LUẬT THỐNG KÊ
Sửa đổi Luật Thống kê sẽ đáp ứng đòi hỏi thực tiễn

Để có những chính sách và quyết sách đúng đắn, có tính khả thi cao thì một trong những vấn đề cốt lõi mà Nhà nước phải quan tâm đầu tiên là phải biết rất rõ những điểm mạnh, những điểm dễ bị tổn thương của quốc gia trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế một cách cụ thể, định lượng rõ ràng chứ không thể là những thông tin định tính chung chung...

Sửa đổi Luật Thống kê sẽ đáp ứng đòi hỏi thực tiễn

 

Để có những chính sách và quyết sách đúng đắn, có tính khả thi cao thì một trong những vấn đề cốt lõi mà Nhà nước phải quan tâm đầu tiên là phải biết rất rõ những điểm mạnh, những điểm dễ bị tổn thương của quốc gia trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế một cách cụ thể, định lượng rõ ràng chứ không thể là những thông tin định tính chung chung. Vì vậy hiểu thấu đáo tầm quan trọng của công tác thống kê với việc hoạch định chính sách, đưa ra quyết sách và giám sát thực thi chính sách là sự cần thiết.

Luật Thống kê đã được Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa XI thông qua ngày 17.6.2003 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2004. Luật Thống kê năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã có những tác động tích cực đối với công tác thống kê thể hiện ở những điểm chủ yếu sau: Một là, Luật Thống kê năm 2003 đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thống kê; khẳng định vai trò quan trọng của công tác thống kê; địa vị pháp lý của cơ quan thống kê, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác thống kê; Hai là, sự phối hợp giữa Cơ quan Thống kê Trung ương với thống kê bộ, ngành có tiến bộ đáng kể. Công nghệ thông tin - truyền thông đã được áp dụng khá phổ biến trong công tác thống kê; Ba là, thông tin thống kê đã góp phần giúp Đảng, Quốc hội và Chính phủ hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết nhiều vấn đề đặt ra trong đời sống kinh tế, xã hội đất nước.

Trải qua hơn 10 năm thực hiện, đến nay ngoài những kết quả đạt được đáng ghi nhận, Luật  Thống kê năm 2003 đã bộc lộ không ít bất cập đòi hỏi phải sửa đổi, thể hiện ở những điểm sau:

Một là, bất cập của Luật đối với thực tiễn đang vận động của đời sống kinh tế xã hội. Hiện nay  do nhu cầu của xã hội đã xuất hiện các tổ chức, cơ sở nằm ngoài khu vực nhà nước thực hiện hoạt động thống kê và cung ứng dịch vụ thống kê. Trong khi đó, Luật lại chưa có quy định cụ thể đối với hoạt động thống kê ngoài nhà nước. Hai là, bất cập của Luật Thống kê năm 2003 đối với nhu cầu ngày càng cao của Chính phủ về công tác phân tích, hoạch định và điều hành chính sách, cụ thể: thiếu các chỉ tiêu thống kê phản ánh chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái; công tác phân tích và dự báo thống kê phát triển chậm, phổ biến thông tin thống kê làm chưa tốt, vừa thiếu, vừa trùng chéo, trong một số trường hợp do phương pháp tính khác nhau dẫn đến chưa thống nhất về số liệu; sự phối hợp giữa hệ thống thống kê tập trung với thống kê bộ, ngành chưa chặt chẽ. Bên cạnh đó khó tiếp cận với cơ sở dữ liệu ban đầu của các cuộc điều tra, tổng điều tra thống kê; hệ thống thống kê tập trung khó tiếp cận khai thác thông tin từ nguồn dữ liệu hành chính và dữ liệu đăng ký hành chính của các bộ, ngành... Ba là, bất cập của Luật Thống kê năm 2003 trước yêu cầu đổi mới, tăng cường chất lượng và hiệu quả của công tác thống kê trong tiến trình hội nhập quốc tế. Trong tiến trình hội nhập kinh tế, giống như các ngành, lĩnh vực khác, công tác thống kê cũng phải tuân thủ các chuẩn mực quốc tế trong hoạt động để đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập. Công tác thống kê không chỉ phục vụ cho quản lý nhà nước, mà còn cho mọi đối tượng dùng tin, không chỉ trong nước mà cả quốc tế. Trong khi đó, Luật Thống kê năm 2003 chưa quy định cụ thể về: (1) Ứng dụng phương pháp thống kê tiên tiến; phân tích thống kê; thẩm quyền của Cơ quan Thống kê Trung ương trong việc thẩm định về

chuyên môn, nghiệp vụ thống kê đối với hệ thống chỉ tiêu thống kê, phân loại thống kê do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ban hành; (2) Thẩm quyền công bố thông tin thống kê mới chỉ giới hạn đối với Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, chưa quy định đối với các hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành và hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, huyện, xã; (3) Thiếu quy định cụ thể về hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, huyện, xã; các hình thức thu thập thông tin thống kê; sử dụng thông tin thống kê; phổ biến thông tin thống kê; cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia, hợp tác quốc tế về thống kê; (4) Quy định về ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông chưa tương xứng với vị trí, vai trò và tầm quan trọng của nó trong hoạt động thống kê.

Thực trạng trên cần được khắc phục một cách triệt để và hiệu quả, cùng với việc áp dụng những biện pháp khắc phục khác thì sửa đổi Luật Thống kê thực sự cần thiết không những giải quyết những vấn đề tồn tại trong công tác thống kê hiện nay mà còn đáp ứng những nhiệm vụ thống kê trong suốt quá trình đổi mới, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trần Tuấn Hưng

Vụ trưởng Vụ Phương pháp chế độ Thống kê và CNTT – TCTK




CHUYÊN MỤC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/