TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI
Tình hình kinh tế xã hội tháng 8 năm 2014

I. Nông Lâm Thuỷ sản,II. Công nghiệp; Đầu tư phát triển,III. Thương mại, Giá cả; Du lịch; Xuất nhập khẩu; Giao thông vận tải, Thông tin truyền thông...

 I. Nông Lâm Thuỷ sản :

1. Nông nghiệp:

Trọng tâm trong tháng các địa phương tập trung chăm sóc và thu hoạch các loại cây trồng vụ hè thu. Thời tiết trong tháng thuận lợi, mưa trên diện rộng tạo thuận lợi cho các loại cây trồng phát triển. Đến 15/8/2004, toàn tỉnh gieo trồng 98.411 ha, đạt 101,4% kế hoạch vụ; tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó:

  + Cây lúa: Diện tích gieo cấy đạt 42.346 ha, đạt 109,0% kế hoạch vụ, tăng 3,7% so với vụ cùng kỳ. Diện tích lúa tăng do hệ thống kênh mương, thuỷ lợi đáp ứng được nguồn nước tưới; các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Tân tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Các loại giống lúa được sử dụng sản xuất trong vụ Hè Thu này là: ML48, ML214, ML202, TH6, IR59606, IR59656, IR56279, IR62032, OM4900, OM2514, OM2717, OM4218, OM1490, OM 3536, OM 5936… và các giống lúa đã được Bộ Nông nghiệp – PTNT công nhận, phù hợp với điều kiện sản xuất của tỉnh.

Qua thu hoạch sơ bộ cho thấy năng suất lúa bình quân đạt 54,4 tạ/ha (giảm 0,9% so cùng kỳ năm trước). Năm nay, tình hình thời tiết trong thời kỳ trổ bông gặp nắng nóng kéo dài, các trà lúa chậm phát triển, lúa đến thời điểm đẻ nhánh thì bị dịch bệnh rầy nâu, tỉ lệ bệnh 7-10% (diện tích nhiễm bệnh toàn tỉnh 390 ha với mật độ 800-1500 con/m2); bệnh bạc lá (diện tích nhiễm bệnh là 1.384 ha phân bổ ở huyện Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình). Tuy kịp thời phun thuốc bảo vệ thực vật nhưng vẫn ảnh hưởng đến sản lượng, chất lượng lúa thành phẩm, đồng thời do ảnh hưởng của áp thấp mưa nhiều, gây ngập úng ở một số nơi trong tỉnh làm ảnh hưởng đến năng suất lúa vụ hè thu.

Trong vụ hè thu, ngành nông nghiệp đã thực hiện Chương trình xã hội hóa giống lúa tại các huyện trọng điểm lúa với 355 ha giống lúa xác nhận và triển khai  sản xuất lúa theo mô hình “Cánh đồng chất lượng cao” tại huyện Đức Linh 5 ha, Tuy Phong 150 ha, Bắc Bình 135 ha, Hàm Thuận Bắc 40 ha, Hàm Thuận Nam 25 ha. Để sản xuất lúa gạo bền vững, phát động mô hình cánh đồng mẫu lớn trên toàn tỉnh, sẽ mở rộng thêm 3.000 ha gắn với xây dựng nông thôn mới,  trong đó Đức Linh 1.500 ha ; Tánh Linh 1.000 ha. 

+ Cây chất bột: Diện tích gieo trồng 342 ha, giảm 21,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cây khoai lang 287 ha (giảm 19,2%).

+ Cây rau, đậu, cây cảnh: Diện tích gieo trồng đạt 7.543 ha, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, rau các loại 2.842 ha (giảm 10%); đậu các loại và dưa lấy hạt 1.449 ha (giảm 23,5%).

Diện tích trồng một số cây chất bột, đậu các loại, dưa lấy hạt giảm so với cùng kỳ do không chủ động được nguồn nước (chủ yếu nhờ vào mưa mới sản xuất).

+ Cây công nghiệp ngắn ngày: Diện gieo trồng đạt 7.356 ha, tăng 11,7% so với cùng kỳ, trong đó cây mè 5.313 ha (tăng 11,3%), đậu phụng 2.013 ha, (tăng 11,6). Nguyên nhân tăng do từ cuối tháng 5 đến nay lượng mưa trãi đều trên diện rộng, đảm bảo đủ nguồn nguồn nước tưới và độ ẩm của đất.

Tiến độ sản xuất vụ mùa: Song song với thu hoạch vụ hè thu; một số các địa phương đã gieo trồng vụ mùa 2014. Đến nay, đã gieo trồng được 1.038 ha. Các giống lúa đang được sử dụng là: ML48, TH6, ML202, ML214, AS 996, tập đoàn OM, IR 62032, OMCS 2000, VND 95-20...

Tình hình sâu bệnh:

- Trên lúa: Trong tháng rầy nâu gây hại trên cây lúa ở giai đoạn đẻ nhánh mật độ 800 – 1.500 con/m2 với diện tích nhiễm là 390 ha, gây hại ở huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình; Sâu cuốn lá gây hại rải rác trên lúa giai đoạn làm đòng – trỗ bông mật độ 8-10 con/m2 với diện tích nhiễm bệnh là 383 ha gây hại ở các huyện Tánh Linh, Đức Linh, Tuy Phong, Bắc Bình, Phan Thiết, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam; diện tích nhiễm bệnh vàng lá, cháy bìa lá 1.384 ha giai đoạn đang đẻ nhánh phân bổ các huyện Tánh Linh, Đức Linh, La Gi, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, La Gi; diện tích nhiễm bệnh đạo ôn lá 780 ha ở giai đoạn đẻ nhánh, đang trổ, phân bố ở các huyện Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Tân, La Gi; bệnh lem lép hạt nhiễm 570 ha trên phạm vi toàn vùng, 

- Trên cây mì diện tích nhiễm bệnh cháy lá, vàng lá, nhiễm bệnh 450 ha, phân bố chủ yếu tại huyện Hàm Tân.

- Các cây trồng khác như Thanh long nhiễm bệnh đốm trắng (đốm nâu – tắc kè) diện tích nhiễm 2.277 ha, trong đó 200 ha nhiễm nặng với tỉ lệ bệnh 30 – 50% tại huyện Hàm Thuận Bắc và ở mức độ nhiễm nhẹ là 2.077 ha phân bổ trên toàn vùng trồng thanh long; bệnh thán thư 307 ha gây hại rải rác ở các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, La Gi; bệnh vàng cành, cháy cành diện tích nhiễm bệnh 490 ha toàn vùng trồng thanh long trong tỉnh; diện tích nhiễm kiến, bọ trĩ, bọ xít 488 ha phân bổ các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình, La Gi.

- Cây điều diện tích nhiễm sâu các loại 139 ha phân bổ ở La Gi, Hàm Tân. Bệnh Thán thư diện tích nhiễm 50 ha phân bổ ở  Hàm Tân.

Một số cây trồng lâu năm phát triển và giá tiêu thụ trong tháng như sau: 

- Thanh long: Thời tiết trong tỉnh biến động thất thường, trên cây thanh long xuất hiện nhiều sâu bệnh như: thán thư, vàng cành, thối cành, đốm trắng (nấm tắt kè)… làm năng suất và chất lượng trái giảm. Trong tháng, giá bán giảm mạnh, bình quân 1 kg (loại xuất khẩu) được thương lái thu mua từ 5 - 6 ngàn đồng (giảm 10 ngàn đồng so với tháng trước). Nguyên nhân giảm chủ yếu do đang rộ mùa chính vụ sản lượng thu hoạch lớn, sâu bệnh phát sinh, chất lượng trái xuất khẩu giảm.

- Cao su: hiện đang là thời điểm thu hoạch mủ. Từ đầu năm 2014 đến nay giá bán mủ cao su liên tục xuống thấp, bình quân 1 kg (mủ tươi) có giá từ 7 - 9 ngàn đồng (giảm 6 - 8 ngàn đồng so với cùng kỳ). Tuy nhiên trên địa bàn tỉnh chưa có hiện tượng chặt bỏ để thay thế cây trồng khác, thay vào đó nhà vườn cắt giảm thu hoạch. Đối với diện tích đang khai thác, chuyển từ chế độ cạo d2 (2 ngày cạo một lần) sang chế độ cạo d3 (3 ngày cạo một lần) nhằm giảm bớt chi phí và tăng thời gian nghỉ dưỡng cho cây. Đối với diện tích chuẩn bị khai thác, đa số nhà vườn tạm dừng khai thác để tiếp tục chăm sóc, chờ đến thời điểm giá cao su được cải thiện sẽ đưa vào khai thác. 

- Cây trôm: Tập trung chủ yếu ở vùng đất cát xã Vĩnh Hảo (huyện Tuy Phong) và rải rác ở một số địa phương trong tỉnh. Mủ trôm có giá trị kinh tế cao nên một số bà con đang đầu tư mở rộng trồng mới. Diện tích toàn tỉnh dự tính sẽ tăng thêm trong thời gian tới.

Phát triển kinh tế trang trại

Theo kết quả điều tra trang trại thời điểm 01/7/2014, toàn tỉnh có 561 trang trại (tăng 120 trang trại so với năm 2013), trong đó, trang trại trồng trọt tăng 108 trạng trại, trang trại chăn nuôi tăng 19 trang trại; trang trại thuỷ sản và trang trại tổng hợp giảm 7 trang trại. Ở trang trại trồng trọt chủ yếu tăng trang trại cây lâu năm (cao su và thanh long), do trong mấy năm trở lại đây sản lượng cây cao su, cây thanh long được mùa góp phần làm tăng năng suất và sản lượng, bên cạnh đó giá mủ cao su và giá trái cây thanh long trên thị trường tiêu thụ ở mức cao góp phần làm tăng giá trị sản lượng hàng hoá đạt 700 triệu đồng/năm.

Tổng diện tích của các trang trại là 3.263,28 ha, trong đó trang trại trồng trọt chiếm đến 89,0% diện tích (năm 2013 chiếm 89,9% diện tích); trang trại chăn nuôi chiếm 9,5% (năm 2013 chiếm 6,1%); trang trại thuỷ sản chiếm 1,5% (năm 2013 chiếm 2,2%). Diện tích bình quân một trang trại là 5,82 ha; trong đó trang trại trồng trọt 5,84 ha, trang trại chăn nuôi 5,63 ha, trang trại thuỷ sản là 5,41 ha.

Các trang trại đã tạo việc làm thường xuyên cho cho 6.045 lao động, trong đó trang trại trồng trọt tạo ra việc làm nhiều nhất, lao động thường xuyên của trang trại là 2.517 lao động và lao động thuê ngoài thời vụ là 2.644 lao động. Lao động thuê mướn chủ yếu là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo, chỉ có khả năng đảm nhiệm những công việc giản đơn, những công việc đòi hỏi có trình độ chuyên môn, kỹ thuật thì lao động thường xuyên và lao động của chủ trang trại đảm nhiệm. Việc sử dụng lao động làm thuê đã góp phần tạo việc làm tăng thu nhập cho một bộ phận lao động dư thừa ở khu vực có trang trại, 

Tổng giá trị hàng hoá và dịch vụ của các trang trại trong năm 2014 đạt 1.398,8 tỷ đồng, tăng 53,6% so năm 2013, bình quân 1 trang trại đạt 2,49 tỷ đồng (năm 2013 là 2,06 tỷ đồng/trang trại). Trong đó, trang trại trồng trọt đạt 1,42 tỷ đồng (năm 2013 là 1,1 tỷ đồng); trang trại chăn nuôi đạt 11,24 tỷ đồng (năm 2013 là 9,9 tỷ đồng); trang trại thuỷ sản đạt 8,38 tỷ đồng (năm 2013 là 9,2 tỷ đồng).

Thực trạng kinh tế trang trại của tỉnh vẫn gặp không ít khó khăn. Nhiều trang trại chưa đạt hiệu quả kinh tế cao do chất lượng hàng hoá và tính cạnh tranh còn thấp, thiếu sự gắn kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; khả năng nắm bắt thị trường còn kém. Nguồn vốn đầu tư của các trang trại chủ yếu là vốn tự có của chủ hộ, hầu hết các trang trại khó tiếp cận với nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng và cũng chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ đất đai, đào tạo bồi dưỡng, tập huấn kỹ thuật. Do không được hưởng hoặc hưởng rất ít các chính sách ưu đãi đối với kinh tế trang trại nên trong những năm gần đây không mấy hộ tha thiết việc đăng ký xin cấp, cấp đổi giấy chứng nhận kinh tế trang trại.

Chăn nuôi:  

Do đang vào mùa mưa, nguồn cỏ tự nhiên dồi dào đàn trâu, bò phát triển khá tốt. Tuy vậy, trong những năm gần đây, diện tích đồng cỏ tự nhiên trên địa bàn tỉnh ngày càng thu hẹp, nên xu hướng người chăn nuôi chỉ ổn định về tổng đàn, không phát triển thêm. Đàn heo tiếp tục phát triển tốt. Trong tháng,  giá heo hơi ổn định ở mức cao; chi phí về thức ăn, con giống, dịch vụ thú y tương đối ổn định; tình hình bệnh dịch không xảy ra nên người chăn nuôi tiếp tục mở rộng phát triển tổng đàn. Đàn gia cầm đã khôi phục dần sau khi tình hình dịch cúm gia cầm tạm lắng.

Qua kết quả điều tra thời điểm 01/7/2014, tổng đàn heo có 240.804 (giảm 2,12% so với thời điểm 01/4/2014); trong đó tổng đàn lợn của các trang trại là 49.457 con (giảm 19,5%), tổng đàn lợn của các doanh nghiệp là 28.298 con (tăng 20,21%).

Đàn gia cầm, tổng đàn gia cầm thời điểm 1/7/2014 là 2.655,5 ngàn con, (tăng 0,75% so thời điểm 1/4/2014). Nhìn chung, đàn gia cầm có xu hướng phục hồi sau khi dịch cúm gia cầm được khống chế. 

Sản phẩm xuất chuồng trong 6 tháng qua đạt 10.120 tấn, trong đó: Sản lượng thịt lợn đạt 8.291 tấn; sản lượng gia cầm đạt 1.829 tấn; sản lượng trứng gia cầm đạt 15,1 triệu quả.

Trong tháng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, không xảy ra các bệnh nguy hiểm. Một số bệnh thông thường có xảy ra ở mức độ nhỏ, bệnh truyền nhiễm xảy ra trên đàn heo ở mức độ lẻ tẻ, không có dấu hiệu lây lan thành dịch, phần lớn được điều trị khỏi. 

Công tác tiêm phòng; kiểm dịch động vật; kiểm soát giết mổ; phúc kiểm sản phẩm động vật được duy trì đều. Trong tháng đã tiêm phòng 764.341 liều vắc xin (trong đó: đàn trâu, bò 741 liều; đàn heo 51.923 liều; đàn gia cầm 710.800 liều). Kiểm dịch động vật: Heo 74.685 con; Trâu bò 189 con; Gia cầm 34,2 ngàn con. Kiểm soát giết mổ: Trâu bò 57 con; Heo 2.368 con; Gia cầm 14,202 con. Phúc kiểm sản phẩm động vật: thịt trâu bò 1.571 kg; thịt heo 8.902 kg; thịt gia cầm 47.660 kg; trứng gia cầm 164.500 quả.

2. Lâm nghiệp: 

Trong tháng, đã trồng mới 1.427 ha rừng sản xuất. Cơ cấu cây trồng tập trung chủ yếu là Keo lai, Keo lá liềm, Bạch đàn, Phi lao. Hiện các đơn vị đang chăm sóc cây giống và tiếp tục làm đất, xuống giống cho kế hoạch trồng 2.400 ha rừng năm nay. Các đơn vị được cấp phép khai thác gỗ và lâm sản đã thực hiện được 513,4 m3 gỗ.

3. Thủy sản: 

Ngư trường trong tháng khá thuận lợi. Sản lượng khai thác trong tháng ước đạt 22,5 ngàn tấn; luỹ kế 8 tháng đạt 123,7 ngàn tấn, tăng 3,6% so cùng kỳ, trong đó cá 73,4 ngàn tấn (tăng 0,9%), tôm 2,5 ngàn tấn (tăng 6,4%), mực 21,1 ngàn tấn (tăng 0,8%).

Diện tích nuôi trồng mới trong tháng ước đạt 180 ha, trong đó có 130 ha diện tích nuôi tôm nước lợ và 50 ha nuôi nước ngọt. Sản lượng thủy sản nuôi trồng thu hoạch trong tháng ước đạt 813 tấn, luỹ kế 8 tháng đầu năm đạt 8.883 tấn (tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước); trong đó sản lượng nuôi nước mặn, lợ đạt 5.487 tấn (tăng 2,2%), sản lượng nuôi nước ngọt 3.395 tấn (tăng 17,5%) so cùng kỳ. Trong tháng điều kiện thời tiết thuận lợi, mưa nhiều nên nhiều vùng đã tiếp tục thả giống. Tuy vậy, một số khu vực nuôi cũng còn hiện tượng tôm chết rãi rác trong ao nhưng chưa phát hiện dịch bệnh. 

Giá tôm thẻ thương phẩm trong tháng tiếp tục tăng, hiện ở mức giá 130 – 150 ngàn đồng/kg (so cùng kỳ năm trước tăng 20 ngàn đồng/kg) 

Sản xuất giống thuỷ sản: Ước 8 tháng sản lượng thu hoạch và tiêu thụ đạt 10.820 triệu post, tăng 5,6%, so cùng kỳ. Giá tôm giống tiếp tục ổn định (đang ở mức từ 45-80 đồng/con).

Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản thường xuyên được tăng cường. Trong 8 tháng đã xử lý 308 vụ vi phạm, thu phạt và nộp ngân sách nhà nước 1,45 tỷ đồng.

II. Công nghiệp; Đầu tư phát triển :

1. Công nghiệp: 

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 8 tháng đầu năm 2014 so với cùng kỳ năm trước ước đạt 105,1% (tăng 5,1% so với 8 tháng năm trước). 

Tính theo giá so sánh 2010, dự ước giá trị sản xuất công nghiệp 8 tháng đạt 11.913,1 tỷ đồng (tăng 8,1% so với 8 tháng năm trước); trong đó công nghiệp khai khoáng 565,6 tỷ đồng (tăng 16,8%); công nghiệp chế biến chế tạo 7.856 tỷ đồng (tăng 7,7%); sản xuất và phân phối điện đạt 3.390,1 tỷ đồng (tăng 7,6%); cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý nước thải, rác thải đạt 101,4 tỷ đồng (tăng 8,1%). 

Trong các sản phẩm sản xuất, các sản phẩm tăng so với cùng kỳ năm trước là: khai thác cát xây dựng tăng 1,8% (so với 8 tháng năm trước), đá xây dựng (tăng 10,0%), thủy sản đông lạnh (tăng 2,8%), thủy sản khô (tăng 0,5%), nước uống đóng chai (tăng 2,7%), nước đá (tăng 4,1%), nước máy sản xuất (tăng 4,5%), muối hạt (tăng 1,4%), hàng may mặc (tăng 17,5%), điện sản xuất (tăng 4,6%). Các sản phẩm giảm là: gạch nung (giảm 11,4%), nước mắm (giảm 0,9%), hạt điều nhân (giảm 6,4%), đường (giảm 4,9%). 

Kết quả trên cho thấy sản xuất công nghiệp giữ ổn định. Các sản phẩm may mặc, muối hạt, thuỷ sản đông, thuỷ sản khô tiếp tục duy trì được thị trường xuất khẩu; đá xây dựng tăng khá do nhu cầu xây dựng mở rộng Quốc lộ 1A; sản lượng điện phát ra ổn định; chế biến các sản phẩm lương thực, thực phẩm tiếp tục tăng do thị trường tiêu thụ trong tỉnh được giữ vững. 

2. Đầu tư phát triển: 

Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn nhà nước 8 tháng ước đạt 803 tỷ đồng (đạt 56,9% so với kế hoạch năm); trong đó: Vốn ngân sách cấp tỉnh 564 tỷ đồng (đạt 56,6% KH năm); Vốn ngân sách cấp huyện 197 tỷ đồng (đạt 60,1% KH năm); Vốn ngân sách cấp xã 42 tỷ đồng (đạt 47,6% KH năm). 

Tiến độ thực hiện một số công trình trọng điểm đến cuối tháng 7/2014 như sau:

* Dự án đường Hùng Vương (Phan Thiết): (đoạn từ vòng xoay đường Tôn Đức Thắng đến giáp đường 706B): Dự án có tổng mức đầu tư 288,2 tỷ đồng, trong đó: 

+ Đoạn 1: (Qua khu dân cư Hùng Vương II): Dự án có tổng mức đầu tư 62,2 tỷ đồng (trong đó: xây lắp 46,1 tỷ đồng). Hiện nay đang triển khai thi công được 500m/889m. Lũy kế giá trị thực hiện đến nay 15,8 tỷ đồng, giải ngân 7,7 tỷ đồng. Đoạn còn lại 200 m (có 24 hộ), đang triển khai công tác đền bù giải tỏa mặt bằng.

+ Đoạn 2  (Qua khu dân cư Hùng Vương II, giai đoạn 2A): Đã cơ bản xong công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Đến nay đã thi công được  270m/420m nền đường hạ, chuẩn bị thảm bê tông nhựa, hiện đang triển khai thi công 150m còn lại.

+ Đoạn 3 (Qua khu dân cư Hùng Vương II, giai đoạn 2B): Dự án có tổng mức đầu tư 34,1 tỷ đồng (trong đó: xây lắp 21,8 tỷ đồng). Đang triển khai công tác giải phóng mặt bằng.

+ Cầu Hùng Vương: Dự án có tổng mức đầu tư 88,6 tỷ đồng (trong đó: xây dựng 52,7 tỷ); hiện đang triển khai thi công, lũy kế giá trị thực hiện đến nay 35,4 tỷ đồng, giải ngân 34,8 tỷ đồng. Hiện công trình tạm dừng thi công do vướng đền bù giải tỏa mặt bằng

* Dự án đường quốc lộ 55:

Dự án có tổng mức đầu tư 1.511,5 tỷ đồng, gồm có 11 gói thầu xây lắp, đến nay đã thi công hoàn thành và nghiệm thu đưa vào sử dụng xong gói thầu số 1, 2; đang triển khai thi công 05 gói thầu. Lũy kế giá trị thực hiện đến nay 851 tỷ đồng, giải ngân 775 tỷ đồng. Khó khăn hiện nay là còn vướng đền bù giải tỏa đoạn tuyến qua khu vực Hàm Tân, Tánh Linh.

* Dự án kè chống xói lở bảo vệ bờ biển đảo Phú Quý (Kè giai đoạn 2): 

Dự án có tổng mức đầu tư 393,2 tỷ đồng, hiện đang triển khai thi công gói thầu số 4 và gói thầu số 12; lũy kế giá trị thực hiện đến nay 165,1 tỷ đồng, giải ngân 198 tỷ đồng.  Nhìn chung, Đơn vị thi công thực hiện công trình chậm so với vốn đã bố trí.

* Dự án cấp nước Trung tâm điện lực Vĩnh Tân: 

Dự án có tổng mức đầu tư 230,9 tỷ đồng, lũy kế giá trị thực hiện đến nay khoảng 80,0 tỷ đồng, giải ngân 52,4 tỷ đồng. Khó khăn hiện nay là công trình chưa được trung ương bố trí vốn năm 2014.

* Dự án kênh tiếp nước Biển Lạc- Hàm Tân:

Dự án có tổng mức đầu tư 376,9 tỷ đồng, đang triển khai thi công; lũy kế giá trị thực hiện đến nay khoảng 190,4 tỷ đồng, giải ngân 164,1 tỷ đồng. Khó khăn hiện nay là công trình bố trí vốn năm 2014 còn thấp so với nhu cầu đầu tư của dự án.

* Dự án Khu công nghiệp Sông Bình:

Đến nay đã hoàn thành san lấp mặt bằng được 300ha/300ha và đang thi công các hạng mục cơ sở hạ tầng khu công nghiệp.

Đăng ký  kinh doanh và đăng ký đầu tư: 

Trong tháng đã cấp đăng ký mới cho 31 doanh nghiệp và điểm kinh doanh; cấp đăng ký thay đổi 72 doanh nghiệp; thông báo giải thể và xóa tên trong sổ đăng ký kinh doanh 05 doanh nghiệp, 04 chi nhánh; thông báo tạm ngừng hoạt động 05 doanh nghiệp (Luỹ kế từ đầu năm đến nay, đã cấp đăng ký mới 326 Doanh nghiệp và chi nhánh; cấp thay đổi 564 doanh nghiệp; thông báo giải thể 77 doanh nghiệp, chi nhánh và xác nhận tạm ngưng hoạt động cho 43 doanh nghiệp). Triển khai thực hiện đăng công bố thông tin doanh nghiệp trên cổng thông tin quốc gia theo quy định tại Thông tư 106/2013 ngày 09/8/2013 của Bộ Tài chính và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Cấp giấy chứng nhận đầu tư trong tháng cho 02 dự án và cấp điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư 05 dự án, với tổng vốn đăng ký thực hiện tăng 178 tỷ đồng (Lũy kế từ đầu năm đến nay, có 38 dự án được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư và 35 dự án được cấp điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký thực hiện án 2.508 tỷ đồng). Trong tháng, đã thu hồi 03 dự án (02 dự án công nghiệp và 01 dự án dịch vụ); lũy kế từ đầu năm đến nay, đã thu hồi 17 dự án (10 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp - thủy sản, 02 dự án du lịch, 03 dự án Công nghiệp, 02 dự án dịch vụ) và  01 chủ trương cho nghiên cứu khảo sát lập dự án lĩnh vực du lịch.

III. Thương mại, Giá cả; Du lịch; Xuất nhập khẩu; Giao thông vận tải, Thông tin truyền thông

1. Thương mại, Giá cả : 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 8/2014 ước đạt 1.720 tỷ đồng; luỹ kế 8 tháng đạt 14.172 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tăng 8,1%). 

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2014 là 100,12% (tăng 0,12% so với tháng trước). So với tháng 12/2013, chỉ số giá tiêu dùng là 102,88% (sau 8 tháng tăng 2,88%). Nhìn chung so với đầu năm, hầu hết các nhóm hàng đều tăng, song tăng ở mức thấp trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; đồ uống và thuốc lá; may mặc, mũ nón, giày dép; thiết bị đồ dùng gia đình; giao thông tăng cao hơn so với mức tăng chung (tăng trên 2,88% so với tháng 12/2013). Nếu so với cùng kỳ năm trước (sau 1 năm) thì chỉ số giá tiêu dùng là 105,30% (tăng 5,30%); trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, may mặc, mũ nón, giầy dép, nhà ở và vật liệu xây dựng, thiết bị và đồ dùng gia đình tăng cao hơn mức tăng chung. Nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép là nhóm tăng cao nhất (tăng 8,0%).

Công tác Quản lý thị trường được duy trì thường xuyên. Trong 7 tháng, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 1.700 vụ, phát hiện và xử lý 839 vụ vi phạm; đã xử phạt vi phạm hành chính và thu nộp ngân sách Nhà nước 4,4 tỷ đồng. 

2. Du lịch :  

Hoạt động du lịch giữ ổn định. Trong những tháng gần đây lượt khách quốc tế đến không nhiều, tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch chậm lại do nhiều nguyên nhân khách quan, nhất là sự sụt giảm mạnh khách Trung Quốc và khách đến từ các nước nói tiếng Hoa. Dự ước tháng 8/2014 có 306,7 ngàn lượt khách (trong đó có 301,2 ngàn lượt khách lưu trú với 432 ngàn ngày khách); riêng khách quốc tế có 32,2 ngàn lượt khách với 81 ngàn ngày khách.

Luỹ kế 8 tháng, có 2.468 ngàn lượt khách đến (trong đó có 2.423 ngàn lượt khách lưu trú, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước) với 3.557 ngàn ngày khách (tăng 8,7%); riêng khách quốc tế có 281 ngàn lượt khách với 714 ngàn ngày khách

Khách du lịch quốc tế tháng 7/2014 đến Bình Thuận có 93 nước, khu vực; trong đó du khách Nga chiếm tỷ trọng đông nhất (26,3%), kế đến là Mỹ (7,3%), Hàn Quốc (8,6%). Khách du lịch Trung Quốc trong những tháng gần đây ít dần, cơ cấu đạt thấp hơn so với thời gian trước đó (tháng 7/2014 chỉ chiếm tỷ trọng 4,2%)

Doanh thu du lịch tháng 8/2014 ước đạt 411 tỷ đồng; luỹ kế 8 tháng đạt 3.987 tỷ đồng (tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước).

3. Xuất nhập khẩu: 

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2014 ước đạt 26,2 triệu USD; luỹ kế 8 tháng đạt 174,6 triệu USD, tăng 8,6% so cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm hàng thuỷ sản đạt 74,1 triệu USD (tăng 36,6% so với cùng kỳ năm trước), hàng nông sản đạt 13,3 triệu USD (giảm 50%), hàng hoá khác 87,2 triệu USD (tăng 9,2%); với một số mặt hàng chủ yếu: hải sản đông 10.267 tấn; hải sản khô 871 tấn; nhân hạt điều 256 tấn; quả thanh long 9.387 tấn; cao su 597 tấn; hàng may mặc 67,3 triệu USD. 

Xuất khẩu trực tiếp 8 tháng ước đạt 153,3 triệu USD, tăng 6,0% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: 

- Xuất sang thị trường Châu Á ước đạt 105,6 triệu USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 68,9% tổng kim ngạch xuất khẩu trực tiếp trong đó: Thị trường Đông Á đạt 95,4 triệu USD (tăng 18% so với cùng kỳ năm trước); riêng thị trường Nhật Bản đạt 63,4 triệu USD (tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước). Thị trường Đông Nam Á đạt 6,2 triệu USD (giảm 30,1% so với cùng kỳ năm trước). Thị trường Tây Á đạt 3,8 triệu USD (giảm 30,4% so với cùng kỳ năm trước) 

- Xuất sang thị trường Châu Âu ước đạt 32,7 triệu USD, giảm 12,2% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 21,3% tổng kim ngạch xuất khẩu trực tiếp; trong đó: Thị trường Tây Âu đạt 16,3 triệu USD (giảm 18% so cùng kỳ năm trước); riêng thị trường Đức đạt 6,8 triệu USD (giảm 25,9%), thị trường Pháp đạt 4,9 triệu USD (giảm 8,9% so với cùng kỳ năm trước). Thị trường Nam Âu đạt 10,7 triệu USD (tăng 40,3% so với cùng kỳ năm trước), chủ yếu ở thị trường Italia. Thị trường Bắc Âu đạt 5,7 triệu USD (giảm 34,6% so với cùng kỳ năm trước), chủ yếu ở thị trường Anh. 

- Xuất sang thị trường Châu Mỹ ước đạt 12,4 triệu USD (tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước), chiếm tỷ trọng 8,1% tổng kim ngạch xuất khẩu trực tiếp; trong đó thị trường Bắc Mỹ đạt 12,2 triệu USD (tăng 30,8% so với cùng kỳ).

Ủy thác xuất khẩu đạt 21,3 triệu USD (tăng 31,3% so với cùng kỳ năm trước); tập trung chủ yếu ở nhóm hàng may mặc và gạo.

Kết quả trên cho thấy xuất khẩu hàng thủy sản tăng khá cao. Kim ngạch xuất sang thị trường Châu Á, Châu Mỹ tăng khá. Tuy vậy kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt thấp so với cùng kỳ năm trước do các mặt hàng nhân hạt điều, quả thanh long, cao su giảm khá lớn. Những khó khăn xuất các mặt hàng nông sản trên khả năng còn kéo dài (nhất là những mặt hàng xuất chủ yếu sang thị trường Trung Quốc). Trong nhóm hàng hoá khác, các sản phẩm may mặc, đồ gỗ duy trì được thị trường khá ổn định. 

Xuất khẩu dịch vụ du lịch tháng 8/2014 ước đạt 8,6 triệu USD; luỹ kế 8 tháng đạt 80,8 triệu USD; tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.  

Nhập khẩu tháng 8/2014 ước đạt 9,5 triệu USD; luỹ kế 8 tháng đạt 80,8 triệu USD, tăng 2,5% so cùng kỳ năm trước, trong đó máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu đạt 60,5 triệu USD (tăng 9% so với cùng kỳ năm trước).

4. Giao thông vận tải: 

Vận tải hàng hoá, hành khách tiếp tục ổn định và phát triển. Ước tính tháng 8/2014, khối lượng luân chuyển hàng hóa đường bộ đạt 30,7 triệu tấnkm; luân chuyển hàng hoá đường thủy đạt 71 ngàn tấnkm; luân chuyển hành khách đường bộ đạt 69,2 triệu lượt ngườikm; luân chuyển hành khách đường thuỷ đạt 298 ngàn lượt ngườikm

 Luỹ kế 8 tháng, khối lượng luân chuyển hàng hóa đường bộ đạt 225,4 triệu tấnkm (tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước); luân chuyển hàng hoá đường thủy đạt 697 ngàn tấnkm (tăng 8,2%); luân chuyển hành khách đường bộ đạt 515,6 triệu lượt ngườikm (tăng 10,1%); luân chuyển hành khách đường thuỷ đạt 2.240 ngàn lượt ngườikm (tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước).

Công tác tuần tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông, bảo vệ công trình giao thông, hành lang an toàn đường bộ luôn được duy trì thường xuyên. Đã xử lý nghiêm các lỗi vi phạm và các phương tiện chở quá khổ, quá tải. Trong 7 tháng, số vụ tai nạn và va chạm giao thông xảy ra 437 vụ (cùng kỳ năm trước xảy ra 646 vụ); gây thương tích 369 người (cùng kỳ năm trước 569 người); gây chết 140 người (cùng kỳ năm trước 196 người). 

IV. Thu, chi ngân sách; Hoạt động tín dụng: 

1. Thu, chi ngân sách: 

Thu ngân sách trên địa bàn tháng 8/2014 ước đạt 530 tỷ đồng; luỹ kế 8 tháng 4.436,9 tỷ đồng, đạt 68,6% dự toán năm, (giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước). Nếu loại trừ thu từ dầu thô và thuế xuất nhập khẩu thì kết quả thu nội địa đạt 2.511,6 tỷ đồng, đạt 65,5% dự toán năm, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu thuế phí 2.303,7 tỷ đồng (đạt 67,6% DT năm; tăng 9,6% so cùng kỳ năm trước). 

Trong thu ngân sách, dự ước các khoản thu 8 tháng đạt và tăng (giảm) so với cùng kỳ năm trước như sau: thu từ doanh nghiệp nhà nước 473,1 tỷ đồng (tăng 47,8% so với cùng kỳ năm trước); thu ngoài quốc doanh 557,7 tỷ đồng (giảm 7,8%); thu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 308,2 tỷ đồng (tăng 52,9%), thu thuế thu nhập cá nhân 127 tỷ đồng (tăng 2,7%); thu xổ số kiến thiết 349,6 tỷ đồng (tăng 37,6%); các loại phí, lệ phí 113,8 tỷ đồng (giảm 42,8%); thu tiền sử dụng đất 207,9 tỷ đồng (tăng 46,7%), thuế xuất nhập khẩu 213,6 tỷ đồng (giảm 67,8%), thu từ dầu thô 1.712 tỷ đồng (tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước). 

Trong những tháng qua, ngành Thuế đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý thuế; khai thác nguồn thu mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu; xử lý nợ đọng thuế có hiệu quả; đẩy mạnh khai thác nguồn thu từ đất, quản lý kê khai thuế qua mạng Internet, hạn chế tình trạng nợ đọng thuế. Một số khoản thu đạt thấp ngoài ảnh hưởng cơ chế chính sách miễn giảm còn có nguyên nhân khó khăn khác như: giá khoáng sản (titan), một số mặt hàng nông sản giảm. Thu thuế nhập khẩu thấp so với năm trước do năm nay Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân nhập thiết bị về rất ít.

Ước chi ngân sách địa phương tháng 8/2014 đạt 448 tỷ đồng ; luỹ kế 8 tháng đạt 5.275 tỷ đồng, đạt 85,8% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển 1.039 tỷ đồng; chi thường xuyên 2.769 tỷ đồng (đạt 66,4% dự toán năm). Trong chi ngân sách, đã bám sát theo Nghị quyết HĐND Tỉnh, ưu tiên chi đầu tư phát triển; đảm bảo thanh toán khối lượng công trình trọng điểm, các khoản chi lương, phụ cấp lương, kinh phí chi thường xuyên cho hoạt động bộ máy hành chính, các chính sách an sinh xã hội, các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh và đảm bảo kinh phí nhiệm vụ an ninh- quốc phòng của địa phương.

2. Hoạt động tín dụng:

Đến 31/7/2014, vốn huy động đạt 17.554 tỷ đồng, tăng 11,5% so với đầu năm, trong đó: tiền gửi tiết kiệm chiếm 83,7% nguồn vốn huy động toàn địa bàn. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn chấp hành nghiêm túc quy định trần lãi suất huy động ngắn hạn theo Thông tư 06,07 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Dư nợ cho vay đạt 20.114 tỷ đồng, tăng 8,9% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5) chiếm 1,73% tổng dư nợ.

Vốn tín dụng được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, trong đó: dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 5.289 tỷ đồng (chiếm 26,3% tổng dư nợ toàn địa bàn); dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 628 tỷ đồng (chiếm 3,1%); dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 4.921 tỷ đồng (chiếm 24,5%); dư nợ cho vay tiêu dùng 2.351 tỷ đồng (chiếm 11,7%)

Trong 7 tháng đầu năm, các tổ chức tín dụng đã gia hạn, điều chỉnh kỳ hạn nợ cho 480 khách hàng với dư nợ đạt 1.056 tỷ đồng; điều chỉnh giảm lãi suất các hợp đồng tín dụng cũ về mức lãi suất hiện hành của đơn vị đạt 5.366 tỷ đồng/16.659 khách hàng; miễn giảm lãi 991 triệu đồng/14 khách hàng; xoá gốc và lãi cho 1.136 khách hàng với số tiền 6.196 triệu đồng.

Ước đến 31/8/2014, nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đạt 17.693 tỷ đồng, tăng 12,5% so với đầu năm; dư nợ cho vay đạt 20.323 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. 

Nhìn chung hoạt động các tổ chức tín dụng trên địa bàn ổn định, góp phần tích cực trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Đã triển khai thực hiện kịp thời chính sách tín dụng và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường; tiếp tục mở rộng tín dụng, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tiếp cận vay vốn ngân hàng, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Công tác thanh toán không dùng tiền mặt với các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại ngày càng phát triển sâu rộng, hỗ trợ tích cực cho việc trả lương qua tài khoản. 

V. Một số vấn đề xã hội:

1. Văn hóa, Thể thao :

Hoạt động văn hoá, thể thao được duy trì thường xuyên. Trong tháng đã tập trung phục vụ nhiệm vụ chính trị với các chủ đề: Kỷ niệm ngày Thương binh, liệt sỹ 27/7, ngày Công đoàn Việt Nam 28/7; 69 năm Cách mạng tháng Tám (19/8) và 60 năm ngày ký Hiệp định Giơnevơ (20/7) ... với 1.500 giờ phát thanh, 1.100m2 panô, 1.420m băng rôn, phát hành 550 bản tin, treo 1.190 m2  phướn khẩu hiệu, treo 800 lượt cờ các loại. Phát hành 900 tờ Tập san thông tin số 8/2014. Thành phố Phan Thiết đã tổ chức Lễ hội Nghinh Ông Quan Thánh năm 2014. 

Thư viện tỉnh cấp mới 190 thẻ bạn đọc (thiếu nhi 76 thẻ), phục vụ 11.267 lượt bạn đọc (thiếu nhi 2.969 lượt), luân chuyển 50.004 lượt tài liệu (thiếu nhi 27.350 lượt), bổ sung 468 bản sách mới; giới thiệu sách mới, sách chuyên để; tuyên truyền tài liệu về biển, đảo, với 650 bản sách và 33 trang tài liệu. Đã sưu tầm 79 tin, bài Tập Thông tin tư liệu Bình Thuận; 95 tin, bài chuyên mục Thông tin kinh tế. Tổ chức thi đố vui "Kiến thức mùa hè" cho thiếu nhi. 

Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận trong tháng đón và phục vụ 323 đoàn, với 19.975 lượt người, trong đó có 47 lượt khách nước ngoài. Phục vụ 18 lễ viếng. Bảo tàng tỉnh khảo sát, thăm dò, phát quật khảo cổ học tại xã Hồng Sơn (Hàm Thuận Bắc); hoàn chỉnh hồ sơ khoa học di tích lịch sử - văn hóa đền thờ Bà Chúa Ngọc xã Long Hải (Phú Quý); hoàn chỉnh thiết kế Đại trưng bày Nhà Trưng bày Bảo tàng tỉnh. Ban Quản lý di tích tháp Pô Sah Inư đón 16.339 lượt khách, trong đó có 1.492 khách nước ngoài; trưng bày hình ảnh, bản đồ cổ về biển đảo (số lượng 04 tấm), thu hút 1.000 lượt người xem. Trung tâm Trưng bày Văn hóa Chăm Bình Thuận đón 293 lượt khách tham quan. 

Hoạt động thể thao quần chúng duy trì đều. Đã phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể, hội, liên đoàn thể thao tỉnh tổ chức chào mừng kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2014) và 10 năm thành lập Công đoàn viên chức tỉnh Bình Thuận (26/7/2004 - 26/7/2014). 

Về hoạt động thể thao thành tích cao: Đã tham gia Giải Bóng đá Bãi biển Đại hội TDTT toàn quốc tại Khánh Hòa (xếp hạng 4 toàn đoàn); giải vô địch CLB mạnh toàn quốc tại Đắk Lắk (đạt 03 HCĐ); giải vô địch Cụm miền Đông Nam Bộ tại Vũng Tàu (đạt 02 HCB, 01 HCĐ); giải Judo Bình Dương mở rộng (đạt 03 HCB, 03 HCĐ); giải vô địch trẻ toàn quốc tại Đắk Lắk (đạt 01 HCĐ); giải vô địch các lứa tuổi trẻ toàn quốc tại Lào Cai (đạt 04 HCV, 01 HCB, 10 HCĐ). 

Trường Năng khiếu nghiệp vụ TDTT tỉnh đào tạo và quản lý 229 học sinh, tham gia các giải: Vô địch Taekowondo các lứa tuổi trẻ toàn quốc năm 2014 tại Lào Cai (đạt 01HCV, 07HCĐ); giải Cầu lông trẻ toàn quốc năm 2014 tại Thừa Thiên Huế (đạt 01 HCĐ đôi nam); giải Bóng rổ vô địch trẻ nam, nữ toàn quốc năm 2014 tại Đắk lắk (đạt 02 HCĐ); giải vô địch Vovinam Cụm miền Đông Nam bộ năm 2014 tại Bà Rịa - Vũng Tàu (đạt 02 HCV, 01 HCB, 03 HCĐ). 

Trong 8 tháng, tỉnh đã đạt được là 113 huy chương (đạt 129,9% kế hoạch), trong đó: 36/26 HCV (đạt 138% kế hoạch), 26/24 HCB (đạt 108% kế hoạch), 51/37 HCĐ (đạt 138% kế hoạch). 

2. Y tế : 

Ngành Y tế tiếp tục triển khai đẩy mạnh các hoạt động chương trình y tế Quốc gia. Công tác phòng chống bệnh dịch được tiếp tục chú trọng và theo dõi thường xuyên. Công tác phòng chống các bệnh xã hội; công tác phòng chống HIV/AIDS duy trì đều. Các bệnh dịch truyền nhiễm được giám sát chặt chẽ, nhất là dịch bệnh cúm A N5N1, H7N9, dịch sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng. Trong tháng có 48 cas sốt xuất huyết, tăng 20% so với tháng trước (luỹ kế 8 tháng có 317 cas không có cas tử vong). Số cas mắc tay chân miệng 72 cas, tăng 50% so với tháng trước (luỹ kế 8 tháng 290 cas). Số cas mắc sởi có 45 cas; mắc sốt rét 39 cas (giảm 20,4% so với tháng trước), không có cas mắc sốt rét ác tính và không có trường hợp tử vong. Số cas nhiễm HIV mới phát hiện trong tháng 8 cas (luỹ kế từ trước đến nay 4.494 cas); số chuyển AIDS mới 4 cas (luỹ kế từ trước tới nay 1.058 cas). Tỷ lệ trẻ em nhỏ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 7 bệnh trong tháng 2.662/23.392 trẻ (11,3%), tỷ lệ phụ nữ có thai được tiêm UV2+ trong tháng 2.150/23.392 (9,1%).  

Đã khám chữa bệnh 26.999 người (tăng 12,7 % so với cùng kỳ năm trước); số bệnh nhân điều trị nội trú: 4.576 người (tăng 8% so với cùng kỳ); chuyển viện 70 cas. Công suất sử dụng giường bệnh đạt 119%. Khám 20.481 lượt phát hiện bệnh phong; số bệnh nhân đang quản lý 530 người; khám 1.787 lượt bệnh lao, số bệnh nhân thu dung điều trị: 144, số bệnh nhân lao phổi AFB (+) mới: 77.

Trong tháng không có xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm. 

3. Lao động  Xã hội, Chính sách : 

Trong tháng, giải ngân 241 dự án với kinh phí là 2.888 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 241 lao động, nâng tổng số lao động vay vốn từ đầu năm đến nay là 761 người; thu hồi 2.967 triệu đồng; nợ quá hạn là 1.111 triệu đồng chiếm 1,6% tổng dư nợ (68.119,170 triệu đồng); nguồn vốn còn lại chưa cho vay 3.559 triệu đồng. Đi làm việc ở nước ngoài 4 lao động, nâng tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài lên 31 người; Triển khai tuyển chọn thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản đợt 2 năm 2014 cho các đơn vị trên địa bàn tỉnh, có 7 ứng viên đạt yêu cầu để tham gia khóa đào tạo tại Hà Nội, dự kiến xuất cảnh trong tháng 3/2015. Tiếp nhận đăng ký thất nghiệp của 376 lao động; tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp của 373 lao động; ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 556 lao động. Tuyển mới đào tạo nghề được 1.006 người, trong đó lao động nông thôn 655 người. Tổng số tuyển mới và đào tạo nghề (tính đến 10/8/2014) là 7.634 người (58,72% KH năm); trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 5.655 người (56,55% KH năm). Tham mưu UBND tỉnh: Cấp BHYT cho 182 trường hợp thuộc đối tượng tại Quyết định 290, Quyết định 62 và Nghị định 150 của Thủ tướng Chính phủ. Giải quyết trợ cấp chế độ thờ cúng liệt sĩ cho 116 trường hợp; cấp BHYT cho 98 người là thân nhân của người có công; giải quyết trợ cấp hàng tháng cho 15 trường hợp người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Đã vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được 6,014 tỷ đồng/6 tỷ đồng (100,23% KH); đưa 120 người có công đi tham quan Hà Nội. Vận động kinh phí hỗ trợ cho trẻ em 126 triệu đồng (đến nay vận động được 1,76 tỷ đồng, đạt 88% KH năm). 

Nhìn chung trong tháng công tác giải quyết việc làm đã đạt được một số kết quả nhất định; dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm tiếp tục hoạt động có hiệu quả, tạo cơ hội cho người lao động tìm kiếm được việc làm, nâng cao thu nhập. Công tác giải quyết nhà ở cho người có công và người nghèo tiếp tục được triển khai. Các chính sách an sinh xã hội đảm bảo tốt. 

4. . Phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số:

Đã thực hiện chính sách đầu tư ứng trước phân bón thuốc trừ bảo vệ thực vật cho cây bắp lai 1.500 hộ/2.810,5 ha ở địa bàn các xã Mỹ Thạnh, Hàm Cần (Hàm Thuận Nam), Đông Tiến, Đông Giang, La Dạ, Thuận Hòa (Hàm Thuận Bắc), Phan Sơn, Phan Lâm, Phan Tiến (Bắc Bình) và La Ngâu (Tánh Linh). Ký kết hợp đồng đầu tư ứng trước cho các hộ dân có cây cao su khai thác: Đông Giang 160 hộ/230 ha, La Dạ 60 hộ/86 ha. Hướng dẫn các đồng bào 02 xã Đông Giang và La Dạ phòng trừ sâu bệnh trên 10 tấn mủ cao su với giá trị 100 triệu đồng. 

Lũy kế 8 tháng đã thu mua được 50 tấn mủ cao su với giá trị trên 520 triệu đồng. Tiếp tục cung ứng hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống: 180 tấn phân bón các loại, 3,7 tấn thuốc bảo vệ thực vật, 14,7 tấn lúa giống, 45 tấn bắp giống, 18 tấn gạo các loại… Đồng thời điều chuyển vật tư, hàng hóa từ nơi thừa sang nơi thiếu, không để xảy ra tình trạng hàng hóa vật tư bị quá hạn sử dụng.

CTK




TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/