ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc |
QUY ĐỊNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 45 /1999/ QĐ –UBBT,ngày 13 tháng 07năm 1999 của UBND tỉnh Bình Thuận)
Để khuyến khích đầu tư phát triển trồng mía nhằm cung cấp nguyên liệu ổn định cho các nhà máy đường trong tỉnh. UBND tỉnh Bình Thuận quy định chính sách ưu đãi đối với hoạt động trồng mía như sau :
CHƯƠNG I
ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC HƯỞNG ƯU ĐÃI
Điều 1 : Mía trồng và những hình thức đầu tư được hưởng chính sách ưu đãi trong quy định này là :
1.1 - Mía được sản xuất để làm giống và cung cấp nguyên liệu (theo hợp đồng) cho Nhà máy đường Bình Thuận hoặc Nhà máy đường khác được UBND tỉnh thành lập hoặc UBND tỉnh công nhận được hưởng chế độ ưu đãi.
1.2 - Hình thức đầu tư bao gồm :
+ Đầu tư khai hoang, phục hóa, cải tạo đất phục vụ trồng mía.
+ Đầàu tư trồng mía mới, chăm sóc mía lưu gốc, thâm canh cây mía.
+ Đầu tư dịch vụ kỹ thuật nhân và cung cấp mía giống.
Điều 2: Đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi phát triển trồng mía tại quy định này bao gồm các loại hình doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Luật doanh nghiệp tư nhân (DNTN), Luật công ty, Luật hợp tác xã; tổ hợp tác, hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp của các tổ chức chính trị, chính trị-xã hội; hộ gia đình, cá nhân trong và ngoài tỉnh Bình Thuận (gọi tắt là tổ chức, hộ gia đình và cá nhân).
Điều 3: Các hình thức trồng mía gồm :
- Trồng mía của hộ gia đình, cá nhân kiểu sản xuất gia đình.
- Trồng mía tập trung của các tổ chức, cá nhân theo mô hình nông trại chuyên canh hoặc xí nghiệp chuyên canh mía.
- Trồng mía tập trung của các nhà máy đường.
CHƯƠNG II
CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI PHÁT TRIỂN TRỒNG MÍA
Điều 4 : Chính sách ưu đãi về đất trồng mía :
4.1- Trong vùng quy hoạch trồng mía được cấp có thẩm quyền phê duyệt, khuyến khích chuyển đất màu, đất lúa một vụ sang trồng mía. Đất màu và đất lúa 1 vụ chuyển sang trồng mía được hưởng những ưu đãi của chính sách này.
4.2-Tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trồng mía theo điều kiện nói tại khoản 1.1, Điều 1 bản Quy định này được Nhà nước khuyến khích và giao (cho thuê) đất chưa sử dụng, đất rừng được phép chuyển dịch sang đất nông nghiệp để trồng mía với hạn mức như sau :
- Hộ gia đình, cá nhân được giao (cho thuê) đất tối đa không quá 30 ha, thời hạn sử dụng 20 năm.
- Đối với các tổ chức (bao gồm cá nhân đăng ký hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân), diện tích và thời hạn cho thuê đất căn cứ vào dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
4.3- Ưu tiên giao đất cho các dự án trồng mía tập trung của các nhà máy đường để tổ chức nhân giống, thử nghiệm kỹ thuật thâm canh, thực hiện cơ giới hóa và sản xuất mía nguyên liệu nhằm chủ động từ 30 - 40% nguồn nguyên liệu cho Nhà máy hoạt động hằng năm.
Điều 5 : Ưu đãi về vay vốn.
Tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trồng mía được Ngân hàng hoặc Nhà máy đường cho vay vốn để hỗ trợ chi phí khai hoang, phục hóa đất đai ; chi phí đầu tư xây dựng cơ bản và chi phí sản xuất. Chế độ cho vay có ưu đãi theo chính sách khuyến khích phát triển trồng mía của Nhà nước và khả năng đầu tư của các nhà máy Đường.
Điều 6 : Miễn, giảm tiền thuê đất, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thủy lợi phí và thiệt hại do thiên tai :
- Đất trồng mía do Nhà nước giao được giảm 50% lệ phí giao đất, đất trồng mía do Nhà nước cho thuê được miễn tiền thuê đất 3 năm đầu và giảm 50% cho 2 năm tiếp theo kể từ khi có quyết định cho thuê.
- Trồng mía trên đất khai hoang, phục hóa ở đồng bằng được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp 5 năm. Trồng mía trên đất khai hoang, phục hóa ở miền núi được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp 7 năm ; đất màu và ruộng một vụ chuyển sang trồng mía được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp 2 năm.
- Giảm 50% thủy lợi phí trong thời gian 3 năm đối với diện tích mía có nguồn nước tự chảy từ các công trình thủy nông. Miễn thủy lợi phí 3 năm đối với diện tích mía tự bơm tưới từ nguồn nước của các công trình thủy nông.
- Trường hợp mất mùa do yếu tố khách quan vì thiên tai, tùy theo tỷ lệ thiệt hại, được xét miễn giảm các khoản phải nộp cho Nhà nước : thuế, thủy lợi phí, tiền thuê đất. Tỉ lệ thiệt hại của diện tích mía bị thiên tai được xác định trên cơ sở so sánh năng suất thu hoạch thực tế với năng xuất bình quân trên đất cùng hạng trong vùng sản xuất. Nếu thiệt hại ở mức độ nặng, Nhà nước xem xét hỗ trợ giải quyết khó khăn để giúp người trồng mía tiếp tục duy trì kế hoạch sản xuất mía những năm tiếp theo.
Điều 7: Thu mua, tiêu thụ :
Các Nhà máy đường chịu trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng mía trên diện tích mía có ký hợp đồng với nhà máy đường (cả phần sản lượng vượt sản lượng hợp đồng do tăng năng suất mía). Giá mua mía không được thấp hơn giá sàn do UBND tỉnh quyết định từng giai đoạn 3 năm liên tiếp trên cơ sở đề xuất của Giám đốc Nhà máy đường và các ngành của Tỉnh có liên quan.
Điều 8: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trồng mía được các chương trình khuyến nông, các chương trình tài trợ khác của Nhà nước hoặc thông qua Nhà nước và Nhà máy đường ưu tiên hỗ trợ nhằm từng bước cải tiến kỹ thuật canh tác và cải tạo giống mía; đưa năng suất, chất lượng mía và hiệu quả sản xuất mía ngày càng tăng.
CHƯƠNG III
THỦ TỤC ĐẦU TƯ TRỒNG MÍA
Điều 9: Đối với hộ gia đình và cá nhân.
-Hồ sơ xin giao (thuê) đất : Đơn xin giao (thuê) đất theo mẫu số 1a, 1b ban hành theo quy định này.
-Trình tự, thời gian thực hiện việc giao (cho thuê) đất : Căn cứ quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, Phòng Địa chính các huyện phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Kế hoạch và đầu tư trình UBND huyện quyết định giao (cho thuê) đất.
Thời gian từ khi nhận hồ sơ đến khi có quyết định giao (cho thuê) đất của UBND huyện không qúa 15 ngày. Từ khi có quyết định giao đất của UBND huyện đến khi giao đất tại thực địa không quá 7 ngày.
Điều 10: Đối với tổ chức.
1. Hồ sơ xin giao (thuê) đất và thẩm định dự án, gồm :
- Văn bản của UBND tỉnh cho phép khảo sát, lập dự án đầu tư.
- Đơn xin giao (thuê) đất theo mẫu số 1a, 1b ban hành theo quy định này.
- Bản đồ địa chính (trích lục hoặc trích đo). Nếu diện tích từ 50 ha trở lên có thể sử dụng bản đồ địa hình tỷ lệ từ 1/1.000 đến 1/5 000, các loại bản đồ này phải được Sở Địa chính kiểm tra xác nhận.
- Bản sao (có công chứng) :
+ Quyết định thành lập tổ chức xin sử dụng đất.
+ Giấy phép đăng ký kinh doanh (đối với các tổ chức kinh tế).
- Phương án đền bù thiệt hại.
- Thuyết minh dự án và tờ trình xin thẩm định dự án.
Hồ sơ trên lập thành 3 bộ gởi cho các Sở: Kế hoạch và đầu tư, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Địa chính.
2. Trình tự, thời gian thẩm định, phê duyệt dự án và giao (cho thuê) đất:
- Sở Kế hoạïch và đầu tư chủ trì phối hợp với các ngành liên quan thẩm định dự án trình UBND Tỉnh phê duyệt.
- Sở Địa chính lập thủ tục đề nghị UBND Tỉnh quyết định cho thuê đất trên cơ sở dự án được phê duyệt và hồ sơ đã gởi Sở Địa chính.
- Thời gian thẩm định dự án thực hiện theo quy chế đầu tư và XDCB hiện hành. Thời gian lập thủ tục và ban hành quyết định cho thuê đất tối đa không quá 15 ngày kể từ ngày có quyết định phê duyệt dự án. Từ khi có quyết định cho thuê đất đến khi giao đất xong tại thực địa cho chủ dự án tối đa không quá 10 ngày.
CHƯƠNG IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 11: Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Tỉnh và Giám đốc Nhà máy đường Bình Thuận hướng dẫn chi tiết việc thực hiện bản quy định này.
Điều 12 : Những tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở, không thực hiện hoặc thực hiện sai những nội dung bản quy định này đều bị xử lý theo pháp luật hiện hành.
Điều 13 : Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các sở, ngành tỉnh, các đơn vị có liên quan vàUBND các huyện có nhu cầu trồng mía tổ chức triển khai thực hiện bản quy định này đồng thời theo dõi tổng hợp đánh gía kết quả thực hiện hàng năm.
Điều 14 : Bản quy định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày có quyết định ban hành. Các quy định trước đây trái với quy định này đều bãi bỏ./-
TM.UBND TỈNH BÌNH THUẬN KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Tú Hoàng |