ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc G |
QUY ĐỊNH
Về thủ tục cấp giấy phép thành lập và ĐKKDcác loại hình doanh nghiệp ngoài quốc doanh
(Ban hành kèm theo Quyết định số 260 QĐ/UB-BT ngày 30/1/1997 của UBND Tỉnh Bình Thuận)
Chương I: Những quy định chung
Điều 1: Đối tượng thực hiện
1/ Doanh nghiệp tư nhân.
2/ Công ty TNHH
3/ Công ty cổ phần.
4/ Doanh nghiệp do người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư trực tiếp tại Bình Thuận.
5/ Doanh nghiệp người nước ngoài cư trú lâu dài tại Việt Nam đầu tư trực tiếp tại Bình Thuận.
6/ Chi nhánh, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp.
Điều 2: Việc xét cho thành lập các doanh nghiệp do UBND Tỉnh quyết định. Giúp việc cho UBND Tỉnh có Hội đồng tư vấn, bao gồm các thành viên chính là: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính - Vật giá, Sở Tư pháp, Sở quản lý ngành kinh tế - kỹ thuật, UBND huyện, thị nơi có doanh nghiệp xin đầu tư sản xuất - kinh doanh (sau đây gọi tắt là UBND huyện, thị), do Sở Kế hoạch và Đầu tư làm Thường trực. Ngoài ra, Hội đồng có thể mời thêm các ngành có liên quan khác tham gia khi cần thiết.
Điều 3: Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ và tổ chức thẩm định trình UBND Tỉnh quyết định cấp hoặc từ chối cấp giấy phép thành lập các loại hình doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện việc cấp chứng nhận ĐKKD cho các loại hình doanh nghiệp sau khi có đủ hồ sơ thủ tục cho việc ĐKKD của doanh nghiệp theo quy định.
Chương II: Thành lập doanh nghiệp
Điều 4: Trình tự thủ tục xin phép thành lập doanh nghiệp được quy định.
4.1. Đối với ngành nghề được quy định tại điều 5 Luật DNTN, điều 11 Luật công ty (có phụ lục kèm theo).
- Người xin phép thành lập doanh nghiệp gửi hồ sơ đến Sở Kế hoạch và Đầu tư Tỉnh.
- Khi nhận hồ sơ hợp lệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư Tỉnh tổ chức lấy ý kiến sở quản lý ngành kinh tế kỹ thuật và trình UBND Tỉnh để gửi hồ sơ liên lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ.
- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến thông báo của Thủ tướng Chính phủ, UBND Tỉnh sẽ triển khai thực hiện theo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.
4.2. Đối với các ngành nghề không thuộc diện nói tại khoản 4.1 nói trên.
- Người xin phép thành lập doanh nghiệp gửi hồ sơ đến Sở Kế hoạch và Đầu tư Tỉnh.
- Khi nhận hồ sơ đầy đủ theo quy định, Sở Kế hoạch và Đầu tư phải tổ chức cuộc họp thẩm định trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ. Hồ sơ thành lập của doanh nghiệp phải được gửi trước cho các thành viên Hội đồng ít nhất là 5 ngày trước khi tổ chức cuộc họp.
Khi nhận được thông báo mời họp Hội đồng, nếu thành viên nào vắng không tham gia mà không có ý kiến trả lời bằng văn bản xem như thành viên đó nhất trí như kết luận của Hội đồng.
Khi xem xét tính chất, quy mô ngành nghề kinh doanh của hồ sơ xin thành lập doanh nghiệp, nếu xét thấy không nhất thiết phải tổ chức họp hội đồng, Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm lấy ý kiến của các thành viên. Các Sở, ngành, UBND huyện, thị phải có ý kiến trả lời bằng văn bản trong vòng 10 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư chuyển đến, nếu quá thời hạn trên mà không có văn bản trả lời thì xem như đồng ý với ý kiến của Sở Kế hoạch và Đầu tư.
4.3. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm lập biên bản cuộc họp thẩm định hoặc tổng hợp ý kiến các Sở, ngành và lập thủ tục trình UBND Tỉnh trong thời gian 20 ngày đối với DNTN, 40 ngày đối với Công ty TNHH, công ty cổ phần kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ UBND Tỉnh xem xét, quyết định việc cấp hay từ chối cấp giấy phép thành lập cho doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày đối với DNTN, 20 ngày đối với công ty kể từ ngày nhận đủ hồ sơ và tờ trình của Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Việc cấp hoặc từ hối cấp giấy phép thành lập trong trường hợp doanh nghiệp cho thuê đất, ngoài thời gian quy định trên được tính thêm 30 ngày.
Điều 5: Hồ sơ xin phép thành lập DNTN, công ty được thành lập 05 bộ, gồm:
1/ Đơn xin phép thành lập doanh nghiệp (theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành).
2/ Sơ yếu lý lịch (theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành), trong đó phải có xác nhận của công an và UBND phường, xã, thị trấn về địa chỉ thường trú của DNTN, sáng lập viên công ty và họ không thuộc diện quy định tại điều 6,7 của Luật công ty và điều 6,7 của Luật DNTN.
3/ Phương án SXKD ban đầu, mức vốn đầu tư ban đầu (đối với DNTN) và vốn điều lệ (đối với công ty) không thấp hơn vốn pháp định, trường hợp doanh nghiệp kinh doanh nhiều ngành nghề thì vốn pháp định bằng vốn pháp định quy định cho từng ngành nghề cộng lại và phải phù hợp với quy mô, ngành nghề kinh doanh thực tế. Kèm theo phương án phải có biện pháp bảo vệ môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận hoặc phê duyệt.
4/ Dự thảo điều lệ (đối với công ty).
5/ Giấy tờ hợp lệ về quyền được sử dụng nơi dự định làm trụ sở doanh nghiệp.
6/ Giấy xác nhận của bệnh viện về thần kinh bình thường của chủ DNTN (đối với DNTN), các sáng lập viên (đối với công ty).
7/ Đối với người kinh doanh (hoặc người dự định tham gia quản lý điều hành doanh nghiệp) những ngành nghề mà theo quy định của pháp luật phải có bằng cấp chuyên môn, thì phải có bản sao bằng cấp chuyên môn.
8/ Đối với sáng lập viên là tổ chức phải có bản sao quyết định thành lập, bản sao chứng nhận ĐKKD.
- Đối với sáng lập viên là DNNN, các tổ chức làm kinh tế của các tổ chức xã hội, phải có quyết định của cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp về việc cho phép tham gia thành lập doanh nghiệp, mức vốn góp vào doanh nghiệp và người đại diện cho tổ chức đó khi tham gia thành lập doanh nghiệp.
- Đối với sáng lập viên là hợp tác xã thì phải có nghị quyết của đại hội xã viên hoặc đại hội đại biểu xã viên về việc tham gia và số vốn tham gia thành lập doanh nghiệp.
9/ Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, hoặc người nước ngoài cư trú lâu dài tại Việt Nam muốn xin phép đầu tư trực tiếp thành lập doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, Công ty cổ phần, ngoài các quy định nêu trên, hồ sơ còn phải có:
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư trực tiếp tại VIệt Nam phải có giấy xác nhận nguồn gốc người Việt Nam của cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự Việt Nam tại nước đó, hoặc xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của nước mà người gốc Việt Nam định cư. Xác nhận về việc họ không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án ở Việt Nam hoặc ở nước ngoài mà chưa được xóa án hoặc còn ở trong thời gian bị cấm quyền kinh doanh theo bản án của Toà án nước ngoài. Bản sao hộ chiếu, thị thực nhập cảnh.
- Đối với người nước ngoài cư trú lâu dài tại Việt Nam phải có giấy hứng nhận thường trú theo quy định tại điều 11 pháp lệnh nhập cảnh cư trú, đi lại của người nước ngoài tại Việt Nam và nếu đã cư trú trên một năm phải có thêm giấy xác nhận của công an phường xã nơi cư trú về việc họ không thuộc diện quy định tại điều 6, điều 7 Luật DNTN và điều 6, điều 7 Luật công ty.
- Nếu người xin phép thành lập doanh nghiệp hiện đang là Trưởng văn phòng đại diện, trưởng chi nhánh của công ty nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam thì phải có ý kiến bằng văn bản của công ty nước ngoài có đặt văn phòng đại diện, chi nhánh ở Việt Nam chấp thuận.
Tất cả các giấy tờ nêu trên nếu bằng tiếng nước ngoài đều phải dịch ra tiếng Việt và phải có xác nhận của cơ quan công chứng.
10/ Riêng với Công ty cổ phần, phải được ngân hàng nơi dự định đặt trụ sở công ty cổ phần xác nhận các sáng lập viên đã nộp vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng số tiền không ít hơn 20% số vốn điều lệ.
Các loại giấy tờ trên, nếu là bản sao phải được cơ quan công chứng xác nhận.
Điều 6: Hồ sơ xin thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của DN tại Bình Thuận (05 bộ).
- Đơn xin phép lập chi nhánh, văn phòng đại diện (mẫu 03 Bộ Tư pháp).
- Bản sao giấy phép thành lập, giấy chứng nhận ĐKKD của doanh nghiệp.
- Phương án hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện tại Bình Thuận.
- Lý lịch của người đại diện chi nhánh, văn phòng đại diện tại Bình Thuận.
- Giấy tờ chứng thực hợp lệ về trụ sở đặt chi nhánh, văn phòng.
- Công văn của UBND Tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở có ý kiến về việc doanh nghiệp lập chi nhánh tại Bình Thuận.
- Giấy phép hành nghề (đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Chương III: Đăng ký kinh doanh
Điều 7: Trình tự, thủ tục xét cấp ĐKKD.
Sau khi được cấp giấy phép thành lập và đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, tiến hành họp toàn thể thành viên hoặc đại hội đồng thành lập để thông qua điều lệ hoạt động (đối với công ty) và các thủ tục cần thiết khác để tổ chức hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp phải tiến hành ĐKKD.
Kể từ khi được cấp giấy chứng nhận ĐKKD, doanh nghiệp có tư cách pháp nhân và được tiến hành hoạt động kinh doanh.
Hổ sơ đăng ký kinh doanh:
1/ Giấy phép thành lập doanh nghiệp do UBND Tỉnh cấp (1 bản).
2/ Giấy chứng nhận của ngân hàng nơi doanh nghiệp đặt trụ sở về số tiền Việt Nam, ngoại tệ, vàng (5 bản).
3/ Biên bản của Hội đồng định giá tài sản bằng hiện vật có xác nhận của cơ quan công chứng Nhà nước về giá trị tài sản nếu vốn bằng hiện vật hoặc bản quyền sở hữu công nghiệp (5 bản).
4/ Giấy tờ hợp lệ về quyền sử dụng nơi làm trụ sở giao dịch (1 bản).
5/ Điều lệ công ty có xác nhận cơ quan công chứng, kèm theo danh sách Hội đồng quản trị, kiểm soát viên, Ban giám đốc hoặc biên bản phân công đảm nhiệm các chức trách quản lý và kiểm soát (trường hợp công ty TNHH có số thành viên không quá 11 người) (5 bản).
6/ Giấy phép hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của UBND Tỉnh và quy chế hành nghề của cơ quan quản lý ngành (mỗi loại 1 bản).
Các loại giấy tờ trên, nếu là bản sao phải có xác nhận của cơ quan công chứng.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư Tỉnh phải hoàn tất việc cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp.
Đối với những doanh nghiệp cần có thời gian chuẩn bị vốn, trụ sở thì Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện việc cấp giấy chứng nhận ĐKKD trong thời hạn 60 ngày đối với DNTN, 180 ngày đối với công ty TNHH và một năm đối với công ty cổ phần kể từ ngày doanh nghiệp được cấp giấy phép thành lập. Quá thời hạn trên mà doanh nghiệp chưa ĐKKD, nếu muốn tiếp tục thành lập doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp, các sáng lập viên phải làm lại thủ tục xin phép thành lập. Trong trường hợp có lý do chính đáng, UBND Tỉnh có thể xét gia hạn giấy phép nhưng không quá 30 ngày (đối với DNTN), 9 ngày (đối với công ty).
Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày cấp chứng nhận ĐKKD cho doanh nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư phải gửi bản sao ĐKKD kèm hồ sơ theo quy định đến các ngành: Thuế, Tài chính, Thống kê và cơ quan quản lý ngành kinh tế - kỹ thuật cùng cấp.
Điều 8: Đăng ký kinh doanh trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp:
1/ Doanh nghiệp trong Tỉnh muốn đặt chi nhánh, văn phòng đại diện ngoài Tỉnh phải làm đơn xin phép UBND Tỉnh và sau khi đã thực hiện ĐKKD cho chi nhánh, văn phòng đại diện theo quy định, doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận biết trong vòng 15 ngày.
2/ Trongquá trình hoạt động kinh doanh, khi doanh nghiệp có nhu cầu chuyển sở hữu doanh nghiệp, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, cho thuê doanh nghiệp, thay đổi tên doanh nghiệp, thay đổi, bổ sung ngành nghề kinh doanh, thay đổi trụ sở, vốn, bổ sung điều lệ...đều phải làm thủ tục xin phép thay đổi và ĐKKD thay đổi, bổ sung tại Sở Kế hoạch và Đầu tư. Những thay đổi trong hoạt động kinh doanh mà không đăng ký đều không có giá trị pháp lý và doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Sở Kế hoạch và Đầu tư Tỉnh căn cứ các quy định hiện hành hướng dẫn chi tiết thủ tục đăng ký thay đổi cho doanh nghiệp.
Điều 9: Kiểm tra hoạt động sau đăng ký kinh doanh:
1/ Ngoài việc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ cho các cơ quan theo quy định của Pháp lệnh về kế toán và thống kê, các doanh nghiệp phải báo cáo định kỳ về Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở quản lý ngành kinh tế - kỹ thuật.
2/ Sở Kế hoạch và Đầu tư Tỉnh có trách nhiệm tổng hợp báo cáo định kỳ hàng tháng về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND Tỉnh tình hình thành lập, ĐKKD và những thay đổi, bổ sung trong quá trình hoạt động của những doanh nghiệp đã ĐKKD.
3/ Sở Kế hoạch và Đầu tư Tỉnh phối hợp các ngành liên quan tổ chức kiễm tra hoạt động của doanh nghiệp ngoài quốc doanh sau khi cấp giấy chứng nhận ĐKKD và kiến nghị đến các cơ quan liên quan có thẩm quyền xử lý những trường hợp vi phạm.
Điều 10: UBND các huyện, thị khi xét cấp giấy phép kinh doanh cho cá nhân và nhóm kinh doanh theo Nghị định 66/HĐBT ngày 02/3/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) phải rà soát kỹ, các hộ kinh doanh có vốn bằng hoặc lớn hơn vốn pháp định để thành lập doanh nghiệp phải thực hiện việc thành lập và ĐKKD theo luật.
Chương IV: Tổ chức thực hiện
Điều 11: Các Sở, ngành quản lý kinh tế kỹ thuật chịu trách nhiệm rà soát lại số hồ sơ xin phép thành lập doanh nghiệp còn tồn đọng ở Sở, ngành. Đối với hồ sơ đã nhận nhưng chưa tổ chức thẩm định và trình UBND Tỉnh giải quyết, thì chuyển giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư để tiếp nhận giải quyết.
Điều 12: Giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư Tỉnh chịu trách nhiệm hướng dẫn thực hiện quyết định này.
UBND TỈNH BÌNH THUẬN
PHỤ LỤC NGÀNH NGHỀ QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 5 LUẬT DNTN VÀ ĐIỀU 11 LUẬT CÔNG TY Việc thành lập DNTN và công ty trong các ngành nghề dưới đây phải được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) cho phép: 1/ Sản xuất và lưu thông thuốc nổ, thuốc độc, hoá chất độc; 2/ Khai thác các loại khoáng sản quý; 3/ Sản xuất và cung ứng điện, nước có quy mô lớn; 4/ Sản xuất các phương tiện phát sóng truyền tin; dịch vụ bưu chính viễn thông, truyền thanh, truyền hình, xuất bản; 5/ Vận tải viễn dương và vận tải hàng không; 6/ Chuyên kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu; 7/ Du lịch quốc tế./. |