.018.001 người (bao gồm thẻ BHYT của thân nhân do Bộ Quốc phòng cung cấp là 11.161 người), tăng 3,4%. Tỷ lệ bao phủ BHYT chung toàn tỉnh đạt 89,7% dân số.

7. Tai nạn giao thông (từ 15/5 - 14/6/2021):

Số vụ tai nạn giao thông sáu tháng đầu năm 2021, đã xảy ra 169 vụ (trong đó đường sắt không xảy ra), so với cùng kỳ năm 2020 tăng 22 vụ. Số người bị thương 97 người, tăng 04 người so với cùng kỳ năm 2020. Số người chết 110 người chết, so với cùng kỳ năm trước tăng 25 người.

8. Thiên tai, cháy nổ, vi phạm môi trường

- Thiên tai: Sáu tháng đầu năm 2021, xảy ra 12 đợt thiên tai, làm 01 người chết, ước tổng giá trị thiệt hại 4.760 triệu đồng.

- Cháy nổ: Sáu tháng đầu năm 2021 có 37 vụ cháy (giảm 15 vụ so cùng kỳ), thiệt hại 3.940,7 triệu đồng.

- Vi phạm môi trường: Sáu tháng đầu năm 2021, đã xảy ra 16 vụ (tăng 02 vụ  so với cùng kỳ); tổng tiền đã xử phạt 2.132,6 triệu đồng./.

CỤC THỐNG KÊ BÌNH THUẬN




TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/