ỦY BAN NHÂN DÂN

TỈNH BÌNH THUẬN

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc

Phan Thiết, ngày 16 tháng 06 năm 2003

 

CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN

SẢN PHẨM LỢI THẾ NƯỚC KHOÁNG VĨNH HẢO GIAI ĐOẠN 2003 - 2010

(Ban hành kèm theo Quyết định số 42/2003/QĐ-UBBT, ngày 16 tháng 6. năm 2003 của UBND Tỉnh Bình Thuận)

 

 

PHẦN THỨ NHẤT

THỰC TRẠNG TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM NƯỚC KHOÁNG VĨNH HẢO VÀ DỰ BÁO TỐC ĐỘ PHÁT TRIỂN NGÀNH NƯỚC KHOÁNG VIỆT NAM

 

I/ THỰC TRẠNG TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM NƯỚC KHOÁNG VĨNH HẢO :

Nước khoáng Vĩnh Hảo là một trong những sản phẩm đặc thù của tỉnh Bình Thuận đã hình thành, tồn tại và phát triển hơn 75 năm qua. Từ năm 1928 được thành lập cho đến năm 1975, cơ sở sản xuất nước khoáng Vĩnh Hảo đã trải qua nhiều lần thay đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp, nhiều lần ngừng sản xuất do ảnh hưởng của thiên tai lũ lụt và chiến tranh.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975) thống nhất đất nước, nhà nước ta đã khôi phục lại sản xuất và thành lập Xí nghiệp quốc doanh nước suối Vĩnh Hảo thuộc Xí Nghiệp Liên hiệp rượu bia và nước giải khát 2 (Bộ Lương thực - Thực phẩm). Tháng 8/1977, Bộ đã bàn giao Xí Nghiệp cho UBND tỉnh Thuận Hải, Ty Công nghiệp Thuận Hải trực tiếp quản lý. Năm 1982, Xí nghiệp đã lắp đặt mới một dây chuyền thiết bị sản xuất đồng bộ do Liên Xô chế tạo, nhờ vậy mà năng suất được nâng lên rõ rệt.

Ngoài việc khai thác nước khoáng Vĩnh Hảo đóng chai, năm 1978 Xí Nghiệp đã liên kết với Viện khoa học Việt Nam và Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội để nghiên cứu sử dụng nước khoáng Vĩnh Hảo làm môi trường nuôi cấy và sản xuất Tảo Spirulina Platensis - một sản phẩm giàu đạm và các chất kích thích tăng trưởng có giá trị dinh dưỡng cao đối với con người và và vật nuôi.

Từ năm 1991 đến nay, sản lượng khai thác nước khoáng Vĩnh Hảo liên tục tăng trưởng, đạt tốc độ bình quân 45%/năm. Nhất là giai đoạn từ năm 1995 sau khi thành lập Công ty Cổ phần Nước suối Vĩnh Hảo (sau đổi tên là Công ty Cổ phần Nước khoáng Vĩnh Hảo). Năm 1998, Công ty đã đầu tư mới hoàn toàn từ nhà xưởng, thiết bị và công nghệ sản xuất thay thế cho hệ thống thiết bị cũ. Hệ thống thiết bị mới có công suất sản xuất 30 triệu lít / năm (1 ca sản xuất).

 

BẢNG TỔNG HỢP SẢN LƯỢNG KHAI THÁC

THỜI KỲ 1991 – 2000 (Triệu lít / năm)

 

Năm

1991

1992

1993

1994

1995

1996

1997

1998

1999

2000

Sản lượng

0,79

1,18

1,65

3,53

8,35

16,97

18,87

20,50

18,39

19,05

Chỉ số PT

100%

147%

139%

213%

254%

187%

111%

108%

89%

103%

 

Tóm lại, trong 75 năm qua từ khi thành lập đến nay, nước khoáng Vĩnh Hảo đã trải qua nhiều cuộc thăng trầm theo lịch sử của đất nước. Cũng trong khoảng thời gian đó, cơ sở sản xuất nước khoáng Vĩnh Hảo cũng đã qua 4 lần thay đổi công nghệ và thiết bị sản xuất để đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao.

Chất lượng nước khoáng Vĩnh Hảo đã được các nhà y học, hóa học, địa chất , địa chất thủy văn nghiên cứu từ lâu. Thành phần hóa học đã được phân tích kỹ lưỡng qua nhiều thời kỳ luôn giữ ổn định thuộc loại nước khoáng bicarbonate. Từ đó cho phép khẳng định: Nước khoáng Vĩnh Hảo được xem như là một loại nước khoáng dùng để giải khát và chữa bệnh.

Thị trường tiêu thụ chủ yếu hiện nay của nước khoáng Vĩnh Hảo là thị trường trong nước nằm ở khu vực miền Trung, Tây nguyên, miền Đông Nam bộ và Tây Nam bộ trải dài từ Quảng Bình đến Cà Mau. Thị trường trọng điểm là: Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Phú Yên, Bình Định, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh (chiếm 2/3 sản lượng tiêu thụ). Thời gian gần đây, nước khoáng Vĩnh Hảo đã được xuất khẩu ra nước ngoài dưới dạng thăm dò thị trường (Mỹ, Canada, Úc, Đông Nam Á, ...).

Sản phẩm nước khoáng có ga chai thủy tinh vẫn chiếm tỷ lệ cao về sản lượng tiêu thụ (khoảng 80%). Do thiếu hụt bao bì nên thường xuyên xảy ra hiện tượng thiếu hàng cung cấp cho đại lý nhất là vào mùa khô (từ tháng 1 đến tháng 6). Các sản phẩm chai PET ngày càng được nhiều người tin dùng và mức độ tiêu thụ ngày càng tăng chủ yếu ở các trung tâm du lịch và các thành phố lớn, một phần xuất khẩu.

Các đối thủ cạnh tranh chính của nước khoáng (NK) Vĩnh Hảo có ga là: Đảnh Thạnh, Thạch Bích, Phú Sen, Tiền Hải (doanh nghiệp trong nước) và Perrier (doanh nghiệp nước ngoài). Đối thủ cạnh tranh chính của sản phẩm nước khoáng Vĩnh Hảo không ga là: La Vie, Vikoda, Vital, Sapuwa, A&B, Dapha, Diamond Rain, … Các đối thủ này chủ yếu là các Cty TNHH và các liên doanh nước ngoài có cơ sở sản xuất tại Việt Nam.

Ngoài các đối thủ cạnh tranh chủ yếu nói trên, hiện nay trên thị trường mới xuất hiện sản phẩm nước uống đóng chai (NUĐC) của 2 doanh nghiệp hàng đầu thế giới về nước giải khát đó là: JOY (Coca Cola) và AQUAFINA (Pepsi Co). Đây là các đối thủ cạnh tranh tương lai có khả năng ảnh hưởng rất lớn đến thị trường NK và NUĐC. Mặt khác, trên thị trường đang tồn tại hơn 100 cơ sở sản xuất NUĐC có qui mô nhỏ, sản xuất bằng phương pháp thủ công từ nguồn nước thủy cục hoặc giếng khoan, độ khoáng hóa thấp, với sản lượng khoảng vài trăm nghìn lít / năm. Do công nghệ sản xuất của loại hình này ít phức tạp; mức độ nhận thức sự khác biệt giữa NK và NUĐC trong giới tiêu dùng còn thấp; khả năng tiếp cận kênh phân phối của NUĐC dễ dàng; nhà nước chưa qui định đầy đủ về quản lý chất lượng nước khoáng, nước uống đóng chai; rào cản giới hạn gia nhập ngành thấp,… nên việc xuất hiện thêm và mất đi của loại hình doanh nghiệp này càng nhiều và càng phức tạp.

Từ việc phân tích và xem xét các đặc điểm và tình hình phát triển của sản phẩm Nước khoáng Vĩnh Hảo trong thời gian qua có so sánh với các đối thủ cạnh tranh chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ NK và NUĐC tại Việt Nam cho thấy sự phát triển sản phẩm nước khoáng Vĩnh Hảo còn nhiều nhược điểm bộc lộ trong quá trình hoạt động như: hoạt động marketting và tổ chức đội ngũ bán hàng còn kém; chưa chú trọng nhiều đến việc phát triển mạng lưới phân phối; năng lực của bộ máy điều hành chưa đồng đều, chưa thích hợp với yêu cầu phát triển; các chính sách yểm trợ bán hàng chưa cao. Tuy nhiên, nước khoáng Vĩnh Hảo vẫn được xác định là một sản phẩm lợi thế của tỉnh Bình Thuận để có thể định hướng phát triển trong tương lai:

- Nước khoáng Vĩnh Hảo là một thương hiệu nổi tiếng từ lâu đời, đã xuất hiện cách đây hơn 70 năm, uy tín nhãn hiệu của Vĩnh Hảo được hầu hết người tiêu dùng Việt Nam biết đến và công nhận (6 năm liền đạt danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, 2 lần đạt giải bạc “Giải thưởng Chất Lượng Việt Nam”).

- Nước khoáng Vĩnh Hảo là một sản phẩm đạt chất lượng cao và ổn định. Thành phần khoáng chất vi lượng đặc thù của NK Vĩnh Hảo cho phép khẳng định đặc tính ưu việt của nguồn nước khoáng Vĩnh Hảo. Tính chất của NK Vĩnh Hảo có tác dụng rõ rệt trong nhiều lĩnh vực sử dụng mà không sản phẩm NK nào khác có thể có được.

- Nước khoáng Vĩnh Hảo đã được sản xuất tại một cơ sở sản xuất tương đối hiện đại và đồng bộ cho phép sản xuất sản phẩm ở độ ổn định cao.

- Nguồn tài nguyên NK Vĩnh Hảo dồi dào và ổn định cho phép khai thác lâu dài và phát triển ở mức sản lượng cao hơn hiện nay nhiều lần (100 triệu lít / năm).

 

II/ DỰ BÁO TỐC ĐỘ PHÁT TRIỄN NGÀNH NƯỚC KHOÁNG VÀ NƯỚC UỐNG ĐÓNG CHAI VIỆT NAM :

Theo số liệu của một số tổ chức quốc tế thống kê (IMES, Aqua Golden Missisipi (Indonesia), Nestle Source International (NSI),…) đều cho thấy sự gia tăng nhu cầu NK và NUĐC tại thị trường Việt Nam. Sự gia tăng này do xu hướng tiêu thụ chung của các nước đang phát triển là dịch chuyển về các sản phẩm nước uống có nguồn gốc thiên nhiên, có độ an toàn cao và bổ dưỡng đối với sức khỏe của người tiêu dùng, do sự phát triển của nền kinh tế đời sống của người dân tăng nhanh và sự phát triển của ngành du lịch. Dự báo sản lượng NK và NUĐC Việt Nam đến năm 2020 như sau:

 

DỰ BÁO SẢN LƯỢNG NK VÀ NUĐC

( Sản lượng : triệu lít; Bình quân: lít / người / năm)

 

Năm

2005

2010

2020

Sản phẩm

Bình quân

Sản lượng

Bình quân

Sản lượng

Bình quân

Sản lượng

NK và NUĐC

2,5

225,5

3,0

285,0

4,5

472,5

( Nguồn : Tổng Công ty Rượu bia và NGK Việt Nam )

 

Mức tiêu thụ nước khoáng và nước uống đóng chai của Việt Nam chỉ đạt 1,5 lít / người / năm (1999) là còn quá thấp so với các nước khác trong khu vực và trên thế giới. Dự báo thị trường còn tăng trưởng mạnh ở mức từ 15 - 20 % /năm trong những năm tới, nhưng riêng thị trường NUĐC có khả năng tăng trưởng rất nhanh ở tốc độ 100%/ năm.

Sự phát triển của nhiều doanh nghiệp sản xuất NK và NUĐC trong thời gian gần đây, sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, kể cả đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nước giải khát nói chung đã làm cho tình hình cạnh tranh trên thị trường càng trở nên quyết liệt hơn. Theo số liệu của Tổng công ty Rượu bia và Nước giải khát Việt Nam, chỉ tính riêng 17 doanh nghiệp sản xuất NK và NUĐC có công suất từ 1 triệu lít trở lên thì tổng công suất sản xuất là 246 triệu lít/ năm trong khi sản lượng thực tế chỉ ở mức 113 triệu lít (năm 2000), đạt khoảng 46% công suất sản xuất. Nếu tính cả công suất của hàng trăm cơ sở nhỏ khác thì năng lực sản xuất này còn đáp ứng đủ nhu cầu cho nhiều năm tới.

PHẦN THỨ HAI

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM NƯỚC KHOÁNG VĨNH HẢO GIAI ĐOẠN 2003 – 2010

 

I/ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN :

Trên cơ sở khẳng định và phát huy những ưu điểm, khắc phục những khuyết nhược điểm đang tồn tại. Căn cứ vào tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển sản phẩm nước khoáng Vĩnh Hảo; căn cứ quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Bình Thuận đến năm 2010. Nội dung định hướng phát triển sản phẩm Nước khoáng Vĩnh Hảo giai đoạn 2003 - 2010 cụ thể như sau:

- Khai thác có hiệu quả các tiềm năng và thế mạnh sẳn có của nước khoáng Vĩnh Hảo: thương hiệu, chất lượng, nguồn nước khoáng, công nghệ thiết bị và tài nguyên lao động,… Tăng cường và hoàn thiện việc quản lý chất lượng toàn diện (TQM) dựa trên cơ sở áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO: 9001 – 2000 và SA 8000. Đẩy mạnh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả với tốc độ cao.

- Xác định lại vị trí và tầm quan trọng của giá trị thương hiệu Vĩnh Hảo. Triển khai mọi hoạt động nhằm mục đích củng cố, bảo toàn và phát triển ngày càng cao giá trị thương hiệu.

- Nghiên cứu cơ bản và ứng dụng khoa học kỹ thuật để khai thác một cách có hiệu quả các tính chất đặc thù của nước khoáng Vĩnh Hảo. Đầu tư chiều sâu để đa dạng hóa sản phẩm, đổi mới công nghệ sản xuất, đổi mới hình thức sản phẩm phù hợp với yêu cầu tiêu dùng của thị trường.

- Củng cố và giữ vững thị trường truyền thống, tăng cường năng lực cạnh tranh, tích cực phát triển một cách hoàn chỉnh thị trường trong nước tiến tới xuất khẩu ra nước ngoài.

 

II/ MỤC TIÊU PHÁT TRIỄN :

Căn cứ vào định hướng phát triển: Từ năm 2003 đến năm 2010, dự kiến sản lượng nước khoáng Vĩnh Hảo sẽ tăng trưởng theo tỷ lệ bình quân 10%/ năm. Cụ thể, dự kiến sản phẩm năm 2010 đạt 44 triệu lít, chiếm giữ từ 22 - 25% thị phần cả nước. Thực hiện việc đa dạng hóa sản phẩm theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, đạt mức doanh thu khoảng 95 tỷ đồng. Sản lượng mục tiêu của sản phẩm nước khoáng Vĩnh Hảo từ năm 2003 - 2010 như sau:

SẢN LƯỢNG MỤC TIÊU CỦA SẢN PHẨM NK VĨNH HẢO GIAI ĐOẠN 2001 – 2010

 

Năm

Sản lượng NK Vĩnh Hảo

( Triệu lít )

Doanh thu

( Tỷ đồng)

2003

22,2

48,6

2004

24,4

53,5

2005

27

58,8

2006

30

64,7

2007

33

71,2

2008

36,3

78,3

2009

40

86,2

2010

44

94,8

 

Ngoài sản phẩm đóng chai với 2 loại nước khoáng có gas và nước khoáng không gas, còn tính đến việc khai thác nước khoáng Vĩnh Hảo cho dịch vụ tắm khoáng, tắm bùn, mở ra điểm du lịch tại đây, đồng thời dùng nguồn nước khoáng Vĩnh Hảo để tái sản xuất tảo Spirulina Platensis.

III/ MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU :

 

1/ GIẢI PHÁP VỀ KHOA HỌC KỸ THUẬT VÀ CÔNG NGHỆ:

Giải pháp Khoa học kỹ thuật và công nghệ là giải pháp hàng đầu để thúc đẩy sự phát triển một cách bền vững cho sản phẩm nước khoáng Vĩnh Hảo. Nội dung nghiên cứu ứng dụng KHKT và công nghệ tập trung ở các lĩnh vực sau:

a) Nghiên cứu tác dụng điều trị của NK Vĩnh Hảo :

Nội dung nghiên cứu tác dụng điều trị của NK Vĩnh Hảo bao gồm :

- Nghiên cứu tác dụng đặc trưng của các yếu tố vi lượng chứa đựng trong thành phần khoáng của NK Vĩnh Hảo . Sử dụng các biện pháp kỹ thuật để điều chỉnh hàm lượng các vi lượng nhằm mục đích phát triển nhiều sản phẩm khác nhau có tác dụng điều trị các bệnh tật khác nhau.

- Nghiên cứu tác dụng lâm sàng của NK Vĩnh Hảo trong việc điều trị bệnh dưới các hình thức tắm và uống.

Trước mắt, tập trung nghiên cứu và ứng dụng việc sử dụng NK Vĩnh Hảo để điều trị các bệnh thuộc hệ thống tiêu hóa và bảo vệ men răng phòng ngừa bệnh sâu răng . Việc nghiên cứu này có thể phối hợp với các trường Đại học chuyên ngành và các cơ quan y tế của địa phương cũng như trung ương để kết quả nghiên cứu có giá trị hơn về mặt ứng dụng.

b) Nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm:

- Nghiên cứu hình thành và phát triển các sản phẩm mới có tác dụng điều trị thông qua việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu nói trên.

- Nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới có tác dụng bổ dưỡng dưới hình thức NK có pha chế: NK pha nước ép trái cây, NK tăng lực, NK dùng cho thể thao,…Cần tập trung ưu tiên sử dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên sẳn có tại địa phương để sản xuất các loại NK pha chế nước ép trái cây như: trái thanh long, trái điều, nho,…

- Tổ chức lại việc sản xuất Tảo Spirulina Platensis trên cơ sở sử dụng nguồn NK Vĩnh Hảo và khôi phục lại hệ thống sản xuất đã có dựa trên việc ứng dụng công nghệ nuôi trồng mới có năng suất nuôi trồng và chất lượng sản phẩm cao hơn. Nghiên cứu ứng dụng sử dụng Tảo nguyên liệu trong việc chế biến nhiều loại chế phẩm khác nhau trong các lĩnh vực dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm cho con người và vật nuôi có giá trị thương phẩm cao (tôm, cá xuất khẩu,…).

- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ bao bì mới để đa dạng hóa các hình thức và kiểu dáng bao bì mẩu mã có tác dụng nâng cao giá trị sản phẩm thay thế dần các loại bao bì cũ, nhất là việc thay thế dần bao bì chai thủy tinh.

c) Ứng dụng tiến bộ KHKT và công nghệ trong đầu tư chiều sâu

- Đầu tư công nghệ và hệ thống dây chuyền thiết bị chế biến nước ép trái cây phục vụ cho việc sản xuất các sản phẩm pha chế.

- Đầu tư các thiết bị tự động cho các khâu phụ trợ để tăng năng suất sản xuất và tiết kiệm lao động (máy dán nhãn, máy đóng thùng giấy,…).

- Đầu tư mới hệ thống thiết bị sản xuất chai PET.

- Đầu tư bổ sung dây chuyền chiết rót tự động cho sản phẩm có bao bì lon và hộp giấy.

- Thành lập trung tâm an dưỡng và du lịch chữa bệnh bằng bùn khoáng và nước khoáng Vĩnh Hảo.

2/ MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG TIÊU THỤ SẢN PHẨM :

a) Củng cố và xây dựng hoàn thiện hệ thống phân phối :

- Củng cố hệ thống phân phối hiện có trên cơ sở giử vững thị trường truyền thống, phát huy tác dụng của thị trường truyền thống một cách có hiệu quả làm nền tảng cho việc phát triển thị trường.

- Phát triển hệ thống phân phối theo chiều rộng lẫn chiều sâu đối với các vùng đang còn trống để mở rộng khả năng tiêu thụ khắp cả nước.

- Xúc tiến mở rộng việc xuất khẩu ra nước ngoài, chú ý các nước trong khu vực Đông Nam Á và các nước tập trung số đông bà con Việt kiều sinh sống (Mỹ , Canada, Úc,…).

b) Xác định lợi thế cạnh tranh và nâng cao năng lực cạnh tranh :

- Xác định sản phẩm có lợi thế trong cạnh tranh: sản phẩm truyền thống nước khoáng có ga. Phát triển các sản phẩm lợi thế khác dựa trên tính chất đặc thù của nước khoáng Vĩnh Hảo: nước khoáng chữa bệnh, nước khoáng pha chế nước ép trái cây.

- Có biện pháp hạ giá thành sản phẩm qua việc cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, tăng năng xuất lao động, giảm chi phí bán hàng và chi phí quản lý.

- Kiện toàn đội ngũ bán hàng, nâng cao chất lượng và trình độ nghiệp vụ của nhân viên bán hàng. Chú trọng một cách đặc biệt trong việc xây dựng và hoàn thiện bộ phận maketting.

 

c) Đẩy mạnh các hoạt động yểm trợ :

Các nội dung chủ yếu của công tác yểm trợ sản phẩm là: quảng cáo, chiết khấu, chào hàng, kích thích tiêu thụ, tuyên truyền cổ động trực tiếp, bán hàng trực tiếp,… Nội dung các hoạt động yểm trợ bao gồm:

- Tăng cường công tác quảng cáo để tăng doanh số và tăng thị phần . Nội dung quảng cáo cần phải tập trung và xác định rõ cho người tiêu dùng về tính ưu việt và đặc thù của nước khoáng Vĩnh Hảo so với các loại sản phẩm khác. Nên đầu tư một ngân sách lớn cho cho quảng cáo và phân bổ tỷ lệ lớn chi phí quảng cáo cho các sản phẩm mới có giá trị cao và cho những thị trường trọng điểm cần xâm nhập và chiếm lĩnh.

- Chú trọng việc sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng trong hình thức quảng cáo, ưu tiên sử dụng hình thức: bảng hiệu, truyền hình, báo chí. Cần thiết phối hợp với các chuyên gia và các nhà khoa học có uy tín trong lĩnh vực y tế, nước khoáng,… để tổ chức các cuộc hội thảo khoa học nhằm mục đích giới thiệu rộng rãi các tính năng ưu việt của nước khoáng Vĩnh Hảo, giới thiệu từng loại sản phẩm của Vĩnh Hảo với tính chất sử dụng khác nhau.

- Chú trọng nhiệm vụ định vị thương hiệu Vĩnh Hảo trong các hoạt động marketting của doanh nghiệp, nhất là việc quảng bá và phân phối các sản phẩm có tính truyền thống (nước khoáng có ga và không ga đóng chai), thực hiện công tác hoàn thiện bao bì và mẩu mã sản phẩm trên cơ sở phát huy giá trị thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm. Lưu ý việc thay đổi nhãn hiệu cần phải gắn liền với việc kế thừa và phát huy giá trị thương hiệu, không nên thay đổi thường xuyên hình thức nhãn hiệu và tên gọi sản phẩm vì điều này sẽ dẫn tới sự tốn kém nhiều chi phí cho công tác marketting. Trong chiến lược marketting, đối với sản phẩm đóng chai chỉ nên sử dụng một thương hiệu “Vĩnh Hảo”.

 

3/ GIẢI PHÁP VỀ VỐN:

Ngoài việc sử dụng vốn tín dụng thông qua các nguồn vốn của các tổ chức tín dụng (ngân hàng, cho thuê tài chính,…), cần có chính sách hỗ trợ về vốn thông qua các quỹ tín dụng ưu đãi ( Quỹ hỗ trợ đầu tư, quỹ hỗ trợ xuất khẩu,…) để hỗ trợ nguồn vốn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Khuyến khích Công ty huy động vốn các cổ đông thông qua việc tăng vốn và phát hành thêm cổ phiếu để thực hiện các dự án đầu tư phát triển. Công ty cần phải nghiên cứu và tổ chức thực hiện chuyển đổi thành Công ty cổ phần đại chúng, đăng ký tham gia giao dịch trên thị trường chứng khoán và mở rộng thành phần cổ đông tham gia đầu tư để thu hút vốn trên thị trường chứng khoán.

Hàng năm, UBND Tỉnh hỗ trợ từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học công nghệ để bảo hộ thương hiệu Vĩnh Hảo thông qua việc chi phí đăng ký độc quyền thương hiệu, hỗ trợ các biện pháp chống việc hàng giả lấy thương hiệu Vĩnh Hảo...

 

4/ GIẢI PHÁP VỀ TỔ CHỨC QUẢN LÝ VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC:

Đặc điểm của bộ máy điều hành hoạt động của Công ty là ưu tiên sử dụng lực lượng lao động tại chỗ có nhiều năm công tác tại doanh nghiệp đã trưởng thành thông qua thực tiễn công tác và có nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên số lao động quản lý này đã bộc lộ nhiều nhược điểm trong quá trình điều hành.

Nhiệm vụ chủ yếu của công tác tổ chức quản lý là: khảo sát lại hiện trạng bộ máy điều hành hiện có, trên cơ sở đó chọn lọc và bố trí lại cho phù hợp, đào tạo và đào tạo lại một cách thường xuyên lực lương lao động thông qua những chương trình ngắn hạn và dài hạn, có thể đào tạo tại chỗ và đưa đi đào tạo ở các trung tâm để nâng cao trình độ quản lý và điều hành của số lao động quản lý hiện có. Chú trọng huy động nhân lực có chuyên môn cao và nhiệt tình từ nhiều nguồn khác nhau trên phạm vi cả nước để bổ sung đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ khoa học kỹ thuật cho doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao và đa dạng.

Ngoài ra, cần xem xét một cách nghiêm túc và đầy đủ việc sử dụng lao động hiện có của doanh nghiệp, tránh tình trạng thừa lao động làm tăng chi phí và sử dụng lao động kém hiệu quả.

 

IV/ TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

Tổ chức phổ biến sâu rộng chương trình phát triển sản phẩm lợi thế nước khoáng Vĩnh Hảo đến các ngành, các cấp, các địa phương và các tổ chức có liên quan nhằm nâng cao nhận thức phát triển sản phẩm lợi thế nước khoáng Vĩnh Hảo là trách nhiệm chung của nhà nước. Các ngành, các cấp và các tổ chức có liên quan cần tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tổ chức thực hiện chương trình phát triển sản phẩm lợi thế nước khoáng Vĩnh Hảo theo chủ trương chung.

Phân công trách nhiệm:

1/ Hội đồng Quản Trị Công ty cổ phần nước khoáng Vĩnh Hảo căn cứ vào mục tiêu và định hướng của chương trình phát triển sản phẩm lợi thế nước khoáng Vĩnh Hảo để xây dựng các chiến lược kinh doanh, chiến lược sản phẩm cụ thể của Công ty cho giai đoạn 2003 - 2010; Xây dựng các kế hoạch sản xuất kinh doanh, chương trình và dự án đầu tư hằng năm và tổ chức thực hiện.

2/ Sở Công nghiệp: có trách nhiệm giúp UBND Tỉnh quản lý thực hiện chương trình. Chủ trì phối hợp với các Sở ban ngành, các tổ chức và địa phương có liên quan hướng dẫn doanh nghiệp triển khai xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn, kế hoạch, chương trình phát triển sản phẩm nước khoáng Vĩnh Hảo hằng năm, đồng thời kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung của chương trình, đánh giá kết quả thực hiện và tổng hợp báo cáo định kỳ về UBND Tỉnh.

3/ Sở Kế hoạch & Đầu tư: nghiên cứu đề xuất các chính sách hỗ trợ đầu tư; cơ chế tác động phát triển đa dạng hóa sản phẩm; thâm nhập thị trường ngoài tỉnh, ngoài nước.

4/ Sở Thương mại - Du lịch: có kế hoạch hỗ trợ hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại nhắm vào những thị trường ngoài nước để nâng cao dần lượng sản phẩm xuất khẩu.

5/ Sở Tài chính - Vật giá: nghiên cứu các quy định của luật pháp hiện hành để xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc huy động vốn đầu tư; hướng dẩn và giúp đỡ doanh nghiệp trong việc kiến nghị Bộ Tài chính chấp thuận cho phép nâng mức chi phí quảng cáo lên cao hơn mức quy định hiện hành.

6/ Sở Khoa học - công nghệ & Môi trường có trách nhiệm phối hợp với Sở Công nghiệp và doanh nghiệp triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ có liên quan đến nguồn nước khoáng, chất lượng nước khoáng, các sản phẩm pha chế từ nước khoáng Vĩnh Hảo,… Tham mưu cho UBND Tỉnh ban hành quy định quản lý nguồn nước khoáng để tránh ô nhiễm.

7/ Sở Y tế phối hợp với Sở Công nghiệp và doanh nghiệp nghiên cứu việc sử dụng nước khoáng Vĩnh Hảo để điều trị bệnh dưới các hình thức tắm và uống.

Định kỳ 6 tháng, 1 năm các Sở ban ngành có liên quan có trách nhiệm đánh giá kết quả thực hiện chương trình thuộc phạm vi quản lý của mình báo cáo về UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo (báo cáo gửi Sở Công nghiệp để tổng hợp trình UBND Tỉnh).

 

V/ KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ:

Chương trình phát triển sản phẩm lợi thế nước khoáng Vĩnh Hảo trong giai đoạn 2003 – 2010 như trình bày ở trên đã phân tích, đánh giá thực trạng tình hình thị trường nước khoáng và nước uống đóng chai của Việt Nam, phân tích hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Cổ phần Nước khoáng Vĩnh Hảo và các đối thủ cạnh tranh chủ yếu của sản phẩm nước khoáng Vĩnh Hảo, phân tích các điểm mạnh và điểm yếu của nước khoáng Vĩnh Hảo để qua đó đề xuất định hướng, mục tiêu và các giải pháp nhằm phát triển sản phẩm nước khoáng Vĩnh Hảo trong giai đoạn 2003 – 2010.

Nội dung chủ yếu của chương trình phát triển sản phẩm lợi thế nước khoáng Vĩnh Hảo giai đoạn 2003 – 2010 chủ yếu dựa trên các yếu tố lợi thế của sản phẩm nước khoáng Vĩnh Hảo: thương hiệu, tính đặc thù của nguồn nước khoáng, nguồn tài nguyên dồi dào và ổn định có sẳn tại địa phương và nguồn nhân lực đa dạng có nhiều kinh nghiệm để xác định nội dung phát triển trong giai đoạn tới. Mặt khác, cần khắc phục những yếu điểm về công tác marketting, hoạt động yểm trợ khách hàng (quảng cáo, khuyến mãi,…), hệ thống phân phối,… để đẩy nhanh tốc độ phát triển.

Một số kiến nghị đối với nhà nước TW:

- Tiêu chuẩn hóa, hoặc ban hành quy phạm sản xuất nước khoáng, nước uống đóng chai về công nghệ, bao bì, nhãn hiệu, tên gọi,… quy định chuẩn hóa sự phân biệt rõ ràng về nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai (nước tinh khiết), quy định hàm lượng khoáng chất hòa tan tối đa và tối thiểu để phân loại nước khoáng.

- Quy định chính sách về hoạt động marketting được áp dụng cho tất cả loại hình doanh nghiệp, tránh tình trạng các doanh nghiệp liên doanh hoặc có 100% vốn nước ngoài có chi phí quảng cáo lớn áp đảo các doanh nghiệp nội địa gây bất bình đẳng trên thương trường. Cho phép các doanh nghiệp sản xuất nước khoáng được tăng chi phí quảng cáo và tiếp thị cao hơn mức qui định. Trong trường hợp có sản phẩm mới cần phải đầu tư nhiều cho chi phí quảng cáo tiếp thị, đề nghị nhà nước cho phép tự xác định chi phí quảng cáo và tiếp thị cao ở những năm đầu tiên và được phép phân bổ chi phí dần thấp hơn cho những năm kế tiếp.

- Sớm ban hành Luật cạnh tranh và xác định kèm theo các biện pháp chế tài về cạnh tranh đối với những trường hợp cạnh tranh không lành mạnh.

- Có những chính sách hỗ trợ, ưu đãi về mặt đầu tư, cho vay vốn để đổi mới công nghệ, cải tiến kỹ thuật, … giúp nâng cao hơn năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp khi hội nhập AFTA, APEC,…

 
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN