CHỈ THỊ CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH Về việc tổ chức triển khai thực hiện Tổng điều tra các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2002
Thực hiện Quyết định số 05/2002/QĐ-TTg ngày 04 tháng 01 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ và phương án số 234/2002/PA-TĐT ngày 16 tháng 4 năm 2002 của Ban Chỉ đạo Tổng điều tra các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp Trung ương về tổ chức Tổng điều các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2002. Để bảo đảm cuộc Tổng điều tra đạt kết quả tốt và đúng thời gian qui định, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp, Giám đốc các Sở, ban, ngành, cơ quan trực thuộc tổ chức triển khai, thực hiện Tổng điều tra theo những nội dung sau: I/- Về phạm vi, nội dung, phương pháp và thời điểm điều tra: 1) Đối tượng, đơn vị điều tra: a/ Đối với khu vực sản xuất, kinh doanh : Đối tượng điều tra là toàn bộ các doanh nghiệp bao gồm : các doanh nghiệp hạch toán kinh tế độc lập (thuộc các ngành kinh tế) đã được thành lập, đang hoạt động và chịu sự điều chỉnh bởi các Luật Doanh nghiệp nhà nước, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Luật Hợp tác xã; Cụ thể: Doanh nghiệp nhà nước trung ương, Doanh nghiệp nhà nước địa phương, Doanh nghiệp tập thể (hợp tác xã), Doanh nghiệp tư nhân, Công ty trách nhiệm hữu hạn từ 2 thành viên trở lên, Công ty cổ phần có vốn nhà nước, Công ty cổ phần không có vốn của nhà nước, Doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài. - Toàn bộ các cơ sở chi nhánh, đơn vị phụ thuộc, văn phòng đại diện của các loại hình doanh nghiệp nói trên, kể cả các văn phòng đại diện của các doanh nghiệp nước ngoài. - Toàn bộ các cơ sở cá thể sản xuất, kinh doanh mọi ngành, nghề (trừ ngành nông, lâm, ngư nghiệp), đã đăng ký kinh doanh hoặc chưa đăng ký kinh doanh nhưng trên thực tế đang hoạt động trong một ngành nghề xác định. b/ Đối với khu vực hành chính, sự nghiệp, đảng, đoàn thể, hiệp hội: Đối tượng điều tra là: - Các cơ quan nhà nước (quản lý hành chính, HĐNĐ, tư pháp các cấp), cơ quan Đảng, tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp (các hiệp hội, hội nghề nghiệp..), các đơn vị cơ sở hoạt động xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo..., các đơn vị hoạt động sự nghiệp (giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội, thể thao, nghiên cứu khoa học, công nghệ, môi trường...). - Các chi nhánh, đơn vị phụ thuộc của các cơ quan, tổ chức nói trên. c/ Đơn vị điều traĐơn vị điều tra là “ Đơn vị cơ sở”, với định nghĩa là : - Nơi trực tiếp diễn ra hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ, hoặc hoạt động quản lý hành chính, sự nghiệp, hoạt động của các tổ chức xã hội, đoàn thể; - Có chủ thể quản lý hoặc người chịu trách nhiệm thực hiện công việc tại đó; - Có địa điểm cố định, trên một diện tích xác định; - Có thời gian hoạt động 3 tháng trở lên/năm (định kỳ hoặc liên tục). 2) Nội dung điều tra: Nội dung điều tra bao gồm các nhóm chỉ tiêu chính như sau: a/- Nhóm chỉ tiêu nhận dạng về đơn vị cơ sở: tên cơ sở, địa chỉ, số điện thoại, số Fax, loại hình tổ chức, ngành nghề hoạt động,... b/- Nhóm chỉ tiêu về lao động, thu nhập của người lao động: lao động (phân theo giới, trình độ đào tạo), tiền lương, thu nhập của người lao động,... c/- Nhóm chỉ tiêu về công nghệ thông tin gồm: số lượng máy vi tính, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin. d/- Nhóm chỉ tiêu kết quả kinh doanh, tài chính : doanh thu, vốn, tài sản, chi phí, lãi, lỗ,... 3) Phương pháp điều tra: Do đối tượng điều tra rộng, nhiều loại hình kinh tế, qui mô sản xuất kinh doanh, trình độ hạch toán kinh tế khác nhau, vì vậy, cuộc Tổng điều tra sẽ sử dụng hai phương pháp điều tra gián tiếp và trực tiếp. - Điều tra gián tiếp: Điều tra viên đến phát phiếu điều tra và bản giải thích cho từng đơn vị điều tra, hướng dẫn cách làm, hẹn thời gian kiểm tra, thu phiếu; đơn vị điều tra tự điền thông tin vào phiếu điều tra. Phương pháp này áp dụng cho các đơn vị điều tra là doanh nghiệp hạch toán kinh tế độc lập thuộc mọi loại hình tổ chức, các chi nhánh, đơn vị phụ thuộc của chúng và các đơn vị hành chính , sự nghiệp. - Điều tra trực tiếp : điều tra viên đến từng đơn vị điều tra để trực tiếp phỏng vấn, ghi phiếu điều tra. Phương pháp này áp dụng đối với các đơn vị điều tra là các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đơn vị điều tra là cơ sở chi nhánh hay đơn vị phụ thuộc, nếu cơ sở có tổ chức, hoạt động đơn giản, người chịu trách nhiệm về cơ sở có thể trả lời được ngay các câu hỏi trong phiếu, thì điều tra viên có thể dùng phương pháp điều tra trực tiếp để rút ngắn thời gian thu thập số liệu. Trong qúa trình điều tra phải kiểm tra, giám sát thường xuyên để kịp thời sửa chữa, khắc phục sai sót, đồng thời đôn đốc nhắc nhở để cuộc điều tra được tiến hành thường xuyên, liên tục và kết thúc đúng thời gian qui định. 4) Thời điểm điều tra và thời kỳ thu thập thông tin: - Thời điểm điều tra bắt đầu từ ngày 01/7/2002 - Thời kỳ thu thập thông tin: + Các chỉ tiêu như: lao động, vốn, tài sản...của doanh nghiệp thu thập số liệu theo thời điểm 31/12/2001 và 01/7/2002. Các đơn vị hành chính sự nghiệp, hộ cá thể thu nhập số liệu theo thời điểm 01/7/2002 + Các chỉ tiêu như: doanh thu, thu nhập, lợi nhuận, lỗ lãi,... của doanh nghiệp và các đơn vị hành chính sự nghiệp thu thập số liệu thời kỳ năm 2001 và 6 tháng 2002. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể thu thập số liệu doanh thu bình quân tháng. II/- Tổ chức thực hiện : 1) Ban chỉ đạo các cấp khẩn trương, chỉ đạo thực hiện các công việc sau: Ban chỉ đạo Tổng điều tra của tỉnh có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo điều hành, mở hội nghị triển khai, tập huấn nghiệp vụ cho Ban chỉ đạo huyện, thành phố và các đội trưởng, điều tra viên cấp tỉnh, phân công thành viên Ban chỉ đạo thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các huyện, thành phố và cơ sở tiến hành điều tra thu thập số liệu kịp thời, chính xác theo đúng chỉ tiêu biểu mẫu quy định. Ban chỉ đạo huyện, thành phố có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo phân chia địa bàn điều tra, lập danh sách đơn vị điều tra trên địa bàn mình phụ trách; tuyển chọn lực lượng trực tiếp điều tra (Điều tra viên, đội trưởng điều tra) là những người có trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, có tinh thần tự giác, có sức khỏe và khả năng vận động quần chúng để khai thác thu thập thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác, am hiểu tình hình thực tế của địa phương. Tùy theo tổng số đơn vị điều tra, tình hình thực tế ở địa phương để xác định địa bàn điều tra (mỗi địa bàn điều tra huy động 01 điều tra viên và cứ 8 điều tra viên huy động 01 đội trưởng). Ban chỉ đạo huyện, thành phố thường xuyên tổ chức kiểm tra hướng dẫn, đôn đốc cơ sở tiến hành điều tra theo đúng phương án, biểu mẫu, đồng thời thu thập phần kết quả điều tra của cơ sở, kiểm tra, tổng hợp nhanh kết quả điều tra theo đúng phương án quy định của Ban chỉ đạo tỉnh; đồng thời triển khai, tập huấn nghiệp vụ điều tra cho đội trưởng và điều tra viên ở các xã, phường, thị trấn. 2) Chậm nhất đến ngày 25/5/2002 Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố gửi danh sách Ban chỉ đạo của địa phương mình về thường trực Ban chỉ đạo tỉnh (Cục Thống kê) để Ban chỉ đạo tỉnh tổ chức tập huấn và kiểm tra đôn đốc việc thực hiện. Chỉ đạo các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của cuộc Tổng điều tra các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2002. 3) Giao Cục Thống kê tỉnh chủ trì phối hợp với các ngành liên quan xây dựng phương án cụ thể Tổng điều tra của tỉnh đảm bảo đạt yêu cầu, mục đích và tiến độ thời gian của cuộc Tổng điều tra do Trung ương và tỉnh quy định. 4) Sở Văn hóa - Thông tin phối hợp Báo Bình Thuận, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh và thường trực Ban chỉ đạo tỉnh (Cục Thống kê) có kế họach phổ biến, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa và nội dung của cuộc Tổng điều tra lần này. 5) Sở Tài chính-Vật giá, Sở Kế hoạch&Đầu tư và Cục thuế tỉnh cung cấp cho thường trực Ban chỉ đạo tỉnh (Cục Thống kê) danh sách các doanh nghiệp, các đơn vị hành chính, sự nghiệp, các hộ cá thể trước ngày 25/5/2002. 6) Cục Thống kê phối hợp với Sở Tài chính - Vật giá lập dự trù kinh phí xử lý tổng hợp số liệu tổng điều tra (chi tiết đến địa bàn xã, phường, thị trấn) làm tài liệu phục vụ cho những yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định.
III/. Thời gian thực hiện: + Đến ngày 29/5/2002: Ban chỉ đạo các huyện, thành phố hòan thành việc tuyển chọn điều tra viên, đội trưởng và danh sách các đơn vị điều tra trên địa bàn. + Từ ngày 29/5 - 31/5/2002: Ban chỉ đạo tỉnh hòan thành việc tổ chức tập huấn cho Ban chỉ đạo và tổ chuyên viên các huyện, thành phố. + Từ ngày 01/6 - 15/6/2002: Ban chỉ đạo các huyện, thành phố hoàn thành việc tổ chức tập huấn cho đội trưởng và điều tra viên. + Từ ngày 16/6 - 15/7/2002: tiến hành điều tra trực tiếp đồng loạt ở các thôn, khu phố trong toàn tỉnh. + Từ ngày 16/7 - 05/8/2002: Ban chỉ đạo huyện, thành phố kiểm tra, tổng hợp và gửi tòan bộ phiếu điều tra và kết quả tổng hợp về Ban chỉ đạo tỉnh. Ban chỉ đạo huyện, thành phố tổ chức nghiệm thu phiếu điều tra của đội trưởng, điều tra viên theo phương án quy định. + Từ ngày 06/8 - 20/8/2002 : Ban chỉ đạo tỉnh tổ chức nghiệm thu và phúc tra theo quy định. + Từ ngày 21/8 - 15/9/2002: Ban chỉ đạo tỉnh tổng hợp nhanh báo cáo cho Ban chỉ đạo Trung ương và Uỷ ban nhân dân tỉnh. + Đến 30/11/2002: Hòan tất việc xử lý chính thức và báo cáo phân tích kết quả tổng điều tra phục vụ địa phương. Kết quả điều tra sẽ cung cấp những thông tin cơ bản về tình hình kinh tế xã hội và sự phân bổ các đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp đang hoạt động trên toàn tỉnh và theo từng huyện, thành phố; làm mốc so sánh, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ X - giai đoạn 2001-2010; làm căn cứ xây dựng các quy hoạch phân vùng. Do vậy, Ban chỉ đạo các cấp cần tổ chức tốt việc tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đội trưởng, điều tra viên làm đúng các quy trình của Tổng điều tra (thu thập thông tin chính xác, kịp thời, đầy đủ, phân loại ngành nghề và loại đơn vị chính xác). Giao cho Cục Thống kê chủ trì phối hợp với Uỷ ban nhân dân các cấp và các Sở, Ngành liên quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt nội dung chỉ thị này./.
|