TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI
Tình hình kinh tế xã hội 9 tháng năm 2017

Nhìn chung kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong 9 tháng đầu năm 2017 khá tích cực. Trong nông nghiệp, sơ bộ diện tích gieo trồng vụ hè thu đạt 70.830 ha, đạt 112,6% so kế hoạch vụ; sản lượng thủy sản nuôi trồng thu hoạch 9 tháng ước đạt 8.792 tấn (tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước). Trong công nghiệp giá trị sản xuất (CN) 9 tháng ước đạt 17.288 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010), tăng 7,43% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ đạt 11.166 tỷ đồng. Ước thu ngân sách 9 tháng đạt 7.469,7 tỷ đồng, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Các hoạt động văn hóa xã hội; y tế; giáo dục… có nhiều chuyển biến tích cực. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…

Bước vào thực hiện kế hoạch năm 2017, tình hình kinh tế thế giới tuy có dấu hiệu khởi sắc nhờ sự phục hồi từ các nền kinh tế lớn nhưng tốc độ còn chậm và tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường về thị trường tài chính, tiền tệ và chính sách quốc tế. Ở trong nước, bên cạnh những kết quả nổi bật về cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, các vấn đề tồn tại của nền kinh tế như chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh thấp vẫn đang là những thách thức trong phát triển kinh tế.

Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2017; trong 9 tháng đầu năm 2017 các cấp, các ngành trong tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra từ đầu năm nhằm tạo điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, tăng cường các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh nên tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn giữ được ổn định và có bước phát triển. Kết quả cụ thể trên các lĩnh vực như sau:

I. Nông - Lâm - Thuỷ sản

1. Nông nghiệp

Sản xuất vụ đông xuân    

Sản xuất vụ đông xuân năm nay thời tiết diễn biến khá thuận lợi; các ngành chức năng đã phối hợp tăng cường triển khai phòng chống dịch bệnh kịp thời; lượng nước tích tại các hồ đập đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng, phát triển. Toàn tỉnh đã thu hoạch cây hàng năm đạt 46.623 ha (tăng 36,7% so với vụ cùng kỳ năm trước); trong đó: lúa 35.023 ha, (tăng 56,4%), bắp 4.022 ha (giảm 5,1%), rau các loại 2.692 ha (tăng 13,7%), đậu các loại 2.932 ha (giảm 19,5%), đậu phụng 1.290 ha (tăng 45,9%), khoai lang 183 ha (tăng 11,9% so vụ cùng kỳ năm trước). Năng suất lúa bình quân đạt 62,3 tạ/ha; năng suất bắp đạt 74,7 tạ/ha. Sản lượng lúa đạt 218,3 ngàn tấn (tăng 52,5% so với đông xuân năm trước); bắp đạt 30,0 ngàn tấn (giảm 7,9%). Tính chung sản lượng lương thực đạt 248,37 ngàn tấn (tăng 41,3% so với đông xuân năm trước).

Một số cây trồng khác sản lượng cũng tăng khá: rau các loại đạt 24.024 tấn (tăng 29,30%), đậu phụng 1.977 tấn (tăng 44,4%), khoai lang 1.102 tấn (tăng 5,8% so với vụ đông xuân năm trước).

Sản xuất vụ hè thu

Thời tiết sản xuất thuận lợi, mưa trên diện rộng, các loại cây trồng phát triển tốt. Sơ bộ diện tích gieo trồng đạt 70.830 ha, đạt 112,6% so kế hoạch vụ; tăng 6% so với vụ cùng kỳ. Trong đó:

+ Cây lương thực: Diện tích gieo trồng đạt 53.502 ha, đạt 109,2% kế hoạch vụ; tăng 6,1% so với cùng kỳ. Trong đó lúa đạt 44.895 ha, đạt 115,1% so với kế hoạch vụ, tăng 9,2% so với vụ cùng kỳ; Bắp 8.607 ha, đạt 86,1% so với kế hoạch vụ, giảm 7,8% so với cùng kỳ.

Các huyện có diện tích lúa tăng so với cùng kỳ là: Hàm Thuận Bắc (+ 1.785 ha), Hàm Thuận Nam (+549 ha), Tánh Linh (+970 ha), Bắc Bình (+189 ha) và Đức Linh (+163 ha). Nguyên nhân do cùng kỳ năm trước hán kéo dài, gieo trồng vụ hè thu xuống giống muộn, một số diện tích phải chuyển sang vụ mùa. Năm nay với điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, một số xã vùng cao, miền núi (như  xã Phan Thanh, Bình An,..) gieo trồng lúa phụ thuộc vào chân ruộng chủ yếu nhờ vào nước trời đã chuyển đổi loại cây trồng cho phù hợp (ưu tiên cây lúa); bên cạnh đó một số diện tích trồng rau màu đã đưa sang trồng lúa nên đã đưa diện tích lúa vụ hè thu năm nay tăng khá. Các loại giống lúa được sử dụng sản xuất trong vụ hè thu này là: Các giống lúa được phép sản xuất đại trà: ML 48, ML 202, ML214, TH 6, IR 59606, IR 50404, OM 4900, OM 4218, OM 2514, OM 7347, OM 6976, OM 3536, OM 5930, OM 4498, OM 5936, OM 6162, OM 2395, OM 6073, OM 5451, OM 2517, OM 6377, VD 20…… và các giống lúa đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận, phù hợp với điều kiện sản xuất của tỉnh.

Các huyện có diện tích bắp giảm là Hàm Tân (-351 ha) vì giá cả bấp bênh hiệu quả kinh tế thấp nên chuyển sang trồng cây keo tràm. Huyện Tánh Linh (-600 ha) nguyên nhân là do bắp được trồng xen với cao su và cây lâu năm nhưng nay đã bước vào giai đoạn khép tán nên không thể tiếp tục gieo trồng.

+ Cây lấy củ có chất bột: Diện tích gieo trồng 300 ha, giảm 2,4% so với vụ cùng kỳ, trong đó cây khoai lang 203 ha (giảm 13,6% so với cùng kỳ).

+ Cây công nghiệp ngắn ngày: Diện gieo trồng đạt 7.632 ha, tăng 1,8% so với vụ cùng kỳ; trong đó: mè 5.508 ha (giảm 5,9% so với cùng kỳ), đậu phụng 2.124 ha (tăng 29,2% so với cùng kỳ).

+ Cây rau, đậu: Diện tích gieo trồng đạt 8.874 ha, tăng 7,2% so với vụ cùng kỳ; trong đó: rau các loại 3.473 ha (tăng 4,5% so với cùng kỳ); đậu các loại 5.401 ha (tăng 9% so với cùng kỳ). Nhóm cây rau, đậu gieo trồng tăng chủ yếu là do bà con đã áp dụng phương pháp “ 2 lúa, 1 màu” vào canh tác.

Dự ước năng suất lúa vụ hè thu 2017 đạt 57,3 tạ/ha (năm trước 56,3 tạ/ha), năng suất bắp đạt 61 tạ/ha (năm trước 60,2 tạ/ha). Sản lượng lương thực ước đạt 309,9 ngàn tấn (tăng 7,8% so với vụ hè thu năm trước), trong đó lúa 257,4 ngàn tấn (tăng 11,3%), bắp 52,5 ngàn tấn (giảm 6,5%).

Tính chung 2 vụ (đông xuân và hè thu), dự ước sản lượng lương thực đạt 558,3 ngàn tấn (tăng 20,5% so với 2 vụ năm trước), trong đó lúa 475,7 ngàn tấn (tăng 27%); bắp 82,6 ngàn tấn (giảm 7%).

Trong 9 tháng đã thực hiện chuyển đổi 2.236 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây ngắn ngày khác đạt hiệu quả hơn.

Chương trình xã hội hoá giống lúa được chú trọng triển khai; toàn tỉnh đã thực hiện 909 ha giống lúa xác nhận; thực hiện chương trình liên kết sản xuất “4 nhà” được 994 ha, thực hiện 1.200 ha liên kết sản xuất lúa nếp chất lượng cao ở Đức Linh, tiếp tục duy trì 3.000 ha lúa chất lượng cao ở Tánh Linh.

Sản xuất vụ mùa:

Đến 10/9/2017 đã thực hiện gieo trồng cây hàng năm 38.275 ha (đạt 67,1% so với kế hoạch vụ, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước). Riêng cây lúa 30.243 ha (đạt 78,6% so với kế hoạch vụ, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước); bắp 3.499 ha (đạt 58,3% so với kế hoạch vụ, bằng 87,8% so với cùng kỳ).

Các loại cây trồng khác như cây khoai lang 66 ha (bằng 95,7% so cùng kỳ năm trước); cây mỳ 114 ha; rau các loại 1.288 ha (bằng 67,9% so với cùng kỳ năm trước); đậu các loại 1.603 ha (bằng 84,5% so với cùng kỳ năm trước).

*Công tác thuỷ lợi: Đến 10/9/2017 đã tưới từ nguồn nước thủy lợi, thủy điện trên toàn tỉnh là 29.860 ha (đạt 61,04% KH vụ mùa), trong đó: cây lúa và cây màu 12.933 ha (đạt 40,39% KH); cây thanh long và cây công nghiệp dài ngày 16.927 ha (đạt 99,83% KH).

*Tình hình sâu bệnh trên các loại cây trồng:

+ Cây lúa: Diện tích lúa nhiễm rầy nâu trên toàn tỉnh là 1043 ha, tăng 843 ha so với cùng kỳ năm 2016, phân bố tại các huyện Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình và Phan Thiết.  Khuyến cáo bà con nông dân thăm đồng thường xuyên để phát hiện kịp thời rầy nâu phát sinh trên đồng, nếu mật số >3con/tép sử dụng một trong các loại thuốc đặc trị rầy nâu để phun, tuyệt đối phải tuân theo nguyên tắc 4 đúng và phải luân phiên các loại thuốc.

+ Thanh long: Bệnh đốm nâu phát sinh và gây hại mạnh trên các vườn thanh long, diện tích nhiễm bệnh trong kỳ là 4700ha, bệnh phát sinh gây hại trên toàn vùng trồng thanh long của tỉnh. Bọ trĩ, xòe, xít xuất hiện gây hại đến các vườn thanh long với diện tích gây hại 430 ha tăng 187 ha so với cùng kỳ năm 2016. Bệnh thối rễ, teo tóp cành thanh long phát sinh gây hại nặng trên các vườn thanh long, diện tích nhiễm bệnh trong kỳ là 527 ha, tăng 30 ha so với cùng kỳ trước và tăng 138,5 ha so với cùng kỳ năm 2016. Khuyến cáo nhà vườn sử dụng các loại thuốc đặc trị nấm và tuyến trùng rễ, đồng thời sử dụng thêm các loại chất kích thích sinh trưởng và các loại phân bón có khả năng kích thích ra rễ để phòng và trị bệnh.

1.2 Cây lâu năm:

Tổng diện tích cây lâu năm đến tháng 9/2017 đạt 103.563 ha (tăng 1,44% so với cùng kỳ năm trước), trong đó: diện tích cây công nghiệp 63.351 ha (giảm 0,17%); cây ăn quả đạt 38.241 ha (tăng 3,23%); cây lâu năm khác 1.971 ha (tăng 8,87%). Một số cây trồng chủ lực phát triển qua 9 tháng như sau:

- Thanh long: Diện tích hiện có 27.513 ha (tăng 928 ha so với cùng kỳ năm trước). Diện tích tăng lớn chủ yếu ở các địa phương như: Bắc Bình (+280 ha), Hàm Tân (+173 ha), Tuy Phong (+104 ha), Hàm Thuận Nam (+ 75 ha), Phan Thiết (+ 30 ha), Hàm Thuận Bắc (+30 ha), Tánh Linh (+17 ha). Sản lượng thu hoạch 9 tháng ước đạt 364.579 tấn (tăng 6,93% so với cùng kỳ năm trước).

Đến ngày 12/9/2017, diện tích thanh long VietGAP đạt 7.930 ha (đạt 81,7% KH)

- Cây điều: Diện tích hiện có 16.879 ha (giảm 145 ha so với cùng kỳ năm trước). Do phần lớn diện tích điều trên địa bàn tỉnh đã già cỗi, diện tích điều cao sản chưa được phát triển nhiều, đa số nông dân trồng điều chỉ áp dụng biện pháp như: bón phân, phun thuốc, làm cỏ, tỉa cành, nhưng chủ yếu theo kinh nghiệm nên hiệu quả không cao. Cây điều lại được trồng trên những vùng đất bạc màu, vùng khô hạn nên gặp thời tiết sâu bệnh dễ phát triển làm giảm năng suất, một số nơi nhà vườn chặt bỏ diện tích thay thế cây khác hiệu quả kinh tế hơn. Sản lượng thu hoạch ước đạt 9.470 tấn (giảm 7,29% so với cùng kỳ năm trước). Năm nay tình hình thời tiết không thuận lợi, vào đầu mùa vụ điều ra hoa gặp mưa và sương muối làm cho điều ra hoa bị thối rữa, khô bông, không đậu quả. Bên cạnh đó tình hình sâu bệnh thán thư với diện tích nhiễm bệnh 4.814 ha (trong đó có 258 ha nhiễm mức nhẹ, 1.088 ha nhiễm mức trung bình và 3.468 ha nhiễm mức nặng); bọ xít muỗi với diện tích nhiễm là 2.181 ha (trong đó có 1.072 ha nhiễm nhẹ, 955 ha nhiễm trung bình và 154 ha nhiễm nặng). Mặc dù giá tiêu thụ khá cao nhưng do mất mùa nên đa số nhà vườn thua lỗ.

- Cao su: Hiện đang trong thời điểm thu hoạch mủ. Diện tích hiện có 42.695 ha (tăng 195 ha so với cùng kỳ năm trước). Sản lượng thu hoạch 9 tháng ước đạt 12.181 tấn (tăng 0,84% so với cùng kỳ năm trước).

- Cây tiêu: Hiện đang trong giai đoạn bón phân, làm bồn cho vụ thu hoạch tiếp theo. Diện tích hiện có 1.646 ha (tương đương như cùng kỳ năm trước). Sản lượng thu hoạch ước đạt 1.780 tấn.

1.3 Chăn nuôi:

Tại thời điểm 01/9/2017, toàn tỉnh có:

- Đàn trâu 8.950 con (giảm 0,01% so với cùng kỳ năm trước); đàn bò 162.504 con (giảm 0,03%).

- Đàn lợn có 236.515 con (giảm 6,9% so với cùng kỳ năm trước). Chăn nuôi lợn những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ do tình trạng cung vượt quá cầu, giá thịt lợn giảm sâu so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù cơ quan chức năng thực hiện nhiều giải pháp tăng nhu cầu tiêu thụ trong nước nhưng giá thịt lợn vẫn giảm xuống mức thấp, người chăn nuôi chịu thua lỗ dẫn đến tình trạng giảm đàn.

- Đàn gia cầm có 2.790,2 ngàn con (tăng 1,47% so cùng kỳ năm  trước). Số lượng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh tăng do giá tiêu thụ ổn định.

Toàn tỉnh hiện có 10 doanh nghiệp chăn nuôi lợn (Hàm Thuận Bắc 01, Hàm Tân 04, Đức Linh 05) với số lượng 44.625 con (chiếm 18,44% trong tổng đàn); 60 trang trại (La Gi 05, Bắc Bình 02, Hàm Thuận Bắc 05, Hàm Thuận Nam 01, Hàm Tân 24, Đức Linh 21, Tánh Linh 02) với số lượng 17.820 con (chiếm 7,8% trong tổng đàn). Chăn nuôi gia cầm có 01 doanh nghiệp (huyện Đức Linh) và 11 trang trại nuôi gà  với số lượng 149,6 ngàn con (chiếm 5,36% trong tổng đàn gia cầm của toàn tỉnh).

Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 9 tháng ước đạt 41.722 tấn (giảm 4,85% so với cùng kỳ năm trước); trong đó: trâu 134 tấn (giảm 0,59%); bò 5.747 tấn (giảm 0,06%); lợn 29.998 tấn (giảm 6,85%); gà 3.740 tấn (tăng 2,18%); vịt 2.041 tấn (tăng 0,15%); ngan ngỗng 61,8 tấn (tương đương so với cùng kỳ năm trước). Sản lượng trứng ước đạt 47.145 ngàn quả (tăng 0,27% so với cùng kỳ năm trước).

Công tác phòng, chống dịch duy trì đều. Nhìn chung từ đầu năm đến nay các dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm chưa xảy ra trên địa bàn. Một số bệnh thông thường có xảy ra ở mức độ nhẹ, phần lớn được điều trị khỏi, không có dấu hiệu lây lan thành dịch.

Trong 9 tháng đã tiêm phòng vắc xin đàn trâu, bò 160,2 ngàn liều; đàn heo 483,4 ngàn liều; đàn gia cầm 6.917,4 ngàn liều. Kiểm dịch đàn heo 1.183,5 ngàn con; trâu, bò 3,8 ngàn con; đàn gia cầm 2.759,4 ngàn con. Kiểm soát giết mổ: Lợn: 12,8 ngàn con; Dê 2,6 ngàn con; Gia cầm 54,2 ngàn con.

2. Lâm nghiệp:

Đến 10/9/2017 đã ươm giống gieo tạo được 5.318 ngàn cây (tăng 23,4% so với cùng kỳ). Cơ cấu cây giống chủ yếu là Keo lai, Keo lá liềm, Keo lá tràm, Bạch đàn, Trôm và Xoan chịu hạn .

Dự ước 9 tháng thực hiện:

- Trồng rừng 1.981 ha (đạt 99,1% kế hoạch năm, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm trước); trong đó 1.729 ha rừng sản xuất và 252 ha rừng phòng hộ.

- Trồng cây phân tán 400 ngàn cây (đạt 100% KH năm, và bằng 38,7% so với cùng kỳ năm trước). Chủng loài cây giống hỗ trợ trồng phân tán chủ yếu là Keo lai, Keo lá tràm, Bạch đàn.

- Chăm sóc rừng 6.250 ha (đạt 100% KH năm; tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước), trong đó chăm sóc rừng phòng hộ 592 ha, chăm sóc rừng sản xuất 5.658 ha. Biện pháp kỹ thuật chăm sóc chủ yếu là trồng dặm, rong cành, phát thực bì, bón phấn, dãy cỏ…

- Khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên 5.700 ha (đạt 135,7% KH năm), trong đó thực hiện mới 1.500 ha, chuyển tiếp là 4.200 ha (đạt 135,7% so với kế hoạch năm; tăng 35,7% so với cùng kỳ năm trước).

- Giao khoán bảo vệ rừng 140.954 ha (đạt 116,4% kế hoạch năm; tăng 19,1% so với cùng kỳ năm trước). Phần lớn diện tích rừng đang được các hộ dân bảo vệ tốt, không có tình trạng chặt phá cây rừng, lấn chiếm đất rừng làm rẫy xảy ra trong khu vực nhận khoán.

Khai thác, sử dụng rừng: Đến 10/9/2017 khai thác được 477 m3 gỗ rừng tự nhiên (tăng 2,4 lần so với cùng kỳ năm trước); 16.751 m3 gỗ rừng trồng (bằng 86,8% so với cùng kỳ năm trước); 20.036 Ster củi (bằng 97,7% so với cùng kỳ năm trước).

Công tác quản lý, bảo vệ rừng thường xuyên được tăng cường. Đã thành lập 13 ban chỉ huy Phòng chống cháy rừng huyện, 107 ban chỉ huy PCCR xã, 483 tổ, đội PCCR ở các địa phương; xây dựng 1.306,4 km đường băng cản lửa (trong đó 43 đường băng xanh và 1.263,4 đường băng trắng), 7 chòi canh lửa; trang bị 170 máy móc, 2.851 dụng cụ thủ công, sẵn sàng ứng phó khi có tình huấn cháy khẩn cấp xảy ra. Từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã xảy ra 23 trường hợp cháy rừng với diện tích 26,78 ha, giảm 16 trường hợp so với cùng kỳ năm trước; các vụ cháy chủ yếu cháy tráng cỏ, cây bụi, lá khô dưới tán rừng được huy động chữa cháy kịp thời, không gây hại về tài nguyên rừng.

Tổng số vụ vi phạm lâm luật trong 9 tháng có 377 vụ (giảm 163 vụ so với cùng kỳ năm trước), trong đó: phá rừng trái phép 06 vụ, khai thác gỗ và lâm sản khác 80 vụ, mua bán động vận hoang dã 4 vụ, mua bán vận chuyển lâm sản trái phép 116 vụ, chế biến gỗ và lâm sản khác 13 vụ, vi phạm khác 158 vụ. Đã xử lý hành chính 364 vụ, khởi tố hình sự 10 vụ; tịch thu 01 ô tô  máy kéo, 02 xe bò, 110 xe máy, 59 phương tiện khác, 476,7 m3 gỗ, 88 con động vật hoang dã. Tổng số tiền phạt, bán tang vật nộp vào ngân sách 2.670,5 triệu đồng.

3. Thuỷ sản:

- Nuôi trồng thủy sản: Thời tiết từ đầu năm đến nay nhìn chung khá thuận lợiTrong 9 tháng đầu năm tình hình thời tiết ổn định, không có dịch bệnh nghiêm trọng xảy ra. Các hộ nuôi đã tiếp tục cải tạo ao, nạo vét kênh mương, tuy vậy có một số khu vực tôm có hiện tượng chậm lớn và bệnh phân trắng. Diện tích thuỷ sản thu hoạch 9 tháng ước đạt 1.841 ha (tăng 6,1% so cùng kỳ năm trước). Sản lượng thủy sản nuôi trồng thu hoạch 9 tháng ước đạt 8.792 tấn (tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước); trong đó sản lượng tôm đạt 5.362 tấn (tăng 6,0% so với cùng kỳ năm trước).

- Khai thác thuỷ sản: Trong 9 tháng, tuy có ảnh hưởng một số cơn áp thấp và bão nhưng tình hình khai thác biển vẫn ổn định. Tàu thuyền có công suất lớn vẫn tập trung khai thác ở vùng biển xa bờ. Với sự đầu tư tàu thuyền công suất lớn đánh bắt xa bờ theo tinh thần chỉ đạo của Nghị định 67 và 89 do Chính phủ ban hành và giá tiêu thụ ổn định đã khuyến khích ngư dân ra khơi bám biển, các chuyến đánh bắt xa bờ dài ngày hoạt động ngày càng tăng trong khai thác biển. Sản lượng khai thác 9 tháng ước đạt 161.335 tấn, tăng 4,6% so cùng kỳ năm trước (trong đó khai thác biển ước đạt 160.872 tấn).

- Sản xuất giống thuỷ sản 9 tháng ước đạt 19.210 tấn (tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước (trong đó sản lượng tôm giống đạt 19.197 triệu post, tăng 6,50% so với cùng kỳ năm trước). Sản xuất tôm giống tăng do chất lượng các đối tượng thủy sản bố mẹ, thủy sản giống được kiểm dịch tốt. Trong quá trình ương cá giống, các cơ sở đều áp dụng tốt quy trình kỹ thuật về cải tạo ao, hạn chế sử dụng kháng sinh, không sử dụng thuốc, hóa chất cấm cùng với tình hình nuôi ở các địa phương tăng dẫn đến nhu cầu con giống tăng.

Cơ sở và doanh nghiệp sản xuất tôm giống tập trung chủ yếu ở huyện Tuy Phong và thành phố Phan Thiết. Các cơ sở ươm nuôi giống thuỷ sản chủ yếu tập trung tại các vùng ven biển xã Vĩnh Tân, xã Chí Công huyện Tuy Phong chiếm trên 86% tổng số trại tôm giống của tỉnh. Sản xuất cá giống có 02 cơ sở (huyện La Gi và huyện Đức Linh).

Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản được duy trì thường xuyên. Các ngành chức năng đã phối hợp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc khai thác và bảo vệ các loại hải sản trong mùa sinh sản (hàng năm, từ tháng 4 đến cuối tháng 7 là thời điểm các loài hải đặc sản vào mùa sinh sản). Tuy nhiên, tình trạng khai thác hải sản non và hải sản đang trong thời gian sinh sản, giã cào bay hoạt động sai tuyến diễn ra thường xuyên khiến nguồn lợi này ngày càng cạn kiệt. Để bảo vệ và khôi phục nguồn lợi thuỷ sản gần bờ như nhuyễn thể hai mảnh vỏ có giá trị kinh tế cao, tỉnh đã ra thông báo cấm toàn bộ hoạt động khai thác các loài hải đặc sản (nhuyễn thể hai mảnh vỏ và các loại ốc) trên toàn vùng biển Bình Thuận. Trong 9 tháng đã kiểm tra phát hiện 531 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; trong đó: hành nghề giã cào bay sai vùng khai thác 38 vụ; khai thác sò lông trong gian cấm 9 vụ; hành nghề giã cào đáy sai vùng khai thác 27 vụ; lặn trái phép 39 vụ, không bằng máy trưởng 18 vụ; không có bằng thuyền trưởng 22 vụ; không giấy phép khai thác thủy sản 7 vụ; tàng trữ công cụ kích điện trên tàu cá 9 vụ; sử dụng lưới có kích thước mắt lưới nhỏ 256 vụ; sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thủy sản 35 vụ.

Nhìn chung sản xuất nông, lâm, thủy sản trong 9 tháng đầu năm phát triển khá ổn định:

Kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại tiếp tục phát triển; toàn tỉnh hiện có 639 trang trại. Đã củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động các Hợp tác xã, Tổ hợp tác nông nghiệp, đến nay toàn tỉnh có 02 Liên hiệp Hợp tác xã, 80/90 Hợp tác xã đã chuyển đổi và hoạt động theo Luật Hợp tác xã, 724 Tổ hợp tác

Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện; các ngành, các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân; kêu gọi doanh nghiệp tích cực hơn, cùng tham gia thực hiện nông thôn mới, tập trung triển khai các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực gắn với tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở kêu gọi doanh nghiệp cùng tham gia, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, nâng cao chất lượng đào tạo nghề lao động nông thôn; các chính sách an sinh xã hội, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình phục vụ đạt tiêu chí, giao thông nông thôn.

Tuy vậy việc triển khai thực hiện Bộ tiêu chí giai đoạn 2016-2020 còn lúng túng; phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phong trào “Chung sức chung lòng xây dựng nông thôn mới” chưa nhiều; bình quân số tiêu chí của 12 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017 còn thấp (bình quân chỉ đạt 12 tiêu chí/xã), khối lượng còn lại phải thực hiện để đạt tiêu chí là khá lớn.  

II. Công nghiệp; đầu tư xây dựng; đăng ký kinh doanh; đăng ký đầu tư

1. Công nghiệp:

Giá trị sản xuất công nghiệp (CN) 9 tháng ước đạt 17.288 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010), tăng 7,43% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: CN khai khoáng 443,3 tỷ đồng (giảm 6,58%); CN chế biến, chế tạo 11.414 tỷ đồng (tăng 8,71%); sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí 5.253 tỷ đồng (tăng 6,22%); cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải 178 tỷ đồng (tăng 2,95% so với cùng kỳ năm trước).

Dự ước các sản phẩm sản xuất tăng (giảm) so với cùng kỳ năm trước như sau: Đá khai thác (tăng 3,55% so với 9 tháng năm trước), thủy sản đông lạnh (tăng 5,34%), nước mắm (tăng 2,65%), thức ăn gia súc (tăng 10,63%), nước khoáng (tăng 13,12%), quần áo may sẵn (tăng 4,14%), nước máy sản xuất (tăng 1,11%), điện (tăng 5,49%), sơ chế mủ cao su (tăng 12,02%), đồ gỗ và các sản phẩm gỗ (tăng 19,93%), gạch các loại (tăng 1,44%), cát sỏi các loại (giảm 2,76%), muối hạt (giảm 28,72%), thủy sản khô (giảm 2,47%), hạt điều nhân (giảm 1,55%).

Nhìn chung sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ ổn định; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khá.

Trong 9 tháng đầu năm 2017 thu hút được 08 dự án vào Khu công nghiệp (trong đó có 02 dự án nước ngoài), diện tích đất thuê 10,95 ha với tổng vốn đầu tư 158,8 tỷ đồng và 7,5 triệu USD. Như vậy đến nay các Khu công nghiệp đã thu hút được 68 dự án thứ cấp (trong đó có 22 dự án đầu tư nước ngoài), cho thuê 200,98 ha với tổng vốn đầu tư là 3.676,35 tỷ đồng và 167,1 triệu USD. Hiện có 49 dự án đi vào hoạt động sản (trong đó có 17 dự án có vốn đầu tư nước ngoài).

Đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp (CN) trong 9 tháng đầu năm có sự khởi sắc, đã hoàn thành đầu tư hạ tầng cụm CN Thắng Hải 1, hiện đang kêu gọi các dự án đầu tư thứ cấp; hoàn thành san lấp mặt bằng cụm CN Tân Bình 1, trong đó có khu 10 ha phục vụ di dời các cơ sở chế biến cá cơm, đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung và điều chỉnh lại hồ sơ để bổ sung ngành chế biến hải sản; đã tổ chức khởi công Cụm CN Sông Bình (17/4/2017); Cụm CN Nghĩa Hòa cơ bản đã hoàn tất thủ tục, hiện đang chờ UBND tỉnh phê duyệt giá thuê đất hàng năm để làm cơ sở giao thuê đất và cấp phép xây dựng, hiện chủ đầu tư cũng đã tiến hành san ủi, triển khai một số công trình phụ; Cụm CN Phú Long đang tập trung triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để giao đất cho chủ đầu tư. Đã thống nhất chủ trương lập hồ sơ đầu tư các cụm CN: Lạc Tánh, Mũi Né và thu hồi chủ trương đầu tư cụm CN La Gi do nhà đầu tư không triển khai. Hiện đang triển khai hồ sơ thành lập 03 cụm CN: Thắng Hải 3, Lạc Tánh và Mũi Né.

Công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư thứ cấp vào các cụm công nghiệp được quan tâm triền khai; 08 tháng đầu năm đã thu hút được 05 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư 53,04 tỷ đồng, diện tích đất cho thuê 34.798,3 m2; trong đó có 03 dự án đầu tư mới với tổng vốn đầu tư 12,6 tỷ đồng, diện tích đất cho thuê 30.950,6 m2; 02 dự án đầu tư mở rộng quy mô sản xuất với tổng vốn đầu tư 40,44 tỷ đồng, diện tích đất cho thuê 3.847,7 m2. Thi công Nhà máy may dây khóa kéo KaoShing, đến nay cơ bản đã hoàn thành 03 nhà xưởng, nhập máy móc, thiết bị, đang xây dựng các công trình phụ: nhà bảo vệ, nhà nghỉ chuyên gia, hồ xử lý nước thải, …

- Các dự án sản xuất công nghiệp (bên ngoài Khu , cụm công nghiệp).

Một số dự án sản xuất công nghiệp có quy mô lớn tiếp tục được các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công; đến nay Công ty CP May Nhà Bè – Đức Linh (giai đoạn 1) đã đi vào hoạt động ổn định, tạo việc làm cho khoảng 2.000 lao động. Bên cạnh đó, trong 9 tháng đầu năm đã thu hút 13 dự án công nghiệp với tổng vốn đầu tư 592,64 tỷ đồng và tổng diện tích 123,06 ha, gồm: 05 dự án khai thác cát có tổng công suất 136.750 m3/năm với tổng vốn đầu tư 25,7 tỷ đồng, diện tích mặt đất sử dụng 49,14 ha; 03 dự án khai thác mỏ sét có tổng công suất 75.950 m3/năm với tổng vốn đầu tư 3,62 tỷ đồng, diện tích mặt đất sử dụng 38,96 ha; 02 dự án sản xuất vật liệu không nung có tổng công suất 1.130 triệu viên/năm với tổng vốn đầu tư 472,85 tỷ đồng; 01 dự án sản xuất phân bón có công suất 25.000 tấn/năm, vốn đầu tư 30 tỷ đồng; 01 dự án gia nhiệt trái cây có công suất 7.200 tấn/năm, vốn đầu tư 60 tỷ đồng; 01 dự án đầu tư mở rộng, vốn đầu tư 4,09 tỷ đồng.

2. Đầu tư xây dựng:

Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 994,6 tỷ đồng, đạt 66,6% kế hoạch năm; trong đó: nguồn vốn ngân sách tỉnh là 713 tỷ đồng, đạt 63,6% kế hoạch năm; nguồn vốn ngân sách huyện là 225,4 tỷ đồng, đạt 77,2% kế hoạch năm; nguồn vốn ngân sách xã là 56,2 tỷ đồng, đạt 68,9% kế hoạch năm. Tiến độ thực hiện và giải ngân của các dự án đầu tư công do tỉnh quản lý có chuyển biến tích cực.    

Kết quả triển khai thực hiện một số công trình trọng điểm đến cuối tháng 8/2017 như sau:

* Dự án Kênh tiếp nước Biển Lạc - Hàm Tân. Chủ đầu tư:

Giá trị khối lượng thực hiện từ khởi công đến hết năm 2016 là 218 tỷ đồng, giải ngân 198 tỷ đồng, bao gồm: Xây lắp 140,79 tỷ đồng; Chi khác 13,668 tỷ đồng; Đền bù 43,715 tỷ đồng.

Trong 8 tháng đàu năm 2017 đã thực hiện đào đắp đoạn kênh từ K7+300 đến K9+900 với giá trị khối lượng thực hiện: 25 tỷ đồng; cấp phát 11 tỷ đồng.

* Dự án Kè chống xói lở bảo vệ bờ biển đảo Phú Quý (giai đoạn 2):

Giá trị khối lượng thực hiện từ khởi công đến hết năm 2016 là 411 tỷ đồng; giải ngân là 439 tỷ đồng (đơn vị thi công ứng trước 28 tỷ đồng).

Đến nay, có 02 gói thầu đã thi công hoàn thành nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng, gồm:

+ Gói thầu số 4 hạng mục: Đê Tây dài 148,9m và Đê Đông dài 948,8m và các công trình phụ trợ thuộc khu vực bảo vệ bờ đoạn Đồn Biên Phòng 464 cũ;

+ Gói thầu số 12 hạng mục xây lắp kè bảo vệ bờ đoạn Khu dân cư Hội An và đoạn từ Bãi Lăng đến Chùa Thạnh Lâm.

Hiện đang triển khai thi công gói thầu số 9, hạng mục: Kè bảo vệ bờ đoạn Lạch Ông Bền thôn Triều Dương và đoạn từ Chùa Thạnh Lâm đến trước UBND huyện. Gói thầu này có giá trị là 125,388 tỷ đồng, bàn giao mặt bằng khởi công từ ngày 15/9/2016. Lũy kế khối lượng thực hiện từ khởi công đến nay là 73,136 tỷ đồng; giải ngân 72,397 tỷ đồng.

Từ đầu năm đến nay, quá trình thi công đảm bảo tiến độ, không gặp vướng mắc, khó khăn.

* Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảo Phú Quý:

Giá trị khối lượng thực hiện đến năm 2016 là 10,9 tỷ đồng; giải ngân 101,8 tỷ đồng.

Trong 8 tháng đầu năm 2017 giá trị khối lượng thực hiện đạt 81,45 tỷ đồng, đơn vị thi công đang tập trung thi công để có khối lượng hoàn ứng trước kế hoạch vốn năm 2016.

Đã cơ bản thực hiện xong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

* Dự án Cấp nước Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân:

Giá trị khối lượng thực hiện từ khởi công đến hết năm 2016 là 108,927 tỷ đồng, cấp phát 81,15 tỷ đồng (trong đó: Xây lắp: 62,699 tỷ đồng; chi khác: 6,503 tỷ đồng; đền bù cho dân: 11,948 tỷ đồng). Đến năm 2016, dự án đã hoàn thành khối lượng thi công chính và chuyển nước từ hồ Lòng Sông về hồ Đá Bạc.

Khối lượng thực hiện 8 tháng đầu năm 2017 đạt 3,845 tỷ đồng; cấp phát: 3,5 tỷ đồng.

* Dự án đường Lê Duẩn đoạn từ đường Trường Chinh đến đường Lê Hồng Phong:

Giá trị thực hiện đến năm 2016: 132,89 tỷ đồng; cấp phát: 123,608 tỷ đồng.

Giá trị khối lượng thực hiện 8 tháng đầu năm đạt 39,552 triệu đồng; cấp phát 38,273 tỷ đồng.

Đến nay đã thi công hoàn thành đường Hoàng Hoa Thám dài 131,78m; hoàn thành, nghiệm thu và bàn giao đưa vào sử dụng công viên 1-6, đoạn đường Trần Phú nối ra đường Lê Duẩn và chốt đèn tín hiệu giao thông ngã tư giao với Quốc lộ 1. Dự kiến sẽ hoàn thành và bàn giao đoạn từ đường Trường Chinh đến đường Nguyễn Hội (km0+000 - km1+320).

Hiện đang tiếp tục thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và thi công đoạn từ đường Nguyễn Hội đến Lê Hồng Phong (Km1+320 - Km1+869,68).

* Đường Hùng Vương (đoạn từ vòng xoay đại lộ Tôn Đức Thắng đến giáp cầu Hùng Vương):

- Đoạn qua khu dân cư Hùng Vương II (đoạn 1):  

Giá trị khối lượng thực hiện từ khởi công đến hết năm 2016 là 48,606 t đồng, cấp phát 40,5 tỷ đồng. Đến nay đã thi công cơ bản hoàn thành, còn 20m vỉa hè bên phải tuyến vướng mặt bằng nên chưa triển khai thi công.

Khối lượng thực hiện 8 tháng đạt 1,368 tỷ đồng.

Hiện còn vướng 01 hộ chưa bàn giao mặt bằng thi công vỉa hè

- Đoạn 2 qua khu dân cư Hùng Vương II, giai đoạn 2A (đoạn 2):

Đến nay đã thi công hoàn thành 420m/420m; lũy kế giá trị thực hiện và giải ngân từ khởi công đến nay là 120 t đồng.

- Đoạn qua khu dân cư Hùng Vương II, giai đoạn 2B (đoạn 3):

Giá trị thực hiện và giải ngân đến năm 2016 là: 858 triệu đồng.

Khối lượng thực hiện 8 tháng đạt 6,5 tỷ đồng; cấp phát 5,130 tỷ đồng.

Đến nay, phần đường đã thi công cấp phối đá dăm loại II đoạn đầu tuyến dài 145m/366m, rộng 16m; phần thoát nước đã lắp đặt cống Ø800 128m bên phải tuyến, 136m bên trái tuyến; phần vỉa hè, dải phân cách, cây xanh đã thi công hoàn thiện 128m dải phân cách giữa.

* Sân bay Phan Thiết:

Tổng mức đầu tư: 1.694 tỷ đồng. Lũy kế giá trị thực hiện đến năm 2016 là: 94,784 t đồng; Lũy kế cấp phát vốn: 73,474 t đồng (thực hiện các công việc chuẩn bị đầu tư và bồi thường giải phóng mặt bằng).

- Đối với hạng mục hàng không dân dụng (hợp đồng BOT):

UBND tỉnh đã ký kết hợp đồng với nhà đầu tư. Đơn vị tư vấn thiết kế đã thực hiện xong hồ sơ thiết kế. Tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu khai thác ổn định, lâu dài trong tương lai, tránh phải nâng cấp gây tốn kém, hiện nay Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận bổ sung Cảng hàng không Phan Thiết vào quy hoạch mạng cảng hàng không cả nước trong giai đoạn 2020 với vai trò là cảng hàng không dân dụng cấp 4E và sân bay quân sự cấp I, chiều dài đường cất hạ cánh 3.050 m; đồng thời, giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt điều chỉnh quy hoạch theo quy định.

Sở Giao thông vận tải đang phối hợp với đơn vị tư vấn, nhà đầu tư thực hiện điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi hạng mục hàng không dân dụng đồng bộ với quy mô sân bay cấp 4E để tổ chức thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt ngay khi Bộ Giao thông vận tải phê duyệt điều chỉnh quy hoạch.

- Đối với hạng mục sân bay quân sự:

Bộ Quốc phòng đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng khu sân bay quân sự tại Quyết định số 801/QĐ-BQP ngày 04/3/2016.

Hiện nay, chủ đầu tư đang lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức hợp đồng BT để triển khai thực hiện.

- Về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng: tổng diện tích thu hồi đất thực hiện dự án là 543 ha với 48 hộ và 06 tổ chức với tổng số tiền là 92,28 tỷ đồng. Đến nay kế hoạch vốn đã bố trí 113,084 tỷ đồng, trong đó: ngân sách tỉnh cấp tạm ứng 43,084 tỷ đồng; vốn Bộ Quốc phòng cấp 70 tỷ đồng.

Đã bồi thường cho 46 hộ và 05 tổ chức, bàn giao cho nhà đầu tư là 444,43/543 (đạt 82% diện tích) với tổng số tiền là 86,995 tỷ đồng. Chi khảo sát lập quy hoạch và trồng rừng thay thế 4,874 tỷ đồng.

Nhìn chung mặt bằng cơ bản đáp ứng được cho việc thi công. Tuy nhiên do phải chờ điều chỉnh Quy hoạch; chờ Bộ Quốc phòng lựa chọn nhà đầu tư để triển khai thi công đồng bộ hai khu sân bay quân sự và sân bay dân dụng.

* Đường từ Cầu Hùng Vương đến đường ĐT. 706 B:

Giá trị thực hiện đến năm 2016 là 5,953 t đồng; cấp phát: 5,138 t đồng.

Khối lượng thực hiện 8 tháng đầu năm 2017 đạt 42 tỷ đồng; giải ngân 25 tỷ đồng (bồi thường giải phóng mặt bằng).

+ Phần đường: đã thi công lớp cấp phối đá dăm loại II phần nền đường mở rộng 1.820/3.939m; thi công lớp cấp phối đá dăm loại I nền đường mở rộng 1.600/3.939m. Thảm bê tông nhựa và cấp phối đá dăm loại I bù vênh trên mặt đường nhựa cũ 1600 m; thảm bê tông nhựa mặt đường mở rộng khoảng 640m đoạn cuối và 760 m đoạn dốc Lầu Ông Hoàng.

+ Phần thoát nước: đã thi công gối cống các loại: 3.535 gối/4.419 gối, thi công hố ga các loại được 80/203 hố, lắp đặt cống Ø800 được 120/917m, cống hộp đúc sẵn: 44/65 đốt, lắp đặt được 44 đốt cống đã sản xuất, thi công hoàn thiện 01/03 cống.

+ Phần cầu: Đúc xong toàn bộ 132/132 cọc BTCT 35x35cm, sản xuất và lắp đặt hàng rào thi công cầu: 131/131m, đóng cọc thử: 6/6 cọc, thi công hoàn thành trụ T1, T2, T3, T4, lắp đặt được 21/35 dầm I BTCT dự ứng lực 24,54m, thi công hoàn thanh 08/20 dầm ngang, thi công bản mặt cầu 01/05 nhịp.

3. Tình hình đăng ký kinh doanh

Từ đầu năm đến ngày 07/9/2017, đã cấp 712 hồ sơ đăng ký (bao gồm doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, điểm kinh doanh), tăng 7,39% so với cùng kỳ năm trước; tổng vốn đăng ký 11.320 tỷ đồng (tăng 189,3 % so cùng kỳ). Giải thể 127 doanh nghiệp (giảm 13% so cùng kỳ); Thông báo tạm ngừng 108 trường hợp (tăng 12,50% so với cùng kỳ).

Như vậy so với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp và số vốn điều lệ đăng ký tăng khá; số doanh nghiệp giải thể giảm; tuy nhiên số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động cao hơn cùng kỳ.

Số lượng doanh nghiệp đăng ký trong lĩnh vực sản xuất phân phối, điện, nước, gas (chủ yếu là doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực điện mặt trời) tăng khá cao, hiện có 43 doanh nghiệp, tổng vốn điều lệ 7.658,6 tỷ đồng.

Tổng số doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến (qua mạng) là 113, đạt tỷ lệ 4,23% tổng số hồ sơ đã xử lý, tăng hơn so với cùng kỳ năm 2016 (cùng kỳ năm trước, đạt tỷ lệ 0,4% tổng số hồ sơ).

Đã yêu cầu 98 doanh nghiệp báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh (theo thông báo cơ sở bỏ kinh doanh của cơ quan thuế); thông báo vi phạm 57 doanh nghiệp; thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của 17 doanh nghiệp do vi phạm quy định liên quan đến thuế và vi phạm quy định do không báo cáo.

4. Đăng ký và xúc tiến đầu tư:

Từ đầu năm đến 07/9/2017 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 124 dự án được cấp Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư (cấp mới 98 và cấp điều chỉnh 26), với tổng diện tích đất 2.595 ha, tổng vốn đăng ký 43.055 tỷ đồng (tăng 55,5% so với cùng kỳ năm trước). Có 09 dự án khởi công xây dựng:  Khu du lịch biệt thự cao cấp Legend Phan Thiết của Công ty TNHH Đại Thanh Quang; Dịch vụ may gia công xuất khẩu tại xã Võ Xu, huyện Đức Linh của Công ty CP May Nhà Bè – Đức Linh; Dự án khai thác cát xây dựng Hàm Chính 2 của Công ty TNHH Quang Hiền; Trụ sở làm việc Ngân hàng TMCP Sài Gòn tại phường Phú Thủy, Tp. Phan Thiết; Khu phức hợp nông nghiệp công nghệ cao chăn nuôi bò và chế biến các sản phẩm từ sữa tại xã Sông Bình của Công ty TNHH Thông Thuận; Đầu tư xây dựng chợ Phước Thể của Công ty TNHH ĐTKD BDS Phú Thịnh; Khu dân cư Tiến Lợi của Công ty CP ĐTXD Toàn Thịnh; Khai thác cát bồi nền tại Hàm Kiệm của Cty CP Rạng Đông; Xây dựng chợ Hàm Cường của Công ty TNHH ĐTKD BDS Phú Thịnh. Đã có 19 dự án đi vào hoạt động kinh doanh.

Đã rà soát các dự án du lịch chậm triển khai trên địa bàn. Trong 8 tháng đã thu hồi 07 dự án (Lĩnh vực: Du lịch 01, xăng dầu 01, Công nghiệp 02, Dịch vụ 03) và thu hồi 05 văn bản cho chủ trương lập thủ tục đầu tư.

III. Thương mại, Giá cả, Du lịch, Xuất nhập khẩu, Giao thông vận tải

1. Thương mại, Giá cả:  

Hoạt động thương mại tăng trưởng khá, có thêm nhiều siêu thị, trung tâm thương mại lớn đã hoàn thành và đi vào hoạt động, cung cấp đa dạng hàng hóa, sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Thị trường khá ổn định, hàng hoá trên thị trường phong phú, không có mặt hàng nào tăng giá đột biến.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá 9 tháng ước đạt 22.472 tỷ đồng (tăng 11,64% so với cùng kỳ năm trước); doanh thu dịch vụ đạt 11.166 tỷ đồng (tăng 13,73% so với cùng kỳ năm trước).

Đã hoàn thành và đưa vào hoạt động chợ Hàm Chính; triển khai đầu tư xây dựng các chợ với tiến độ thi công như sau: chợ Hàm Liêm đã thi công hoàn thành phần móng; chợ Hàm Thắng đang triển khai tháo dỡ, thu hồi tài sản trên khu đất chợ; chợ Phước Thể thi công đạt khoảng 50% tiến độ, đang hoàn tất các hạng mục công trình nhà lồng chính gồm nền chợ, các ki ốt, các hạng mục công trình phụ; chợ Hàm Kiệm đang tiến hành sửa chữa nhà lồng chính đạt khoảng 70% tiến độ công trình; một số chợ khác đang triển khai thủ tục đầu tư.

Trong 9 tháng đầu năm đã thu hút thêm các dự án mới như: Trung tâm thương mại BTTmart Đức Linh với vốn đầu tư 50 tỷ đồng, siêu thị Co.opmart Phan Rí Cửa với vốn đầu tư 25,2 tỷ đồng, Khu thương mại P’Lao Đức Phú với vốn đầu tư 5,5 tỷ đồng, Trạm chiết nạp gas BTTmart với vốn đầu tư 25 tỷ đồng, mở rộng Kho xăng dầu Hòa Phú với vốn đầu tư 300 tỷ đồng, 01 tàu dầu và 08 cửa hàng xăng dầu với tổng vốn đầu tư 85,3 tỷ đồng.

Các hoạt động xúc tiến thương mại thường niên vẫn được đẩy mạnh triển khai; đến nay đã vận động, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia 04 hội chợ trong tỉnh và các hội chợ, triển lãm tại các tỉnh, thành phố: Đồng Tháp, Đắk Lắk, Phú Thọ, An Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Hà Nội, Lâm Đồng, Tiền Giang, Ninh Thuận, Gia Lai, Yên Bái, Bình Định, Nha Trang, Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quãng Ngãi… để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa. Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Phiên chợ đặc sản vùng và hàng Việt tại An Giang, Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa tại Lâm Đồng, Đà Nẵng. Trực tiếp tham gia Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam lần thứ 27, Triển lãm Quốc tế về các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và Sản phẩm hữu cơ. Tổ chức 04 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn trên địa bàn các huyện: Phú Quý, Hàm Thuận Bắc, Đức Linh, Tánh Linh, thu hút hơn 80 lượt doanh nghiệp tham gia, doanh thu bán hàng đạt hơn 1,7 tỷ đồng; qua đó đưa đến tay người tiêu dùng các sản phẩm nội địa với chất lượng tốt, giá cả hợp lý, góp phần hưởng ứng, thúc đẩy Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực

Chỉ số giá tiêu dùng sau 8 tháng (tháng 8/2017 so tháng 12/2016) là 101,24% (tăng 0,56%); trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 2,87%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,95%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 2,13%; nhà ở, điện nước và vật liệu xây dựng tăng 3,33%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,83%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 42,17%; giáo dục giảm 0,48%; văn hóa giải trí và du lịch tăng 0,65%; giao thông tăng 2,93%; bưu chính viễn thông giảm 0,39%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,44%.

Nếu so với tháng cùng kỳ năm trước (sau 1 năm) giá tiêu dùng tăng 3,03%; bình quân 8 tháng đầu năm 2017 tăng 3,74% so với bình quân 8 tháng đầu năm 2016.

Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Bình Thuận được duy trì thường xuyên. Trong 9 tháng đã kiểm tra, kiểm soát 1.472 vụ, phát hiện và xử lý 732 vụ tổng số tiền phạt nộp ngân sách nhà nước trên 5,47 tỷ đồng. Kiểm tra, xử lý các thương nhân người nước ngoài, người dân địa phương tiếp tay cho thương nhân nước ngoài kinh doanh quả thanh long trái phép; qua kiểm tra 29 cơ sở, phát hiện và xử lý 25 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 500,5 triệu đồng, tịch thu 9,16 tấn quả thanh long.

2. Du lịch:

Du lịch tiếp tục có nhiều khởi sắc với các chương trình lễ tết, lễ hội… thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước; nhiều dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng lớn được hoàn thành, góp phần nâng cao năng lực phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh. Nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, tham quan được triển khai tổ chức thêm so với những năm trước như: Lướt ván buồm, Công viên tượng cát Forgotten Land, mô tô nước, lướt ván diều, mô tô địa hình, khinh khí cầu, sân khấu nhạc nước Làng Chài Phan Thiết.

Lượng khách đến các điểm tham quan và nghỉ dưỡng trong dịp lễ, tết, nghỉ hè khá đông. Dự ước 9 tháng đạt 3.595,3 ngàn lượt khách, đạt 70,45% kế hoạch năm, tăng 10,19% so với cùng kỳ năm trước (trong đó khách lưu trú đạt 3.538,1 ngàn lượt khách, tăng 10,29% so với cùng kỳ năm trước) với 5.833,3 ngàn ngày khách (tăng 12,51% so với cùng kỳ năm trước); khách quốc tế đạt 435,7 ngàn lượt khách (tăng 17,46%) với 1.299,1 ngàn ngày khách (tăng 18,38%). Doanh thu từ du lịch đạt 7.940,7 tỷ đồng (đạt 73,52% kế hoạch năm; tăng 19,76% so với cùng kỳ năm trước).     

Khách quốc tế đến Bình Thuận hàng tháng có trên 110 nước và khu vực; trong đó du khách Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc đến tham quan du lịch chiếm tỷ trọng cao (từ đầu tháng 6/2017 đến nay, khách du lịch Trung Quốc đến Bình Thuận tăng khá).

Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch duy trì đều. Theo báo cáo của Sở Văn hoá Thề thao và Du lịch, trong 9 tháng đã triển khai thực hiện các ấn phẩm theo Bộ nhận diện thương hiệu du lịch Bình Thuận (750 đĩa phim du lịch; 2.000 bìa đĩa, nhãn đĩa; 750 sách cẩm nang; 1.450 bản đồ du lịch; 200 huy hiệu; 50 bộ ly; 100 dĩa sứ..). Tham gia Ngày hội du lịch Thành phố Hồ Chí Minh 2017; Hội chợ du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh (ITE-HCMC 2017) và đón đoàn Famtrip đến khảo sát tại Bình Thuận; không gian ẩm thực và đặc sản Nam Bộ năm 2017 trong khuôn khổ các hoạt động Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ II tại Bình Dương; không gian “Di sản văn hóa biển, đảo Bình Thuận” tại Quảng Nam lần thứ VI/2017. Vận động doanh nghiệp tham gia: Liên hoan Ẩm thực đất Phương Nam, lễ hội Bánh dân gian Nam bộ tại Cần Thơ, Hội chợ Du lịch quốc tế ITB Đức và MITT Nga, Hội chợ JATA Nhật Bản... Tổ chức cho các Công ty lữ hành, phóng viên báo chí khảo sát sản phẩm du lịch, các tuyến du lịch mới tại huyện Hàm Thuận Bắc và Tánh Linh. Triển khai mô hình mẫu và khảo sát tour tham quan “Trải nghiệm hoạt động sản xuất Thanh Long cùng với người dân Hàm Thuận Nam”. Khai thác và cập nhật 700 tin, bài, ảnh về hoạt động du lịch trên các báo, tạp chí và trang website du lịch trung ương, địa phương và thực hiện các phóng sự phát trên sóng truyền hình. Đến 01/9/2017 toàn tỉnh có 473 cơ sở lưu trú du lịch đang hoạt động kinh doanh với tổng số 14.218 phòng. Có 07 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, 24 doanh nghiệp lữ hành nội địa, 29 đơn vị hoạt động kinh doanh liên quan đến lữ hành, gồm các chi nhánh văn phòng đại diện, đại lý lữ hành, đại lý bán vé xe, vé máy bay… Có 65 hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch (17 hướng dẫn viên du lịch quốc tế, 27 hướng dẫn viên du lịch nội địa và 21 thuyết minh viên).   Đã xếp hạng 237 cơ sở lưu trú với 9.470 phòng, trong đó đạt tiêu chuẩn 5 sao 03 cơ sở với 348 phòng, 4 sao có 29 cơ sở với 3.214 phòng, 3 sao có 18 cơ sở với 1.379 phòng, 2 sao có 34 cơ sở với 1.546 phòng, 1 sao có 41 cơ sở với 928 phòng, nhà nghỉ du lịch có 73 cơ sở với 1.464 phòng, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê có 39 cơ sở với 591 phòng. Chưa xếp hạng có 236 cơ sở với 4.748 phòng.

3. Xuất nhập khẩu:

Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 9 tháng đạt 286,22 triệu USD, đạt 79,48% kế hoạch năm, tăng 15,21% so với cùng kỳ năm trước; trong đó nhóm hàng thuỷ sản đạt 102,96 triệu USD, đạt 76,21% kế hoạch năm, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước; hàng nông sản đạt 11,79 triệu USD, đạt 84,83% kế hoạch năm, tăng 22,21% so với cùng kỳ năm trước; hàng hoá khác 171,47 triệu USD, đạt 81,23% kế hoạch năm, tăng 17,36% so với cùng kỳ năm trước (trong đó hàng may mặc 108,3 triệu USD, đạt 71,92% KH năm, tăng 4,75% so cùng kỳ năm trước). Một số mặt hàng nông thuỷ sản xuất khẩu 9 tháng đạt như sau: cao su 2.173 tấn (tăng 28,36% so với cùng kỳ năm trước); quả thanh long 3.210 tấn (giảm 42,02%); thuỷ sản 13.529 tấn (tăng 2,19%).

Xuất khẩu trực tiếp 9 tháng đạt 267,86 triệu USD (tăng 15,20% so với cùng kỳ năm trước); trong đó:

- Xuất sang thị trường Châu Á đạt 171,12 triệu USD (tăng 13,23% so với cùng kỳ năm trước), trong đó: Thị trường Đông Á đạt 153,08 triệu USD (tăng 8,79%); Thị trường Đông Nam Á đạt 7,38 triệu USD (tăng 86,75% so với cùng kỳ); Thị trường Tây Á đạt 8,70 triệu USD (tăng 64,95%); Thị trường Trung Nam Á đạt 1,95 (tăng 66,6% so với cùng kỳ). Tăng chủ yếu ở mặt hàng nông sản, đồ gỗ nội thất, thủy sản đông lạnh, giấy các loại.  

- Xuất sang thị trường Châu Âu đạt 36,74 triệu USD (giảm 2,27% so với cùng kỳ năm trước), trong đó: Thị trường Bắc Âu đạt 8,51 triệu USD (tăng 26,58%); Thị trường Đông Âu đạt 0,58 triệu USD (giảm 70,11% so với cùng kỳ); Thị trường Nam Âu đạt 11,59 triệu USD (tăng 3,67%); Thị trường Tây Âu đạt 16,05 triệu USD (giảm 9,51%). Tăng chủ yếu ở mặt hàng giầy dép các loại khác, đồ gỗ nội thất, mực tươi đông lạnh, Mực bạch tuộc loại khác, cá loại khác tươi, đông lạnh và tôm đông lạnh loại khác ….

- Xuất sang thị trường Châu Mỹ đạt 54,48 triệu USD (tăng 32,12% so với cùng kỳ năm trước); Thị trường Bắc Mỹ đạt 43,59 triệu USD (tăng 18,81%); Thị trường Trung Mỹ đạt 10,54 triệu USD (tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ), chủ yếu tăng ở mặt hàng các sản phẩm bằng giầy dép, đế giầy và gót giầy các loại khác ...

Ủy thác xuất khẩu 9 tháng đạt 18,36 triệu USD (tăng 15,43% so với cùng kỳ năm trước), tập trung chủ yếu ở nhóm hàng may mặc.

Xuất khẩu dịch vụ du lịch 9 tháng đạt 154 triệu USD, đạt 77% kế hoạch năm, tăng 17,73% so với cùng kỳ năm trước. 

Nhập khẩu hàng hoá 9 tháng đạt 792,7 triệu USD (tăng gấp 3,1 lần so cùng kỳ năm trước), trong đó máy móc thiết bị và phụ tùng  đạt 478,7 triệu USD (tăng 4,8 lần so với cùng kỳ năm trước).

Nhìn chung xuất khẩu hàng hoá duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Kim ngạch xuất khẩu các nhóm hàng đều tăng, trong đó mặt hàng cao su tăng khá cao (tăng 81% so với cùng kỳ). Nhóm hàng thủy sản xuất khẩu chủ yếu xuất các mặt hàng: tôm tươi, mực khô, cá tươi, cá hộp… đi các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Italia, Ixraen…

Thị trường xuất khẩu tiếp tục giữ ổn định, đơn giá bình quân xuất các mặt hàng thanh long, cao su tăng hơn cùng kỳ năm trước. Mặt hàng quả thanh long xuất được sang 12 thị trường (trong đó xuất sang các nước: Ả rập Thống nhất, Singapore, Trung Quốc, Canada, Đức chiếm tỷ trọng khá). Hàng may mặc tuy tăng trưởng không cao so với cùng kỳ năm trước (9 tháng tăng 4,75%) nhưng vẫn giữ ổn định qua các tháng; hàng giày dép tăng khá (9 tháng tăng 26,6% so với cùng kỳ năm trước), chủ yếu xuất đi Mỹ, Nhật, Ý, Hà Lan, Ô-xtrây-lia, Canada. Đã phối hợp với Vụ thương mại Biên giới Miền núi, Vụ thị trường Châu Á - Thái Bình Dương - Bộ Công thương và Sở Thương mại Khu tự trị dân tộc Choang - Quảng Tây, Trung Quốc tổ chức Hội nghị Xúc tiến tiêu thụ thanh long năm 2017 nhằm mục tiêu mở rộng giao lưu, hợp tác liên kết kinh doanh giữa các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản của hai nước nhằm quảng bá, giới thiệu quả thanh long đến các doanh nghiệp lớn, có năng lực tài chính, kinh doanh trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản, rau quả của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc để xúc tiến việc đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch thanh long vào sâu trong nội địa Trung Quốc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của tỉnh và doanh nghiệp tỉnh Quảng Tây gặp gỡ, giao thương để tìm kiếm đối tác, cơ hội hợp tác kinh doanh, đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập.

4. Giao thông vận tải; Thông tin truyền thông :    

4.1 Giao thông vận tải:     

Ước tính 9 tháng luân chuyển hàng hoá đường bộ đạt 335,2 triệu tấnkm (tăng 5,62% so với cùng kỳ năm trước), luân chuyển hàng hoá đường thủy 784,9 ngàn tấnkm (tăng 2,41%). Khối lượng luân chuyển hành khách đường bộ 9 tháng đạt 789,5 triệu lượt ngườikm (tăng 9,34%), đường thuỷ đạt 2.958,4 ngàn lượt ngườikm (tăng 2,94%).

Công tác tuần tra, kiểm soát được duy trì thường xuyên. Các ngành chức năng đã phối hợp nhau giải tỏa các tụ điểm lấn chiếm lòng lề đường; tăng cường tuần tra, kiểm soát, kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng xe quá khổ, quá tải, các phương tiện chở quá số người quy định, chạy sai lịch trình, hành trình vận tải.

4.2 Thông tin truyền thông:

Công tác thông tin tuyên truyền, công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới trong thời gian qua được Báo, Đài và các đơn vị, địa phương quan tâm tổ chức thực hiện; góp phần tuyên truyền mối quan hệ về chính trị, kinh tế, thương mại văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật, du lịch giữa tỉnh Bình Thuận với một số nước thông qua các hoạt động giao lưu trao đổi, vận động viện trợ kinh tế, tài trợ và triển khai các dự án.

Các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin đã phát huy hiệu quả tốt, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, thúc đẩy cải cách hành chính, minh bạch hóa thông tin, phục vụ chỉ đạo điều hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục, y tế được quan tâm chỉ đạo triển khai đồng bộ và đúng hướng phát huy tác dụng tốt.

Hạ tầng bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin tiếp tục được đầu tư nâng cấp, mở rộng với công nghệ hiện đại, chất lượng cao; toàn tỉnh hiện có 68 ngàn thuê bao điện thoại cố định; 30,25 ngàn thuê bao điện thoại di động trả sau; 67,1 ngàn thuê bao Internet. Mật độ thuê bao điện thoại (cố định và di động) đạt 144 thuê bao/100 dân; tỷ lệ người sử dụng internet đạt 45%.

IV. Thu ngân sách; hoạt động tín dụng

1. Thu ngân sách:

Ước thu ngân sách 9 tháng đạt 7.469,7 tỷ đồng (đạt 93,1% dự toán năm), tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Thu nội địa 4.680,6 tỷ đồng (đạt 78,6% dự toán năm), tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước; riêng thu thuế, phí đạt 3.574 tỷ đồng (đạt 65,5% dự toán năm), tăng 0,24% so với cùng kỳ năm trước; thu tiền sử dụng đất 1.106,5 tỷ đồng (đạt 221,3% dự toán năm), tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm trước; thu thuế xuất nhập khẩu 1.463,7 tỷ đồng (đạt 348,5% dự toán năm), giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước; thu dầu thô 1.325,3 tỷ đồng (đạt 80,3% dự toán năm), tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước.

Ở khối huyện, thị xã, thành phố: Dự ước thu 9 tháng đạt 1.594,7 tỷ đồng (đạt 93,2% dự toán năm), tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: Phan Thiết đạt 714,6 tỷ đồng (tăng 39,5% so với cùng kỳ năm trước), La Gi đạt 101,5 tỷ đồng (tăng 0,64%), Tuy Phong đạt 176,7 tỷ đồng (giảm 8,5%), Bắc Bình đạt 60,5 tỷ đồng (giảm 19,7%), Hàm Thuận Bắc đạt 177,5 tỷ đồng (tăng 6,4%), Hàm Thuận Nam đạt 125,2 tỷ đồng (tăng 1,2%), Tánh Linh đạt 70,2 tỷ đồng (tăng 0,3%), Đức Linh đạt 91,4 tỷ đồng (tăng 4,7%), Hàm Tân đạt 63,1 tỷ đồng (tăng 7,1%), Phú Quý đạt 13,8 tỷ đồng (giảm 28,5% so với cùng kỳ năm trước).

Nhìn chung, thu ngân sách 9 tháng đạt khá so với dự toán (đạt 93,1% dự toán năm) do tác động bởi một số khoản thu tăng như: Thu tiền sử dụng đất (đạt 1.106,5 tỷ đồng, vượt 2,2 lần dự toán năm) và thu thuế xuất nhập khẩu (đạt 1.463,7 tỷ đồng, vượt 3,48 lần so với dự toán năm). Nếu chỉ tính thu thuế, phí thì kết quả thu 9 tháng chỉ đạt 65,5% dự toán năm. Đáng chú ý là nguồn thu từ DN có vốn đầu tư nước ngoài và thuế bảo vệ môi trường (tổng 2 nguồn thu này khá lớn, chiếm tỷ trọng 35,6% trong dự toán thu thuế phí) đạt rất thấp so với dự toán năm (2 nguồn thu này trong 9 tháng chỉ đạt 44,7%).

2. Hoạt động tín dụng:

Hoạt động tín dụng trên địa bàn ổn định. Đã tập trung thực hiện các giải pháp đẩy mạnh huy động vốn, mở rộng tín dụng an toàn và có hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu; hướng dẫn khách hàng thực hiện hồ sơ vay và đẩy mạnh công tác thẩm định cho vay phát triển thuỷ sản theo Nghị định 67; tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Các tổ chức tín dụng đã chấp hành tốt các quy định về lãi suất huy động và cho vay. Hiện nay, lãi suất huy động đối với tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng đến dưới 6 tháng là 4,3-5,5%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng là 5,3-7,1%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là 6-7,3%/năm. Lãi suất cho vay các khoản vay mới ở các lĩnh vực ưu tiên ngắn hạn 6-7%/năm, các lĩnh vực khác từ 9-11%/năm; lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến từ 10,5-11,5%/năm.

Đến 31/7/2017, nguồn vốn huy động đạt 28.052 tỷ đồng, tăng 10,4% so với đầu năm, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước; dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 35.529 tỷ đồng, tăng 9,89% so với đầu năm, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước; nợ xấu trên địa bàn còn 400 tỷ đồng, chiếm 1,13% tổng dư nợ (tăng 0,2% so với đầu năm).

Vốn tín dụng được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, trong đó dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 19.547 tỷ đồng (chiếm 55,02% tổng dư nợ); dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 892 tỷ đồng (chiếm 2,5% tổng dư nợ); dư nợ cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt 7.085 tỷ đồng (chiếm 19,94% tổng dư nợ). Dư nợ cho vay các đối tượng chính sách xã hội đạt 2.216 tỷ đồng/125.906 khách hàng.

Chính sách tín dụng đối với thủy sản theo Nghị định 67: Đến 31/8/2017 các tổ chức tín dụng đã tiếp cận 176/202 tàu được UBND tỉnh phê duyệt, đã nhận 119 hồ sơ của khách hàng có nhu cầu vay đóng tàu theo Nghị định 67, trong đó đã ký hợp đồng tín dụng với 97 hồ sơ, đang xử lý 22 hồ sơ. Tổng số tiền cam kết cho vay theo hợp đồng tín dụng là 757 tỷ đồng, đã giải ngân được 710 tỷ đồng, dư nợ là 697,7 tỷ đồng (cho vay đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ là 265,1 tỷ đồng và cho vay đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ là 419,6 tỷ đồng, cho vay nâng cấp tàu 13 tỷ đồng); cho vay vốn lưu động 115 triệu đồng.

Cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Quyết định 813/QĐ-NHNN và Nghị quyết 30/NQ-CP: Đến 31/7/2017 dư nợ cho vay đạt 286 tỷ đồng/03 khách hàng phục vụ sản suất tôm giống, nuôi tôm thịt, mua bò và chăm sóc bò giống.

Cho vay hỗ trợ nhà ở: Đến 31/7/2017, dư nợ cho vay hỗ trợ nhà ở là 42.778 triệu đồng/112 khách hàng, trong đó dư nợ cho vay mua nhà ở xã hội là 2.491 triệu đồng/14 khách hàng, dư nợ cho vay để xây dựng mới, cải tạo và sửa chữa nhà ở là 40.287 triệu đồng/98 khách hàng.

Ước đến 30/9/2017, vốn huy động đạt 28.713 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm; dư nợ đạt 36.436 tỷ đồng, tăng 12,7% so với đầu năm, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm trước.

Công tác điều hòa tiền mặt, đảm bảo hệ thống thanh toán bù trừ điện tử và thanh toán điện tử liên ngân hàng duy trì ổn định. Mạng lưới ATM, POS hoạt động thông suốt và an toàn. Đến 31/7/2017, trên địa bàn có 154 máy ATM (giảm 02 máy so với đầu năm) và 1.315 máy POS (tăng 91 máy so với đầu năm). Hầu hết máy POS được kết nối liên thông giữa các ngân hàng với nhau, góp phần thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.

V. Các vấn đề xã hội:

1. Văn hóa, thể thao:

 Hoạt động văn hóa, thông tin đã tập trung tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, các sự kiện quan trọng, các ngày tết, ngày lễ lớn của đất nước; trọng tâm là các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương và của tỉnh. Trong 9 tháng đã thực hiện 36 ngàn giờ phát thanh xe loa, phóng thanh, cắt dán 36 ngàn băng rôn khẩu hiệu, kẻ vẽ 20 ngàn m2 pa nô, 30 ngàn pa nô dọc, treo 29 ngàn lượt cờ các loại

Hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng duy trì đều. Các huyện, thị xã, thành phố đã thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ trong những dịp lễ, tết …tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, thu hút đông đảo người xem

Thư viện tỉnh trong 9 tháng đã cấp mới 886 thẻ bạn đọc (339 thẻ thiếu nhi), phục vụ 39 ngàn lượt bạn đọc (thiếu nhi 10 ngàn lượt), luân chuyển 184 ngàn lượt tài liệu (thiếu nhi 101 ngàn lượt). Sưu tầm tư liệu phục vụ việc biên soạn sách chuyên đề, tạp chí…

Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận trong 9 tháng đón, phục vụ 2.834 đoàn, với 137 ngàn lượt khách (trong đó có 6,2 ngàn lượt khách nước ngoài), phục vụ 132 lễ viếng.

Bảo tàng tỉnh đón 3.740  lượt khách tham quan; sưu tầm, trao đổi, tiếp nhận 106 hiện vật; xây dựng hồ sơ khoa học di tích kiến trúc nghệ thuật Nghĩa Trủng Từ (Phan Rí Thành, Bắc Bình) và hồ sơ khoa học căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc...

Ban Quản lý Di tích tháp Pô Sah Inư đón 146 ngàn lượt khách (trong đó có 25.312 lượt khách quốc tế); trưng bày, triển lãm 100 ảnh nghệ thuật chủ đề “Bình Thuận quê hương tôi”, trưng bày ảnh nghệ thuật về thành tựu Bình Thuận; tư liệu về Phan Thiết xưa, về các lễ hội tiêu biểu tại BìnhThuận….

 Trung tâm Trưng bày Văn hóa Chăm đón 8.869 lượt khách tham quan (trong đó có 38 lượt khách nước ngoài); sưu tầm, trao đổi và vận động nhân dân hiến tặng 306 hiện vật. Triển lãm 72 ảnh nghệ thuật chủ đề tuyên truyền về “Biển đảo Việt Nam” và “Nét đẹp Bình Thuận”….

Hoạt động thể thao:

Đã tổ chức các giải thể thao phục vụ các sự kiện chính trị, các ngày L, Tết, tiêu biểu: Giải đua thuyền truyền thống trên sông Cà Ty, giải chạy vượt đồi cát Mũi Né, giải Lướt ván buồm Quốc tế Mũi Né - Fun Cúp; Hội thi Leo núi Tà Cú; giải đua xe đạp toàn quốc Cúp Truyền hình; giải Xe đạp nữ quốc tế Bình Dương mở rộng; giải Vô địch Bóng chuyền bãi biển nam, nữ tỉnh Bình Thuận... Đăng cai tổ chức các giải: Giải Vô địch các Câu lạc bộ Judo toàn quốc, giải xe đạp đường trường trẻ quốc gia, Tour II giải bóng chuyền bãi biển toàn quốc 2017.

Đã cử các vận động viên tham gia 38 giải thể thao cấp khu vực, quốc gia, quốc tế và đạt nhiều thành tích như: Đua thuyền rồng vô địch giải quốc tế tại Malaysia; Bóng rổ đạt HCĐ giải Vô địch toàn quốc và HCĐ giải vô địch trẻ; Canoeing đạt 10 HCV, 01 HCB, 01 HCĐ, nhất toàn đoàn giải Vô địch Câu lạc bộ toàn quốc. Nổi bật thành tích ở bộ môn Taekwondo; Tham dự giải Trẻ và Vô địch Đông Nam Á đạt 03 HCV; giải Vô địch trẻ Châu Á đạt 01 HCB, 01 HCĐ; giải Vô địch Bãi biển thế giới đạt 02 HCV, 01 HCB, 01 HCĐ. Trong 9 tháng đã đạt được 86 huy chương, trong đó, 38 HCV, 19 HCB, 29 HCĐ.  

2. Giáo dục và Đào tạo; Khoa học và công nghệ:

2.1 Giáo dục và Đào tạo   

Ngành Giáo dục và Đào tạo đã tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, hoàn thành chương trình năm học 2016 - 2017; đã tổ chức tốt kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT chuyên Trần Hưng Đạo; tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2017 - 2018.

Kết quả năm học 2016-2017 như sau:

2.1.1. Giáo dục mầm non

Tổng số trẻ được ăn bán trú: 53.315 cháu (đạt 89,34% so với cháu đến lớp).  Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng (SDD) đến cuối năm học giảm so với đầu năm học: SDD thể nhẹ cân còn 1,55% (giảm 5,19% so với đầu năm học); SDD thể thấp còi 1,78% (giảm 3,78%). Toàn tỉnh có 1.886 nhóm, lớp học 2 buổi/ngày (nhà trẻ: 304 nhóm; mẫu giáo 1.582 lớp, trong đó: Mẫu giáo 5 tuổi: 692 lớp). Số trẻ học 2 buổi/ngày: 57.622 cháu (đạt 96,56%% so với cháu đến lớp)

2.1.2. Giáo dục phổ thông

a/ Tiểu học

- Về xếp loại học tập:

+ Môn Toán đạt hoàn thành trở lên chiếm tỷ lệ 99,16% (trong đó hoàn thành tốt chiếm 49,46%; hoàn thành 49,71%)

+ Môn Tiếng Việt hoàn thành trở lên chiếm tỷ lệ 98,88% (trong đó hoàn thành tốt chiếm 41,66%; hoàn thành 57,22%)

- Về Năng lực:

+ Tự phục vụ: đạt trở lên chiếm 99,8%, trong đó: tốt 58,72%.

+ Hợp tác: đạt trở lên chiếm 99,74%, trong đó: tốt 57,71%.

+  Tự giải quyết vấn đề: đạt trở lên chiếm 99,61%, trong đó: tốt 54,32%.

- Về Phẩm chất:

+ Chăm học chăm làm: đạt trở lên chiếm 99,76%, trong đó: tốt 56,86%.

+ Tự tin trách nhiệm: đạt trở lên chiếm 99,88%, trong đó: tốt 55,8%.

+ Trung thực, kỷ luật: đạt trở lên chiếm 99,93%, trong đó: tốt 62,35%.

+ Đoàn kết, yêu thương: đạt trở lên chiếm 99,95%, trong đó: tốt 67,07%.

b/ Trung học cơ sở

Học sinh đạt học lực khá, giỏi đạt tỷ lệ 55,94%, tăng 0,9% so với năm học trước; học sinh đạt hạnh kiểm khá, tốt đạt tỷ lệ 91,54%, tăng 0,92% so với năm trước.

c/ Trung học phổ thông

Học sinh đạt học lực khá, giỏi đạt tỷ lệ 56,59% tăng 2,59% so với năm học trước; học sinh đạt hạnh kiểm khá, tốt đạt tỷ lệ 92,23% tăng 1,68% so với năm học trước.

d/ Kết quả các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia

- Kết quả kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh năm học 2016-2017: Toàn tỉnh có 556 học sinh đạt giải, trong đó: 09 Giải nhất, 73 Giải nhì và 474 Giải ba. So với năm học trước, tăng  85 giải (Giải nhất giảm: 06; giải nhì tăng: 10; giải ba tăng: 81).

- Kết quả kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh năm học 2016-2017: Toàn tỉnh có 256 học sinh đạt giải, trong đó: 14 Giải nhất, 34 Giải nhì và 208 Giải ba. So với năm học trước, tăng 06 giải (Giải nhất tăng: 01; giải nhì giảm: 01; giải ba tăng: 06).

- Kết quả Kỳ thi giải toán trên máy tính cầm tay 2016-2017:

+ Cấp tỉnh: Tổng số học sinh đạt giải: 98, trong đó: 09 Giải nhất, 34 Giải nhì và 55 Giải Ba. So với năm học trước, tăng 16 giải (Giải nhất tăng: 01; giải nhì tăng: 13; giải ba tăng: 02).

+ Cấp quốc gia: Tổng số học sinh đạt giải: 04, trong đó: 01 nhất, 02 giải ba và 01 giải khuyến khích.

- Kỳ thi Olympic 30/4 các trường Chuyên phía Nam năm học 2016-2017: Có 45 học sinh đạt Huy chương (25 Huy chương Vàng, tăng 11 giải so với năm học trước; 13 Huy chương Bạc, giảm 01 giải so với năm học trước; 07 Huy chương Đồng, giảm 05 giải so với năm học trước).

- Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia: Có 09 học sinh đạt giải (02 Giải ba, 07 giải khuyến khích). So với năm học trước giảm 02 giải ba; tăng 03 giải khuyến khích.

- Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật dành cho bậc học THCS và THPT năm học 2016-2017: Giải cấp tỉnh có 05 học sinh đạt; 01 học sinh đạt ba và 01 đạt giải khuyến khích quốc gia.

- 01 học sinh trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo đạt giải ba trong chung kết cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 17 (ngày 27/8/2017).

e/ Kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia:

Tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2017 đạt 99,67%, tăng 7,45% so với năm trước và xếp vị trí 15/63 tỉnh, thành trong cả nước; có 15/28 trường THPT đạt tỷ lệ 100%.

2.1.3. Về củng cố, duy trì nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục

- 100% số xã, phường, thị trấn; huyện, thị xã, thành phố đảm bảo duy trì chuẩn quốc gia về  phổ cập giáo dục tiểu học – xóa mù chữ.

- 100% số xã, phường, thị trấn; huyện, thị xã, thành phố đảm bảo duy trì chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1.

- Tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí về phổ cập giáo dục trung học cơ sở tại 127 xã và 10 huyện đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn quốc gia.

- 127 xã và 10 huyện đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi (tỉnh Bình Thuận đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo về kiểm tra và có Quyết định công nhận đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi).

2.1.4. Về khắc phục tình trạng học sinh bỏ học

Số lượng học sinh phổ thông bỏ học trong năm học 2016-2017 các cấp là 1.274 em, chiếm tỷ lệ 0,57% (năm học 2015 - 2016, tỷ lệ học sinh bỏ học 0,74%), trong đó:

- Cấp tiểu học: có 25 học sinh bỏ học, tỷ lệ 0,02% (không tăng, giảm so với năm học trước 0,01%).

- Cấp trung học cơ sở: có 841 học sinh bỏ học, tỷ lệ 1,11% (giảm 0,39% so với năm học trước).

- Cấp trung học phổ thông: có 408 học sinh bỏ học, tỷ lệ 1,2% (giảm 0,25% so với năm học trước).  

Dự ước tỷ lệ huy động học sinh các cấp học và thực hiện tuyển mới các lớp đầu cấp năm học 2017-2018 như sau:

- Tỷ lệ huy động học sinh các cấp học

+ Tỷ lệ trẻ nhà trẻ (0-2 tuổi) là: 12%.

+ Tỷ lệ trẻ mẫu giáo (3-5 tuổi) là 84%.

+ Tỷ lệ trẻ 05 tuổi ra lớp mẫu giáo là 99,5%.

+ Tỷ lệ huy động học sinh tiểu học đúng độ tuổi ra lớp là 99,9%.

+ Tỷ lệ huy động học sinh THCS trong độ tuổi 11-14 là 88%.

+ Tỷ lệ huy động học sinh THPT trong độ tuổi 15-17 là 49%.

- Thực hiện tuyển mới các lớp đầu cấp

+ Tuyển mới học sinh vào lớp 1 là 20.900, đạt tỷ lệ huy động cháu 6 tuổi vào lớp 1 là 99,9%.

+ Tuyển mới học sinh vào lớp 6 là 21.000, tỷ lệ tuyển mới học sinh vào lớp 6 so với học sinh hoàn thành chương trình lớp 5 là 97,3%.

+ Tuyển mới học sinh vào lớp 10 là 12.166, tỷ lệ tuyển mới học sinh vào lớp 10 so với học sinh tốt nghiệp THCS  là 79,9%. 

2.2. Khoa học công nghệ :

Hoạt động khoa học công nghệ tiếp tục được quan tâm phát triển; 9 tháng đầu năm đã cấp phép hoạt động khoa học cho 07 tổ chức; tuyển chọn, xét chọn 04 đề tài. Đã tổ chức nghiệm thu 03 đề tài chuyển tiếp các năm trước. Đã cấp 05 Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý "Phan Thiết” dùng cho sản phẩm nước mắm với tổng sản lượng đăng ký 36.040.000 lít/năm; nâng tổng sản lượng nước mắm được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý "Phan Thiết” lên 175.918.600 lít cho 57 đơn vị. Công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường chất lượng được tăng cường; đã thực hiện dán tem tại 257 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn; thử nghiệm 3.071 mẫu/19.350 chỉ tiêu phân tích; kiểm định 24.059 lượt phương tiện đo lường.

Trên lĩnh vực nông lâm thuỷ sản đã tiếp tục thực hiện 17 mô hình khuyến nông, khuyến ngư từ năm trước chuyển sang, đồng thời triển khai thực hiện 25 mô hình khuyến nông khuyến ngư năm 2017. 

+ Các mô hình năm trước chuyển sang: mô hình sản xuất RAT theo liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; mô hình luân canh 02 lúa + 01 màu (đậu phụng, mè); mô hình khảo nghiệm sản xuất một số giống tỏi triển vọng; mô hình trồng thâm canh cây cỏ và tưới nước tiết kiệm trên đất kém hiệu quả và nguy cơ khô hạn cao; mô hình nuôi cá thác lác còm thương phẩm trong ao đất…

+ Trong 25 mô hình triển khai mới (năm 2017) có các mô hình mới như: mô hình sản xuất măng tây xanh trong nhà lưới kết hợp hệ thống tưới phun mưa theo liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; mô hình nuôi cá lăng lồng bè bằng thức ăn công nghiệp; mô hình chuyển đổi trồng thâm canh cây trôm lấy mủ trên đất chuyên màu kém hiệu quả; mô hình ương ấu trùng tôm càng xanh toàn đực…

Đã sản xuất và cung ứng được 160 tấn giống lúa các loại; 1.000 con heo giống chất lượng tốt; chọn tạo 01 giống lúa mới; đăng ký bảo hộ 02 giống lúa ML54 và ML232…

3. Y tế :

Ngành y tế đã tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; tăng cường ứng dụng các kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị. Các đơn vị y tế dự phòng đã tập trung thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, không để xảy ra bệnh dịch lớn. Số cas mắc sốt xuất huyết trong 9 tháng có 1.540 cas (giảm 21,5% so với cùng kỳ năm trước); mắc tay chân miệng 1.100 cas (tăng gấp 4,8 lần); mắc sốt rét 66 cas (giảm 22,3%), không có tử vong; Các chương trình mục tiêu y tế quốc gia cơ bản đạt tiến độ. Tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin 9 tháng đạt 74%.

Công tác khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng tốt. Trong 9 tháng có 2.142.400 lượt người đến khám, chữa bệnh (tăng 4% so với cùng kỳ năm trước). Số bệnh nhân nội trú 137.292 (tăng 2% so với cùng kỳ năm trước). Các cơ sở khám chữa bệnh công lập triển khai thực hiện tốt Luật Bảo hiểm y tế, không để xảy ra sai sót chuyên môn gây hậu quả nghiêm trọng; không có công chức, viên chức vi phạm Y đức.

Hoạt động khám chữa bệnh của Bệnh viện Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng: tổng số lượt bệnh nhân đến khám 14.950 (giảm 9% so với cùng kỳ năm trước), trong đó bệnh nhân điều trị nội trú: 2.768 (tăng 2% so với cùng kỳ năm trước), công suất sử dụng giường bệnh đạt 88%.

Trong 9 tháng xảy ra 02 vụ ngộ độc thực phẩm làm 16 người mắc, trong đó có 01 trường hợp tử vong tại xã Hoà Minh, huyện Tuy Phong do ăn một loại ốc lạ (cùng kỳ năm trước xảy ra 2 vụ, 88 người mắc).

Công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường, đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 4.533 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm (chiếm 62,8% số cơ sở hiện có), phát hiện 1.769 cơ sở không đạt yêu cầu (chiếm 39% số cơ sở kiểm tra).

4. Giải quyết việc làm, trợ cấp xã hội; Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế:

4.1. Giải quyết việc làm, trợ cấp xã hội:

 Ngành Lao động, thương binh và xã hội đã phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách an sinh xã hội; tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng chính sách; triển khai thực hiện giải quyết việc làm cho người lao động, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Theo báo cáo của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, trong 9 tháng đã giải quyết việc làm cho 19.981 lao động (đạt 83,25% kế hoạch năm, tăng 9,48% so với cùng kỳ năm trước). Cho vay vốn giải quyết việc làm 940 lao động (đạt 78,33% kế hoạch năm); đưa 141 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (đạt 141% kế hoạch năm). Đã tuyển mới và đào tạo nghề cho 7.602 người (cao đẳng: 632 người, trung cấp 499 người; sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng: 6.471 người), đạt 76,02% so với kế hoạch năm, tăng 5,49% so với cùng kỳ năm trước; trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 4.443 người (đạt 63,47%, giảm 5,59% so với cùng kỳ năm trước).

Đã vận động đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được 7,63 tỷ đồng (đạt 127,2% so với kế hoạch và vượt 21% so với cùng kỳ năm trước). Vận động Quỹ Bảo trợ trẻ em 1,154 tỷ đồng (đạt 57,7% kế hoạch năm, giảm 7,68% so với cùng kỳ năm trước).

Toàn tỉnh có 61 xã, phường, thị trấn không có tệ nạn xã hội. Hiện có 1.292 người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone.

Đã tổ chức tốt công tác tặng quà của Chủ tịch nước và của UBND tỉnh cho người có công nhân dịp Tết Nguyên đán; triển khai xây dựng nhà ở cho người có công do Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam tài trợ; tổ chức đưa 158 người có công đi thăm Thủ đô Hà Nội, viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tổ chức đưa đi điều dưỡng tập trung cho 598 người có công và giải quyết chế độ điều dưỡng tại nhà cho 4.664 người có công. Triển khai thực hiện cho 1.427 hộ nghèo vay vốn; cho vay 5.231 lượt học sinh, sinh viên; cấp 31.885 thẻ BHYT cho người nghèo và 32.177 thẻ BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo. Thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng cho 34.120 đối tượng bảo trợ xã hội…

4.2. Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế:

Đến ngày 01/9/2017 toàn tỉnh có 86.901 người tham gia Bảo hiểm xã hội (tăng 3,04% so với cùng kỳ năm trước); tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện 728 người (tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước); tham gia Bảo hiểm thất nghiệp 76.326 người (tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước); tham gia Bảo hiểm y tế 890.625 người (tăng 9,47% so với cùng kỳ năm trước). Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế so với dân số đạt 72,84%.

Tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp chiếm 8,05% so với kế hoạch thu năm 2017.

Trong 8 tháng đã giải quyết cho 33.383 lượt người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (hưởng chế độ BHXH dài hạn: 588 người, trợ cấp BHTN: 4.968 người, trợ cấp BHXH một lần: 5.225 người; các chế độ ốm đau, thai sản, nghỉ dưỡng sức - phục hồi sức khỏe: 22.902 lượt người), tăng 26,5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số đối tượng hưởng BHXH dài hạn đến 01/9/2017, có 16.037 đối tượng

Nhìn chung từ đầu năm đến nay, công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm đã có chuyển biến tích cực; công tác giám định bảo hiểm y tế từng bước đi vào ổn định, thực hiện giám định tập trung theo tỷ lệ trên hệ thống thông tin giám định bước đầu phát huy hiệu quả; giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho đối tượng thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia và thụ hưởng; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT chính xác, trả sổ BHXH cho người lao động cơ bản đúng kế hoạch; thực hiện tốt việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, BHTN đảm bảo đầy đủ, kịp thời, an toàn.

5. Tai nạn giao thông:

Công tác tuần tra, kiểm soát được duy trì thường xuyên, đã kịp thời xử lý ngăn chặn xe quá tải, quá khổ lưu thông trên các tuyến đường, giải tỏa các tụ điểm lấn chiếm lòng lề đường nhằm đảm bảo tối đa an toàn giao thông.

     Trong 8 tháng đầu năm 2017 (từ 15/12/2016 đến 15/8/2017) toàn tỉnh đã xảy ra 318 vụ tai nạn giao thông (giảm 53 vụ so với cùng kỳ năm trước); gây thương tích 241 người (giảm 87 người so với cùng kỳ năm trước); làm chết 144 người (giảm 16 người so với cùng kỳ năm trước).

6. Thiên tai, cháy nổ, vi phạm môi trường:

Trong 9 tháng (từ ngày 15/12/2016 đến 12/9/2017), trên địa bàn tỉnh đã xảy ra thiên tai, cháy nổ, vi phạm môi trường như sau:

- Tình hình thiên tai: Do ảnh hưởng của các đợt thiên tai đã làm thiệt hại về người và tài sản: Toàn tỉnh có 02 người chết; 02 người bị thương; 03 tàu, thuyền bị chìm; 12 cột điện hạ thế bị đổ; 357,7 ha lúa , 3.608 ha hoa màu, 82 ha cây ăn quả bị ngập gây hư hỏng; 01 con bò bị chết; 0,4 ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng; 02 phòng học, 01 phòng khám bị hư hỏng; 30 nhà bị sập, 189 nhà bị sạt lở tốc mái, 98 nhà bị uy hiếp phải di dời. Ngoài ra còn có 07 công trình phụ bị hư hỏng, 4.600 mét bờ biển bị sạt lở, 31 mái vòm bị tốc mái; Ước tổng giá trị thiệt hại 11.880 triệu đồng.

- Cháy nổ: đã xảy ra 34 vụ cháy, làm 9 người bị thương do cháy, nổ; gây thiệt hại 34,356 tỷ đồng.

- Số vụ vi phạm môi trường: đã phát hiện và xử lý 13 vụ, đã xử phạt 1,153 tỷ đồng.

Nhìn chung kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong 9 tháng đầu năm 2017 khá tích cực. Các chỉ tiêu: sản lượng lương thực, trồng rừng, khai thác thuỷ sản, sản xuất tôm giống, khách du lịch, kim ngạch xuất khẩu có triển vọng hoàn thành và vượt mức kế hoạch. Nổi bật trong sản xuất nông nghiệp là cả 2 vụ đông xuân và hè thu đều được mùa, năng suất lúa khá cao; sản lượng tôm giống trong 9 tháng đã vượt kế hoạch năm; kim ngạch xuất khảu các nhóm hàng trong 9 tháng đều đạt trên 75% KH năm và tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Các ngành dịch vụ tăng trưởng khá, nhất là dịch vụ du lịch, thương mại, bưu chính viễn thông,... Phát triển doanh nghiệp được quan tâm, số doanh nghiệp thành lập mới tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động xúc tiến đầu tư đạt kết quả tích cực, đã tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Thuận năm 2017 với quy mô lớn, số lượng dự án đầu tư trực tiếp, số vốn đăng ký khá cao. Các hoạt động văn hóa xã hội; y tế; giáo dục… có nhiều chuyển biến tích cực. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Quản lý nhà nước được tăng cường, hiệu lực, hiệu quả quản lý được nâng lên./.

CTK Bình Thuận

 




TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/