TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI
Tình hình kinh tế xã hội tháng 11 năm 2019

Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong tháng chủ yếu gieo trồng các loại cây hàng năm của vụ mùa; đến nay cơ bản đã kết thúc việc xuống giống, hiện đang trong giai đoạn chăm sóc, các loại cây trồng phát triển tốt, tình hình sản xuất xuất vụ mùa năm nay nhìn chung thuận lợi so vụ cùng kỳ, việc xuống giống được triển khai đồng loạt, hạn chế được sâu rầy phát triển.

I. Nông - Lâm - Thuỷ sản

1. Trồng trọt:

* Cây hàng năm:

Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong tháng chủ yếu gieo trồng các loại cây hàng năm của vụ mùa; đến nay cơ bản đã kết thúc việc xuống giống, hiện đang trong giai đoạn chăm sóc, các loại cây trồng phát triển tốt, tình hình sản xuất xuất vụ mùa năm nay nhìn chung thuận lợi so vụ cùng kỳ, việc xuống giống được triển khai đồng loạt, hạn chế được sâu rầy phát triển.

Tính đến ngày 15/11/2019 việc xuống giống vụ Mùa cơ bản đã kết thúc, diện tích gieo trồng trong vụ đạt 60.087,8 ha đạt 105,4% KH, tăng 1 % so với cùng kỳ. Riêng cây lúa 42.499,7 ha đạt 101,2% KH, bằng 97,4% so với vụ cùng kỳ; bắp 5.610,3 ha tăng 6,4% so cùng kỳ và đạt 93,5% KH; cây chất bột đạt 3.017,9 ha tăng 44,6% so vụ cùng kỳ (trong đó: cây lang 165,9 ha tăng 18,2% so vụ cùng kỳ; mỳ 2.504 ha tăng 63,9% so vụ cùng kỳ); rau các loại 2.821,8 ha tăng 11,8% so vụ cùng kỳ và đạt 112,9% KH; đậu các loại  3.061,2 ha, tăng 7,7% so vụ cùng kỳ và đạt 98,7% KH; cây hàng năm khác 612,9 ha đạt 102,2% KH tăng 12,3% so cùng kỳ.

* Cây lâu năm:

Hiện nay giá đầu ra sản phẩm một số cây chủ lực như cao su, tiêu,... chưa có chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, nấm bệnh trên diện tích cây tiêu đã ảnh hưởng đến việc phát triển diện tích cây này. Riêng cây thanh long hiện nhà vườn đang tập trung chong đèn cho ra hoa trái vụ.

Trong tháng, đã chứng nhận cho 40 tổ/nhóm, với tổng diện tích là 764,5 ha thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, diện tích chứng nhận mới là 144,1 ha, tái cấp là 620,3 ha và diện tích giảm qua đánh giá tái cấp là 18,6 ha. Lũy kế 11 tháng diện tích được công nhận VietGAP của toàn tỉnh đến ngày 15/11/2019 đạt 10.202,1 ha, đạt 100,02% kế hoạch (trong đó Hàm Thuận Nam 6.256,9 ha, Hàm Thuận Bắc 3.126 ha, Bắc Bình 461,9 ha, Phan Thiết 89,8 ha, Hàm Tân 111,1 ha, La Gi 120,9 ha).

Các loại cây lâu năm còn lại đang được chăm sóc và phát triển bình thường, diện tích biến động không đáng kể,...

* Tình hình sâu bệnh:

Tình hình sâu bệnh trên các loại cây trồng không diễn biến phức tạp, chỉ xảy ra dưới dạng cục bộ ảnh hưởng không đáng kể đến cây trồng.

- Cây lúa: Có tăng hơn so cùng kỳ, bệnh đạo ôn lá gây hại trong kỳ với diện tích 1.357 ha, tăng 554 ha so cùng kỳ 2018; sâu cuốn lá nhỏ gây hại 781 ha, tăng 604 ha so cùng kỳ năm trước. Các đối tượng gây hại khác như sâu đục thân, bệnh đốm vằn, bệnh lem lép hạt, đạo ôn cổ bông,... xuất hiện và gây hại rải rác với tỉ lệ hại thấp, không đáng kể.

- Cây bắp: Sâu keo mùa thu tiếp tục gây hại với điện tích 938,8 ha trên nhiều địa bàn. Đây là loại sâu mới được phát hiện và có khả năng gây hại mạnh, do đó cần chú ý tập trung theo dõi để phòng trừ kịp thời.

- Cây mì: Khảm lá virut gây hại trên diện tích 513,5 ha trên địa bàn huyện Đức Linh, Hàm Tân, La Gi, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình.

- Cây Thanh long: diện tích nhiễm bệnh đốm nâu là 3.390 ha, giảm 1.054 ha so cùng kỳ năm trước; bệnh thán thư cành quả có diện tích nhiễm trong kỳ là 852 ha, tăng 309 ha so cùng kỳ năm 2018; ốc sên gây hại trên diện tích 719 ha, giảm 1.061 ha so cùng kỳ năm trước.

* Tình hình tưới phục vụ sản xuất:

Tình hình cấp nước sản xuất vụ Mùa, tính đến ngày 15/11/2019, diện tích tưới lúa, hoa màu vụ Mùa 2019 thuộc hệ thống công trình thủy lợi toàn tỉnh đạt 30.888 ha/ KH 30.981 ha (99,7%); diện tích tưới cây thanh long và nho đạt 19.689 ha/ KH 18.850 ha (đạt 104,5%).

Tình hình nguồn nước, đến ngày 19/11/2019, dung tích hữu ích hiện tại trên 17 hồ đập của tỉnh còn 190,43 triệu m3/259 triệu m3 (73,4%), cao hơn 2,27 triệu m3 so với cùng kỳ; Hồ chứa Đại Ninh 105,61 triệu m3/251 triệu m3 (42%), thấp hơn 21,43 triệu m3 so với cùng kỳ; Hàm thuận - Đa mi: 499,28 triệu m3/522 triệu m3 (95,6%), cao hơn 61,62 triệu m3 so với cùng kỳ

* Công tác quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản và vật tư nông nghiệp:

Trong tháng 11/2019, đã tổ chức 3 lớp tập huấn (1 lớp về ATTP và 2 lớp về VTNN), treo 9 pano tuyên truyền về ATTP. Đã thẩm định xếp loại, đánh giá định kỳ 47 lượt cơ sở (47 cơ sở đạt điều kiện). Lũy kế 11 tháng thẩm định xếp loại 342 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, thủy sản. Thực hiện các cuộc thanh tra về vật tư nông nghiệp và về an toàn thực phẩm tại 13 cơ sở, lũy kế 11 tháng 786 cơ sở (xử phạt hành chính 54 cơ sở vi phạm). Đã tổ chức cho 6 tàu cá ký cam kết sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn, lũy kế 11 tháng 6.614 cơ sở. Trong tháng, đã hỗ trợ 02 cơ sở nông sản, lũy kế 11 tháng đã hỗ trợ 12 cơ sở (08 nông sản, 04 thủy sản) áp dụng chương trình quản lý chất lượng theo quan điểm HACCP, đến nay, 10 cơ sở hỗ trợ đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở bảo đảm điều kiện ATTP.

2. Chăn nuôi:

Tình hình chăn nuôi tại thời điểm 15/11/2019, số lượng gia súc, gia cầm toàn tỉnh như sau:

- Đàn trâu, bò: Có 176.150 con, tăng 0,2% so cùng kỳ (đàn trâu 8.850 con, giảm 1,4%; đàn bò 167.300 con, tăng 0,2%). Nhìn chung, số lượng đàn trâu giảm nhẹ, đàn bò tiếp tục duy trì và phát triển, không có bệnh dịch xảy ra.

- Đàn lợn: Giảm do ảnh hưởng bởi dịch tả lợn Châu phi, đàn lợn hiện có 268.800 con, giảm 3,5% so cùng kỳ. Chăn nuôi lợn vẫn còn đối mặt với tình hình dịch tả lợn Châu phi, số lượng hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm đáng kể, tuy nhiên các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi lớn đang phát triển quy mô tổng đàn. Toàn tỉnh (tính đến 15/11) có 16 doanh nghiệp chăn nuôi lợn với quy mô 72.919 con (tăng 7 doanh nghiệp so cùng kỳ) nên làm đàn lợn giảm ít, nhìn chung vẫn đáp ứng cung cấp thịt cho tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

- Đàn gia cầm: Giá đầu ra ổn định, tình hình dịch bệnh không xảy ra nên đàn gia cầm phát triển khá thuận lợi. Toàn tỉnh có 3.651 ngàn con gia cầm, tăng 3,06% so cùng kỳ.

* Công tác phòng, chống dịch:

Tình hình bệnh dịch tả lợn Châu Phi có phần giảm nhiệt hơn các tháng trước; tính đến hết ngày 13/11/2019, toàn tỉnh có 47 xã, phường, thị trấn, huyện, thị xã, thành phố công bố dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi (trong đó có 9 xã, phường và thị trấn đã công bố hết dịch và 10 xã đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới), đã tiêu hủy 40.197 con với tổng trọng lượng 2.547,6 tấn. Cụ thể ở các địa phương:

- Thị xã La Gi: Đã có tờ trình công bố hết dịch đối với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn xã Tân Tiến; xã Tân Phước đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới. Lũy kế tổng số lợn tiêu hủy 691 con/33,7 tấn/27 hộ/7 xã, phường.

- Huyện Hàm Thuận Bắc: Trên địa bàn thị trấn Ma Lâm và thị trấn Phú Long không phát sinh ổ dịch mới. Lũy kế tổng số lợn tiêu hủy là 220 con/7,3 tấn/15 hộ/4 xã, thị trấn.

- Huyện Đức Linh: Trên địa bàn các xã Đức Tín, Nam Chính và Đức Chính phát sinh thêm 9 hộ có lợn bị nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, đã tiến hành tiêu hủy 105 con/09 hộ; các xã Sùng Nhơn, Mê Pu, Đông Hà, Đức Hạnh, Tân Hà, Trà Tân, Vũ Hòa, Đa Kai, thị trấnVõ Xu và thị trấn Đức Tài không phát sinh ổ dịch mới. Lũy kế tổng số lợn tiêu hủy là 32.835 con/2.107,5 tấn/1.382 hộ/13 xã, thị trấn công bố dịch.

- Huyện Tánh Linh: Trên địa bàn các xã Gia An, Bắc Ruộng, Nghị Đức, Đức Bình và Đức Tân phát sinh thêm 08 hộ có lợn bị nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, đã tiến hành tiêu hủy 35 con/08 hộ. Riêng các xã La Ngâu, Đồng Kho, Măng Tố, Huy Khiêm, Đức Phú không phát sinh ổ dịch mới; xã Đức Thuận và thị trấn Lạc Tánh đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới. Lũy kế tổng số lợn tiêu hủy là 5.935 con/362,1 tấn/582 hộ/12 xã, thị trấn công bố dịch.

- Huyện Hàm Tân: Trên địa bàn các xã Tân Hà, Sơn Mỹ và thị trấn Tân Minh đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới; xã Tân Đức, Thắng Hải không phát sinh ổ dịch mới. Lũy kế tổng số lợn tiêu hủy là 303 con/101,1 tấn/19 hộ/7 xã, thị trấn.

- Thành phố Phan Thiết: Đã có tờ trình đề nghị thẩm định các điều kiện công bố hết dịch trên địa bàn phường Phú Tài; xã Tiến Lợi đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới; xã Phong Nẫm và Thiện Nghiệp không phát sinh ổ dịch mới; Lũy kế tổng số lợn tiêu hủy là 465 con/ 25,9 tấn/12 hộ/4 phường, xã.

Các địa phương vẫn tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về các nguyên nhân lây lan, biện pháp phòng ngừa, phát tờ rơi về hướng dẫn phòng chống dịch,... để tất cả người dân đều nắm bắt diễn biến, tình hình dịch bệnh, biện pháp phòng tránh dịch bệnh trong vùng dịch.

- Công tác tiêm phòng: Trong tháng 11/2019, đã triển khai tiêm phòng các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm 2.358.733 liều, trong đó: đàn trâu, bò 15.811 liều, đàn heo 40.728 liều, đàn gia cầm 2.301.300 liều. Lũy kế 11.800.263 liều, trong đó: đàn trâu, bò 137.881 liều, đàn heo 618.389 liều, đàn gia cầm 11.034.988 liều.

- Kiểm dịch động vật: Trong tháng đã kiểm dịch 459.247 con, trong đó 117.671 con heo; 1.536 con trâu, bò; 340.040 con gia cầm; Riêng trên đàn dê trong tháng không kiểm dịch. Lũy kế 5.607.240 con động vật các loại, trong đó: 1.325.633 con heo; 21.189 con trâu, bò; 4.249.346 con gia cầm; 11.072 con dê.

3. Lâm nghiệp:

Tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện các biện pháp giải quyết tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản, lấn chiếm đất lâm nghiệp; đồng thời, chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, truy quét chống phá rừng, đặc biệt tại vùng giáp ranh với các tỉnh.

- Diện tích rừng trồng mới trong tháng ước đạt 490 ha, giảm 0,9% so cùng kỳ năm trước; lũy kế 11 tháng ước đạt 4.451 ha, tăng 1,2% so cùng kỳ.

- Giao khoán bảo vệ rừng: Đã thực hiện 130.558 ha/121.006 ha, đạt 107,8 % kế hoạch. Trong tháng không có tình trạng chặt phá cây rừng, lấn chiếm đất rừng làm rẫy xảy ra trong khu vực nhận khoán.

- Khoanh nuôi tái sinh rừng: Đã thực hiện chuyển tiếp 5.710 ha, đạt 100% kế hoạch. Trồng cây phân tán 275 ha/KH 250 ha, đạt 110% kế hoạch.

- Công tác bảo vệ rừng được tăng cường, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, kiểm tra, truy quét chống phá rừng tại các điểm nóng và vùng giáp ranh với các tỉnh, làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại những vùng trọng điểm giáp ranh và nội tỉnh, đã xây dựng 1.345,3 km đường băng cản lửa (trong đó: 1.206,6 km đường băng trắng và 138,7 km đường băng xanh), 6 chòi canh lửa kiên cố; trang bị 166 máy móc thiết bị và 3.315 công cụ thủ công, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống cháy khẩn cấp xảy ra, bên cạnh đó thành lập 120 ban chỉ huy phòng chống cháy rừng các cấp. Có 93 xã có kiểm lâm phụ trách, có 118 thôn xây dựng hương ước bảo vệ rừng. Ngoài ra các hộ dân sống trong khu vực có rừng ký cam kết bảo vệ rừng, không gây cháy hoặc phát hiện cháy phải báo ngay cho trạm bảo vệ rừng gần nhất. Trong tháng không xảy ra cháy rừng, lũy kế 11 tháng có 15 trường hợp cháy thực bì dưới tán rừng với diện tích 23,74 ha, giảm 14 trường hợp so cùng kỳ; các vụ cháy chủ yếu cháy trảng cỏ, cây bụi, lá khô dưới tán rừng được huy động chữa cháy kịp thời nên không gây hại về tài nguyên rừng.

- Vi phạm lâm luật: Trong tháng (từ 01-10/11/2019) đã phát hiện 32 vụ vi phạm lâm luật, khai thác gỗ và lâm sản khác 8 vụ, mua bán vận chuyển lâm sản trái phép 11 vụ, vi phạm khác 12 vụ, vi phạm quy định về quản lý bảo vệ động vật hoang dã 1 vụ. Lũy kế 11 tháng 319 vụ; trong đó khai thác gỗ và lâm sản khác 87 vụ; mua bán vận chuyển lâm sản trái phép 83 vụ, phá rừng trái phép 20 vụ, vi phạm quy định về sử đụng đất lâm nghiệp 1 vụ, vi phạm khác 123 vụ, vi phạm về chế biến gỗ và lâm sản khác 3 vụ. Từ đầu năm đến ngày 10/11/2019 đã xử lý hành chính 247 vụ, lâm sản tịch thu: 352,8 m3 (gồm: 230,5 m3 gỗ tròn, 122,3m3 gỗ xẻ các loại); nộp ngân sách 2,2 tỷ đồng.

4. Thuỷ sản:

- Trong tháng 11, sản lượng thủy sản ước đạt 18.193,6 tấn, tăng 0,21% so cùng kỳ; luỹ kế 11 tháng ước đạt 220.295,9 tấn, tăng 1,29% so cùng kỳ và đạt 98,6% so kế hoạch năm. Trong đó:

+ Nuôi trồng thủy sản: Diện tích nuôi trồng luỹ kế 11 tháng ước đạt 2.750 ha, tăng 2,14% so cùng kỳ. Sản lượng thủy sản nuôi trồng tháng 11 ước đạt 1.248,5 tấn, tăng 2,7% so cùng kỳ; lũy kế 11 tháng ước đạt 12.901,2 tấn, tăng 2,05% (tăng 259,5 tấn) so cùng kỳ năm trước.

+ Khai thác thuỷ sản: Trong tháng ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, gió bão, tình hình ngư trường không thuận lợi cho việc khai thác thuỷ sản. Ngư dân vẫn tích cực bám biển khai thác, các tàu thuyền có công suất lớn tập trung khai thác ở vùng biển xa, sản lượng thủy sản khai thác trong tháng 11 ước đạt 16.945,1 tấn tăng 0,03% so cùng kỳ; luỹ kế 11 tháng ước đạt 207.394,7 tấn, tăng 1,24% so cùng kỳ (trong đó khai thác biển đạt 206.789 tấn, tăng 1,24% so cùng kỳ, khai thác nội địa đạt 605,7 tấn, tăng 2,27% so cùng kỳ).

- Sản xuất giống thuỷ sản: Sản lượng giống sản xuất chủ yếu là tôm giống, trong tháng 11 ước đạt 1,85 tỷ con tăng 2,78% so cùng kỳ; lũy kế 11 tháng ước đạt 22,96 tỷ con, tăng 3,83% so cùng kỳ và đạt 95,69% kế hoạch. Công tác quản lý về nguồn gốc tôm, giám sát con giống luôn được tăng cường.

- Công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản luôn được tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm khi sử dụng các biện pháp khai thác mang tính huỷ diệt nguồn lợi thuỷ sản như giã cào, mắt lưới nhỏ so quy định, xung điện, chất nổ, ... Số vụ vi phạm trong tháng (từ ngày 01- 10/11/2019) là 6 vụ. Trong đó tàng trữ ngư cụ cấm sử dụng 2 vụ, sử dụng tàu cá không đăng ký 2 vụ, tàng trữ công cụ kích điện để khai thác 2 vụ. Lũy kế trong 11 tháng tổng số vụ vi phạm là 388 vụ: không có sổ nhật ký khai thác 2 vụ, sử dụng tàu cá không đăng ký lại 22 vụ, không có giấy phép thủy sản 18 vụ, không mang theo giấy chứng nhận an toàn tàu cá 17 vụ, hành nghề lặn trái phép 42 vụ, không bằng máy thuyền trưởng 21 vụ, trang bị cứu sinh không đầy đủ 3 vụ, sử dụng mắc lưới nhỏ hơn quy định 25 vụ, tàu không có hoạt động giám sát 1 vụ, sử dụng công cụ kích điện trên tàu cá 21 vụ, không đăng ký lại tàu cá 67 vụ, giã cào đáy sai vùng khai thác 26 vụ, khai thác sò lông nhỏ hơn quy định 24 vụ, tàng trữ công cụ kích điện trên tàu cá 34 vụ, không ghi nhật ký khai thác thủy sản 9 vụ, sử dụng ngư cụ cấm 12 vụ, ghi không đầy đủ nhật ký khai thác thủy sản 7 vụ.

- Thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg, ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định và Chỉ thị số 30-CT/TU của Tỉnh ủy Bình Thuận; trong tháng 11 không có vụ vi phạm; Lũy kế 11 tháng có 05 vụ vi phạm với 6 tàu cá/40 thuyền viên bị nước ngoài bắt giữ.

II. Công nghiệp; đầu tư phát triển; đăng ký kinh doanh; đăng ký đầu tư
1. Công nghiệp:

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11 ước tăng 12,74% so cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng tăng 11,87%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,97%; sản xuất và phân phối điện tăng 18,14%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,11%. Lũy kế 11 tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 19,36% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2018 tăng 18,84%). Trong đó, ngành khai khoáng tăng 6,84%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,82%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 28,73%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,87% so cùng kỳ năm trước.

Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh năm 2010 trong 11 tháng ước đạt 28.766,47 tỷ đồng, đạt 101,08% kế hoạch năm, tăng 12,51% so cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp khai khoáng 610,81 tỷ đồng (tăng 6,13%); công nghiệp chế biến chế tạo 15.110,66 tỷ đồng (tăng 3,82%); sản xuất và phân phối điện 12.800,15 tỷ đồng (tăng 25,33%); cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý nước thải, rác thải đạt 244,85 tỷ đồng (tăng 1,72%).

Các sản phẩm sản xuất trong 11 tháng tăng so cùng kỳ gồm: Cát sỏi các loại (tăng 10,87%), đá khai thác (tăng 10,19%), thủy sản đông lạnh (tăng 3,12%), thủy sản khô (tăng 1,28%), nước mắm (tăng 2,74%), hạt điều nhân (tăng 8,10%), nước khoáng (tăng 4,54%), quần áo may sẵn (tăng 4,76%), gạch các loại (tăng 0,27%), nước máy sản xuất (tăng 3,09), điện (tăng 26,14%), sơ chế mũ cao su (tăng 5,27%), thức ăn gia súc (tăng 1,51%), giày dép các loại (tăng 1,98%). Sản phẩm giảm gồm: Muối hạt (giảm 4,35%), đồ gỗ và các sản phẩm gỗ (giảm 1,75%).

Nhìn chung, hoạt động sản xuất công nghiệp trong 11 tháng tiếp tục ổn định, trong đó ngành sản xuất và phân phối điện vẫn duy trì mức tăng trưởng cao do sản lượng tăng mới từ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4, điện mặt trời; ngành cung cấp nước, quản lý - xử lý rác thải, nước thải; công nghiệp chế biến-chế tạo và khai khoáng đều tăng so cùng kỳ năm trước.

2. Đầu tư phát triển:

Trong tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 303,51 tỷ đồng. Lũy kế 11 tháng ước đạt 2.584,75 tỷ đồng, tăng 17,93% so cùng kỳ năm trước; trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước thực hiện 1.977,76 tỷ đồng (tăng 23,31% so cùng kỳ năm trước), vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 535,38 tỷ đồng (tăng 4,23%), vốn ngân sách nhà nước cấp xã 71,61 tỷ đồng (giảm 3,59%).

3. Đăng ký kinh doanh:

Tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng (từ ngày 15/10 - 15/11/2019) là 136 doanh nghiệp (tăng 4,62% so với cùng kỳ) với tổng vốn đăng ký mới là 2.025,97 tỷ đồng (giảm 24,5% so với cùng kỳ); 05 doanh nghiệp giải thể (tăng 25% so với cùng kỳ năm trước), 22 đơn vị trực thuộc chấm dứt hoạt động, 10 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Lũy kế 11 tháng đã thành lập mới 853 doanh nghiệp, Chi nhánh, Văn phòng đại diện với tổng vốn 10.741 tỷ đồng; giải thể 80 doanh nghiệp; thông báo tạm ngừng hoạt động 114 doanh nghiệp.

4. Đăng ký đầu tư:

Tỉnh đã tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách. Trong tháng 11 (tính đến ngày 15/11/2019), trên địa bàn tỉnh có 03 dự án được cấp Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư, với tổng diện tích đất 6,2 ha, tổng vốn đăng ký 28,8 tỷ đồng. Lũy kế 11 tháng có 123 dự án được cấp, điều chỉnh Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư, với tổng diện tích đất 922,7 ha, tổng vốn đăng ký 23.596 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 1.545 dự án đầu tư đã được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư còn hiệu lực, với tổng diện tích 59.610 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 315.460 tỷ đồng.

Việc rà soát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp để thúc đẩy tiến độ triển khai của các dự án có nguồn vốn ngoài ngân sách luôn được quan tâm. Từ đầu năm đến nay có 19 dự án khởi công xây dựng (cùng kỳ năm trước có 7 dự án), 33 dự án đi vào hoạt động kinh doanh (cùng kỳ năm trước có 3 dự án); đồng thời, qua rà soát đã thu hồi 16 dự án chậm triển khai (cùng kỳ năm trước thu hồi 15 dự án).

III. Thương mại, giá cả; du lịch; xuất nhập khẩu; giao thông vận tải

1. Thương mại, giá cả:

- Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 ước đạt 5.170,4 tỷ đồng, tăng 1,09% so tháng trước và tăng 9,51% so tháng cùng kỳ năm trước; luỹ kế 11 tháng ước đạt 52.976 tỷ đồng, tăng 12,1% so cùng kỳ năm trước. Công tác bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu được tỉnh quan tâm thực hiện tốt. Tổ chức Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao về miền núi tại 02 huyện Bắc Bình và Hàm Tân đã thu hút nhiều doanh nghiệp đạt danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lương cao” tham gia với nhiều gian hàng tiêu biểu. Đây cũng là hoạt động xúc tiến quan trọng, tạo cơ hội cho doanh nghiệp Bình Thuận liên kết, hợp tác sản xuất kinh doanh và giới thiệu trực tiếp sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.

- Trong tháng 10/2019, lực lượng chức năng đã kiểm tra 102 vụ, phát hiện và xử lý 22 vụ vi phạm, trong đó có 01 vụ vi phạm hàng cấm, 01 vụ vi phạm hàng nhập lậu, 07 vụ vi phạm trong kinh doanh, 13 vụ vi phạm trên các lĩnh vực khác,... đã xử phạt và thu nộp ngân sách 0,51 tỷ đồng. Luỹ kế 10 tháng lực lượng chức năng đã kiểm tra 1.688 vụ, đã xử lý 479 vụ vi phạm gồm 52 vụ vi phạm hàng cấm, 13 vụ vi phạm hàng nhập lậu, 72 vụ vi phạm về đầu cơ, găm hàng và sai phạm trong lĩnh vực giá; 84 vụ vi phạm trong kinh doanh, 49 vụ về vệ sinh an toàn thực phẩm, 209 vụ vi phạm trên các lĩnh vực khác,... đã xử phạt và thu nộp ngân sách 2,82 tỷ đồng.

- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2019 so tháng trước tăng 0,1%; so tháng cùng kỳ năm trước (sau 01 năm) tăng 3,91%; bình quân 11 tháng năm 2019 tăng 2,31% so bình quân 11 tháng năm 2018. Sau 11 tháng (so tháng 12/2018) chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,72%.

So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 7 nhóm hàng tăng giá: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,22%; Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,68%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,48%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,45%; May mặc, mũ nón và giầy dép tăng 0,35%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,08%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04%. Có 2 nhóm hàng bình ổn: Bưu chính viễn thông và Giáo dục không tăng so tháng trước. Có 2 nhóm hàng giảm giá: Giao thông giảm 0,86%; Đồ uống và thuốc lá giảm 0,07%.

* Chỉ số giá tiêu dùng tăng so tháng trước tập trung ở một số nhóm sau:

+ Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,22% so tháng trước, trong đó nhóm lương thực tăng 0,1%, nhóm thực phẩm tăng 3,39%. Giá ngô tăng 1,79%, giá sắn tăng 0,89% do nhu cầu tiêu dùng tăng cao và nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu tiêu dùng hàng ngày tăng. Giá thịt lợn tăng 15,5% do nguồn cung giảm làm chỉ số CPI chung tháng 11/2019 tăng khoảng 0,65%. Giá thịt bò tăng 1,95% so tháng trước, do giá thịt lợn tăng, người tiêu dùng hạn chế sử dụng chuyển sang dùng thịt bò, làm đẩy giá bán tăng so tháng trước. Mặt hàng cá tươi hoặc ướp lạnh tăng 2,38%, tôm tươi hoặc ướp lạnh tăng từ 0,49%; Giá thủy sản chế biến tăng 0,71%. Nguyên nhân do trong tháng ảnh hưởng bão, áp thấp nhiệt đới tàu thuyền hạn chế ra khơi đánh bắt dẫn đến nguồn cung thiếu góp phần đẩy giá bán lên cao.

Bên cạnh các mặt hàng tăng giá, nhóm thực phẩm có các mặt hàng giảm giá như: Thịt gia cầm tươi sống giảm 0,31% do nguồn cung dồi dào. Mặt hàng rau tươi giảm 1,02%, măng tươi giảm 2,39% do trong tháng thời tiết thuận lợi các mặt hàng này phát triển tốt, nguồn cung dồi dào giá bán giảm. Một số loại trái cây giảm như: quả có múi giảm 0,09%, táo giảm 0,38% do đang vào mùa vụ thu hoạch nên nguồn cung dồi dào.

+ Ăn uống ngoài gia đình tăng 0,38%, do giá gas tăng, giá lương thực, thực phẩm tăng cao.

+ May mặc, mũ nón và giầy dép tăng 0,35%, chủ yếu tăng ở các mặt hàng áo len, đan móc, thời tiết bắt đầu chuyển mùa nhu cầu mua sắm quần áo ấm trong tháng tăng.

+ Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,68%, tăng chủ yếu ở các mặt hàng sau: do giá gas thế giới và trong nước điều chỉnh tăng; nhóm nhà ở đi thuê tăng; vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng do nhu cầu sửa chữa và xây dựng nhà ở vào cuối năm tăng. Bên cạnh các mặt hàng tăng giá, nhóm vật liệu xây dựng có các mặt hàng giảm giá do ảnh hưởng mưa bão, thời tiết trong tháng chuyển lạnh, nhu cầu sử dụng điện, nước có phần giảm so tháng trước.

+ Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,48%, tăng chủ yếu ở các mặt hàng bình nóng lạnh, máy xay sinh tố, ép hoa quả, hàng thủy tinh, sành sứ tăng,...

+ Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,45%, tăng chủ yếu ở nhóm hàng dụng cụ cá nhân không dùng điện; dịch vụ phục vụ cá nhân tăng,…

2. Du lịch:

Tình hình hoạt động du lịch trong tháng diễn ra khá tốt, khách du lịch quốc tế tăng so tháng trước, khách nội địa trong tháng chủ yếu đi du lịch vào những ngày cuối tuần, lượng khách nội địa tăng thấp so tháng trước. Các công ty du lịch lữ hành đang chuẩn bị kế hoạch tổ chức các tour du lịch từ đây đến cuối năm, đồng thời đưa ra những chương trình khuyến mãi nhằm tri ân khách hàng và những chương trình tour mới cho năm 2020.

Dự ước trong tháng 11 các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh đón và phục vụ 604,3 ngàn lượt khách, tăng 0,54% so tháng trước và tăng 7,29% so tháng cùng kỳ năm trước; số ngày khách phục vụ đạt 1.102,9 ngàn ngày khách tăng 0,8% so tháng trước và tăng 9,59% so tháng cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 11 tháng ước đạt 5.798,3 ngàn lượt khách, tăng 11,95% so cùng kỳ năm trước; số ngày khách ước đạt 9.635,9 ngàn ngày khách, tăng 13,11% so cùng kỳ năm trước.

Số lượt khách quốc tế tháng 11 ước đạt 69,6 ngàn lượt khách, tăng 18,71% so tháng cùng kỳ năm trước. Số ngày khách quốc tế lưu trú ước đạt 226,2 ngàn ngày khách tăng 18,4% so tháng cùng kỳ năm trước; Luỹ kế 11 tháng ước đạt 700,7 ngàn lượt khách, tăng 13,92% so cùng kỳ năm trước; số ngày khách ước đạt 2.160,3 ngàn ngày khách, tăng 15,19% so cùng kỳ năm trước. Trong tháng, tỷ lệ khách Nga cao nhất, chiếm 29,33%; Trung Quốc chiếm 24,7; Hàn Quốc chiếm 14,28%; Thái Lan chiếm 6,57%; Đức chiếm 3,72%.

Doanh thu từ hoạt động du lịch tháng 11 ước đạt 1.320 tỷ đồng, tăng 2,02% so tháng trước và tăng 17,77% so tháng cùng kỳ năm trước. Lũy kế 11 tháng ước đạt 13.849,2 tỷ đồng, tăng 18,19% so cùng kỳ năm trước.

3. Xuất, nhập khẩu:

- Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tháng 11 ước đạt 41,8 triệu USD, giảm 5,79% so tháng trước và tăng 15,06% so tháng cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 11 tháng ước đạt 425,6 triệu USD, tăng 8,37% so cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực kinh tế trong nước 325,8 triệu USD, tăng 9,22% so cùng kỳ, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 99,8 triệu USD, tăng 5,67% so cùng kỳ. Các mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn chủ yếu như sau:

+ Hàng dệt, may: Kim ngạch xuất khẩu 11 tháng ước đạt 177,3 triệu USD, tăng 14,09% so cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 41,65% kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh. Mặt hàng dệt may xuất khẩu vẫn giữ được mức tăng trưởng khá, cho thấy ảnh hưởng từ diễn biến của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, các doanh nghiệp trong tỉnh vẫn tìm được các đơn hàng ký kết xuất khẩu ổn định nhưng ở mức hạn chế và ngắn hạn.

+ Hàng thuỷ sản: Kim ngạch xuất khẩu 11 tháng ước đạt 129,5 triệu USD, giảm 2,08% so cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 30,42% kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh. Mặc dù, tổng sản lượng thủy sản xuất khẩu 11 tháng tăng so cùng kỳ năm trước, nhưng về giá trị xuất khẩu vẫn giảm so cùng kỳ năm 2018, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là thị trường lớn trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam là Trung Quốc có sự sụt giảm do nước này siết chặt thương mại biên mậu. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh với Ấn Độ và Ecuador trên thị trường tôm, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung làm xáo trộn thị trường, ảnh hưởng đến nhu cầu, cùng với đồng Nhân dân tệ mất giá cũng là những yếu tố gây ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản sang thị trường này.

+ Hàng giày dép các loại: Kim ngạch xuất khẩu 11 tháng ước đạt 60,2 triệu USD, tăng 5,43%% so cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 14,14% kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh. Ngành da giày xuất khẩu tiếp tục duy trì tăng trưởng tốt nhờ cơ hội và triển vọng phát triển, mở rộng thị trường từ hiệu ứng của các Hiệp định thương mại tự do mang lại, nhất là tại các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ các doanh nghiệp đã có đơn hàng xuất khẩu đến hết năm 2019.

- Xuất khẩu trực tiếp 11 tháng đạt 406,34 triệu USD (tăng 8,57% so cùng kỳ năm trước), trong đó thị trường Châu Á ước đạt 267,06 triệu USD (tăng 11,71%), thị trường Châu Âu đạt 54,14 triệu USD (giảm 12,83), thị trường Châu Mỹ đạt 78,99 triệu USD (tăng 17,94%).

- Ủy thác xuất khẩu luỹ kế 11 tháng ước đạt 19,21 triệu USD, tăng 4,27% so cùng kỳ. Chủ yếu tăng ở mặt hàng áo jacket, áo loại khác, quần dài, quần loại khác.

- Xuất khẩu dịch vụ du lịch tháng 11 ước đạt 22,4 triệu USD, tăng 9,07% so tháng cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 11 tháng ước đạt 250,4 triệu USD, tăng 14,85% so cùng kỳ năm trước.

- Nhập khẩu 11 tháng ước đạt 812,7 triệu USD tăng 26,99% so cùng kỳ. Tăng chủ yếu ở các mặt hàng như máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu dệt may da giày, hàng thủy sản, hàng rau.

4. Giao thông vận tải:

- Vận tải hành khách:

+ Ước tháng 11 đã vận chuyển 2.390,94 nghìn hành khách và luân chuyển 116,62 triệu hk.km. Lũy kế 11 tháng đã vận chuyển 24.383,53 nghìn nh khách, đạt 90,98% kế hoạch năm, tăng 8,85% so cùng kỳ; luân chuyển 1.217,14 triệu hk.km, đạt 92,07% kế hoạch năm, tăng 9,21% so cùng kỳ năm trước.

+ Xét theo lĩnh vực, trong tháng 11 vận chuyển hành khách đường bộ đạt 2.372,27 nghìn hành khách, lũy kế 11 tháng đạt 24.191,46 nghìn hành khách, tăng 8,83% so cùng kỳ năm trước; vận chuyển hành khách đường thủy đạt 18,67 nghìn hành khách, lũy kế 11 tháng đạt 192,07 nghìn hành khách, tăng 11,24% so cùng kỳ; luân chuyển hành khách đường bộ đạt 114,42 triệu hk.km, lũy kế 11 tháng đạt 1.195,41 triệu hk.km, tăng 9,15% so cùng kỳ; luân chuyển hành khách đường thủy đạt 2,20 triệu hk.km, lũy kế 11 tháng đạt 21,74 triệu hk.km, tăng 12,39% so cùng kỳ năm trước.

- Vận tải hàng hoá:

+ Ước tháng 11 vận chuyển hàng hoá đạt 967,99 nghìn tấn và luân chuyển hàng hoá đạt 51,64 triệu tấn.km. Luỹ kế 11 tháng đã vận chuyển 9.465,78 nghìn tấn hàng hoá, đạt 92,71% kế hoạch năm, tăng 11,78% so cùng kỳ; luân chuyển hàng hoá đạt 521,88 triệu tấn.km, đạt 92,21% kế hoạch năm, tăng 11,0% so cùng kỳ năm trước.

+ Xét theo lĩnh vực, trong tháng 11 vận chuyển hàng hoá đường bộ đạt 967,14 nghìn tấn, lũy kế 11 tháng đạt 9.457,04 nghìn tấn, tăng 11,78% so cùng kỳ năm trước; vận chuyển hàng hoá đường thủy đạt 0,85 nghìn tấn, lũy kế 11 tháng đạt 8,75 nghìn tấn, tăng 7,84% so cùng kỳ; luân chuyển hàng hoá đường bộ đạt 51,54 triệu tấn.km, lũy kế 11 tháng đạt 520,88 triệu tấn.km, tăng 11,0% so cùng kỳ; luân chuyển hàng hoá đường thủy đạt 99,13 nghìn tấn.km, lũy kế 11 tháng đạt 1.006,79 nghìn tấn.km, tăng 9,33% so cùng kỳ năm trước.

- Cảng quốc tế Vĩnh Tân: Khối lượng bốc xếp tháng 11 ước đạt 14.193 tấn, lũy kế 11 tháng đạt 218.515 tấn. Các mặt hàng chủ yếu thông qua cảng gồm quặng lmeninte, cát xây dựng, tro bay, xi măng, cao lanh, bột đá. Doanh thu tháng 11 ước 0,636 tỷ đồng, lũy kế 11 tháng đạt 11,049 tỷ đồng.

Nhìn chung, trong tháng 11 công tác bảo đảm giao thông, lưu thông đi lại được thực hiện tốt. Vận tải đường bộ, đường biển ổn định, đáp ứng kịp thời nhu cầu đi lại của nhân dân.

IV. Thu, chi ngân sách; hoạt động tín dụng

1. Thu ngân sách:

Ước thu ngân sách tháng 11 đạt 600 tỷ đồng. Luỹ kế 11 tháng đạt 11.995,7 tỷ đồng, đạt 127,89% dự toán năm, tăng 22,16% so cùng kỳ năm trước; trong đó thu nội địa (trừ dầu) đạt 8.535,3 tỷ đồng, đạt 135,91% dự toán năm, tăng 24,76%. Trong tổng thu ngân sách gồm: Thu thuế, phí 6.841,4 tỷ đồng, đạt 126,33% dự toán năm, tăng 34,14%; thu tiền nhà, đất 1.693,9 tỷ đồng, đạt 195,95% dự toán năm, giảm 2,72% so với cùng kỳ; thu dầu thô 1.683,7 tỷ đồng, đạt 105,23% dự toán năm, giảm 4,02% và thu thuế xuất nhập khẩu 1.776,6 tỷ đồng, đạt 118,44% dự toán năm, tăng 45,14% so cùng kỳ năm trước.

Dự ước các khoản thu qua 11 tháng tăng (giảm) so cùng kỳ năm trước như sau: Thu từ doanh nghiệp nhà nước 1.419,3 tỷ đồng (tăng 17,61%); thu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 941,3 tỷ đồng (tăng 55,36%); thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh 1.360,5 tỷ đồng (tăng 41,41%); thuế thu nhập cá nhân 605,1 tỷ đồng (tăng 28,72%); thuế bảo vệ môi trường 525,8 tỷ đồng (tăng 40,90%); lệ phí trước bạ 401,4 tỷ đồng (tăng 50,28%); thu từ các loại phí, lệ phí 151,9 tỷ đồng (tăng 26,08%); thu khác ngân sách 350,2 tỷ đồng (tăng 57,23%); thu xổ số kiến thiết 923,7 tỷ đồng (tăng 23,42%); thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản 151,0 tỷ đồng (tăng 55,53%); thu tiền thuê mặt đất, mặt nước 347,8 tỷ đồng (tăng 22,78%); thu tiền sử dụng đất 1.328,7 tỷ đồng (giảm 7,90%); thu từ dầu thô 1.683,7 tỷ đồng (giảm 4,02%) và thu thuế xuất nhập khẩu đạt 1.776,6 tỷ đồng (tăng 45,14%).

Riêng khối huyện, thị xã, thành phố kết quả thu 11 tháng ước đạt 3.648,4 tỷ đồng, đạt 159,32% dự toán năm, tăng 36,56% so cùng kỳ năm trước. Trong đó Phan Thiết thu 1.819,5 tỷ đồng (đạt 165,41% dự toán năm, tăng 49,25% so cùng kỳ năm trước); La Gi: 244,7 tỷ đồng (đạt 157,88% dự toán, tăng 34,18%); Tuy Phong: 289,8 tỷ đồng (đạt 137,98% dự toán, tăng 21,64%); Bắc Bình: 247,2 tỷ đồng (đạt 235,41% dự toán, tăng 88,22%); Hàm Thuận Bắc: 405,2 tỷ đồng (đạt 141,69% dự toán, tăng 9,22%); Hàm Thuận Nam: 263,5 tỷ đồng (đạt 175,69% dự toán, tăng 52,46%); Tánh Linh: 88,9 tỷ đồng (đạt 107,11% dự toán, giảm 3,54%); Đức Linh: 118,3 tỷ đồng (đạt 128,58% dự toán, giảm 9,55%); Hàm Tân: 138,8 tỷ đồng (đạt 159,15% dự toán, tăng 41,56%) và Phú Quý thu 32,7 tỷ đồng (đạt 148,83% dự toán, giảm 8,78%).

2. Chi ngân sách:

Chi ngân sách bám sát Nghị quyết HĐND tỉnh, đảm bảo chi thường xuyên và các công việc chi đột xuất, ước thực hiện chi ngân sách năm 2019 là 11.311 tỷ đồng, đạt 118,72% dự toán năm (trong đó chi đầu tư phát triển 2.358 tỷ đồng, đạt 113,65% dự toán năm; chi thường xuyên 6.192 tỷ đồng, đạt 102,22% dự toán năm).

3. Hoạt động tín dụng:

- Hoạt động tín dụng trong tháng tiếp tục ổn định. Các Tổ chức tín dụng tập trung thực hiện các giải pháp đẩy mạnh huy động vốn, mở rộng tín dụng an toàn và có hiệu quả; tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho khách hàng khi gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh; thường xuyên triển khai công tác thông tin tuyên truyền cơ chế, chính sách đến doanh nghiệp, người dân; đẩy mạnh công tác thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển mạng lưới ATM và POS…

- Tình hình thực hiện lãi suất: Mặt bằng lãi suất tương đối ổn định so với tháng trước. Hiện nay, lãi suất huy động đối với tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng đến dưới 6 tháng là 4,5-5,5%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng là 5,5-6,8%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là 6,6-7,5%/năm; lãi suất cho vay các khoản vay mới ở các lĩnh vực ưu tiên ngắn hạn 5,5-7,5%/năm, các lĩnh vực khác từ 9-10%/năm; lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến từ 10-11,5%/năm. 

- Hoạt động huy động vốn: Được tiếp tục đẩy mạnh để tạo nguồn cho vay phục vụ phát triển kinh tế xã hội địa phương. Đến 31/10/2019, nguồn vốn huy động đạt 38.771 tỷ đồng, tăng 14,17% so với đầu năm, giảm 0,04% so với tháng trước. Ước đến 30/11/2019, vốn huy động đạt 39.053 tỷ đồng, tăng 15,0% so với đầu năm.

- Hoạt động tín dụng: Các Tổ chức tín dụng tiếp tục mở rộng cho vay đi đôi với an toàn và hiệu quả, gắn với thực hiện các chính sách của trung ương và địa phương. Đến 31/10/2019, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 56.702 tỷ đồng, tăng 22,21% so với đầu năm, tăng 3,12% so với tháng trước. Trong đó, dư nợ cho vay bằng VNĐ đạt 55.586 tỷ đồng, chiếm 98,0% tổng dư nợ; dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 30.083 tỷ đồng, chiếm 53,1% tổng dư nợ. Ước đến 30/11/2019, dư nợ đạt 55.676 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm.

- Vốn tín dụng được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên gắn với thực hiện các chính sách của trung ương và địa phương; trong đó dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 31.081 tỷ đồng, chiếm 54,8% tổng dư nợ; dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 585 tỷ đồng, chiếm 1,0% tổng dư nợ; dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 12.893 tỷ đồng, chiếm 22,7% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay các đối tượng chính sách xã hội đạt 2.674 tỷ đồng.

- Chính sách tín dụng đối với thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP: Dư nợ đạt 972,5 tỷ đồng (cho vay đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ 299,7 tỷ đồng, cho vay đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ 660,4 tỷ đồng, cho vay nâng cấp tàu 12,4 tỷ đồng). Nợ xấu là 11,73 tỷ đồng/4 tàu, nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 42,2 tỷ đồng/50 tàu.

- Cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Quyết định số 813/QĐ-NHNN và Nghị quyết số 30/NQ-CP: Dư nợ cho vay đạt 383 tỷ đồng phục vụ nuôi tôm giống, tôm thịt, nuôi tôm giống công nghệ cao, chăn nuôi bò sữa công nghệ cao, trồng 420 ha thanh long ruột tím hồng theo tiêu chuẩn GlobalGap.

- Cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP: Hiện đang được triển khai tại Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh với dư nợ đạt 22,4 tỷ đồng/57 hộ.

- Chất lượng tín dụng: Các Tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu và nâng cao chất lượng tín dụng. Đến 31/10/2019, nợ xấu (nội bảng) trên địa bàn là 305 tỷ đồng, chiếm 0,54% tổng dư nợ, tỷ lệ nợ xấu giảm 0,27% so với đầu năm, giảm 0,07% so với tháng trước.

- Hoạt động thanh toán, cung ứng tiền mặt: Đã thực hiện tốt công tác điều hòa tiền mặt, đảm bảo hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, tăng cường đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển lương qua tài khoản, thanh toán qua POS. Mạng lưới ATM, POS tiếp tục được mở rộng, hoạt động ổn định, thông suốt và an toàn. Đến 31/10/2019, trên địa bàn có 172 máy ATM và 1.693 máy POS, hầu hết máy POS được kết nối liên thông giữa các ngân hàng với nhau, góp phần thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.

- Tình hình thị trường ngoại tệ và vàng trên địa bàn: Các Tổ chức tín dụng đã thực hiện tốt các quy định về lãi suất huy động ngoại tệ, quy định cho vay bằng ngoại tệ, các quy định về mua bán ngoại tệ; đồng thời thường xuyên theo dõi hoạt động của các đại lý đổi ngoại tệ. Doanh số mua bán ngoại tệ trong 10 tháng đạt 839 triệu USD, doanh số chi trả kiều hối đạt 51 triệu USD.

V. Lĩnh vực Văn h - Xã hội

1. Hoạt động văn hóa:

- Trong tháng (từ ngày 10/10 - 10/11/2019), tập trung tuyên truyền kỷ niệm: 89 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930- 20/10/2019); 24 năm ngày Du lịch Bình Thuận (24/10/1995 - 24/10/2019); ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11); ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11); Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Thuận lần thứ III năm 2019… Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh đã triển lãm 200 ảnh và 30 hiện vật tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Thuận lần thứ III năm 2019; Đội Tuyên truyền và chiếu phim lưu động phục vụ nhân dân vùng sâu, miền núi, thiếu nhi 93 buổi, thu hút 46.500 lượt người xem; Biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp 06 buổi phục vụ chính trị.

 - Hoạt động bảo tồn, bảo tàng, phát huy các giá trị lịch sử văn hoá đã đem lại cho du khách tham quan, thưởng lãm nhiều trải nghiệm quý báu về con người và văn hoá Bình Thuận. Trong tháng đã đón 15.886 lượt khách (trong đó 1.673 lượt khách quốc tế); luỹ kế 11 tháng, tổng lượt khách tham quan các bảo tàng, Ban Quản lý di tích Tháp Pô Sah Inư Trung tâm Trưng bày Văn hoá Chăm đạt 560 ngàn lượt khách. Phối hợp với Bảo tàng tỉnh Gia Lai trưng bày chủ đề “Hội ngộ di sản Văn hóa” nhân kỷ niệm Ngày di sản Văn hóa Việt Nam (23/11). Đã tham mưu UBND tỉnh công nhận xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với thắng cảnh Đồi Cát Bay, phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết. Đang xây dựng kế hoạch tổ chức Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia thắng cảnh Bàu Trắng (xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình).

2. Thể dục thể thao:

- Hoạt động thể thao quần chúng: Tổ chức Giải Bóng đá Thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Bình Thuận - Cúp BTV.

- Hoạt động thể thao thành tích cao: Tham gia giải Vovinam vô địch quốc gia tại Quảng Nam (đạt 01 huy chương vàng, 01 huy chương bạc, 01 huy chương đồng); giải Taekwondo Cụm miền Đông Nam Bộ tại Ninh Thuận (đạt 01 huy chương vàng, 05 huy chương bạc, 01 huy chương đồng). Lũy kế 11 tháng (đến ngày 10/11/2019), tổng số huy chương đạt được 149/95 huy chương, trong đó: 51/26 huy chương vàng, 41/30 huy chương bạc, 57/39 huy chương đồng.

3. Giáo dục và Đào tạo:

- Đã hoàn thành công tác coi thi, chấm thi kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh và chọn đội tuyển tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia năm học 2019-2020; kết quả như sau:

+ Tổng số học sinh đăng ký dự thi: 814 (trong đó, tổng số thí sinh tham gia dự thi ở vòng 1 là 812, vắng 02; tổng số thí sinh dự thi ở vòng 2 là 795, vắng 19).

+ Số học sinh đạt giải: 355 (đạt tỷ lệ 43,71%), so với năm học trước tăng 52 giải, trong đó: 15 giải nhất (giảm 06 giải); 63 giải nhì (tăng 29 giải); 277 giải ba (tăng 29 giải).

- Đã thành lập Đội tuyển học sinh giỏi tỉnh Bình Thuận dự thi Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2019 - 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức (ngày 27 - 29/12/2019), gồm 54 học sinh dự thi với 09 môn học (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh, Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học; mỗi môn 06 học sinh).

- Số lượng giáo viên, học sinh và lớp học từ đầu năm học 2019 - 2020 (tính đến ngày 30/10/2019), toàn tỉnh có 7.395 lớp học với 232.147 học sinh và 12.998 giáo viên (trong đó: Tiểu học: 4.165 lớp với 118.161 học sinh và 6.215 giáo viên; Trung học cơ sở: 2.286 lớp với 78.653 học sinh và 4.522 giáo viên; Trung học phổ thông: 944 lớp với 35.333 học sinh và 2.261 giáo viên).

4. Y tế:

Tiếp tục triển khai đẩy mạnh các hoạt động chương trình y tế Quốc gia, không có dịch bệnh nghiêm trọng xảy ra. Công tác phòng chống các bệnh xã hội, phòng chống HIV/AIDS duy trì đều. Công tác khám chữa bệnh ở các cơ sở nhà nước đáp ứng được nhu cầu phục vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm; phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh tay - chân - miệng ở trẻ em, bệnh sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp và các dịch bệnh khác được tiếp tục tăng cường.

Trong tháng (15/10 - 15/11/2019), có 1.123 cas mắc sốt xuất huyết và 2 cas tử vong (lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/11/2019 có 5.115 cas mắc sốt xuất huyết, tăng 5,2 lần so với cùng kỳ năm trước); 30 cas mắc sốt rét, 219 cas mắc tay chân miệng, không có cas tử vong. Số bệnh nhân mắc bệnh phong 6 bệnh nhân, 01 bệnh nhân phát hiện mới và không có bệnh nhân mới tàn tật độ II, có 438 bệnh nhân đang quản lý.

Công tác phòng chống Lao: có 1.306 tổng số lượt khám, số bệnh nhân thu dung điều trị 216. Số bệnh nhân lao phổi AFB (+) mới 81.

Số nhiễm HIV mới phát hiện 3 cas (lũy kế 1.456 cas); có 6 cas chuyển AIDS mới (lũy kế 1.033 cas); không có cas tử vong (lũy kế 524 cas).

Công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm được triển khai tích cực; trong tháng không xảy ra ngộ độc thực phẩm; Lũy kế 11 tháng (đến ngày 15/11/2019), trên địa bàn tỉnh xảy ra 04 vụ ngộ độc thực phẩm, không có tử vong.

Các bệnh viện, các đơn vị điều trị chủ động thực hiện tốt công tác thường trực, cấp cứu, điều trị bệnh nhân; thực hiện đầy đủ các quy định chuyên môn của Bộ Y tế; tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. Trong tháng 11 số lượt bệnh nhân đến khám, chữa 82.284 lượt, số bệnh điều trị nội trú 13.026, số bệnh nhân chuyển viện là 752. Số bệnh nhân tử vong 36. Luỹ kế 11 tháng, ước tổng số lượt bệnh nhân đến khám, chữa bệnh 2.148.923 lượt với tổng số bệnh điều trị nội trú 160.213; Công suất sử dụng giường bệnh tại các tuyến đạt kế hoạch đề ra.

Toàn tỉnh hiện có 12 phòng khám đa khoa khu vực và 115/115 trạm y tế xã, phường có bác sỹ công tác, chiếm tỷ lệ 100%. Có 126/127 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế. Số bác sỹ/vạn dân 7,15 người.

5. Thông tin và Truyền thông

Công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng kịp thời, đa dạng. Thông tin liên lạc đảm bảo thông suốt đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ nhân dân; hạ tầng mạng lưới bưu chính, viễn thông được đầu tư theo hướng hiện đại, chất lượng các dịch vụ ngày càng được nâng lên. Hạ tầng mạng viễn thông 3G, 4G được phát triển mở rộng; đảm bảo an toàn mạng lưới thông tin, thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước và phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Mạng lưới phục vụ bưu chính, viễn thông với 1.130 cơ sở kinh doanh dịch vụ BCVT, đạt bán kính phục vụ bình quân là 1,48 km/cơ sở. Tổng số thuê bao điện thoại các loại ước đạt: 1.832.600 thuê bao (điện thoại cố định là 40.000 thuê bao), mật độ điện thoại 146 thuê bao/100 dân, đạt 100% kế hoạch. Tổng số thuê bao Internet ước đạt: 125.000 thuê bao, tỷ lệ người sử dụng Internet (quy đổi) là 59%, đạt 114% kế hoạch…

Các sở, ngành, địa phương đã tích cực hơn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động chuyên môn. Các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước đã phát huy hiệu quả tốt, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, thúc đẩy cải cách hành chính, minh bạch hóa thông tin, phục vụ chỉ đạo điều hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin và phòng chống mã độc trong các cơ quan nhà nước được quan tâm thực hiện.

6. Tài nguyên - môi trường

Về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất năm 2019 cấp huyện: Đến nay (14/11/2019), tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của 9 huyện và kế hoạch sử dụng đất năm 2019 của 9 huyện. Riêng hồ sơ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất năm 2019 của thành phố Phan Thiết đã được Hội đồng thẩm định thông qua nhưng do có các nội dung liên quan đến kết luận Thanh tra của BND tỉnh trong quản lý nhà nước về đất đai nên phải hoàn chỉnh lại để UBND tỉnh phê duyệt. Tính đến thời điểm 14/11/2019, toàn tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được 6.155,84 ha/5.016 ha, đạt 123 % kế hoạch (trong đó: tổ chức 1.585,29 ha/500 ha đạt tỷ lệ 317,1 % kế hoạch giao năm 2019; hộ gia đình cá nhân 4.570,55 ha/4.516 ha đạt 101,2% kế hoạch giao năm 2019).

7. Lao động - Xã hội:

Trong tháng (đến ngày 14/11/2019) đã giải quyết việc làm cho 2.210 lao động, trong đó, vay vốn giải quyết việc làm cho 70 lao động. Luỹ kế 11 tháng (đến ngày 14/11/2019) đã giải quyết cho 23.764 lao động, đạt 99% kế hoạch năm và tăng 0,3% so cùng kỳ năm trước, trong đó cho vay vốn giải quyết việc làm 1.120 lao động, đạt 93,3% so kế hoạch và tăng 6,46% so cùng kỳ năm trước.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển mới và đào tạo nghề cho 1.550 người, trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 814 người; luỹ kế 11 tháng (đến ngày 14/11/2019) số người tuyển mới đào tạo nghề đạt 13.235 người, tăng 21,14% so kế hoạch năm và tăng 34,81% so cùng kỳ; trong đó, đào tạo nghề cho lao động nông thôn 4.779 người.

Công tác chính sách người có công: Trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần cho 14 đối tượng theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công; Trợ cấp cho 37 thân nhân thờ cúng liệt sỹ; Quyết định trợ cấp Ưu đãi giáo dục cho 29 trường hợp; Trợ cấp mai táng phí cho 55 trường hợp; Cấp mai táng phí cho 39 trường hợp; Tiếp nhận 02 hài cốt liệt sĩ chưa biết tên do Bộ chỉ huy quân sự thành phố Phan Thiết và Hàm Thuận Bắc quy lập, bàn giao. Thực hiện chế độ cho các đối tượng khác: Cấp BHYT cho 43 trường hợp; cấp mai táng phí cho 24 trường hợp; đổi người thờ cúng 49 trường hợp. Ngoài ra, tiếp nhận hồ sơ liệt sĩ 14 hồ sơ; di chuyển 04 hồ sơ đi tỉnh ngoài. Di chuyển trong tỉnh gồm 01 hồ sơ thương binh, 01 hồ sơ bệnh binh; 02 Quyết định bổ sung tình hình thân nhân trong hồ sơ liệt sĩ (con liệt sĩ); 02 Quyết định đính chính thông tin trong hồ sơ liệt sĩ.

Luỹ kế 10 tháng (đến ngày 30/10/2019), đã vận động đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được 8,85 tỷ đồng đạt 147,5% so kế hoạch. Quỹ Bảo trợ trẻ em đã vận động được 648,87 triệu đồng, nâng tổng số tiền vận động đến nay 2.227,67 triệu đồng đạt 111,38% so kế hoạch năm.

Toàn tỉnh có 2.828 người nghiện ma túy; có 107/127 xã, phường, thị trấn có người sử dụng chất ma túy, chiếm 84,25%. Số người đăng ký điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone đến nay đạt 1.518 người, hiện đang duy trì điều trị 641 người.

8. Hoạt động Bảo hiểm (đến ngày 31/10/2019):

- Luỹ kế 10 tháng, toàn tỉnh có 95.552 người tham gia BHXH bắt buộc, đạt 95,5% kế hoạch và tăng 2,5% so cùng kỳ; có 86.095 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 96,1% kế hoạch và tăng 6% so cùng kỳ; Số người tham gia BHXH tự nguyện 3.310 người đạt 99% kế hoạch và tăng 544,4% so cùng kỳ; Số người tham gia BHYT 974.139 người (bao gồm thẻ BHYT của thân nhân do Bộ Quốc phòng cung cấp là 10.785 người) đạt 96,5% kế hoạch và tăng 2,6% so cùng kỳ. Tỷ lệ bao phủ BHYT chung toàn tỉnh đạt 82,95% dân số.

- Luỹ kế 10 tháng, toàn tỉnh thu được 1.906,364 tỷ đồng, đạt 82% kế hoạch, tăng 9,2% so cùng kỳ năm trước. Tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN là 134,247 tỷ đồng, chiếm 5,78% kế hoạch thu và tăng 0,71% so cùng kỳ năm trước.

- Công tác giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho đối tượng thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia và thụ hưởng; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT chính xác, trả sổ BHXH cho người lao động cơ bản đúng kế hoạch; thực hiện tốt việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, BHTN đảm bảo đầy đủ, kịp thời, an toàn.

9. Tai nạn giao thông:

Trong tháng (từ 15/10/2019 - 14/11/2019), tai nạn giao thông trên địa bàn xảy ra như sau:

- Số vụ tai nạn giao thông 38 vụ, tăng 3 vụ so tháng trước và so cùng kỳ năm trước giảm 10 vụ. Luỹ kế 11 tháng 397 vụ (trong đó đường sắt 3 vụ), so cùng kỳ năm trước tăng 10 vụ.

- Số người bị thương 35 người, tăng 7 người so tháng trước và giảm 6 người so cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 11 tháng 306 người (trong đó đường sắt 1 người), tăng 25 người so cùng kỳ năm trước.

- Số người chết 10 người, giảm 9 người so tháng trước và giảm 25 người so cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 11 tháng 211 người (trong đó đường sắt 5 người), giảm 13 người so cùng kỳ năm trước.

Tai nạn giao thông chủ yếu xảy ra trên đường bộ, ở khu vực ngoài đô thị, nguyên nhân của các vụ tai nạn trên là do người tham gia giao thông phóng nhanh vượt ẩu, qua đường không quan sát, có rượu bia khi tham gia giao thông. Trong tháng không xảy ra vụ tai nạn giao thông đường sắt đặc biệt nghiêm trọng. Lũy kế 11 tháng xảy ra 03 vụ tai nạn giao thông đường sắt và làm chết 5 người.

10. Thiên tai, cháy nổ:

- Thiên tai: trong tháng xảy ra 1 vụ thiên tai do mưa lũ làm bị ngập, hư hỏng 54 nhà dân; 38 ha lúa, 20 ha thanh long; 102 mét bờ bao, sạt lở 2 tuyến đường giao thông nông thôn; ước thiệt hại 300 triệu đồng. Lũy kế 11 tháng xảy ra 18 vụ thiên tai, ước thiệt hại 5,18 tỷ đồng.

- Cháy nổ: Trong tháng xảy ra 4 vụ cháy, thiệt hại 28 triệu đồng; nổ không xảy ra. Lũy kế 11 tháng (đến ngày 10/11/2019) xảy ra 43 vụ cháy, giảm 12 vụ so cùng kỳ; chết 1 người và gây thiệt hại 2,18 tỷ đồng (giảm 12 tỷ so cùng kỳ).

- Vi phạm môi trường: Trong tháng đã phát hiện 1 vụ, không tăng giảm vụ so cùng kỳ; đã xử phạt 70 triệu đồng. Lũy kế 11 tháng đã xảy ra 37 vụ (tăng 2 vụ so cùng kỳ), xử phạt 3.558 triệu đồng.

CTK Bình Thuận 




TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/